Sau 2 ngày thảo luận, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 38 và 39 được tổ chức với hình thức trực tuyến dưới nhiệm kỳ Chủ tịch của Brunei đã chính thức kết thúc vào ngày 28/10. Hội nghị do Quốc vương Haji Hassanal Bolkiah, Sultan và Yang Di-Pertuan của Brunei Darussalam chủ trì. Trước thềm Hội nghị là một chuỗi các Hội nghị cấp cao khác mang tính đa phương và song phương như Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Hội nghị ASEAN+3, Hội nghị cấp cao ASEAN với các đối tác đối thoại như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ , Hàn Quốc, Úc với nội dung trao đổi đa dạng trên các trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội của ASEAN.
1. Bối cảnh hội nghị
Tình hình chính trị của Myanmar vẫn không có sự tiến triển
Chủ đề được dư luận và giới học giả quan tâm nhất trước thềm sự kiện là liệu sẽ có sự tham gia của lãnh đạo cấp cao Myanmar hay không. Tuy nhiên kết quả chỉ có 9 nước thành viên của ASEAN tham gia. Từ đầu tháng 10, Thống tướng Min Aung Hlaing không được mời tham dự Hội nghị khi ASEAN cáo buộc Myanmar không thực hiện các cam kết trong đồng thuận 5 điểm đã thống nhất vào tháng 4. Cụ thể nội dung cam kết 5 điểm bao gồm: chấm dứt bạo lực tại Myanmar, thúc đẩy đối thoại, phân phối viện trợ, bổ nhiệm đặc phái viên và cử phái đoàn do đặc phái viên này dẫn đầu đến Myanmar để gặp tất cả các bên liên quan. Theo lời của đặc phái viên Erywan Yusof đây là một bước thụt lùi trong nỗ lực giải quyết vấn đề chính trị tại Myanmar.[1] Ngoài ra, việc này cũng ảnh hưởng tới cơ chế đồng thuận của ASEAN khi những Tuyên bố chung sau Hội nghị đều không có sự tham gia và quyết định từ phía Myanmar. Ông Zaw Min Tun – phát ngôn viên quân đội Myanmar cho rằng điều này “đã phá vỡ các nguyên tắc của ASEAN”. Qua đó có thể thấy sự tham gia hỗ trợ của ASEAN thông qua nguyên tắc 5 điểm không đảm bảo hiệu quả và thiếu thực chất; cũng như mối quan hệ giữa ASEAN và và chính quyền quân đội Myanmar đang dậm chân tại chỗ nếu không có một bước tiến hay một hành động cụ thể từ cả hai bên.
Covid-19 và các biện pháp phục hồi nền kinh tế cũng như các vấn đề toàn cầu khác
Những tháng vừa qua trong quý II và quý III, dịch bệnh Covid-19 đã chuyển biến phức tạp mặc dù chính phủ của các quốc gia đã xúc tiến và đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19. Hiện tại, tình hình trở nên tích cực hơn và các nước bước vào giai đoạn phục hồi nền kinh tế và thương mại trong nước dưới bối cảnh bình thường mới. Chuỗi Hội nghị cấp cao ASEAN và các đối tác đối thoại là một cơ hội để các nước thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác để vượt qua những khó khăn kinh tế – xã hội sau đại dịch. Ngoài những ảnh hưởng tiêu cực, Covid-19 đã thúc đẩy tốc độ phát triển vượt bậc của các ngành nghề liên quan tới lĩnh vực công nghệ thông tin trong năm 2020 – 2021. Không những thế Covid-19 đã nhắc nhở chính phủ của các quốc gia về phương diện hợp tác đa phương để giải quyết những vấn đề toàn cầu nan giải mà nổi bật nhất là biến đổi khí hậu. Nhìn chung, các nước ASEAN thuộc diện những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của sự nóng lên toàn cầu. Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN đóng vai trò là một diễn đàn thảo luận và thống nhất quan điểm của ASEAN về chủ đề này trước khi tham gia vào sự kiện COP26 sắp tới được tổ chức tại Thành phố Glasgow, Anh từ 31/10 tới 12/11/2021.
Những chuyển biến mới về tình hình khu vực Đông Nam Á từ các đối tác đối thoại
Tình hình an ninh khu vực Đông Nam Á cũng có những thay đổi đáng lưu ý, chủ yếu xuất phát từ những nước đối tác của ASEAN. Đầu tiên là vấn đề thông qua Luật An toàn Hàng hải của Trung Quốc vào tháng 9 đưa đến sự quan ngại và nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới chủ quyền biển của các nước ASEAN, đặc biệt những nước xoay quanh vấn đề Biển Đông. Thứ hai là sự ra đời của Liên minh AUKUS giữa Mỹ, Úc và Anh vào ngày 15/9. Trung Quốc đã nhận định đây là hành động vô trách nhiệm sẽ làm gia tăng chạy đua vũ trang trong khu vực. Không những thế, Malaysia và Indonesia cũng chia sẻ mối lo ngại AUKUS sẽ dẫn tới khả năng chạy đua hạt nhân tại khu vực Đông Nam Á.[2] Ngoài ra, một vấn đề đáng quan ngại đối với ASEAN là tính trung tâm của tổ chức này được đánh giá sẽ trở nên mờ nhạt dưới sự thành lập của AUKUS. Những cơ chế an ninh tại khu vực này dù vẫn cam kết đề cao tính trung tâm ASEAN nhưng ASEAN không nằm ở vị trí trọng tâm mà chủ yếu xoay quanh trục nan hoa Mỹ. Ngay sau sự kiện đó, Trung Quốc đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào ngày 16/9 sau hai năm tham vấn.
2. Nội dung hội nghị:
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần này tập trung vào ba chủ đề chính (1) giải quyết vấn đề xoay quanh đại dịch Covid-19, (2) tăng cường quan hệ đối tác quốc gia và (3) các vấn đề quan hệ quốc tế trong giai đoạn gần đây.
(1) Về vấn đề đại dịch, ASEAN mong muốn thực hiện mục tiêu tiêm phủ rộng vaccine cho toàn dân. Các quốc gia đã nhất trí sử dụng ngân sách 10,5 triệu USD Quỹ ASEAN ứng phó Covid nhằm mua vaccine cho các quốc gia thành viên. Hơn nữa, các nước đề nghị đưa Kho dự phòng vật tư Y tế ASEAN và Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED) vào sử dụng. Trong tình hình đại dịch vẫn còn tiếp diễn, lãnh đạo các nước tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa thiết yếu giữa các quốc gia bằng cách nhất trí thông qua Khung thỏa thuận Hành lang đi lại ASEAN (ATCAF), đồng thời cho người dân sử dụng giấy chứng nhận tiêm vaccine điện tử và công nhận lẫn nhau giữa các quốc gia. Về phục hồi kinh tế trong và sau đại dịch, các quốc gia đều thể hiện mong muốn khôi phục giao thương, gỡ bỏ rào cản thương mại, nối lại chuỗi cung ứng và dịch vụ.[3]
(2) Về quan hệ giữa các quốc gia, ASEAN đề cao trong thúc đẩy và làm sâu sắc các mối quan hệ đối tác của ASEAN. Tiếp tục đề cao chủ nghĩa khu vực và các hợp tác khu vực. Thông qua các chương trình thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia, tạo điều kiện cho hợp tác tác ở các vấn đề xã hội như du học sinh, giáo dục, các vấn đề trẻ em và thời tiết. Hội nghị cũng mong muốn tiếp xúc xây dựng Cộng đồng ASEAN. Các quốc gia tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nối lại đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.
(3) Về quan hệ quốc tế trong giai đoạn gần đây. Ở khu vực Trung Đông, các quốc gia ASEAN ủng hộ Palestine và Israel ngừng bắn và thực hiện giải pháp hòa bình. ASEAN ủng hộ người dân hai quốc gia có thể cùng nhau chung sống hòa bình. Về tình hình Myanmar, các quốc gia bày tỏ sự quan ngại về các báo cáo về bạo lực và tử vong tại quốc gia này, kêu gọi Myanmar tuân theo đồng thuận 5 điểm. Tuy nhiên, các quốc gia vẫn tôn trọng nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ. ASEAN nhất trí rằng Myanmar cần thời gian và không gian chính trị để đối phó với những vấn đề phúc tạp của mình và cam kết hỗ trợ người Myanmar theo mong muốn của người dân Myanmar.[4]
3. Phản ứng các bên
Về phía Mỹ, sự tham gia Hội nghị lần này nhận được nhiều phản ứng tích cực. Đây là lần đầu tiên sau 4 năm Mỹ chính thức tham gia một đối thoại cấp cao với ASEAN ở tư cách là một khối, kể từ lần cuối cựu tổng thống Trump tham gia Hội nghị ASEAN – Mỹ tại Manila vào năm 2017. Hội nghị cấp cao lần này diễn ra dưới bối cảnh Mỹ đang thắt chặt mối quan hệ với các quốc gia ASEAN và mối quan hệ Mỹ – Trung đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Các quan chức Mỹ thể hiện thái độ tích cực về sự tham gia của Mỹ trong hội nghị lần này, và khẳng định cam kết đối với khu vực, gửi đi thông điệp theo đuổi một Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương tự do và rộng mở, an ninh, thịnh vượng. Mỹ thể hiện mong muốn nâng tầm hợp tác chiến lược với ASEAN, kèm theo đó là các kế hoạch viện trợ cho khối này. Bên cạnh đó, Mỹ cũng trấn an rằng sự tham dự của Mỹ và các nước đồng minh như Nhật, Úc, Ấn sẽ không là mối đe dọa đối với tính trung tâm của ASEAN trong khu vực. ASEAN không cần phải lo lắng các liên minh an ninh của Mỹ như QUAD sẽ trở thành một NATO thứ 2 ở châu Á, khẳng định từ Edgard Kagan, Giám đốc cấp cao về Đông Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng.[5]
Về phía Myanmar, đây là lần đầu tiên nước này không tham gia hội nghị. Với việc Tướng Min Aung Hlaing thất bại trong ổn định tình hình chính trị trong nước, các bộ trưởng ASEAN đã đưa đến một quyết định rằng sẽ không mời Tướng Min Aung Hlaing đến tham dự Hội nghị mà thay vào đó, đưa ra lời đề nghị rằng Myanmar sẽ cử một đại diện phi chính trị đến tham gia. Đây được đánh giá là quyết định táo bạo của ASEAN, khi từ trước đến nay khối này vốn đặc thù với nguyên tắc đồng thuận và không can thiệp vào công việc nội bộ quốc gia. Tuy nhiên, quyết định này không được đón nhận tích cực, chính quyền quân sự Myanmar đã lờ đi lời đề nghị này và không tham gia Hội nghị. Chính quyền Myanmar đã thể hiện sự thất vọng về sự việc này trên báo giới. Cụ thể, Zaw Min Tun, phát ngôn viên của chính quyền quân sự cho biết Myanmar rất bất bình trước việc Tướng Min Aung Hlaing không được mời đến hội nghị, đồng thời tố cáo các quan chức Mỹ và EU can thiệp vào công việc nội bộ khối, gây áp lực lên ASEAN trong việc đưa ra quyết định này.[6] Myanmar cho rằng quyết định của hội nghị ngoại trưởng khẩn cấp về sự tham gia của Myanmar đã được đưa ra mà không theo nguyên tắc đồng thuận, trái với tôn chỉ, lập trường của ASEAN. Myanmar cho biết sẽ thách thức quyết định của ASEAN và khẳng định sẽ chỉ chấp nhận gửi Tướng Min Aung Hlaing hoặc một đại diện cấp bộ trưởng thuộc chính quyền quân sự tham gia hội nghị.
Trước các ý kiến khác nhau liên quan đến sự tham gia của chính quyền quân sự, Thái Lan và Malaysia thể hiện sự ủng hộ đối với quyết định của Hội nghị Ngoại trưởng khẩn cấp. Trên trang Twitter của mình, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob đã bày tỏ quan điểm ủng hộ quyết định này. Trong khi đó, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho rằng việc ASEAN có khả năng đưa ra hành động cụ thể và đóng vai trò kiến tạo trong việc giải quyết vấn đề Myanmar liên quan đến uy tín của khối trên trường quốc tế và là một bài kiểm tra đối với năng lực của khối.[7] Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu rằng đây là một quyết định rất khó khăn đối với ASEAN, nhưng buộc phải làm như vậy. Đó thể hiện sự cam kết của ASEAN đối với các giá trị cốt lõi của khối là dân chủ, nhân quyền và quản trị tốt.[8]
4. Đánh giá chung:
Nhìn chung, nội dung của Thượng đỉnh ASEAN 2021 tập trung vào các vấn đề ứng phó với COVID-19, chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi hậu dịch bệnh và vấn đề tranh chấp trên biển Đông. Một số kết quả đáng lưu ý của Hội nghị là việc thông qua thúc đẩy kinh tế xanh, chuyển đổi số. Đáng nói, trong tuyên bố về lĩnh vực này, ASEAN nhấn mạnh việc tuân thủ theo luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS.
Bên cạnh đó, ASEAN cũng đối mặt với một số thách thức việc xây dựng, cân bằng quan hệ với Mỹ – Trung nhất là trong bối cảnh hình thành liên minh an ninh AUKUS. Thứ hai, ASEAN sẽ cần sớm tìm ra giải pháp thực chất cho vấn đề Myanmar. Việc ASEAN không mời thống tướng Myanmar tham gia thượng đỉnh có thể xem là một động thái đáng ghi nhận trong quá trình thể chế này thể hiện vai trò điều phối các cuộc khủng hoảng. Vậy nhưng kết quả của hội nghị nhìn chung vẫn chưa cho thấy kết quả rõ ràng và ASEAN có thể khó tiến xa hơn trong vấn đề Myanmar. Cũng theo Aaron Connelly, một chuyên gia về Đông Nam Á từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết quyết định cấm thủ tướng quân đội là biện pháp trừng phạt nghiêm trọng nhất mà ASEAN từng đưa ra cho một quốc gia thành viên. Nhưng ASEAN không có khả năng sẽ tiến xa hơn, chẳng hạn như đình chỉ Myanmar, và ít có cơ hội đưa ra quyết định tại cuộc họp tuần này để dẫn đến sự thay đổi đường lối chính quyền Myanmar.[9]
Hiện nay, Mỹ cũng đã cử quan chức đến ASEAN để bàn về vấn đề Myanmar. Nếu ASEAN không thể tìm ra cơ chế thật sự hiệu quả cho vấn đề chính quyền quân sự ở Myanmar sau Đồng thuận 5 điểm được đưa ra vào tháng 4 thì vai trò trung tâm của thể chế này có thể bị ảnh hưởng tiêu cực. Ở một góc nhìn khác, theo Alistair Cook, Nghiên cứu sinh cao cấp tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore và là chuyên gia về các vấn đề Myanmar, ASEAN vốn bị ràng buộc bởi cơ chế đồng thuận do đó không nên mong đợi ASEAN hoạt động như một cơ chế thực thi trong cuộc khủng hoảng này. Ông vẫn đánh giá cao tầm quan trọng của hội nghị cấp cao ASEAN và cho rằng cơ chế hội nghị thượng đỉnh đặc biệt giúp tập hợp các thành viên ASEAN để tìm ra giải pháp cho các vấn đề hòa bình và an ninh khu vực.[10]
Tài liệu tham khảo:
[1]https://tuoitre.vn/asean-can-nhac-khong-moi-myanmar-du-hoi-nghi-thuong-dinh-20211006162533662.htm
[2]https://www.scmp.com/news/asia/southeast-asia/article/3149286/malaysia-and-indonesia-warn-australias-indo-pacific-pact
[3]http://mattran.org.vn/tin-tuc/ngay-dau-tien-chuoi-cac-hoi-nghi-cap-cao-asean-va-hoi-nghi-lien-quan-40956.html?fbclid=IwAR0mcfu6-wgdTZ8_UJHrYd5l6nk3YeK29NvWvdZOxYN-rpNFWzDTZaAFoXY
[4]https://asean.org/wp-content/uploads/2021/10/FINAL-Chairmans-Statement-of-the-38th-and-39th-ASEAN-Summits-26-Oct….pdf
[5]https://www.reuters.com/world/biden-join-us-asean-summit-trump-skipped-after-2017-2021-10-26/?utm_source=pocket_mylist
[6]https://www.aljazeera.com/news/2021/10/16/myanmar-military-government-leader-excluded-from-summit-asean
[7]https://www.aljazeera.com/news/2021/10/16/myanmar-military-government-leader-excluded-from-summit-asean
[8]https://apnews.com/article/business-asia-myanmar-global-trade-southeast-asia-6e9b0e627dd0fafda76d5d13a3817bcb
[9]https://www.france24.com/en/asia-pacific/20211026-asean-summit-opens-without-snubbed-myanmar-junta-chief
[10]https://e.vnexpress.net/news/news/asean-summit-is-first-step-toward-int-l-dialogue-on-myanmar-crisis-experts-4267773.html
2 comments