Chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Trung Quốc nhiệm kỳ Biden

Chủ trương chính sách đối ngoại của Biden

Trước khi chính thức trở thành tổng thống, các chuyên gia nhận định chính sách đối ngoại với Trung Quốc của ông Biden có thể là sự thừa hưởng, tiếp nối hoàn toàn từ cựu tổng thống Obama. Tuy nhiên, sau giai đoạn đầu nhiệm kỳ, có thể thấy chính sách hiện nay của ông Biden lại đang duy trì sự cứng rắn đối với Trung Quốc của thời ông Trump nhưng đồng thời hàn gắn mối quan hệ với các đồng minh thay vì xây dựng một nước Mỹ “biệt lập”.

Buổi họp báo đầu tiên của ông Biden với báo giới sau khi nhậm chức đã cho thấy những chỉ dấu ngoại giao quan trọng. Tại đây, tân tổng thống đã tuyên bố “Tôi đã thấy cuộc cạnh tranh không nhân nhượng với Trung Quốc. Trung Quốc có một mục tiêu bao trùm và tôi không chỉ trích họ về mục tiêu đó, nhưng mục tiêu bao trùm của họ lại là trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới, giàu nhất và quyền lực nhất thế giới. Đó là điều sẽ không xảy ra trước mắt tôi bởi Mỹ sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng” – như vậy đây là bước đầu xác nhận rằng chính quyền Biden vẫn xem Trung Quốc như một mối đe dọa với vị thế của Mỹ và sẽ tiếp tục cuộc cạnh tranh với đối thủ này. Cũng trong bài phát biểu này, ông Biden đã nhắc đến một cuộc cạnh tranh về lợi ích giữa các nền dân chủ với chế độ chuyên quyền. Khác với cách ông Trump định danh TQ, chính quyền Biden dường như đang khơi gợi lại không khí Chiến tranh Lạnh khi áp sự khác biệt ý thức hệ lên cuộc cạnh tranh song phương, gán cho TQ và Nga là các quốc gia độc tài mà các nền dân chủ cần chống lại. Điểm khác biệt là cuộc cạnh tranh ý thức hệ mà ông Biden đưa ra không phải giữa dân chủ – cộng sản như giai đoạn trước mà là cuộc cạnh tranh giữa các nền dân chủ và chế độ độc tài. 

Do đó, cả trong chiến dịch tranh cử và sau khi chính thức nhậm chức, ông Biden khẳng định kế hoạch tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh các nền dân chủ để bàn luận về tương lai của thế giới và cách đối phó với các chế độ chuyên quyền. Trong bài phát biểu đầu tiên, ông Biden đã lần lượt nhắc đến các đồng minh lâu năm của Mỹ bao gồm 27 nhà lãnh đạo của khối EU, 4 quốc gia khối QUAD, đồng minh quân sự NATO và khẳng định mình sẽ nhanh chóng làm việc, tiếp xúc với các nước để tìm cách ngăn chặn, bắt buộc Trung Quốc phải tuân thủ theo luật lệ quốc tế, bất kể đó là vấn đề Biển Đông, biển Hoa Đông hay kể cả là vấn đề Đài Loan. Trước đó, ông Biden cũng từng ca ngợi rằng “Các đồng minh là những tài sản quý giá nhất” – cho thấy quan điểm có phần khác biệt so với người tiền nhiệm về tầm quan trọng của mạng lưới đồng minh. Với ông Biden, Mỹ sẽ đánh bại được Trung Quốc nếu củng cố được một thế trận vững chắc bao gồm Mỹ với các đồng minh dân chủ. Trong đó, yếu tố “dân chủ” thường xuyên được tổng thống Mỹ nhắc lại nhằm tạo nên thế đối trọng, tách biệt với Trung Quốc – vốn bị liệt kê là nước độc tài. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng dự đoán rằng, việc đưa vào cuộc tranh Mỹ – Trung yếu tố ý thức hệ sẽ chỉ khiến Trung Quốc và Nga xích lại gần nhau, trở nên tiêu cực hơn và càng củng cố mong muốn làm suy yếu hệ thống dân chủ. Thêm vào đó, học giả Fareed Zakaria nhận định rằng việc đóng khung quan hệ Mỹ-Trung như một cuộc xung đột ý thức hệ có thể khuyến khích Trung Quốc chọn không tham gia hệ thống quốc tế do phương Tây lãnh đạo, trừ khi nước này được trao một vị trí trên bàn đàm phán và các cơ cấu ra quyết định, còn không nước này sẽ tự do và đơn phương tạo ra các cơ cấu và hệ thống mới của riêng mình”.

Triển khai chính sách đối ngoại của Biden:

Về cách thức thực hiện, một cách tổng quan, chính quyền ông Biden hướng đến việc dập tắt tham vọng của Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, nhưng cũng không bỏ qua cơ hội hợp tác với Trung Quốc trên những lĩnh vực hai bên chia sẻ lợi ích chung. Theo đó, Mỹ sẽ đối đầu, chống lại Trung Quốc trên các lĩnh vực kinh tế, nhân quyền, sở hữu trí tuệ và quản trị toàn cầu. Mỹ sẽ cạnh tranh từ vị thế có sẵn, xây dựng tốt nền tảng ở quê nhà với các chính sách phục vụ tầng lớp trung lưu, hợp tác với các đồng minh và đối tác. Nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh, chính quyền Biden sẽ đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và lĩnh vực R&D. Đồng thời, đổi mới vai trò của Mỹ trong các thể chế quốc tế và lấy lại uy tín sau khi ông Trump rút khỏi các tổ chức như WHO, Thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris. Tuy vậy, ông Biden cũng không bỏ qua cơ hội hợp tác với Trung Quốc ở lĩnh vực biến đổi khí hậu – một lĩnh vực kém quan trọng hơn nhưng có thể là nền tảng xây dựng mối quan hệ đôi bên. 

Lĩnh vực Kinh tế

Trong nhiệm kỳ Tổng thống Biden, nhiệm vụ phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 là một nhiệm vụ quan trọng giúp Mỹ thoát ra khỏi tình trạng suy thoái và giữ vững vị thế cạnh tranh với Trung Quốc. Vẫn giữ lập trường đối đầu nhưng quan điểm của Biden khác với quan điểm của Trump khi coi Trung Quốc là đối thủ thay vì kẻ thù và cho rằng Mỹ có thể giành chiến thắng trong cuộc chạy đua ở thế kỷ 21. Chính sách kinh tế – thương mại của Mỹ trong bối cảnh này tập trung vào (1) Duy trì sức ép và lợi thế cạnh tranh thương mại so với Trung Quốc, (2) Đưa ra các gói hỗ trợ chính phủ nhằm phục hồi và phát triển kinh tế nội địa sau đại dịch Covid-19

(1) Duy trì sức ép và lợi thế cạnh tranh thương mại so với Trung Quốc

Dưới nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden, các chính sách thương mại của Mỹ sẽ không có nhiều thay đổi mà phần lớn thừa hưởng từ các chính sách cứng rắn của Trump. Phần lớn lý do cho định hướng hiện tại là chính sách này vẫn hoạt động hiệu quả. Khi được hỏi về quan điểm của bà đối với các mức thuế thép và nhôm toàn cầu được áp dụng dưới thời Trump, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết “những mức thuế đó đã có hiệu quả”. Theo báo cáo của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ sử dụng “tất cả các công cụ hiện có” để chống lại các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc. Trong cuộc phỏng vấn đại diện thương mại của Biden, Katherine Tai, bày tỏ sự thoải mái với việc duy trì thuế quan của Trump, nói rằng “không có nhà đàm phán nào bỏ qua đòn bẩy” có nghĩa đây chính là đòn bẩy mà Mỹ không thể nào bỏ qua. Một khía cạnh trong di sản thương mại của Trump mà chính quyền Biden đang áp dụng là việc sử dụng thuế quan và áp đặt các hạn chế về công nghệ được thiết kế để ngăn chặn việc theo đuổi ưu thế công nghệ của Trung Quốc. Báo cáo về chương trình nghị sự năm 2021 do USTR đệ trình lên Quốc hội Mỹ, nhấn mạnh những thiệt hại do các hành vi thương mại không công bằng và mang tính cưỡng ép của Trung Quốc gây ra, đồng thời khẳng định những hành vi này “gây phương hại đến lợi ích quốc gia của Mỹ” . Bà Katherine Tai khẳng định chính quyền Biden  sẽ nỗ lực đấu tranh với hàng loạt hành động thương mại và kinh tế “bất công” của Trung Quốc. Bà nhấn mạnh sẽ cố gắng sử dụng tiến trình tham vấn thực thi trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà Washington và Bắc Kinh đã đạt được dưới thời của cựu Tổng thống Donald Trump để đảm bảo sự bảo vệ đối với quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ. Ngoài ra Mỹ sẽ xem xét lại các một số miễn trừ trong danh sách các mức thuế thuộc Mục 301 đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc và đánh thuế các mặt hàng này.

Ngày 3/6/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành một lệnh hành pháp mới cấm đầu tư của Mỹ vào các công ty Trung Quốc có quan hệ với mục đích liên quan đến lĩnh vực công nghệ giám sát hoặc quốc phòng.Lệnh mới mở rộng trong danh sách đen từ thời Trump trước đó và đánh vào 59 công ty Trung Quốc, bao gồm cả gã khổng lồ truyền thông Huawei. Nhiều công ty mới được nhắm mục tiêu là các công ty con và chi nhánh của các công ty và doanh nghiệp nhà nước lớn có tên trong danh sách đen trước đó. Ngày 8/4/2021, Mỹ đã liệt kê 7 công ty siêu máy tính của Trung Quốc bao gồm Công nghệ thông tin Tianjin Phytium, Trung tâm thiết kế vi mạch tích hợp hiệu suất cao Thượng Hải, Vi điện tử Sunway, Trung tâm siêu máy tính quốc gia Tế Nam, Trung tâm siêu máy tính quốc gia Thâm Quyến, Trung tâm siêu máy tính quốc gia Vô Tích và Trung tâm siêu máy tính quốc gia Trịnh Châu. Còn vào tháng 3, Mỹ đã trừng phạt hai quan chức chính phủ Trung Quốc liên quan đến những gì họ gọi là vi phạm nhân quyền “nghiêm trọng” đối với các dân tộc thiểu số ở Tân Cương. Ngoài ra trong Đạo luật Cạnh tranh chiến lược 2021 được sự đồng ý của lưỡng Đảng, Mỹ khẳng định sẽ ngăn cản sự ảnh hưởng của Trung Quốc về các mặt ngoại giao, quân sự, kinh tế, công nghệ trong đó nhấn mạnh tiếp tục phát triển các dự án cơ sở hạ tầng trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để cạnh tranh và giảm tầm ảnh hưởng của Sáng kiến BRI Trung Quốc. 

(2) Đưa ra các gói hỗ trợ chính phủ nhằm phục hồi và phát triển kinh tế nội địa sau đại dịch Covid-19 giữ vững vị thế cạnh tranh với sự trỗi dậy mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc

Từ khi bắt đầu nhiệm kỳ đến nay, Tổng thống Biden đã đưa ra tổng cộng gói hỗ trợ chính phủ nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế Mỹ khi tình hình dịch bệnh ở Mỹ đã khả quan hơn. Những gói hỗ trợ bao gồm: Kế hoạch Cứu trợ Mỹ (The American Rescue Plan), Kế hoạch Việc làm Mỹ (The American Job Plan) và Kế hoạch Gia đình Mỹ (The American Families Plan), trong đó Kế hoạch Cứu trợ Mỹ đã được Quốc hội Mỹ thông qua với kết quả sít sao trong khi đó 2 kế hoạch còn lại trong quá trình thảo luận. 

Tổng thống Joe Biden chính thức công bố kế hoạch kích thích COVID-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ đô vào ngày 14/01/2021. Dự luật này mục tiêu đảm bảo kinh tế – tài chính, an sinh xã hội cho các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp vừa và nhỏ của Mỹ  đứng vững trong và sau giai đoạn dịch bệnh Covid. Vào ngày 11/3/2021, kế hoạch đã được Hạ viện Mỹ thông qua với tỷ lệ sít sao 220 phiếu thuận và 211 phiếu chống, trong đó không có sự ủng hộ nào từ các nghị sĩ đảng Cộng hòa. Các hạng mục nhận tài trợ của chính phủ bao gồm đầu tiên viện trợ trực tiếp (1 nghìn tỷ đô la) với ngân phiếu 1.400 đô la cho mỗi người để bổ sung cho số séc 600 đô la trước đó dưới thời Trump, hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp khẩn cấp kéo dài đến hết ngày 6/9/2021 và tài trợ bổ sung cho các điều khoản trục xuất và tịch thu nhà, dự kiến ​​sẽ hết hạn vào ngày 14/3/2021. Kế hoạch bao gồm 30 tỷ đô la tiền thuê khẩn cấp, 10 tỷ đô la hỗ trợ thế chấp và 5 tỷ đô la hỗ trợ khẩn cấp cho người vô gia cư. Tài trợ cho chương trình chăm sóc trẻ em và thực phẩm cùng với việc mở rộng tín dụng thuế chăm sóc trẻ em trong một năm cũng là một phần của chương trình. Thứ hai, nỗ lực y tế công cộng và mở lại trường học (400 tỷ đô la) với chương trình tiêm chủng quốc gia trị giá 20 tỷ đô la, mở rộng thử nghiệm “khủng” 50 tỷ đô la, thuê thêm 100.000 nhân viên y tế công cộng, 30 tỷ đô la cho Quỹ cứu trợ thiên tai cho thiết bị bảo vệ cá nhân, và 130 tỷ đô la để mở hầu hết các trường học vào mùa xuân. Biden cũng muốn Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp (OSHA) ban hành các quy tắc bảo vệ tất cả người lao động. Thứ ba, hỗ trợ cộng đồng địa phương (400 tỷ đô la) qua việc giữ cho công nhân tuyến đầu có việc làm, đưa ra các khoản tài trợ và cho vay cho các doanh nghiệp nhỏ, trong đó có 20 tỷ đô la cho các cơ quan vận tải công cộng.

Sau đó chính quyền Tổng thống Biden đưa ra đề xuất kế hoạch chi tiêu với tên gọi “American Jobs Plan” (Kế hoạch Việc làm của người Mỹ) với giá trị 2,3 nghìn tỷ USD. Đây được xem là gói hỗ trợ lớn nhất của Mỹ từ sau năm 1946. Ngày 31/3, Kế hoạch “American Jobs Plan” được Tổng thống Joe Biden công bố tại lễ phát biểu ở thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania được cho sẽ giúp tạo ra hàng triệu việc làm với mức lương cao cũng như tái thiết lại cơ sở hạ tầng của Mỹ. Theo ông mục tiêu hướng tới của gói hỗ trợ 2,3 nghìn tỷ USD trong vòng 8 năm nhằm “tạo ra tăng trưởng và việc làm ở mức lịch sử, tăng sức cạnh tranh quốc tế cho các doanh nghiệp. Đây sẽ là một trong những khoản đầu tư lớn nhất cho cơ sở hạ tầng, để con cháu chúng ta không bị tụt hậu trong tương lai”. Đề xuất kế hoạch chi tiêu bao gồm nhiều hạng mục khác nhau với hạng mục lớn nhất là xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng như các dự án giao thông mới như cầu, đường, sân bay, cũng như thúc đẩy ngành xe điện với 621 tỷ USD. Ngoài ra có 500 tỷ USD cho băng thông rộng tốc độ cao, nghiên cứu, phát triển và hiện đại hóa lưới điện. Ngoài ra, 300 tỷ USD sẽ được dành để tái thiết ngành sản xuất và các doanh nghiệp nhỏ; 213 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng nhà ở. Một hạng mục đáng chú ý khác là 180 tỷ USD thúc đẩy việc nghiên cứu và phát triển đất nước; 100 tỷ USD nhằm hiện đại hóa trường học cũng như các trang thiết bị phục vụ học tập. Kế hoạch này được xem như một công cụ hữu hiệu để thúc đẩy tăng trưởng việc làm ở nhiều phân nhánh ở các lĩnh vực xây dựng, sản xuất và năng lượng. Logic của kế hoạch này nằm ở ngoài việc xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng đã xuống cấp tại Mỹ thì song song đó tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân và củng cố sức mạnh công nghiệp Mỹ để duy trì lợi thế cạnh tranh với Trung Quốc cũng đang tập trung phát triển thị trường nội địa, gia tăng tiềm lực kinh tế của mình 

Ngày 28/4/2021, chính quyền Tổng thống Biden tiếp tục đưa ra Kế hoạch Gia đình Mỹ (The American Families Plan) với trị giá 1,8 nghìn tỷ USD tiền đầu tư và các khoản thuế tín dụng cho các gia đình và trẻ em Mỹ trong vòng 10 năm. Trong đó bao gồm hỗ trợ đầu tư 1 nghìn tỷ USD và cắt giảm thuế 800 tỷ USD cho các gia đình và công nhân lao động. Đây là chiến lược nối dài thành công của gói cứu trợ  Mỹ 1,9 nghìn USD và hướng tới phát triển tầng lớp trung lưu, tầng lớp đông nhất tại Mỹ, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và lợi thế cạnh tranh của Mỹ đối với Trung Quốc và các nước khác trên thế giới. Song song với Kế hoạch gia đình Mỹ, chính quyền Biden đề xuất một loạt các biện pháp để đảm bảo rằng những người Mỹ giàu nhất đóng thuế, cũng như những người làm dưới 400.000 USD/năm không bị tăng mức thuế. Khi kết hợp với Kế hoạch Việc làm Mỹ của Tổng thống Biden, luật này sẽ giúp  thanh toán đầy đủ trong hơn 15 năm và sẽ giảm thâm hụt trong dài hạn do cung ứng tiền với số lượng lớn.

Lĩnh vực Chính trị – ngoại giao, chính quyền tổng thống Biden tăng cường các chỉ trích nhằm vào TQ và hướng đến việc hợp tác đa phương, củng cố thế trận kiềm chế TQ 

Kể từ khi còn là ứng cử viên, tổng thống Joe Biden đã nhiều lần thể hiện sự xem trọng đối với các mối quan hệ đồng minh thân cận và quyết tâm củng cố các mối quan hệ này sau 4 năm bị ảnh hưởng bởi nhiệm kỳ tổng thống Trump. Ngay khi vừa mới nhậm chức, ông đã đưa nước Mỹ quay lại thỏa thuận Biến đổi khí hậu Paris và theo sau đó là các chuyến thăm, các cuộc họp với các đối tác lâu năm của Mỹ nhằm thể hiện thiện chí. Tổng thống Biden cũng dành những lời lẽ tích cực đối với các đồng minh và khẳng định chỉ có liên kết với các đồng minh mới có thể chống lại Trung Quốc. 

Trước đó, dựa trên những phát ngôn của ông Biden trong quá trình diễn ra tranh cử, nhiều chuyên gia dự đoán rằng ông Biden sẽ có phần nhân nhượng hơn với Trung Quốc so với người tiền nhiệm. Tuy nhiên, những gì được thể hiện trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ đã cho thấy điều ngược lại. Trước hết, ông Biden và các thành viên nội các đã trực tiếp chỉ trích Trung Quốc với các vấn đề vốn thuộc lằn ranh đỏ của nước này bao gồm vấn đề Tân Cương, Đài Loan, v.v. Như đã đề cập ở trên, ngay trong buổi họp báo đầu tiên với báo chí, ông Biden đã khẳng định rằng TQ sẽ không thể trở thành cường quốc hàng đầu thế giới. Trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Trung ở Alaska, phía Mỹ cáo buộc TQ đe dọa đến trật tự thế giới dựa trên quy tắc giúp duy trì sự ổn định trên phạm vi toàn cầu. Cũng trong tháng đó, Bộ ngoại giao Mỹ lần đầu tiên dưới nhiệm kỳ ông Biden chính thức đưa ra cáo buộc TQ thực hiện tội ác diệt chủng tại vùng Tân Cương – đây chính là sự thừa nhận của chính quyền Biden với cáo buộc mà ông Trump đưa ra trong những ngày cuối nhiệm kỳ. 

Theo sau đó, Mỹ cũng kêu gọi, thúc đẩy các đồng minh của mình chỉ trích hành vi của Trung Quốc và cùng đưa ra các sáng kiến mới đối trọng với những dự án Trung Quốc đang thực hiện. Các động thái này góp phần giúp chính quyền ông Biden củng cố mặt trận các quốc gia dân chủ kiềm chế Trung Quốc. Trong đó, Hội nghị thượng đỉnh G7 là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Biden và cho thấy những chuyển biến tích cực ban đầu trong quan hệ với 6 nền dân chủ lớn còn lại. Từ ngày 11 đến ngày 13/06/2021, hội nghị G7 đã chính thức diễn ra tại Anh. Tại đây, ông Biden đã đề cập đến những cáo buộc cưỡng bức lao động đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số tại khu vực tự trị Tân Cương của Trung Quốc. Trong phiên thảo luận thứ hai trong ngày 12.06, tổng thống Biden đã đề xuất G7 lên tiếng vấn đề Trung Quốc “vi phạm nhân quyền” tại Tân Cương và được thông qua. Đồng thời, các lãnh đạo G7 lần đầu tiên nhắc đến vấn đề Đài Loan khi kêu gọi hòa bình và ổn định xuyên eo biển Đài Loan, theo Kyodo News. Quan trọng hơn cả, ông Biden đã đề xuất sáng kiến ​​Xây dựng lại Thế giới Tốt đẹp hơn (B3W) trị giá 40 nghìn tỷ đô nhằm cung cấp cho các quốc gia đang phát triển một kế hoạch cơ sở hạ tầng có thể cạnh tranh với sáng kiến ​​BRI.

Ngay sau cuộc họp với G7, tổng thống Biden tiếp tục tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO. Liên minh quân sự này lần đầu tiên nhất trí tập trung giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu cũng như đối phó với hoạt động tăng cường quân sự của Trung Quốc. Thông cáo chung của hội nghị đã gọi Trung Quốc là “mối đe dọa mang tính hệ thống” đối với trật tự thế giới dựa trên pháp luật và yêu cầu các quốc gia thành viên liên minh dành nhiều nguồn lực hơn để đối phó với ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc, theo chương trình cải cách NATO 2030. Trong tháng 7, Mỹ cùng với NATO, EU cũng lên tiếng cáo buộc và chỉ trích  chiến dịch gián điệp mạng toàn cầu được cho là của Trung Quốc. Những lời lên án thể hiện lần đầu tiên NATO cáo buộc các cuộc tấn công mạng từ Trung Quốc và tuân theo cam kết của chính quyền Biden vào tháng 6 nhằm tập hợp các đồng minh của Mỹ chống lại hành vi của Trung Quốc. Các quan chức Mỹ cho biết, số lượng các quốc gia tham gia việc lên án các hành động xâm lược mạng của Trung Quốc là lớn nhất cho đến nay.

Sau các cuộc đụng độ biên giới giữa binh lính Trung Quốc và Ấn Độ trên dãy Himalaya, các lệnh trừng phạt xuất khẩu được áp dụng của Trung Quốc đối với Australia, quyết tâm của chính quyền mới Biden nhằm tập hợp nhóm này như một sự thể hiện sức mạnh trong khu vực dễ dàng hơn dự định. Điều này cho thấy mức độ phản đối với hành vi của Trung Quốc đã đến mức mà cả bốn quốc gia đã vượt qua những dè dặt trong quá khứ để đưa ra một thông điệp mạnh mẽ về tình đoàn kết. 

Trước cuộc đàm phán ở Alaska, các quan chức Mỹ đã tiến hành một loạt cuộc họp với các đồng minh nhằm đưa các quốc gia trở thành một khối. Trong đó bao gồm một cuộc họp ảo của Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ. Được gọi là “Đối thoại An ninh Tứ giác”, đại diện của bốn quốc gia thành viên đã gặp nhau định kỳ kể từ khi thành lập vào năm 2007. Việc nối lại đối thoại được xem là thể hiện mối lo ngại chung về sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, báo hiệu rằng nhóm này có khả năng đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập chương trình nghị sự địa chính trị trong thời kỳ Biden. Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan trong một sự kiện hồi tháng 1 tại Viện Hòa bình Mỹ cho biết rằng chính quyền của Biden đã tuyên bố Quad là một phần trọng tâm trong các kế hoạch của họ, là “nền tảng để xây dựng chính sách quan trọng của Mỹ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”.

Tổng thống Biden đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh ảo đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Quad vào ngày 12/3/2021. Tổng thống đã nói với các nhà lãnh đạo của liên minh rằng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương “tự do và cởi mở” là cần thiết và đất nước của ông cam kết làm việc với các đối tác và đồng minh trong khu vực để đạt được sự ổn định. Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Rand Corporation ở Washington, cho biết chính quyền Biden hoàn toàn ủng hộ Quad vì cơ hội làm việc cùng với các đối tác có chí hướng chung đối với những thách thức toàn cầu như cứu trợ đại dịch và biến đổi khí hậu. Ngoài ra, ông Biden còn tìm cách tận dụng Quad để duy trì các giá trị của Mỹ, chẳng hạn như các quy tắc và chuẩn mực hành vi quốc tế, đồng thời ủng hộ dân chủ và nhân quyền, chống lại mô hình Trung Quốc độc tài trái ngược với những lý tưởng này. Nhiều người ở Mỹ đã cổ vũ biểu tượng mạnh mẽ của Quad như một nhóm các nền dân chủ quan trọng trong khu vực. Điều này được coi là quan trọng trong thời điểm hiện tại khi hiệu quả của các nền dân chủ đang được so sánh với các chính phủ độc tài, chẳng hạn như Trung Quốc, trong việc chống lại Covid-19 hoặc chính sách công nghiệp.

Kurt Campbell, điều phối viên Nhà Trắng về khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, cho biết Mỹ đã lên kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của Bộ tứ với các nhà lãnh đạo của Ấn Độ, Nhật Bản và Australia vào cuối tháng 9-2021. Kyodo News đưa tin rằng cuộc họp này dự kiến ​​diễn ra sau cuộc tranh luận chung của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, sẽ được tổ chức tại thành phố New York.

Cuộc họp này sẽ đánh dấu sự thống nhất giữa bốn nền dân chủ Ấn Độ – Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán. Vì vậy, Tổng thống Biden đang tìm cách xây dựng một vị thế để trực tiếp can dự với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cuộc họp dự kiến ​​sẽ tìm ra cách kiềm chế “ngoại giao vắc xin” của Trung Quốc về việc Bắc Kinh đang cung cấp vắc xin cho các quốc gia đang phát triển. Kurt Campbell cũng nói rằng quan hệ của Mỹ với Trung Quốc sẽ không cải thiện cho đến khi Bắc Kinh ngừng đàn áp kinh tế đối với Úc.

Lĩnh vực An ninh – Quốc phòng

  1. An ninh phi truyền thống ngày càng được Mỹ chú trọng như một trụ cột quan trọng, không chỉ đối với an ninh quốc gia mà còn trong chiến lược đối trọng với Trung Quốc

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, những thay đổi trong hệ thống quốc tế đã làm góc nhìn của thế giới về an ninh đã không còn như trước. Nội hàm của an ninh giờ đây không chỉ gói gọn trong lĩnh vực quân sự truyền thống, mà còn được mở rộng ra nhiều vấn đề phi truyền thống khác như kinh tế, môi trường sinh thái, khủng bố xuyên quốc gia, buôn lậu vũ khí, xung đột sắc tộc và tôn giáo, dịch bệnh,… Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay khi sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng khiến các quốc gia trở nên dễ tổn thương hơn trước các biến động bên ngoài, an ninh phi truyền thống trở thành một lĩnh vực tiềm năng cho các hợp tác quốc tế, một phần vì sự cấp bách của những mối đe dọa mới đang nổi lên, một phần vì hiệu quả “trò chơi có tổng dương” của các hợp tác này, đem lại lợi ích cho tất cả các bên mà hạn chế va chạm với các vấn đề nhạy cảm. Thích ứng với các vấn đề quốc tế mới, chính sách an ninh – quốc phòng nhiệm kỳ Tổng thống Biden đặt an ninh phi truyền thống là một trụ cột quan trọng, trong đó đặc biệt chú ý đến hai lĩnh vực: An ninh mạng và Biến đổi khí hậu.

  • An ninh mạng:

Trong quá khứ, Mỹ từng nhiều lần bị tấn cộng mạng và các cuộc tấn công đang ngày càng gia tăng về tần suất và mức độ tinh vi, trong đó rất nhiều đợt tấn công đến từ Trung Quốc. Năm 2018, Bộ Tư pháp ước tính rằng hơn 90% các vụ tấn công đánh cắp thông tin trong lĩnh vực kinh tế có liên quan đến Trung Quốc và hơn 2/3 các vụ đánh cắp được thực hiện bởi các bên có liên quan đến chính phủ Trung Quốc, trái với cam kết năm 2015 rằng Trung Quốc sẽ không sử dụng hoạt động gián điệp vì lợi ích kinh tế. Năm 2019, bộ Tư pháp tiếp tục phát phát hiện Bộ An ninh Trung Quốc có các thỏa thuận với các nhà cung cấp mạng toàn cầu để tạo điều kiện cho hoạt động đánh cắp thông tin của họ. Năm 2020 vừa qua, Trung Quốc lại tiếp tục đánh cắp hàng terabyte dữ liệu liên quan đến việc tiêm chủng COVID-19 của Mỹ. Do vậy, chính quyền Biden lần này đã quyết định đưa ra các gói ngân sách mạnh tay lên đến xấp xỉ hơn 11,5 tỷ đô để nâng cao khả năng chống chịu của hệ thống an ninh Mỹ, vận hành các kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn, phá vỡ các chiến dịch tấn công và đã đưa ra những gói ngân sách đáng kể đầu tư vào các hoạt động này. 

Mục tiêu chính sách an ninh mạng của Biden sẽ chú trọng vào việc giảm xác suất và tác động của các cuộc tấn công mạng có thể xảy ra, thực hiện thông qua 3 hoạt động chính: (i) Nâng cao năng lực quốc gia (ii) Tăng cường hợp tác với các đồng minh, đối tác để định hình hành vi, thúc đẩy các quốc gia hành động có trách nhiệm trên môi trường mạng.

Mục tiêu của chính quyền Biden là thực hiện một kế hoạch hiện đại hóa hệ thống phòng thủ không gian mạng quốc gia vô cùng tham vọng, được thể hiện qua sắc lệnh nâng cao An ninh mạng quốc gia thông qua ngày 12/5 và hiện tại đang trong quá trình triển khai. Sắc lệnh này đưa ra 7 hành động chính với mục tiêu bảo vệ các mạng liên bang, cải thiện việc chia sẻ thông tin giữa chính phủ và khu vực tư nhân về các vấn đề mạng, tăng cường khả năng của Mỹ ứng phó với các sự cố khi chúng xảy ra, bao gồm:  xóa bỏ rào cản chia sẻ thông tin đe dọa giữa chính phủ và khu vực tư nhân, hiện đại hóa và áp dụng các tiêu chuẩn an ninh mạng khắt khe hơn ở cấp độ chính phủ liên bang, cải thiện chất lượng của chuỗi cung ứng phần mềm, thành lập Ủy ban Đánh giá An toàn An ninh Mạng, xây dựng một bộ hướng dẫn ứng phó với các sự cố mạng, cải thiện năng lực phát hiện các sự cố an ninh mạng của chính phủ liên bang, cải thiện khả năng điều tra và khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, chính phủ Mỹ đã tài trợ cho năm dự án nghiên cứu hiện đại hóa an ninh mạng, tập trung vào phát triển các công nghệ bảo thật thiết bị đầu cuối, điện toán đám mây với bảo mật cao hơn, nâng cấp hệ thống bảo mật, và triển khai công nghệ mã hóa và xác thực nhiều lớp. 

Ngoài ra, Mỹ cũng thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác với các đồng minh và đối tác để định hình hành vi, thúc đẩy các quốc gia hành động có trách nhiệm trong lĩnh vực an ninh mạng. Trong đạo luật Cạnh tranh chiến lược 2021 vừa được thông qua, Mỹ đã đưa ra một loạt các định hướng xoay quanh việc thúc đẩy hợp tác an ninh mạng, bảo mật thông tin với các khu vực như ASEAN, châu Phi, với các cam kết hỗ trợ các chính phủ bảo đảm tính toàn vẹn của mạng lưới dữ liệu, tự vệ trước các đợt đánh cắp thông tin của Trung Quốc, hướng dẫn công cụ để chống lại xu hướng chủ nghĩa chuyên chế trên nền tảng kỹ thuật số và thúc đẩy dân chủ, đồng hành sát sao với các quốc gia theo dõi các hoạt động và ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Đồng thời, Mỹ đang tích cực thông qua các cơ chế đa phương như Công ước Budapest, NATO và cả song phương để thúc đẩy việc chia sẻ các biện pháp chống lại tội phạm mạng, chia sẻ thông tin về các mối đe dọa, mở rộng và cải thiện luật pháp về tội phạm an ninh mạng, tăng cường thực thi pháp luật và hợp tác tư pháp bao gồm dẫn độ tội phạm an ninh mạng và diễn tập an ninh mạng. Bên cạnh việc đẩy mạnh hợp tác, trên mặt trận ngoại giao, chính quyền Biden phối hợp cùng đồng minh đã có những động thái ngoại giao vô cùng cứng rắn trong việc lên án các vụ tấn công mạng, điển hình là ngày 19/7 vừa qua, Biden đã cùng các đồng minh bao gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh và NATO công khai chỉ trích Trung Quốc về các cuộc tấn công mạng trên khắp thế giới, khẳng định rằng “các hành vi vô trách nhiệm của CHND Trung Quốc trong không gian mạng đang đi ngược lại với cam kết của Trung Quốc sẽ hành động như một cường quốc có trách nhiệm. 

  • Biến đổi khí hậu

Nhiệm kỳ tổng thống Biden đánh dấu sự tái cam kết mạnh mẽ đối với các vấn đề khí hậu, với cách tiếp cận đặc biệt, vừa là lĩnh vực cạnh tranh với Trung Quốc ở phương diện là nhà lãnh đạo toàn cầu, vừa là lĩnh vực hợp tác chung vì lợi ích chung. Chính sách khí hậu của Biden có thể được gói gọn dưới 2 đặc trưng: (i) Nỗ lực xây dựng lại hình ảnh lãnh đạo toàn cầu và (ii) Thúc đẩy hợp tác không chỉ với đồng minh, đối tác mà còn với cả Trung Quốc. 

Trong các nỗ lực xây dựng lại hình ảnh lãnh đạo toàn cầu, ngay chỉ sau một ngày đắc cử, Biden đã tái tham gia Hiệp định Paris và cam kết chính phủ sẽ thực hiện một cách tiếp cận toàn diện đối với vấn đề khí hậu, cân nhắc kỹ lưỡng tác động đến môi trường trong tất cả các hoạt động trong và ngoài nước của Mỹ. Để càng khẳng định hơn vai trò lãnh đạo toàn cầu có trách nhiệm của mình, Mỹ công bố sẽ lần đầu tiên ra mắt Kế hoạch Tài chính Khí hậu Quốc tế. Nhận định rằng dòng chảy vốn và tài chính đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng sạch. Tuy nhiên, các dòng tài chính hiện tại không đủ và chưa được điều phối hợp lý để giải quyết quy mô của cuộc khủng hoảng khí hậu. Thông qua kế hoạch tài chính khí hậu quốc tế, chính phủ Mỹ muốn thông qua các kênh đa phương, song phương để hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện các biện pháp giảm phát thải, bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng, xây dựng khả năng phục hồi trước tác động của biến đổi khí hậu và điều chỉnh dòng chảy vốn cho vào các dự án có lợi cho khí hậu, tránh đầu tư vào các dự án không bền vững và xả thải cao, mở rộng hỗ trợ kỹ thuật và tăng kinh phí cho các hoạt động thích ứng và phục hồi để đem lại những tác động lớn hơn. Bên cạnh việc điều phối nguồn chảy đầu tư, Mỹ còn cam kết sẽ tăng gấp đôi hỗ trợ tài chính về khí hậu cho các nước đang phát triển so với thời kỳ Tổng thống Obama vào năm 2024. Ngoài ra, Sáng kiến Tham vọng khí hậu toàn cầu đang được chính quyền Biden đang được tích cực triển khai, bổ trợ cho Kế hoạch tài chính quốc tế. Với sáng kiến này, Mỹ sẽ cung cấp sự hỗ trợ kỹ thuật về chính sách, chương trình chuyển đổi, xây dựng năng lực về con người và thể chế cho các chính phủ, khu vực tư nhân, xã hội dân sự và cộng đồng, hướng đến một tương lai hạn chế tối đa khí thải. Trong nước, chính quyền Biden đưa ra chính sách môi trường vô cùng tham vọng, tập trung vào việc chuyển đổi năng lượng sạch, cam kết sẽ lãnh đạo một cuộc cách mạng năng lượng sạch, thực hiện mục tiêu giảm thiểu khí thải lên đến 50-52% vào năm 2030 thông qua chuyển đổi hệ thống năng lượng, hệ thống giao thông, cải tiến nông nghiệp,…

Bên cạnh việc cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực môi trường để chứng minh vị thế lãnh đạo, Mỹ cũng thúc đẩy các hợp tác quốc tế. Trong tháng 4 vừa qua, chính quyền Biden đã đã tổ chức trực tuyến Hội nghị thượng đỉnh về Khí hậu, với sự tham gia của hơn 40 nguyên thủ quốc gia. Mặc dù các quốc gia khác vẫn còn nhiều nghi ngờ đối với sự nhất quán và tính liên tục trong chính sách của Mỹ, cách tiếp cận của chính quyền Biden là một sự thay đổi lớn so với bốn năm của Trump. Mục tiêu chính của hội nghị này là cung cấp một diễn đàn để nơi quốc gia trao đổi về vấn đề khí hậu và đệ trình những cam kết theo Thỏa thuận Paris. Tại hội nghị này, Mỹ đã khởi động lại hai khuôn khổ quan trọng, một là Diễn đàn các nền kinh tế lớn về Năng lượng và Khí hậu (MEF) với 17 thành viên là các quốc gia có lượng xả thải lớn nhất trên thế giới và hai là Hợp tác song phương Mỹ – Trung về khí hậu, tạm gác sang một bên các chia rẽ về thương mại và nhân quyền. Các hợp tác song phương cũng được thúc đẩy mạnh mẽ với Canada trong Sáng kiến Chính phủ Xanh, Ấn Độ trong Chương trình nghị sự Hợp tác về khí hậu và năng lượng sạch 2030,…

  1. Trong cạnh tranh an ninh quốc phòng truyền thống: Mỹ tập trung vào khu vực Ấn – Thái để đối đầu Trung Quốc.

Mỹ cũng đề ra chiến lược an ninh – quốc phòng đối phó Trung Quốc cụ thể trong Đạo luật Cạnh tranh Chiến lược năm 2021 đã được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ thông qua. Hỗ trợ phát triển năng lực quốc phòng cho Nhật bản ở mọi lĩnh vực, củng cố quan hệ Mỹ – Nhật Úc, hỗ trợ Đài Loan trong gia tăng năng lực phòng thủ. Ở phần 224, Mỹ ưu tiên khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, tập trung nguồn lực để đạt được các mục tiêu quân sự và chính trị trong khu vực, tiến hành tự do qua lại trong khu vực vùng nước quốc tế trong khu vực, đảm bảo sự hiện diện của Lực lượng vũ trang Hoa Kỳ trong khu vực này thông qua thỏa thuận với các đối tác và đồng minh hoặc theo nguyên tác và tập quán của luật quốc tế. Đề xuất chi tiêu quân sự cụ thể trong khu vực này cho từng năm đến 2026, với tổng chi tiêu là 655 triệu USD trong vòng 5 năm.  

NămChi tiêu (USD)
2022110,000,000
2023125,000,000
2024130,000,000
2025140,000,000
2026150,000,000
Tổng655,000,000

Trong hai năm 2022 và 2023, chính phủ Mỹ sẽ chi tiêu 20 triệu USD mỗi năm cho các chương trình thí điểm trong khu vực. Trong Đạo luật, có riêng Đề mục II, tiêu đề C dành để đối phó Trung Quốc. Trong đó ở lĩnh vực an ninh là ngăn chặn các hành vi xâm lược quân sự  của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Mỹ tăng cường phối hợp với Đồng minh và tuyên bố sẽ tái khởi động Đối thoại an ninh bốn bên (QUAD) gồm: Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Hướng tới hợp tác và phát triển an ninh với các quốc gia Đông Nam Á để cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc. Ngày 14/6/2021, khối NATO gọi Trung Quốc là thách thức an ninh toàn cầu và chuyển hướng kế hoạch nhằm đối đầu với Trung Quốc.

Để tập trung nguồn lực cho cạnh tranh với Trung Quốc tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ thực hiện tái phân bố lực lượng: đẩy nhanh rút quân khỏi Afghanistan và giảm số lượng hệ thống phòng thủ tên lửa ở Trung Đông. Theo chuyên gia nghiên cứu cấp cao thuộc Tổ chức RAND T.S Timothy R.Heath, hành động của Mỹ thể hiện Mỹ xem Trung Quốc là mối đe dọa khẩn cấp, bởi Trung Quốc đã tăng cường tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo của mình. Mỹ cũng xem xét thành lập lực lượng hải quân thường trực ở khu vực Thái Bình Dương nhằm kiềm chế cách hành động xâm lấn của Trung Quốc trong khu vực. Dù vậy vẫn chưa có thông tin về phê duyệt kế hoạch. Jacob Stokes, một thành viên tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ cho rằng chỉ riêng quá trình hoạch định đóng vai trò quan trọng trong định hình phương thức từng bước đối đầu với Trung Quốc. Nếu được thông qua, Mỹ cho thấy sẽ phân bố nhiều khí tài hải quân hơn tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và gia tăng đối đầu Trung Quốc.” Nước Mỹ cũng trong quá trình quyết định có tăng thêm 25 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng vào năm 2022. Tính đến ngày 14/7, khoản tăng thêm vẫn không được chấp nhận. Các quan chức đảng Cộng Hòa đề xuất khoảng tăng nhằm đối đầu Trung Quốc. Trước đó vào tháng 5, Tổng thống Biden đã cắt 8 tỷ USD trong mua các thiết bị quốc phòng và chuyên 5 tỷ USD trong số đó sang phát triển các công nghệ quốc phòng mới. Do đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đang có sự phân phối nguồn lực hợp lý hơn. Thay vì mua các thiết bị quốc phòng lỗi thời hoặc quá tốn kém, chính phủ tập trung nhiều hơn vào phát triển công nghệ tân tiến hơn. 

Đánh giá triển khai chính sách của chính quyền Biden

Về kinh tế, chính quyền Biden đánh giá đây là trụ cột quan trọng trong chiến lược đối đầu với Trung Quốc. Hai tuần sau khi gói cứu trợ hậu khôi phục COVID-19 được Quốc hội thông qua vào tháng 3, Biden mạnh mẽ khẳng định ông sẽ mọi biện pháp trong khả năng để đảm bảo Trung Quốc không vượt Mỹ trở thành cường quốc hàng đầu thế giới. Mục tiêu khôi phục sau đại dịch của Mỹ đang được tiến triển tốt, với các kết quả khả quan, với tăng trưởng quý I 2021 đạt 6,4%, nhờ vào sự gia tăng hoạt động tiêm chủng và các gói hỗ trợ hoạt động hiệu quả. Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn thất nghiệp hằng tuần đã giảm xuống mức thấp nhất với 553.000 đơn, mặc dù vẫn gấp đôi mức trước đại dịch nhưng là một sự cải thiện đáng kể. Trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế sau đại dịch của Trung Quốc có dấu hiệu đã đạt đỉnh, trong khi kinh tế Mỹ đang tăng tốc, có thể trong một vài quý tới tốc độ tăng trưởng của Mỹ sẽ vượt lên dẫn trước và mở rộng khoảng cách giữa hai nền kinh tế.

Nhìn chung các chính sách kinh tế của Mỹ tập trung vào giữ vững hàng rào thương mại gây khó khăn và sức ép cho Trung Quốc nhưng cũng đồng thời phát triển các ngành công nghệ mũi nhọn để bắt kịp sự thay đổi của thị trường toàn cầu, hạn chế sự độc quyền của Trung Quốc. Song song đó các chính sách kinh tế trong nước của Biden cũng chính là phương án duy trì tính cạnh tranh của sức mạnh kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Việc đảm bảo đời sống, thu nhập để phát triển tầng lớp trung lưu và hỗ trợ quy mô lớn từ chính phủ sẽ kích thích kinh tế trong nước và duy trì lợi thế cạnh tranh với không chỉ Trung Quốc mà với những nước khác. So với Mỹ, Trung Quốc cũng có điểm chung trong việc chú trọng kinh tế nội địa với chính sách kinh tế toàn hoàn kép – thúc đẩy nội địa nhưng vẫn duy trì khả năng xuất khẩu của Trung Quốc nhằm tách khỏi sự ảnh hưởng của kinh tế thế giới nhưng gia tăng phụ thuộc của thị trường toàn cầu vào Trung Quốc. Vì vậy việc tạo sức ép thương mại và kích thích kinh tế nội địa của Mỹ là một bước đi đúng nhằm gia cố sức mạnh kinh tế của chính mình trước một Trung Quốc đang trỗi dậy với mong muốn bá quyền. 

Tuy nhiên có rất nhiều ý kiến trái chiều nhận xét về triển vọng và thách thức của các chính sách này. Thách thức đến từ sự không đồng thuận giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Nói về Chính sách American Rescue Plan nghị sĩ Jan Schakowsky nhận xét ” Đó là một khởi đầu cho sự kết thúc của cuộc đại suy thoái COVID-19″, trong khi đó nghị sĩ Đảng Cộng hòa Jason Smith nhận định “đó là một kế hoạch sai được đưa ra không đúng thời điểm”. Trên thực tế, chính sách này được Hạ viện thông qua nhưng không có phiếu đồng thuận từ Đảng Cộng hòa. Trong tương lai với cuộc bầu cử giữa kỳ vào 11/2022, rất có khả năng đảng Cộng hòa sẽ chiếm ưu thế trong Quốc hội Mỹ, khi đó sự mâu thuẫn giữa hai đảng sẽ là thứ cản trở lớn nhất của chính quyền Biden. Thách thức thứ hai đến từ chi tiêu khổng lồ và tốc độ đầu tư của Trung Quốc trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong khi Mỹ vẫn đang nỗ lực nâng cấp cơ sở hạ tầng cũ đã xuống cấp thì Trung Quốc đã phần lớn hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng tiên tiến trong nước và tập trung đầu tư các dự án hạ tầng bên ngoài từ đó lan tỏa sức ảnh hưởng của Trung Quốc. Theo báo cáo năm 2017 của công ty tư vấn Deloitte, Trung Quốc chi nhiều gấp ba lần những gì Mỹ làm cho cơ sở hạ tầng: khoảng 8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), so với chỉ 2,4% GDP của Mỹ. Hay theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, vào năm 2020, tổng đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng, tòa nhà và các dự án khác đạt khoảng 8 nghìn tỷ đô la Mỹ. Trong khi đó, phía Mỹ đầu tư chỉ tổng cộng là 146 tỷ đô la. Có thể thấy sự chênh lệch lớn giữa tốc độ và mức chi tiêu giữa hai nước trong đó Trung Quốc là nước dẫn trước. Không chỉ thế mà các nước khác ở khu vực Đông Nam Á, châu Phi, châu Mỹ La tinh và ngay cả đồng minh truyền thống của Mỹ là EU cũng không hoàn toàn theo định hướng của Mỹ mà tách biệt Trung Quốc vì sự phụ thuộc vào thương mại, đầu tư và công nghệ. Về sức mạnh sản xuất, Mỹ cũng không thể đối đầu trực tiếp với Trung Quốc. Theo bà Joanna Lewis, giám đốc chương trình khoa học, công nghệ và các vấn đề quốc tế tại Đại học Georgetown, Mỹ cần suy nghĩ một cách có chiến lược để phát triển công nghệ, bởi vì Mỹ sẽ không bao giờ cạnh tranh với Trung Quốc ở quy mô sản xuất thuần túy.

Về ngoại giao, điểm mạnh trong chiến lược của Biden là cải thiện quan hệ với các quốc gia đồng minh. Vì đây là bước đi cần thiết và kịp thời. Trung Quốc đã gây sức ép lên các quốc gia đồng minh của Mỹ thông qua kinh tế như Úc, Bắc Mỹ và các quốc gia châu Âu; gây sức ép chính trị lên Đài Loan. Mỹ cần phải củng cố và hỗ trợ đồng minh nhằm giữ được lòng tin và sức mạnh của mình trong khu vực. Theo chủ nhiệm Viện Quan hệ Quốc tế tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh Yan Xuetong: “Chiến lược này đã gây ra nhiều khó khăn hơn cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc và gây áp lực lên quan hệ ngoại giao của Trung Quốc so với chiến lược đơn phương của Trump.” Cách tiếp cận của Mỹ với đồng minh cũng linh hoạt hơn khi thừa nhận liên minh sẽ không hòa hợp hoàn toàn. Các quốc gia đồng minh với nhau vẫn sẽ có những xung đột trong một số vấn đề nhất định. Nên trong quản lý các liên minh, nước Mỹ biết phải hy sinh một số lợi ích nhất định nhằm đạt được mục đích quan trọng hơn. Về thách thức, khối QUAD khó thể hoạt động như khối Nato nhỏ nhằm kiềm chế Trung Quốc. Theo học giả người Trung Quốc Zhang Yun: các liên minh quân sự đa phương chưa bao giờ thành công trong khu vực này. Thêm vào đó, Ấn Độ sẽ không buông bỏ chính sách không liên minh và trung lập của mình. Ấn Độ sẽ vẫn giữ quan hệ tốt với Nga thay vì tham gia vào liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu. Một thách thức khác là tầm nhìn cả một số quốc gia châu Phi, Nam Mỹ và châu Á về Trung Quốc của các quốc gia khác với Mỹ. Họ không xem Trung Quốc là mối nguy. Các quốc gia này hưởng lợi từ các dự án cơ sở hạ tầng và đầu tư của Trung Quốc. Joseph Nye nhận định: “ gần 100 quốc gia xem Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất,” trong khi đó, chỉ có 57 quốc gia xem Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất. Đồng thời, Mỹ đang cắt giảm các viện trợ trong khi Trung Quốc thì tăng thêm 1 triệu tỷ USD trong thập kỷ tới. Do đó, họ phụ thuộc vào Trung Quốc, sẽ khó chống Trung Quốc để hợp tác với Mỹ. 

Về an ninh quốc phòng, tương tự với chính trị – ngoại giao, mục tiêu quan trọng của Mỹ là thiết lập lại vị thế lãnh đạo toàn cầu sau một nhiệm kỳ chủ nghĩa biệt lập của tổng thống Trump thông qua việc tái tham gia và cam kết trong các lĩnh vực an ninh truyền thống và phi truyền thống. Trong lĩnh vực an ninh truyền thống, nhiệm kỳ Biden sẽ diễn ra một sự chuyển đổi ưu tiên chính trị và tập trung nguồn lực vào khu vực Đông Á, nơi Trung Quốc đang tận dụng khoảng trống quyền lực để thúc đẩy các yêu sách. Lĩnh vực an ninh phi truyền thống với trọng tâm an ninh mạng và biến đổi khí hậu là trụ cột để Mỹ xây dựng lại hình ảnh lãnh đạo có trách nhiệm và đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công. Cách tiếp cận này cho thấy Mỹ đang tập trung lực lượng để chuẩn bị cho một cuộc đối đầu toàn diện với Trung Quốc. Theo David Loevinger, giám đốc điều hành tại TCW Group Inc, tại thời điểm hiện tại có thể chắc chắn rằng chính quyền Biden sẽ tiếp nối chính sách cứng rắn của tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, mặt trái mà hướng tiếp cận này đem lại là những bất ổn tiềm năng trong tương lai. Theo Wu Shicun, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc, viết trên tờ Hoa Nam Buổi Sáng, việc cả Mỹ và Trung Quốc gia tăng cạnh tranh, đặc biệt là việc Mỹ đang lôi kéo các đồng minh tham gia vào câu chuyện ở Biển Hoa Đông, sẽ khiến tình hình trở nên phức tạp, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định của khu vực nếu không có một lằn ranh được định ra. 

Kết luận

Nhìn chung, chiến lược của Mỹ là tập trung khôi phục sau đại dịch, xây dựng thế trận vững chắc với các đồng minh, quay lại vị trí lãnh đạo toàn cầu để chuẩn bị cho một cuộc đối đầu toàn diện với Trung Quốc trong cả 3 lĩnh vực kinh tế, chính trị – ngoại giao và an ninh quốc phòng. Chính sách Trung Quốc của Biden hứa hẹn sẽ là một sự tiếp nối của Donald Trump trong cách tiếp cận cứng rắn, nhưng với điểm thay đổi là sự quay lại của chủ nghĩa quốc tế sau giai đoạn biệt lập của Trump. Một điểm đặc biệt khác là bên cạnh đối đầu, Mỹ cũng đang cố gắng cân bằng giữa cạnh tranh và hợp tác với Trung Quốc trong những vấn đề chứa đựng lợi ích chung. Với mức độ phụ thuộc lẫn nhau cao giữa hai nền kinh tế và thực tế 2 bên vẫn có nhiều lĩnh vực chia sẻ lợi ích, mối quan hệ Mỹ – Trung sẽ còn diễn biến khó đoán trong thời gian sắp tới. 

IR Analytica

__________________________________

Các bài viết liên quan:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *