Tổng kết biển Đông 6 tháng đầu năm 2021 (Phần 2 – Chính trị ngoại giao)

Thời gian sáu tháng đầu năm 2021, nền chính trị toàn cầu nhìn chung vẫn bị chi phối bởi cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung. Tháng 1, chính quyền mới của ông Biden đã bắt đầu nhiệm kỳ cùng với những sự thay đổi trong chính sách đối ngoại so với người tiền nhiệm là ông Donald Trump. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn đang kiểm soát tình hình dịch bệnh trong nước với chiến dịch tiêm chủng đại trà và không ngừng gia tăng các động thái thể hiện vai trò, vị thế của mình trên phạm vi toàn cầu và trên đa dạng các lĩnh vực. Riêng ở khu vực biển Đông, các tranh chấp chủ quyền vẫn diễn ra căng thẳng, đi cùng với đó là sự gia tăng hiện diện quân sự và các biện pháp ngoại giao cứng rắn của không chỉ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á mà còn là các cường quốc bên ngoài như Trung Quốc, Mỹ cùng các đồng minh bộ tứ QUAD và một số quốc gia EU cũng thể hiện mối quan tâm tại khu vực này. 

Giai đoạn từ tháng 1-3

Trong thời gian này, Biển Đông tiếp tục là khu vực cạnh tranh Mỹ – Trung, vốn đang ảnh hưởng quan hệ quốc tế trên thế giới hiện nay. Các sự kiện Chính trị ngoại giao nổi bật là (1) Vương Nghị viếng thăm các quốc gia ASEAN, (2) Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh mới, (3) Nhật Bản phản đối yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông, (4)Hành động của khối QUAD  (5) Sự kiện đảo ba đầu

  1. Vương Nghị viếng thăm các quốc gia ASEAN

Ngày 16/1/2021, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã viếng thăm 4 nước Đông Nam Á là  Myanmar, Indonesia, Brunei và Philippines với mục đích cung cấp vaccines hỗ trợ chống Covid-19, đàm phán cơ sở hạ tầng và thương mại. Hành động này có thể được xem như sự nối liền với ba tháng trước, khi Vương Nghị viếng thăm Campuchia, Malaysia, Lào, Singapore và Thái Lan. Vương Nghị thăm các quốc gia ASEAN, nhưng không viếng thăm Việt Nam. Động thái của Trung Quốc mang hàm ý: 

Trung Quốc mong muốn lôi kéo các quốc gia ASEAN. Việc hỗ trợ vaccines trong đại dịch, kèm với các thỏa thuận về thương mại và cơ sở hạ tầng Trung Quốc mong muốn hợp tác sâu hơn với các quốc gia trong khối ASEAN. Hơn nữa, trong chuyến đi gần nhất, Vương Nghị thăm Myanmar, quốc gia giữ ghế chủ tịch của ASEAN trong năm nay. Trong năm 2020, 10 quốc gia ASEAN thay thế các Liên Minh châu Âu trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Có thể thấy, mối quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực biển Đông đã dần xích lại gần nhau. Theo TS. Alexander Vuving ,Trung Quốc hướng tới  ngăn chặn một liên minh chống Trung Quốc và kéo các quốc gia vào vùng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Về vấn đề Việt Nam, giới quan sát chia làm hai luồng quan điểm. Luồng quan điểm thứ nhất cho rằng hành vi của Trung Quốc là sự trừng phạt Việt Nam. Theo TS. Alexander Vuving, Trung Quốc không hy vọng đạt được sự ủng hộ của Việt Nam hoặc “muốn trừng phạt Việt Nam vì đã tham gia Bộ Tứ mở rộng”. Hành động của trung Quốc có thể cho thấy sự đối đầu của Trung Quốc với Việt Nam về vấn đề tranh chấp biển Đông. Trong khi đó, mối quan hệ giữa Việt Nam Trung Quốc căng thẳng trong đại dịch, nhưng mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ ngày càng xích lại gần. Theo chuyên gia về Đông Nam Á tại Đại học Tế Nam ở Quảng Châu Zhang Mingliang, Việt Nam là quốc gia đầu tiên từ chối tập đoàn Huawei và đóng cửa biên giới với Trung quốc trong đại dịch. Việt Nam cũng thương lượng nhập khẩu vaccines của các quốc gia khác ngoài Trung Quốc, khác với chiến lược ngoại giao vaccine Trung Quốc hướng đến. Ngược lại, luồng quan điểm thứ hai cho rằng Trung Quốc không mong muốn tạo ra hiểu lầm trong Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam sắp tới. Theo nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga Mikhail Terskikh, ông cho rằng quan hệ giữa hai quốc gia vốn căng thẳng nên đã luôn “khó khăn”, nên hành động của Vương Nghi là có thể hiểu được. Oong cũng cho rằng Trung Quốc không muốn các lãnh đạo tương lai Việt Nam bị suy đoán là có “thiện cảm” với Trung Quốc. Do đó, việc Ngoại trưởng Trung Quốc không đến Hà Nội hoàn toàn không ảnh hưởng đến quan hệ Việt – Trung.

  1. Trung Quốc thông qua luật hải cảnh
Theo tuyên bố của Trung Quốc

Ngày 22/1/2021, Trung Quốc thông qua Luật hải Cảnh cho phép lực lượng hải cảnh của quốc gia này sử dụng vũ lực với tàu nước ngoại. Luật hải cảnh gồm 11 chương, với tổng cộng 84 điều. Điều 84 ghi: “Luật này được thi hành từ ngày 1/2/2021”. Ngày 22/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng đây là “hoạt động lập pháp bình thường” và cho rằng chính sách hàng hải của Trung Quốc vẫn không thay đổi. 

Các trường hợp mà hải cảnh Trung Quốc có thể sử dụng vũ khí được quy định trong Chương 6:

Điều 46: Với một trong những tình huống dưới đây, nhân viên hải cảnh có thể sử dụng vũ khí hoặc các thiết bị, công cụ tại hiện trường: Thứ nhất, cần ép buộc tàu bè dừng di chuyển khi truy đuổi, ngăn lại, kiểm tra, lên tàu theo luật. Thứ hai, cưỡng chế xua đuổi, cưỡng chế lai dắt tàu bè theo luật. Thứ ba, trong quá trình thi hành nhiệm vụ theo luật, gặp phải trở ngại, điều gây phương hại. Thứ tư, trong tình huống khác cần phải dừng hành vi phạm tội, phạm pháp ngay tại chỗ.

Điều 47: Trung Quốc có thể dùng “vũ khí cầm tay” nếu cảnh cáo đã đưa ra vô hiệu là khi tàu bè nước ngoài xâm nhập vào “vùng biển thuộc quản lý của Trung Quốc” và tham gia phi pháp hoạt động sản xuất, từ chối tuân theo lệnh dừng tàu và những hoạt động mà theo họ là phi pháp. 

Điều 48: Trong các tình huống sau, nhân viên hải cảnh có thể sử dụng các vũ khí trên tàu hoặc trên máy bay bên cạnh vũ khí cầm tay: Thứ nhất, thi hành nhiệm vụ chống khủng bố trên biển. Thứ hai, xử lý sự việc bạo lực nghiêm trọng trên biển. Thứ ba, tàu và máy bay chấp pháp bị tấn công bằng vũ khí hoặc phương thức nguy hiểm khác.

Còn điều 49 ghi nhận: Khi nhân viên hải cảnh sử dụng vũ khí theo luật, họ có thể sử dụng trực tiếp vũ khí nếu cảnh báo không kịp hoặc sau khi cảnh cáo có thể dẫn tới hậu quả nguy hại nghiêm trọng hơn.

Phản ứng của các quốc gia

Việt Nam

Về phía Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Thị Thu Hằng nói rằng Việt Nam kêu gọi mỗi nước khi ban hành và thực thi các văn bản pháp lý của nước mình liên quan đến biển thì phải tuân theo luật pháp quốc tế và các điều ước quốc tế mà họ đã ký kết, đặc biệt là UNCLOS. Và Việt Nam sẽ có hành động kiên định và kiên trì, phù hợp với luật pháp quốc tế, để bảo vệ các quyền hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông.

Philippines

Philippines thể hiện sự mâu thuẫn trong phản ứng nhưng nghiêng về phía phản đối. Ngày 25/1/2021, Philippines nói rằng  hy vọng các nước sẽ không làm gì để đẩy căng thẳng ở Biển Đông leo thang sau khi Trung Quốc ban hành luật cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng vào tàu nước ngoài. Và tương tự với Việt Nam, Phát ngôn viên tổng thống Philippines, Harry Rouge nói rằng các nước có chủ quyền có thể thông qua các luật, nhưng phải phù hợp với trách nhiệm của họ theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr gọi Luật hải cảnh Trung Quốc là “một đe dọa chiến tranh bằng lời nói đối với bất kỳ quốc gia nào thách thức.” Điều này thể hiện sự phản đối chính thức của Philippines với Luật hải cảnh Trung Quốc thông qua con đường ngoại giao Nhưng ngày 1/2/2021, Ngoại trường Teodoro Locsin Jr cho rằng Philippines có thể mất những gì họ đã giành được nếu đem ra Tòa án Quốc tế. Nhưng sau đó, ngày 8/2/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã lo ngại về Luật Hải cảnh của Trung Quốc vì thậm chí trong trường hợp nhầm lẫn và tai nạn, nó cho phép hải cảnh Trung Quốc được phép bắn tàu nước ngoài. Ngày 9/2/2021, Tổng tham mưu  trưởng lực lượng vũ trang Philippines, Tướng Cirilito Sobejana cho rằng việc cho phép hải cảnh có thể bắn người xâm nhập vào lãnh thổ trong Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc là “đáng báo động” và “vô trách nhiệm.” Bởi vì người dân Philippines nếu có tiến vào vùng tranh chấp, thì mục đích của họ là kiếm sống, chứ không phải gây chiến. Đồng thời, với lý do đảm bảo an ninh cho người dân, Philippines sẽ tăng cường hiện diện ở khu vực tranh chấp.

Indonesia

Indonesia thể hiện thái độ phản đói với Luật Hải cảnh Trung Quốc. Theo Phó đô đốc Aan Kurnia, Lãnh đạo Cơ quan An ninh hàng hải Indonesia, Luật hải cảnh mới của Trung Quốc có thể làm gia tăng nguy cơ dẫn đến xung đột ở vùng biển Indonesia, cụ thể là quần đảo Natuna. 

Mỹ và Nhật Bản 

Các quan chức Nhật bản đã kêu gọi Trung Quốc kiềm chế hành động của mình. Ngày 4/2/2021,  Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Kato Katsunobu không được thực hiện Luật hải cảnh trái với luật pháp quốc tế. Trong khi đó, một số thành viên trong  Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền kêu gọi thúc đẩy tập trận với Hoa Kỳ gần khu vực tranh chấp.

Mỹ phản đối Luật Hải cảnh của Trung Quốc. Ngày 19/2, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói rằng Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc tạo điều kiện cho lực lượng hải cảnh ảnh hưởng đến các khu vực kinh tế của các quốc gia láng giềng và cho phép Trung Quốc thực hiện yêu sách biển của mình ở các khu vực tranh chấp. Điều đó dẫn đến lo ngại của Mỹ là Trung Quốc có thể viện dẫn luật này để khẳng định các yêu sách trái phép của mình. Đồng thời, Mỹ cũng nhắc nhở Trung Quốc phải hành động “chuyên nghiệp và kiềm chế trong việc thực thi thẩm quyền của họ” trong khu vực biển Đông. 

Ngày 4/3/2021, Mỹ và Nhật Bản điện đàm và chia sẻ những lo ngại về luật bảo vệ bờ biển mới của Trung Quốc, cũng như phản đối mạnh mẽ đối với những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng bức ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Ngày 16/3/2021, Mỹ và Nhật đã cùng nhau “bày tỏ quan ngại” về luật mới của Trung Quốc cho phép lực lượng hải cảnh sử dụng vũ lực trong các vùng biển tranh chấp.

Giới học giả

Có sự khác nhau giữa học giả Trung Quốc và học giả của các quốc gia khác. Học giả Trung Quốc ủng hộ Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc, trong khi đó nhóm các học giả khác cho rằng Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế.

Học giả Trung Quốc

Học giả Trung Quốc cho rằng sự lo ngại của các quốc gia về Luật hải cảnh là vì chênh lệch sức mạnh. GS. Nông Hông cho rằng Trung Quốc chỉ ra mục đích sử dụng vũ lực được đề cập chỉ nhằm chống lại các tàu bị nghi ngờ vi phạm pháp luật nghiêm trọng và không tuân theo mệnh lệnh. Việc các quốc gia khác lo lắng và hoài nghi xuất phát từ chênh lệch năng lực biển giữa Trung Quốc và những quốc gia trong khu vực tran hchấp. Thế nên Trung quốc sẽ và nên cam kết nỗ lực ngăn chặn các hành vi trái phép và lạm dụng vũ lực của hải cảnh địa phương.

Học giả của các quốc gia khác

Các nhà nghiên cứu từ các quốc gia khác cho rằng Luật Hải cảnh của Trung Quốc là vi phạm luật quốc tế. Nhà nghiên cứu Orianna Skylar Mastro đã lập bản so sánh Luật Hải cảnh của Trung Quốc và Luật quốc tế (bản dịch của Đại ký sự biển Đông)   

Trung QuốcLuật quốc tế & thông lệ
Vùng biển giữa các đảo và các thực thể địa lý được coi là vùng nội thuỷ; tàu thương mại đi qua phải có sự cho phép của Trung Quốc. Yêu sách này đã được tuyên bố rõ ràng ở quần đảo Hoàng Sa, thông qua việc vẽ đường cơ sở thẳng bao xung quanh quần đảo.Chỉ có một số ít quốc gia đáp ứng điều kiện quốc gia quần đảo có quyền nhóm các đảo và vạch đường cơ sở bao quanh. Điều này không áp dụng cho các đảo đang tranh chấp ở Biển Đông. 
Lãnh hải 12 hải lý tính từ phía ngoài đường cơ sở bao quanh các nhóm đảo; đảo nhân tạo và hầu hết các thực thể địa lý đều có lãnh hải.Lãnh hải được tính từ từng thực thể địa lý riêng lẻ và đủ tiêu chuẩn pháp lý để được hưởng lãnh hải (các đảo/đá nổi ở triều cao); hầu hết các thực thể địa lý mà Trung Quốc yêu sách không đáp ứng tiêu chuẩn theo luật quốc tế.
Có quyền kiểm soát các hoạt động quân sự (của nước ngoài) trong vùng đặc quyền kinh tế. Chỉ có thể kiểm soát các hoạt động kinh tế trong vùng này.
Đòi hỏi quyền lịch sử bên trong đường chín đoạn; Trung Quốc vẫn chưa làm rõ một cách đầy đủ lập trường của mình.Quyền lịch sử đã không còn được công nhận sau khi Công ước Luật biển ra đời, phân chia rõ ràng các vùng biển mà các quốc gia ven biển được hưởng.

Qua đó, Trung Quốc đã đi ngược lại với nguyên tắc luật quốc tế. Từ vùng nước nội thủy, đến việc kiểm soát các hoạt động quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế và trong quyền lịch sử. Phó Tổng thư ký Hội Luật quốc tế Đài Loan Lâm Đình Huy cho biết Hội đồng Các vấn đề Đại lục của Đài Loan không đồng ý với Luật Hải cảnh của Trung Quốc. Ông cho rằng Hải cảnh được ngăn chặn tàu nước ngoài đi vào khu vực biển tranh chấp sẽ giúp Trung Quốc có hai lực lượng hoạt động như hải quân để thực hiện tham vọng trên biển của mình. Giám đốc Trung tâm Eo biển Malacca thuộc Viện Hàng hải Malaysia Sumathy Permal nói rằng hành vi cho phép phá hủy các công trình do bên tranh chấp xây dựng là thô bạo và đe dọa với khác bao gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Đài Loan. PGS Nguyễn Hồng Thao của Học viện Ngoại giao Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội cũng phản đối Luật Hải cảnh của Trung Quốc. Ông cho rằng Trung Quốc đang tạo tiền lệ cho việc sử dụng luật quốc gia để giải quyết các tranh chấp quốc tế tại các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông như được định nghĩa theo UNCLOS.  Điều này đã vi phạm Điều 27 của Công ước Viên về Luật Điều ước quốc tế năm 1969, quy định rằng “Một bên không thể viện dẫn những quy định của pháp luật trong nước của mình làm lý do cho việc không thi hành một điều ước”. Đồng thời, các điều khoản cụ thể trong Luật Hải cảnh mới của trung Quốc đã phá vỡ các nguyên tắc quốc tế khác như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, Hiến chương Liên hợp quốc và  phán quyết của trọng tài năm 2016 trong tranh chấp của Trung Quốc với Philippines. Nói cách khác, luật mới đang ảnh hưởng trật tự của luật pháp quốc tế

Xét về ngôn ngữ, theo chuyên gia Singapore Collin Koh, ngôn ngữ không rõ ràng của Luật hải cảnh Trung quốc tạo điều kiện cho Trung Quốc lạm dụng. Sự tự do trong diễn giải khái niệm “vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia” cho phép Trung quốc có thể áp dụng vũ lực trong tình huống họ cảm thấy phù hợp. Theo nhà nghiên cứu của Quỹ Nghiên cứu Hoà bình châu Á – Thái Bình Dương ở Đài Bắc Eli Huan, hành động bỏ đi định nghĩa về “vùng biển thuộc quyền tài phán” của Trung Quốc tạo cơ hội cho sự hiểu lầm giữa tàu thuyền nước ngoài và Hải cảnh Trung Quốc, cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc linh hoạt trong việc thực thi pháp luật thậm chí là trong vùng biển tranh chấp với quốc gia khác. Luật mới đã cung cấp cơ sở pháp lý cho phép Hải cảnh Trung Quốc tích hợp các nguồn lực chính trị, quân sự và dân sự để hỗ trợ sự phát triển. Hải cảnh Trung Quốc cũng sẽ linh hoạt hơn về các phương tiện mà họ có thể thực hiện nhiệm vụ của mình và có thể nhận được hỗ trợ liên tục từ Hải quân Trung Quốc trong khi tiến hành nhiệm vụ..

Tuy nhiên, Theo Đại tá Raul (Pete) Pedrozo, Trung Quốc sẽ sai lầm khi sử dụng luật mới để thúc đẩy yêu sách của mình Biển Hoa Đông và Biển Đông, ảnh hưởng quyền khai thác tài nguyên của các quốc gia ven biển, hoặc can thiệp vào hoạt động sử dụng biển hợp pháp của cộng đồng quốc tế. Vì các quốc gia trong khu vực sẽ thực hiện các hành vi hợp pháp cần thiết để bảo vệ các quyền lợi của mình, trong đó có sử dụng ngoại giao và tòa án quốc tế. Thêm vào đó, Mỹ cũng sẽ tham gia bảo vệ đồng minh và đối tác trong khu vực nhằm đảo bảo một  Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

(3) Nhật Bản phản đối yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông

Ngày 19/1/2021, Phái đoàn thường trực Nhật Bản tại Liên Hợp Quốc gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Công hàm của Nhật Bản đáp trả trực tiếp công hàm số CML/63/2020 ngày 18/9/2020 của Trung Quốc – vốn được dùng đáp trả công hàm của Anh, Pháp và Đức gửi ngày 16/9/2020). Dù Nhật Bản chỉ trích lập trường của Trung Quốc, công hàm chỉ tập trung ở hai điểm: bác bỏ các yêu sách đường cơ sở bao xung quanh các quần đảo, và các thực thể chìm nổi ở triều cao (low-tide elevations) không được hưởng lãnh hải riêng, tố cáo những nỗ lực của Trung Quốc nhằm hạn chế quyền tự do hải hành và không hành. Nhật không nhắc tới khía cạnh khác trong Phán quyết Tòa trọng tài về tình trạng đảo/đá của các thực thể chìm nổi ở Biển Đông. Bản công hàm đánh dấu Nhật Bản là quốc gia thứ 11 gửi công hàm phản đối Trung Quốc.

(4) Bộ Tứ kim cương hợp tác ở cấp độ người đứng đầu chính phủ

Ngày 12/3/2021: Hội nghị thượng đỉnh của Bộ Tứ kim cương (QUAD) bao gồm Mỹ-Nhật-Úc-Ấn đã diễn ra theo hình thức trực tuyến. Tham dự hội nghị có Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. Sau Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã viết bài xã luận trên Washington Post, đề cập những vấn đề như: biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19. Tương tự Tuyên bố chung, bài xã luận không nhắc đến Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo nhất trí về thúc đẩy tầm nhìn chung và đảm bảo hòa bình và thịnh vượng. Theo Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Sullivan, các nhà lãnh đạo đã luận về thách thức mà Trung Quốc đặt ra và nói rõ rằng họ không ảo tưởng về Trung Quốc, nhưng trọng tâm của cuộc hợp không phải về Trung Quốc. Theo Ngoại trưởng Ấn Độ  Harsh Vardhan Shringla, đây không phải là cơ chế kìm hãm Trung Quốc. Đồng thời, Hội nghị thượng đỉnh của khối QUAD lần này là sự kiện đánh dấu khuôn khổ hợp tác Bộ Tứ đã được nâng lên cấp người đứng đầu chính phủ. 

Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn còn khoảng cách với các quốc gia còn lại. Theo Micheal J.Green, các quốc gia vốn không có cam kết an ninh tập thể nào. Đồng thời, Ấn Độ không có khả năng tương đương quân sự với ba quốc gia còn lại, do đó để bốn bên tương tác với nhau hiệu quả sẽ khó khăn hơn bộ ba Mỹ-Nhật-Úc tương tác với nhau. 

(5) Phản ứng của các quốc gia về tàu Trung Quốc xuất hiện ở khu vực đảo Ba Đầu

Trong giai đoạn diễn ra sự hiện diện của tàu Trung Quốc tại khu vực đảo Ba Đầu. Song song các diễn biến thực địa, các chủ thể quan hệ quốc tế thực hiện các công cụ ngoại giao để nêu lên quan điểm của mình: (a) trực tiếp phản đối hành vi của Trung Quốc và (b) kêu gọi thượng tôn pháp luật mà không nêu rõ quốc gia.

(a) Các chủ thể trực tiếp phản đối hành vi của Trung Quốc. Ngày 23/3/2021 Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách khu vực châu Á Nigel Adams nói rằng Philippines là đối tác quan trọng của Vương quốc liên hiệp Anh & Bắc Ireland ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ông cũng nói rằng hai quốc gia Anh và Philippines cùng thể hiện quan ngại  về Myanmar và Biển Đông, bao gồm các hành động làm gia tăng căng thẳng ở đó. Ngày 25/3/2021, Đại sứ Canada tại Philippines Peter MacArthur nói rằng Canada phản đối các hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm cả ngoài khơi bờ biển Philippines, làm leo thang căng thẳng và phá hoại sự ổn định của khu vực cũng như trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Ngày 29/3/2021,  Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Mỹ sẽ sát cánh với đồng minh Philippines đối mặt với lực lượng dân quân hàng hải của CHND Trung Hoa đang tập trung tại Bãi Ba Đầu. Hoa Kỳ sẽ luôn đứng về phía các đồng minh của mình và bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

(b) Các chủ thể trực tiếp không thể hiện sự phản đối Trung Quốc, chỉ đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật. Đại sứ Nhật Bản tại Philippines Koshikawa Kazuhiko nói rằng Nhật Bản phản đối bất kỳ hành động nào làm gia tăng căng thẳng và ủng hộ thượng tôn pháp luật và hợp tác với cộng đồng quốc tế để bảo vệ các vùng biển tự do, rộng mở và hòa bình. Tương tự, New Zealand cũng kêu gọi các bên giải quyết bằng biện pháp hòa bình và hợp tác, tuân thủ UNCLOS. Ngày 24/3/2021, Đại sứ Úc tại Philippines Steven J. Robinson cũng nói rằng ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương an toàn, rộng mở và toàn bộ. Cùng ngày ,Đại sứ Liên hiệp Châu Âu (EU) tại Manila Luc Veron nhấn mạnh sự cần thiết của tất cả các bên phải tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Trước những phản ứng trực tiếp và gián tiếp thể hiện sự phản đối với Trung Quốc, Trung Quốc bày tỏ quan điểm của mình. Trung Quốc chỉ trích Mỹ đang làm tình hình căng thẳng thêm và phá hoại hòa bình ổn định khu vực, vì Mỹ không phải là một bên trong vấn đề biển Đông. Đại sứ quán Trung Quốc cũng nói rằng các đại sứ ngoại giao của Úc và Canada cũng như Quốc vụ khanh của Anh  “không có khả năng suy nghĩ và đánh giá độc lập”, và thiếu trách nhiệm. Đồng thời, Trung Quốc nói rằng các quốc gia đồng minh của Mỹ sẽ không tránh khỏi thất bại khi đăng lại Twitter của Đại sứ Nhật Bản.

Giai đoạn tháng 4-6

Trong giai đoạn này các sự kiện ngoại giao bao gồm song phương và đa phương trong đó các hội nghị đa phương thường diễn ra vào tháng 6. Các sự kiện ngoại giao chính liên quan đến Biển Đông bao gồm: (1) hoạt động ngoại giao tích cực của Việt Nam, (2) phản ứng của Bộ Ngoại giao Việt Nam trước các hành vi trái phép của Trung Quốc và Đài Loan, (3) quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và các nước Đông Nam Á không có tiến triển, (4) mối quan hệ Trung Quốc và Malaysia căng thẳng, (5) các hoạt động ngoại giao đa phương giữa ASEAN và các bên được tích cực đẩy mạnh và mở rộng. 

  1. Hoạt động ngoại giao của Việt Nam về vấn đề Biển Đông được đẩy mạnh và mở rộng với các nước trong và ngoài khu vực qua điện đàm và hội đàm song phương. 

Giải pháp cho vấn đề Biển Đông trong các cuộc bàn luận của Việt Nam và các nước được xoay quanh việc các bên xử lý tân theo luật pháp quốc tế, công ước UNCLOS 1982, nghiêm túc thực hiện DOC và đẩy nhanh thảo luận và ký kết COC. Trong mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á, ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có cuộc hội đàm với Tổng thống Indonesia nhân dịp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Indonesia. Hai nhà lãnh đạo khẳng định đặc biệt coi trọng việc sớm hoàn tất đàm phán ranh giới vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước; nhất trí duy trì lập trường chung của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, trong đó duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không, thực hiện hiệu quả DOC và sớm hoàn tất đàm phán COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982. Đồng thời trong cuộc điện đàm với Người phát ngôn Hội đồng Lập pháp Brunei Pehin Dato Abdul Rahman Taib ngày 9/6, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ khẳng định cần tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN, củng cố cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ, với trọng tâm là hợp tác đa phương; nhấn mạnh các bên cần tôn trọng pháp quyền, UNCLOS 1982, hướng tới một COC hiệu quả và thực chất ở Biển Đông. 

Đối với Trung Quốc, từ tháng 4 đến tháng 6 cả hai bên đã tổ chức nhiều sự kiện ngoại giao giữa các cấp và đưa ra những tuyên bố chung về vấn đề giải quyết Biển Đông. Trong cuộc điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 24/5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Việt – Trung; nêu một số biện pháp trọng tâm thúc đẩy quan hệ hai nước thời gian; khẳng định hai bên cần nỗ lực duy trì môi trường hòa bình, ổn định, cùng xử lý ổn thỏa vấn đề trên biển theo nhận thức chung cấp cao, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS năm 1982; tiếp tục tăng cường phối hợp tại các diễn đàn đa phương. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh hai nước cần kiểm soát tốt bất đồng và thấu hiểu, cùng thúc đẩy giải quyết vấn đề Biển Đông theo phương châm từ dễ đến khó, không để ảnh hưởng đến tổng thể quan hệ hai nước. Ở cấp bộ trưởng, hai bộ trưởng (Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị) nhất trí duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, cùng các nước ASEAN sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. “Về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên tiếp tục thực hiện nghiêm túc nhận thức chung cấp cao, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, phát huy vai trò của các cơ chế đàm phán, tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề Biển Đông”. Sau đó vào ngày 17-6, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội đàm trực tuyến với Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Chủ tịch Nhân đại – Chủ tịch Quốc hội) Lật Chiến Thư. Cả hai Chủ tịch Quốc hội đã trao đổi nhiều nội dung thiết thực nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước trên các lĩnh vực chính trị, hợp tác về kinh tế – thương mại và đầu tư, quản lý biên giới trên đất liền và duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Về phía Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị hai bên cùng nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển, tôn trọng lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau theo tinh thần nhận thức chung cấp cao, nhất là Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Về phía Trung Quốc, Chủ tịch Nhân đại Trung Quốc đề nghị hai bên tuân thủ nhận thức chung cấp cao trong việc duy trì hòa bình, ổn định trên biển, thực hiện tốt Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy sớm đạt được Bộ quy tắc COC. 

Hoạt động ngoại giao của Việt Nam còn được mở rộng đến các nước ngoài khu vực Biển Đông. Điển hình, trong buổi tiếp Đại Sứ Hàn Quốc tại Việt Nam ngày 1/6, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang khẳng định hợp tác quốc phòng hai nước có bước phát triển mới sau ký Tuyên bố Tầm nhìn chung đến năm 2030. Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như công nghiệp quốc phòng, an ninh biển, tác chiến không gian mạng. Trong buổi tiếp Đại Sứ Ấn Độ tại Việt Nam cũng trong ngày 1/6, Bộ trưởng Phan Văn Giang khẳng định Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ toàn diện với Ấn Độ. Hai bên cần sớm ký kết Tuyên bố Tầm nhìn chung về Quan hệ Quốc phòng giai đoạn 2021-2025. Trước đó ngày 25/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Úc Scott Morrison khẳng định quan hệ song phương ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất. Về Biển Đông, hai nhà Lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC; tiến tới đạt được COC thực chất, hiệu quả.

Đối với châu Âu, Việt Nam đã thực hiện những cuộc điện đàm với Đức và Pháp trong cuối tháng 05 đầu tháng 06. Ngày 25/5, trong cuộc điện đàm, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Đức Heiko Maas khẳng định tầm quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược. Hai bên thống nhất sớm xây dựng kế hoạch hành động chiến lược giai đoạn 2022-2023; khẳng định vai trò của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982; nhấn mạnh vai trò trung tâm ASEAN, thúc đẩy đối thoại hòa bình, giải quyết vấn đề Myanmar.  Việt Nam và Pháp trao đổi và khẳng định về tầm quan trọng của việc bảo đảm tự do hàng hải, hàng không, an ninh và hòa bình tại Biển Đông. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh vai trò của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 là khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên biển và đại dương. Trong cùng ngày 25/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 28/5, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao những đóng góp của Ngoại trưởng Blinken cho quan hệ song phương, bày tỏ sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với ông Blinken để thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện Việt -Mỹ. Về phần mình, Ngoại trưởng Blinken cam kết Mỹ tiếp tục ủng hộ Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021; mong muốn hai bên góp phần củng cố hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.

  1. Người phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng liên tục đại diện Việt Nam lên tiếng phản đối các hoạt động trái phép của Trung Quốc và Đài Loan tại khu vực Biển Đông

Từ tháng 4 đến tháng 6, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chính thức ba lần lên tiếng phản đối các hành động trái phép của Trung Quốc và Đài Loan, trong đó các chỉ trích liên tới Đài Loan có phần cứng rắn hơn Trung Quốc. Vào ngày 13/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phản đối Trung Quốc tiếp tục điều tàu đến Đá Ba Đầu (tổng cộng 300 chiếc). Bà Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền ở Biển Đông. Các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát các diễn biến trên Biển Đông và bảo vệ thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển của Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS năm 1982. Tiếp đó, vào tháng 6, Bộ Ngoại giao bình luận việc tàu Trung Quốc xuất hiện gần đảo Tri Tôn (Hoàng Sa) rằng “Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam đối với Hoàng Sa; yêu cầu các bên không làm phức tạp tình hình, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán COC”.

Gần đây nhất là sự kiện Đài Loan diễn tập bắn thật tại xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tái khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. “Việc Đài Loan tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải; gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan hủy bỏ hoạt động diễn tập trái phép nêu trên và không tái diễn trong tương lai”.

  1. Các động thái quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và Philippines còn mơ hồ và quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và Campuchia có những chuyển biến tiêu cực

Sau một thời gian kéo dài, cả Mỹ và Philippine bàn bạc về vấn đề hủy bỏ Thỏa thuận lực lượng thăm viếng, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cho biết Philippines đã tạm “đóng băng” quyết định hủy bỏ Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA). Lần trì hoãn này kéo dài thêm 6 tháng và trong thời gian này Tổng thống Rodrigo Duterte đang “nghiên cứu. Năm ngoái, ông Duterte thông báo với phía Mỹ rằng ông sẽ hủy bỏ VFA. Đây là lần thứ ba trì hoãn sau thông báo hủy bỏ VFA của Tổng thống Duterte vào năm ngoái. Về phía Mỹ, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby ngày 14/6 hoan nghênh Philippines tạm ngừng việc chấm dứt Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA). Mỹ đánh giá Philippines là một đối tác bình đẳng, có chủ quyền trong liên minh song phương.

Về vấn đề với Campuchia, Mỹ đã thể hiện thiện chí hỗ trợ Campuchia trong năm Chủ tịch ASEAN 2022 quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và Campuchia đã không đạt thành công như mong muốn. Trước chuyến thăm thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 1/6 cho hay Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman bày tỏ quan ngại việc Trung Quốc hiện diện và xây dựng các cơ sở quân sự tại căn cứ Hải quân Ream của Campuchia; kêu gọi giới lãnh đạo Campuchia duy trì chính sách đối ngoại độc lập. Theo bà Sherman, Mỹ sẵn sàng hợp tác với Campuchia trong năm Chủ tịch ASEAN 2022; khẳng định Campuchia có thể đóng vai trò tích cực trong giải quyết các vấn đề an ninh khu vực, bao gồm Biển Đông. Song ngày 11/6, Sứ quán Mỹ tại Campuchia cho biết tuỳ viên quân sự Mỹ bị từ chối tham quan toàn bộ căn cứ hải quân Ream. Các chuyến thăm định kỳ của Mỹ đến căn cứ Ream là một bước quan trọng nhằm tăng cường sự minh bạch và tin cậy hai bên. Sau khi hủy, Mỹ đã dừng chuyến thăm và đề nghị Campuchia tổ chức lại một chuyến thăm khác. Bộ Quốc phòng Campuchia ngày 12/6 ra thông cáo xác nhận từ chối cho phái đoàn Mỹ tiếp cận toàn bộ cơ sở bên trong căn cứ hải quân Ream trong chuyến thăm ngày 11/6 với lý do phía Mỹ đột ngột yêu cầu thăm một địa điểm khác không có trong yêu cầu ban đầu.

  1. Mối quan hệ Trung Quốc và Malaysia căng thẳng về vấn đề máy bay vận tải Trung Quốc bay vào vùng không phận Malaysia

Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishammuddin Hussein ngày 1/6 cho biết Malaysia sẽ gửi công hàm phản đối và triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Kuala Lumpur về vụ 16 máy bay vận tải của Trung Quốc xâm nhập vào không phận của Malaysia. Ông  Hussein cho biết sẽ bày tỏ quan ngại với người đồng cấp Trung Quốc. Trước việc Malaysia phản đối 16 máy bay vận tải Trung Quốc xâm nhập không phận, Đại sứ quán Trung Quốc tại Malaysia ngày 1/6 cho hay hoạt động của Không quân Trung Quốc là hoạt động huấn luyện thường lệ và không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào. Máy bay quân sự của Trung Quốc không xâm phạm không phận của bất kỳ quốc gia nào trong thời gian huấn luyện và tuân thủ nghiêm ngặt các luật liên quan. Sau đó vào ngày 4/6 Mỹ đã lên tiếng nghi ngờ hành động “ám muội” của Trung Quốc và cáo buộc Trung Quốc gây leo thang căng thẳng tại khu vực này khi đưa máy bay vào Đài Loan và Malaysia.

  1. Các hoạt động ngoại giao đa phương giữa ASEAN và các bên được tích cực tổ chức và vấn đề Biển Đông được bàn luận, các bên hướng tới soạn thảo thành công COC

Thời gian cuối tháng 5 và tháng 6 đánh dấu tần suất dày đặc của những hoạt động ngoại giao đa phương giữa ASEAN và các bên, vấn đề Biển Đông là trọng tâm của các chương trình nghị sự trong hội nghị. Đầu tiên, Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc kỷ niệm 30 năm Quan hệ Đối tác được tổ chức tại Trùng Khánh, Trung Quốc, vào ngày 7-6 do Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị là đồng chủ trì hội nghị trên: Tuyên bố đồng chủ tịch – ASEAN và Trung Quốc cùng “khẳng định Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) là văn kiện mang tính dấu mốc, thể hiện cam kết chung thúc đẩy hòa bình, ổn định, tin cậy lẫn nhau và lòng tin ở khu vực, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982”. “Chúng tôi đề cao duy trì tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) thông qua từng bước nối lại đàm phán thông qua họp trực tuyến, khắc phục các khó khăn do tình hình dịch bệnh”. Đồng thời, ASEAN và Trung Quốc cũng cam kết đẩy nhanh nối lại đàm phán văn kiện COC thông qua các hình thức trực tuyến, “hướng tới hoàn tất sớm một bộ COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế. 

Thứ hai, Hội nghị lần thứ 19 quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (SOM DOC) đã ghi nhận ASEAN và Trung Quốc vẫn nỗ lực triển khai các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), bất chấp tác động từ đại dịch COVID-19; khẳng định lại mong muốn đạt được một COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng kêu gọi các bên thực hiện nghiêm túc và thiện chí DOC cũng như các cam kết đã có. 

Cuối cùng và là sự kiện gần nhất, trong Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 8 ngày 16-6, ông Phan Văn Giang nhấn mạnh về việc tất cả các bên liên quan cần phải nghiêm túc tuân thủ nguyên tắc giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982; hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế; kêu gọi các bên hết sức kiềm chế, không có những hành động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp dưới mọi hình thức và cần phải đối xử nhân đạo với ngư dân trong bất kỳ hoàn cảnh, tình huống nào trên biển. Có thể nói ngoài những tuyên bố liên quan đến luật pháp quốc tế, kêu gọi các bên kiềm chế trong khu vực biển Đông, bản tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang đã bổ sung thêm vấn đề nhân đạo và gắn vấn đề này vào căng thẳng tại Biển Đông.

….KẾT LUẬN

Trong nửa đầu năm 2021, về thực địa, Trung Quốc ngày càng đầu tư củng cố năng lực quốc phòng và hiện đại hóa các khí tài quân sự, tăng cường khả năng hậu cần trên biển và trên không, tiến hành nhiều đợt xâm nhập vào vùng biển các quốc gia trong khu vực biển Đông và biển Hoa Đông, và tăng cường củng cố mặt trận pháp lý. Qua đó cho thấy các hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông vẫn ngang ngược và gây đe dọa đến an ninh hàng hải cho các quốc gia trong khu vực. Ngoài ra, Trung Quốc đang nỗ lực phát triển tiềm năng quân sự trên biển nhằm cạnh tranh và cân bằng lực lượng với quân đội Mỹ vì sự hiện diện của Bộ Tư lệnh INDOPACOM của Mỹ trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được đánh giá là nguy cơ đe dọa an ninh của Trung Quốc. Về phía Mỹ, tương tự như thời kỳ của Tổng thống Donald Trump Mỹ vẫn duy trì hoạt động FONOP và tăng cường tập trận cùng các đồng minh, đặc biệt là các quốc gia trong khối QUAD. Còn về phía châu Âu bắt đầu có sự quan tâm nhất định từ một số quốc gia như Anh, Pháp, Đức về vấn đề gia tăng căng thẳng tại khu vực Biển Đông. Đối với các nước thành viên ASEAN đã cho thấy những động thái cứng rắn hơn khi đối diện với những hành vi ngang ngược từ phía Trung Quốc và được thể hiện qua việc các nước này hợp tác quốc phòng với các chủ thể bên ngoài khu vực đồng thời củng cố năng lực quốc phòng. 

Trong nửa đầu năm 2021, về chính trị – ngoại giao, Trung Quốc đã nỗ lực trong lĩnh vực ngoại giao nhằm lôi kéo các quốc gia trong ASEAN, gia tăng ảnh hưởng lên khu vực biển Đông. Đồng thời, Trung Quốc củng cố luật pháp quốc gia để có khả năng linh hoạt hơn trong xử lý các vấn đề biển Đông. Dù vậy, Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn xóa bỏ được góc nhìn “mối đe dọa Trung Quốc” trong mắt các quốc gia. Mặc dù chuyến công du của Bộ trưởng Vương Nghị gửi tín hiệu tích cực cho các quốc gia ASEAN, Luật Hải cảnh của Trung Quốc và sự hiện diện của Trung Quốc tại Đảo Ba Đầu của Việt Nam đã chịu sự chỉ trích của chính phủ quốc gia trên thế giới, cũng như sự phản đối từ phía các học giả trên thế giới trong giai đoạn tháng 1-3. Trong khi đó, Mỹ có hoạt động gia tăng ảnh hưởng của mình lên khu vực, trong đó nổi bật là sự thăng cấp trong hợp tác của khối QUAD. Các hoạt động ngoại giao của Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung với các quốc gia khác được tích cực thúc đẩy và hướng tới mục tiêu xây dựng một bản COC rõ ràng và minh bạch. Ngoài ra các phản ứng chính thức từ Bộ Ngoại giao Việt Nam về vấn đề Biển Đông cũng có xu hướng cứng rắn hơn thời gian trước. Mối quan hệ của Trung Quốc với một số nước ASEAN trong đó có Philippines và Malaysia gia tăng căng thẳng trong đó Malaysia đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Malaysia và bày tỏ quan ngại và Philippines gửi công hàm phản đối tàu đánh bắt cá trái phép của Trung Quốc. Đặc biệt trong giai đoạn này, hiện diện ngoại giao của Mỹ khá mờ nhạt tại khu vực Biển Đông thay vào đó các nước đồng minh của Mỹ trong khối QUAD là Nhật, Úc, Ấn liên tục có các phát biểu và tuyên bố giữ vững lập trường tại Biển Đông và mở rộng chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tới các nước ngoài khu vực, đơn cử là các nước EU. Đồng thời, sự hiện diện ngoại giao của EU ngày càng nhiều qua các hình thức như hội đàm, điện đàm và tuyên bố cho thấy sự quan tâm của EU sẽ có xu hướng gia tăng và kéo dài trong thời gian tới. 

IR Analytica

__________________________

Các bài viết liên quan:

1 comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *