Chính sách đối ngoại Hàn Quốc dưới thời tân tổng thống Yoon Seok Yeol

Tags: Hàn Quốc, chính sách đối ngoại

Ngày 9/3/2022, ông Yoon Suk Yeol, ứng cử viên của đảng Sức mạnh nhân dân (PPP) đã đắc cử trở thành Tổng thống thứ 20 của Hàn Quốc với kết quả sít sao. Ông Yoon sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 10/5 tới đây. Dù các vấn đề đối nội về kinh tế và nhà ở là ưu tiên hàng đầu cho Tân tổng thống, chính sách đối ngoại Hàn Quốc dưới chính quyền mới của ông Yoon Suk Yeol, đặc biệt đối với các bên như Triều Tiên, Mỹ, Trung và Nhật vẫn là chủ đề được chính giới và các học giả trong và ngoài nước quan tâm. Giới nghiên cứu cho rằng chính sách đối ngoại Hàn Quốc của chính quyền Yoon Suk Yeol sẽ có sự khác biệt so với quan điểm của người tiền nhiệm Moon Jae-in và chia sẻ một số tương đồng với cách tiếp cận bảo thủ của thời bà Park Geun Hye.

Bối cảnh định hình chính sách đối ngoại Hàn Quốc dưới chính quyền tân Tổng thống Yoon Suk Yeol

Ông Yoon Suk Yeol đắc cử Tổng thống Hàn Quốc trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, nổi bật trong số đó chính là (1) đại dịch Covid vẫn diễn ra và tăng nhanh tại Hàn Quốc, (2) quan hệ với Triều Tiên vẫn chưa có tiến triển.

(1) Tính đến 6h sáng ngày 10/3, số ca mắc Covid-19 vượt 451 triệu trên toàn thế giới. Trong khi đó, ngày 9/3, Hàn Quốc lần đầu tiên ghi nhận vượt quá 340.000 ca mắc mới trong vòng 24 giờ. Cơ quan y tế Hàn Quốc đã có dự báo biến thể Omicron sẽ lây nhiễm ở mức đỉnh điểm vào ngày 12/3 với 354.000 ca nhiễm mới. Tuy nhiên, số liệu thống kê ngày 13/3 cho thấy Hàn Quốc có thêm 350.190 ca nhiễm mới. [1] Có thể thấy tốc độ lây lan của biến thể Omicron tại Hàn Quốc nhanh nhưng không như dự đoán

(2) Trong thời kỳ Tổng thống Moon Jae-in, Hàn Quốc đã nỗ lực để cải thiện quan hệ với Triều Tiên.[2] Năm 2018, ông Moon đã gặp gỡ và tiếp xúc Lãnh đạo Tối cao Triều Tiên ông Kim Jong Un hai lần trong nỗ lực làm trung gian cho quan hệ Mỹ – Triều Tiên. Tuy nhiên, quan hệ của Hàn Quốc và Triều Tiên kể từ đó vẫn chưa có tiến triển vì những bất đồng về vũ khí hạt nhân và các vụ thử nghiệm tên lửa. Trước thềm bầu cử Hàn Quốc, ngày 5/3, Triều Tiên vẫn tiếp tục thực hiện thử nghiệm vũ khí, đây là lần thứ 9 trong năm 2022.[3]

Định hướng chung chính sách đối ngoại Hàn Quốc: cách tiếp cận khác nhưng không thay đổi hoàn toàn

Chiến thắng của ông Yoon Seok Yeol đánh dấu sự trở lại của Đảng PPP với quan điểm bảo thủ, từ sau vụ bê bối của cựu tổng thống Park Geun Hye. Với việc quan điểm chính trị của tân tổng thống đối lập với quan điểm tự do của tổng thống đương nhiệm Moon Jae-in, chính sách đối ngoại Hàn Quốc trong 5 năm tiếp theo có thể sẽ có một cách tiếp cận khác đối với các vấn đề Triều Tiên, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Nhưng việc chính quyền tân tổng thống có thể tạo nên những thay đổi đột phá trong chính sách đối ngoại vẫn là câu hỏi lớn.

Dưới thời tổng thống Moon Jae-in, một người mang khuynh hướng tự do, chính sách đối ngoại Hàn Quốc lấy mục tiêu chính là hoàn thành quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và kiến tạo hòa bình lâu dài cho khu vực Đông Bắc Á. Ông Moon có cách tiếp cận thiện chí với Triều Tiên, tạo điều kiện kinh tế, hỗ trợ nhân đạo, môi trường ổn định để Triều Tiên sẵn sàng tiến đến việc phi hạt nhân hóa. Cùng với đó, chính quyền tổng thống Moon đã lựa chọn cách tiếp cận “mơ hồ có chiến lược” trong quan hệ Mỹ – Trung nhằm tránh việc phải chọn phe và không gây phật lòng cho bên nào. Trong khi đó, quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc dưới thời ông Moon lại nhiều lần rơi xuống mức thấp do các vấn đề lịch sử, chủ quyền lãnh thổ, tranh chấp thương mại, v.v.

Ngay từ khi còn là ứng cử viên, ông Yoon Suk Yeol đã nhiều lần chỉ trích cách tiếp cận của ông Moon với các bên. Theo đó, ông Yoon kêu gọi “rõ ràng hơn về mặt chiến lược” trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc để thay thế cho “sự mơ hồ” vốn không còn phù hợp trong bối cảnh cạnh tranh địa chiến lược giữa các cường quốc ngày càng gay gắt. Còn đối với vấn đề Triều Tiên, ông Yoon Suk Yeol có cách tiếp cận trái ngược. Mặc dù vẫn để ngỏ khả năng đàm phán và viện trợ nhân đạo, ông Yoon cũng đặt ra yêu cầu Triều Tiên cần phải tiến hành phi hạt nhân hóa trước. Dựa trên tiền đề đó hai bên mới có thể tính đến vấn đề hỗ trợ kinh tế, hoặc tiến đến hiệp ước hòa bình. Ông Yoon Suk Yeol cảnh báo nước này sẽ cân nhắc hủy Thỏa thuận quân sự toàn diện 2018, thiết lập dưới thời chính quyền Tổng thống Moon Jae-in, nếu nhận thấy Triều Tiên không thay đổi lập trường. Còn đối với Nhật Bản, ông Yoon thể hiện quyết tâm làm ấm lại quan hệ với Nhật khi nhận thấy tầm quan trọng không kém của nước này trong tiến trình đàm phán với Triều Tiên.

Ngoài ra, trong một bài tham luận trên trang Foreign Affairs, tân tổng thống Hàn Quốc còn đề ra mục tiêu nâng cao vị thế toàn cầu của Hàn Quốc bằng cách mở rộng phạm vi chính sách đối ngoại, vượt ra ngoài mối quan tâm về vấn đề liên Triều, sao cho Hàn Quốc trở thành một “quốc gia trọng điểm toàn cầu”, “thúc đẩy tự do, hòa bình và thịnh vượng thông qua các giá trị dân chủ tự do và hợp tác thực chất”.[4]

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đánh giá rằng chính sách đối ngoại Hàn Quốc sẽ khó thay đổi hoàn toàn và triệt để trong thời gian chỉ 5 năm. Trước hết, ông Yoon Suk Yeol là một chính trị gia chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực đối ngoại. Đội ngũ ngoại giao của ông chủ yếu là các chuyên gia có quan điểm thuộc dòng chính.[5] Thứ hai, tình hình an ninh và chính trị châu Á – Thái Bình Dương đầy biến động không tạo điều kiện cho thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại, ngược lại sẽ giới hạn những lựa chọn chính sách mà chính quyền ông Yoon có thể đưa ra. Theo bà Jenny Town, tại Trung tâm Stimson (Mỹ), trong thời gian tới, Hàn Quốc sẽ tiếp tục rơi vào tình huống tiến thoái lưỡng nan khi vừa phải xử trí cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung, vừa phải củng cố năng lực phòng thủ trước những cải tiến đáng kể về vũ khí của Triều Tiên.[6] Thứ ba, phe Tự do vẫn chiếm thế đa số trong Quốc hội Hàn Quốc, ít nhất tới năm 2024.

Chủ trương chính sách đối ngoại Hàn Quốc với các quốc gia

Triều Tiên

Quan hệ liên Triều là một vấn đề bầu cử quan trọng, với căng thẳng gia tăng trong bối cảnh Triều Tiên gia tăng thử nghiệm tên lửa gần đây. Sau Tổng thống mãn nhiệm Moon Jae-in, người coi ngoại giao với Triều Tiên là trọng tâm trong tham vọng chính sách đối ngoại của mình, nhiệm kỳ tổng thống Yoon Suk Yeol sẽ đánh dấu một cục diện mới trong quan hệ liên Triều. Phần lớn chiến dịch của ông Yoon tập trung vào lập trường cứng rắn của ông đối với Triều Tiên – một điểm khác biệt với cách tiếp cận trước đây của ông Moon, vốn luôn thúc đẩy đối thoại và biện pháp hòa bình.[7]

Trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, Yoon đã chỉ trích “chính sách Bắc Triều Tiên” của Đảng Dân chủ và hứa sẽ xây dựng quân đội Hàn Quốc. Ông cũng muốn phát triển công nghệ để Hàn Quốc “tấn công phủ đầu” trong trường hợp Triều Tiên có động thái sử dụng vũ khí hạt nhân cho một cuộc tấn công nhằm vào Seoul. Kim Seok-hyang, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Ewha Womans ở Seoul, cho biết các cơ quan tuyên truyền của Triều Tiên mô tả ý tưởng ủng hộ cuộc tấn công phủ đầu của ông Yoon Suk Yeol là một hành động “liều lĩnh”.[8]

Ông Yoon cam kết sẽ không nới lỏng các biện pháp trừng phạt hoặc ký kết một hiệp ước hòa bình cho đến khi Triều Tiên “nỗ lực tích cực trong việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn”. Ông đã kêu gọi hợp tác nhiều hơn với Washington để đối đầu với mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng do Triều Tiên gây ra. Ông xem các lệnh trừng phạt quốc tế là cần thiết để gây áp lực buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Cheong Seong-chang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Triều Tiên tại Viện Sejong, cho biết các cuộc đàm phán giữa hai miền Triều Tiên đã bị đình trệ kể từ khi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều ​​tan rã vào năm 2019. Ông nhận xét rằng không thể mong đợi bất kỳ tiến bộ nào trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa trừ khi chính phủ tiếp theo đưa ra một giải pháp phi hạt nhân hóa mà cả Mỹ và Triều Tiên đều có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo đường lối cứng rắn này có thể khiến quan hệ giữa hai nước xấu đi. Một số lo ngại căng thẳng quân sự có thể quay trở lại mức khủng hoảng vào năm 2017, khi việc Triều Tiên tăng cường thử nghiệm và tiến hành vũ khí khiến Mỹ-Hàn cũng thể hiện sức mạnh quân sự. Trước cuộc bầu cử, ông Cheong từng nhận định kết quả cuộc bầu cử thiên về ông Yoon sẽ khiến quan hệ liên Triều “trở lại mối quan hệ thù địch của thời kỳ Chiến tranh Lạnh”.[9]

Mỹ

So với chính quyền ông Moon, chính quyền Tân tổng thống Yoon Suk Yeol sẽ chủ động gắn kết với Mỹ nhiều hơn, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh. Giáo sư Lee Seok-jong, Đại học Sungkyunkwan, nhận thấy tổng thống Yoon sẵn sàng hợp tác với Mỹ hơn thay vì thực hiện một chính sách trung lập.[10]

Theo đó, ông Yoon Suk Yeol sẽ duy trì chương trình nghị sự mà tổng thống Moon – tổng thống Biden đã đạt được trong Thượng đỉnh Hàn – Mỹ năm 2021, bao gồm hợp tác trên nhiều lĩnh vực như thiết bị bán dẫn, xe chạy bằng năng lượng điện, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và ngành công nghiệp hàng không vũ trụ. Ông Yoon cũng sẽ tiếp nối kế hoạch xin gia nhập vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định đối tác kinh tế số (DEPA) của chính quyền ông Moon.

Thứ hai, ông Yoon ủng hộ việc đưa Hàn Quốc gia nhập vào nhóm Bộ tứ Kim cương (QUAD) do Mỹ dẫn đầu. Hàn Quốc cũng sẽ tích cực hợp tác với các thành viên của QUAD trên các lĩnh vực như an ninh hàng hải, an ninh mạng, biến đổi khí hậu và phân phối vắc-xin COVID-19. Ngoài ra, chính quyền ông Yoon sẽ tích cực ủng hộ Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của tổng thống Biden, đồng thời tham gia vào các Khuôn khổ kinh tế khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.[11] Ông Yoon Suk Yeol cũng đề xuất Hàn Quốc nên đứng ra tổ chức Hội nghị thượng đỉnh các nền dân chủ – một trong những sáng kiến của tổng thống Biden trong chính sách đối ngoại với Trung Quốc.[12]

Trong lĩnh vực hợp tác quân sự, ông Yoon dự kiến cho nối lại các cuộc tập trận thường niên Hàn – Mỹ.[13] Những cuộc tập trận này đã bị hoãn nhiều lần trước đó do chính quyền ông Moon giành sự tập trung nhiều hơn vào việc đàm phán với Triều Tiên. Ngoài ra, rất có thể tổng thống mới sẽ thúc đẩy triển khai Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), điều có thể làm xấu đi quan hệ Trung Quốc – Hàn Quốc. Trước đó vào năm 2015-2017, khi chính quyền bà Park Geun Hye đồng ý cho triển khai THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc, Trung Quốc đã ra lệnh cấm các công ty bán tour du lịch đến Hàn Quốc, cùng với đó là tẩy chay các mặt hàng như mỹ phẩm đến từ Hàn Quốc nhằm đáp trả quyết định trên.

Nhận định về chính sách đối ngoại Hàn Quốc đối với Mỹ, giáo sư Kim Yong Hyun, ngành Khoa học Chính trị – Đại học Dongguk, cho rằng cách tiếp cận theo kiểu liên minh chặt chẽ với Hoa Kỳ của Seoul có thể làm gia tăng bất ổn trong khu vực, nhất là khi hợp tác quân sự này khiến Bắc Kinh lo ngại.[14] Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, GS. TS. Tongfi Kim, Giám đốc Chương trình Cử nhân tại Trung tâm An ninh, Ngoại giao và Chiến lược (CSDS) của Trường Quản trị Brussels (BSoG-VUB), cách tiếp cận của ông Yoon Suk Yeol không có nghĩa rằng các lợi ích của Hàn Quốc sẽ luôn đồng nhất với Mỹ. Nếu chính quyền Mỹ thực hiện chính sách hòa hoãn với Triều Tiên, Hàn Quốc sẽ lên tiếng phản đối. Còn nếu Mỹ tiếp cận theo kiểu “diều hâu”[15], chính quyền ông Yoon sẽ trở nên cẩn trọng hơn, bởi lẽ cánh bảo thủ ý thức được cái giá phải trả nếu có xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên.[16]

Trung Quốc

Trong quá trình tranh cử của mình, Tân Tổng thống Yoon Suk Yeol đã thể hiện quan điểm của mình về Trung Quốc có phần rõ ràng và cứng rắn hơn so với người tiền nhiệm Moon Jae-in. Cụ thể, vào năm ngoái ông đã từng gọi cách tiếp cận của chính quyền của ông Moon Jae-in là “thân Trung Quốc” và cho biết người trẻ Hàn Quốc “không thích Trung Quốc”.[17] Song, ông vẫn bày tỏ thiện ý xây dựng mối quan hệ song phương với Trung Quốc dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau vì hiểu rõ Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất và là nút thắt quan trọng hỗ trợ Hàn Quốc phục hồi và phát triển nền kinh tế nội địa. Theo phân tích của nhà kinh tế học cấp cao tại Oxford Economics, ông Lloyd Chan, Trung Quốc chiếm khoảng 25% kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc vào năm 2021 cho nên sự suy yếu trong quan hệ với Trung Quốc sẽ gây khó khăn cho kinh tế Hàn Quốc trong 5 năm tới.[18] Trong cuộc gặp với Đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc, ông Xing Haiming, Tổng thống Yoon hứa hẹn rằng mối quan hệ với Trung Quốc sẽ phát triển hơn nữa dưới nhiệm kỳ của ông.[19]

Về phía Trung Quốc, chủ tịch Tập Cận Bình cũng thể hiện sự đồng lòng mong muốn thắt chặt tình bạn và sự hợp tác với Hàn Quốc với tư cách là một đối tác chiến lược. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng ông Yoon Suk Yeol vẫn chưa vạch ra kế hoạch hành động cụ thể để tăng cường hợp tác với Trung Quốc mà thay vào đó chỉ dừng lại ở các bài phát biểu và diễn ngôn.

Bên cạnh đó, mối quan hệ Hàn – Trung còn đứng trước một số thách thức từ chính chính sách đối ngoại Hàn Quốc với các bên khác mà đặc biệt là Mỹ và Triều Tiên. Chính quyền của ông Yoon đã lên án những hành động của Triều Tiên và khác với Moon Jae-in, Tổng thống Yoon Suk Yeol không đặt phương án ngoại giao là ưu tiên trong việc đàm phán phi hạt nhân với Triều Tiên mà tập trung vào củng cố quốc phòng. Vì vậy Hàn Quốc trong tương lai vẫn có thể kết hợp với Mỹ bổ sung THAAD đã được xây dựng vào năm 2015. Vào thời điểm bấy giờ, Trung Quốc cho rằng hệ thống radar của THAAD nguy hại tới lãnh thổ và an ninh quốc gia qua đó đã trừng phạt kinh tế đối với Hàn Quốc làm mối quan hệ hai nước căng thẳng kéo dài tới đầu năm 2017. Ngoài ra, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã chia sẻ tầm nhìn về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tương đồng với Mỹ và thể hiện mong muốn gia nhập vào nhóm làm việc với khối QUAD bàn về các vấn đề vaccine Covid-19, biến đổi khí hậu và công nghệ. Theo ông Riley Waters, Phó Giám Đốc tại Nhật của Viện nghiên cứu Hudson, Hàn Quốc nay có thể được coi là một thành viên tham gia vào chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ.[20] Trước đó, với chính sách cân bằng nước lớn của ông Moon Jae-in, Hàn Quốc vẫn có sự dè chừng trước hợp tác an ninh này vì sợ sẽ ảnh hưởng tới quan hệ với Trung Quốc.[21] Trong khi Trung Quốc vẫn cho rằng QUAD là “khối NATO ở châu Á” và có mục đích “kiềm hãm Trung Quốc”, việc tham gia tích cực vào hoạt động của nhóm này có thể dẫn đến sự bất đồng quan điểm giữa Hàn và Trung.

Nhật Bản

Quan điểm về Nhật Bản của Tân Tổng thống Yoon Suk Yeol có phần nhẹ nhàng và hướng tới lợi ích tương lai hơn so với người tiền nhiệm vốn được cho là có sự ác cảm đối với Nhật Bản. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, ông Yoon đã bày tỏ mong muốn hàn gắn mối quan hệ với Nhật Bản và đề xuất hợp tác trên nhiều phương diện với Nhật Bản, đơn cử như gìn giữ trật tự an ninh và sự thịnh vượng ở khu vực Đông Bắc Á. Cụ thể, ông Yoon muốn đưa mối quan hệ Hàn – Nhật trở lại mức độ thân thiết tương tự thời Tổng thống Kim Dae-jung và Thủ tướng Keizo Obuchi vào những năm 1990.[22] Ngoài ra, ông Yoon Suk Yeol tuyên bố sẽ gặp và làm việc với Thủ tướng Kishida chỉ sau Tổng thống Mỹ Biden. Về phía Nhật Bản, ông Kishida cũng hy vọng Nhật Bản và Hàn Quốc có thể hợp tác và phát triển mối quan hệ song phương này. Giới học giả vẫn có nhiều ý kiến trái chiều dự đoán về xu hướng phát triển của mối quan hệ Hàn – Nhật trong tương lai. Một số ý kiến tích cực cho rằng Hàn và Nhật nên tập trung vào các hợp tác mang lại lợi ích trong tương lai và nắm bắt cơ hội hàn gắn với Mỹ là nước trung gian. Giáo sư Quan hệ quốc tế tại Đại học Kookmin, ông Lee Won-deog nhận định hai nước cần nối lại các cuộc gặp thượng đỉnh song phương và trong chuyến thăm của Biden tới Nhật Bản vào tháng 5 là cơ hội tốt để có một cuộc gặp ba bên.[23] Đồng thuận với quan điểm trên, ông Riley Walters nhận xét hai nước nên tránh rơi vào những khúc mắc trong quá khứ mà tập trung tìm kiếm cơ hội hợp tác và dự đoán mối quan hệ có thể trở nên tốt hơn sau Hội nghị Thượng đỉnh QUAD sắp tới diễn ra tại Nhật vào năm nay.[24] Còn ông Andrew Yeo, nghiên cứu viên cao cấp của Quỹ SK – Hàn Quốc cho rằng Hàn và Nhật cùng chia sẻ mối quan ngại về Triều Tiên và tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do rộng mở, qua đó sẽ tìm kiếm được nhiều không gian hợp tác hơn.[25]

Thế nhưng, dưới góc nhìn của một số nhà nghiên cứu khác, các vấn đề lịch sử về bóc lột sức lao động và nô lệ tình dục mà Nhật Bản đã gây ra vào thời kỳ chiếm đóng Hàn Quốc trong khoảng 1910 – 1945 vẫn sẽ ở đó và mối quan hệ hai nước sẽ cần rất lâu để phục hồi. Theo ông Tom Corben, học giả tại Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ tại Đại học Sydney, sự hàn gắn sẽ diễn ra chậm và cần nhiều nỗ lực để tái xây dựng mối quan hệ. Ông cũng nhận xét hiện tại Hàn Quốc vẫn chưa có động thái gì đối với các chính sách trong nước để chủ động đưa ra phương án giải quyết cho vấn đề Hàn – Nhật.[26] Dù nhìn nhận hướng tiêu cực, nhưng trên thực tế sự rạn nứt của Hàn – Nhật vẫn chưa có phương án giải quyết và cả hai bên vẫn không có ý định thay đổi quan điểm của mình. Đối với Nhật Bản, họ vẫn duy trì quan điểm dựa trên Hiệp định năm 1956 về bình thường hóa mối quan hệ Nhật – Hàn, tức nghĩa là sẽ không còn bất kỳ khoản đền bù nào từ Nhật về vấn đề bóc lột lao động và nô lệ tình dục trong Thế chiến II và mong rằng phía Hàn sẽ tôn trọng quyết định trên. Còn chính phủ Hàn Quốc vẫn trong thế khó vì trong những năm qua vẫn luôn nhận được những đơn kiện cáo từ các nạn nhân trước đây để đòi công lý và bồi thường từ Nhật Bản. Cụ thể vào tháng 4/2021, Tòa án Trung Seoul đã bác bỏ đơn kiện lần 2 của 20 nạn nhân thời chiến nhưng vẫn đứng trước sự phản đối và kháng cáo.

Kết luận….

Hiện nay vẫn còn sớm để phân tích và nhận định một cách chắc chắn về đường lối đối ngoại sắp tới của Tân Tổng thống Yoon Suk Yeol. Tuy nhiên, bước đầu có thể nhận thấy rằng những chính sách này sẽ có nhiều khác biệt so với chính quyền tiền nhiệm. Điều này có thể được biểu hiện qua các vấn đề của Nam – Bắc Triều Tiên và chính sách cân bằng nước lớn trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Cho tới thời điểm hiện tại, ông Yoon Suk Yeol đang dừng ở bước thể hiện rõ quan điểm đối ngoại bày tỏ mong muốn hợp tác phát triển với các bên qua các phát biểu, diễn ngôn. Thời gian sắp tới sẽ là thời gian quan trọng để vừa chuyển giao quyền lực giữa hai chính quyền vừa đưa ra những chương trình hành động thực tiễn cụ thể đối với các mối quan hệ ngoại giao của Hàn Quốc. Tuy vậy, từ đây đến cuộc bầu cử Quốc hội năm 2024, có lẽ chính quyền ông Yoon có thể gặp một số thách thức trong việc đưa ra quyết sách ngoại giao vì so với Đảng PPP của ông, Đảng DPK vẫn đang chiếm đa số ghế trong Quốc hội.

IR Analytica


[1] http://ncov.mohw.go.kr/

[2] John S. (2022, March 9). Factbox: Houses, scandals, missiles: The issues in S.Korea’s presidential election. Reuters. https://www.reuters.com/world/asia-pacific/houses-scandals-missiles-issues-skoreas-presidential-election-2022-03-08/

[3] Hưng, B. (2022, March 5). Triều Tiên thử tên lửa ngay trước thềm bầu cử tổng thống Hàn Quốc. Người Lao Động. https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/trieu-tien-thu-ten-lua-ngay-truoc-them-bau-cu-tong-thong-han-quoc-20220305094529725.htm

[4] Yoon, S. (2022, February 8). South Korea Needs to Step Up: The Country’s Next President on His Foreign Policy Vision. Foreign Affairs. https://www.foreignaffairs.com/articles/south-korea/2022-02-08/south-korea-needs-step

[5] Maximillian E. (2022, April). The Foreign Policy of President-elect Yoon Suk Yeol: What to Expect. Brussels School of Governance. https://brussels-school.be/publications/other-publications/foreign-policy-president-elect-yoon-suk-yeol-what-expect

[6] Nishka C. (2022, March 3). North Korea, China and the U.S. are closely watching South Korea’s election. CNBC News. https://www.cnbc.com/2022/03/04/north-korea-china-and-us-closely-watching-south-koreas-election.html

[7] Jen K. (2022, March 10). South Korea election brings shift to the right, with a new president vowing to teach “rude boy” Kim Jong Un “some manners”. CNBC News. https://www.cbsnews.com/news/south-korea-election-president-yoon-suk-yeol-teach-rude-boy-kim-jong-manners/

[8] Michelle L. (2022, March 10). Under new, conservative president, South Korea is poised to adopt a more hawkish foreign policy. The Washington Post. https://www.washingtonpost.com/world/2022/03/10/south-korea-president-yoon-foreign-policy/

[9] (2022, March 10). Yoon Suk Yeol’s New South Korean President Stance. CNBC News. https://edition.cnn.com/2022/03/10/asia/yoon-suk-yeol-new-south-korean-president-stance-intl-hnk/index.html

[10] Như chú thích số 8.

[11] Byun D. (2022, March 16). Seoul welcomes new U.S. Indo-Pacific Economic Framework: trade minister. Yonhap News Agency. https://en.yna.co.kr/view/AEN20220316000200325

[12] (2022). New partner? Indo-Pacific leaders express hope for Yoon. Asian Nikkei. https://asia.nikkei.com/Spotlight/South-Korea-election/New-partner-Indo-Pacific-leaders-express-hope-for-Yoon

[13] (2022, January 24). Yoon pledges to normalize military drills with U.S., enhance deterrence against North. Yonhap News Agency. https://en.yna.co.kr/view/AEN20220124006800315

[14] Nhiên, A. (2022, March 10). Bốn chiến lược “thay máu” Hàn Quốc của tân Tổng thống Yoon Suk Yeol. Công An Nhân Dân. https://cand.com.vn/the-gioi-24h/bon-chien-luoc-thay-mau-han-quoc-cua-tan-tong-thong-yoon-suk-yeol-i646534/

[15] Những người theo tư tưởng diều hâu cho rằng các biện pháp quân sự, chiến tranh sẽ hiệu quả hơn các biện pháp ngoại giao khác. Điều này được xây dựng trên giả định rằng các bên sẽ giành chiến thắng một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn.

[16] Như chú thích 5.

[17] (2021, December 28). Most S. Koreans do not like China, Yoon says. Yonhap News Agency. https://en.yna.co.kr/view/AEN20211228008451315

[18] (2022). How Yoon may shift South Korean foreign policy: 5 things to know. Asia Nikkei. https://asia.nikkei.com/Spotlight/South-Korea-election/How-Yoon-may-shift-South-Korean-foreign-policy-5-things-to-know

[19] (2022, March 11). Yoon says sure S. Korea-China relations will develop further. The Korean Herald. http://www.koreaherald.com/view.php?ud=20220311000464

[20] Như chú thích 12

[21] Ramon D. (2022, February). The Moon Jae-in presidency: key foreign policy legacies. Brussels School of Governance. https://brussels-school.be/publications/other-publications/moon-jae-presidency-key-foreign-policy-legacies

[22] Cụ thể trong tuyên bố chung vào tháng 10 năm 1998 do hai nhà lãnh đạo đưa ra, Obuchi bày tỏ “sự hối hận sâu sắc và lời xin lỗi chân thành” về những thiệt hại và đau khổ đối với người dân Triều Tiên trong thời kỳ thuộc địa từ năm 1910 đến năm 1945. Đổi lại, ông Kim đánh giá cao vai trò của mình. mà Nhật Bản đã đóng góp trong thời kỳ hậu chiến vì hòa bình và thịnh vượng của cộng đồng quốc tế.

[23] Như chú thích 18

[24] Như chú thích 12

[25] Andrew Y. (2022, March 10). What to expect from the incoming South Korean president’s domestic and foreign policy agendas. Brookings. https://www.brookings.edu/blog/order-from-chaos/2022/03/10/what-to-expect-from-the-incoming-south-korean-presidents-domestic-and-foreign-policy-agendas/

[26] Như chú thích 12

1 comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *