Tổng kết tình hình Biển Đông sáu tháng đầu năm 2022

Tags: Biển Đông

Trong nửa đầu năm 2022, tình hình Biển Đông vẫn xoay quanh cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung. Trung Quốc đang không ngừng khẳng định vị thế và vai trò của mình trong khu vực trên hai mặt trận ngoại giao, quân sự, đồng thời tăng cường đầu tư cho các hoạt động quốc phòng. Trong khi đó, Mỹ tham gia tích cực vào các diễn đàn hợp tác đa phương trong khu vực nhằm nâng cao vai trò và tận dụng mọi cơ hội để kiềm chế Trung Quốc. Trong bối cảnh này, các quốc gia trong và ngoài Đông Nam Á chia sẻ lợi ích trong khu vực đã có những động thái đáp lại.

TRUNG QUỐC

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc không ngừng nỗ lực trong việc (1) gây hấn với các quốc gia trong khu vực, (2) dẫn dắt dư luận theo chiều hướng có lợi cho những hành động gây hấn của mình và (3) chuẩn bị cho các tình huống chiến tranh có thể xảy ra. 

1. Các hành vi gây hấn và đe dọa tình hình Biển Đông

Trong nửa đầu năm 2022, Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện của mình trên Biển Đông nhằm chứng minh sức mạnh cũng như củng cố vị thế thông qua việc chủ động gây hấn đối với những quốc gia có quyền lợi trong khu vực.

Trên Biển Đông, Trung Quốc đã thực hiện các hành vi gây hấn với Úc. Cụ thể, Úc cáo buộc hải quân Trung Quốc đã sử dụng tia laser để chiếu sáng một máy bay giám sát P-8A Poseidon của Úc khi đang bay qua vùng biển phía bắc nước họ vào ngày 17/02.[1] Bên cạnh đó, vào ngày 13/5, Bộ Quốc phòng Úc cho biết đã phát hiện một tàu tình báo của Trung Quốc xuất hiện ngoài khơi của bờ biển phía Tây Bắc nước họ.[2] Chỉ vài tuần sau, Bộ Quốc phòng Úc tiếp tục thông báo trong một tuyên bố về việc trinh sát cơ P-8 của nước này đã bị tiêm kích J-16 Trung Quốc chặn khi đang thực hiện hoạt động giám sát hàng hải thường lệ trên không phận quốc tế ở Biển Đông vào ngày 26/5.

Philippines cũng chịu sự đe dọa khi một tàu hải cảnh của Trung Quốc mang số hiệu 3305 đã được điều động đến gần tàu BRP Malabrigo của Philippines trên bãi cạn Scarborough (chỉ cách 19,2m) vào ngày 02/3. Phía lực lượng tuần duyên Philippines (PCG) đã tố cáo hành động của Trung Quốc làm hạn chế không gian điều động của tàu BRP Malabrigo và vi phạm luật pháp quốc tế. Đô đốc Artemio Abu, chỉ huy của PCG cho biết PCG đã yêu cầu Bộ Ngoại giao của Philippines giải quyết vấn đề thông qua các phương pháp tiếp cận hòa bình và dựa trên luật lệ[3].

Có thể thấy, trong 6 tháng qua, Trung Quốc đã tiếp tục thực hiện những hành động “bạo lực” nhắm vào các quốc gia có mối quan hệ mật thiết với Mỹ, gây ra những thiệt hại đáng kể. Mục đích của Trung Quốc thông qua những hành động này vừa để gia tăng sự đe dọa đối với các nước khác, vừa để củng cố sự hiện diện của mình trong khu vực.

2. Dẫn dắt và định hướng dư luận

Những hành động gây hấn trên Biển Đông cùng các tuyên bố về chủ quyền hàng hải của Trung Quốc đã tạo ra không ít căng thẳng trong mối quan hệ giữa nước này với các nước có liên quan đến tranh chấp như Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam. Hành động này đã làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc với cộng đồng quốc tế và góp phần đẩy các quốc gia này gần gũi hơn với Mỹ.[4] Nhận thấy điều đó, Trung Quốc tăng cường những nỗ lực ngoại giao mang tính song phương, nhất là với những quốc gia có chung lợi ích tại Biển Đông và mong muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Mặt khác, nước này đã tận dụng các diễn đàn song phương, đa phương để lên tiếng dẫn dắt dư luận theo chiều hướng trái ngược với những hành vi gây hấn của mình trên Biển Đông. Cụ thể, theo Reuters, sau cuộc gặp mặt với người đồng cấp Philippines vào ngày 17/1/2022, Quốc vụ khanh – Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã khẳng định rằng nước này sẽ không sử dụng sức mạnh của mình để “bắt nạt” các nước nhỏ hơn trong khu vực. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp tại Biển Đông.[5] Tiếp đó, trong đối thoại Shangri-La diễn ra từ 10-12/06/2022, Bộ trưởng Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa cũng đã lên tiếng kêu gọi xây dựng Biển Đông thành vùng biển của hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Ông cho rằng đây là trách nhiệm chung của các nước trong khu vực. Đồng thời, Trung Quốc cũng khẳng định sẽ đảm bảo tự do hàng hải tại khu vực Biển Đông dựa trên pháp luật quốc tế và thể hiện thái độ lên án “một số nước lớn từ lâu đã thực hiện sự bá quyền hàng hải trên danh nghĩa bảo vệ tự do hàng hải”, được cho là nhắm vào Mỹ.

Về việc thúc đẩy hợp tác tại Biển Đông, Trung Quốc kêu gọi giải quyết tranh chấp trên biển thông qua đối thoại hữu nghị giữa các nước láng giềng. Dù đôi lúc giữa các nước có sự bất đồng, ông Phượng Hòa cho đây là điều hết sức tự nhiên và chìa khóa của vấn đề nằm ở việc duy trì lợi ích chung, trong khi đó làm việc cùng nhảu để giải quyết những mâu thuẫn và thúc đẩy hợp tác, phát triển chung. Mặt khác, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc khuyến khích thúc đẩy những lợi ích tổng thể và lâu dài, tìm cách thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC (Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên ở Biển Đông) và tạo ra tiến triển vững chắc trong đối thoại COC (Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông).[6] Bài phát biểu của Trung Quốc đã nhận nhiều chỉ trích vì không hề đề cập đến việc Trung Quốc gia tăng sức ép quân sự hay đơn phương đặt ra các quy định trái phép để hợp pháp hóa tuyên bố chủ quyền phi pháp của mình ở Biển Đông. Ghi nhận về phản ứng của các nước trước thái độ ôn hoà của Trung Quốc tại Biển Đông, PGS. Stephen R Nagy đã chỉ ra rằng các quốc gia Đông Nam Á không tin tưởng vào các tuyên bố của Trung Quốc và vẫn tỏ thái độ quan ngại về tham vọng bá quyền khu vực của nước này (theo khảo sát hằng năm của Viện Nghiên cứu Yusof Ishak, Singapore). [7]

3. Chuẩn bị cho các tình huống chiến tranh có thể xảy ra

Nhằm nâng cao năng lực quốc phòng trên Biển Đông, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận, đồng thời đầu tư cho việc hiện đại hóa khí tài quân sự. Các hành động này mang hàm ý Trung Quốc đang từng bước chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống chiến tranh có thể xảy ra.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc đã liên tục tiến hành các cuộc tập trận dài ngày tại Biển Đông để nâng cao khả năng chiến đấu cho quân đội của mình.[8] Đáng chú ý, trong 2 đợt tập trận (04 -15/3 và 19/3 – 09/4) mà Trung Quốc tiến hành tại khu vực nằm giữa tỉnh Hải Nam và Việt Nam, lực lượng không quân Trung Quốc đã tập trận cả ngày lẫn đêm với nhiều loại máy bay chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ từ các căn cứ không quân trong suốt 20 giờ. Theo giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Úc, các cuộc tập trận này được thiết kế nhằm chứng minh năng lực quân sự của Trung Quốc và là một phản ứng đáp lại những hoạt động của máy bay và tàu chiến Mỹ.[9] Ngoài ra, cũng trong tháng 4, truyền thông Trung Quốc đưa tin tàu tấn công với tên gọi Hải Nam của nước này đã tiến hành huấn luyện chiến đấu và diễn tập bắn đạn thật ở Biển Đông. Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc, cuộc diễn tập này được thực hiện nhằm củng cố và nâng cao khả năng tác chiến.[10] Không chỉ vậy, vào ngày 19/6, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) đã thông báo tập trận quân sự tại khu vực nằm trong lãnh hải 12 hải lý của đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Đối mặt với hành động này của Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam – bà Lê Thị Thu Hằng cho biết một phần vùng diễn tập quân sự trên thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, đồng thời kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền của Việt Nam, góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực Biển Đông [11].

Theo AP đưa tin vào tháng 3, Trung Quốc thông báo quốc gia này sẽ tiếp tục tăng chi tiêu cho lĩnh vực quốc phòng lên 229 tỷ đô la Mỹ. Hầu hết những chi phí này được phục vụ cho việc cải thiện chất lượng sinh hoạt của quân đội. Lực lượng quân đội Trung Quốc hiện diện không chỉ tại khu vực Biển Đông mà còn ở các địa điểm khác như Đài Loan, Tây Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương. Trong khoảng nửa đầu năm nay, hàng loạt phương tiện quân sự tối tân của Trung Quốc đã liên tiếp xuất hiện trên Biển Đông. Vào tháng 4, máy bay chiến đấu J-20 thuộc loại máy bay tiên tiến nhất của quốc gia này đã được sử dụng vào việc tuần tra tại Biển Đông.[12] Trong tháng 5 vừa rồi Trung Quốc cũng đã đưa tàu quân sự tấn công đổ bộ Hải Nam vào khu vực Biển Đông. Đây là con tàu loại 075 đầu tiên và lớn nhất của quân đội Trung Quốc được dùng để đào tạo chiến đấu và tập trận đạn đạo. Nhà nghiên cứu Zhou Chenming tại think tank Techxcope ở Bắc Kinh nhận định tàu Hải Nam sẽ làm tăng sự răn đe đồng thời thúc đẩy cung cấp hàng hóa đến các đảo tại khu vực Biển Đông. Chuyên gia phân tích cấp cao Timothy Health tại think tank Rand của Mỹ cũng chia sẻ đồng quan điểm rằng con tàu này có thể nhanh chóng triển khai rất nhiều phương tiện đổ bộ có vũ trang và trực thăng để tiến hành một cuộc tấn công đa chiều tại một mục tiêu và nó sẽ đặc biệt hữu dụng cho những cuộc đổ bộ giành lại những đảo bị chiếm bởi những quốc gia khác. Ông Health cũng đánh giá Trung Quốc đã có đủ khả năng để chiếm đóng các đảo và bãi cạn quy mô nhỏ từ những quốc gia láng giềng tại Biển Đông sau khi thành công đưa con tàu loại 075 này ra thực địa.[13]

Nhìn chung, Trung Quốc vẫn tiếp tục có những động thái bành trướng trên thực địa trong 6 tháng đầu năm 2022 khiến tình hình Biển Đông luôn trong trạng thái căng thẳng, phức tạp. Mặt khác, ở mặt trận ngoại giao, nước này lại nỗ lực đánh lạc hướng dư luận bằng việc kêu gọi hòa bình và hợp tác tại Biển Đông. Dù vậy, đây không phải là một nước đi thành công của Trung Quốc khi nước này vẫn phải nhận những lời chỉ trích từ cộng đồng quốc tế trước những hành động của mình.

MỸ

Trong sáu tháng đầu năm 2022, Mỹ nỗ lực thực hiện ba mục tiêu lớn: (1) Tiếp tục xây dựng, mở rộng và củng cố vị thế, vai trò tại Biển Đông; (2) Cải thiện quan hệ với các quốc gia đồng minh (3) Tìm kiếm những cơ hội để kiềm chế Trung Quốc tại Biển Đông.

1. Tiếp tục xây dựng và mở rộng vị thế, vai trò theo hướng cân bằng và toàn diện tại Biển Đông

Nước Mỹ trong năm 2022 vẫn không ngừng những nỗ lực xác lập vị thế tại Biển Đông, nhất là trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị với Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (ÂĐD-TBD). Trong đó, các chính sách của Mỹ tại Biển Đông trong năm 2022 đã và đang được triển khai nhất quán theo khuôn khổ Chiến lược ÂĐD-TBD được công bố vào tháng 2/2022 bởi Tổng thống Joe Biden.

Theo Girish Luthra từ viện ORF, chiến lược của Mỹ đã cho thấy sự phát triển về mục tiêu và quan điểm của Mỹ về khu vực ÂĐD-TBD so với Báo cáo Chiến lược ÂĐD-TBD năm 2019. Trong đó, Mỹ nhấn mạnh sự hiện diện của Trung Quốc tại khu vực là “thách thức chính” cũng như cập nhật lại mục tiêu tại khu vực là “cân bằng hóa” (thay vì “củng cố”) ảnh hưởng tại ÂĐD-TBD. Tuy nhiên, trước thực tiễn rằng cạnh tranh giữa các quốc gia có thể dẫn đến những tác động khó lường, Mỹ bày tỏ mong muốn cạnh tranh với Trung Quốc trên tinh thần “lành mạnh và có trách nhiệm”.[14] Manoj Joshi, một học giả khác tại OFR, quan ngại về khả năng xung đột quân sự giữa các quốc gia có tranh chấp tại Biển Đông, khơi mào bởi các tuyên bố chủ quyền phi lý và các động thái quân sự phi pháp của Trung Quốc tại khu vực.[15] Với mục tiêu duy trì ổn định tại Biển Đông, trong chiến lược năm 2022, Mỹ tiến hành các hoạt động với nhiều hình thức và cơ chế khác nhau. Một số có thể kể đến như là duy trì và củng cố trật tự thông qua luật pháp quốc tế, tăng cường triển khai các cơ chế đơn/song phương (lực lượng hải cảnh Mỹ, xây dựng thêm các đại sứ quán, lãnh sự quán, các tổ chức đại diện Mỹ,… tại các quốc gia liên quan đến tranh chấp) hay các cơ chế đa phương như ASEAN, QUAD,…[16]

Bên cạnh đó, Mỹ cũng tiến hành các cuộc tập trận ở quy mô lớn trong sáu tháng đầu năm. Tuy nhiên, phần lớn các cuộc tập trận này đều có sự phối hợp của nhiều nước. Điển hình là cuộc tập trận quy mô lớn Balikatan do quân đội Mỹ và Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) tổ chức trên đảo Luzon, Philippines từ ngày 28/3 – 8/4/2022[17]. Ngoài ra, Mỹ cũng tổ chức RIMPAC 2022 – cuộc tập trận hàng hải đa quốc gia bắt đầu ngày 29/6/2022 với sự tham gia của 26 quốc gia.

2. Củng cố mối quan hệ hợp tác trong và ngoài khu vực để giải quyết tình hình Biển Đông

Trong nửa đầu năm 2022, vai trò của các cơ chế ngoại giao đa phương lẫn song phương tiếp tục được Mỹ chú trọng tận dụng triệt để. Thông qua các cơ chế này, Mỹ mong muốn sẽ củng cố và xây dựng hình ảnh như là một quốc gia có vai trò “lãnh đạo” để giải quyết các vấn đề tại ÂĐD-TBD nói chung và Biển Đông nói riêng.

Với các cơ chế đa phương, QUAD và ASEAN là các tổ chức liên kết trong và ngoài khu vực quan trọng đối với chiến lược của Mỹ tại Biển Đông. Vào tháng 2 và tháng 5/2022, Mỹ đã nỗ lực xúc tiến để khối QUAD đưa ra được các hành động mang tính tập thể.[18] Thông qua các Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao QUAD lần IV (ngày 09-12/2/2022) và Hội nghị Thượng đỉnh QUAD (ngày 24/05/2022) tại Tokyo, các quốc gia thành viên đưa ra những cam kết ủng hộ các nguyên tắc của một khu vực ÂĐD-TBD tự do và rộng mở, nhấn mạnh vai trò của luật pháp quốc tế trong giải quyết các tranh chấp hàng hải. Quan trọng hơn, nhóm Bộ Tứ đã công bố sáng kiến Nhận thức về Lĩnh vực Hàng hải Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPMDA) nhằm hỗ trợ quần đảo Thái Bình Dương và các quốc gia ở Đông Nam Á và Ấn Độ Dương theo dõi đánh bắt cá bất hợp pháp và các hoạt động bất hợp pháp khác trong vùng biển của họ.[19] Đây được xem là bước đi quan trọng nhằm đối phó với các hành động phi pháp của Trung Quốc trong “Chiến lược vùng xám” hay “dân quân biển”.

Bên cạnh đó, Hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và ASEAN được tổ chức vào ngày 12-13/5/2022 tại thủ đô Washington nhằm kỷ niệm 45 năm quan hệ đối thoại giữa Mỹ và ASEAN. Tình hình Biển Đông và các vùng biển tranh chấp là vấn đề nổi bật được thảo luận giữa Mỹ và 10 quốc gia Đông Nam Á. Đặc biệt, trong tuyên bố tầm nhìn chung giữa Mỹ và ASEAN, thúc đẩy an ninh và hợp tác hàng hải là một trong những ưu tiên hàng đầu, cụ thể là việc hoàn thiện và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (CoC)[20]. Tại đây, Mỹ cũng cam kết hợp tác vấn đề an ninh trên biển tại khu vực ASEAN về những vấn đề cụ thể như: đánh bắt cá, bắt các nhóm tội phạm có tổ chức cấp quốc gia và đặc biệt là vấn đề tự do hàng hải.[21]

Bên cạnh các cuộc gặp đa phương, Mỹ còn tham dự nhiều cuộc họp song phương với các nước đồng minh (đặt biệt là trong khối QUAD) để bàn luận về tình hình Biển Đông. Từ tháng 1/2022, Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ đã tham gia Đối thoại an ninh trực tuyến theo cơ chế 2+2 với những người đồng cấp Nhật Bản. Tiếp nối, vào ngày 11/4/2022, Đối thoại thường niên Ấn Độ-Mỹ diễn ra cũng đề cập đến tình hình Biển Đông. Tại đây, các bên thể hiện sự quan ngại về những tính toán của Trung Quốc “hòng làm suy yếu trật tự dựa trên luật lệ” gây ra những thách thức trong lĩnh vực “chính trị, kinh tế, quân sự và công nghệ đối với cả khu vực lẫn thế giới”.[22] Bên cạnh đó, các bên cũng nhắc lại tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế. Trong đó, Mỹ và Nhật Bản cùng đi đến thỏa thuận nhằm “quyết tâm phối hợp để ngăn chặn và, nếu cần thiết, đối phó với các hành động gây bất ổn trong khu vực”. Với Mỹ và Ấn, hai bên tái khẳng định mong muốn xây dựng quan hệ đối tác phòng thủ sâu rộng thông qua sự hợp tác sâu hơn về quân sự của hai nước trên nhiều lĩnh vực.[23][24]

Để giải quyết tình hình Biển Đông phức tạp, Mỹ cần kêu gọi sự ủng hộ của các nước đồng minh và cả các nước có liên quan trong tranh chấp Biển Đông. Sự hợp tác cũng sẽ đem lại lợi ích cho Mỹ trong nhiều mặt khi phải đối đầu với đối thủ chiến lược là Trung Quốc ngay tại thời điểm này.

3. Tìm kiếm những cơ hội để kiềm chế Trung Quốc tại Biển  Đông

Ngay từ trước khi công khai chiến lược của mình tại ÂĐD – TBD, từ tháng 1/2022,  chính phủ Mỹ đã công bố một báo cáo mang tính toàn diện tại Biển Đông, trong đó bác bỏ nhiều yêu sách hàng hải của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp này. Báo cáo dài 44 trang phản ánh quan điểm chính thức của Mỹ với kết luận rằng: “Trung Quốc đã có động thái khẳng định các yêu sách hàng hải trái pháp luật ở hầu hết địa phận Biển Đông, bao gồm cả yêu sách về quyền lịch sử trái với luật quốc tế”, nhắc lại phán quyết của tòa trọng tài quốc tế năm 2016 liên quan đến đường chín đoạn của Trung Quốc.[25] Nội dung của báo cáo trên đã nhận được sự đồng thuận của nhiều quốc gia Biển Đông, trong đó có Việt Nam.[26]

Về mặt quân sự, Mỹ đã thực hiện nhiều động thái quân sự đơn phương, song phương cũng như đa phương dưới nhiều hình thức khác nhau. Mục đích chính là để thể hiện năng lực “cứng”, vừa mang tính răn đe Trung Quốc, vừa để củng cố lòng tin với các nước đồng minh và đối tác. Xuyên suốt tháng 1/2022, trong chuỗi hoạt động thúc đẩy tự do hàng hải (FONOP) trên Biển Đông, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson, USS Abraham Lincoln và nhóm tàu đổ bộ tấn công USS Essex cùng hội quân và tổ chức đợt diễn tập chung tại khu vực Biển Đông. Theo đại tá Nguyễn Minh Tâm tại Học viện Chính trị Công an Nhân dân nhận định các cuộc diễn tập chắc chắn nhằm khuếch trương thanh thế của các liên minh của Mỹ xung quanh Trung Quốc, với mục đích răn đe và ngăn chặn rất rõ ràng. Trong khi Mỹ thường xuyên công bố thông tin về các chiến dịch FONOP trên Biển Đông, đây là lần hiếm hoi Nhật Bản tiết lộ về hoạt động tuần tra tự do hàng hải của tàu chiến ở khu vực. Theo chuyên gia, cùng với các đợt diễn tập chung Mỹ – Nhật, những hoạt động FONOP này là dấu hiệu cho thấy quyết tâm hợp tác chặt chẽ giữa hai đồng minh nhằm đối phó với thách thức gia tăng từ Trung Quốc.[27] Cùng lúc đó, Hải quân Mỹ cũng cho biết các nhóm tác chiến đã thực hiện tập trận với hải quân Nhật Bản ở Biển Philippines và một khu vực ở vùng biển phía đông Đài Loan vào hôm 23/1.

Phát biểu tại “Hội nghị Thượng đỉnh an ninh châu Á Shangri-La” lần thứ 17 diễn ra tại Singapore từ ngày 10-12/06/2022 với mục tiêu cùng tranh luận để giải quyết những thách thức về mặt an ninh ở khu vực châu Á, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phản ánh rằng có tình trạng gia tăng “đáng báo động” số vụ chạm trán không an toàn và không chuyên nghiệp giữa máy bay và tàu Trung Quốc với máy bay và tàu của các nước khác. Trước các mối đe doạ mới, Mỹ sẽ tổ chức cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới “Vành đai Thái Bình Dương” (RIMPAC) cuối tháng 6. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện tích cực trên khắp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.[28]

Tóm lại, sáu tháng đầu năm 2022 tiếp tục chứng kiến nhiều động thái ngoại giao lẫn quân sự – an ninh của Mỹ tại Biển Đông. Trong bối cảnh đối thủ của Mỹ là Trung Quốc tăng cường những hoạt động khác nhau để tranh giành ảnh hưởng, cộng với tình hình chiến sự phức tạp tại Ukraine làm dấy lên những lo ngại về khả năng thực hiện các cam kết an ninh của Mỹ tại Châu Á – Thái Bình Dương. Nước Mỹ có nhiều động thái để khẳng định cam kết của mình, đồng thời nhấn mạnh vai trò của các tổ chức, diễn đàn đa phương là tất yếu để giải quyết những vấn đề an ninh cấp bách.

ASEAN

1. Đẩy mạnh tiến trình giải quyết vấn đề Biển Đông bằng luật pháp quốc tế:

Một trong những phương hướng giải quyết vấn đề Biển Đông hiện nay nhận được nhiều sự quan tâm đó chính là xây dựng một bộ quy tắc ứng xử (CoC) giữa các bên tham gia. Lần đầu tiên, khái niệm CoC được ASEAN lần đầu tiên đề cập vào năm 1992. Đến năm 2002, ký kết xây dựng Tuyên bố ứng xử trên Biển Đông (DoC) được định hướng xây dựng nội dung với những điều lệ hướng dẫn về các hành động hợp pháp được chấp nhận trên Biển Đông.[29] Tuy nhiên những giá trị về pháp lý mà DoC mang lại trong hiện tại vẫn còn quá hạn chế để kiểm soát những hành vi phạm pháp của Trung Quốc trên biển. Điều này đặt ra yêu cầu phải nhanh chóng hoàn thiện một CoC dựa trên luật quốc tế. Năm 2017, một bản dự thảo khung nội dung CoC đã từng được cả hai bên đưa ra[30] và một Văn bản Dự thảo Đàm phán duy nhất (Single Draft Negotiating Text – SDNT) vào năm 2018 cũng từng được thông qua[31]. Tuy nhiên cho đến nay, theo Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh vào năm 2019, các thương lượng về nội dung của CoC giữa các nước ASEAN và Trung Quốc chưa từng được công bố ra bên ngoài.[32]

Lần lượt trong tháng 2 và tháng 5 vừa qua, Hội nghị họp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã cùng và Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – ASEAN cùng nhau tiếp tục kêu gọi đẩy nhanh tiến trình xây dựng CoC trên Biển Đông. Các nước ASEAN tái khẳng định quan điểm đối với vấn đề Biển Đông đó chính là giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật quốc tế. Các nước ASEAN cũng bày tỏ hy vọng nhanh chóng thống nhất quan điểm đối với vấn đề Biển Đông nhằm có thể tiến tới đạt được CoC. Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia nghiên cứu Vishal Bhadri tại Viện Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột, sự thiếu đồng thuận trong cách tiếp cận với vấn đề Trung Quốc là một thách thức cần phải giải quyết để có thể hoàn thiện một bộ quy tắc ứng xử có giá trị cưỡng chế[33]. Luật sư Hoàng Việt, thành viên Ban Nghiên cứu Luật Biển và Hải đảo thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho rằng nội bộ các nước ASEAN hiện nay bị chia rẽ bởi vấn đề lợi ích khác biệt nhau. Vấn đề này sẽ khiến ASEAN tiếp tục không thể thống nhất quan điểm để giải quyết vấn đề Trung Quốc tại Biển Đông.[34]

2. Tăng cường sự hiện diện trên Biển Đông nhằm hạn chế hành vi bành trướng của Trung Quốc:

Bên cạnh xúc tiến việc xây dựng cơ chế pháp lý quốc tế để giải quyết vấn đề, các nước ASEAN còn đẩy mạnh hiện diện quân sự thông qua tổ chức tập trận tập thể giữa các nước trong khu vực và đẩy mạnh nâng cấp vũ trang.

Một trong những cuộc tập trận chung nổi bật tại khu vực là Balikatan – cuộc tập trận thường niên lớn nhất do Philippines đứng đầu. Balikatan 22 được quân đội Mỹ và quân đội của Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) phối hợp thực hiện và được tổ chức trên đảo Luzon, Philippines trong khoảng thời gian từ 28/3 đến 8/4. Thiếu tướng Charlton Sean Gaerlan, chỉ huy tập trận của AFP phụ trách Balikatan 22, cho rằng cuộc Tập trận Balikatan là một minh chứng cho sức mạnh của mối quan hệ an ninh giữa Philippines – Mỹ và là nỗ lực hợp tác giữa hai quốc gia để củng cố các nỗ lực an ninh chung hiện có tại Biển Đông[35]. Bên cạnh Balikatan 22, RIMPAC 2022 – cuộc tập trận hàng hải đa quốc gia lần thứ 28 do Mỹ tổ chức cũng có sự tham gia của sáu nước ASEAN bao gồm Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Brunei. Phía Indonesia cho rằng việc hải quân Indonesia tham gia RIMPAC 2022 cũng nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, nâng cao vai trò hải quân và tăng cường quan hệ hợp tác, đối ngoại.[36]

Một số quốc gia tại khu vực Đông Nam Á trong năm 2022 đang có cùng một điểm chung đó là gia tăng chi tiêu cho việc mua vũ khí và phương tiện quân sự, đồng thời đề ra các định hướng nâng cấp sức mạnh quân sự đặc biệt là hải quân. Tuy chưa chắc chắn đây có phải là hệ quả của việc Trung Quốc ngày càng thể hiện thái độ hung hăng Biển Đông hay không, nhưng nếu biểu hiện này tiếp tục được thể hiện trong những năm tiếp theo thì sự cấp bách nâng cấp quân sự của các nước Đông Nam Á là vô cùng đáng chú ý.[37]

Chi tiêu cho quốc phòng năm 2022 của Philippines mặc dù giảm do phải chi cho việc phục hồi các hậu quả từ ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (từ 239 tỉ peso giảm còn 222 tỉ peso) nhưng được đánh giá vẫn đang tập trung dành cho việc thu mua các loại vũ khí hạng nặng như tên lửa BrahMos và tàu chiến[38]. Hải quân Philippines đã được phân bổ khoảng 35 tỉ peso để chi trả cho các khoản tiền mua tàu tuần tra và tàu chiến. Cụ thể, 6 tàu tuần tra, 2 tàu corvette và 2 tàu frigate đã được đưa vào sử dụng trong thời gian còn đương nhiệm của tổng thống Duterte. Ngoài ra, Hải quân nước này cũng đang đẩy nhanh tiến độ nhập khẩu các tàu ngầm loại Scorpene của Pháp. Không quân Philippines cũng đã mua thêm nhiều loại máy bay nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Thụy Điển, Nga và vũ khí phòng không cho hệ thống phòng thủ phòng không mua Rafael của Israel. Tổng cộng trong thời gian từ cuối năm 2021 đến khi cựu Tổng thống Duterte hết nhiệm kỳ, khoảng 32 tỷ peso đã được chi cho việc mua các phương tiện và vũ khí quân sự. Philippines còn được nhận từ Mỹ các hệ thống vũ khí trị giá khoảng 18 triệu đô la Mỹ để đối phó với các căn cứ của Trung Quốc nằm ở phía Tây lãnh thổ của mình.[39]

Indonesia đã mua thành công ba tàu ngầm và một số tàu chiến mới trong những năm qua. Trong hai năm 2021 và 2022, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia cho hay đã được chính phủ phân bổ tổng cộng 271 nghìn tỷ rupiah, tương đương 18.8 tỷ đô la Mỹ. Con số này chiếm gần 7% tổng chi tiêu của chính phủ.[40] Một số quốc gia khác như Singapore và Malaysia cũng đang cho thấy những dấu hiệu nâng cấp khả năng quân sự và vũ trang quốc gia. Singapore trong đầu tháng 3 năm nay đã thông báo về dự định đẩy mạnh khả năng và năng lực quân sự thông qua tầm nhìn SAF 2040 xây dựng lực lượng vũ trang. Cụ thể, Singapore sẽ xây dựng một phân nhánh lực lượng vũ trang phục vụ lĩnh vực an ninh kỹ thuật số có tên là Digital and Intelligence Service (DIS) bên cạnh ba mặt trận quân sự trên không, trên biển và trên đất liền[41]. Còn với Malaysia, nước này đang tiến hành tổ chức các chương trình mua lại vũ khí với mục tiêu hiện đại hóa và nâng cao sức mạnh vũ trang của mình. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein, Hải quân Malaysia đang trong quá trình mua 13 tàu đánh chặn nhanh dành cho các khu vực ven biển. Hệ thống máy bay của Malaysia cũng sẽ trải qua quá trình nâng cấp và thay mới theo từng giai đoạn. Toàn bộ nội dung nâng cấp của Không quân Malaysia được cho là nằm trong “Kế hoạch Phát triển Năng lực 2055” (CAP55) nhằm chuyển đổi và hiện đại hóa cơ cấu lực lượng dài hạn.[42]

ĐỘNG THÁI CỦA CÁC QUỐC GIA KHÁC LIÊN QUAN ĐẾN BIỂN ĐÔNG

Trong sáu tháng đầu năm, ngoài sự hiện diện của Trung Quốc, Mỹ và các nước ASEAN trên Biển Đông, các nước khác cũng có những động thái nổi bật điển hình là Nhật và Úc. Có thể thấy, đây đều là đồng minh của Mỹ, riêng Nhật cũng có những tranh chấp và xung đột với Trung Quốc ở khu vực biển Hoa Đông. Vì vậy, các hành động của hai nước này có xu hướng ủng hộ và thắt chặt liên minh với Mỹ trước những lo ngại về động thái mới của Trung Quốc tại khu vực.

Hoạt động đầu tiên của Nhật, Úc trong sự tương quan với cạnh tranh Mỹ – Trung trên Biển Đông có thể kể đến là việc ký kết Thỏa thuận Tiếp cận đối ứng (RAA). Đây được coi là thỏa thuận hợp thức hoá các hoạt động chung của quân đội Nhật và Úc, đặc biệt là các hoạt động huấn luyện và tập trận trên biển. Bên cạnh đó, hai nước này đều là thành viên của QUAD nên thúc đẩy kết nối an ninh song phương có thể thúc đẩy hoạt động của QUAD nói chung, đặc biệt là tăng cường hiệu quả răn đe của hệ thống trước những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông[43].  Ông Carl O.Schuster, cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, nhận định về vai trò của thỏa thuận này liên quan đến quyền lợi của Nhật và Úc tại Biển Đông rằng đây là một thỏa thuận có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với cả hai quốc gia[44].

Bên cạnh đó, Nhật cũng đã có cuộc Đối thoại an ninh 2 + 2 với Mỹ trong tháng đầu năm. Theo đó, thông qua cuộc đối thoại,  Nhật và Mỹ khẳng định lại sự quyết tâm phối hợp để ngăn chặn và, nếu cần thiết, đối phó với các hành động gây bất ổn trong khu vực này. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao hai nước, các cuộc thảo luận sẽ xoay quanh tình hình an ninh chung mà hai đồng minh phải đối mặt cũng như những vấn đề liên quan đến “một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.

Thông qua một vài động thái nổi bật trên, Nhật Bản và Úc đã cho thấy sự ủng hộ của họ với những hoạt động ngoại giao lẫn an ninh quân sự của Mỹ trên Biển Đông.

KẾT LUẬN

Trong nửa đầu năm 2022, Trung Quốc vẫn tiếp tục đầu tư vào công cuộc hiện đại hóa khí tài quân sự và củng cố lĩnh vực quốc phòng với nhiều cuộc tập trận diễn ra thường xuyên, gây hấn, đe dọa các quốc gia trong khu vực và nỗ lực xoa dịu dư luận bằng những kêu gọi về hòa bình và hợp tác trên Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc ngày càng có xu hướng tăng cường những nỗ lực ngoại giao song phương với các quốc gia có chung lợi ích tại Biển Đông đang mong muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Về phía Mỹ, chính quyền của Tổng thống Joe Biden vẫn tiếp tục nỗ lực xác lập vị thế trên nhiều lĩnh vực tại Biển Đông thông qua chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được Nhà Trắng công bố vào tháng 2/2022. Các nước thành viên ASEAN cũng đã có những động thái cứng rắn hơn để đáp lại các hành động đe dọa của Trung Quốc. Ngoài nỗ lực xây dựng cơ chế pháp lý, các nước ASEAN còn thường xuyên tổ chức tập trận tập thể giữa các nước trong khu vực và đẩy mạnh hoạt động nâng cấp vũ trang. Các nước có lợi ích trong khu vực như Úc, Nhật, Ấn Độ cũng có những hoạt động nổi bật tỏ rõ sự quan tâm đối với các vấn đề trên Biển Đông và đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác với Mỹ trước những đe dọa từ phía Trung Quốc.

Xem thêm bài tổng kết tình hình Biển Đông 2021 tại đây: Tổng kết tình hình Biển Đông 2021 Phần 1Tổng kết tình hình Biển Đông 2021 Phần 2


[1] Defence News (2022 February 22). Chinese ship lasing of P-8A Poseidon on 17 February 2022. Australian Government Defence. https://news.defence.gov.au/media/on-the-record/chinese-ship-lasing-p-8a-poseidon-17-february-2022

[2] Kirsty, Needham and Wayne, Coles (2022 May 13). Australia says Chinese spy ship’s presence off west coast ‘concerning’. Reuters. https://www.reuters.com/world/asia-pacific/australian-defence-minister-says-chinese-spy-ship-waters-an-act-aggression-2022-05-13/

[3] Philippine News Agency (2022 March 27). PCG reports ‘close distance maneuvering’ anew of Chinese ship. Republic of the Philippines. https://www.pna.gov.ph/articles/1170755

[4] Neil, J. Morales, Karen, Lema (2022 January 17). China won’t ‘bully’ neighbours over South China Sea, foreign minister says. Reuters. https://www.reuters.com/world/china/china-wont-bully-neighbours-over-s-china-sea-foreign-minister-says-2022-01-17/

[5] Như trên

[6] Vi Trân. (2022, June 12). Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc lên án… ‘bá quyền hàng hải’ ở Biển Đông. Báo Thanh niên. https://thanhnien.vn/bo-truong-quoc-phong-trung-quoc-len-an-ba-quyen-hang-hai-o-bien-dong-post1467862.html

[7] Minh Trí. (2022, June 13). Khi Trung Quốc rao giảng về hòa bình cho Biển Đông. Báo Thanh niên. https://thanhnien.vn/khi-trung-quoc-rao-giang-ve-hoa-binh-cho-bien-dong-post1468048.html

[8] Văn Khoa. (2022, June 24). Trung Quốc diễn tập xạ kích 6 ngày ở vịnh Bắc bộ. Báo Thanh niên. https://thanhnien.vn/trung-quoc-dien-tap-xa-kich-6-ngay-o-vinh-bac-bo-post1471781.html

[9] Lan Hương. (2022, April 16). Trung Quốc liên tục tập trận ở Biển Đông, cả ngày lẫn đêm. Báo Tuổi trẻ. https://tuoitre.vn/trung-quoc-lien-tuc-tap-tran-o-bien-dong-ca-ngay-lan-dem-20220415230935613.htm

[10] Vũ Anh. (2022, May 5). Tàu đổ bộ Trung Quốc diễn tập trên Biển Đông. VnExpress. https://vnexpress.net/tau-do-bo-trung-quoc-dien-tap-tren-bien-dong-4459722.html

[11] BNG. (2022, March 7). Đề nghị Trung Quốc không vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Báo Điện tử Chính phủ. https://baochinhphu.vn/de-nghi-trung-quoc-khong-vi-pham-vung-dac-quyen-kinh-te-cua-viet-nam-102220307190644483.htm

[12] Honrada, G. (2022, April 16). China’s J-20 fighters begin South China Sea patrols – Asia Times. Asia Times. https://asiatimes.com/2022/04/chinas-j-20-fighters-begin-south-china-sea-patrols/

[13] Huang, K. (2022, May 8). Chinese military’s potential in the South China Sea boosted by Hainan amphibious assault ship, say analysts. South China Morning Post. https://www.scmp.com/news/china/military/article/3176905/chinese-militarys-potential-south-china-sea-boosted-hainan?module=perpetual_scroll_0&pgtype=article&campaign=3176905

[14] Luthra, Girish (2022). The new US Indo-Pacific Strategy: Balancing continuity with new and evolving environment. ORF. https://www.orfonline.org/expert-speak/the-new-us-indo-pacific-strategy/

[15] Joshi, Manoj (2022). The beating heart of the Indo-Pacific strategy is the South China Sea. ORF. https://www.orfonline.org/expert-speak/beating-heart-indo-pacific-strategy-south-china-sea/

[16] The White House (2022). Indo-Pacific Strategy of the United States. https://www.whitehouse.gov/wp-content/uploads/2022/02/U.S.-Indo-Pacific-Strategy.pdf

[17] Đ.A. (2022b, March 22). Mỹ, Philippines chuẩn bị tập trận chung lớn chưa từng có. Báo Thanh Niên. https://thanhnien.vn/my-philippines-chuan-bi-tap-tran-chung-lon-chua-tung-co-post1441324.html

[18] Đối thoại Tứ giác An ninh (hay còn gọi là Bộ tứ QUAD, Bộ tứ Kim cương) là một diễn đàn chiến lược không chính thức giữa Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc, được duy trì bằng các hội nghị thượng đỉnh bán thường xuyên, trao đổi thông tin và diễn tập quân sự giữa các quốc gia thành viên.

[19] Zhang, R. (2022). The QUAD, China, And Maritime Domain Awareness In The Indo-Pacific . Úcn Institute of International Affairs. https://www.internationalaffairs.org.au/Úcnoutlook/the-QUAD-china-and-maritime-domain-awareness-in-the-indo-pacific/

[20] Aristyo, D. (2022). The US-ASEAN summit and the South China Sea Code of Conduct . Asia and The Pacific Policy Society. https://www.policyforum.net/the-us-asean-summit-and-the-south-china-sea-code-of-conduct/

[21] Aristyo, D. (2022). The US-ASEAN summit and the South China Sea Code of Conduct . Asia and The Pacific Policy Society. https://www.policyforum.net/the-us-asean-summit-and-the-south-china-sea-code-of-conduct/

[22] Anh V. (2022, January 8). Đối thoại 2+2 Mỹ-Nhật – Quan ngại sâu sắc trước sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Báo Thế giới và Việt Nam. https://baoquocte.vn/doi-thoai-22-my-nhat-quan-ngai-sau-sac-truoc-suc-manh-ngay-cang-gia-tang-cua-trung-quoc-170272.html

[23] United States Department of State. (2022). Fourth Annual U.S.-India 2+2 Ministerial Dialogue . https://www.state.gov/fourth-annual-u-s-india-22-ministerial-dialogue/

[24] Dũng Hoàng. (2022, April 12). Đối thoại 2+2, Ấn Độ – Mỹ tái khẳng định cam kết thúc đẩy ổn định khu vực và pháp quyền. Báo Điện Tử Đài Tiếng Nói Việt Nam. https://vov.vn/the-gioi/doi-thoai-22-an-do-my-tai-khang-dinh-cam-ket-thuc-day-on-dinh-khu-vuc-va-phap-quyen-post936583.vov

[25]  US Department of State’s report: No.150 Limits in the Seas. https://www.state.gov/wp-content/uploads/2022/01/LIS150-SCS.pdf

[26] FORUM Staff (2022). U.S. report refutes PRC’s maritime claims in South China Sea. Indo-Pacific Defense forum. https://ipdefenseforum.com/2022/02/u-s-report-refutes-prcs-maritime-claims-in-south-china-sea/

[27] Nguyễn Tiến. (2022, January 21). “Cử siêu chiến hạm diễn tập Biển Đông, Mỹ răn đe Trung Quốc.” vnexpress.net. https://vnexpress.net/cu-sieu-chien-ham-dien-tap-bien-dong-my-ran-de-trung-quoc-4417727.html

[28] Đức Hiền. (2022). Những điểm mấu chốt trong bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tại Đối thoại Shangri-La. Báo Pháp Luật . https://plo.vn/nhung-diem-mau-chot-trong-bai-phat-bieu-cua-bo-truong-quoc-phong-my-tai-doi-thoai-shangri-la-post684171.html

[29] Darmawan, A. R. (2022, June 8). The US-ASEAN summit and the South China Sea Code of Conduct – Policy Forum. Asia & The Pacific Policy Society. https://www.policyforum.net/the-us-asean-summit-and-the-south-china-sea-code-of-conduct/

[30] ASEAN và Trung Quốc chính thức thông qua dự thảo khung COC. (2017, August 6). Thông Tấn Xã Việt Nam. https://www.vietnamplus.vn/asean-va-trung-quoc-chinh-thuc-thong-qua-du-thao-khung-coc/459670.vnp

[31] ASEAN-Trung Quốc đạt thỏa thuận về “văn bản duy nhất” đàm phán COC. (2018, August 2). Thông Tấn Xã Việt Nam. https://www.vietnamplus.vn/aseantrung-quoc-dat-thoa-thuan-ve-van-ban-duy-nhat-dam-phan-coc/516987.vnp

[32] Tran, M. H. D. (2019, April 7). [128] Hiện trạng đàm phán COC đầu năm 2019: “Các dự đoán chỉ là phán đoán” – Luật pháp Quốc tế. Luật Pháp Quốc Tế. https://iuscogens-vie.org/2019/04/07/128/

[33] Bhadri, V. (2021, April 27). ASEAN, China, and a Code of Conduct for the South China Sea | IPCS. Institute of Peace and Conflict Studies. http://www.ipcs.org/comm_select.php?articleNo=5762

[34] Viet Hoang. (2020, September 28). The Code of Conduct for the South China Sea: A Long and Bumpy Road. The Diplomat. https://thediplomat.com/2020/09/the-code-of-conduct-for-the-south-china-sea-a-long-and-bumpy-road/

[35] Cuộc tập trận Balikatan có quy mô kỷ lục bắt đầu ở Philippines. Indo-Pacific Defense Forum. https://ipdefenseforum.com/vi/2022/03/cuoc-tap-tran-balikatan-co-quy-mo-ky-luc-bat-dau-o-philippines

[36] Huong Tra ( 2022, June 3). 6 nước ASEAN sẽ tham gia tập trận Vành đai Thái Bình Dương tại Mỹ. Báo VOV. https://vov.vn/the-gioi/6-nuoc-asean-se-tham-gia-tap-tran-vanh-dai-thai-binh-duong-tai-my-post947972.vov

[37] Guild, J. (2022, February 8). Is There an Arms Race Underway in Southeast Asia? The Diplomat. https://thediplomat.com/2022/02/is-there-an-arms-race-underway-in-southeast-asia/

[38] Như trên

[39] Acosta, R. (2022, January 1). Pursuing the military’s modernization with force and power. Business Mirror. https://businessmirror.com.ph/2022/01/01/pursuing-the-militarys-modernization-with-force-and-power/

[40] Như trích dẫn

[41] Palanisamy, B. (2022, March 10). Singapore’s Military Modernization Program Is Ambitious – but Feasible . The Diplomat. https://thediplomat.com/2022/03/singapores-military-modernization-program-is-ambitious-but-feasible/

[42] Dominguez, G. (2022, March 31). DSA 2022: Malaysia Reveals Details on Procurement Plans. MOENCH Publishing Group. https://monch.com/dsa-2022-malaysia-reveals-details-on-procurement-plans/

[43] Minh Trí (2020 November 24). Nhật – Úc tiến tới định hình liên minh quân sự ‘NATO châu Á’?. Báo Thanh Niên.https://thanhnien.vn/nhat-uc-tien-toi-dinh-hinh-lien-minh-quan-su-nato-chau-a-post1014332.html

[44] Như trên

1 comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *