Kết quả chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 30/10 đến ngày 1/11

Tags: Việt – Trung, Biển Đông, Đông Nam Á

Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Việt Nam – Trung Quốc đang duy trì và phát triển một cách tốt đẹp, nhận lời mời từ Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày 30/10 đến ngày 1/11/2022. Chuyến thăm Trung Quốc lần này được các chuyên gia đánh giá là đã đem đến nhiều kết quả quan trọng đối với mối quan hệ hợp tác giữa hai nước, đồng thời có ý nghĩa đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên thế giới.

1. Bối cảnh quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trước chuyến thăm

Việt Nam và Trung Quốc có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Sau 72 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam rất coi trọng việc phát triển quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị và hợp tác toàn diện với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc. Từ khi bình thường hóa vào năm 1991 đến nay, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có thêm nhiều khởi sắc thông qua các hoạt động đối ngoại, các cuộc giao lưu, gặp gỡ và điện đàm giữa hai nước. Vào tháng 5/2008, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, hai nước đã nhất trí xác lập khuôn khổ quan hệ Việt Nam – Trung Quốc là “Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” theo phương châm “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Trong thời gian gần đây, hai nước cũng thúc đẩy hợp tác ở nhiều mặt kinh tế, xã hội, an ninh biên giới và trên biển. Về hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước đạt mức tăng trưởng mạnh. Việt Nam liên tục là nước đối tác thương mại lớn thứ 6 trên thế giới (từ năm 2020) của Trung Quốc và ngược lại, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Về hợp tác y tế, đây được coi là điểm sáng trong mối quan hệ giữa hai nước. Trung Quốc là một trong những nước cung cấp vaccine nhiều và nhanh nhất cho Việt Nam. Đến cuối năm 2021, Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam 7,3 triệu liều và cung cấp thương mại khoảng 45 triệu liều vaccine. Cùng với đó, trong thời gian vừa qua thông qua kênh đối ngoại Đảng, Trung Quốc tặng Việt Nam lô vật tư y tế trị giá 1,5 triệu Nhân dân tệ (khoảng 5,4 tỷ đồng). Về vấn đề an ninh biên giới và trên biển, hai nước tiếp tục duy trì tình hình ổn định ở biên giới, tiếp tục triển khai các vòng đàm phán, trao đổi ở các cấp về các vấn đề trên biển. Những việc trên đã cho thấy Việt Nam và Trung Quốc vẫn không ngừng xây dựng và thúc đẩy, vun đắp mối quan hệ giữa hai bên để đóng góp hiệu quả vào các vấn đề quốc tế và duy trì hòa bình, an ninh ở khu vực.[1]

2. Nội dung chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư từ ngày 30/10 đến ngày 1/11

Chiều ngày 30/10, chuyên cơ chở Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Bắc Kinh chính thức bắt đầu chuyến thăm nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Tại sân bay Bắc Kinh, đồng chí Lưu Kiến Siêu, Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng 1 số cán bộ Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai, đại diện cán bộ Đại sứ quán có mặt để đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác.[2] Cùng ngày, Đài Phát thanh Truyền hình Trung ương Trung Quốc cũng phỏng vấn Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam là ông Hùng Ba về ý nghĩa chuyến thăm. Ông Hùng Ba khẳng định, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần này được cả Trung Quốc và Việt Nam hết sức coi trọng. Đây là thời điểm tốt nhất để tiến hành chuyến thăm bởi Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa bế mạc, sự nghiệp xã hội chủ nghĩa của hai nước cùng bước vào giai đoạn phát triển mới kế thừa quá khứ và hướng tới tương lai. Bên cạnh đó, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu láng giềng Trung Quốc của Đại học Phúc Đán Triệu Việt Hoa cũng khẳng định “Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là chuyến thăm quan trọng giữa hai nước, mà còn là cuộc trao đổi quan trọng giữa hai Đảng”.[3] Việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Trung Quốc hoàn toàn phù hợp với lợi ích cơ bản và lâu dài của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

image 11
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – Ảnh: TTXVN

Trong chuyến thăm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; hội kiến với Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Nhân đại toàn quốc Lật Chiến Thư, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Uông Dương. Trong các cuộc trao đổi, hai nước đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước; trao đổi ý kiến và đạt được nhiều sự thống nhất chung về quan hệ hai Đảng, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến động. Bên cạnh đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thay mặt Đảng, Chính phủ Trung Quốc trao tặng Huân chương Hữu nghị của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng Bí thư Tập Cận Bình nêu rõ, việc trao tặng huân chương thể hiện tình cảm hữu nghị giữa của Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung quốc đối với cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhân dân Việt Nam.[4]

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Tập Cận Bình nhận định tình hình thế giới đang trải qua những biến đổi mang tính lịch sử, sâu sắc, khó lường, hai bên nhấn mạnh cần tăng cường trao đổi chiến lược và thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, hài hoà lợi ích giữa hai bên, đặc biệt chú trọng vào lợi ích của nhân dân hai nước; phải giữ gìn cục diện quan hệ Việt – Trung hòa bình và ổn định, tạo môi trường tốt cho sự phát triển của hai nước; chung tay phối hợp các vấn đề quốc tế, cùng ứng phó với các thách thức mang tính khu vực và toàn cầu để duy trì hoà bình, tạo môi trường phát triển thuận lợi cho khu vực và thế giới.[5]

Kết thúc chuyến thăm, hai bên đã đưa ra được Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc bao hàm sự thống nhất giữa hai bên ở nhiều lĩnh vực. Trong đó, ngành thương mại giữa hai nước được cho là có nhiều triển vọng mới nhờ vào chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Nguyễn Vinh Quang, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Trung, cho biết vấn đề lưu thông hàng hoá giữa hai nước sẽ được cải thiện sau sự gián đoạn do chính sách zero-Covid của Trung Quốc. Cùng với đó, TS. Nguyễn Khắc Giang ở Đại học Victoria tại Wellington, New Zealand cũng nhận định cán cân thương mại giữa hai nước trong tương lai sẽ cân bằng hơn.[6] Những nhận định trên được rút ra từ nội dung trong tuyên bố chung giữa hai nước rằng Việt Nam và Trung Quốc sẽ tạo điều kiện duy trì thương mại, trao đổi hàng hóa tại cửa khẩu cũng như xuất nhập khẩu nhiều hơn nữa các sản phẩm nông sản, thực phẩm chất lượng cao của nhau. Bên cạnh đó, Giám đốc điều hành hội đồng kinh doanh Trung Quốc-ASEAN và Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Công nghiệp của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) Hứa Ninh Ninh đã có chia sẻ với Hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã rằng sự kiện lần này cho thấy kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng bổ sung cho cho nhau một cách mạnh mẽ: “Hợp tác kinh tế và thương mại Trung Quốc – Việt Nam đã đóng một vai trò quan trọng trong việc củng cố và phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Hợp tác kinh tế và thương mại đã giúp hai nước không ngừng mở rộng lợi ích kinh tế chung và mang lại lợi ích cho sinh kế của người dân, giúp củng cố và phát triển quan hệ chính trị và nhân văn xã hội”.[7]

Bên cạnh lĩnh vực thương mại, hai bên cũng nhất trí được nhiều vấn đề khác như an ninh tại biên giới và trên biển; tăng cường giáo dục, thúc đẩy giao lưu giữa nhân dân hai nước. Đáng chú ý, hai bên đồng ý tiếp tục thúc đẩy thực hiện toàn diện, hiệu quả “Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), trên cơ sở hiệp thương, nhất trí, sớm đạt được “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC) hiệu quả. Ngoài ra, Việt Nam cũng bày tỏ quan điểm tái khẳng định kiên trì chính sách “Một Trung Quốc”, kêu gọi các bên không can thiệp vào công việc nội bộ, ủng hộ quan hệ hai bờ eo biển phát triển hòa bình và sự nghiệp lớn thống nhất Trung Quốc. Đáng chú ý, trong Tuyên bố chung Việt Nam Trung Quốc đề cập tới cụm từ “cách mạng màu” và “diễn biến hoà bình”. Theo ông Zhang Mingliang, một chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á tại Đại học Tế Nam ở Quảng Châu, cho biết hiếm khi các văn kiện song phương cấp cao nhất đề cập đến những cụm từ này, nhấn mạnh mối quan ngại của cả Việt Nam và Trung Quốc về sự ổn định của chế độ.[8]

Bên cạnh Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc, kết quả tốt đẹp của chuyến thăm còn thể hiện ở việc các ban, bộ, ngành, trung ương và địa phương của hai nước đã ký kết 13 văn kiện đa lĩnh vực. Qua đó, sự hợp tác giữa Việt Nam – Trung Quốc ở mọi lĩnh vực có tiềm năng sẽ được xúc tiến và thúc đẩy phát triển hơn nữa trong tương lai. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, sự kiện này thể hiện sự coi trọng lẫn nhau giữa hai Đảng, hai nước, góp phần tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc trong giai đoạn mới.[9]

3. Đánh giá và nhận định về triển vọng của các chuyên gia đối với quan hệ Việt-Trung

(i) Đánh giá về chuyến thăm của Tổng Bí thư

Liên quan đến thông tin về chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã có đánh giá lạc quan đối với những kết quả dự kiến sẽ đạt được trong quan hệ giữa hai đảng cũng như hai nước. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kể từ khi được bổ nhiệm lại vào tháng 01/2021. TS. Nguyễn Thành Trung, nhà nghiên cứu lâu năm về Trung Quốc nhận xét rằng việc Trung Quốc mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm ngay sau Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho thấy Việt Nam là một quốc gia quan trọng đối với nước này. Bên cạnh đó, hành động đó cũng thể hiện mong muốn thúc đẩy quan hệ giữa hai đảng từ phía Trung Quốc. Ông Trung cũng nhấn mạnh rằng việc gắn kết hai nước có cùng ý thức hệ trong bối cảnh vị thế của Việt Nam đã và đang không ngừng được củng cố sẽ tạo sự ổn định cho khu vực, mở đường cho hợp tác theo hướng sâu sắc hơn, có lợi hơn cho hai bên.[10]

Nhận định về hình thức chuyến thăm, TS. Nguyễn Tăng Nghị, giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế (Đại học KHXH&NV TP.HCM), cho rằng sự kiện trên đã cho thấy tình cảm và mức độ gắn bó giữa lãnh đạo hai bên. Theo ông Nghị, “Trung Quốc đã chuẩn bị và dành những nghi thức cấp cao nhất cho việc đón tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng”. Qua đó, ông bày tỏ sự lạc quan cao trong mối quan hệ Việt-Trung, đặt biệt khi đề cập đến sự chủ động của đôi bên liên quan đến việc chuẩn bị lẫn thực hiện chuyến thăm.[11] Về kết quả chuyến thăm, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng cho biết chuyến thăm “thành công tốt đẹp trên tất cả các phương diện” khi cả hai nước đã ra tuyên bố chung và ký kết được nhiều văn kiện mang tính định hướng có lợi cho sự phát triển quan hệ hai nước trên tất cả lĩnh vực trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Nguyên Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavath nhận định chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ đối với Việt Nam và Trung Quốc, mà còn đối với sự nghiệp chủ nghĩa xã hội trên thế giới. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh sau khi Tổng Bí thư Tập Cận Bình quyết tâm đưa Trung Quốc trở thành nước xã hội chủ nghĩa hiện đại tại Đại hội Đảng lần thứ XX và Việt Nam cũng đang phấn đấu thực hiện mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội.[12] Còn theo ông Kalvin Fung Ka-shing, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Đại học Waseda ở Tokyo, chuyến thăm của ông Trọng phản ánh “tình đoàn kết và mối quan hệ tư tưởng” của hai bên và điều này đã vượt qua mọi trở ngại về sự tranh chấp của hai nước ở Biển Đông. Ông nói: “Chuyến thăm cấp cao là một tín hiệu quan trọng đối với Trung Quốc và thế giới rằng Việt Nam muốn duy trì quan hệ Trung-Việt lành mạnh”.[13]

(ii) Nhận định về triển vọng trong quan hệ hai nước

Kết quả của chuyến thăm vừa rồi là bản tuyên bố chung giữa hai nước cũng như 13 văn bản được ký kết, trong đó có đến 3 văn bản ở lĩnh vực kinh tế. Điều này cho thấy cả Trung Quốc và Việt Nam đều coi trọng sự hợp tác ở lĩnh vực với nhau trên cơ sở Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới. Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, nội dung của các văn bản nhấn mạnh việc Trung Quốc hợp tác chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong phát triển kinh tế ở nhiều mảng từ kinh tế xanh cho đến hoạt động vận tải hàng hoá ở đường bộ, đường biển và đường hàng không,…[14] Qua đó, triển vọng về kinh tế trong tương lai giữa hai quốc gia được kỳ vọng sẽ tiếp tục được thúc đẩy và tăng trưởng.

Liên quan đến lĩnh vực đối ngoại Đảng, vốn là điểm nổi bật đặc trưng trong lịch sử quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, bà He Jiajie, trợ lý nghiên cứu về Quan hệ quốc tế và các vấn đề công cộng tại Đại học Phúc Đán (Thượng Hải, Trung Quốc) cho rằng quan hệ song phương Việt Nam-Trung Quốc có vai trò thiết yếu nhằm đối mặt với các sức ép chính trị từ phương Tây, đặc biệt là trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở hai nước. Bên cạnh đó, trước nhu cầu xây dựng và chỉnh đốn đảng, nhà nghiên cứu nhận định lãnh đạo hai Đảng có thể trao đổi kinh nghiệm với nhau và cùng nhau tìm hiểu lý luận, thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, với một cuộc gặp biểu tượng giữa hai đảng cầm quyền, các lãnh đạo đảng tại Việt Nam và Trung Quốc có thể tạo ra những nền tảng định hướng chiến lược cùng phát triển lâu dài giữa hai nước, song hành với ý tưởng “Cộng đồng chung vận mệnh” có ý nghĩa chiến lược.[15] Nhất là trong bối cảnh quan hệ kinh tế hai nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, với những thành tựu, kỳ vọng, cơ hội và thách thức rất cần sự quan tâm đồng thời từ của hai đảng, hai nhà nước.[16] Bà He cũng nhấn mạnh, sự tương tác giữa lãnh đạo hai Đảng sẽ đóng vai trò lèo lái, và “vạch ra phương hướng chung cho sự phát triển trong tương lai của quan hệ song phương”.[17]

Trao đổi với Thông tấn xã Việt Nam, ông Hứa Lợi Bình – Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định quan hệ song phương giữa hai nhà nước, hai đảng thực chất đã không ngừng được cải thiện xuyên suốt đại dịch. Chính sự phát triển của quan hệ song phương chính là động lực cho chuyến thăm mang tính biểu tượng này. Ngoài ra, ông Hứa cũng nhấn mạnh Việt Nam là quốc gia có ảnh hưởng quan trọng trong ASEAN. Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc. Do đó, vai trò kết nối của Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN là rất sâu sắc và bền vững.[18] [19]

Tóm lại, chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 30/10 đến 1/11 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đánh giá là thành công về mọi mặt khi quan hệ Việt – Trung đã đạt được sự nhất trí thể hiện qua Tuyên bố chung cũng như 13 văn bản được ký kết. Theo GS. Dương Đan Chí, chuyên gia về các vấn đề quốc tế của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có vai trò hết sức quan trọng trong việc phát huy “tình hữu nghị truyền thống giữa Trung Quốc và Việt Nam”; đồng thời có ý nghĩa trong việc làm sâu sắc hơn quan hệ Trung – Việt và thúc đẩy sự ổn định và phát triển của khu vực trong thời đại mới.


[1] Mạnh Hùng. (2021, October 31). Đưa quan hệ Việt Nam – Trung Quốc bước sang giai đoạn phát triển mới. Báo Điện Tử Đảng Cộng Sản Việt Nam. https://dangcongsan.vn/tieu-diem/dua-quan-he-viet-nam-trung-quoc-buoc-sang-giai-doan-phat-trien-moi-623044.html  

[2] Văn Hiếu. (2022, October 30). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến sân bay Bắc Kinh, bắt đầu thăm Trung Quốc. VOV. https://vov.vn/chinh-tri/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-den-san-bay-bac-kinh-bat-dau-tham-trung-quoc-post980694.vov

[3] Bích Thuận. (2022, October 30). Truyền thông Trung Quốc tiếp tục phân tích chuyến thăm của Tổng Bí thư Việt Nam. VOV. https://vov.vn/the-gioi/truyen-thong-trung-quoc-tiep-tuc-phan-tich-chuyen-tham-cua-tong-bi-thu-viet-nam-post980732.vov

[4] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Tập Cận Bình trao Huân chương Hữu nghị tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (2022, October 31). Báo Điện Tử Chính Phủ. https://baochinhphu.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-chnd-trung-hoa-tap-can-binh-trao-huan-chuong-huu-nghi-tang-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-10222103122335766.htm

[5] Toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc. (2022, November 1). Tuổi Trẻ Online. https://tuoitre.vn/toan-van-tuyen-bo-chung-viet-nam-trung-quoc-20221101184205304.htm

[6] Phương Ánh. (2022, November 3). Những kỳ vọng thương mại Việt – Trung sau chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. VnExpress. https://vnexpress.net/nhung-ky-vong-thuong-mai-viet-trung-sau-chuyen-tham-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-4531285.html?fbclid=IwAR15gDqaErW1vyggyf7HDfDJSM0R_hDOqQmeQezD_S5dx_SHTbslPwajoTo

[7] 编辑:程春雨. (2022, October 30). 经济观察:中越经贸合作再添新动力. Chinanews. http://www.chinanews.com.cn/cj/2022/10-30/9883107.shtml

[8] Jiangtao, S. (2022, November 2). China, Vietnam vow closer ties, to ‘manage’ South China Sea dispute in joint focus on external challenges. South China Morning Post. https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3198175/china-vietnam-vow-closer-ties-manage-south-china-sea-dispute-joint-focus-external-challenges

[9] Huyền Lê. (2022, October 2). Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ’thành công mọi mặt. VnExpress. https://vnexpress.net/chuyen-tham-trung-quoc-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-thanh-cong-moi-mat-4531117.html

[10] Duy Linh (2022). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc: Trung Quốc rất xem trọng Việt Nam. Báo Tuổi trẻ. Số ngày 30/10/2022. Trang 10

[11] Duy Linh (2022). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc: Trung Quốc rất xem trọng Việt Nam. Báo Tuổi trẻ. Số ngày 30/10/2022. Trang 10

[12] Phạm Kiên, & Bá Thành. (2022, November 2). Nguyên Phó Thủ tướng Lào đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. https://baotintuc.vn/thoi-su/nguyen-pho-thu-tuong-lao-danh-gia-cao-y-nghia-chuyen-tham-trung-quoc-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-20221102153018019.htm

[13] Ip, C. (2022, October 25). Vietnam’s Communist Party chief to be first foreign leader to visit China after 20th congress. South China Morning Post. https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3197149/vietnams-party-chief-first-foreign-leader-visit-china-after-20th-party-congress-hinting-priority

[14] Văn Hiếu. (2022b, November 2). Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư: Dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước. VOV. https://vov.vn/chinh-tri/chuyen-tham-trung-quoc-cua-tong-bi-thu-dau-moc-quan-trong-trong-quan-he-hai-nuoc-post981434.vov

[15] Xem: (2022). 习近平: 中越是具有战略意义的命运共同体. Sputnik. https://sputniknews.cn/20220125/–1037284840.html

[16] 许振华 (2022). 大外交|越共中央总书记阮富仲访华,专家:可能交流党建经验. 澎湃新聞. https://m.thepaper.cn/newsDetail_forward_20511687?fbclid=IwAR2JPGj2kfzpmwwsgsLkK7KqQkpM8D2KU2q1BhHmtekJQZ1YPEMMDcoiggs

[17] Xu, Z. (2022, October 30). 大外交|越共中央总书记阮富仲访华,专家:可能交流党建经验. The Paper. https://m.thepaper.cn/newsDetail_forward_20511687?fbclid=IwAR2JPGj2kfzpmwwsgsLkK7KqQkpM8D2KU2q1BhHmtekJQZ1YPEMMDcoiggs

[18] Tiến Trung; Mạnh Cường (2022). Tổng Bí thư thăm Trung Quốc: Làm sâu sắc sự tin cậy chiến lược. Báo Hà Tĩnh. https://baohatinh.vn/xay-dung-dang/tong-bi-thu-tham-trung-quoc-lam-sau-sac-su-tin-cay-chien-luoc/239606.htm

[19] 许振华 (2022). 大外交|越共中央总书记阮富仲访华,专家:可能交流党建经验. 澎湃新聞. https://m.thepaper.cn/newsDetail_forward_20511687?fbclid=IwAR2JPGj2kfzpmwwsgsLkK7KqQkpM8D2KU2q1BhHmtekJQZ1YPEMMDcoiggs

IR Analytica

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *