Thủ tướng Phạm Minh Chính công du châu Âu (31/10 – 5/11/2021)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) (31/10 – 3/11/2021). Ngay sau hội nghị, nhận lời mời của Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Pháp Jean Castex từ trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tiếp tục công tác tại Anh đến ngày 3/11, sau đó đến Pháp và kết thúc chuyến đi vào ngày 5/11. Trong các phiên làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng với các nhà đồng cấp và đối tác của các nước thảo luận về các vấn đề liên quan đến hợp tác biến đổi khí hậu, kinh tế và văn hóa trong tương lai

Bối cảnh chuyến thăm Anh, Pháp của thủ tướng Phạm Minh Chính

Trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và đại dịch Covid đến Việt Nam, chuyến đi của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ thu hút đối tác nhằm (1) gia tăng cơ hội hợp tác tài chính, công nghệ trong vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu và (2) gặp gỡ các nhà đầu tư, doanh nghiệp và đối tác quốc tế nhằm thúc đẩy đầu tư nước ngoài, hồi phục kinh tế sau làn sóng dịch COVID-19 thứ 4.

Theo báo cáo năm 2013, Việt Nam là một trong năm quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất trong vấn đề biến đổi khí hậu.[1] Tham dự Hội nghị thượng đỉnh COP26 sẽ cho thấy nỗ lực của quốc gia trong thực hiện cam kết quốc tế song phương và đa phương, là đối tác tin cậy trong các vấn đề chung của nhân loại, đặc biệt trong vấn đề biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu. Qua đó, hình ảnh và uy tín Việt Nam sẽ được củng cố để thu hút hợp tác.

Chuyến thăm làm việc tại Anh và Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ là cơ hội để việt Nam gặp gỡ các nhà đầu tư, doanh nghiệp và đối tác quốc tế nhằm thúc đẩy đầu tư nước ngoài. Sau Brexit một năm, Vương quốc Anh đang hướng vào khu vực Đông Nam Á.[2] Việt Nam vừa mở cửa thành phố Hồ Chí Minh và chuyển sang giai đoạn “sống chung với đại dịch.” Việt Nam cần thu hút đầu tư để phục hồi kinh tế bị ảnh hưởng sau khoảng thời gian đóng cửa do dịch Covid. Do đó, Việt Nam mong muốn sẽ làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược với Vương Quốc Anh.

Nội dung chuyến công tác của thủ tướng Phạm Minh Chính

Sự kiện COP26 cũng đánh dấu chuyến công du châu Âu đầu tiên của thủ tướng Phạm Minh Chính kể từ khi nhậm chức. Trong khuôn khổ hội nghị, thủ tướng đã thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong vấn đề chống Biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, thủ tướng đã tiến hành thăm và làm việc chính thức tại Anh và Pháp.

(a)   Các hoạt động chính tại COP26

Trong bài phát biểu trước hội nghị vào chiều ngày 1/11, thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra ba thông điệp chính: (1) phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên hàng đầu; khoa học sẽ đi trước làm điểm tựa cho các chính sách phát triển kinh tế xanh, mà trong đó người dân là trung tâm; (2) kêu gọi sự đoàn kết toàn cầu như một biện pháp duy nhất để ứng phó với biến đổi khí hậu; (3) vấn đề tài chính khí hậu, chuyển giao công nghệ cũng góp phần không nhỏ trong việc hoàn thành Thỏa thuận Paris[3].

Trong đó, thủ tướng cũng thể hiện cam kết rằng Việt Nam sẽ cùng với cộng đồng quốc tế nỗ lực đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Điều này phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh mà thủ tướng phê duyệt trước khi tiến hành chuyến thăm và định hướng Kinh tế xanh trong nhiệm kỳ của ông. Ngoài ra, thủ tướng tham dự và phát biểu tại lễ công bố Cam kết giảm phát thải methane toàn cầu do Mỹ và Uỷ ban Châu Âu đồng chủ trì[4].

(b)   Gặp gỡ bên lề COP26:

Bên cạnh các hoạt động chính tại hội nghị COP26, thủ tướng Phạm Minh Chính đã có dịp tiếp xúc các nhà lãnh đạo thế giới, trao đổi các vấn đề an ninh, kinh tế song phương bên cạnh chủ đề chính về Biến đổi khí hậu (BĐKH). Trong ngày 1-2/11, thủ tướng Phạm Minh Chính đã có dịp tiếp xúc tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Thủ tướng Úc Scott Morrison, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Cộng hòa Czech, Tổng thống Cộng hòa Armenia; tiếp ông Axel Van Trosenburg, Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB), Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen.

Đáng nói, cuộc gặp với tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 2/11 ngay tại hội nghị, ghi nhận những dấu hiệu tích cực. Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt – Mỹ, đây cũng là một trong những nội dung quan trọng liên tiếp được nêu ra trong 2 chuyến thăm đến Việt Nam của Bộ trưởng bộ quốc phòng, ông Lloyd Austin và bà Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris vào hồi tháng 7/2021. Ở một hướng khác, thủ tướng Úc Morrison ngỏ lời mời Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh chuỗi cung ứng năng lượng xanh do nước này đăng cai năm 2022. Trong bối cảnh Úc cùng với Anh – Mỹ thiết lập liên minh Úc – Anh – Mỹ (AUKUS) gây ra lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực đến cấu trúc an ninh khu vực, ông Morrison khẳng định Úc tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN và chia sẻ chung tầm nhìn với Việt Nam trong các vấn đề an ninh hàng hải. Về phía mình, thủ tướng đã mời ông Morrison sớm thăm Việt Nam. Trong cuộc gặp với chủ tịch EC, bà Ursula von der Leyen vào ngày 1/11, thủ tướng đã đề xuất EU tiếp tục tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam, nhất là nông sản. Đồng thời, đề nghị EU thúc đẩy các thành viên sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA).

Bên cạnh việc thúc đẩy ngoại giao cấp nhà nước, thủ tướng cũng chú trọng các hoạt động ngoại giao cấp địa phương. Trao đổi với ông Eric Garcetti, Chủ tịch các thành phố lớn trên thế giới (C40) và một số Thống đốc bang, thị trưởng các thành phố tại khu vực châu Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh đề xuất của C40 mong muốn hợp tác với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực quản lý.

(c)   Thăm làm việc tại Anh

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc với nước chủ nhà COP26 là Anh, thủ tướng đã có cuộc hội đàm với thủ tướng Anh ông Boris Johnson (ngày nào), đối thoại với các doanh nghiệp và tập đoàn lớn của Anh; tham dự diễn đàn “Kiến tạo tương lai bền vững và thịnh vượng thông qua đầu tư tư nhân”. Thông qua đó, phía Việt Nam thông tin thêm về các định hướng phát triển kinh tế sắp tới và tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư Anh tiếp tục nghiên cứu, phân bổ đầu tư vào Việt Nam, phù hợp với yêu cầu và phát huy hiệu quả đầu tư.

Kết quả, doanh nghiệp hai nước đã ký kết khoảng hơn 25 văn kiện hợp tác quan trọng trong các lĩnh vực hàng không, giáo dục, đầu tư phát triển bền vững, năng lượng tái tạo, v.v. Trong đó phải kể đến, sự kiện hãng hàng không Bamboo Airways ký kết mở đường bay thẳng đến Anh. Hợp tác giữa Vietjet và Roll Royce trong việc cung cấp động cơ và dịch vụ động cơ máy bay thân rộng, trị giá 400 triệu đô. Trong lĩnh vực giáo dục, tập đoàn SOVICO đã ký kết hợp tác với Viện đại học Oxford, thành lập quỹ học bổng 155 triệu đô. Ngân hàng Standard Chartered cũng cam kết sẽ đầu tư vào lĩnh vực phát triển bền vững của Việt Nam[5]. Trong lĩnh vực y tế, VNVC ký kết thành công hợp đồng mua 25 triệu liều vaccine từ hãng Astrazeneca, có hiệu lực từ tháng 12. Đồng thời, hãng dược này cũng công bố khoản đầu tư đầu tiên trị giá 2.000 tỷ đồng cho sản xuất gia công thuốc tại Việt Nam[6].

(d)   Thăm chính thức Pháp

Theo sau đó, từ ngày 3-5/11 thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Cộng hòa Pháp. Trong ba ngày làm việc 3-5/11, thủ tướng đã hội đàm với thủ tướng Pháp, ông Jean Castex, chào xã giao và trao đổi với Chủ tịch Thượng viện Pháp. Bên cạnh đó, ông Chính sẽ dự các diễn đàn, tọa đàm doanh nghiệp, tiếp doanh nghiệp tiêu biểu, có các cuộc thăm và hội kiến với tổng giám đốc UNESCO, tổng thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ OIF, tổng thư ký Tổ chức Hợp tác kinh tế OECD, giám đốc điều hành chương trình COVAX, v.v.

Tính đến ngày 4/11, đã có 29 thỏa thuận hợp tác được ký trao, trị giá hàng nghìn tỷ USD. Trong đó, các hợp tác tập trung vào lĩnh vực sản xuất xe điện, xuất khẩu trái cây – nông sản, hàng không, v.v. Đặc biệt, trong lĩnh vực hàng không, Vietjet và Tập đoàn Airbus thỏa thuận cung cấp 184 tàu bay, phát triển mới đội tàu bay thân rộng và bàn giao 3 tàu bay thân rộng A330. Trong lĩnh vực công nghệ ô tô điện, công ty VinFast và tập đoàn điện lực Électricité de France (EDF) ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm thúc đẩy lắp đặt và vận hành mạng lưới trạm sạc công cộng và các dịch vụ liên quan tại Pháp. Trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, hai bên đạt được thỏa thuận cho phép Việt Nam xuất khẩu trong năm 2022 với 5.000 tấn nông sản vào thị trường Pháp và Châu Âu. Đáng nói, hai bên đã ký kết hợp tác thực hiện các dự án quan sát trái đất giữa Airbus, Viện Hàn Lâm Khoa học Công Nghệ Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu vũ trụ quốc gia Pháp[7].

Đánh giá kết quả chuyến công tác của thủ tướng Phạm Minh Chính:

(a)   Thể hiện cam kết của Việt Nam là một thành viên tích cực trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu của thế giới

Biến đổi khí hậu là một vấn đề ảnh hưởng toàn cầu, đòi hỏi sự phối hợp và hành động tập thể để đối phó. Dù Việt Nam là nước đang phát triển, mới bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua và hiện tại phải đứng trước khó khăn về dịch bệnh Covid-19, phục hồi nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội nhưng Việt Nam đã tích cực tham gia và xây dựng nên những chính sách, cam kết trong chương trình nghị sự kéo dài của COP 26. Trong ngày đầu tiên của Hội nghị, Thủ tướng đã có bài phát biểu quan trọng mà trong đó, ông Chính đặc biệt nhấn mạnh sự cấp thiết của các hành động mạnh mẽ, không chậm trễ trên phạm vi toàn cầu và đưa ra 3 đề nghị cụ thể. Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ phát huy tối đa các nguồn lực tự thân, nguồn lực quốc tế để vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm cuộc sống tốt hơn cho người dân, đồng thời đóng góp có trách nhiệm cùng với cộng đồng quốc tế. Theo ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, những cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26 đã nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao bởi Chủ tịch COP 26 và nhiều quốc gia,[8] đặc biệt từ Mỹ[9] và Anh[10]. Bên cạnh đó, Việt Nam góp phần vào tiếng nói của nhóm nước đang phát triển nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của các nước phát triển trong vấn đề tài chính khí hậu, chuyển giao công nghệ xanh và nâng cao năng lực, nhất là vào giai đoạn sau năm 2025.[11]

Thực chất bối cảnh cạnh tranh nước lớn đang diễn ra ngày càng gay gắt, các hợp tác chính trị cấp cao trở nên nhạy cảm. Tuy nhiên, những vấn đề thuộc chính trị cấp thấp vẫn nổi lên trở thành một phương án hợp tác an toàn hơn mà đôi bên cùng có lợi, nhưng vẫn tạo được không gian để các trao đổi, đối thoại diễn ra thường xuyên, đóng vai trò như các hợp tác chức năng, làm nền tảng để xúc tiến những hợp tác rộng và sâu hơn ở mức độ song phương lẫn đa phương. Việt Nam nên tích cực tận dụng không gian mở rộng này, tăng cường hợp tác với các nước, để vừa xây dựng cơ sở cho các đối thoại mở rộng trong tương lai, vừa để tìm kiếm các hỗ trợ, giải pháp cho các vấn đề như BĐKH.

Qua những thông điệp và các cam kết Việt Nam đưa ra tại Hội nghị COP 26 đã một phần xây dựng được hình ảnh và tin tưởng trong sự nhìn nhận của bạn bè quốc tế về Việt Nam từ đó làm cơ sở để Việt Nam gia tăng sự thu hút những khoản viện trợ, đầu tư các dự án BĐKH trong nước và thực hiện đúng với lời hứa và kiến thiết một nền kinh tế xanh sau đại dịch.[12] Thế nhưng, trong quá trình đề ra và thực thi các chính sách về khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng, Việt Nam  cần suy xét bài học khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc[13] để cân bằng giữa tốc độ phát triển kinh tế trong nước với các cam kết khí hậu, tránh việc “nói được nhưng không làm được”.

(b)   Mở ra nhiều không gian hợp tác kinh tế, văn hóa trong tương lai, thu hút vốn đầu tư và tạo động lực thúc đẩy các cải cách trong nước

Từ năm 2010, Việt Nam được nhiều học giả và tổ chức uy tín đánh giá vào nhóm các quốc gia tầm trung, theo định nghĩa của ABCD.[14] Các quốc gia tầm trung được công nhận ở một mức độ nhất định về năng lực quốc gia và sự thể hiện của quốc gia đó trong môi trường quốc tế, tuy nhiên, họ không có khả năng tác động đáng kể đến hệ thống quốc tế, hay chính sách đối ngoại của các nước lớn. Vì vậy, với tư cách là quốc tầm trung, điều thực tiễn nhất Việt Nam có thể làm là tối đa hóa những lợi ích có thể thụ hưởng được từ chính sách đối ngoại của các nước lớn.

Quan hệ song phương Việt – Anh nhận xét đang trong giai đoạn tốt đẹp nhất theo Đại sứ Nguyễn Hoàng Long.[15] Hai quốc gia đang có quan hệ đối tác chiến lược. Hiện tại, chính sách đối ngoại của Anh đang được diễn biến theo xu hướng mà Việt Nam có thể tận dụng được nhiều lợi ích. Sau khi hoàn tất thủ tục và chính thức rời Brexit, Anh đã đề ra chiến lược “Nước Anh toàn cầu” (Global Britain) với tham vọng xác lập lại vị thế siêu cường của nước này. Trong các nỗ lực để thực hiện mục tiêu trên, Anh đang muốn tăng cường sự hiện diện của mình ở mọi mặt. Trong đó, phải kể đến là ý định vươn dài cánh tay kinh tế của Anh, vừa là để nâng cao vị thế toàn cầu, vừa như một nỗ lực đi tìm kiếm các thị trường mới thay thế cho EU hậu Brexit. Việt Nam, với nền kinh tế năng động cùng vị trí vùng đệm trung chuyển hàng hóa của 15 nước thành viên RCEP, trở thành một thị trường hấp dẫn với Anh. Tại thời điểm 2019, khi Anh đang trong quá trình hoàn thành Brexit, Connor Burns khi là Bộ trưởng Chính sách Thương mại của Anh đã đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường năng động nhất và là đối tác thương mại quan trọng của Anh trong tương lai.[16] Về phía Việt Nam, với chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa nền kinh tế, tránh phụ thuộc vào một thị trường, thắt chặt mối quan hệ đối tác với Anh sẽ có lợi cho Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam đang hưởng lợi từ tăng trưởng thương mại song phương và nguồn vốn đầu tư từ Anh. Kể từ sau Brexit đến nay, tổng kim ngạch Việt – Anh tháng 1/2021 tăng 78% so với cùng kỳ năm trước và tính đến thời điểm tháng 9/2021 có 434 dự án FDI của Anh tại Việt Nam với tổng giá trị đạt 3,98 tỷ USD.[17]

Kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2013, Việt Nam và Pháp và đã đạt được những bước triển khai cụ thể, đa dạng trên nhiều lĩnh vực, thể hiện ở các cơ chế trao đổi thường xuyên về cả chính trị, kinh tế, quốc phòng ở các cấp. Trong chuyến thăm vừa rồi, Pháp đã tiếp thủ tướng Việt Nam theo quy chế lễ tân cao nhất, thể hiện mối quan hệ tốt đẹp giữa 2 bên. Pháp cũng là quốc gia châu Âu đầu tiên mà thủ tướng thực hiện chuyến thăm chính thức sau khi COP26 kết thúc. Đại sứ Pháp tại Việt Nam đánh giá cao chuyến thăm và nhận định mối quan hệ ngoại sao song phương đang đi vào thực chất. Nhân chuyến thăm lần này, hai nước đã tích cực đối thoại và đạt được các thỏa thuận chung nhằm thắt chặt mối quan hệ hơn nữa ở mọi lĩnh vực, nhưng nổi bật nhất là an ninh – chính trị, y tế và khoa học – công nghệ.  Về chính trị – an ninh, hai nước đã lên kế hoạch tổng thể để tiến hành nâng cấp mối quan hệ trong tương lai, trong đó đề ra các mục tiêu cụ thể như tăng cường đối thoại và các trao đổi cấp cao, tăng cường đối ngoại quốc hội. Đối với y tế, Pháp và Việt Nam tiếp tục thúc đẩy ngoại giao vaccine, với cam kết từ Pháp sẽ tiếp tục viện trợ vaccine và hỗ trợ đào tạo nhân lực ngành y cho Việt Nam. Lĩnh vực khoa học – công nghệ đạt được kết quả đáng chú ý với hai nội dung hợp tác là năng lượng sạch – một nhu cầu cấp thiết để chuyển dịch kinh tế xanh chống biến đổi khí hậu, và hàng không vũ trụ – một lĩnh vực hợp tác nhạy cảm trong an ninh quốc gia. 

Ngoài ra các thỏa thuận hợp tác sâu rộng với các đối tác nước ngoài còn có một ý nghĩa nữa đối với Việt Nam là tạo động lực để Việt Nam tiến hành các cải cách trong nước. Trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế năng động, nhiều tiềm năng, nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập trong môi trường pháp lý và các chế định đầu tư, tạo rào cản khi các đối tác nước ngoài muốn tiếp cận thị trường Việt Nam. Tại hội nghị “Đối thoại với Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại COP26” do Bộ Kế hoạch & Đầu tư và ngân hàng Standard Chartered tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam sẽ nỗ lực cải thiện các điều kiện đầu tư và tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các khoản đầu tư trong lĩnh vực tài chính khí hậu nhằm giúp Việt Nam thực hiện đúng cam kết giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Đồng thời, ông cho biết Việt Nam sẽ nỗ lực nâng cao năng lực qua đào tạo nhân lực và ứng dụng công nghệ, nhằm kiến tạo một môi trường đầu tư cởi mở, hấp dẫn hơn.[18]


Tài liệu tham khảo:

[1]http://hdll.vn/vi/nghien-cuu—trao-doi/anh-huong-cua-bien-doi-khi-hau-doi-voi-nuoc-ta-thuc-trang-nhung-van-de-moi-dat-ra-va-giai-phap.html

[2] https://www.vietnamplus.vn/nuoc-anh-hau-brexit-that-chat-quan-he-voi-cac-nuoc-dong-nam-a/731703.vnp

[3]https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/toan-van-bai-phat-bieu-cua-thu-tuong-chinh-phu-pham-minh-chinh-tai-hoi-nghi-cop26-676116

[4]https://baoquocte.vn/thu-tuong-du-va-phat-bieu-tai-le-cong-bo-cam-ket-giam-phat-thai-khi-methane-toan-cau-163665.html

[5]https://tuoitre.vn/thu-tuong-chung-kien-trao-doi-25-van-kien-hop-tac-tri-gia-hang-ti-usd-20211101044442763.htm

[6] https://tuoitre.vn/thu-tuong-chung-kien-le-ky-vnvc-mua-them-25-trieu-lieu-vac-xin-astrazeneca-20211102192132517.htm

[7]http://baochinhphu.vn/Utilities/PrintView.aspx?distributionid=451940&fbclid=IwAR0COrV4rJ3NJ0hSb2hy44H375-t_p32_kw5JLd58v4B8WdsG6b66IkOCQo

[8]https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/cam-ket-cua-viet-nam-tai-cop26-duoc-quoc-te-danh-gia-cao-20211103071705164.htm

[9] https://e.vnexpress.net/news/news/vietnam-us-to-cooperate-on-climate-change-response-4380302.html

[10] https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=10158597700370544&id=252234575543

[11]http://news.chinhphu.vn/Home/Viet-Nam-to-take-stronger-measures-to-achieve-netzero-emissions-by-2050/202111/46000.vgp

[12] https://en.vietnamplus.vn/vietnam-plays-active-role-in-climate-change-response-ambassador/211582.vnp

[13] Khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc xảy ra một phần là vì các chính sách chuyển đổi năng lượng xanh và sạch quá nhanh và chính sách tiết kiệm điện gay gắt để thực hiện được  mục tiêu giảm phát thải CO2 như đã hứa. Xem thêm tại:

[14]http://[14]http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/quoc-te/item/3153-khai-niem-cuong-quoc-tam-trung-va-lien-he-voi-viet-nam.html

[15] http://baochinhphu.vn/Utilities/PrintView.aspx?distributionid=451456

[16] https://www.gov.uk/government/news/uk-and-vietnam-commit-to-further-strengthen-trade-ties

[17] https://congthuong.vn/fdi-tu-vuong-quoc-anh-vao-viet-nam-co-chieu-huong-tang-164992.html

[18] https://vov.vn/chinh-tri/doi-thoai-voi-thu-tuong-chinh-phu-viet-nam-tai-cop26-902105.vov

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *