Nhận định chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Kamala Harris

Sau chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Austin Lloyd vào hai ngày 27,28/07 vừa qua, Mỹ đã ra thông cáo tuyên bố Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ có chuyến thăm tới Việt Nam sau khi ghé thăm Singapore trước đó. Hiện tại hai bên Bộ Ngoại giao Việt Nam – Mỹ vẫn đang làm việc, phối hợp sát sao để tổ chức sự kiện ngoại giao quan trọng này. Tính tới thời điểm hiện tại vẫn chưa nêu rõ thời điểm nào trong tháng 8. Chuyến thăm sắp tới nhằm bày tỏ sự tôn trọng và cam kết của Mỹ cũng như được xem là nỗ lực của Mỹ nhằm gắn kết và tranh thủ sự hợp tác với Việt Nam, quốc gia quan trọng trong sách lược của Mỹ tại Đông Nam Á trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung. Đây có thể là một cơ hội nhằm mở rộng triển vọng hợp tác của hai bên để tiến tới nâng cấp mối quan hệ Đối tác chiến lược như ông Austin Lloyd đã đề xuất trong chuyến thăm vào tháng 07 song trên thực tế giữa Mỹ và Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức cần phải giải quyết. 

Bối cảnh cuộc gặp

Vấn đề cạnh tranh Mỹ – Trung dường như bao phủ các hoạt động quan hệ quốc và gây ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực toàn cầu và thậm chí đe dọa tới an ninh của những quốc gia có liên quan. Dưới thời Tổng thống Biden, Mỹ vẫn giữ lập trường đối đầu nhưng cách tiếp cận của ông Biden có sự khác biệt so với Trump. Mỹ hiện không coi Trung Quốc là kẻ thù nhưng là một đối thủ cạnh tranh chiến lược và là mối đe dọa cho hệ thống quốc tế hiện tại. Về phía Trung Quốc, với vị thế là một quốc gia xét lại với mong muốn thay đổi trật tự nguyên trạng, Trung Quốc có những chính sách mang tính chiến lược lâu dài, toàn diện về không gian và đa dạng về lĩnh vực. Cụ thể Trung Quốc tập trung mở rộng và tranh giành ảnh hưởng chính trị – kinh tế tại khu vực Đông Nam Á – khu vực chiến lược Mỹ quan tâm hay khu vực Mỹ – Latinh – được biết tới như “sân sau” của Mỹ. 

Với bức tranh tổng thể cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, Mỹ đã có những chính sách mang tính chủ động và dồn dập hơn trong việc tăng cường mối quan hệ với các nước Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong cuộc hội đàm vào ngày 03/08, Mỹ tái khẳng định cam kết của mình tại Đông Nam Á cũng như công nhận tính trung tâm của ASEAN và ủng hộ Quan điểm của ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở (2019). Trong nửa năm 2021 dưới chính quyền Biden Mỹ cũng đã có nhiều triển khai nhằm thắt chặt quan hệ Việt -Mỹ trên các lĩnh vực thương mại, y tế, an ninh – quốc phòng. Vào tháng 3 Việt Nam đã được Mỹ nhắc đích danh trong bản Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia tạm thời như một đối tác sẽ được ưu tiên trong thời gian tới. Ngoài ra, Việt Nam là một trong những quốc gia liên quan chính sách “ngăn chặn tích hợp” (integrated deterrence) của Mỹ. Điều này có nghĩa Việt Nam có thể nhận được sự hỗ trợ cải thiện và nâng cao năng lực quốc phòng, thậm chí cả an ninh mạng để sau đó có thể tích hợp các quốc gia, đối tác khác của Mỹ trong khu vực và đề ra các chiến lược ngăn chặn các mối đe dọa an ninh tại đây. 

Tính tới thời điểm hiện tại đã có 3 quan chức cấp cao chính thức đề xuất nâng cấp mối quan hệ với Việt Nam. Trong đó Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper đã phát biểu trong phiên điều trần Thượng viện hy vọng nâng quan hệ Đối tác toàn diện thành Đối tác chiến lược với Việt Nam bằng cách tăng cường hơn nữa mối quan hệ an ninh giữa Mỹ và Việt Nam”. Nhìn chung Mỹ coi trọng quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam, ủng hộ một Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng; tiếp tục xây dựng lòng tin và hướng tới nâng tầm quan hệ hai nước

Về chính sách đối ngoại, theo Báo cáo Chính trị Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá. Báo cáo cũng tái khẳng định nguyên tắc “4 không” trong chính sách quốc phòng, trong đó mục tiêu tối thượng là bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Việt Nam cam kết tiếp tục là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Dưới bối cảnh cạnh tranh nước lớn, Việt Nam tiếp tục thực hiện Chỉ thị 25, văn bản chiến lược đầu tiên về nâng tầm đối ngoại đa phương. Điều này có nghĩa Việt Nam sẽ hạn chế rủi ro, tránh phụ thuộc quá mức vào một vài đối tác, trong khi vẫn bảo đảm tự chủ chiến lược và mở rộng mạng lưới bạn bè, đối tác của Việt Nam.

Còn về mối quan hệ song phương với Mỹ, Việt Nam vẫn chưa có sự rõ ràng trong cách tiếp cận và tiếp nhận những đề xuất của Mỹ bởi vì với chính sách “4 không” Việt Nam xác định sẽ không chọn phe Mỹ hay Trung Quốc mà ưu tiên đa dạng hóa, đa phương hóa trong mối quan hệ. Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong quá trình thúc đẩy lĩnh vực an ninh với Mỹ nhưng cả Mỹ và Việt Nam đều đồng ý đây không phải là hành vi chọn phe mà là vì củng cố hệ thống quốc tế, luật pháp quốc tế. Theo TS Vũ Thanh Ca – Nguyên vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, quan điểm và đường lối đấu tranh trên biển của Việt Nam song trùng với chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, tức là đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, hòa bình, ổn định với trật tự dựa trên luật lệ. 

Về thực tiễn mối quan hệ, ngay từ đầu nhiệm kỳ, phía Mỹ đã có một loạt các trao đổi, điện đàm, kết nối và thúc đẩy quan hệ. Bộ trưởng Ngoại giao Antony Blinken điện đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh vào tháng 2-2021, ngay sau nhậm chức; điện đàm chúc mừng Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (5-2021); Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan điện đàm với Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh (7-2021)…Đáng chú ý nhất, Tổng thống Biden lần đầu tiên gửi thư chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu lại và đánh giá cao Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đặc biệt, trong tháng 7, quan hệ hai nước có nhiều điểm đáng chú ý. Đây không chỉ là tháng kỷ niệm thiết lập quan hệ (11-7-1995) mà còn có một số việc lớn trùng hợp diễn ra: Mỹ và Việt Nam đạt thỏa thuận xử lý vấn đề “thao túng tiền tệ” và Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ (USTR) quyết định không áp dụng bất kỳ biện pháp hạn chế thương mại nào với Việt Nam. Mỹ trao tặng Việt Nam thêm 3 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 (tổng cộng 5 triệu liều) thông qua Cơ chế COVAX và, tàu lớp Hamilton thứ 2 do Mỹ tặng Cảnh sát biển Việt Nam (CSB 8021) cũng đã về đến Việt Nam.

Nội dung chuyến thăm

Việt Nam và Mỹ có khả năng thúc đẩy các vấn đề an ninh khu vực và mối quan tâm toàn cầu. Đề cập về nội dung chuyến thăm, người phát ngôn Symone Sanders nói rằng chuyến đi này sẽ tập trung vào hợp tác an ninh, COVID-19 và biến đổi khí hậu. Về an ninh, Mỹ khả năng cao tập trung vào biển Đông. Phó cố vấn an ninh quốc gia của bà Harris, ông Phil Gordon cũng có phát ngôn tương tự khi nói “Mỹ sẽ mở rộng hợp tác an ninh… đặc biệt tại Biển Đông.” Về các vấn đề toàn cầu, Giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales Carl Thayer cũng có dự đoán rằng nỗ lực của Phó Tổng thống Mỹ sẽ “vượt xa hơn lĩnh vực quốc phòng và an ninh, sang một chương trình hợp tác lớn hơn để đối phó với những thách thức xuyên quốc gia toàn cầu.” Các vấn đề toàn cầu ở đây là đại dịch và biến đổi khí hậu. Chuyến đi có thể là về cam kết hơn về vắc xin của Mỹ cho khu vực, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 gần đây.  Ngoài ra, giáo sư cũng bổ sung thêm vấn đề hợp tác kinh tế. 

Dù không được thông báo chính thức, vẫn có khả năng chuyến thăm này thảo luận về hợp tác thúc đẩy kinh tế. Như Giáo sư Carl Thayer đã dự đoán, ông cho rằng đây là vấn đề phù hợp và nên được quan tâm sau tình hình đại dịch. Bởi vì sau đại dịch, các quốc gia cần hợp tác để xây dựng lại nền kinh tế toàn cầu và phục hồi nền kinh tế trong nước. Nhà báo chuyên mảng chính trị Jenny Leonard của Bloomberg cũng cho rằng Mỹ sẽ cố thúc đẩy phát triển quan hệ kinh tế, cụ thể hơn là đạt trọng tâm trong các nội dung xoay quanh chuỗi cung ứng. Bởi vì chuỗi cung ứng của khu vực này đang chịu sự ảnh hưởng chính của Trung Quốc. Điều này là một trở ngại với Mỹ. Do đó, Mỹ sẽ tìm cách gia tăng hiện diện của mình trong khu vực Đông Nam Á ở lĩnh vực này.

Đánh giá 

Về phía Mỹ, chuyến thăm này giúp thúc đẩy chiến lược hướng về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ. Theo giáo sư Carl Thayer, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang là ưu tiên hàng đầu của Mỹ. Do đó, trong Tài liệu Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời Mỹ mong muốn thúc đẩy sâu sắc hơn quan hệ với Ấn Độ, New Zealand, Singapore, Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khác. Qua đó, giúp Mỹ thuận lợi hơn trong đối đầu với Trung Quốc.

Chuyến thăm này sẽ gia tăng hình ảnh của Mỹ trong khu vực. Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã rút khỏi các hợp tác đa phương và tổn hại hình ảnh đối tác tin cậy của mình. Việc cùng lúc có nhiều chuyến viếng thăm trong thời gian ngắn ở khu vực thể hiện nỗ lực lôi kéo và giành lại thiện cảm của các quốc gia. Đồng thời, nếu các hợp tác trong vấn đề khu vực được thúc đẩy, chuyến đi của Phó Tổng thống Kalama Harris lần này thể hiện nỗ lực cam kết lâu dài của Mỹ đối với một Đông Nam Á thịnh vượng và an toàn. Ngoài ra, Mỹ có thể nhấn mạnh vai trò quan trọng của mình trong việc hỗ trợ khu vực để giải quyết các vấn đề đang diễn ra. Cựu đại sứ Mỹ tại Ngân hàng Phát triển Châu Á, Curtis S. Chin cũng chia sẻ quan điểm này khi nói rằng chuyến đi này “mang lại cho Mỹ cơ hội nhấn mạnh sự hỗ trợ đang diễn ra của Mỹ đối với khu vực.”

Chuyến thăm của Phó Tổng thống sẽ gia tăng sự hiện diện và giúp Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc. Bên cạnh công du với mật độ cao, Mỹ còn thể hiện mong muốn hợp tác an ninh với khu vực .  Hợp tác an ninh thành công sẽ đem lại cơ hội hiện diện quân sự chính đáng. Thêm vào đó, trong trường hợp Mỹ thúc đẩy hợp tác chuỗi cung ứng thành công. Mỹ tạo được môi trường thuận lợi để bắt đầu cạnh tranh Trung Quốc. Vì hiện tại, lĩnh vực này ở Đông Nam Á vốn chịu ảnh hưởng chính của Trung Quốc. Qua đó, có thể thế tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc của Mỹ. 

Tuy nhiên, Mỹ nên cẩn trọng trong tiếp cận Việt Nam, đặc biệt là ở vấn đề an ninh. Mỹ không nên nghĩ rằng Việt Nam hay các quốc gia Đông Nam Á nào sẽ hành động theo dự định của mình. Bởi vì, Chính sách Đông Nam Á của Mỹ về cơ bản phục vụ cho cuộc cạnh tranh chiến lược của Mỹ với Trung Quốc, thay vì dựa trên các điều kiện cụ thể của khu vực. Nếu dùng Việt Nam để chống Trung Quốc, Mỹ sẽ không thể đạt được mục đích của mình. Khi được hỏi về việc “chọn phe, phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã nói rằng Việt Nam nhất quán với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, cũng như “không đi với nước này để chống nước khác.” Tương tự với vấn đề kinh tế, kinh tế và hội nhập kinh tế sẽ phát triển theo khu vực kinh tế chứ không phải lợi ích địa chính trị. Động cơ địa chính trị của Mỹ trong việc đẩy Trung Quốc ra khỏi sự phát triển kinh tế khu vực sẽ làm tăng sự cảnh giác của các quốc gia Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á không mong muốn chọn phe trong cạnh tranh Mỹ-Trung.

Về phía Việt Nam, chuyến đi của bà Harris sẽ góp phần củng cố quan hệ ngoại giao giữa hai nước và tăng cường các hợp tác kinh tế sau khi chính quyền Biden gỡ bỏ các cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ. Tuy vậy, với sự tiến triển trong mối quan hệ với Mỹ, Việt Nam sẽ vấp phải sức ép từ phía Trung Quốc và cần phải cẩn trọng trong các tính toán chiến lược. 

Theo thông báo từ Nhà Trắng, chuyến đi của bà Harris sẽ tập trung vào 2 mục tiêu là tăng cường mối quan hệ ngoại giao và thắt chặt quan hệ kinh tế. Trong đó, lịch trình cụ thể hiện chưa được công bố, nhưng bà Harris được dự đoán sẽ có bài phát biểu bác bỏ các yêu sách trên biển Đông của Trung Quốc và đề cập, giải thích các chiến lược của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong thời gian tới. Đây được xem là tín hiệu tích cực cho thấy các cam kết của chính quyền Biden với khu vực Đông Nam Á. Đối với Việt Nam, vốn là một bên trong tranh chấp trên biển Đông, sự hiện diện ngày càng tăng của Mỹ tại khu vực, cả về mặt quân sự lẫn các phát ngôn ngoại giao, sẽ góp phần cân bằng cán cân quyền lực và hạn chế các hành động của Trung Quốc trên biển Đông. Cùng với việc xem Việt Nam là trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở, Mỹ dự kiến sẽ hỗ trợ thêm các tàu, vũ khí nhằm tăng cường năng lực cho lực lượng Việt Nam. Đây là điều kiện tốt giúp củng cố năng lực cho các lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam.

Về khía cạnh kinh tế, chuyến thăm của bà Harris dự kiến cũng sẽ tập trung vào việc phát triển quan hệ kinh tế. Trước đó, trong một động thái mở đường, Mỹ đã xóa bỏ cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ. Theo sau đó, chuyến thăm của bà Harris sẽ chú trọng lĩnh vực thương mại điện tử (e-commerce), các lĩnh vực kinh tế số. Hiện nay, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh việc phát triển thương mại điện tử với việc nghiên cứu và cho ra đời loại đồng tiền điện tử trung ương, nhưng lại vướng phải các nghi ngờ về mức độ bảo mật và các vấn đề chính trị xoay quanh. Trong khi đó, Việt Nam hiện cũng đang thúc đẩy mô hình chính phủ điện tử, kinh tế số. Cùng với đó, các chuyên gia dự báo, giai đoạn 2021-2025 là thời gian phát triển nhanh của thương mại điện tử với mức tăng trưởng là 29% và năm 2025 quy mô kinh tế số của Việt Nam có thể đạt tới 52 tỷ USD. Vì vậy, thông qua chuyến thăm của bà Harris, các doanh nghiệp Việt Nam có thể học tập công nghệ, kết nối với phía Mỹ và tăng cường hợp tác ở lĩnh vực này. Điều này đồng thời mở ra cơ hội cho Việt Nam sớm tìm kiếm thêm các đối tác khác trong lĩnh vực mới như kinh tế số ngay từ giai đoạn bắt đầu, giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc về lâu dài. Mặt khác, chuyến đi của bà Harris cũng sẽ bàn đến vấn đề an ninh của chuỗi cung ứng và khả năng phục hồi trong đại dịch, cũng như tìm ra giải pháp tránh tình trạng thiếu hụt hàng hóa. Từ sau cuộc cạnh tranh thương mại Mỹ – Trung, Việt Nam được xem là đích đến mới của các chuỗi nhà máy rời khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay, làn sóng COVID-19 mới với biến chủng delta lây lan mạnh đang khiến nhiều nhà máy ở Việt Nam buộc phải đóng cửa gây gián đoạn chuỗi cung ứng. Do đó, nội dung họp bàn về chuỗi cung ứng sẽ có đóng góp thiết thực với tình hình tại Việt Nam. 

Tuy nhiên, việc tăng cường mối quan hệ với Mỹ cũng đòi hỏi sự cẩn trọng nhất định. Trước hết, Việt Nam đã đưa ra Chính sách 4.0 và nhiều lần thể hiện lập trường trung lập trong các cuộc cạnh tranh quyền lực. Do đó, nếu Việt Nam tiếp nhận cùng một lúc các hỗ trợ từ Mỹ và đẩy nhanh tiến trình nâng cấp quan hệ có thể vấp phải sự nghi ngờ từ ASEAN. Trước đó, các trường hợp Campuchia hay Lào nhận viện trợ từ Trung Quốc thường được xem là lựa chọn chính trị ngả về phía Trung Quốc, gây chia rẽ trong nội bộ ASEAN. Hiện nay VN đang là một thành viên tích cực, quan trọng trong ASEAN, do đó bất kỳ động thái nào từ VN cũng cần sự cẩn trọng. Thêm vào đó, Việt Nam sẽ cần chuẩn bị sẵn sàng cho các sức ép từ phía TQ khi tăng cường quan hệ với Mỹ. Ngoài ra, sự căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Nga sẽ đưa Việt Nam vào thế khó xử. Cần lưu ý rằng hiện nay Nga và Trung Quốc là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, trong khi Mỹ hiện chỉ là đối tác chiến lược và đang ở tiến trình thúc đẩy việc nâng cấp.

Nhìn chung, Việt Nam cần tiếp tục duy trì chính sách trung lập, đảm bảo cân bằng mối quan hệ ngoại giao với Mỹ, Trung Quốc và cả Nga. Việc thúc đẩy quan hệ với Mỹ mang lại nhiều lợi ích nhưng Việt Nam cũng không nên đẩy nhanh quá trình nâng cấp quan hệ. 

Triển vọng mối quan hệ Việt – Mỹ

Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ theo như Chiến lược Quốc phòng Mỹ năm 2018 và Báo cáo Ấn Độ – Thái Bình Dương năm 2019. Mỹ và Việt Nam đã trở thành đối tác khi ký kết quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2013. Mối quan hệ không chỉ dừng ở những lĩnh vực được nêu trong các văn kiện mà dựa vào thời điểm hiện tại có nhiều khả năng vươn tới phát triển hợp tác trong lĩnh vực an ninh mà đặc biệt là phòng chống dịch bệnh Covid-19 và khoa học – công nghệ. 

  1. Việt Nam cam kết sửa chữa cán cân thương mại 

Đầu tiên, về vấn đề kinh tế, để giải quyết lo ngại của Mỹ về thâm hụt thương mại, Việt Nam đã cam kết sửa chữa cán cân thương mại. Thông tin về tiến độ của Việt Nam trong việc giải quyết những lo ngại của Mỹ về thâm hụt thương mại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng lưu ý rằng chính phủ Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ kinh tế thương mại với Mỹ và triển khai các cam kết cấp cao, các hiệp định thương mại của hai nước, cũng như các cam kết thương mại đa phương mà Việt Nam là thành viên. 

Với tinh thần này, thời gian qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tích cực trao đổi, tích cực hợp tác với các đối tác Mỹ để giải quyết những vướng mắc trong quan hệ kinh tế thương mại song phương giữa hai nước. Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đối thoại và tham vấn trên tinh thần xây dựng với phía Mỹ, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững và cùng có lợi. 

Chính phủ Việt Nam hứa sẽ tăng nhập khẩu từ Mỹ, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp và thông báo rằng họ cũng đang xem xét cắt giảm thuế đối với hàng nhập khẩu nông sản của Mỹ. Theo Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước châu Mỹ tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2011-2019. Trong đó, năm 2014 và 2019 có mức tăng trưởng vượt bậc với 24,17% và 23,63%. Điều này mở ra triển vọng hợp tác thương mại giữa hai bên trong những năm tới.

  1. Mỹ tiếp tục tăng cường hỗ trợ Việt Nam đối phó với đại dịch COVID-19

Gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Mỹ đã nhất trí về hợp tác dịch vụ y tế để chống lại đại dịch tại cuộc họp ở Hà Nội. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng tuyên bố hỗ trợ Việt Nam thông qua các thiết bị chưa được tiết lộ để phòng chống Covid-19. 

Cho đến nay, chính phủ Mỹ đã hỗ trợ phát triển hệ thống y tế của Việt Nam với hơn 1 tỷ đô la hỗ trợ y tế, bao gồm cứu trợ HIV/AIDS, phát hiện và quản lý bệnh cúm, và hơn 13 triệu đô la hỗ trợ cho ứng phó COVID-19 của Việt Nam. Mỹ đã viện trợ năm triệu liều vắc xin Moderna cho Việt Nam và cam kết hỗ trợ hơn 20 triệu USD liên quan đến COVID-19 cho Việt Nam kể từ khi đại dịch bắt đầu. Khoản tiền này bao gồm 100 máy thở do Mỹ sản xuất do USAID cung cấp trị giá 2,8 triệu USD vào tháng 9 năm ngoái, và 4,7 triệu USD khác từ USAID để giúp Việt Nam chuẩn bị hệ thống phòng thí nghiệm, hỗ trợ các chuyên gia kỹ thuật chuẩn bị và ứng phó, ngăn ngừa nhiễm trùng tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe, khám sức khỏe cộng đồng tại các điểm mục nhập, và hơn thế nữa. 

USAID cũng đã tài trợ 5 triệu USD để giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam đã nhận được gần 2,5 triệu liều vắc xin thông qua COVAX. Chính quyền Biden cam kết sẽ cung cấp thêm vắc xin để tăng cường năng lực của Việt Nam trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19 nhằm xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài trong lĩnh vực y tế.

  1. Cơ hội phát triển mối quan hệ song phương thành đối tác chiến lược từ hợp tác quân sự

Mối quan hệ quân sự Việt – Mỹ đang được thúc đẩy bởi những cân nhắc chiến lược địa lý Trung – Mỹ và tranh chấp Trung – Việt ở Biển Đông. Trong tương lai, Mỹ có thể sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ quân sự cho Việt Nam, dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí tổng thể và có thể thực hiện các cuộc tập trận chung thường xuyên và chuyên sâu hơn theo các cơ chế song phương hoặc đa phương. Việt Nam có thể sẽ nới lỏng các hạn chế về số lượng và tần suất các chuyến thăm của tàu Mỹ. Mỹ luôn cố gắng thỏa hiệp với Việt Nam về việc các tàu chiến Mỹ quay trở lại Vịnh Cam Ranh. 

Vào năm 2020, Hiệp hội Hạt nhân Thế giới đã báo cáo rằng nhu cầu năng lượng ở Việt Nam đang tăng nhanh chóng – với tốc độ tăng trưởng của nhu cầu, đặc biệt là ở miền Nam của đất nước, đã tăng 15% trong những năm gần đây. Từ quan điểm đặt nền tảng cho việc Việt Nam tiếp cận với công nghệ sản xuất điện hạt nhân an toàn và tinh vi và những cơ hội sản xuất điện hạt nhân tiên tiến, các bước quan trọng đã bắt đầu vào năm 2007 với Thỏa thuận hợp tác và trao đổi thông tin giữa Cục An ninh Hạt nhân Quốc gia Mỹ (NNSA) và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Hai nước cũng đã công bố một loạt các bước hợp tác bổ sung trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân vào năm 2016.

Hiện tại, quyết định năm 2016 không thể hoàn thiện vì lý do kinh tế nên Việt Nam đã hoãn một số kế hoạch mua lại điện hạt nhân của mình. Tuy nhiên, với việc quy hoạch năng lượng hạt nhân của Việt Nam đang đi đúng hướng, một số cách thức hợp tác với Mỹ có thể phát triển trong những năm tới sẽ được đưa ra. Christopher Ashley Ford, một luật sư và quan chức chính phủ Mỹ tin rằng cả hai nước đã sẵn sàng để thực hiện những cải tiến sâu rộng trong hợp tác dân sự-hạt nhân và những cải tiến này sẽ mang lại cho Mỹ và Việt Nam những lợi ích bổ sung quan trọng khi hai nước tiến tới mối quan hệ đối tác chiến lược rộng lớn.

Điều này sẽ cải thiện quan hệ song phương giữa Mỹ và Việt Nam. Quan hệ quân sự và an ninh trước đây là mắt xích yếu nhất trong mối quan hệ Việt – Mỹ. Giao tiếp và hợp tác giữa quân đội hai nước có thể làm giảm sự thù địch của họ một cách hiệu quả và tăng thêm sự tin cậy lẫn nhau về chiến lược và chính trị. Nó sẽ dần dần lan rộng ra các lĩnh vực kinh tế, thương mại, tài chính, xã hội, văn hóa và các lĩnh vực khác, tăng cường mối quan hệ trên toàn quốc.

  1. Thách thức sự phát triển mối quan hệ từ khác biệt về ý thức hệ và vấn đề nhân quyền

Tuy nhiên, với những triển vọng như vậy, mối quan hệ giữa hai nước vẫn gặp nhiều thách thức khi vẫn còn xuất hiện những khác biệt về ý thức hệ và vấn đề về nhân quyền. Không giống như người tiền nhiệm của mình, Tổng thống Joe Biden đặt dân chủ và nhân quyền vào trung tâm của chính sách đối ngoại của Mỹ. Chính quyền Biden xem vấn đề dân chủ, nhân quyền là chìa khóa chính, tập hợp mặt trận nhưng Việt Nam vẫn bị đánh giá là nước có mức độ nhân quyền thấp và vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng. Carl Thayer, giáo sư chính trị tại Đại học New South Wales ở Canberra, cho biết việc Việt Nam không hoàn toàn tin tưởng vào Mỹ sẽ là một đối tác để nâng cao mối quan hệ vì những lời chỉ trích của Washington đối với hồ sơ nhân quyền của Việt Nam.

Hơn nữa, Hayton, tác giả cuốn Vietnam: Rising Dragon, cho biết sẽ luôn có giới hạn đối với sự can dự của Mỹ-Việt Nam vì Việt Nam xem Washington là một mối đe dọa đối với mô hình chính trị của họ, đặc biệt trong việc “truyền bá đa nguyên chính trị và diễn biến hòa bình”. Giảng viên quan hệ quốc tế Huỳnh Tâm Sáng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết rằng đây có thể là một rào cản cho việc nâng tầm quan hệ “đối tác toàn diện” lên thành“ đối tác chiến lược”.

Tóm lại, chính quyền Biden vẫn có thể làm sâu sắc thêm quan hệ với Việt Nam và đồng thời thúc đẩy nhân quyền. Để làm như vậy, theo bà Bich T. Tran, một thành viên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, D.C., chính quyền của ông cần tăng cường sự tin cậy lẫn nhau bằng cách cam đoan rằng Mỹ tôn trọng hệ thống chính trị của Việt Nam và phân biệt các quốc gia theo chủ nghĩa xét lại như Trung Quốc với các chế độ cộng sản như Việt Nam. Chỉ khi lòng tin đủ cao, Mỹ mới có thể thuyết phục Việt Nam cải thiện nhân quyền vì lợi ích của chính mình. Washington nên tận dụng các cơ chế đa phương để khuyến khích Việt Nam thay đổi. Về mặt song phương, việc nâng cấp mối quan hệ Việt – Mỹ lên thành đối tác chiến lược có thể sẽ báo hiệu mức độ tin cậy cao hơn và cung cấp khuôn khổ tốt hơn cho sự liên kết trong thực hành nhân quyền.

___________________________________

Các bài viết liên quan

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *