Tổng quan các hoạt động của Hàn Quốc trong năm 2023

Năm 2023, Hàn Quốc dưới nhiệm kỳ Tổng thống Yoon Suk-yeol đã có nhiều thay đổi quan trọng để đáp ứng với bối cảnh thế giới đầy biến động. Về đối nội, tuy gặp nhiều khó khăn về tình hình chính trị trong nước và đang trong giai đoạn chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm sau, Hàn Quốc vẫn có sự ổn định trong kinh tế và có những chiến lược tiếp theo cho các vấn đề an ninh – quốc phòng. Về đối ngoại, Hàn Quốc nỗ lực tăng cường gắn kết với các đối tác như Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam, ASEAN trong đa dạng lĩnh vực đồng thời duy trì sự ổn định và tránh căng thẳng, đối đầu với Trung Quốc.

1. Những hoạt động đối nội

1.1. Về chính trị – ngoại giao

Năm 2023, dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Yoon Suk-yeol với những chính sách mang tính chủ nghĩa đơn phương trong cả đối ngoại lẫn đối nội của ông, sự chia rẽ chính trị đã thể hiện nhiều hơn thông qua làn sóng biểu tình thường xuyên tại Hàn Quốc.[1] Phần lớn các cuộc biểu tình được tổ chức bởi các nhà hoạt động chính trị của các đảng đối lập. Tại Hàn Quốc, phe cánh hữu – với đại diện là Đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) – bao gồm đa số những công dân lớn tuổi và theo đạo Thiên Chúa ủng hộ cách thực thi chính sách của ông Yoon. Ngược lại, phe cánh tả – đại diện là Đảng Dân chủ (DP) – bao gồm những người trẻ tuổi với tư tưởng cấp tiến có sự phản đối lớn đối với vị tổng thống đương nhiệm.[2]

Sự khác biệt và đấu tranh giữa các đảng phái với nhau tại Hàn Quốc diễn ra xoay quanh thái độ với Nhật Bản, Triều Tiên và sự gắn kết với các cường quốc như Mỹ hay Trung Quốc.[3] Đối với người tiền nhiệm của ông Yoon – Cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, việc từ chối nghiêng về phía Mỹ và có thái độ xa cách với Nhật Bản là điều cần được chú trọng. Đồng thời, đối với Triều Tiên, ông Moon Jae-in cũng đã có những nỗ lực can dự ngoại giao với nước này dù không có nhiều kết quả tích cực.[4] Tuy nhiên, chính sách đối ngoại của Hàn Quốc hoàn toàn thay đổi khi Tổng thống Yoon Suk-yeol lên nắm quyền. Trong khi thái độ với Triều Tiên dưới thời Tổng thống Yoon Suk-yeol trở nên cứng rắn hơn, mối quan hệ với Nhật Bản lại phát triển theo hướng dần trở nên thân thiết, đặc biệt là sau sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh ba bên Mỹ – Nhật – Hàn tại Trại David ngày 13/02/2023.[5]

Trong lịch sử, các nhà lãnh đạo Hàn Quốc thường tận dụng chủ nghĩa dân tộc trong quan hệ thù địch với Nhật Bản để làm tăng tỷ lệ ủng hộ của cử tri và người dân. Tuy nhiên, Hàn Quốc dưới thời Tổng thống Yoon Suk-yeol lại xác định việc khôi phục mối quan hệ song phương với Nhật Bản là điều cần thiết, và điều này đã làm ảnh hưởng đến độ tín nhiệm và tin cậy của người dân trong nước dành cho ông.[6] Sự tín nhiệm dành cho ông Yoon và PPP đã sụt giảm thấy rõ khi quốc gia này không có những biện pháp cứng rắn trước việc Nhật Bản xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển. Đại đa số (84%) người Hàn Quốc bày tỏ sự không đồng tình với quyết định xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý từ cơ sở hạt nhân Fukushima ra biển của Nhật Bản. Ngay cả những người theo phe bảo thủ và ủng hộ chính phủ của ông Yoon cũng bày tỏ mối lo ngại này. Như vậy, việc ông Yoon thúc đẩy quan hệ tốt hơn với Nhật Bản, bất chấp sự dè dặt của công chúng xuất phát từ những bất bình trong lịch sử, cho thấy sự cân bằng mong manh mà các nhà lãnh đạo cần đạt được giữa chính sách ngoại giao và tình cảm của nhân dân trong nước.[7] Một cuộc thăm dò vào tháng 6/2023 ghi nhận tỷ lệ ủng hộ của chính quyền Yoon Suk-yeol đã giảm xuống 35%, trong khi tỷ lệ không ủng hộ chiếm 57%. Tỷ lệ ủng hộ dành cho Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) bảo thủ của ông Yoon là 35% và tỷ lệ ủng hộ dành cho Đảng Dân chủ (DP) đối lập là 32%. Khi được hỏi về kết quả của cuộc tổng tuyển cử vào năm tới, 49% thể hiện ý định bầu cho đảng đối lập để kiểm soát chính phủ và chỉ 37% chọn tiếp tục ủng hộ đảng cầm quyền đương thời.[8]

1.2. Về kinh tế – xã hội

Trong năm 2023, nền kinh tế Hàn Quốc đã trải qua một quá trình phục hồi chậm nhưng ổn định. Theo dữ liệu sơ bộ của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK), tổng sản phẩm quốc nội của đất nước (GDP) – thước đo chính của sự tăng trưởng kinh tế – đã tăng 0,6% so với quý trước trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9. Sự gia tăng của GDP chủ yếu xuất phát từ những nỗ lực đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu của quốc gia. Dữ liệu mới nhất từ Cục Hải quan Hàn Quốc cho thấy xuất khẩu của Hàn Quốc tăng 4,6% so với cùng kỳ trong 20 ngày đầu tháng 10, đạt 33,8 tỷ USD, tăng 3,5%, đặc biệt trong lĩnh vực chất bán dẫn và máy móc. Theo Bộ trưởng Tài chính Choo Kyung-ho, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng quý tại Hàn Quốc đang diễn biến theo đúng quỹ đạo dự kiến của Bộ. Chính phủ Hàn Quốc dự báo nền kinh tế trong nước sẽ phục hồi vào nửa cuối năm nay và bắt đầu phục hồi mạnh mẽ vào năm tới.[9]

Tuy nhiên, các thách thức như lãi suất cao từ Mỹ sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế và tài chính của Hàn Quốc. Môi trường lãi suất cao sẽ tạo áp lực lên hoạt động trong nước. Theo dự đoán, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc sẽ giữ mức lãi suất cao, đồng nghĩa với việc chi phí tài chính tăng cao, ảnh hưởng đến các lĩnh vực tiêu dùng và đầu tư.[10] Bên cạnh đó, sự thay đổi trong chính sách ngoại giao của chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol cũng có khả năng tác động đến nền kinh tế của nước này. Hàn Quốc sẽ có khả năng đối mặt với những khó khăn kinh tế bao gồm thâm hụt thương mại chưa từng có với Trung Quốc vì tăng trưởng kinh tế hậu đại dịch của Hàn Quốc vẫn phụ thuộc vào thị trường trong nước. Những người phản đối chính sách ngoại giao của ông Yoon cho rằng nó có khả năng làm tổn hại đến lợi ích kinh tế của Hàn Quốc vì khiêu khích Trung Quốc với nỗ lực nghiêng hẳn về phía Mỹ.[11] Ngoài ra, các căng thẳng đến từ bối cảnh thế giới cũng sẽ có khả năng ảnh hưởng đến nền kinh tế của Hàn Quốc trong tương lai. Theo ông Choo Kyung-ho, tình hình bất ổn địa chính trị ở Trung Đông, cụ thể là xung đột Israel – Hamas, có thể ảnh hưởng đến nguyên liệu thô và giá dầu mỏ trên toàn cầu. Chính phủ Hàn Quốc đang theo dõi chặt chẽ tình hình và tác động của sự kiện này đối với nền kinh tế và xuất khẩu.[12]

Dù có những điểm sáng về tăng trưởng GDP và xuất khẩu, nền kinh tế trong nước vẫn có những điểm thiếu sót và làm gia tăng một số vấn đề xã hội. Ví dụ, tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng, đặc biệt là trong số các chuyên gia trẻ, nhấn mạnh các vấn đề kinh tế cấp bách. Những người có bằng đại học trở lên chiếm tới 53,8% tổng số người thất nghiệp.[13]

Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng phải đối mặt với tỷ lệ sinh thấp kỷ lục. Báo cáo “Xu hướng dân số tháng 6/2023” của Cục Thống kê Hàn Quốc cho thấy mức tổng tỷ suất sinh trong quý II năm nay là 0,7, giảm 0,05 so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức thấp nhất ghi nhận trong quý II của các năm kể từ năm 2009, khi Cục Thống kê Hàn Quốc bắt đầu cung cấp số liệu hàng quý về tổng tỷ suất sinh.[14] Hiện tượng này có thể được lý giải bằng việc nhiều người trẻ trì hoãn hoặc từ bỏ việc sinh con trong bối cảnh suy thoái kinh tế và giá nhà tăng cao.[15]

Các cuộc thăm dò liên tục nhấn mạnh kinh tế là mối quan tâm hàng đầu của cử tri Hàn Quốc. Điều kiện kinh tế tiếp tục diễn biến theo hướng xấu đi có thể làm trầm trọng hơn các tình trạng trên cũng như các vấn đề xã hội khác, đồng thời làm suy giảm sự ủng hộ trong nước vốn đã mong manh dành cho chính quyền ông Yoon trước cuộc tổng tuyển cử vào năm sau.[16]

1.3. Về an ninh – quốc phòng

Về vấn đề an ninh, trong năm nay, Tổng thống Yoon Suk-yeol đã công bố “Chiến lược An ninh Quốc gia” mới của Hàn Quốc với mục đích nhấn mạnh tầm nhìn quốc gia với vai trò quan trọng toàn cầu vì tự do, hòa bình và thịnh vượng. Tài liệu tập trung vào việc đối mặt với thách thức cấp bách nhất là sự tiếp tục phát triển năng lực hạt nhân của Triều Tiên. Hàn Quốc cam kết tăng cường năng lực quốc phòng và củng cố quan hệ liên minh với Mỹ, Nhật Bản cũng như tạo môi trường chiến lược khuyến khích đàm phán với Triều Tiên.

Đồng thời, Chiến lược đề xuất chuyển đổi mối quan hệ với Nhật Bản từ xa cách sang hợp tác hướng tới tương lai và thúc đẩy mối quan hệ lãnh thổ với Trung Quốc dựa trên sự tôn trọng và cộng tác. Hàn Quốc cũng nhìn nhận ASEAN là đối tác quan trọng và cam kết đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng quốc tế, đồng thời bảo vệ giá trị và duy trì trật tự quốc tế. Chiến lược mới được đánh giá là bước quan trọng, tập trung vào thách thức an ninh phức tạp và định hình vai trò của Hàn Quốc trong cộng đồng quốc tế.[17][18]

2. Những hoạt động đối ngoại

2.1. Quan hệ với Mỹ

Năm 2023 là một năm đặc biệt trong quan hệ giữa Hàn Quốc và Mỹ khi đánh dấu 70 năm hai nước chính thức thiết lập quan hệ đồng minh. Nhìn chung, mối quan hệ Mỹ – Hàn đã có sự phát triển sâu rộng hơn trên nhiều lĩnh vực trong năm vừa rồi. Hai nước (1) thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp để thắt chặt quan hệ song phương, (2) tăng cường hợp tác kinh tế – công nghệ, (3) đẩy mạnh hợp tác an ninh – quốc phòng.

(1) Thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp để thắt chặt quan hệ song phương

Trong năm 2023, Hàn Quốc và Mỹ đã có nhiều cuộc trao đổi đoàn các cấp để thắt chặt quan hệ song phương, trong đó có thể kể đến chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Yoon Suk-yeol vào tháng 4/2023 và chuyến thăm Hàn Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin vào tháng 11/2023. Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Hàn trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Yoon Suk-yeol, hai nhà lãnh đạo đã đưa các tuyên bố chung định hướng cho sự phát triển của liên minh trong tương lai. Trong tuyên bố đầu tiên, hai bên đã chia sẻ quan điểm chung về các mối đe dọa an ninh cả truyền thống lẫn phi truyền thống, bao gồm tình hình ở Ukraine và eo biển Đài Loan. Tuyên bố Washington thì tập trung thẳng vào các mối đe dọa do Triều Tiên gây ra và hai bên cam kết tăng cường hợp tác song phương để đối phó với vấn đề này.[19] Đặc biệt, hai nước đã thống nhất trong việc Mỹ sẽ tăng cường “răn đe mở rộng” còn Hàn Quốc sẽ không phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi liên minh Mỹ – Hàn là “trụ cột của an ninh và thịnh vượng của khu vực”. Đối với Tổng thống Yoon Suk-yeol, ông gọi đây là một mối quan hệ đối tác lâu dài dựa trên các giá trị chung về tự do và dân chủ.[20]

(2) Tăng cường hợp tác kinh tế – công nghệ

Trên cơ sở Hiệp định thương mại tự do Hàn Quốc – Mỹ (KORUS FTA), hai nước tăng cường mối quan hệ giữa các công ty Mỹ và Hàn Quốc, mở rộng chuỗi cung ứng cho nhiều loại hàng hóa thông qua Đối thoại Thương mại và Chuỗi Cung ứng Mỹ – Hàn (SCCD) và thành lập các ủy ban chính phủ giám sát việc thực hiện và phát triển trong lĩnh vực kinh tế.[21] Ngoài ra, hai bên tiếp tục duy trì các khoản đầu tư lớn vào nhau. Cụ thể, Mỹ vẫn là điểm đến đầu tư hàng đầu của Hàn Quốc từ năm 2021 đến nay. Đồng thời, Mỹ cũng là nhà đầu tư lớn thứ hai của Hàn Quốc. Hai quốc gia hiện đang tăng cường hợp tác trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC).[22]

Về lĩnh vực công nghệ, hai nước tăng cường hợp tác an ninh mạng thông qua việc đồng ý thiết lập Khung Hợp tác An ninh Mạng Chiến lược Song phương để cùng nhau đối phó với các mối đe dọa trên không gian mạng.[23] Đồng thời, Hàn Quốc và Mỹ cũng khởi động một cuộc đối thoại công nghệ mới liên quan đến công nghệ sinh học, sản xuất sinh học, pin, chất bán dẫn, công nghệ kỹ thuật số và lượng tử. Bên cạnh đó, hợp tác trong việc khám phá vũ trụ cũng được đẩy mạnh.[24] Hai nước đã tổ chức thành công Diễn đàn Không gian chung vào ngày 06-07/11 để trao đổi cách thức trong việc khám phá và thám hiểm không gian, trong đó bao gồm không gian vũ trụ.[25]

(3) Thúc đẩy hợp tác an ninh – quốc phòng

Tầm nhìn về an ninh – quốc phòng của Hàn Quốc và Mỹ là hướng tới một bán đảo Triều Tiên hòa bình và một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Đối với mối đe dọa hạt nhân đến từ Triều Tiên, hai nước đối phó bằng cách khởi động Nhóm tư vấn hạt nhân (NCG) để lên kế hoạch dự phòng và thảo luận các phương án ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hạt nhân như tăng cường răn đe mở rộng. Hàn Quốc và Mỹ cũng khẳng định cam kết của mình đối với Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và xem đó là nền tảng cho việc giải trừ vũ khí hạt nhân hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân vì mục đích hòa bình.[26] Ngoài ra, hai nước cũng tăng cường các cuộc tập trận chung để nâng cao khả năng phòng thủ tổng hợp của mình, trong đó có thể kể đến tập trận Lá chắn Tự do Ulchi và tập trận Lá chắn Chiến binh. Đây được xem là 2 cuộc tập trận lớn nhất của liên minh Mỹ – Hàn trong vòng 5 năm trở lại đây.[27] Các cuộc tập trận được tổ chức với nhiều hoạt động huấn luyện kết hợp mô phỏng kịch bản của cuộc chiến tranh tổng lực và có sự tham gia của nhiều máy bay ném bom chiến đấu của Mỹ như B-52, B-1, F-16.[28][29] Ngoài ra, tàu sân bay USS Nimitz, USS Carl Vinson và các tàu ngầm USS Annapolis, USS Kentucky của Mỹ cũng đã xuất hiện ở Hàn Quốc, thể hiện trạng thái sẵn sàng đáp trả của liên minh Mỹ – Hàn trước các mối đe dọa.[30][31][32]

Đối với tầm nhìn về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, hai nước thống nhất hợp tác để nâng cao vai trò của trong việc giải quyết các thách thức an ninh quan trọng tại khu vực, bảo vệ các giá trị hòa bình, tự do, dân chủ và duy trì trật tự khu vực dựa trên luật lệ. Để làm được điều này, hai nước sẽ sử dụng Nhóm công tác hợp tác khu vực (RCWG) để nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải và tăng cường hợp tác quốc phòng với các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khác.[33] Đồng thời, trong cuộc gặp tháng 11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Shin Won-sik cũng thừa nhận tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác an ninh ba bên với Nhật Bản theo các nguyên tắc Trại David.[34]

2.2 Quan hệ với Trung Quốc

Quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc trong năm 2023 được ghi nhận có sự (1) gia tăng căng thẳng trong chính trị – ngoại giao, (2) tình trạng thâm hụt thương mại kéo dài và có sự cạnh tranh trong kinh tế. Tuy nhiên, (3) Hàn Quốc vẫn tìm cách ổn định mối quan hệ với Trung Quốc và thận trọng trong việc đối đầu với nước này.

(1) Gia tăng căng thẳng trong chính trị – ngoại giao

Hàn Quốc nhiều lần nhận sự chỉ trích từ phía Trung Quốc khi liên minh chặt chẽ hơn với Mỹ, nỗ lực hàn gắn mối quan hệ với Nhật Bản và lên tiếng về vấn đề Đài Loan. Cụ thể, sau hội nghị thượng đỉnh giữa ba bên Hàn – Mỹ – Nhật, Trung Quốc đã chỉ trích đây là sự nỗ lực thành lập nhiều bè phái khác nhau và đưa sự đối đầu giữa các khối vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương làm gia tăng căng thẳng tại đây.[35] Ngoài ra, vào tháng 4/2023, trong một cuộc phỏng vấn, Tổng thống Hàn Quốc đã gọi vấn đề Đài Loan là vấn đề toàn cầu.[36] Điều này đã khiến Trung Quốc phản ứng gay gắt và yêu cầu Hàn Quốc tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc và thận trọng trong lời nói cũng như hành động đối với vấn đề Đài Loan.[37]

(2) Tình trạng thâm hụt thương mại kéo dài và có sự cạnh tranh trong kinh tế

Mặc dù Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc nhưng cán cân thương mại của Hàn Quốc với Trung Quốc cũng ghi nhận mức thâm hụt kéo dài trong năm 2023.[38] Theo số liệu thống kê vào tháng 11 của Bộ Thương mại Hàn Quốc, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Hàn Quốc, chiếm 21,4%.[39] Tuy nhiên, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc có xu hướng giảm trên đa dạng lĩnh vực mà tiêu biểu là lĩnh vực bán dẫn (giảm 44,5% trong quý 1 năm 2023).[40][41] Ngoài ra, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng có sự cạnh tranh trong nhiều ngành công nghiệp. Chẳng hạn, Trung Quốc đã vượt Hàn Quốc trở thành nhà sản xuất màn hình lớn nhất thế giới vào năm 2021 và vào tháng 5 năm nay, Hàn Quốc đã công bố kế hoạch đầu tư 66 nghìn tỷ won (51,7 tỷ USD) để giành lại vị trí số 1 trên thị trường màn hình toàn cầu vào năm 2027. Sự cạnh tranh này đã thay đổi mối quan hệ kinh tế giữa Hàn Quốc và Trung Quốc từ “đối tác bổ sung” sang “đối thủ cạnh tranh”, theo quan điểm của Cho Young-nam, giáo sư chuyên nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Seoul.

(3) Tìm cách ổn định quan hệ song phương, thận trọng trong việc đối đầu

Mặc dù có những căng thẳng, Hàn Quốc vẫn tìm cách ổn định quan hệ với Trung Quốc. Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin đã nhấn mạnh Hàn Quốc muốn xây dựng mối quan hệ với Trung Quốc dựa trên lợi ích chung và có sự tôn trọng lẫn nhau. Đồng thời, ông cũng khẳng định quan hệ đối tác Hàn Quốc – Mỹ – Nhật Bản sẽ không gây tổn hại đến mối quan hệ song phương giữa hai nước.[42] Trong vấn đề Triều Tiên, Hàn Quốc cũng thể hiện sự thận trọng đối với nhân tố Trung Quốc khi kêu gọi nước này thể hiện vai trò mang tính xây dựng chứ không lên tiếng bày tỏ mối lo ngại về việc Trung Quốc hỗ trợ Triều Tiên giống như đồng minh của mình là Mỹ.[43][44] Bên cạnh đó, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng đã đạt được thỏa thuận trong việc tàu đánh cá của Trung Quốc sẽ phải lắp đặt và duy trì hệ thống nhận dạng tự động (AIS) khi đi vào trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Hàn Quốc từ năm 2024. Đây là một động thái được đánh giá là sự nhượng bộ của Trung Quốc đối với Hàn Quốc và góp phần xoa dịu căng thẳng trong quan hệ Hàn – Trung, theo Terence Roehrig, chuyên gia về an ninh quốc gia và Hàn Quốc tại Đại học Y khoa Hàn Quốc.[45]

2.3. Quan hệ với các chủ thể khác

Quan hệ Hàn Quốc – Nhật Bản trong năm 2023 ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực, từ việc hòa giải vấn đề tranh chấp lao động cưỡng bức trong thời kì Thế chiến thứ hai đến chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, sự tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực và mở rộng quan hệ ba bên Hàn Quốc – Mỹ – Nhật Bản. Vào đầu tháng 3, hai nước đã đạt được thỏa thuận trong việc giải quyết tranh chấp về phán quyết của tòa án Hàn Quốc năm 2018 đối với vấn đề sử dụng lao động cưỡng bức người Hàn Quốc của các công ty Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết đây là một bước đi đưa quan hệ hai nước trở lại trạng thái lành mạnh.[46] Chỉ 10 ngày sau đó, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã đến Nhật Bản, đánh dấu lần đầu tiên một tổng thống Hàn Quốc thăm chính thức Nhật Bản sau 12 năm. Về kinh tế, hai nước cũng có những động thái tháo gỡ các rào cản trong hợp tác khi Nhật Bản công bố xóa bỏ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu các nguyên liệu sản xuất chip và màn hình đối với Hàn Quốc và Hàn Quốc cũng đáp lại bằng việc rút đơn khiếu nại Nhật Bản lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Về an ninh, hai nước đã thống nhất nối lại đối thoại quốc phòng và các cuộc đàm phán chiến lược ở cấp thứ trưởng đồng thời tăng cường hợp tác để chống lại mối đe dọa từ Triều Tiên.[47]

Quan hệ Hàn Quốc – ASEAN trong năm 2023 tiếp tục được thúc đẩy, chủ yếu về lĩnh vực chính trị – ngoại giao. Hội nghị Cấp cao ASEAN – Hàn Quốc lần thứ 24 đã diễn ra vào ngày 06/9/2023. Phát biểu tại Hội nghị, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol khẳng định sự ủng hộ của Hàn Quốc đối với vai trò trung tâm của ASEAN, điều đó được thể hiện qua việc cho ra đời Sáng kiến Đoàn kết ASEAN – Hàn Quốc (KASI).[48] Đồng thời, Hàn Quốc cam kết sẽ cùng ASEAN phát triển mối quan hệ đối tác một cách toàn diện trong tương lai. Ngoài ra, hai bên cũng thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao ASEAN – Hàn Quốc về việc hợp tác dựa trên Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP) và thể hiện sự mong muốn triển khai hiệu quả Tuyên bố chung nhằm tăng cường hợp tác giữa ASEAN và Hàn Quốc.[49]

3. Tổng quan quan hệ Hàn Quốc – Việt Nam năm 2023

3.1. Về chính trị – ngoại giao

Sau một hành trình lịch sử hơn 30 năm, Việt Nam và Hàn Quốc bắt đầu từ việc thiết lập mối quan hệ ngoại giao năm 1992, cả hai quốc gia đã duy trì và nâng cấp lên mối quan hệ Đối tác Toàn diện vào năm 2001. Sau nhiều nỗ lực cả hai nước đã tiếp tục tiến tới quan hệ Đối tác Chiến lược vào năm 2009, và mối quan hệ song phương Việt Nam – Hàn Quốc đã đạt tới mức độ cao nhất là Đối tác Chiến lược Toàn diện vào 12/2022.

Trên tinh thần mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước, một số vấn đề được Việt Nam – Hàn Quốc đã trao đổi về chính trị đối ngoại, hai bên nhất trí tiếp tục duy trì thường xuyên giao lưu, tiếp xúc, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, qua đó không ngừng củng cố tin cậy chính trị và làm sâu sắc quan hệ lãnh đạo cấp cao hai nước, cùng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.[50] Có thể thấy, Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc Yoon Suk Yeol đã thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 22-24/6/2023.[51] Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol kể từ khi Tổng thống Hàn Quốc nhậm chức. Chuyến thăm này đã mang lại ý nghĩa rất lớn và quan trọng trong năm đầu tiên sau khi nâng cấp mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam – Hàn Quốc, và thể hiện tính chất đặc biệt của mối quan hệ và tạo ra xung lực mới, góp phần mở rộng không gian hợp tác cho quan hệ Việt Nam- Hàn Quốc ra tầm khu vực và quốc tế.[52] Mối quan hệ song phương Việt Nam – Hàn Quốc ngày càng phát triển dựa trên tinh thần cùng hợp tác phát triển, tin tưởng lẫn nhau, hai bên cùng có lợi, và luôn coi Hàn Quốc là đối tác hàng đầu trong việc hợp tác và chính trị ngoại giao.

Về lĩnh vực hợp tác, Việt Nam hoan nghênh đánh giá cao các đóng góp thực chất, hiệu quả của Hàn Quốc và sẵn sàng phối hợp chặt chẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững của Tiểu vùng Mê Công thông qua hai khuôn khổ hợp tác ASEAN-Hàn Quốc và Mê Công-Hàn Quốc.[53] Có thể thấy, hai nước vẫn luôn nỗ lực tăng cường hợp tác và đóng góp cho hòa bình, phát triển chung trong khu vực Châu Á nói riêng và thế giới nói chung, nhất trí phối hợp chặt chẽ trong các diễn đàn quốc tế như hợp tác ASEAN – Hàn Quốc, Mê Công – Hàn Quốc, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC). Việt Nam – Hàn Quốc sẵn sàng hợp tác tại các diễn đàn đàn đa phương, không chỉ mang lại hình ảnh tốt đẹp cho mối quan hệ song phương mà còn đem lại sự hợp tác mạnh mẽ hơn trong tương lai. Ngoài ra, hai nước cũng khẳng định nỗ lực việc hợp tác về thương mại và đầu tư thông qua các hiệp định như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) để thúc đẩy và phát triển nền kinh tế giữa hai quốc gia.

Hợp tác chiến lược trong lĩnh vực ngoại giao và an ninh, hai bên nhất trí tiếp tục ủng hộ lập trường ASEAN về bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.[54] Việt Nam và Hàn Quốc luôn tuân thủ các luật pháp quốc tế và các hiệp định mà hai nước đã ký kết nhằm đảm bảo an ninh và thúc đẩy mối quan hệ song phương ngày càng cao hơn. Hai nước luôn nỗ lực trao đổi và lắng nghe các chiến lược thông qua các buổi hội đàm thường kỳ giữa các bộ trưởng Bộ ngoại giao và Bộ Quốc phòng.

Về giao lưu nhân dân, cộng đồng đông đảo khoảng 250 ngàn người Việt Nam sống tại Hàn Quốc và khoảng 200 ngàn người Hàn Quốc sinh sống tại Việt Nam góp phần vào sự giao lưu văn hoá và hiểu biết giữa hai quốc gia.[55] Văn hoá đại chúng Hàn Quốc đang được phổ biến và đón nhận rộng rãi bởi giới trẻ Việt Nam thông qua phim ảnh, âm nhạc, ẩm thực, thời trang…Đặc biệt, tiếng Hàn là ngôn ngữ ngày càng phổ biến để học vì chính phủ hai nước cũng đã thỏa thuận đưa ngôn ngữ Hàn Quốc vào giảng dạy tại các trường Đại học ở Việt Nam. Chính nhờ việc ngoại giao tích cực từ hai phía, Việt Nam – Hàn Quốc không chỉ nỗ lực hợp tác giữa các lãnh đạo cấp cao mà còn đem lại hình ảnh hợp tác và giao lưu nhân dân vô cùng tích cực.

3.2. Kinh tế – xã hội

Hợp tác kinh tế luôn là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc. Hàn Quốc hiện giữ vị trí số 1 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng giá trị đầu tư hơn 80 tỷ USD thông qua hơn 9500 dự án.[56] Đặc biệt, xét về số dự án, Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 26,7%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 28,5%), theo Cục Đầu tư nước ngoài trực thuộc Bộ Công Thương.[57] Trong năm 2023, Việt Nam tiếp tục tích cực đón nhận nhiều làn sóng đầu tư từ các tập đoàn lớn của Hàn Quốc. Khánh thành từ tháng 6 năm nay với vốn đầu tư 643 triệu USD, Lotte Mall Tây Hồ Hà Nội hiện là dự án lớn nhất của Lotte kể từ khi hoạt động tại Việt Nam. Lotte được cho là đã chuyển khoảng 5 tỷ USD vào Việt Nam và con số này dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng.[58]

Hiện nay, Hàn Quốc đang là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam, theo sau Trung Quốc và Mỹ. 5 tháng đầu năm 2023, thương mại 2 nước suy giảm đáng kể bởi sự suy giảm kinh tế toàn cầu và lạm phát. Xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 9,6 tỷ USD, giảm 7,1%, nhập khẩu đạt 20,4 tỷ USD, giảm sâu 26,8% so với cùng kỳ, nhập siêu từ Hàn Quốc 10,8 tỷ USD, giảm 38,3%.[59] Tuy nhiên, dấu hiệu phục hồi đã được ghi nhận ở tháng 6. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc trong tháng 6/2023 đạt 1,8 tỷ USD, tăng 15% so với tháng trước đó, theo số liệu thống kê của Tổng cục hải quan.[60] Tổng kết cả 3 năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 180 tỷ USD, tăng 10% so với quý trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 94,62 tỷ USD và có tới 15 mặt hàng xuất khẩu đạt trị giá từ 1 tỷ USD.[61] Trong thời gian tới, Việt Nam và Hàn Quốc được cho là vẫn tiếp tục duy trì và thúc đẩy hơn nữa những hợp tác có lợi cho cả hai. Mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào thời gian sớm và hướng tới mục tiêu 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng, bền vững vẫn liên tục được thúc đẩy mạnh mẽ qua Hiệp định thương mại tự do song phương (VKFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). [62]

Ngoài ra, Hàn Quốc cũng là thị trường tiếp nhận lao động lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Đài Loan). Hiện nay, có đến hơn 48.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc, với thu nhập bình quân khoảng  1.500-2.000 USD/tháng. Theo dự kiến trong năm nay, 10000 người Việt Nam sẽ sang làm việc tại Hàn Quốc theo Biên bản ghi nhớ lao động Việt Nam sang Hàn Quốc theo chương trình Hệ thống cấp phép lao động (EPS). Là một trong những nội dung quan trọng tạo tiền đề cho chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc Lee Jung Sik đã cùng làm việc để thỏa thuận thúc đẩy sự mở rộng hợp tác về lao động, việc làm và đào tạo nghề này. [63]

Có thể thấy, kinh tế là một trong những lĩnh vực được thúc đẩy hợp tác từ cả hai phía, đặc biệt là sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Trong tương lai, sự hợp tác này được dự báo sẽ tiếp tục còn tăng khi nền kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng và trở thành thị trường quan trọng cho các nước và chính Hàn Quốc cũng ngày càng có nhiều động thái tích cực trong đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Ông Nguyễn Minh Vũ, thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhận định rằng Hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc đang bước vào thời kỳ phát triển mới và cộng đồng doanh nghiệp hai nước đang tích cực tìm kiếm những cơ hội mới và điều kiện hợp tác mới với nhiều tiềm năng và triển vọng phát triển.[64]

Về khoa học – công nghệ, cả hai nước cũng có bước phát triển mới. Theo đó, đã có đến các Biên bản ghi nhớ hợp tác về công nghệ như xe điện và công nghệ cao, chất bán dẫn đã được ký kết giữa hai bên trong chuyến thăm cấp nhà nước vào tháng 6 năm nay của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol.[65] Nổi bật là biên bản ghi nhớ thành lập trung tâm chuỗi cung ứng Việt Nam – Hàn Quốc về đất hiếm và khoáng sản cốt lõi, được ký kết nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng ổn định cho các công ty Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam.[66] Nguồn cung khoáng sản được cho là giữ vai trò quan trọng trong việc sản xuất xe điện, chất bán dẫn, điện thoại thông minh và các sản phẩm khác.  Khoa học kỹ thuật luôn là tiền đề quan trọng để đưa mối quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc phát triển hơn nữa thông qua những sự mở rộng về thúc đẩy hợp tác và ký kết các thỏa thuận.

Doanh nghiệp lớn trong ngành bán dẫn Hàn Quốc – Hana Micron cũng đã khánh thành nhà máy thứ 2 tại tỉnh Bắc Giang, trong Khu công nghiệp Vân Trung. Với dự án này, tổng vốn đầu tư của Hana Micron tại Việt Nam hiện đạt 600 triệu USD. Nhà máy đầu tiên của tập đoàn được mở vào năm ngoái chuyên sản xuất bộ phận mạch tích hợp (IC) cho điện thoại di động và các thiết bị điện tử thông minh khác.[67]

Cả hai nước cũng nhất trí phát triển các nguồn năng lượng của Việt Nam, trong đó có khí đốt tự nhiên và hydro. Tập đoàn Gas Corp. của Hàn Quốc cũng đã ký các biên bản ghi nhớ với tập đoàn T&T và PV Power của Việt Nam để hợp tác trong các dự án điện khí tự nhiên hóa lỏng. Ngoài ra, công ty năng lượng SKE&S Hàn Quốc, đã ký biên bản ghi nhớ với PVN của Việt Nam để thành lập doanh nghiệp kinh doanh hydro. Hiện nay, Tập đoàn này cũng đã mở văn phòng đại diện ở TP. Hồ Chí Minh, điều này cho thấy những dấu hiệu tích cực trong hợp tác của hai nước và sẵn sàng cho những bước tiến của hợp tác cả khu vực trong tương lai.

3.3. An ninh – quốc phòng

Hợp tác an ninh quốc phòng và an ninh phi truyền thống trong mối quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc là một trụ cột quan trọng trong tổng thể quan hệ hai nước. Trong những năm qua, hợp tác này đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần đảm bảo an ninh, hòa bình, ổn định và phát triển ở mỗi nước cũng như là trong khu vực. Trong năm 2023, nội dung này tiếp tục được đẩy mạnh và đi vào chiều sâu với nhiều nội dung cụ thể.

 (1) An ninh truyền thống

Về hợp tác an ninh-quốc phòng, với cơ chế trao đổi đối thoại quốc phòng thường niên, Việt Nam và Hàn Quốc đã và đang có những thoả thuận hợp tác trong các hoạt động an ninh hàng hải, công nghiệp quốc phòng, hậu cần quân sự,… Hàn Quốc đã hỗ trợ tăng cường năng lực hàng hải cho Việt Nam thông qua việc chuyển giao hai tàu hộ tống lớp Pohang đã qua sử dụng cho Hải quân Nhân dân Việt Nam.[68] Đặc biệt, Hàn Quốc đứng thứ 3 trong số 5 nhà cung cấp vũ khí lớn cho Việt Nam (sau Nga và Israel).

Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Yoon Suk Yeol ngày 23/6, hai bên đã nhấn mạnh, tăng cường hợp tác trong phòng chống tội phạm xuyên biên giới, chống khủng bố và giải quyết các thách thức an ninh, tái khẳng định ủng hộ quan điểm của ASEAN trong bảo vệ an ninh, an toàn ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)[69], theo dõi chặt chẽ tình hình Bán đảo Triều Tiên, thúc đẩy và tham gia tích cực vào tiến trình phi hạt nhân hóa khu vực này. [70] Việt Nam và Hàn Quốc đã ký 17 thỏa thuận với nhau về một số vấn đề, từ khoáng sản quan trọng đến lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, tăng cường quan hệ công nghiệp quốc phòng và hợp tác an ninh ở Biển Đông. Hàn Quốc là một trong nhiều quốc gia đang thảo luận về khả năng bán vũ khí cho Việt Nam nhằm tìm cách hiện đại hóa kho vũ khí của mình.[71]

Trong tương lai, hợp tác an ninh quốc phòng giữa Việt Nam và Hàn Quốc tiếp tục được đẩy mạnh và đi vào chiều sâu, với nhiều nội dung hợp tác cụ thể về quốc phòng an ninh, thúc đẩy hợp tác thực chất, chuyển giao công nghệ trong công nghiệp quốc phòng, đẩy mạnh hợp tác xử lý tội phạm xuyên quốc gia, phòng chống khủng bố, ứng phó với các thách thức an ninh trong khu vực. Hàn Quốc sẽ hỗ trợ các khoản viện trợ không hoàn lại với quy mô là 200 triệu đô la mỹ trong 3 năm tới cho các lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu, Y tế, giáo dục, chuyển đổi số. Hai nước cũng đã duy trì nhiều cơ chế đối thoại chiến lược về chính trị, an ninh-quốc phòng, ký kết các bản ghi nhớ hợp tác về bảo mật, an toàn thông tin, bảo mật thông tin quân sự và Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng đến năm 2030.[72]

(2) An ninh phi truyền thống

Lãnh đạo hai nước đã cùng nhau nhận định rằng các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế, an ninh trên môi trường biển là nhiệm vụ quan trọng của cả hai quốc gia. Do đó, hai bên đề cao vai trò của hợp tác song phương chặt chẽ trong việc giải quyết những thách thức này.[73] Đồng thời, đề ra định hướng tăng cường năng lực ứng phó chung đối với các tình huống khẩn cấp, tiếp tục phối hợp lập trường trên các vấn đề quốc tế cùng quan tâm, chung lợi ích. Hợp tác về lao động và du lịch cũng được chú ý. Về hợp tác tài nguyên môi trường, Việt Nam và Hàn Quốc nhất trí hợp tác bảo vệ môi trường gắn với tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với cam kết của Việt Nam tại COP 26.[74]

Việc đẩy mạnh hợp tác an ninh quốc phòng giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh, hòa bình, ổn định và phát triển ở mỗi nước cũng như ở khu vực. Nhìn chung, quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh phi truyền thống năm 2023 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hai bên đã tiếp tục tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực nói trên, góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền và lợi ích quốc gia của hai nước.

4. Tổng kết

4.1. Nhận xét và đánh giá

Tính đến năm 2023, Hàn Quốc đã duy trì quan hệ ngoại giao với 191 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kể từ khi Tổng thống Yoon Suk-yeol nhậm chức vào năm 2022, chính sách đối nội và đối ngoại của Hàn Quốc đã có nhiều thay đổi so với người tiền nhiệm trước đó. Sự thay đổi này là cần thiết đặt trong bối cảnh quan hệ quốc tế trải qua nhiều biến động. Tại bán đảo Triều Tiên, tình trạng chạy đua vũ trang hạt nhân tiếp tục gia tăng, gây nên bầu không khí căng thẳng bao trùm khu vực. Trên thế giới, mâu thuẫn Nga – Ukraine tạo ra những tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt thương mại vốn đã diễn ra trước đó tại Hàn Quốc. Theo Cơ quan Hải quan Hàn Quốc (KCS), xung đột Nga – Ukraine ảnh hưởng đến sự leo thang giá cả của nguyên vật liệu quốc tế (dầu thô, khí đốt, và than đá), khiến nhập khẩu Hàn Quốc tăng vọt trong khi xuất khẩu bị thu hẹp lại do kinh tế toàn cầu đình trệ.[75] Bên cạnh đó, cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung đặt Hàn Quốc vào vị thế hợp tác sâu rộng với Mỹ, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi những động thái cứng rắn hơn trong quan hệ với Trung Quốc. Đặc biệt, trong năm 2023, bên cạnh các đối tác đồng minh lâu đời, Hàn Quốc còn nhấn mạnh trọng tâm hợp tác tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như bước phát triển của “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” được công bố năm 2022.

Nhằm đối mặt và ứng phó trước những yêu cầu đặt ra của thời đại, Hàn Quốc đã triển khai các chính sách và hành động hướng đến giải quyết các thách thức và xây dựng tiềm lực phát triển quốc gia. Một trong những động thái nhận được nhiều sự quan tâm nhất trong năm vừa qua là vấn đề củng cố an ninh Mỹ – Nhật – Hàn tại Hội nghị Thượng đỉnh giữa ba quốc gia vào ngày 18/08 tại Trại David. Phó cố vấn An ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Tae Hyo nhận định rằng đây sẽ là cột mốc “lịch sử ngoại giao thế kỷ 21, mở ra một chương mới cho hợp tác ba bên”.[76] Tại Hội nghị, cả ba đã cam kết hợp tác sâu rộng trên lĩnh vực an ninh và kinh tế, kịp thời tham khảo ý kiến ​​của nhau trong các cuộc khủng hoảng và phối hợp ứng phó trước các thách thức, hành động khiêu khích và các mối đe dọa trong khu vực ảnh hưởng đến lợi ích chung. Đồng thời, cả ba quốc gia cùng thống nhất tổ chức các cuộc tập trận quân sự hàng năm và đảm bảo chia sẻ thông tin về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vào cuối năm 2023.[77] Để giải quyết vấn đề Trung Quốc và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, các mối quan ngại của ba bên đã trở nên phức tạp hơn, đáng chú ý nhất là trong lĩnh vực “an ninh kinh tế”. Xây dựng dựa trên việc nhắc lại mối lo ngại an ninh ba bên đối với “các hành vi nguy hiểm và hung hăng” của Trung Quốc ở vùng biển Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Biển Đông, và eo biển Đài Loan, tuyên bố của Trại David đã đưa ra các khuôn khổ và cơ chế tham vấn mới trong lĩnh vực tài chính, chuỗi cung ứng và công nghệ.[78] Đây được xem là một nỗ lực nhằm “thể chế hoá” hợp tác an ninh giữa ba bên, đánh dấu bước khởi đầu mới trong quá trình nối lại mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, và làm sâu sắc thêm mối quan hệ thân thiết đã thể hiện với Mỹ trước đó.

Tuy nhiên, động thái trên đã tạo nên làn sóng phẫn nộ tại Trung Quốc, Triều Tiên và Nga. Theo Global Times, Hội nghị Thượng đỉnh không chỉ làm gia tăng mâu thuẫn tại bán đảo Triều Tiên và các cuộc đối đầu tại khu vực Đông Bắc Á mà còn làm trầm trọng thêm những vấn đề tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, ảnh hưởng đến an ninh và hoà bình khu vực. Và Zhan Debin, hiện đang là giám đốc và giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Bán đảo Triều Tiên, cho rằng Hàn Quốc sẽ là quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ sự bất ổn này. [79] Trước những chỉ trích về hành động của Trung Quốc tại Biển Đông nêu lên trong Hội nghị, Lü Chao, chuyên gia về các vấn đề Bán đảo Triều Tiên tại Học viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh, đã gọi sự kiện này là phát súng mở đầu cho một thời kỳ chiến tranh lạnh mới.[80] Trong khi đó, Chủ tịch nước Triều Tiên Kim Jong Un đã xem đây là hành động mang tính “băng đảng” góp phần gia tăng sự bất ổn và nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Về phía Nga, Đại sứ Nga tại Triều Tiên Aleksandr Matsegora tiết lộ khả năng rằng Trung Quốc, Triều Tiên và Nga có thể sẽ thực hiện các cuộc tập trận quân sự ba bên như một sự trả đũa cho những gì diễn ra tại Trại David.[81] Tựu trung, những nỗ lực nâng cao hợp tác giữa đồng minh ba bên Mỹ – Nhật – Hàn là chất xúc tác giúp thu hẹp khoảng cách quan hệ đồng minh giữa Nga, Trung Quốc và Triều Tiên. Nếu Hàn Quốc tiếp tục thể hiện lập trường cứng rắn đối với những vấn đề nóng ở khu vực thì quốc gia này sẽ cần có sự chuẩn bị trước những tác động, cả tích cực và tiêu cực, mà lập trường này mang lại.

4.2. Triển vọng quan hệ Việt – Hàn

Trong suốt chặng đường hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc đã trải qua nhiều thăng trầm với những dấu mốc quan trọng, từ Đối tác toàn diện năm 2001 đến Đối tác chiến lược năm 2009 và Đối tác chiến lược toàn diện năm 2022. Như lời của Tổng thống Yoon Suk Yeol bày tỏ trong chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Hàn Quốc vào năm 2022: “Chúng ta sẽ mở ra thời kỳ mới trong quan hệ Hàn Quốc-Việt Nam thông qua nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện. Chính phủ hai nước sẽ hợp tác chặt chẽ và thực hiện các phương án hợp tác đa dạng”.[82] Mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam – Hàn Quốc được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa,… Hiện nay, mối quan hệ ngày càng trở nên gắn bó và chặt chẽ khi Hàn Quốc khẳng định Việt Nam là đối tác trọng tâm trong việc triển khai chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và sáng kiến Đoàn kết Hàn Quốc – ASEAN của Hàn Quốc vì tự do, hòa bình và thịnh vượng. Về phía mình, Việt Nam cũng hoan nghênh Hàn Quốc trở thành quốc gia toàn cầu, phát huy vai trò quan trọng tại khu vực và trên thế giới. Với những động thái tích cực hiện nay và sự thúc đẩy từ các thỏa thuận, mối quan hệ đối tác bền vững, đồng lòng đối mặt với những thách thức và tận dụng những cơ hội mới để cùng nhau phát triển, Việt Nam và Hàn Quốc sẽ tiếp tục là đối tác quan trọng hàng đầu của nhau. Sự hợp tác chặt chẽ giữa hai quốc gia không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân mà còn góp phần vào sự ổn định, thịnh vượng của khu vực và toàn cầu.


Tài liệu tham khảo:

[1] Kim, H. (2023, June 21). South Korea’s lesser evil politics . East Asia Forum. Retrieved December 10, 2023, from https://www.eastasiaforum.org/2023/06/21/south-koreas-lesser-evil-politics/

[2] Choe, S. (2023, October 19). Why South Korea Has So Many Protests, and What That Means. The New York Times. Retrieved December 10, 2023, from https://www.nytimes.com/2023/10/19/world/asia/south-korea-protests.html

[3] The Economist. (2023, October 26). South Korean politics is one big row about history. The Economist. Retrieved December 10, 2023, from https://www.economist.com/asia/2023/10/26/south-korean-politics-is-one-big-row-about-history

[4] Stent, D. (2023, September 13). South Korea’s political bifurcation will stifle any trilateral agreement. The Japan Times. Retrieved December 10, 2023, from https://www.japantimes.co.jp/commentary/2023/09/13/japan/south-korea-trilateral-agreemen/

[5] Lee, S. H., & Lee, S. H. (2023, December 7). Will President Yoon’s pro-US foreign policy resonate with South Korea’s domestic politics?. East Asia Forum. Retrieved December 10, 2023, from https://www.eastasiaforum.org/2023/09/24/will-president-yoons-pro-us-stance-resonate-domestically/

[6] Morgan, J., & Yoshida, K. (2024, February 7). Can Yoon Suk-yeol Break South Korea’s Decades-Old Political Curse? The Diplomat. Retrieved December 10, 2023, from https://thediplomat.com/2023/10/can-yoon-suk-yeol-break-south-koreas-decades-old-political-curse/

[7] Lee, S. H., & Lee, S. H. (2023, December 7). Will President Yoon’s pro-US foreign policy resonate with South Korea’s domestic politics?. East Asia Forum. Retrieved December 10, 2023, from https://www.eastasiaforum.org/2023/09/24/will-president-yoons-pro-us-stance-resonate-domestically/

[8] Kim, H. (2023, June 21). South Korea’s lesser evil politics . East Asia Forum. Retrieved December 10, 2023, from https://www.eastasiaforum.org/2023/06/21/south-koreas-lesser-evil-politics/

[9] Eun-Byel, I. (2023, October 27). South Korean economy continues slow, steady recovery in third quarter of 2023. Asia News Network. Retrieved December 10, 2023, from https://asianews.network/south-korean-economy-continues-slow-steady-recovery-in-third-quarter-of-2023/

[10] Fitch Group. (2023, November 6). South Korea’s Economy To Pick Up In 2024. Fitch Solutions. Retrieved December 10, 2023, from https://www.fitchsolutions.com/country-risk/south-koreas-economy-pick-2024-06-11-2023?fSWebArticleValidation=true&mkt_tok=NzMyLUNLSC03NjcAAAGPmmNjHMHDnUkymMVLWRtmKNF78FwULDj39QBIdvE_OCHnyrdlIMugAnvnSgNpUM1Rn56LcSALnr_dHCPju7NaqkpQzGykc13jB6up0CcRg1JquEQtPQ

[11] Lee, S. J. (2023, August 4). [ADRN Issue Briefing] Strengthening South Korean Value Diplomacy for U.S.-South Korean Normative Alignment. East Asia Institute. Retrieved December 10, 2023, from https://www.eai.or.kr/new/en/pub/view.asp?intSeq=22039&board=eng_issuebriefing

[12] Vân Anh. (2023, October 15). Nền kinh tế Hàn Quốc có dấu hiệu bước vào giai đoạn phục hồi. VietnamPlus. Retrieved December 10, 2023, from https://www.vietnamplus.vn/nen-kinh-te-han-quoc-co-dau-hieu-buoc-vao-giai-doan-phuc-hoi-post902287.vnp

[13] Khánh Linh. (2023, August 29). Hơn một nửa thanh niên thất nghiệp ở Hàn Quốc có bằng đại học. VNExpress. Retrieved December 11, 2023, from https://vnexpress.net/hon-mot-nua-thanh-nien-that-nghiep-o-han-quoc-co-bang-dai-hoc-4647142.html

[14] Hoàng Phương Ly. (2023, August 31). Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc lại ghi nhận mức thấp nhất lịch sử. . .Liệu năm nay có tụt xuống mức 0.6 hay không?. Kinh Tế AJU. Retrieved December 11, 2023, from https://vietnam.ajunews.com/view/20230831170202744#:~:text=K%E1%BA%BFt%20qu%E1%BA%A3%20th%E1%BB%91ng%20k%C3%AA%20g%E1%BA%A7n,th%E1%BB%83%20t%E1%BB%A5t%20xu%E1%BB%91ng%20m%E1%BB%A9c%200.6

[15] KG. (2023, February 22). Tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc thấp chưa từng có. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Retrieved December 11, 2023, from https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/ty-le-sinh-tai-han-quoc-thap-chua-tung-co-632131.html

[16] Lee, S. (2023, September 24). Will President Yoon’s pro-US foreign policy resonate with South Korea’s domestic politics?. East Asia Forum. Retrieved December 11, 2023, from https://www.eastasiaforum.org/2023/09/24/will-president-yoons-pro-us-stance-resonate-domestically/

[17] Hoàng Vũ. (2023, June 13). Hàn Quốc đặt mục tiêu trở thành quốc gia quan trọng toàn cầu. Báo Quân đội nhân dân. Retrieved December 11, 2023, from https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/han-quoc-dat-muc-tieu-tro-thanh-quoc-gia-quan-trong-toan-cau-731061

[18] Vĩnh Khang. (2023, June 8). Hàn Quốc công bố Chiến lược An ninh quốc gia, gọi Triều Tiên là mối đe dọa cấp bách nhất. Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh. Retrieved December 11, 2023, from https://plo.vn/han-quoc-cong-bo-chien-luoc-an-ninh-quoc-gia-goi-trieu-tien-la-moi-de-doa-cap-bach-nhat-post736947.html

[19] Waidelich, B. (2023, May 3). What Happened at the Biden-Yoon Summit? CNA. Retrieved December 11, 2023, from https://www.cna.org/our-media/indepth/2023/05/what-happened-at-the-biden-yoon-summit

[20] Terry, S. M. (2023, April 27). The US-Korea Summit: The Future of a 70 Year Alliance. Wilson Center. Retrieved December 11, 2023, from https://www.wilsoncenter.org/article/us-korea-summit-future-70-year-alliance

[21] Cutler, W. (2023, April 25). Strengthening the Economic Pillar of the South Korea-US Alliance. The Diplomat. Retrieved December 12, 2023, from https://thediplomat.com/2023/04/strengthening-the-economic-pillar-of-the-south-korea-us-alliance/

[22] The White House. (2023, April 26). FACT SHEET: Republic of Korea State Visit to the United States. The White House. Retrieved December 12, 2023, from https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2023/04/26/fact-sheet-republic-of-korea-state-visit-to-the-united-states/

[23] Trần Quyên. (2023, November 10). Hàn Quốc-Mỹ tăng cường hợp tác song phương về an ninh mạng. VietnamPlus. Retrieved December 12, 2023, from https://www.vietnamplus.vn/han-quoc-my-tang-cuong-hop-tac-song-phuong-ve-an-ninh-mang-post907143.vnp

[24] The White House. (2023, April 26). FACT SHEET: Republic of Korea State Visit to the United States. The White House. Retrieved December 12, 2023, from https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2023/04/26/fact-sheet-republic-of-korea-state-visit-to-the-united-states/

[25] Thanh Phương. (2023, November 6). Hàn – Mỹ tổ chức Diễn đàn Không gian chung kỷ niệm 70 năm thành lập liên minh. Báo Tin tức. Retrieved December 12, 2023, from https://baotintuc.vn/the-gioi/han-my-to-chuc-dien-dan-khong-gian-chung-ky-niem-70-nam-thanh-lap-lien-minh-20231106152549139.htm

[26] The White House. (2023, April 26). FACT SHEET: Republic of Korea State Visit to the United States. The White House. Retrieved December 12, 2023, from https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2023/04/26/fact-sheet-republic-of-korea-state-visit-to-the-united-states/

[27] (2023, March 25). Hàn Quốc và Hoa Kỳ tổ chức các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn trong bối cảnh mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên gia tăng. Indo-Pacific Defense Forum. Retrieved December 12, 2023, from https://ipdefenseforum.com/vi/2023/03/han-quoc-va-hoa-ky-to-chuc-cac-cuoc-tap-tran-quan-su-quy-mo-lon-trong-boi-canh-moi-de-doa-tu-bac-trieu-tien-gia-tang/

[28] (2023, February 19). U.S. and the ROK conduct combined air training. United States Forces Korea. Retrieved December 12, 2023, from https://www.usfk.mil/Media/Press-Products/Press-Releases/Article/3302633/us-and-the-rok-conduct-combined-air-training/

[29] (2023, March 25). Hàn Quốc và Hoa Kỳ tổ chức các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn trong bối cảnh mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên gia tăng. Indo-Pacific Defense Forum. Retrieved December 12, 2023, from https://ipdefenseforum.com/vi/2023/03/han-quoc-va-hoa-ky-to-chuc-cac-cuoc-tap-tran-quan-su-quy-mo-lon-trong-boi-canh-moi-de-doa-tu-bac-trieu-tien-gia-tang/

[30] Minh Thu. (2023, November 24). Tàu sân bay thứ 3 của Mỹ cập cảng Hàn Quốc trong năm nay. VietNamNet News. Retrieved December 12, 2023, from https://vietnamnet.vn/tau-san-bay-thu-3-cua-my-cap-cang-han-quoc-trong-nam-nay-2217245.html

[31] Thanh Hiền. (2023, July 24). Hai tàu ngầm Mỹ cập cảng Hàn Quốc trong 2 tuần liên tiếp. Báo Tuổi trẻ. Retrieved December 12, 2023, from https://tuoitre.vn/hai-tau-ngam-my-cap-cang-han-quoc-trong-2-tuan-lien-tiep-2023072411160043.htm

[32] Bích Liên. (2023, March 28). Tàu sân bay hạt nhân của Mỹ USS Nimitz cập cảng Hàn Quốc. VietnamPlus. https://www.vietnamplus.vn/tau-san-bay-hat-nhan-cua-my-uss-nimitz-cap-cang-han-quoc-post853765.vnp

[33] The White House. (2023, April 26). FACT SHEET: Republic of Korea State Visit to the United States. The White House. Retrieved December 12, 2023, from https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2023/04/26/fact-sheet-republic-of-korea-state-visit-to-the-united-states/

[34] (2023, November 13). Defense Vision of the U.S.-ROK Alliance. U.S. Department of Defense. https://www.defense.gov/News/Releases/Release/Article/3586528/defense-vision-of-the-us-rok-alliance/

[35] Mari, Y. (2023, August 18). China blasts US-Japan-South Korea summit, warns of “contradictions and increasing tensions”. AP News. Retrieved December 12, 2023, from https://apnews.com/article/china-us-japan-south-korea-6c626a246219c6dc3915ed8a18f34c74

[36] Park, J., Choi, S., Shin, H. (2023, April 20). S.Korea summons Chinese ambassador over reaction to Yoon’s Taiwan remarks. Reuters. Retrieved December 12, 2023, from https://www.reuters.com/world/asia-pacific/skorea-summons-chinese-ambassador-over-reaction-yoons-taiwan-remarks-2023-04-20/

[37] MFA. (2023, April 23). Vice Foreign Minister Sun Weidong Makes Serious Démarch to the ROK Ambassador to China on ROK Leader’s Wrong Words on Taiwan Question. Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China. Retrieved December 12, 2023, from https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/wjbxw/202304/t20230424_11064770.html

[38] https://oec.world/en/profile/country/kor

[39] Kim, S. (2023, November 24). Korean Exports Show China Holds Key to Sustaining a Rebound. Bloomberg. Retrieved December 12, 2023, from https://www.bloomberg.com/news/newsletters/2023-11-21/supply-chain-latest-korea-s-export-recovery-hinges-on-china#xj4y7vzkg

[40] TTXVN. (2023, May 3). Hàn Quốc chứng kiến chuỗi thâm hụt thương mại dài nhất trong 26 năm. VTV Online. Retrieved December 12, 2023, from https://vtv.vn/kinh-te/han-quoc-chung-kien-chuoi-tham-hut-thuong-mai-dai-nhat-trong-26-nam-20230503160623165.htm

[41] Khánh Vân. (2023, March 28). Thặng dư thương mại Hàn Quốc-Trung Quốc đang dần thu hẹp. VietNamPlus. Retrieved December 12, 2023, from https://www.vietnamplus.vn/thang-du-thuong-mai-han-quoc-trung-quoc-dang-dan-thu-hep-post853791.vnp

[42] Lee, H. (2023, August 30). South Korea seeks to stabilize relations with China, Russia. Koreatimes. Retrieved December 12, 2023, from https://www.koreatimes.co.kr/www/nation/2023/11/113_358154.html

[43] Choi, S., & Woo, R. (2023, July 15). South Korea asks China to play ‘constructive role’ against North’s threats. Reuters. Retrieved December 12, 2023, from https://www.reuters.com/world/asia-pacific/south-korea-asks-china-play-constructive-role-against-norths-threats-2023-07-14/

[44] Kim, J., & Park, J. (2023, November 14). UN members concerned China, Russia helping North Korea -US’ Austin. Reuters. Retrieved December 11, 2023, from https://www.reuters.com/world/austin-un-states-concerned-china-russia-helping-north-korea-2023-11-14/

[45] VOA. (2023, November 13). China Bends to Seoul’s Demands on Tracking Fishing Boats. The News Lens International Edition. Retrieved December 11, 2023, from https://international.thenewslens.com/article/186657

[46] Josh, S., Choi, S., Murakami, S. (2023, March 6). South Korea companies to pay to resolve forced labour dispute with Japan. Reuters. Retrieved December 11, 2023, from https://www.reuters.com/world/asia-pacific/south-korea-announce-plans-resolve-forced-labour-dispute-with-japan-2023-03-06/

[47] Yeo, A. (2023, March 17). South Korea-Japan rapprochement creates new opportunities in the Indo-Pacific. Brookings. Retrieved December 11, 2023, from https://www.brookings.edu/articles/korea-japan-rapprochement-creates-new-opportunities-in-the-indo-pacific/

[48] Đỗ Thảo. (2023, September 6). Hàn Quốc cam kết ủng hộ mạnh mẽ vai trò trung tâm của ASEAN. Mekong ASEAN. Retrieved December 15, 2023, from https://mekongasean.vn/han-quoc-cam-ket-ung-ho-manh-me-vai-tro-trung-tam-cua-asean-post26534.html

[49] ASEAN. (2023, September 6). Chairman’s Statement of the 24th ASEAN-Republic of Korea Summit. ASEAN. Retrieved December 15, 2023, from https://asean.org/wp-content/uploads/2023/09/FINAL-Chairmans-Statement-of-the-24th-ASEAN-ROK-Summit.pdf

[50] Minh Anh. (2023, June 23). Quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc có bước tiến triển vượt bậc. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Retrieved December 15, 2023, from https://dangcongsan.vn/thoi-su/quan-he-viet-nam-han-quoc-co-buoc-tien-trien-vuot-bac-640482.html

[51] TTXVN. (2023, June 24). Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hàn Quốc. Báo Tuổi trẻ. Retrieved December 15, 2023, from https://baotintuc.vn/chinh-tri/chuong-trinh-hanh-dong-trien-khai-quan-he-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-viet-nam-han-quoc-20230624142503370.htm

[52] https://vov.vn/chinh-tri/chuyen-tham-mang-y-nghia-dac-biet-cua-tong-thong-han-quoc-tai-viet-nam-post1028227.vov

[53] https://special.nhandan.vn/Quan-he-Vietnam-Hanquoc-Trang-su-moi-tam-cao-moi/index.html

[54] https://dangcongsan.vn/thoi-su/quan-he-viet-nam-han-quoc-co-buoc-tien-trien-vuot-bac-640482.html

[55] “Kỳ cuối: Những triển vọng cho quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc.” 29 thg 9. 2023,

https://ttdn.vn/tin-tuc-su-kien/thoi-su-chinh-tri/ky-cuoi-nhung-trien-vong-cho-quan-he-viet-nam-han-quoc-87488. Ngày truy cập 21 thg 11. 2023.

[56] https://vneconomy.vn/hop-tac-viet-nam-han-quoc-buoc-vao-thoi-ky-phat-trien-moi.htm

[57] https://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/du-an-moi-tang-hon-66-so-cung-ky-fdi-9-thang-vuot-20-ty-usd-111447.htm

[58] https:/./diendandoanhnghiep.vn/lotte-va-tham-vong-o-viet-nam-230004.html

[59] https://baodautu.vn/dua-thuong-mai-viet-nam—han-quoc-som-dat-100-ty-usd-d191797.html

[60] https://baodautu.vn/xuat-khau-sang-han-quoc-dan-hoi-phuc-d194793.html

[61] https://mekongasean.vn/viet-nam-xuat-sieu-86-ty-usd-trong-quy-32023-post27503.html

[62] https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2023-7-10/Viet-Nam-Han-Quoc-trao-doi-17-van-kien-hop-tac-treqjo8iq.aspx

[63] https://vneconomy.vn/10-000-vietnamese-expected-to-work-in-south-korea-in-2023.htm#:~:text=The%20total%20number%20of%20Vietnamese,monthly%20incomes%20of%20%241%2C500%2D2%2C000.

[64] https://vneconomy.vn/hop-tac-viet-nam-han-quoc-buoc-vao-thoi-ky-phat-trien-moi.htm

[65] https://www.donga.com/en/article/all/20230624/4244140/1

[66] https://baoxaydung.com.vn/tiem-nang-chuoi-cung-ung-viet-han-ve-dat-hiem-356517.html

[67] https://e.vnexpress.net/news/business/economy/more-investments-from-south-korea-coming-to-vietnam-4658421.html

[68] “Kỳ cuối: Những triển vọng cho quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc.” 29 thg 9. 2023, https://ttdn.vn/tin-tuc-su-kien/thoi-su-chinh-tri/ky-cuoi-nhung-trien-vong-cho-quan-he-viet-nam-han-quoc-87488.

[69] “Vietnam, South Korea agree to boost security, economic cooperation.” 23 thg 6. 2023, https://en.sggp.org.vn/vietnam-south-korea-agree-to-boost-security-economic-cooperation-post103113.html.

[70] “Vietnam, South Korea agree to boost security, economic cooperation.” 23 thg 6. 2023, https://en.sggp.org.vn/vietnam-south-korea-agree-to-boost-security-economic-cooperation-post103113.html.

[71] “South Korea, Vietnam to boost work on North Korea nuclear threat.” 23 thg 6. 2023, https://www.reuters.com/world/asia-pacific/south-korean-president-visits-vietnam-bilateral-trade-slumps-2023-06-22/.

[72] “Nâng tầm quan hệ toàn diện Việt Nam-Hàn Quốc – Báo Nhân Dân.” 4 thg 12. 2022, https://special.nhandan.vn/nang-tam-quan-he-toan-dien-Vietnam-Hanquoc/index.html.

[73] “Outcome of Korea-Viet Nam Foreign Ministers’ Meeting.” 30 thg 6. 2021, https://www.korea.net/Government/Briefing-Room/Press-Releases/view?articleId=5690&type=O.

[74] “Vietnam is a key partner in implementing the Indo … – Vietnam.vn.” https://www.vietnam.vn/en/viet-nam-la-doi-tac-trong-tam-trien-khai-chien-luoc-an-do-duong-thai-binh-duong-va-sang-kien-doan-ket-han-quoc-asean/.

[75] Ban Kinh tế Trung ương. (2023, February 15). Kinh tế Hàn Quốc: Bốn bước đi hướng tới phục hồi. Ban Kinh tế Trung ương. Retrieved December 15, 2023, from https://kinhtetrunguong.vn/web/guest/thong-tin-quoc-te/kinh-te-han-quoc-bon-buoc-di-huong-toi-phuc-hoi.html

[76] Nhật Đăng. (2023, August 18). Mỹ, Nhật, Hàn và thông điệp từ Trại David. Báo Tuổi trẻ. Retrieved December 15, 2023, from https://tuoitre.vn/my-nhat-han-va-thong-diep-tu-trai-david-2023081723321353.htm

[77] Hunnicutt, T., Brunnstrom, D., Shin, H. (2023, August 19). US, South Korea and Japan condemn China, agree to deepen military ties. Reuters. Retrieved December 15, 2023, from https://www.reuters.com/world/us-south-korea-japan-agree-crisis-consultations-camp-david-summit-2023-08-18/

[78] Novak, P. (2023, August 20). Experts react: The US-Japan-South Korea summit was ‘historic.’ But what did it accomplish? Atlantic Council. https://www.atlanticcouncil.org/blogs/new-atlanticist/experts-react/experts-react-the-us-japan-south-korea-summit-was-historic-but-what-did-it-accomplish/#jo

[79] Liu, X., & Yu, X. (2023, August 18). Camp David summit could be ‘starting shot’ for new cold war. Global Times. Retrieved December 15, 2023, from https://www.globaltimes.cn/page/202311/1301759.shtml

[80] Liu, X., & Yu, X. (2023, August 18). Camp David summit could be ‘starting shot’ for new cold war. Global Times. Retrieved December 15, 2023, from https://www.globaltimes.cn/page/202308/1296551.shtml

[81] Snyder, S. A. (2023, September 27). The Camp David Trilateral Summit Expands Trilateralism Beyond North Korea. Council on Foreign Relations. Retrieved December 15, 2023, from https://www.cfr.org/blog/camp-david-trilateral-summit-expands-trilateralism-beyond-north-korea#:~:text=Two%20weeks%20following%20the%20Camp,to%20instability%20and%20raised%20the

[82] Diệu Thu. (2022, December 7). Quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc: Trang sử mới, tầm cao mới. Báo Nhân dân điện tử. Retrieved December 15, 2023, from https://special.nhandan.vn/Quan-he-Vietnam-Hanquoc-Trang-su-moi-tam-cao-moi/index.html

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *