Đối thoại Shangri-La 2023 (phần 2): Hàm ý đối với chiến lược an ninh khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của nước Úc

Tags: Mỹ – Trung

Vào đầu tháng 6 năm nay, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã có bài phát biểu quan trọng tại sự kiện Đối thoại Shangri-la. Theo thông cáo của chính phủ Australia, ông Albanese bày tỏ sự kỳ vọng rằng “một khu vực ổn định, hòa bình, kiên cường và thịnh vượng” tại châu Á sẽ được củng cố mạnh mẽ, trong đó Đối thoại Shangri-la sẽ đóng vai trò là một trong những nền tảng quan trọng.

Theo ông James Crabtree, giám đốc điều hành IISS Châu Á, sự xuất hiện của Thủ tướng Albanese tại sự kiện phản ánh “một vai trò quan trọng hơn bao giờ hết của Australia trong an ninh châu Á-Thái Bình Dương”, cũng như dấu ấn của Thủ tướng Albanese “là một nhà lãnh đạo ngoại giao cao cấp và chu đáo, phối hợp chặt chẽ với các cường quốc trong khu vực và nhanh chóng xem xét lại tình hình quốc phòng của Australia.”[1] Để hiểu rõ hơn quan điểm này, vai trò an ninh mới của Australia trong khu vực có thể được lý giải qua những vấn đề sau: (1) Quan điểm của Australia về vị thế quốc gia trong bối cảnh Trung Quốc hiện diện như là một thế lực chính trị-an ninh mới; (2) Chính sách an ninh của Australia tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong những năm gần đây và; (3) Hàm ý về vai trò và các cam kết của Australia tại sự kiện Đối thoại Shangri-la sắp tới.

Quan điểm của Australia về vị thế quốc gia trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương dưới thời kỳ của Thủ tướng Albanese

Vào tháng 6/2023, ba tháng sau chiến thắng bầu cử của Đảng Lao động Australia, tân Bộ trưởng Quốc phòng Richard Marles đã có một bài phát biểu tiền đề tại sự kiện Đối thoại Shangri-la lần thứ 19. Trong bài phát biểu, Bộ trưởng Marles tái khẳng định một số các cam kết và quan điểm trước đó của chính phủ Australia đối với các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, chi tiêu quân sự quốc gia và các cam kết an ninh tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Trái với nhiều dự đoán trước đó, chính phủ Australia dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động đã tái khẳng định cam kết duy trì chi tiêu quốc phòng của nước này với mức 2% GDP.[2] Trong đó, các vũ khí tấn công tầm xa, vũ khí chính xác, năng lực tấn công và phòng thủ mạng, năng lực phòng không và chương trình AUKUS sẽ được chính quyền mới đặt trọng tâm phát triển.

Cũng trong bài phát biểu trên, ông Marles nhấn mạnh sự ưu tiên của chính quyền mới đối với việc bảo vệ lợi ích quốc gia song song với việc xây dựng tư duy đối ngoại mới. Cụ thể, trong quan hệ với Trung Quốc, chính phủ của Thủ tướng Albanese khẳng định sự thừa nhận của Australia về “Sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc và cách thức mà điều đó đang định hình lại khu vực”. Trong đó, có thể hiểu rằng Australia sẽ không chạy đua và cản trở Trung Quốc như là một cường quốc trong khu vực mà sẽ chủ trương tìm kiếm sự hợp tác trên mọi lĩnh vực thích hợp. Tuy nhiên, Australia mong muốn cách hành xử có trách nhiệm hơn từ Trung Quốc như là một quốc gia thành viên của luật pháp quốc tế. Ông Marles khẳng định, bất chấp việc phát triển quân đội là “một thực tại không thể thiếu”, sự “thiếu minh bạch” và “thiếu trách nhiệm” của Trung Quốc trong việc cân nhắc lợi ích an ninh khu vực có thể dẫn đến một khu vực bất ổn và khơi màu cho một làn sóng chạy đua vũ trang mới.[3]

Ở góc độ tổng thể, Australia khẳng định cam kết nhằm trở thành một đối tác gắn kết và đáp ứng hơn ở khu vực Thái Bình Dương. Trong đó, Bộ trưởng Quốc phòng nước này nhấn mạnh vai trò chìa khóa của “lòng tin” và “sự cởi mở” giữa các quốc gia đối với Australia đối với cam kết trên. Đồng thời, Australia nhận định khu vực ASEAN chiếm “vị trí trọng tâm” trong tầm nhìn lẫn lợi ích kinh tế-an ninh, gắn liền với mục tiêu củng cố mối liên hệ sâu sắc với khu vực Đông Nam Á. Với mục tiêu tăng cường vai trò gắn kết và đáp ứng tại khu vực, chính quyền mới của Thủ tướng Albanese cũng khẳng định biến đổi khí hậu được xem là một “vấn đề an ninh quan trọng” và tiếp tục xúc tiến các sáng kiến chuyển đổi trong nước lẫn khu vực và quốc tế.[4]

Chính sách an ninh của Australia tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương dưới thời kỳ của Thủ tướng Anthony Albanese

Từ những quan điểm trên, về mặt chiến lược, đã có sự đồng thuận từ một số học giả rằng Australia không chủ động tìm kiếm và xây dựng vị thế của mình như là một cường quốc biển như Mỹ, Trung Quốc hoặc Anh. Thay vào đó, sức ép địa chính trị của Australia, đặc biệt là từ Trung Quốc được cho là động lực lớn hơn cho chiến lược an ninh của Australia tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Theo Edward Sing Yue Chan, nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Australia (AIIA), Australia có sơ sở lợi ích trong khu vực (đặc biệt là lợi ích hàng hải) ở mức sâu rộng và đa dạng hơn tư duy cạnh tranh lợi ích chiến lược đã và đang diễn ra tại Châu Á-Thái Bình Dương.[5]

Do đó, chiến lược an ninh của Australia tại khu vực này có xu hướng toàn diện hóa, mang tính thích nghi và có thể sẽ không có trọng tâm rõ ràng.[6] Trong đó, vấn đề đối phó biến đổi khí hậu và thúc đẩy việc tuân thủ, xây dựng trật tự khu vực dựa trên luật pháp quốc tế có thể là hai vấn đề an ninh quan trọng đã và đang được nước này theo đuổi. Theo nghiên cứu của Chien-jung Hsu – trợ lý giáo sư tại Đại học Minh Tuyền (Đài Loan), chính quyền của Thủ tướng Albanese, về mặt chiến lược, rất có thể sẽ tiếp tục hướng tiếp cận của chính quyền Thủ tướng Morrison tiền nhiệm đối với thực trạng an ninh khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.[7]

Dưới thời kỳ của Thủ tướng Albanese, chiến lược an ninh của Australia tại khu vực có thể có cả những điểm được duy trì và những điểm mới. Về mặt truyền thống, sự ủng hộ của Australia đối với chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP) của chính phủ Mỹ có thể được đảm bảo bởi sự đồng thuận giữa Mỹ và Australia trong mục tiêu bảo vệ và cũng cố cấu trúc an ninh vốn có của khu vực. Trong đó, nhiều cơ chế sẵn có khác nhau tiếp tục là cơ hội để Australia có thể tiếp cận một cách toàn diện từ khía cạnh quốc phòng, an ninh, đối ngoại và kinh tế. Với việc Hiệp định AUKUS sẽ bước vào giai đoạn phát triển đầu tiên vào năm 2023, vai trò của Chính phủ Thủ tướng Albanese càng được khẳng định nhằm đảm bảo sự tương tác có hiệu quả đối với các chuyến viếng thăm sắp tới của loạt các tài ngầm hạt nhân Mỹ và Anh đến khu vực.[8] Trong thời gian tới, Hiệp định AUKUS sẽ đóng vai trò chiến lược đối với Australia, một phần vì AUKUS tác động trực tiếp và đáng kể đến công cuộc phát triển quân đội Australia, tuy nhiên AUKUS cũng chính là nút thắt trong quan hệ của Australia đối với khu vực đòi hỏi năng lực của nước này trong việc trấn an, tái khẳng định các cam kết hòa bình và thu hút sự ủng hộ từ các nước này.[9]

Về mặt cải tiến, chính phủ của Thủ tướng Albanese có thể sẽ có nhiều cơ hội nhằm tiếp tục kế thừa và phát triển các nền tảng chiến lược an ninh mới như Sáng kiến Thái Bình Dương Xanh (2022) và văn bản Chiến lược An ninh Hàng hải dân sự Australia được công bố vào tháng 4/2022.[10] Bên cạnh đó, Australia đã và đang triển khai các sáng kiến và cam kết mới hơn với trọng tâm là giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống của khu vực thông qua cơ chế Bộ tứ Quad và sáng kiến “Một gia đình Thái Bình Dương mạnh mẽ hơn” (SPF). Tại hội nghị thượng đỉnh Quad vào năm 2022, Thủ tướng Albanese giới thiệu mô hình tiếp cận mới của Australia trong mục tiêu giảm phát thải khí carbon toàn cầu.[11] Trong khi tại chính trường Australia, Chiến thắng của Đảng Lao động Australia đã mang lại một cơ hội lớn hơn trong việc đẩy mạnh quá trình hiện thực hóa sáng kiến SPF. Thông qua “Chương trình chín điểm” của SPF, Đảng Lao động Australia đặt mục tiêu nhằm kết hợp năng lực ngoại giao, hợp tác quốc phòng-an ninh nâng cao với các mục tiêu lãnh đạo khí hậu hiệu quả, thúc đẩy chương trình ODA, tăng cường năng lực truyền thông và hình thức ngoại giao nhân dân.[12]

Năm 2023 cũng chứng kiến những chuyển biến quan trọng trong chiến lược quốc phòng của Australia, đánh dấu bởi sự ra đời của bản Đánh giá Chiến lược Quốc phòng (DSR) vào tháng tư. Với việc công bố văn kiện DSR, Chính phủ Albanese đã thể hiện rõ hơn những nhìn nhận và tính toán quan trọng trong mục tiêu xem xét và cải tiến chiến lược quốc phòng dài hạn của Australia. Theo đó, tài liệu cho rằng trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lơn ngày càng được đẩy mạnh, nước Mỹ đã “không còn ở vị trí lãnh đạo đơn cực tại Ấn Độ-Thái Bình Dương”.[13] Do đó, qua DSR, Australia nhấn mạnh mục tiêu nhằm tăng cường năng lực quốc phòng và điều phối hiệu quả nguồn lực, trong đó liệt kê ra sáu mục tiêu ưu tiên nhất, bao trùm các vấn đề như: Tăng cường năng lực tác chiến tầm xa, đẩy mạnh trang bị lực lượng tàu ngầm hạt nhân, tăng cường sức mạnh hậu cần và ngành công nghiệp vũ khí nội địa, đẩy mạnh hợp tác ngoại giao và quốc phòng với các đối tác chiến lược tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.[14]

Vai trò mới của Australia tại Châu Á-Thái Bình Dương: Hàm ý cho sự kiện Đối thoại Shangri-la lần thứ 20

Với vai trò là một diễn đàn an ninh liên chính phủ quan trọng tại Châu Á, sự kiện Đối thoại Shangri-la được xem là cơ hội đối ngoại quan trọng để các quốc gia bày tỏ quan điểm và tầm nhìn về thực trạng an ninh khu vực và toàn cầu.[15] Tại Đối thoại Shangri-la lần thứ 20 sắp diễn ra, đại diện của chính phủ Australia sẽ có được cơ hội rộng mở hơn để làm rõ các quan điểm, chính sách an ninh của quốc gia và đối với khu vực. Trong đó, các vấn đề liên quan đến AUKUS nói riêng và nỗ lực phát triển quân đội nói chung, cũng như cách thức mà chính phủ Australia tiếp cận với các vấn đề an ninh truyền thống, cũng như các đối tác, cơ chế khác nhau trong khu vực sẽ được kỳ vọng và quan tâm.

image 2
Phiên thảo luận hôm 3/6 với chủ đề “Xây dựng một khu vực châu Á-Thái Bình Dương ổn định và cân bằng” trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La 2023 tại Singapore. – Ảnh: IISS.

Về chương trình AUKUS và mục tiêu phát triển quân đội của Australia. Nhiều nghi vấn và quan tâm đã và đang xoay quanh quyết tâm của chính quyền Australia trong việc nâng cao năng lực hải quân và tác chiến tầm xa. Cụ thể, câu hỏi đặt ra là liệu quốc gia này có thể cân bằng và thể hiện sự cân bằng giữa các cam kết về hòa bình và ổn định khu vực, hạn chế tính trạng chạy đua vũ trang trong khi tiềm lực quân sự ngày càng được đầu tư nâng cao. Trước mắt, có thể thấy Australia đã có được một số bước tiến nỗ lực thuyết phục một số quốc gia tin tưởng và ủng hộ vai trò an ninh mới của mình, đặc biệt là sự đồng thuận đối với AUKUS.[16]

Về vấn đề phát triển quan hệ đồng bộ với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Australia có thể sẽ có nhiều cơ hội hơn để tăng cường kết nối với các quốc gia, diễn đàn, cơ chế liên kết bên ngoài các đồng minh truyền thống (Mỹ, Nhật Bản, New Zealand, Châu Âu,…) và các cơ chế vốn có (Quad và AUKUS). Trong đó vào tháng 11/2022, Chính phủ Australia đã bổ nhiệm ông Nicholas Moore nắm giữ cương vị Đặc phái viên về Đông Nam Á. Động thái này phần nào đã phản ánh nỗ lực của Australia nhằm phát triển toàn diện và sâu sắc hơn quan hệ với các nước Đông Nam Á, với trọng tâm là quan hệ kinh tế-ngoại giao với ASEAN dựa trên khuôn khổ “Chiến lược kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040” của Australia.[17] Bổ sung cho nỗ lực trên, có thể kể đến các sáng kiến khác của Chính phủ Albanese đã và đang tiến hành như sáng kiến Gia đình Thái Bình Dương (SPF), Chương trình thí điểm Việt Nam dựa trên mô hình ACICIS và sáng kiến Quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng và phục hồi khí hậu Australia-Indonesia,…[18]

Về vai trò, vị thế và quan điểm của Australia trong thực trạng cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ngày càng có chiều hướng sâu sắc. Thông qua Đối thoại Shangri-la lần thứ 20, Australia sẽ có cơ hội nhằm làm rõ và củng cố lập trường của mình về việc tiến đến xây dựng một mối quan hệ bền vững hơn với Trung Quốc. Nhất là trong bối cảnh quan hệ Australia-Trung Quốc những năm gần đây đã chứng kiến nhiều điểm suy thoái.[19] Cụ thể, vào khoản thời gian nửa đầu năm 2023, Australia đã tiến hành các cuộc tiếp xúc ngoại giao với chính phủ Trung Quốc. Trong đó, phía Australia đã nhấn mạnh mục tiêu “kiên trì và bền bỉ” nhằm thể hiện thành ý và xúc tiến khôi phục thương mại như là “nền tảng để đạt được hòa bình tại khu vực”. Trước đó, bên lề sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh G20 (tháng 11/2022), lãnh đạo hai nước đã có cuộc trao đổi và đạt được “sự đồng thuận quan trọng” về mục tiêu cải thiện và làm rõ quan hệ thương mại giữa hai nước.[20] [21]

Tài liệu tham khảo

[1] Hevesi. Bryant (2023). Shangri-La Dialogue: Albanese ‘honoured to deliver the keynote address’ in Singapore to discuss Australia’s strategic outlook. Sky News. https://www.skynews.com.au/australia-news/politics/shangrila-dialogue-albanese-honoured-to-deliver-the-keynote-address-in-singapore-to-discuss-australias-strategic-outlook/news-story/42b64d6d90ab88f872a3c195c7bc9cb4. Truy cập ngày 13/05/2023.

[2] Hevesi, Bryant (2022). Richard Marles outlines Australia’s approach to China under Albanese Government – as he rules out cuts to defence spending. Sky News. https://www.skynews.com.au/australia-news/defence-and-foreign-affairs/richard-marles-outlines-australias-approach-to-china-under-albanese-government-as-he-rules-out-cuts-to-defence-spending/news-story/d7821ed0270d312dab685f8007c352b2. Truy cập ngày 14/05/2023

[3] Hevesi, Bryant (2022). Richard Marles outlines Australia’s approach to China under Albanese Government – as he rules out cuts to defence spending. Sky News. https://www.skynews.com.au/australia-news/defence-and-foreign-affairs/richard-marles-outlines-australias-approach-to-china-under-albanese-government-as-he-rules-out-cuts-to-defence-spending/news-story/d7821ed0270d312dab685f8007c352b2. Truy cập ngày 14/05/2023

[4] Marles, Richard (2022). Address: IISS 19th Shangri-La Dialogue, Singapore. Australian Ministry of Defense. https://www.minister.defence.gov.au/speeches/2022-06-11/address-iiss-19th-shangri-la-dialogue-singaporehttps://www.minister.defence.gov.au/speeches/2022-06-11/address-iiss-19th-shangri-la-dialogue-singapore. Truy cập ngày 14/05/2023.

[5] Sing, Yue Chan Edward (2022). Among the Sea Powers: Australia’s Maritime Strategy in the Indo-Pacific. https://www.internationalaffairs.org.au/australianoutlook/among-the-sea-powers-australias-maritime-strategy-in-the-indo-pacific/. Truy cập ngày 14/05/2023.

[6] McCarthy, John (2022). The continuing search for balance in Australia’s Indo-Pacific policy. ASPI. https://www.aspistrategist.org.au/the-continuing-search-for-balance-in-australias-indo-pacific-policy/. Truy cập ngày 14/05/2023.

[7] Chien-jung Hsu (2022). Australia’s Indo-Pacific Strategy under the Albanese Labor Government. Taiwan Strategists, No.14, p.41

[8] vnmission (2023). Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo về AUKUS. https://vn.usembassy.gov/vi/tuyen-bo-chung-cua-cac-nha-lanh-dao-ve-aukus/. Truy cập ngày 14/05/2023.

[9] Việt Nga (2023). Singapore ủng hộ AUKUS và sẵn sàng chào đón tàu ngầm Australia. VOV. https://vov.vn/the-gioi/singapore-ung-ho-aukus-va-san-sang-chao-don-tau-ngam-australia-post1017540.vov. Truy cập ngày 14/05/2023.

[10] Sing, Yue Chan Edward (2022). Among the Sea Powers: Australia’s Maritime Strategy in the Indo-Pacific. https://www.internationalaffairs.org.au/australianoutlook/among-the-sea-powers-australias-maritime-strategy-in-the-indo-pacific/. Truy cập ngày 14/05/2023.

[11] Chien-jung Hsu (2022). Australia’s Indo-Pacific Strategy under the Albanese Labor Government. Taiwan Strategists, No.14, p.52-3

[12] Chien-jung Hsu (2022). Australia’s Indo-Pacific Strategy under the Albanese Labor Government. Taiwan Strategists, No.14, p.50-1

[13] (2023). National Defence – Defence Strategic Review. Australian Goverment. p.17

[14] (2023). Release of the Defence Strategic Review. Australian Government Defence. https://www.minister.defence.gov.au/media-releases/2023-04-24/release-defence-strategic-review. Truy cập ngày 15/05/2023

[15] Lim Min Zhang; Justin Ong (2021). Why diplomatic events like the Shangri-La Dialogue cannot go virtual. The Straits Times. https://www.straitstimes.com/singapore/why-diplomatic-events-like-the-shangri-la-dialogue-cannot-go-virtual. Truy cập ngày 15/05/2023

[16] Việt Nga (2023). Singapore ủng hộ AUKUS và sẵn sàng chào đón tàu ngầm Australia. VOV. https://vov.vn/the-gioi/singapore-ung-ho-aukus-va-san-sang-chao-don-tau-ngam-australia-post1017540.vov. Truy cập ngày 15/05/2023.

[17] (2022). Media release: Special envoy for Southeast Asia. Prime Minister of Australia. https://www.pm.gov.au/media/special-envoy-southeast-asia. Truy cập ngày 15/05/2023.

[18] Chien-jung Hsu (2022). Australia’s Indo-Pacific Strategy under the Albanese Labor Government. Taiwan Strategists, No.14, p.51.

[19] Hurst, Daniel (2023). Beijing says don’t ‘hype up the so-called China threat narrative’ after Australian criticism. The Guardian. https://www.theguardian.com/australia-news/2023/apr/24/beijing-says-dont-hype-up-the-so-called-china-threat-narrative-after-australian-criticism. Truy cập ngày 15/05/2023.

[20] Needham, Kirsty; Jackson, Lewis (2023). Australia’s trade minister seeks end to trade curbs on visit to Beijing. Reuters. https://www.reuters.com/world/australias-trade-minister-seeks-end-trade-curbs-visit-beijing-2023-05-10/. Truy cập ngày 15/05/2023.

[21] Knott, Matthew; Crowe, David (2022). Anthony Albanese to hold landmark talks with Chinese President Xi Jinping at G20 summit. The Sydney Morning Herald. https://www.smh.com.au/politics/federal/anthony-albanese-to-hold-landmark-talks-with-chinese-president-xi-jinping-at-g20-summit-20221114-p5by7m.html. Truy cập ngày 15/05/2023.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *