Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol công du Việt Nam ngày 22/06/2023

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol sẽ thăm Việt Nam từ ngày 22 – 24/6 nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại và hợp tác. Trong bối cảnh quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng phát triển, những nội dung được thảo luận tại cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo được hy vọng sẽ củng cố mối quan hệ song phương trên mọi lĩnh vực.

1. Bối cảnh chuyến thăm

Tổng thống Yoon Suk Yeol sẽ đến thăm Việt Nam trong 3 ngày, đây cũng là chuyến thăm song phương đầu tiên của Tổng thống Hàn Quốc đến một thành viên ASEAN kể từ khi nhậm chức. Cuộc họp thượng đỉnh của Tổng thống Yoon Suk Yeol với Chủ tịch Võ Văn Thưởng trong khuôn khổ chuyến thăm dự kiến sẽ thảo luận về những biện pháp thắt chặt quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Đồng thời, Tổng thống Yoon cũng có cuộc hội đàm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và dự tiệc chào mừng.[1] Đáng chú ý, Tổng thống Yoon Suk Yeol ​​sẽ đi cùng với một phái đoàn kỷ lục gồm 205 doanh nhân, bao gồm cả các nhà lãnh đạo của 5 tập đoàn hàng đầu quốc gia.[2] Điều này là dấu hiệu cho thấy nỗ lực của ông trong việc mở rộng kết nối kinh tế và thương mại giữa hai quốc gia.

Việt Nam và Hàn Quốc chia sẻ một lịch sử hợp tác lâu dài, cho đến hiện tại vẫn duy trì quan hệ hợp tác đa lĩnh vực, từ an ninh, kinh tế đến văn hoá, xã hội. Năm 2022 là cột mốc đáng nhớ của hai quốc gia khi chính thức công bố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (CSP). Trong khuôn khổ CSP, các nhà lãnh đạo của hai bên đã đồng ý tăng cường hợp tác song phương, đây cũng là điểm sáng trong hợp tác an ninh hai nước. Theo đó, hai bên cam kết hỗ trợ nhau trong ngành an ninh hàng hải, công nghiệp vũ khí, hậu cần quân sự, an ninh mạng và một số lĩnh vực khác[3]. Hàng năm, Việt Nam và Hàn Quốc nỗ lực tổ chức các đối thoại quốc phòng nhằm thúc đẩy các hành động chung trong việc giải quyết các thách thức vè an ninh.

Về kinh tế, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực vào năm 2015 cho thấy niềm tin vào tiềm năng hợp tác kinh tế của hai nước. Hiện nay, cả hai đều là thành viên của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Theo thống kê đến tháng 9/2022, Hàn Quốc duy trì vị trí đứng đầu  về đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt Nam. Hàn Quốc là thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam lớn thứ 2, với khoảng 48.000 lao động.[4]

2. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Yoon: Những vấn đề song phương quan trọng đáng quan tâm

2.1. Hợp tác chính trị – an ninh

Trong bối cảnh quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam – Hàn Quốc vừa được thiết lập vào năm 2022, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Yoon Suk Yeol có thể xem là sự nối tiếp của các chuyến thăm cấp cao đến Hàn Quốc trước đó từ phía Việt Nam. Từ góc độ chính trị – an ninh, những chuyển biến chính trị toàn cầu tiếp tục đóng vai trò là động lực quan trọng cho Việt Nam và Hàn Quốc cùng đa dạng hóa các mối quan hệ hợp tác đa lĩnh vực. Trong đó, việc phát triển sâu sắc quan hệ giữa hai nước được xem là một cơ hội quan trọng để Việt Nam và Hàn Quốc thực hiện mục tiêu an ninh của mình.[5]

Tổng thống Yoon Suk Yeol trước đó đã bày tỏ cam kết rằng Hàn Quốc sẽ giúp đỡ Việt Nam tăng cường năng lực an ninh hàng hải, hoàn thiện quy tắc cung cấp thiết bị hải quân và mở rộng hợp tác đa dạng hóa trong lĩnh vực quốc phòng, cũng như trong lĩnh vực công nghệ cao và khai thác đất hiếm.[6] Đồng thời, tương ứng với nhu cầu đa dạng hóa và hiện đại hóa năng lực quốc phòng của Việt Nam, chính phủ Hàn Quốc cũng đã đặt mục tiêu nhằm phát triển, tăng cường và đa dạng hóa xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng như một ngành kinh tế chiến lược.[7] [8]

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện nay ngày càng đóng vai trò quan trọng với Hàn Quốc trong nỗ lực đảm bảo an ninh kinh tế và an ninh công nghệ. Cụ thể, thông qua việc các doanh nghiệp công nghệ cao của Hàn Quốc đã bắt đầu nỗ lực nhằm dịch chuyển cơ sở sản xuất chất bán dẫn từ Trung Quốc sang Việt Nam.[9] Đáng lưu ý, bên cạnh Trung Quốc, Việt Nam có trữ lượng lớn về đất hiếm và khoáng sản để sản xuất thiết bị điện tử, vốn là những tài nguyên hiếm và có giá trị chiến lược cao đối với các quốc gia xuất khẩu công nghệ cao như Hàn Quốc.[10]

Theo một số nhận định, việc củng cố quan hệ với Hàn Quốc dưới thời kỳ của Tổng thống Yoon Suk Yeol cũng mang lại cho Việt Nam những lợi ích chiến lược. Cụ thể, bên cạnh lợi ích kinh tế, chính quyền Hàn Quốc hiện tại cũng có quan điểm cứng rắn và cụ thể hơn về thực trạng an ninh khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Điều này có thể là cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy một cách tiếp cận chủ đích hơn nhằm phát triển sâu rộng hợp tác quốc phòng với Hàn Quốc. Trước đó, vào năm 2018, Hàn Quốc đồng thuận chuyển giao hai tàu hộ tống lớp Pohang nhằm tăng cường năng lực tác chiến chống ngầm của hải quân Việt Nam. Cho đến gần nhất vào tháng 9/2022, bộ trưởng quốc phòng hai nước đã tổ chức đối thoại song phương về ngành công nghiệp vũ khí, an ninh hàng hải, hậu cần quân sự và an ninh mạng.

2.2. Hợp tác kinh tế

Quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc vẫn sẽ là hình thức hợp tác chủ đạo và nổi bật nhất trong thời gian tới. Với Việt Nam, Hàn Quốc là nguồn đầu tư nước ngoài hàng đầu với khoảng 8,000 doanh nghiệp nước này đang hoạt động tại Việt Nam. Với Hàn Quốc, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ ba, với tổng kim ngạch thương mại song phương đạt mốc 87.6 tỷ USD vào năm 2022. Bên cạnh đó, cũng vào riêng năm 2022, Hàn Quốc đã mang lại hơn 726 nghìn lượt du khách đến Việt Nam, trong khi số lượng du học sinh Việt Nam chiếm vị trí hàng đầu tại Hàn Quốc với ước tính khoảng 70 nghìn người đang học tập, làm việc.[11]

Trong các cuộc tiếp xúc cấp cao trước đó với Việt Nam, các quan chức Hàn Quốc, tiêu biểu là Tổng thống Yoon Suk Yeol, đã liên tục kêu gọi mở rộng hơn nữa hợp tác kinh tế song phương. Vào tháng 5/2023, Tổng thống Hàn Quốc đã kêu gọi thúc đẩy tổng kim ngạch thương mại hai nước lên mốc 150 tỷ USD trước năm 2030.[12] Cũng trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã không ngừng mở rộng đầu tư sản xuất tại Việt Nam, đặt biệt là công nghệ cao. Trong đó, tập đoàn Samsung là nhà đầu tư lớn nhất đã và đang triển khai 18 tỷ USD và đã cam kết đầu tư bổ sung lên đến 20 tỷ USD trong năm 2022.[13]

Theo các nhà quan sát, Việt Nam sở hữu nguồn khoáng sản chiến lược và là thị trường đầu tư mang tính cạnh tranh mà các doanh nghiệp Hàn Quốc cần phải cố định. Bên cạnh Trung Quốc, Việt Nam cũng có trữ lượng lớn đất hiếm và loạt các khoáng sản chiến lược đối với ngành sản xuất chất bán dẫn, thiết bị điện tử, vốn là những ngành trụ cột với nền kinh tế Hàn Quốc.[14] Ngược lại, Việt Nam cũng đang tìm kiếm các nguồn đầu tư nước ngoài quy mô vừa và lớn, kèm theo các tiêu chuẩn nâng cao về môi trường, công nghệ kỹ thuật, phúc lợi nhằm đẩy mạnh GDP quốc gia theo định hướng phát triển bền vững.[15] Với phái đoàn gồm 205 đại diện đến từ nhiều doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc, chuyến thăm Việt Nam sắp tới phần nào đã thể hiện rõ hơn kỳ vọng của Tổng thống Yoon Suk Yeol nhằm đẩy mạnh và sâu sắc hóa cơ hội hợp tác kinh tế với Việt Nam.

2.3. Các vấn đề khác

  • Năng lượng tái tạo

Thời gian qua, Việt Nam và Hàn Quốc cũng chia sẻ mối quan tâm chung đến lĩnh vực năng lượng tái tạo. Theo Bộ Công nghiệp Hàn Quốc, nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam tới Seoul vào năm 2022, hai nước đã ký “Bản ghi nhớ về tăng cường trao đổi thông tin và hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân”. Việt Nam cũng đã ký kết một thỏa thuận về tư vấn năng lượng để chia sẻ các biện pháp chính sách chuyển đổi năng lượng, cũng như bí quyết công nghệ năng lượng hydro và hệ thống lưu trữ năng lượng.[16] Hiện tại, Tổng thống Yoon Suk Yeol cũng tìm cách mở rộng đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với mục tiêu chính là đảm bảo nguồn cung cấp lithium, niken và các nguồn tài nguyên quan trọng khác để sản xuất xe điện.[17]

  • Khoa học công nghệ

Khoa học công nghệ cũng là một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Vào tháng 12/2022, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho cho biết, Hàn Quốc sẵn sàng chia sẻ chuyên môn công nghệ để thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế với Việt Nam trong 30 năm tới.[18] Trong cùng thời gian đó, Việt Nam phê duyệt “Văn bản hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại” của Chính phủ Hàn Quốc nhằm thực hiện Dự án “Thành lập Trung tâm hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc về thành phố thông minh và công nghệ xây dựng” (VCC). Đề án này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2023. Ngoài ra, Việt Nam và Hàn Quốc tiếp tục đẩy mạnh việc ký kết thỏa thuận giữa các doanh nghiệp công nghệ hai nước, đặc biệt là lĩnh vực blockchain. Trong Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Nhật Bản, Tổng thống Yoon Suk Yeol cũng chia sẻ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu như khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.[19]

  • Tăng cường hợp tác với ASEAN và các quốc gia tiểu vùng sông Mekong

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN – Hàn Quốc lần thứ 23, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã chia sẻ về chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với ASEAN là nhân tố quan trọng.[20] Thông qua chiến lược này, Hàn Quốc mong muốn mở rộng tầm nhìn sang toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, từ đó tăng cường hợp tác chiến lược trong các vấn đề song phương, khu vực, và toàn cầu.[21] Chiến lược đồng thời cho thấy nỗ lực tăng cường quan hệ quốc phòng của Hàn Quốc với các quốc gia thành viên ASEAN. Trong số 10 quốc gia ASEAN hiện tại, Việt Nam có mối quan hệ thương mại và đầu tư chặt chẽ nhất với Hàn Quốc. Theo Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Việt Nam “là quốc gia đối tác cốt lõi trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hàn Quốc và Sáng kiến ​​Đoàn kết Hàn Quốc-ASEAN”.[22] Như vậy, Việt Nam sẽ đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hàn Quốc và Sáng kiến đoàn kết Hàn Quốc – ASEAN. Việt Nam sẽ giữ vai trò là cầu nối trong nỗ lực của Hàn Quốc nhằm tăng cường quan hệ với ASEAN nói chung.[23]

Từ năm 2011, Hàn Quốc tích cực phát triển quan hệ hợp tác với các quốc gia tiểu vùng Mekong bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar. Đặc biệt, Chính phủ Hàn Quốc đã chú trọng đầu tư vào các dự án chung với các nước trong khu vực thông qua Quỹ hợp tác Mekong – Hàn Quốc (MKCF) và thông qua hợp tác ODA. Tổng thống Yoon cũng cho biết Hàn Quốc sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để đồng thời thúc đẩy hợp tác Hàn Quốc – ASEAN và Hàn Quốc – Mekong.[24]

3. Tổng kết

Nhìn chung, chuyến thăm lần này của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đến Việt Nam mang ý nghĩa đặc biệt đối với quan hệ hai nước. Ngoài các lĩnh vực hợp tác truyền thống như an ninh, quốc phòng, kinh tế, cuộc gặp gỡ lần này giữa hai nhà lãnh đạo sẽ mang đến triển vọng kết nối bền vững của Việt Nam và Hàn Quốc trên các lĩnh vực là mối quan tâm giữa hai quốc gia như: như công nghệ cao, cơ sở hạ tầng, năng lượng…. Chuyến thăm sẽ là cơ hội để hai bên nhất trí hợp tác nhiều hơn, góp phần hoàn thiện mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

Tài liệu tham khảo:

[1] Nguyen, L. (2023). South Korean President Yoon Suk Yeol aims to boost economic ties on Vietnam visit. The Investor.

https://theinvestor.vn/south-korean-president-yoon-aims-to-boost-economic-ties-on-vietnam-visit-d5370.html?fbclid=IwAR3nH4iMWtcr90qZgPdMmxUK_U1XRZceEglnN3EFCqqk6FuXyaKVAGlvUdA

[2] Ibid.

[3] (2022). S. Korea, Vietnam hold annual strategic defense dialogue. Yonhap News Agency.

https://en.yna.co.kr/view/AEN20220905008800325

[4] Sơn, N. & Phong, V. (2022). Nâng tầm quan hệ toàn diện Việt Nam – Hàn Quốc. Nhân Dân.

https://special.nhandan.vn/nang-tam-quan-he-toan-dien-Vietnam-Hanquoc/index.html

[5] Salmon, Andrew (2022). From chips to ships, South Korea and Vietnam cozy up. https://asiatimes.com/2022/12/from-chips-to-ships-south-korea-and-vietnam-cozy-up/?fbclid=IwAR0uiAyLgq9ZQZlR3DoQj6oMZ53nPlOmLXOMAgE6QJMVQE9sETQtWZuL_eY. Truy cập ngày 13/06/2023.

[6] (2022). (LEAD) Yoon Suk Yeol, Vietnamese president agree to establish comprehensive, strategic partnership. Yonhap News Agency. https://en.yna.co.kr/view/AEN20221205006851315. Tuy cập ngày 13/06/2023

[7] (2023). The Yoon Suk Yeol Administration’s National Security Strategy. Pp. 84-6.

[8] Guarascio, Francesco; Vu, Khanh (2022). Analysis: Vietnam shifts gears on arms trade as it loosens ties with Russia. Reuters. https://www.reuters.com/world/asia-pacific/vietnam-shifts-gears-arms-trade-it-loosens-ties-with-russia-2022-12-07/. Truy cập ngày 13/06/2023.

[9] Lee Yeon-woo (2023). Vietnam emerges as major market for Korean chipmakers. The Korean Times. https://www.koreatimes.co.kr/www/biz/2023/05/488_351906.html. Truy cập ngày 13/06/2023.

[10] Nguyen, Uyen (2023). Rare Earth Mining in Vietnam: Industry Overview. Vietnam Briefing. https://www.vietnam-briefing.com/news/rare-earth-mining-vietnam.html/. Truy cập ngày 13/06/2023

[11] Kwon Mee-yoo (2023). Vietnam rises as powerhouse in Southeast Asia. The Korea Times. https://www.koreatimes.co.kr/www/nation/2023/06/113_351442.html?fbclid=IwAR3hNwMY-TvjBCV4y_MbNNz13LmF5hqwuRXTTKohnLIIc0l7D5Ta6qV6kvM. Truy cập ngày 14/06/2023

[12] (2023). Yoon asks Vietnam PM to further support S. Korean businesses. Yonhap News Agency. https://en.yna.co.kr/view/AEN20230519008700315?fbclid=IwAR3Wm1gDXX_2NrjPkBt1HeWIfPgLedaoYt2Y_bsGCIS_dvzz6MZTAf8Qk0c. Truy cập ngày 14/06/2023

[13] Salmon, Andrew (2022). From chips to ships, South Korea and Vietnam cozy up. https://asiatimes.com/2022/12/from-chips-to-ships-south-korea-and-vietnam-cozy-up/?fbclid=IwAR0uiAyLgq9ZQZlR3DoQj6oMZ53nPlOmLXOMAgE6QJMVQE9sETQtWZuL_eY. Truy cập ngày 14/06/2023.

[14] Salmon, Andrew (2022). From chips to ships, South Korea and Vietnam cozy up. https://asiatimes.com/2022/12/from-chips-to-ships-south-korea-and-vietnam-cozy-up/?fbclid=IwAR0uiAyLgq9ZQZlR3DoQj6oMZ53nPlOmLXOMAgE6QJMVQE9sETQtWZuL_eY. Truy cập ngày 14/06/2023.

[15] Nguyen, Oanh (2023). Quality and quantity advances sought. Vietnam Investment Review. https://vir.com.vn/quality-and-quantity-advances-sought-101997.html. Truy cập ngày 14/06/2023

[16] Yonhap (2022). S. Korea, Vietnam agree to boost trade, energy cooperation. Korea Herald.

https://www.koreaherald.com/view.php?ud=20221226000369

[17] Yosike, O. (2022). South Korea’s Yoon draws closer to ASEAN, keeping distance from China. Nikkei Asia.

https://asia.nikkei.com/Politics/International-relations/South-Korea-s-Yoon-draws-closer-to-ASEAN-keeping-distance-from-China

[18] Nguyen, S. (2022). South Korea, Vietnam ready to boost tech cooperation. Hanoitimes. https://hanoitimes.vn/south-korea-vietnam-ready-to-boost-tech-cooperation-322544.html

[19] VNA (2023). Prime Minister Pham Minh Chinh meets President of the Republic of Korea Yoon Suk-yeol. Baoquocte.

https://en.baoquocte.vn/prime-minister-pham-minh-chinh-meets-president-of-the-republic-of-korea-yoon-suk-yeol-227816.html

[20] VNA (2022). Vietnam plays important role in ASEAN-RoK relations: FM Park Jin. Vietnam plus.

https://en.vietnamplus.vn/vietnam-plays-important-role-in-aseanrok-relations-fm-park-jin/236364.vnp

[21] Vân, K. & Đặng, T (2023). Đôi nét về chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hàn Quốc và “vị thế” của Seoul trong khu vực. Quốc phòng toàn dân.

http://tapchiqptd.vn/vi/quoc-phong-quan-su-nuoc-ngoai/doi-net-ve-chien-luoc-an-do-duong-thai-binh-duong-cua-han-quoc-va-vi-the-cua-seoul-trong-khu-vuc/20176.html

[22] Yosuke Onchi, “South Korea’s Yoon draws closer to ASEAN, keeping distance from China,”Nikkei Asia, 6 December 2022, https://asia.nikkei.com/Politics/International-relations/South-Korea-sYoon-draws-closer-to-ASEAN-keeping-distance-from-China

[23] Thanh, T. (2023). Upgrades to ASEAN-Korea agreement in the works. VCCI.

https://en.vcci.com.vn/upgrades-to-asean-korea-agreement-in-the-works

[24] Nam, H. W. (2022). Korea, Vietnam elevate ties to comprehensive, strategic partnership. Koreatimes.

https://www.koreatimes.co.kr/www/nation/2022/12/113_341172.html

1 comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *