Nancy Pelosi thăm Đài Loan: những lý do đằng sau

Tags: Trung – Đài, Mỹ – Đài, chính trị nội bộ Mỹ

Vào ngày 02/8, khi đang thực hiện chuyến công du châu Á đến bốn quốc gia bao gồm Malaysia, Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Đài Loan. Sau 25 năm, thế giới mới lại được chứng kiến cuộc viếng thăm của một chính trị gia cấp cao của Mỹ đến Đài Loan. Trong chuyến thăm này, bà Pelosi đã có cuộc gặp gỡ với các quan chức Đài Loan bao gồm nhà lãnh đạo Thái Anh Văn, Phó Viện trưởng Lập pháp viện Thái Kỳ Xương và Chủ tịch Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) cùng những quan chức nhà nước khác. Sự kiện này đã góp phần làm gia tăng những căng thẳng vốn có ở eo biển Đài Loan và tác động lớn đến mối quan hệ Mỹ – Trung. Ngay từ đầu, việc bà Nancy Pelosi thăm Đài Loan nhận nhiều sự phản đối từ phía Trung Quốc cũng như sự không ủng hộ của chính quyền Tổng thống Biden; tuy nhiên, Pelosi vẫn quyết định thực hiện. Các yếu tố về thời điểm, yếu tố Đài Loan và sự nghiệp hoạt động chính trị của bà Pelosi cần được phân tích để giải thích nguyên nhân của chuyến thăm lần này.

1. Nancy Pelosi thăm Đài Loan: Tại sao lại là thời điểm này? 

Bà Nancy Pelosi đã thực hiện chuyến công du châu Á, đặc biệt là ghé thăm Đài Loan trong thời điểm chính trị nội bộ Mỹ đang có nhiều rối ren và cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp diễn ra.

Thời gian gần đây, lạm phát tại Mỹ chạm mức cao nhất trong 4 thập kỷ khiến nền kinh tế quốc gia có nguy cơ lại rơi vào suy thoái. Chuỗi cung ứng sản xuất đang dần phục hồi sau đại dịch tiếp tục bị gián đoạn bởi xung đột Nga – Ukraine. Các vấn đề về kinh tế cùng mâu thuẫn chính trị nội bộ khiến Đảng Dân chủ gặp bất lợi trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Trong cuộc thăm dò hồi giữa tháng 7, tỷ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Biden giảm xuống còn 36%, ngang với mức thấp nhất trong 19 tháng cầm quyền của ông tính đến thời điểm này.[1] [2] Phe Dân chủ dù vẫn nắm quyền kiểm soát lưỡng viện Mỹ, nhưng với tình hình hiện tại, các chuyên gia nhận định không loại trừ khả năng đảng Dân chủ sẽ mất quyền kiểm soát ít nhất Hạ viện hoặc Thượng viện trong lần bầu cử sắp tới. Mặc dù vậy, khi trả lời phỏng vấn của đài MSNBC, bà Pelosi vẫn tin rằng Đảng Dân chủ sẽ chiếm phần đông trong Hạ viện vào tháng 11, bất chấp những thách thức trong nước mà đảng này phải đối mặt. Chủ tịch Hạ viện thừa nhận lạm phát, giá xăng dầu cao và tình trạng thiếu sữa bột trẻ em là những vấn đề mà đảng của bà phải đối mặt, nhưng khẳng định chúng sẽ không dẫn đến thất bại tại kết quả của hòm phiếu. “Tôi hoàn toàn không có ý định để đảng Dân chủ mất Hạ viện vào tháng 11,” bà Pelosi nói với các phóng viên.[3]

Trong khi đó, quan điểm tiêu cực của người dân về Trung Quốc tiếp tục thiết lập mức cao lịch sử ở Mỹ, buộc các ứng cử viên Đảng Cộng hòa và Dân chủ phải nhắm vào “mối đe dọa từ Trung Quốc” đối với an ninh và sự thịnh vượng của Mỹ nhằm giành phiếu bầu. Chính vì vậy, việc bà Nancy Pelosi thăm Đài Loan được dự đoán nhằm làm hài lòng những người mong muốn việc chính quyền cứng rắn hơn, đồng thời giúp đảng Dân chủ kiếm thêm phiếu từ cử tri không đồng tình với Nhà Trắng vì không đủ mạnh tay với nền kinh tế thứ hai thế giới. [4]

2. Tại sao điểm đến lại là Đài Loan?

Dù không chính thức đề cập đến Đài Loan trong lịch trình của chuyến công du, nhưng vào tối ngày 02/8, chuyến bay của bà Pelosi đã hạ cánh tại sân bay Đài Loan, tạo nên một làn sóng phẫn nộ và chỉ trích dữ dội đến từ phía Trung Quốc[5]. Ngay trong đỉnh điểm của sự căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan, chuyến viếng thăm của bà Pelosi là một nỗ lực nhằm (1) ngăn chặn những nỗ lực đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng đang có và (2) bảo vệ một nền dân chủ hàng đầu châu Á.

(i) Nhằm ngăn chặn những nỗ lực đơn phương của Trung Quốc muốn thay đổi hiện trạng

Trong những năm vừa qua, Trung Quốc đã có những động thái làm gia tăng căng thẳng với Đài Loan. Chính quyền Trung Quốc đã tăng cường tuần tra máy bay ném bom, máy bay chiến đấu và máy bay giám sát gần, thậm chí ngay trên vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Điều này dẫn đến việc Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra kết luận rằng quân đội Trung Quốc “có khả năng đang chuẩn bị cho một kế hoạch để thống nhất Đài Loan với Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa bằng vũ lực”[6]. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng phát động các cuộc tấn công vào các cơ quan phát ngôn của chính phủ Đài Loan trên không gian mạng mỗi ngày. Đồng thời, nước này còn đang siết chặt Đài Loan về mặt kinh tế, gây áp lực buộc các tập đoàn quốc tế cắt đứt quan hệ làm ăn với hòn đảo này, đe dọa các quốc gia đang hợp tác với Đài Loan và không cho phép người dân Đài Loan thực hiện những chuyến du lịch đến Trung Quốc[7]. Đây đều là những động thái cho thấy tính bá quyền của Trung Quốc, khi quyết tâm lấy lại được Đài Loan theo đúng chính sách “Một Trung Hoa”.

Chính cuộc chiến đang diễn ra tại Ukraine đã cho thấy sự nguy hiểm khi không kiểm soát được bá quyền kịp thời, dẫn đến những hệ luỵ khó lường mà cuộc chiến tranh mang lại. Trước nền dân chủ đang bị đe doạ và cuộc chiến kéo dài ở Ukraine, bà Pelosi nhấn mạnh mục đích của chuyến công du đến Đài Loan: “Chúng tôi thực hiện chuyến thăm này trong bối cảnh thế giới đang phải lựa chọn giữa hoặc là chế độ chuyên chế hoặc là chế độ dân chủ”, thể hiện cam kết ủng hộ tính độc lập và chủ quyền của hòn đảo Đài Loan[8]. Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hoà Mitch McConnell cũng thể hiện quan điểm ủng hộ việc bà Nancy Pelosi thăm Đài Loan trong một phát biểu trước Thượng viện khi ông khẳng định rằng chuyến công du lần này sẽ đóng vai trò bảo vệ các giá trị tự do khỏi hành động xâm lược của Trung Quốc và khỏi những “nỗ lực thay đổi hiện trạng bằng vũ lực của Trung Quốc”. Trong đó, ông chỉ trích các hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông cũng như vấn đề tự trị của Hồng Kông và dự tính thao túng Đài Loan cùng với người dân nơi đây của Trung Quốc[9].

(ii) Nhằm bảo vệ giá trị dân chủ của Đài Loan

Tuy chưa thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng Mỹ đã tuyên bố rằng Đài Loan nắm giữ một vai trò quan trọng trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương[10]. Điều này xuất phát từ những giá trị và mục tiêu chung mà Mỹ và Đài Loan cùng chia sẻ như chế độ dân chủ hay một nền kinh tế phát triển. Chính Cựu Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại trung tâm Wilson, Washington đã công nhận Đài Loan là một trong những nền kinh tế thương mại lớn trên thế giới và là ngọn hải đăng của nền dân chủ và văn hóa Trung Quốc, đồng thời tuyên bố đứng về phía hòn đảo 23 triệu dân này trong cuộc cuộc chiến giành lại hoà bình[11]. Đồng thời, động thái mời Đài Loan tham dự Hội nghị Dân chủ (Summit for Democracy) diễn ra vào ngày 9-10/12/2021 của chính quyền Biden trước những phản đối từ phía Trung Quốc càng củng cố thêm mục tiêu siết chặt mối quan hệ giữa hai nước dựa trên điểm chung là nền dân chủ[12].

Trên lĩnh vực kinh tế, bà Pelosi đã ca ngợi Đài Loan bởi “khả năng phục hồi cao” của hòn đảo này. Cụ thể, Đài Loan đã dẫn đầu trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến dịch bệnh COVID-19, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Đài Loan còn có chỉ số hoà bình, an ninh và phát triển kinh tế cao với nhiều thành tựu về mặt kinh doanh và công nghệ. Vì vậy, bà Pelosi cho rằng không có lý do gì mà một nền dân chủ hàng đầu như vậy lại bị đặt dưới cái bóng của gã khổng lồ Trung Quốc. Thông qua chuyến viếng thăm lần này, Mỹ mong muốn tái khẳng định sự hỗ trợ cho hòn đảo này và thúc đẩy những mục tiêu chung, bao gồm thúc đẩy một khu vực châu Á – Thái Bình Dương tự do, rộng mở[13]. Đặc biệt, Đài Loan đang đóng vai trò quan trọng trong quá trình cô lập Trung Quốc khỏi ngành sản xuất chip vi mạch của Mỹ khi sở hữu các công ty sản xuất chất bán dẫn đứng đầu thế giới với 66% trong năm 2022[14]. Do đó, Đài Loan không chỉ cần Mỹ như người bảo trợ an ninh mà Mỹ cũng phụ thuộc vào các công ty chất bán dẫn của Đài Loan để giữ ưu thế trong cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung. Theo nhận định của chuyên gia chính trị quốc tế Nguyễn Thành Trung, việc bà Nancy Pelosi thăm Đài Loan có thể được xem là biện pháp “ngăn chặn ngoại giao” hướng đến Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan nhằm “gửi thông điệp cho cả Đài Loan và Trung Quốc đại lục rằng hòn đảo vẫn rất quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở khu vực. Mỹ muốn tái khẳng định họ không lùi bước trước sức ép và sẵn sàng làm những gì họ cho là phù hợp với nguyên tắc của mình”.  Có thể thấy, bà Nancy Pelosi thăm Đài Loan với mục đích củng cố nền dân chủ và thắt chặt mối quan hệ với các đồng minh của Mỹ, trong đó đặc biệt chú trọng quan hệ với Đài Loan (là một nền dân chủ đứng đầu ở châu Á) nhằm tái khẳng định cam kết ủng hộ của Mỹ với chủ thể này và ngăn chặn các động thái mang tính bá quyền của Trung Quốc.

3. Tại sao bà Pelosi lại là người thực hiện chuyến thăm?

Nhân vật chính trong chuyến thăm Đài Loan là Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cũng là một nhân tố cần được giải mã ở một số điểm: (1) Quan niệm về dân chủ tại Trung Quốc của bà Pelosi và (2) Động cơ bầu cử chính trị.[15]

Bà Nancy Pelosi hiện là Chủ tịch Hạ viện thứ 52 của Mỹ, và là nữ chính khách đầu tiên nắm giữ chức vụ này trong lịch sử Mỹ. Cho đến nay bà Pelosi đã đắc cử vào ghế Chủ tịch Hạ viện được 3 lần, với lần đầu tiên là vào năm 2007. Với việc là Chủ tịch Hạ Viện, bà là người có quyền lực xếp thứ 2 trong danh sách kế nhiệm chiếc ghế Tổng thống sau Phó Tổng thống Kamala Harris. Vào tháng 7, bà Pelosi thông báo sẽ tổ chức một chuyến đi đến khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và gặp mặt chính thức với các quốc gia đồng minh của Mỹ như Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản để bàn luận về các vấn đề an ninh tập thể, hợp tác kinh tế và quản trị nhà nước dân chủ. Tuy nhiên, Đài Loan chưa từng được nhắc đến như một điểm đến trong lịch trình chuyến đi của đoàn đại biểu Pelosi. Việc bà Pelosi đến thăm Đài Loan trong nhiều sự phỏng đoán của giới chính trị đã đánh dấu 25 năm kể từ khi một Chủ tịch Hạ viện Mỹ đến thăm hòn đảo tự trị này. Mặc dù không có quan hệ ngoại giao chính thức với nhau nhưng Mỹ và Đài Loan vẫn có những trao đổi song phương trong việc mua bán vũ khí.[16]

(i)  Quan điểm cá nhân của bà Pelosi về nhân quyền và dân chủ tại Trung Quốc

Bà Pelosi là một chính trị gia nổi tiếng vì sự chống đối và chỉ trích mạnh mẽ vấn đề dân chủ và nhân quyền tại Trung Quốc từ xưa đến nay. Năm 1991, khi còn là một nữ nghị sĩ của bang California, trong chuyến thăm đến Trung Quốc, bà đã cố tình giương cao lá cờ với nội dung tưởng niệm phong trào dân chủ của những người từng bị đàn áp bạo lực tại Quảng trường Thiên An Môn.[17] Sau sự kiện Thiên An Môn vào năm 1989, bà Pelosi đã thể hiện thái độ phản đối mạnh mẽ, gọi việc đàn áp chính là một “cuộc thảm sát” và buộc tội lực lượng an ninh Trung Quốc đã âm thầm hành quyết các tù binh chính trị có liên quan.[18] Theo bà, vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc đã không còn là vấn đề nội bộ mà đã trở thành vấn đề của toàn thế giới.[19]

 Carolyn Bartholomew, cựu chánh văn phòng Hạ viện dưới quyền bà Pelosi cho rằng chính cuộc thảm sát tại Thiên An Môn là đòn bẩy cho thái độ quyết liệt của bà Pelosi đối với Trung Quốc.[20] Kể từ sau sự kiện Thiên An Môn, hầu hết những hoạt động chính trị đối ngoại của bà Pelosi đều tập trung vào Trung Quốc, đặc biệt là trong vấn đề nhân quyền và quyền dân chủ tại quốc gia này. Cụ thể là việc bà Pelosi ủng hộ nhà cải cách dân chủ Lưu Hiểu Ba, một nhân vật từng bị Trung Quốc truy nã và bắt giam.[21] Đồng thời, bà cũng có những động thái chính trị lên án mạnh mẽ các báo cáo về lạm dụng nhân quyền của Trung Quốc tại Tây Tạng với việc ngược đãi tù nhân hay cáo buộc bắt giữ Ban thiền Lạt ma thứ 11 của Phật giáo Tây Tạng từ lúc mới 6 tuổi. Riêng ở khu vực tự trị Tân Cương, Trung Quốc bị lên án vì có biểu hiện đàn áp người Duy Ngô Nhĩ đến mức được xem là diệt chủng.[22] [23]

Mặc dù Mỹ thừa nhận tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc” nhưng trong buổi gặp mặt với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, bà Pelosi đã khẳng định rằng sự cương quyết với việc bảo tồn nền dân dủ, ngay tại Đài Loan và trên toàn thế giới của Mỹ là không thay đổi. Trong bài viết của mình trên tờ The Washington Post, bà Pelosi cho rằng Trung Quốc đã leo thang quá nhiều trong những vấn đề tự do, nhân quyền và dân chủ tại các khu vực như Hồng Kông, Tân Cương, Tây Tạng và bây giờ là đến Đài Loan.[24] Bà nhấn mạnh không thể để Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục đe dọa Đài Loan và nền dân chủ của chủ thể này.[25] Chuyến đi là sự cam kết với giá trị dân chủ với mong muốn tái khẳng định nền dân chủ của Đài Loan, hay bất kỳ nền dân chủ nào trên thế giới cũng cần được bảo vệ.[26]

(ii)  Động cơ bầu cử chính trị

Việc bà Pelosi thăm Đài Loan được đánh giá là có sự cân nhắc về yếu tố chính trị nội bộ trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa kỳ sắp đến.[27] Nhà phân tích Amanda Hsiao thuộc Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG) đã đánh giá chuyến đi sẽ có ý nghĩa khẳng định những dấu ấn hoạt động chính trị của một chính trị gia “diều hâu” săm soi Trung Quốc với tư cách của một Chủ tịch Hạ Viện.[28] Dự báo về kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới, bà Pelosi được dự đoán sẽ phải rời bỏ vị trí Chủ tịch Hạ viện Mỹ nếu không có sự cải thiện trong không gian bầu cử chính trị sắp tới.[29] Tobita Chow, giám đốc của tổ chức quốc tế Justice is Global, cho rằng chuyến thăm Đài Loan là một chất xúc tác quan điểm tiêu cực về Trung Quốc trong dân cư Mỹ nhằm gia tăng số phiếu bầu trước tình hình ảm đạm hiện nay của đảng Dân chủ trước đảng Cộng hòa.[30] Tuy nhiên, theo giám đốc Lyle Goldstein của Viện nghiên cứu Asia Engagement at Defence Priorities tại Mỹ, chuyến thăm Đài Loan sẽ không mang lại ích lợi nào cho đảng Dân chủ trong kỳ bầu cử giữa kỳ sắp tới vì đa số người Mỹ sẽ chọn lấy lợi ích kinh tế do quan ngại về những hậu quả kinh tế do tình hình thế giới căng thẳng hiện nay.[31]

Tổng kết

Đã hơn mười năm kể từ khi Mỹ tuyên bố “xoay trục” sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương và bà Nancy Pelosi thăm Đài Loan lần này chính là một trong những biểu hiện cho thấy sự quan tâm và can thiệp ngày càng sâu của Mỹ vào khu vực này. Đối với chuyến thăm Đài Loan không được công bố từ trước, Pelosi cho biết mục đích của chuyến thăm là để làm rõ việc Mỹ đứng cùng phía với Đài Loan và cam kết ủng hộ nền dân chủ của chủ thể này. [32] Bên cạnh nguyên nhân bảo vệ Đài Loan được thể hiện qua phát ngôn chính thức của bà Pelosi, chuyến thăm này còn có thể được thúc đẩy bởi những yếu tố khác bao gồm động cơ chính trị nội bộ của Mỹ trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp diễn ra và quan điểm cá nhân của bà Pelosi về nền chủ ở cả Đài Loan và Trung Quốc. Đồng thời, thông qua chuyến viếng thăm, Mỹ mong muốn gắn kết với Đài Loan về các lĩnh vực kinh tế và công nghệ nhằm duy trì vị thế của Mỹ trong việc dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu. [33]


[1] Razdan, K (2022). How will Nancy Pelosi’s trip to Taiwan play in the US midterm elections?. South China Morning Post. https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3187771/how-will-nancy-pelosis-trip-taiwan-play-us-midterm-elections

[2] Lange, J (2022, July). Biden approval rating falls to 36%, matching record low: Reuters/Ipsos polls. Reuters. https://www.reuters.com/world/us/biden-approval-rating-falls-36-matching-record-low-reuters ipsos-2022-07-19/

[3] Pelosi: I Have Absolutely No Intention Of Us Losing The Midterm Elections. MSNBC

https://www.youtube.com/watch?v=o3oQfqd9wpw

[4] Radzan K (2022). How will Nancy Pelosi’s trip to Taiwan play in the US midterm elections?. SMCP. https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3187771/how-will-nancy-pelosis-trip-taiwan-play-us-midterm-elections

[5] Tian, Y. L. (2022, August 1). U.S. House Speaker Pelosi begins Asia tour, no mention of Taiwan. Reuters. https://www.reuters.com/world/asia-pacific/china-air-force-referring-taiwan-says-it-can-safeguard-territorial-integrity-2022-07-31/

[6] [7] [8] Pelosi, N. (2022, August 2). Nancy Pelosi: Why I’m leading a congressional delegation to Taiwan. Washington Post. https://www.washingtonpost.com/opinions/2022/08/02/nancy-pelosi-taiwan-visit-op-ed/

[9] Reyes, R. (2022, August 3). Mitch McConnell sides with Pelosi in Senate speech and says she has “every right” to visit Taiwan. Mail Online. https://www.dailymail.co.uk/news/article-11075371/Mitch-McConnell-sides-Pelosi-Senate-speech-says-right-visit-Taiwan.html

[10] BUREAU OF EAST ASIAN AND PACIFIC AFFAIRS. (2022, May 28). U.S. Relations With Taiwan. United States Department of State. https://www.state.gov/u-s-relations-with-taiwan/

[11] Pei-Ju, T. (2019, October 26). US stands by Taiwan in defense of freedoms: Mike Pence. Taiwan News. https://www.taiwannews.com.tw/en/news/3803011

[12] Bush, R., & Hass, R. (2022, March 9). The Biden administration is right to include Taiwan in the Summit for Democracy. Brookings. https://www.brookings.edu/blog/order-from-chaos/2021/12/01/the-biden-administration-is-right-to-include-taiwan-in-the-summit-for-democracy/

[13] Như trích dẫn 8

[14] Thanh Trung, Nguyen. (2022, August 4). Vì sao bà Pelosi quyết thăm Đài Loan? Báo Tuổi Trẻ Online. https://tuoitre.vn/vi-sao-ba-pelosi-quyet-tham-dai-loan-2022080407432277.htm

[15] Thanh Danh. (2022, August 3). Động lực thúc đẩy bà Pelosi thăm Đài Loan. VnExpress. https://vnexpress.net/dong-luc-thuc-day-ba-pelosi-tham-dai-loan-4495354.html

[16] Perlez, J. (2022, July 29). Why Pelosi’s Taiwan Visit Is Raising U.S.-China Tensions . The New York Times. https://www.nytimes.com/2022/07/29/world/asia/china-taiwan-pelosi-explained.html?action=click&pgtype=Article&state=default&module=styln-biden-asia&variant=show&region=MAIN_CONTENT_1&block=storyline_top_links_recirc

[17] Sotomayor, M. (2022, August 2). Pelosi’s Taiwan trip a culmination of decades of challenging China – The Washington Post. The Washington Post. https://www.washingtonpost.com/politics/2022/08/02/pelosis-taiwan-trip-culmination-decades-challenging-china/

[18] Pelosi Has a History of Prodding China Over Human Rights. (2022, August 2). Voice of America News (VOA). https://www.voanews.com/a/pelosi-has-a-history-of-prodding-china-over-human-rights-/6684375.html

[19] Ibid.

[20] Như trích dẫn 16

[21] Như trích dẫn 17

[22] Sperling, E. (n.d.). Human Rights Violations in Tibet | Human Rights Watch. Human Rights Watch. Retrieved August 9, 2022, from https://www.hrw.org/news/2000/06/13/human-rights-violations-tibet

[23] Pelosi, N. (2021, December 14). Pelosi Statement on House Vote on Uyghur Forced Labor Prevention Act | Speaker Nancy Pelosi. Newsroom of Nancy Pelosi – Speaker of The House. https://www.speaker.gov/newsroom/121421-0

[24] Như trích dẫn 13

[25] Ibid.

[26] Ibid.

[27] Barlow, R. (2022, August 3). Following Nancy Pelosi’s Visit to Taiwan, What Happens Next?. Boston University. https://www.bu.edu/articles/2022/nancy-pelosi-visits-taiwan/

[28] Hsiao, A. (2022, July 29). Avoiding the Next Taiwan Strait Crisis. International Crisis Group. https://www.crisisgroup.org/asia/north-east-asia/taiwan-strait/avoiding-next-taiwan-strait-crisis

[29] Ibid.

[30] Shah, Y. (2022, August 3). Pelosi’s Taiwan visit meant to ‘burnish her legacy,’ expert says. Yahoo!Finance. https://finance.yahoo.com/news/taiwan-pelosi-china-xi-jinping-covid-ccp-trade-semiconductors-trade-uyghur-olympics-human-rights-150400090.html?guccounter=1&guce_referrer=aHR0cHM6Ly93d3cuZ29vZ2xlLmNvbS8&guce_referrer_sig=AQAAAN4p3XW-sWcpqbtlb7tNU1h_PoUBnEQkz9o7WbBSwcYl4QNCUSEhedU5k71m0Eb4kV952fh9y3wuzWNd-9TG28YFY-D9MXscC1sRf1qT8md06g9ceIqiqqKWAYWc2C4m9IK2NAsarF92Cp5h8NYx5_ea1tDT0HvTP6gYRn_xG0_p

[31] Ibid.

[32] Jeremy Herb, Eric Cheung, Wayne Chang and Rhea Mogul. (August 3, 2022). Pelosi says US will ‘not abandon’ Taiwan as China begins military drills. CNN.

https://edition.cnn.com/2022/08/02/politics/nancy-pelosi-taiwan-parliament-visit/index.html

[33] (August 2, 2022). Nancy Pelosi’s trip to Taiwan highlights America’s incoherent strategy. The Economist. https://www.economist.com/leaders/2022/08/02/nancy-pelosis-trip-to-taiwan-highlights-americas-incoherent-strategy

IR Analytica

1 comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *