Tổng kết biển Đông 6 tháng đầu năm 2021 (Phần 1 – Trên thực địa)

Thời gian sáu tháng đầu năm 2021, nền chính trị toàn cầu nhìn chung vẫn bị chi phối bởi cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung. Tháng 1, chính quyền mới của ông Biden đã bắt đầu nhiệm kỳ cùng với những sự thay đổi trong chính sách đối ngoại so với người tiền nhiệm là ông Donald Trump. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn đang kiểm soát tình hình dịch bệnh trong nước với chiến dịch tiêm chủng đại trà và không ngừng gia tăng các động thái thể hiện vai trò, vị thế của mình trên phạm vi toàn cầu và trên đa dạng các lĩnh vực. Riêng ở khu vực biển Đông, các tranh chấp chủ quyền vẫn diễn ra căng thẳng, đi cùng với đó là sự gia tăng hiện diện quân sự và các biện pháp ngoại giao cứng rắn của không chỉ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á mà còn là các cường quốc bên ngoài như Trung Quốc, Mỹ cùng các đồng minh bộ tứ QUAD và một số quốc gia EU cũng thể hiện mối quan tâm tại khu vực này. 

TRUNG QUỐC

china 26810 960 720

Trên thực địa, Trung Quốc ngày càng (1) đầu tư củng cố năng lực quốc phòng và hiện đại hóa các khí tài quân sự, (2) tăng cường khả năng hậu cần trên biển và trên không, (3) tiến hành nhiều đợt xâm nhập vào vùng biển các quốc gia trong khu vực biển Đông và biển Hoa Đông, và (4) tăng cường củng cố mặt trận pháp lý.  

  1. Trung Quốc đầu tư củng cố năng lực quốc phòng và hiện đại hóa khí tài quân sự

Nhằm nâng cao năng lực cho lực lượng quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), Trung Quốc tăng dần mức đầu tư vào lĩnh vực quốc phòng. Năm 2020, theo báo cáo số liệu từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Trung Quốc có mức chi tiêu quốc phòng đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, với mức chi 193,3 tỷ USD. Đến năm 2021, quốc gia này đã tăng ngân sách quốc phòng thêm 6,8% lên hơn 209 tỷ USD (1,3 nghìn tỷ nhân dân tệ). Khoản tăng này theo đó sẽ được sử dụng nhằm xây dựng quân đội Trung Quốc, đẩy nhanh việc nâng cấp vũ khí và quá trình hiện đại hóa vũ khí, đẩy nhanh công tác huấn luyện quân nhân, đồng thời cải thiện đời sống, phúc lợi của các nhân viên phục vụ. Có thể thấy, Trung Quốc chú trọng đầu tư toàn diện để củng cố năng lực quốc phòng, chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống chiến tranh hiện đại. 

Trong tháng 1, quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở biển Hoa Đông và ngoài khơi bờ biển Phúc Kiến. Trong các cuộc diễn tập này, Trung Quốc cho đưa vào sử dụng các tàu chiến hiện đại như tàu khu trục tên lửa dẫn đường Type 052D “Thái Nguyên”, Khu trục hạm nhỏ 529 “Châu Sơn”, và hai tàu chiến do Nga sản xuất là tàu “Hàng Châu” và “Thái Châu”, đồng thời lữ đoàn 73 đã điều động thêm trực thăng tấn công cho cuộc diễn tập ngoài khơi Phúc Kiến. Nội dung diễn tập bao gồm gây nhiễu radar, theo dõi, diễn tập bắn đạn thật, diễn tập ném bom và nhắm mục tiêu. Cuối tháng 1, Trung Quốc cũng tổ chức tập trận tại vùng ven biển phía Tây bán đảo Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông. Trong tháng 3, Trung Quốc tiếp tục diễn tập kéo dài cũng tại khu vực này. Do đó, vùng phía Tây Lôi Châu này có thể là khu vực thường huấn luyện định kỳ của một đơn vị hải quân của Trung Quốc bởi trước đó trong khoảng cuối năm 2020 và từ ngày 23-27/1/2021, hải quân Trung Quốc cũng tổ chức tập trận tại đây. Ngoài ra, Bộ tư lệnh 3 quân khu miền Bắc, miền Đông và miền Nam cũng đã tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung ở biển Hoàng Hải, biển Hoa Đông và Biển Đông trong cùng thời gian kể trên. Các cuộc diễn tập giai đoạn này nhằm mục đích củng cố khả năng đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại cho quân đội Trung Quốc, trong bối cảnh Mỹ, các đồng minh QUAD, cũng như khối EU tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực biển Đông. 

Bên cạnh các cuộc tập trận, với mức độ đầu tư lớn và duy trì qua các năm, Trung Quốc đang cho thấy sự phát triển và đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa vũ khí, tăng cường số lượng các tàu chiến, tàu sân bay để cân bằng lực lượng với hải quân Mỹ. Trước đó, Trung Quốc đã thành công hạ thủy hai chiếc tàu sân bay đầu tiên là Liêu Ninh và Sơn Đông. Đến tháng 1/2021, theo thông tin từ các cơ quan truyền thông nước ngoài và cả Trung Quốc, nước này có khả năng sẽ cho hạ thủy tàu sân bay thứ 3 thuộc type 003 vào tháng 7, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập đảng cộng sản Trung Quốc và đưa vào hoạt động vào năm 2025. Dự kiến, tàu sân bay mới này vẫn sẽ chạy bằng nhiên liệu truyền thống nhưng sử dụng hệ thống phóng điện từ tối tân, tương tự hệ thống trang bị cho tàu sân bay lớp Gerald R. Ford của Mỹ. Hệ thống phóng mới cho phép mang trên tàu các loại máy bay tiêm kích, máy bay cảnh báo sớm, kể cả máy bay vận tải, đồng thời cho phóng nhiều máy bay trong thời gian ngắn hơn so với đường băng kiểu nhảy cầu (ski-jump) của hai tàu Liêu Ninh và Sơn Đông. Với tiềm lực như vậy, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin nhận định việc hạ thủy thêm tàu sân bay này sẽ giúp Trung Quốc củng cố vị thế cường quốc hàng hải thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ. Đến tháng 3, báo SCMP dẫn lại một nguồn tin thân cận với PLA cho rằng Trung Quốc đang chuẩn bị có tàu sân bay thứ 4 chạy bằng năng lượng hạt nhân – đây sẽ là bước ngoặt trong cuộc cạnh tranh với sức mạnh hải quân Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương. Trước đó, Hải quân Trung Quốc cũng cho biết có kế hoạch đưa vào hoạt động ít nhất 6 nhóm tàu tác chiến sân bay trước năm 2035. 

Trên không, Trung Quốc đã cho bay thử nghiệm lần đầu máy bay trinh sát không người lái WJ-700 mới của lực lượng PLA vào ngày 11/1/2021. Các thông số kỹ thuật của nó là trọng lượng 3,5 tấn, thời gian bay 20 giờ, đạt độ cao 39.000 feet và tốc độ tối đa 435mph. Dự kiến, máy bay này sẽ được sử dụng trong nước nhưng chưa rõ chính quyền Trung Quốc có sử dụng trên biển Đông hay không. Việc Trung Quốc thúc đẩy các chương trình máy bay không người lái đặt ra các thách thức cho các quốc gia trong khu vực, vốn luôn lo ngại về hành vi xâm phạm vùng trời của quân đội nước này. Vào tháng 4, Trung Quốc tiến hành thử nghiệm tên lửa DF-26, được đặc biệt thiết kế để tấn công tàu sân bay, nhằm đối phó với Mỹ. 

Trong khi đó, năng lực giám sát trên biển được Trung Quốc nâng cao với việc lên kế hoạch biến các tàu tiếp tế ở biển Đông thành thiết bị giám sát công nghệ cao với hệ thống giám sát quang điện tử đường dài DLS-16T, nhằm giúp các tàu này theo dõi các tàu của Mỹ, Việt Nam và các nước khác. Trung Quốc cũng đang thực hiện các cuộc khảo sát trên biển. Trong tháng 1, một số tàu khảo sát khoa học của Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc (SOA) đã được phát hiện trong vùng biển Indonesia, vịnh Bengal và xa hơn đến vịnh Aden (châu Phi). Cùng với đó, tàu khảo sát Xiang Yang Hong 03 (Hướng Dương Hồng 03) hoạt động trên Ấn Độ Dương đã tiếp cận eo biển Sunda (giữa hai đảo Java và Sumatra của Indonesia) nhưng không mở thiết bị tự động nhận dạng (AIS) theo nguyên tắc. Các thiết bị này có khả năng lặn lâu dưới nước, thu thập dữ liệu về dòng chảy và đặc tính hóa lý của nước, do đó nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang thực hiện tham vọng vẽ bản đồ đáy biển Ấn Độ Dương. Theo nhà phân tích H. I. Sutton nhận thấy diện tích khảo sát của tàu Hướng Dương Hồng 01 đã đạt khoảng 500.000 km2 và dự đoán Trung Quốc đang chú trọng vẽ bản đồ cho khu vực phía Đông Ấn Độ Dương nhằm phát triển hoạt động tàu ngầm và mở đường quá cảnh sang phía tây Ấn Độ Dương mà không muốn bị phát hiện. Điều này sẽ bổ trợ thêm cho Trung Quốc trong chiến tranh tàu ngầm và chống tàu ngầm. Tiếp đó vào tháng 3, tàu khảo sát Hải Dương Thạch Du 718 của Trung Quốc cũng tiến hành khảo sát 3D ngoài khơi đảo Hải Nam – khu vực nằm trong Vịnh Bắc Bộ gần về phía Trung Quốc và chưa được phân chia với Việt Nam. Nhìn chung, các công tác khảo sát, quét vùng đáy biển, vùng biển của Trung Quốc được nhìn nhận mang hàm ý chuẩn bị cho các cuộc chiến tranh hiện đại. 

  1. Trung Quốc tăng cường khả năng hậu cần trên biển và trên không:

Cũng nhằm mục đích ứng phó với các tình hình huống xảy ra chiến tranh dài hạn, Trung Quốc không ngừng củng cố các trạm, cơ sở đồn trú, nâng cao khả năng hậu cần trên biển và trên không. 

Trong giai đoạn cuối năm 2020 – đầu năm 2021, Trung Quốc đã cho nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các cơ sở của hạm đội PLAN tại Hải Nam. Từ hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng ụ tàu khô mới đủ rộng cho tàu sân bay type 003 mà Trung Quốc dự kiến hạ thủy vào tháng 7 (như đã đề cập ở trên). Theo nhận định của nhóm tác giả dự án Đại ký sự biển Đông, ụ tàu này sẽ cho phép các tàu sân bay đóng quân vĩnh viễn trên đảo, từ đó gia tăng mức độ hiện diện quân sự. Khi kết hợp các thông tin về việc mở rộng căn cứ quân sự tại Hải Nam cùng với việc Trung Quốc tăng cường triển khai máy bay cảnh báo sớm và chống tàu ngầm tới căn cứ Lăng Thủy – Quỳnh Hải (phía đông nam và phía đông Hải Nam), chuyên gia Mike Yeo nhận định rằng các bước này sẽ tăng cường đáng kể năng lực của Hạm đội Nam Hải trong khu vực và sẽ giúp củng cố sự chênh lệch quyền lực vốn đã rất lớn của Trung Quốc so với các bên khác có tranh chấp tại Biển Đông. Giai đoạn tháng 2, Trung Quốc cũng cho xây dựng thêm các nhà mới trên đảo Phú Lâm – một tiền đồn quan trọng, để hỗ trợ cho việc dân số trên đảo ngày càng tăng. Theo đó, Trung Quốc cũng cho xây dựng thêm các siêu thị để phục vụ cho quân đội.

  1. Trung Quốc tiến hành nhiều đợt xâm nhập vào vùng biển và không phận các quốc gia trong khu vực biển Đông, biển Hoa Đông

Kể từ sau khi Tòa án trọng tài PCA chính thức bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông vào năm 2016, chiến lược vùng xám liên tục được Trung Quốc đẩy mạnh, với mức độ và quy mô ngày càng gia tăng. Trong khoảng thời gian gần đây, các động thái của Trung Quốc đang càng trở nên mạnh mẽ. Cũng tương tự như tình hình biển Đông năm ngoái, Trung Quốc liên tục tiến hành các cuộc xâm nhập vùng biển và cả vùng trời của các quốc gia trong khu vực biển Đông và biển Hoa Đông nhằm gây gián đoạn các hoạt động khai thác tài nguyên hoặc gửi đi thông điệp chính trị mang tính răn đe. Trong đó, phải kể đến các quốc gia bị ảnh hưởng như Đài Loan, Việt Nam, Philippines và Nhật Bản.

Về phía Đài Loan, với tình hình chính trị nóng lên tại khu vực eo biển Đài Loan, Trung Quốc đã cho tiến hành nhiều cuộc tập trận thường kỳ và nhiều lần cho máy bay quân sự xâm nhập vào không phận lãnh thổ Đài Loan. Các cuộc tập trận diễn ra với quy mô lớn, sử dụng đạn thật và triển khai nhiều khí tài quân sự tân tiến như  tàu khu trục lớp Type 055 tên hiệu Nam Xương 101, các tàu khu trục lớp Type 052D (Lữ Dương III, Thành Đô 120 và Thái Nguyên 131), khinh hạm lớp Type 054A (Giang Khải II), Hoàng Cương 577, tàu tiếp tế nhanh lớp Type 901 (Fuyu) (Hồ Luân Hồ 965). Tính riêng trong tháng 1, theo báo cáo từ Bộ Quốc Phòng Đài Loan, từ ngày 24-29/1/2021, đã có tổng cộng 33 lượt và 30/1/2021 đến 6/2/2021 có thêm 14 lượt máy bay quân sự của Trung Quốc đi vào vùng nhận diện phòng không phía tây nam Đài Loan. Tình trạng trên tiếp diễn xuyên suốt từ tháng 1 cho đến tháng 4, với các ghi nhận từ ít nhất 10 đến 25 máy bay quân sự, bao gồm các loại máy bay chiến đấu J-16, J-10, máy bay chống tàu ngầm Y-8 ASW, tiêm kích SU-30, máy bay trinh sát chiến thuật Y-8 RECCE, máy bay cảnh báo sớm KJ-500, máy bay ném bom H-6K, xâm nhập vào vùng nhận diện phòng không của Đài Loan. Tuy nhiên, cho tới tháng 6/2021, đã có hơn 28 máy bay, bao gồm máy bay chiến đấu và cả máy bay ném bom hạt nhân – đánh dấu lần xâm phạm lớn nhất mà Đài Loan từng ghi nhận kể từ khi bắt đầu báo cáo về các hoạt động của không quân đại lục trong vùng AIDZ của Đài Loan. Đợt máy bay này diễn ra trong bối cảnh hội nghị G7 đưa ra các thông báo chung chỉ trích Trung Quốc. Các cuộc tập trận với quy mô ngày càng tăng này được cho là Trung Quốc đang muốn gửi thông điệp đến Mỹ và các nước đồng minh, rằng Trung Quốc hoàn toàn sở hữu năng lực quân sự để đối đầu trong vấn đề Đài Loan, dù có sự can thiệp của các đồng minh Đài Loan hay không. Nhà nghiên cứu Collin Koh của Trường quan hệ quốc tế S. Rajaratnam, Singapore đánh giá rằng đây là lời cảnh báo đối với Đài Loan và các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ, đang làm suy yếu lợi ích của Trung Quốc. 

Về phía Nhật, các cuộc xâm nhập của tàu Trung Quốc cũng được tiến hành trong khu vực gần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trong ngày 16/2/2021, hai tàu hải cảnh Trung Quốc – trong đó có một tàu trang bị pháo tự động đã tiến vào vùng biển gần quần đảo Senkaku trong ngày thứ hai liên tiếp và truy đuổi một tàu cá Nhật Bản. Đây là cuộc xâm nhập lần thứ ba của các tàu hải cảnh Trung Quốc vào vùng biển này kể từ đầu năm 2021 và là lần đầu tiên với một tàu vũ trang kể từ khi Bắc Kinh ban hành Luật Hải cảnh gây tranh cãi vào ngày 1/2/2021. Trong cuộc họp báo đầu tháng 3, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, Katsunobu Kato cho biết, tàu Hải cảnh Trung Quốc đã được phát hiện bên trong vùng tiếp giáp lãnh hải của Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku 26 ngày trong tháng 2/2021. Các tàu này đã xâm phạm lãnh hải Nhật Bản 6 lần trong đó có 5 lần tiếp cận các tàu cá Nhật Bản. 

Về phía Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục cho tàu vào tiếp cận gần với các khu vực mỏ bao gồm các mỏ khai thác mới và cả các mỏ đã đi vào hoạt động ổn định lâu năm mà ở đây chủ yếu là mỏ Lan Tây và mỏ Hải Thạch. Bắt đầu từ tháng 2, tàu hải cảnh 5304 đã rời Đá Chữ Thập và di chuyển tới khu vực Lô 05.2 và Lô 05.3 trong thềm lục địa Việt Nam. Tiếp đó, tàu hải cảnh này đã di chuyển tới khu vực mỏ Hải Thạch với khoảng cách gần nhất đến giàn khai thác chỉ khoảng 1 hải lý. Đồng thời, tàu 5304 đã tiếp cận rất gần một kho chứa dầu thô nổi tại khu vực mỏ Hải Thạch. Đáng chú ý, khu vực Hải Thạch ngoài giàn khai thác, kho chứa còn có hệ thống đường ống dẫn dầu được hưởng hành lang an toàn 500 m. Sau khi tiếp cận ở cự ly gần mỏ Hải Thạch, hải cảnh 5304 đã di chuyển tới mỏ khí Lan Tây trước khi quay về neo tại khu vực Tây nam bãi Tư Chính. Ngay sau đó, tàu hải cảnh này đã thực hiện đợt áp sát thứ 2 đến giàn khai thác tại mỏ Lan Tây và Hải Thạch rồi di chuyển xuống bãi cạn Nam Luconia. Đến hết tháng 2, sang đầu tháng 3, hải cảnh 5304 quay trở lại tiếp cận khu vực hai mỏ trên và lặp lại đợt tiếp cận như vậy trong ngày 6/3/2021. Sau đợt tiếp cận này, hải cảnh 5304 thực hiện thêm 2 đợt khác nữa với vị trí tương tự vào ngày 8 và 10/3/2021. Tuy nhiên, ở đợt này tàu Trung Quốc đã không di chuyển về neo tại bãi Tư Chính như đợt tháng 2 mà lại neo tại vị trí cách mỏ Hải Thạch 15 hải lý về phía Nam và cách mỏ Lan Tây 8-12 hải lý về phía tây nam – tức nghĩa, tàu Trung Quốc đã nằm sâu trong vùng EEZ của nước ta. Các đợt áp sát này lặp lại đợt tiếp cận như vậy cho đến cuối tháng 6/2021, với sự hỗ trợ của hải cảnh 5302. 

Tuy nhiên, một trong những sự kiện xâm nhập quan trọng dấy lên nhiều tranh cãi là vụ việc tại Đảo đá Ba Đầu. Vào tháng 3/2021, chính quyền Philippines đã đưa ra thông báo về sự xuất hiện của gần 200 tàu cá với chiều dài 55 – 60m neo đậu xung quanh đá Ba Đầu. Đá Ba Đầu là một rạn san hô hình chữ V có tổng diện tích khoảng 10km2, chỉ nổi lên khỏi mặt nước khi triều xuống thấp. Bãi Ba Đầu nằm trên cụm đảo Sinh Tồn trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Philippines gọi là Julian Felipe. Mặc dù phía bộ ngoại giao Trung Quốc đã phản hồi cho rằng các tàu đang neo đậu chỉ là tàu cá neo tránh bão, nhưng các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế đều xem đây là hành vi vi phạm chủ quyền và lên tiếng phản đối việc neo đậu kéo dài bất chấp thời tiết đã có chuyển biến tốt. Động thái này làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc đang âm mưu chiếm đóng và cải tạo đá Ba Đầu như kịch bản trước đây Trung Quốc chiếm đóng bãi cạn Scarborough của Philippines năm 2012 thông qua sự hiện liên tục và ngăn cản không cho các tàu nước ngoài ra vào khu vực. Nếu kịch bản trên xảy ra, Trung Quốc sẽ có được lợi thế lớn ở biển Đông do đá Ba Đầu thuộc cụm Sinh Tồn có vị trí chiến lược đặc biệt, vừa nằm ngay bên dưới trung tâm tam giác chiến lược giữa Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn, vừa là điểm kết nối các cơ sở tại Ga Ven, Gạc Ma và Tư Nghĩa vốn đã được bố trí các phương tiện giám sát tầm xa và liên lạc, làm suy yếu khả năng năng kiểm soát cụm Sinh Tồn của Việt Nam.

Đến cuối tháng 5, trước sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam, Philippines, các tàu cá đã rời đi tuy nhiên các tàu này không trở về Trung Quốc mà tiếp tục di chuyển đến các khu vực khác tại quần đảo Trường Sa, di chuyển tới khu vực đá Tư Nghĩa và đá Gaven.

  1. Tăng cường củng cố mặt trận pháp lý:

Tháng 1/2021, Trung Quốc ban hành Luật Hải cảnh mới và chính thức thông qua vào ngày 1/2/2021, tạo nên làn sóng phản đối dữ dội từ cộng đồng quốc tế với các điều khoản áp đặt, trái với Công ước quốc tế về luật biển và đe dọa đến hòa bình – an ninh hàng hải toàn cầu. Có một số điểm cần đặc biệt lưu ý về Luật hải cảnh này. Thứ nhất, luật Hải cảnh cho phép Trung Quốc ngăn chặn các nước ngoài xây dựng các công trình và lắp đặt tất cả các công trình nổi hay cố định trong “vùng nước thuộc quyền tài phán của Trung Quốc” và cũng cho phép các lực lượng Hải cảnh Trung Quốc phá bỏ những công trình này. Thứ hai, Hải cảnh Trung Quốc có thể “sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết, kể cả sử dụng vũ khí để ngăn chặn và loại bỏ các mối nguy hiểm khi các tổ chức và cá nhân nước ngoài xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia”. Thứ ba, lực lượng hải cảnh Trung Quốc có quyền theo dõi và giám sát các tàu nước ngoài trong vùng tài phán của Trung Quốc; đồng thời giam giữ hoặc dùng vũ lực trục xuất các tàu nước ngoài hoạt động trong lãnh hải Trung Quốc, hoặc dùng vũ lực trục xuất các tàu quân sự hoặc tàu của chính phủ nước ngoài hoạt động trong vùng biển thuộc quyền tài phán. Các quy định này cho phép Trung Quốc sử dụng vũ lực với các điều kiện mơ hồ, chỉ được mô tả chung thông qua các cụm từ như “các mối nguy hiểm”, “đe dọa đến chủ quyền” mà không định nghĩa rõ ràng, cụ thể các trường hợp đó. Thứ hai, luật này đi ngược lại với nguyên tắc hiện hành của trật tự quốc tế hiện nay là “không sử dụng vũ lực”, quy định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc và DOC mà Trung Quốc ký kết với ASEAN, trái với quy định của UNCLOS về quyền đi qua vô hại trong lãnh hải và quyền tự do hàng hải, hàng không của tất cả các tàu thuyền và thiết bị bay nước ngoài trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển. Bên cạnh đó, điều đặc biệt nguy hiểm là tuyên bố vùng biển “thuộc quyền tài phán” của Trung Quốc, tức là vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và các vùng biển khác thuộc quyền tài phán trong phạm vi của “đường lưỡi bò”, bao gồm trong đó phần đặc quyền kinh tế của nhiều quốc gia khác như Philippines, Việt Nam, Malaysia và cả vùng biển đang tranh chấp với Nhật Bản. Luật Hải cảnh của Trung Quốc sẽ được phân tích chi tiết hơn ở phần Chính trị – Ngoại giao. 

Cuối tháng 4/2021, Trung Quốc tiếp tục thông qua sửa đổi Luật an toàn giao thông hàng hải, tạo điều kiện pháp lý để Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh chiến lược vùng xám. Điểm cần lưu ý đầu tiên rằng trong sửa đổi này, Trung Quốc đã thay đổi cách sử dụng từ ngữ từ cụm từ “vùng nước ven biển” thành “vùng nước có quyền tài phán”, đồng bộ với luật Hải cảnh thông qua vào tháng 1, mở rộng phạm vi vùng xám. Bộ luật mới sửa đổi, cho phép Trung Quốc yêu cầu tàu thuyền nước ngoài khai báo, ra lệnh tàu rời đi và đuổi tàu nước ngoài đến vùng biển khơi, bắt giữ những người trên tàu, đưa tàu về cảng của mình để họ có thể bị xét xử trong trường hợp các tàu thuyền này có thể ảnh hưởng đến an toàn giao thông hàng hải, ảnh hưởng đến môi trường biển hoặc trong các trường hợp đe dọa sự an toàn của nội thủy và lãnh hải của Trung Quốc. Bộ luật sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực vào tháng 9/2021, tạo ra một cơ chế pháp lý cho Trung Quốc để tiếp tục và tăng cường các động thái đơn phương áp đặt trên biển Đông. Không chỉ dừng lại ở đó, Từ ngày 1/5/2021, Trung Quốc còn ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên phạm vi các vùng biển Bột Hải, biển Hoàng Hải, biển Hoa Đông và vùng biển phía bắc vĩ tuyến 12 độ Bắc của Biển Đông.

Một động thái đáng chú ý khác nữa của Trung Quốc là trong tháng 4, chính quyền thành phố Tam Sa đã nộp hàng nghìn đơn đăng ký tên gọi trong nước cho 281 bãi đá, rạn san hô, bãi cạn và các đối tượng địa lý trong toàn bộ khu vực biển Đông, bao gồm cả các thực thể đang tranh chấp. Tên gọi của đối tượng địa lý được viết trong tiếng Trung và phiên âm tiếng Anh, kèm theo hình ảnh minh họa từ trên cao nhìn xuống. Việc đặt tên này đã được thành phố Tam Sa bắt đầu từ năm 2014. Theo giáo sư Julian Ku, Trường Luật Maurice A. Deane tại Đại học Hofstra ở New York, mặc dù việc đặt tên này chỉ được công nhận trong nước và không có giá trị quốc tế, nhưng nó giúp chính phủ Trung Quốc buộc các công ty Trung Quốc và nước ngoài gọi tên các thực thể trên Biển Đông theo cách của mình, nâng cao vị thế của mình đối với các tranh chấp. 

Đối với Mỹ và đồng minh, diễn biến phức tạp ở biển Đông khiến các quốc gia ít nhiều gặp các khó khăn trong việc hoạch định chiến lược cân bằng quan hệ Mỹ – Trung. Một mặt, các đồng minh có sự lệ thuộc nhất định vào Mỹ về mặt an ninh, nhưng đồng thời cũng phụ thuộc vào Trung Quốc về mặt kinh tế. Theo Viện Lowy ở Úc, khoảng 2/3 trong số 190 quốc gia trên thế giới hiện giao dịch với Trung Quốc nhiều hơn so với Mỹ, với khoảng 90 quốc gia giao thương với Trung Quốc nhiều hơn gấp đôi so với Mỹ. Do đó, trong 6 tháng vừa qua, Mỹ tiếp tục tập trung vào việc thúc đẩy hợp tác với các đồng minh, nhằm thể hiện vai trò lãnh đạo thông qua (1) duy trì các hoạt động FONOP và tập trận nâng cao năng lực, (2) phối hợp quân sự với các nước đồng minh để khẳng định sự hiện diện tại khu vực. 

MỸ

img
  1.  Mỹ duy trì các hoạt động FONOP và tập trận nâng cao năng lực

Trên biển, sức mạnh hải quân Mỹ được tăng cường trong khu vực hoạt động của Hạm đội 7 với sự hiện diện của Nhóm tàu sân bay tấn công Theodore Roosevelt (CSG-9). Trong tháng 1, Mỹ đã triển khai các tàu sân bay: USS America (LHA-6) và USS Ashland (LSD-48) ngoài khơi Okinawa; USNS Able (T-AGOS-20), một tàu giám sát đại dương lớp Victorious, đã đi qua Philippines vào Biển Đông trên hải trình đến gần Quần đảo Trường Sa; hai máy bay ném bom chiến lược B-52H, mang mã số PEPSI51 và PEPSI52, bay từ Căn cứ Không quân Barksdale ở bang Louisiana đến căn cứ Anderson ở Guam để thực hiện việc triển khai lực lượng đặc nhiệm ném bom. Còn trong tháng 2, với sự gia tăng căng thẳng tại eo biển Đài Loan với các lần xâm nhập liên tiếp của Trung Quốc, Mỹ đã đưa tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS John S. McCain (DDG 56) di chuyển qua Biển Đông. Thông báo trên trang web của Hạm đội 7 cho biết, việc DDG 56 di chuyển qua eo biển Đài Loan “thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Quân đội Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động hàng không, hàng hải ở bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép”. Cùng với đó, USS John S. McCain đã thực hiện chiến dịch tự do hải hành nhằm bác bỏ yêu sách đường cơ sở thẳng của Trung Quốc bao quanh quần đảo Hoàng Sa. Biên đội tàu sân bay USS Nimitz cũng đã di chuyển qua eo biển Malacca tiến vào Biển Đông lần đầu tiên sau gần 1 năm hoạt động tại khu vực Trung Đông. Ngày 4/2/2021, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Rafael Paralta – tàu khu trục được xem là hiện đại nhất của hải quân Mỹ – đã đến căn cứ Yokosuka, Nhật Bản. Hải quân Mỹ đang điều động tạm thời 2 máy bay không người lái MQ-4C từ Guam đến Nhật Bản nhằm nâng cao năng lực giám sát hàng hải. Ngày 17/2/2021, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Russell đã đi gần quần đảo Trường Sa để thực hiện hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông với hàm ý hạn chế không chỉ Trung Quốc mà bao gồm cả Việt Nam, Đài Loan.

Ngoài việc đưa tàu vào biển Đông, Mỹ cũng triển khai một số lượng lớn các máy bay. Theo số liệu từ tổ chức Sáng kiến thăm dò biển Đông (SCSPI), Mỹ đã thực hiện 70 chuyến bay do thám trong tháng 1, tăng lên thành 75 chuyến bay trên biển Đông trong tháng 2. Trong đó ngày 8/2/2021, tổ chức này ghi nhận số lượng chuyến bay nhiều nhất trong một ngày với 6 máy bay do thám. Phần lớn các chuyến bay được thực hiện bởi máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon, các loại máy bay khác được ghi nhận bao gồm: máy bay trinh sát EP-3E Aires và RC-135W Rivet Joint; máy bay trinh sát RC-135U Combat Sent; máy bay do thám E-8C; máy bay do thám không người lái MQ-4C Triton; và máy bay tuần biển và săn ngầm P-3C Orion.

Mỹ cũng mang tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường USS Ohio vào vùng biển gần Okinawa phối hợp diễn tập với lực lượng viễn chinh thủy quân lục chiến III, Hạm đội 7 nhằm chuẩn bị các phương án phản ứng linh hoạt, tư thế sẵn sàng và nhanh chóng cho các chỉ huy khu vực của lực lượng Hải quân, Thủy quân lục chiến và Cảnh sát biển nước này trong các tình huống khủng hoảng, xung đột. Theo sau đó, nhóm tàu sân bay tấn công USS Nimitz và USS Theodore Roosevelt cũng có cuộc tập trận chung ở Biển Đông vào ngày 8/2/2021. Mục tiêu của cuộc tập trận, theo thông tin của Hạm đội 7, là nhằm khẳng định năng lực của Mỹ trong môi trường đầy thử thách. Cũng cần lưu ý rằng, các cuộc tập trận chung giữa các nhóm tàu sân bay như vậy là tương đối hiếm, chỉ mới có 9 cuộc diễn tập tương tự được diễn ra tại Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương kể từ năm 2001. 

  1. Mỹ phối hợp với các đồng minh:

Cách tiếp cận Trung Quốc của Biden là một sự pha trộn giữa Obama và Trump: cứng rắn với Trung Quốc như Trump,và tập hợp các nước đồng minh cùng tham gia như Obama. So với ông Trump, tổng thống Biden chủ trương theo đuổi chủ nghĩa đa phương, lấy việc khôi phục các mối quan hệ với đồng minh là một trong những trọng tâm trong chính sách đối ngoại nhằm tạo nên một mặt trận đối trọng với Trung Quốc. Do đó, các cuộc tập trận với các đồng minh trong khối QUAD được đẩy mạnh. Bản thân các đồng minh của Mỹ cũng tiến hành các hành động thực tiễn nhằm thể hiện quan điểm. 

Trong đó, Mỹ và khối QUAD thực hiện tập trận Sea Dragon 2021 ở Guam vào ngày 11/1/2021 với mục tiêu chống tàu ngầm. Cuộc tập trận này có sự tham gia của Không quân Hoàng gia Úc, Hải quân Ấn Độ, Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản, và Hải quân Hoa Kỳ, cùng với sự góp mặt của Không quân Hoàng gia Canada. Sau đó, Mỹ – Nhật tiến hành tập trận song phương trên biển vào ngày 15/1/2021 với sự tham gia của nhóm tấn công tàu sân bay Theodore Roosevelt và Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF). Trong tháng 2 và tháng 3, Mỹ – Nhật cũng tiến hành thêm 2 cuộc tập trận khác vào ngày 28/2 và ngày 3/3. Trong đó cuộc tập trận song phương ngày 3/3 là Huấn luyện Chiến đấu Nâng cao Song phương (BAWT) thường niên. Các cuộc tập trận song phương này đều nhằm mục đích chứng minh cho quan hệ hợp tác an ninh đặc biệt giữa hai bên và duy trì sự ổn định dựa trên luật pháp của khu vực. Cùng với các tập trận song phương, trong tháng 2, Mỹ cùng với Pháp và Nhật tiến hành tập trận đa phương ở vùng ngoài khơi quần đảo Kyushu. Đây là cuộc cuộc diễn tập tiếp tế trên biển đầu tiên trong khuôn khổ một thỏa thuận quân sự Nhật-Pháp đã ký kết năm 2019, cho phép quân đội hai nước cung cấp qua lại cho nhau hàng tiếp tế, như thực phẩm, nhiên liệu và đạn dược. 

Ngoài ra, các nước trong khối QUAD và một số nước EU cũng tiến hành các triển khai đơn phương tại vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trong đó, tháng 2/2021, Pháp đã đưa tàu ngầm hạt nhân Émeraude và tàu hỗ trợ hải quân Seine đã đi qua Biển Đông nhằm khẳng định tinh thần thượng tôn pháp luật ở bất kỳ vùng biển nào và làm nổi bật khả năng triển khai quân tới các vùng biển xa trong thời gian dài của Hải quân Pháp. Trong tháng 3, một tàu khu trục nhỏ của Pháp cũng ghé Cảng Cam Ranh để sửa chữa trực thăng trên tàu như một phần của khuôn khổ hợp tác quân sự giữa Việt Nam và Pháp. Thông qua chuyến đi này, phía Pháp muốn xem xét khả năng hoạt động trong đại dịch của lực lượng hải quân và gửi đi thông điệp ủng hộ quyền tự do trên không và trên biển. Về phía Anh, Anh tiến hành điều phối tàu HMS Queen Elizabeth dẫn đầu hạm đội bao gồm 20 tàu chiến, 3 tàu ngầm và 150 máy bay đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, dẫn đầu lực lượng đặc nhiệm hải quân và không quân lớn nhất dưới sự chỉ huy của Anh, kéo dài bảy tháng qua Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương và đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đến thăm 40 quốc gia bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore trong một hoạt động triển khai trên phạm vi 26.000 hải lý. Ở Thái Bình Dương, các tàu của Nhóm tấn công tàu sân bay sẽ đánh dấu kỷ niệm 50 năm Thỏa thuận Phòng thủ Năm cường quốc giữa Malaysia, Singapore, Australia, New Zealand và Anh bằng việc tham gia Cuộc tập trận Bersama Lima. Hành động này được xem là một minh chứng thực tế cho thấy Anh có ý định chuyển nỗ lực quân sự, thương mại và ngoại giao của mình nhiều hơn sang Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đức cũng dự định kế hoạch triển khai khinh hạm Bayern tới Biển Đông và tập trận chung với nhóm tàu chiến của Anh, cho thấy Đức trở nên cứng rắn hơn đối với các yêu sách của Trung Quốc, đồng thời, thể hiện lòng đoàn kết với các đồng minh và các đối tác “cùng ý chí” ở khu vực. Tuy nhiên, kế hoạch lại có những sự thay đổi xảy ra vào phút chót ở lộ trình tàu và thêm vào chuyến thăm cảng Thượng Hải, khiến Đức không thể tập trận chung với Anh, chứng tỏ Đức vẫn đang điều chỉnh ưu tiên đối ngoại của mình và không thể đánh đổi nguy cơ làm xấu đi mối quan hệ với Trung Quốc.

Trong khi đó, cuối tháng 3/2021, Nhật Bản đã cung cấp một khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 36 triệu USD cho phía Ấn Độ nhằm hỗ trợ chính phủ nước này lắp đặt hệ thống lưu trữ năng lượng mặt trời trên quần đảo Andaman và Nicobar, hướng tới đảm bảo nguồn cung điện ổn định. Khoản viện trợ này phản ánh các tính toán chiến lược của phía Nhật bởi đối với những người theo dõi quân đội Trung Quốc, Andaman và Nicobar được xem như tấm lưới tự nhiên có thể giúp họ phát hiện tàu ngầm Trung Quốc, nếu chúng bí mật đi từ Biển Đông ra Ấn Độ Dương thông qua eo biển Malacca.  

ASEAN

asean1

Về phía các quốc gia ASEAN, các nước đang ngày càng có những động thái cứng rắn hơn trước các hành động đơn phương áp đặt với Trung Quốc, đáng chú ý nhất là Philippines. Trong 6 tháng đầu năm qua, các nước ASEAN chủ yếu tiến hành (i) Hợp tác quốc phòng với các chủ thể bên ngoài khu vực và (ii) củng cố năng lực quốc phòng trước các hành vi của Trung Quốc

  1. Các hoạt động hợp tác quốc phòng ASEAN và các chủ thể bên ngoài khu vực

Ngày 24/2/2021, Hải quân Singapore đã tiến hành cuộc tập trận chung với Hải quân Trung Quốc theo thỏa thuận được ký kết năm 2019 nhằm thúc đẩy quan hệ quốc phòng với các nước Đông Nam Á. Nội dung cuộc diễn tập theo thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc chỉ bao gồm các nội dung cơ bản là tìm kiếm cứu nạn và liên lạc tương tự các cuộc tập trận của Mỹ và đối tác ở khu vực như Thái Lan. Theo kế hoạch ban đầu, Campuchia cũng sẽ tổ chức diễn tập Rồng Vàng với Trung Quốc trong thời gian này, nhưng đã bị hoãn lại do vấn đề bùng phát dịch bệnh. 

Trong bối cảnh tàu Liêu Ninh của Trung Quốc tiến hành diễn tập trong khu vực, các nước ASEAN và Mỹ cũng phối hợp tập trận chung. Ngày 7/4/2021, Không quân Malaysia đã tiến hành tập trận với Hải quân Mỹ, với sự tham gia của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill, các tàu khu trục USS Russell, USS John Finn, máy bay F/A-18 E/F và EA-18G. Phía Malaysia đã sử dụng máy bay Su-30MKM và máy bay F/A-18D cho cuộc tập trận. Cùng thời gian đó, Philippines cũng tiến hành một cuộc tập trận chung cùng Mỹ, kéo dài hai tuần, khởi động lại sự kiện huấn luyện thường niên sau khi bị hủy năm ngoái do đại dịch COVID-19. Mỹ cũng tiến hành tập trận với Malaysia và tăng cường hiện diện ở Biển Đông với nhóm tàu đổ bộ USS Makin Island.

  1. Các hoạt động củng cố năng lực quốc phòng trước hành vi của Trung Quốc

Trong các quốc gia ASEAN, Philippines là một trong các bên tranh chấp ở biển Đông và bị ảnh hưởng bởi các đợt xâm phạm của Trung Quốc. Năm 2012, Philippines cũng bị Trung Quốc chiếm đóng thực thể bãi cạn Scarborough. Do vậy, Philippines nằm trong số những nước chủ động nhất trong chiến lược đối phó với Trung Quốc. Từ đầu năm nay, Philippines tiến hành đẩy mạnh tuần tra biển Đông, nhằm bảo vệ chủ quyền và thực thi pháp luật trên biển. Các cuộc tuần tra diễn ra tại khu vực bãi cạn Scarborough, đá Ba Đầu, đảo Thị Tứ, bãi Cỏ Rong, Sabin, Cỏ Mây và các khu vực khác của quần đảo Trường Sa và tại một số vị trí Trung Quốc cũng bố trí các tàu hải cảnh làm nhiệm vụ trực canh. Ngoài tuần tra, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines cũng tiến hành tập trận và đưa các tàu tuần tra BRP Malapascua, tàu Parola đến khu vực đảo Thị Tứ nơi tàu Hải cảnh 5203 và 3304 của Trung Quốc neo đậu. Để tăng cường năng lực chấp pháp trên biển, Philippines cũng tăng cường củng cố lực lượng và cơ sở quốc phòng, bao gồm các động thái xem xét xây dựng công trình ở biển Đông, cải tạo đảo Thị Tứ thành trung tâm hậu cần và nâng cấp khí tài quân sự. Theo thông báo trên trang Facebook của Cảnh sát biển Philippines ngày 12/3, lực lượng này sẽ xây dựng một căn cứ mới trên đảo Calayan (nằm ở phía bắc Philippines, ở cửa ngõ thông ra Thái Bình Dương của Biển Đông), nhằm tăng cường năng lực chấp pháp, an ninh hàng hải trên biển ở khu vực bắc đảo Luzon và biển Đông. Trong một buổi họp báo vào tháng 4, Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines Cirilito Sobejana tuyên bố nước này đang xem xét xây dựng công trình ở Biển Đông như một cách để khẳng định chủ quyền, cũng như củng cố vị trí của Philippines ở các vùng tranh chấp và bảo vệ ngư dân và dự định biến đảo Thị Tứ thành một trung tâm hậu cần để các tàu có thể nhận tiếp tế ở đây, thay vì quay về Puerto Princesa, giúp quân đội Philippines duy trì tuần tra một cách hiệu quả hơn. Theo Lực lượng đặc nhiệm quốc gia về Biển Đông của Philippines (NTF-WPS), nước này cũng sẽ triển khai thêm khí tài không quân và hải quân ra đảo Palawan, bao gồm một loạt tàu hộ vệ PS-19, PS-20, PS-35, PS-36, LS-551, PS-16, LD-601, hộ tống bởi tàu tuần tra MRRV 4409 và MRRV 4403. 2 tàu khu trục mới nhất FF-150 và FF-151 cũng sẽ sớm được điều động. Năm máy bay của Không quân và Hải quân Philippines cũng sẽ được điều đến Palawan để thực hiện nhiệm vụ tuần tra. 

Cũng trong thời gian này, ngày 17/3, Hải quân Indonesia đã tiếp nhận tàu ngầm KRI Alugoro thuộc lớp Nagapasa, do Công ty Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Daewoo (DMSE), Hàn Quốc và công ty đóng tàu Indonesia PT PAL phối hợp chế tạo. Đây là tàu ngầm đầu tiên được chế tạo ở Indonesia, cũng như ở Đông Nam Á – đánh dấu triển vọng phát triển quốc phòng của quốc gia này nói riêng. Đây là chiếc tàu ngầm lớp Nagapasa thứ ba của Hải quân Indonesia, theo một hợp đồng trị giá 1,1 tỷ USD được nước này ký với DMSE năm 2011. Hai chiếc tàu trước đó được chế tạo ở Hàn Quốc. Theo Hải quân Indonesia, tàu Alugoro dài 61,3m, có thể đạt tốc độ 21 hải lý/giờ khi nổi và hoạt động trên 50 ngày trên biển.

Về phía Việt Nam, Việt Nam đã điều động 2 tàu Cảnh sát biển hiện đại nhất hiện diện ở quần đảo Trường Sa, bao gồm tàu CSB8001 và CSB8002. Tháng 3 vừa qua, trong bối cảnh 200 tàu Trung Quốc neo đậu ở bãi Ba Đầu, Việt Nam cũng tiến hành tập trận với tàu hộ vệ Quang Trung ở Trường Sa. Đầu tháng 4, Việt Nam cũng phối hợp với Mỹ để Mỹ bàn giao một trung tâm huấn luyện, một xưởng duy tu – bảo trì và một cơ sở hạ tầng cảng cho Cảnh Sát Biển Việt Nam. Ngoài ra, Mỹ cũng hỗ trợ Việt Nam tập huấn sử dụng công cụ giám sát biển, nhằm tăng cường năng lực chấp pháp. 

(Còn tiếp….)

IR Analytica

________________________________________

1 comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *