Tổng quan tình hình Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2023

Trong bối cảnh thế giới đang trải qua những biến động khó lường, Liên minh châu Âu (EU) không chỉ đối mặt với các thách thức nội bộ mà còn phải xác định vị thế và vai trò của mình trên trường quốc tế. Năm 2023 đánh dấu một giai đoạn quan trọng đối với EU bằng những cải tiến trong việc hoạch định và thực thi chính sách đối ngoại. Trước diễn biến kéo dài của cuộc xung đột Nga-Ukraine và sự xoay chuyển mạnh mẽ của cục diện an ninh – chính trị toàn cầu, EU đã nỗ lực giải quyết các vấn đề chính trị nội khối cũng như thực hiện chính sách đối ngoại một cách hiệu quả nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực lên khối, đồng thời thể hiện một vai trò quốc tế linh hoạt, thực tiễn hơn.

1. Tình hình nội khối

1.1. Chính trị đối nội

Tháng 5/2023, EU đã đưa ra Tuyên bố chung của các Bộ Ngoại giao nhằm thúc đẩy cải cách cơ chế trong hoạch định tập thể chính sách đối ngoại và an ninh chung của khối. Cụ thể, đó là việc đẩy mạnh áp dụng Nguyên tắc bỏ phiếu số đông tiêu chuẩn (Qualified majority voting – QMV) trong Chính sách Đối ngoại và An ninh chung (CFSP) của Liên minh châu Âu.[1][2] Nhiều quốc gia EU, đặc biệt là Đức và Pháp, đã có nhiều động thái thúc đẩy QMV tại CFSP trong năm 2023 như thành lập tổ công tác tham vấn Pháp-Đức vào tháng 1/2023.[3] Trong năm 2023, với việc tăng cường nỗ lực triển khai cơ chế QMV, cụ thể là ở lĩnh vực đối ngoại và an ninh chung của khu vực, EU đã có bước tiến quan trọng trong việc củng cố cơ chế hoạch định và thực thi chính sách thực tế và chủ động hơn. Thứ nhất, QMV được cho là tăng cường tính đại diện và dân chủ trong hoạch định chính sách của EU thông qua việc xác định quyền lực của quốc gia thành viên dựa trên quy mô dân số của họ, cụ thể là quyền lực của các nước lớn như Pháp và Đức. Thứ hai, QMV có thể đẩy nhanh tốc độ xây dựng và thực thi chính sách đối nội lẫn đối ngoại của EU, thông qua việc tái cơ cấu quyền lực đầu phiếu của các thành viên, quy định lại hình thức biểu quyết (bổ sung thêm “phiếu trắng”), tiêu chí thông qua nghị quyết (55% quốc gia thành viên trở lên hoặc tương ứng 65% dân số trở lên ủng hộ, ít hơn bốn quốc gia phản đối,…). Thứ ba, QMV được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề chính trị lớn của EU khi một thành viên có thể bắt toàn bộ các quốc gia còn lại làm “con tin” bằng lá phiếu phủ quyết của mình ở các lĩnh vực nhạy cảm, vốn cũng là điểm yếu mà một số quốc gia bên ngoài EU đang tích cực khai thác.[4]

Dự định mở rộng EU cũng là một trong những chủ đề được bàn luận nhiều trong năm nay. Theo phát biểu của Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel trong Diễn đàn chiến lược Bled ở Slovenia vào tháng 8 năm nay, EU phải sẵn sàng để mở rộng trước năm 2030 nếu muốn duy trì sự tin cậy đối với các quốc gia trong khu vực. Theo ông, đây là mục tiêu tuy tham vọng nhưng hoàn toàn cần thiết và sẽ thể hiện được sự nghiêm túc của EU đối với các nước trong khu vực.[5] Hiện tại đã có nhiều quốc gia Đông Âu xin gia nhập EU kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu vào tháng 2/2022. Trong đó, quá trình kết nạp Ukraine được xem là quan trọng nhất cho việc đảm bảo tình hình địa chính trị cho EU nhưng cũng được xem là quá trình mang nhiều rủi ro nhất. Các quốc gia nếu muốn gia nhập phải trải qua 3 giai đoạn với những tiêu chuẩn và thời gian của mỗi giai đoạn đều khác nhau. Bản chất của quá trình xét duyệt mang tính phức tạp cao và việc đề xuất QMV sẽ giúp thúc đẩy việc ra quyết định kết nạp thành viên một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn. Ở một khía cạnh khác, có những ý kiến cho rằng việc kết nạp thành viên mới không nên bị giới hạn bởi một mốc thời gian là năm 2030. Theo Ủy viên người Hungary Oliver Várhelyi, việc gia nhập nên là một quá trình dựa trên thành tích không có giới hạn thời gian.[6] Hay Thủ tướng người Hà Lan Mark Rutte cho rằng EU nên tập trung vào quy trình chuẩn bị cho việc gia nhập của các ứng cử viên hơn là thời điểm gia nhập. Theo đó, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của một quy trình kết nạp phức tạp và kéo dài mới với mong muốn những quốc gia gia nhập EU phải có những đóng góp để đưa tổ chức này tiến về phía trước.[7]

Bên cạnh khuôn khổ Hội đồng EU, giới chính trị EU tiếp tục bàn luận về các vấn đề của khu vực tại hai hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng Chính trị Châu Âu (EPC) được tổ chức vào tháng 6 và tháng 10 năm nay.

Một số kết quả đạt được từ Hội nghị bao gồm khẳng định sự đoàn kết và ủng hộ của khu vực đối với Ukraine qua hành động cô lập Nga và Belarus.[8] Thêm vào đó, dự định kết nạp thành viên mới cũng là một trong những điểm được chú ý trong Hội nghị. Sau đó, ở Hội nghị Thượng đỉnh lần 3 tại Tây Ban Nha diễn ra trong hai ngày 5 và 6/10, các bên tham gia đã tập trung vào việc thúc đẩy đối thoại, củng cố an ninh bền vững và ổn định trên lãnh thổ châu Âu. Tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo tiếp tục thể hiện sự đoàn kết ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến với Nga đồng thời cùng thông qua tuyên bố Granada. Tuyên bố này đã đưa ra những chiến lược chính trị ưu tiên trong giai đoạn 2024 – 2029 và được nhận định là cần thiết trước bối cảnh mở rộng đầy triển vọng của EU.[9][10]

Ngoài những diễn biến phức tạp của khu vực qua một số sự kiện và chính sách đã được phân tích trên, năm 2023 cũng chứng kiến những diễn biến cạnh tranh chính trị nội bộ trong các cuộc bầu cử ở các quốc gia EU. Nhìn chung, các đảng phái có lập trường chính trị cực hữu đang giành được nhiều sự chú ý trong các cuộc bầu cử sắp tới ở các nước trong khu vực như Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha.[11] Các cuộc bầu cử năm nay chủ yếu xoay quanh đến vấn đề về người di cư, kinh tế, an ninh và chuyển đổi xanh trong khu vực.

Trước hết là bối cảnh chung về cánh hữu. Các cuộc bầu cử năm nay đã chứng kiến sự lên ngôi của các đảng cực hữu trong khu vực với hai vấn đề chính được nhắc đến là vấn đề tị nạn và chuyển đổi năng lượng. Cụ thể hơn, cánh hữu mong muốn giảm số lượng người nhập cư vào khu vực và yêu cầu một hệ thống xử lý người nhập cư khắt khe hơn. Một vấn đề khác nhận được nhiều sự quan tâm trong chính sách của các đảng cánh hữu là sự chuyển đổi về năng lượng. Những nỗ lực của EU về chuyển đổi xanh đang có xu hướng chậm lại do sự nổi lên của những đảng cánh hữu trong khu vực và những chính sách họ ứng dụng để đẩy lùi tiến trình này.

Năm 2023 vừa qua được đánh giá là một năm tương đối chật vật đối với các đảng cánh tả. Các đảng dân chủ đang gặp phải sự cạnh tranh lớn từ những đảng bảo thủ khác đang ngày càng phổ biến hơn trong khu vực. Thêm vào đó, việc nền kinh tế nội bộ đang phải trải qua thời kỳ khủng hoảng hậu Covid với tình trạng lạm phát kéo dài cũng như vấn người nhập cư trái phép cũng góp phần vào những khó khăn mà các đảng cánh tả phải đối mặt trong năm nay. Những điểm chính mà các đảng cánh tả đang ưu tiên là việc tìm những biện pháp để giải quyết hai vấn đề trên và thúc đẩy những chính sách nhằm chuyển đổi xanh. Điều này hoàn trái ngược với các đảng cánh hữu, một bên đang chủ trương ưu tiên quyền lợi của quốc gia của mình hơn cả. Một số ví dụ điển hình phải nhắc đến tình hình chính trị tại Đức và Pháp. Tất cả những thực trạng hiện tại cũng thể hiện một năm phải đối mặt với tương đối nhiều khó khăn về mặt chính trị – kinh tế và xã hội của các đảng cánh tả. 

1.2. Kinh tế – xã hội

Năm 2023 được xem là một năm thách thức đối với khả năng ứng phó và giải quyết các khó khăn của tổ chức này. Giống như các nền kinh tế lớn khác trên thế giới, hậu quả về gián đoạn và đứt gãy chuỗi cung ứng đến từ đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine cũng khiến EU phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề về kinh tế như lạm phát, thất nghiệp, khan hiếm năng lượng và lương thực. Theo dự đoán trong một báo cáo kinh tế toàn cầu của tập đoàn dịch vụ tư vấn tài chính lớn nhất tại Mỹ JPMorgan, thị trường thế giới sẽ chuẩn bị bước vào giai đoạn suy thoái vào cuối năm 2024.[12] Đến hiện tại, nền kinh tế EU vẫn đang thể hiện được tính vững chắc và khả năng ứng phó mặc dù phải đối mặt với nhiều áp lực và bất ổn.

Về số liệu GDP công bố bởi Eurostat, nền kinh tế EU có tốc độ phát triển chậm và đôi lúc có sự dậm chân trong ba quý đầu năm 2023.[13] Theo Dự báo Kinh tế Mùa đông năm 2023, EU được dự đoán sẽ kết thúc năm 2024 với tốc độ phát triển GDP là 0.8%. Điều này xuất phát từ sự cải thiện trong vấn đề về giá và lượng tiêu thụ năng lượng, kiểm soát tỷ lệ thất nghiệp và kiềm chế lạm phát.[14]

Mặc dù có sự phục hồi, nền kinh tế EU vẫn phải tiếp tục tìm cách ổn định phát triển nền kinh tế trong tương lai gần. EU thực chất đang chật vật trong việc kiềm chế mức độ lạm phát của mình với mức độ lạm phát toàn phần hiện tại đang là 6.4% (so với mức 9.2% của năm 2022).[15] Mức lạm phát hiện tại giảm là do sự hạ nhiệt về giá năng lượng nhờ vào các nỗ lực đa dạng hóa các loại và nguồn năng lượng giúp cho nhu cầu về dầu và khí đốt không còn cao như trước. Sở dĩ, mức lạm phát vẫn đang nằm ở mức cao là do các chỉ số lạm phát cấu thành khác vẫn chưa được kiềm chế. Theo Tiến sĩ Kinh tế Alexander Boersch, trưởng bộ phận nghiên cứu chi nhánh của tập đoàn kiểm toán Deloitte tại Đức, lạm phát cơ bản là chỉ số làm lan rộng lạm phát lên toàn bộ nền kinh tế và khó có dấu hiệu thuyên giảm trong bối cảnh hiện tại.[16] Nhìn từ thống kê của Eurostat, tỷ trọng sức nặng về giá dịch vụ chiếm nhiều nhất trong chỉ số hài hòa về giá tiêu dùng tại khu vực sử dụng đồng euro. Lần lượt theo sau là nhóm các mặt hàng công nghiệp phi năng lượng, lương thực và năng lượng. Tuy nhiên, trong tình hình địa chính trị phức tạp ngay tại châu Âu (chiến sự Nga-Ukraine) và trên thế giới, giá năng lượng và lương thực vẫn là những vấn đề khó kiểm soát và được quan tâm bởi người dân do tính thiết yếu của chúng. Hiện tại, lạm phát giá lương thực vẫn còn chưa được kiểm soát hiệu quả gây nên sức ép về kinh tế đối với đa số người dân thuộc tầng lớp khó khăn. Theo Tổng Thư ký của Liên đoàn Ủy ban Thương mại Châu Âu Esther Lunch, tiền lương không thể bắt kịp với tốc độ của giá cả hàng hóa thiết yếu, điều này khiến cho nhiều người rơi vào tình trạng phải phụ thuộc vào ngân hàng lương thực.[17]

1.3. An ninh quốc phòng

Mối quan ngại chung về an ninh – quốc phòng của EU trong năm qua tiếp tục xoay quanh những diễn biến của xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine. Tính đến tháng 10/2023, EU đã đóng góp 27 tỷ euro để hỗ trợ về mặt quân sự cho Ukraine dựa trên số liệu thông qua cơ chế về Cơ sở Hòa bình Châu Âu và trên cơ sở từng quốc gia thành viên tự nguyện viện trợ đơn phương. EU còn dành ra hơn 67 tỷ euro cho các hoạt động hỗ trợ nhân đạo, viện trợ tài chính và ngân sách cho Ukraine. Những con số này chưa bao gồm những hoạt động các quốc gia thành viên EU thực hiện nhằm bảo vệ và cứu trợ cộng đồng người Ukraine tị nạn.[18]

Vấn đề cam kết và tiếp tục tham gia viện trợ cho Ukraine theo nhận thức của hầu hết các quốc gia thành viên EU vẫn được xem là một ưu tiên chung.[19] Điều này được thể hiện không chỉ ở giới lãnh đạo chính trị của nhiều quốc gia mà còn được quan tâm bởi người dân EU. Theo một khảo sát của Flash Eurobarometer trong tháng 9/2023, lần lượt có 65% và 57% người dân tại các quốc gia này ủng hộ hoặc cho rằng EU nên hỗ trợ cung cấp và mua bán trang thiết bị và đào tạo quân sự cho Ukraine.[20]

Mặc dù vậy, trong bối cảnh nền kinh tế và thị trường EU đang phải đối mặt với nhiều thách thức, mối quan tâm về an ninh – quốc phòng liên quan đến chiến sự Nga – Ukraine tạm thời có thể không còn nhận được sự hứng thú của các quốc gia thành viên EU. Một kịch bản được đưa ra đó là nếu các nước châu Âu nói chung không còn ưu tiên việc viện trợ cho Ukraine, diễn biến Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 sẽ tái diễn. Cụ thể, Nga sẽ dùng chiến thuật chia để trị – gây chia rẽ các nước châu Âu và Mỹ hoặc giữa các nước Tây và Đông Âu để Nga có thể thuận lợi hợp thức hóa thâu tóm lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, sự ngã ngũ của cuộc xung đột này chủ yếu phụ thuộc nhiều hơn vào sự cam kết của chính quyền Tổng thống tương lai của Mỹ.[21]

2. Quan hệ đối ngoại với các đối tác quan trọng

2.1. Với Mỹ

Sau hàng loạt các sự kiện bao gồm lực lượng Mỹ rút quân nhanh chóng mà không có kế hoạch khỏi Afghanistan vào tháng 8/2021, công bố về hiệp ước an ninh AUKUS và các biện pháp bảo hộ như Đạo luật Giảm lạm phát năm 2022, quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Mỹ đã xuất hiện một vài sự căng thẳng nhất định.[22] Tuy nhiên, gần đây, Mỹ và EU dần thể hiện nỗ lực cam kết phối hợp trong nhiều vấn đề trọng yếu, dựa trên 3 cơ sở chính: (1) Hợp tác chống lại cuộc chiến của Nga tại Ukraine, (2) Hợp tác an ninh – quốc phòng(3) Hợp tác kinh tế.

(1) Hợp tác chặt chẽ trong việc áp đặt biện pháp trừng phạt Nga và hỗ trợ Ukraine

Mỹ và EU đã có phản ứng nhanh chóng và thống nhất liên quan đến biện pháp trừng phạt chưa có tiền lệ nhằm vào Nga. Các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Nga đã được mở rộng đáng kể, phần lớn trên các lĩnh vực tài chính, năng lượng, quốc phòng và công nghệ.[23] Tháng 4 năm 2023, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ, Cơ quan Hành động Đối ngoại Châu Âu (EEAS) và Tổng cục ổn định tài chính, dịch vụ tài chính và thị trường vốn của Ủy ban châu Âu (DG FISMA) đã kết thúc cuộc họp kéo dài nhiều ngày tại Brussels, chia sẻ kiến ​​thức chuyên môn về các biện pháp trừng phạt. OFAC, EEAS và DG FISMA đã xác định các cách để điều chỉnh việc thực hiện các biện pháp trừng phạt, thúc đẩy tuân thủ, tăng cường thực thi và giải quyết các thách thức chính sách đối ngoại chung.[24] Cùng với đó, các cường quốc phương Tây và các đối tác đã thực hiện nhiều bước để tăng cường viện trợ cho Ukraine.[25][26]

(2) Hợp tác an ninh – quốc phòng

Cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine đã phá vỡ cấu trúc an ninh của lục địa này, mở ra một kỷ nguyên địa chính trị mới với nhiều thách thức hơn. Tổng thống Joe Biden đã tích cực trấn an các đồng minh và nhấn mạnh Hiệp ước phòng thủ chung của liên minh là một “nghĩa vụ thiêng liêng” đối với Mỹ.[27]

Các nước châu Âu vẫn chi hơn một nửa ngân sách thiết bị của họ cho thiết bị của Mỹ. Ba Lan trong năm 2023 đã ký một thỏa thuận trị giá 10 tỷ USD khác để mua Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao do Mỹ sản xuất, Slovakia và Romania cũng đang mua máy bay chiến đấu từ Mỹ.[28] Pieter Wezeman, chuyên gia nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết sau khi Nga xâm lược Ukraine, các nước châu Âu muốn nhập khẩu thêm vũ khí một cách nhanh chóng hơn.[29] Để giúp châu Âu đạt được điều đó, Mỹ đã mở rộng số lượng thỏa thuận cung cấp an ninh song phương với các đối tác nước ngoài kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Điều này cho phép các nước bán và trao đổi hàng hóa và dịch vụ liên quan đến quốc phòng một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn.[30] Vào tháng 4/2023, Mỹ và EU đã ký kết một thỏa thuận xuyên Đại Tây Dương, cho thấy sự hợp tác sâu hơn trong các lĩnh vực như cung ứng quốc phòng, di chuyển của quân đội và các tác động an ninh của biến đổi khí hậu.[31] Sự phối hợp trong triển khai các biện pháp an ninh của Mỹ và NATO tại Đông Âu từ thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine đến nay cho thấy tầm quan trọng của mối liên kết an ninh chặt chẽ giữa hai đồng minh và vai trò lãnh đạo của Mỹ tại khu vực này. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm giải quyết vấn đề răn đe và bảo vệ lãnh thổ tại EU đều phải được thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ cùng NATO. [32]

(3) Hợp tác kinh tế

Mỹ là đối tác thương mại và đầu tư song phương lớn nhất của EU. Tỷ lệ đầu tư vào thị trường của nhau cũng chiếm hơn 30% tổng đầu tư toàn cầu.[33] Tại hội nghị thượng đỉnh EU – Mỹ, hai bên tuyên bố xác định hai trụ cột hợp tác chính bao gồm an ninh và tăng cường hợp tác kinh tế.[34]

Trong cuộc họp Hội đồng Năng lượng xuyên Đại Tây Dương vào tháng 4/2023, các nhà lãnh đạo đã thảo luận phương án giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào các nguồn tài nguyên hóa thạch của Nga. Vào năm 2022, Mỹ đã xuất khẩu 56 tỷ m3 khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu. Con số này chiếm 40% tổng lượng nhập khẩu của châu Âu và tăng 140% so với lượng xuất khẩu LNG của Mỹ sang châu Âu vào năm trước.[35] Nguồn cung năng lượng từ Mỹ có ý nghĩa lớn đối với EU trong bối cảnh nền kinh tế đi xuống vì khủng hoảng năng lượng.

Theo chuyên gia Andrew Hammond, cộng tác viên của Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE IDEAS), xét về tổng thể, các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã được cải thiện đáng kể từ khi kết thúc nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, với sự hợp tác đa lĩnh vực.[36] Tuy nhiên, mối quan hệ cũng đã chứng kiến sự căng thẳng nhất định ở một số vấn đề. Trong các vấn đề đối nội, cả hai bên đều gặp khó khăn bởi các phong trào phi tự do gây ra mối đe dọa cho an ninh xuyên Đại Tây Dương. Tại châu Âu, các đảng cực đoan như Cuộc biểu tình toàn quốc của Le Pen ở Pháp và AfD ở Đức có thái độ thù địch với hợp tác quốc phòng châu Âu, EU và NATO.[37]

Bên cạnh đó, chính sách đối ngoại của hai bên, đặc biệt đối với Trung Quốc có thể dẫn đến căng thẳng. Theo đó, Mỹ và EU thiếu sự đồng thuận về cách ứng phó với các hành động thù địch tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Mỹ nhiều khả năng sẽ hỗ trợ Đài Loan, trong khi các nước thành viên EU lại có những tín hiệu không nhất quán. Việc ký kết Thỏa thuận toàn diện về đầu tư giữa EU và Trung Quốc trước sự phản đối của chính quyền Biden, liên minh AUKUS, việc triển khai Đạo luật Giảm lạm phát, hay việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, cho thấy khả năng xảy ra các vấn đề nếu không có phương án ngoại giao thích hợp từ hai phía.[38]

2.2. Với Trung Quốc

Vốn là Đối tác Chiến lược Toàn diện, song EU và Trung Quốc lại trải qua một giai đoạn căng thẳng trong quan hệ song phương từ khi có những biến đổi địa chính trị liên quan đến các xung đột quốc tế như Nga – Ukraine hay Israel – Palestine hiện nay. Mối quan hệ dần trở nên căng thẳng khi các chính phủ châu Âu có lập trường cứng rắn hơn đối với các mâu thuẫn, bao gồm các vấn đề nhân quyền, tiếp cận thị trường không bình đẳng, cũng như sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Âu. Tuy nhiên, đến thời điểm gần cuối năm 2023, đã có những tín hiệu tích cực về việc hai bên khuyến khích trao đổi đối thoại, hợp tác, mở rộng đầu tư và thương mại song phương.

(1) Về chính trị

Căng thẳng tăng cao khi EU bày tỏ mối lo ngại về các động thái gây hấn của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đối với xung đột Nga – Ukraine, EU cũng có lời cảnh báo với Trung Quốc rằng sẽ phải nhận hậu quả về kinh tế nếu vượt qua “lằn ranh đỏ” để cung cấp vũ khí cho Nga.[39] Đồng thời, EU cũng xem xét về việc áp dụng các lệnh trừng phạt đối với 7 doanh nghiệp Trung Quốc vì bán những thiết bị viện trợ cho Nga.[40] Tháng 7/2023, Chính phủ Đức công bố Chiến lược Trung Quốc, chính thức thừa nhận rằng mối quan hệ giữa Trung Quốc với Đức và Liên minh châu Âu đã thay đổi. Đức cũng công khai coi Trung Quốc là “mối đe dọa lớn nhất” của nước này về đầu tư trực tiếp nước ngoài, cũng như hoạt động gián điệp trong khoa học và kinh tế.[41] Việc EU, Ấn Độ và các nước Trung Đông đã ký kết Bản ghi nhớ (MOU) để tiến hành xây dựng Hành lang kinh tế Ấn Độ – Trung Đông – EU (IMEC) có thể được xem là một sự đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.[42]

Tuy nhiên, bất chấp căng thẳng đang diễn ra, Trung Quốc và EU vẫn duy trì các đường dây liên lạc cởi mở và đối thoại cấp cao giữa các quan chức. Vào tháng 2 năm 2023, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã có chuyến công du châu Âu, trong đó ông đến thăm Pháp, Ý, Hungary và Nga. Ngoài ra, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, bên cạnh việc thảo luận các vấn đề hiện tại liên quan đến cuộc chiến Nga – Ukraine, hai bên còn nỗ lực phối hợp nhằm phát triển hơn nữa quan hệ thương mại và kinh doanh Trung Quốc – Pháp.[43] Vào tháng 10/2022, Josep Borrell, Đại diện Cấp cao của Liên minh châu Âu về Chính sách Đối ngoại và An ninh đã nhấn mạnh rằng EU có thể đã thất bại trong chiến lược đối ngoại dựa trên việc quốc tế hóa các giá trị và nguyên tắc dân chủ phương Tây, cũng như thất bại trong việc theo đuổi và củng cố lợi ích thông qua quyền lực mềm. Trong bối cảnh này, ông Borrell khẳng định EU giờ đây cần phải có một vai trò “thực dụng” hơn trong đối ngoại, nhằm bảo vệ bản thân, các giá trị và lợi ích của mình khỏi những mối đe dọa và lợi ích cạnh tranh phát sinh sắp tới.[44]

(2.) Về kinh tế

Theo dữ liệu từ Eurostat, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU vào năm 2022 sau Mỹ, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 856,3 tỷ EUR, chiếm khoảng 15,3% tổng thương mại của EU. Tuy nhiên, mối quan hệ kinh tế song phương giữa Trung Quốc và châu Âu có phần xấu đi trong thời gian gần đây, nhất là sau khi EU mở một cuộc điều tra về vấn đề trợ cấp nhà nước của Trung Quốc dành cho các hãng xe điện của nước này.[45] EU cũng bày tỏ mối quan ngại về việc thương mại “mất cân bằng” khi năm 2022 chứng kiến mức kim ngạch đạt cao nhất từ trước đến nay (hơn 923 tỷ USD) nhưng lại thâm hụt gần 427 tỷ USD. Nhằm hạn chế tình trạng trên, EU đã tăng cường tự vệ trước “sản phẩm chiến lược” giá rẻ từ Trung Quốc, từ đó giảm thiểu rủi ro và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong sản xuất các mặt hàng quan trọng về an ninh.[46] Các quan chức châu Âu nhấn mạnh kế hoạch của họ nhằm mục đích tạo ra các hoạt động thương mại công bằng hơn và không phải là tách khỏi Trung Quốc.[47]

Trước những căng thẳng, EU và Trung Quốc nâng cấp và mở rộng các kênh trao đổi nhằm hạn chế những rủi ro với nền kinh tế của mình. Tại Đối thoại Kinh tế và Thương mại Cấp cao EU – Trung Quốc lần thứ 10 (HED), hai bên đã ký kết các thỏa thuận về trao đổi thông tin kiểm soát xuất khẩu, các luồng dữ liệu xuyên biên giới chỉ dẫn địa lý (GI),… Hai bên cũng thành lập Nhóm Công tác EU – Trung Quốc mới về Quy định Tài chính nhằm đảm bảo tiếp tục hợp tác phát triển tài chính bền vững và Fintech, cải thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin – truyền thông. EU và Trung Quốc cũng đã thảo luận sẽ nỗ lực giảm nợ trong khuôn khổ G20 và tích cực phối hợp trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).[48]

2.3. Với các đối tác quan trọng khác

Trong năm qua, EU đã có nhiều hoạt động đối thoại đáng quan tâm đối với các đối tác tại khu vực châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Việc tăng cường ký kết các thỏa thuận với Anh và Nhật Bản cho thấy EU đang nỗ lực xây dựng quan hệ đồng minh mật thiết nhằm giảm thiểu các rủi ro về an ninh, kinh tế có thể xảy ra.

Tại châu Âu, Hiệp định Windsor giữa Anh và EU năm 2023 đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ song phương sau nhiều năm bất hòa. Thủ tướng Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland Rishi Sunak mô tả thỏa thuận này là “một bước đột phá mang tính quyết định” và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen gọi đây là một “chương mới”, tuyên bố rằng Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh sẽ “sát cánh kề vai trong tương lai”.[49] Sự thay đổi này báo hiệu cho một giai đoạn hợp tác chặt chẽ hơn về chính sách, bao gồm các biện pháp trừng phạt bổ sung chống lại Nga. Từ quan điểm của Brussels, thỏa thuận này thể hiện cơ hội ổn định quan hệ với một đồng minh và đối tác thương mại quan trọng trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine và các thách thức địa chính trị có khả năng xảy ra.

Từ năm 2021, EU đã cho thấy mối quan tâm sâu sắc đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thông qua Chiến lược hợp tác của EU tại đây. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng nhấn mạnh rằng, an ninh châu Âu và an ninh của khu vực Ấn Ðộ Dương – Thái Bình Dương là không thể tách rời và EU sẽ tăng cường can dự vào khu vực này.[50] Tại Hội nghị thượng đỉnh EU – Nhật Bản ở Brussels vào tháng 7/2023, Nhật Bản và Liên minh châu Âu đã đồng ý đẩy mạnh hơn nữa quan hệ song phương, khởi động đối thoại chiến lược về các vấn đề an ninh và đặt nền tảng cho sự hợp tác chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực khác.[51]

3. Quan hệ với Việt Nam

Năm 2021, EU đưa ra “Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương” để tăng cường sự hiện diện trong khu vực, điều hướng chính sách đối ngoại hợp lý cho khối trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung. Việt Nam được EU xác định là đối tác quan trọng của khối trong khu vực trên nhiều lĩnh vực.[52]

3.1 Về chính trị ngoại giao, hợp tác thể chế các vấn đề quốc tế, diễn đàn đa phương

EU luôn xem và mong muốn củng cố quan hệ với Việt Nam như là một đối tác quan trọng trong nỗ lực thi hành chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Điều này đã được các quan chức EU tái khẳng định thông qua cuộc họp Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – EU lần thứ tư vào tháng 10/2023 tại Brussels, với sự tham dự của nhiều đại diện cao cấp từ chính phủ, các bộ ngành, tổng vụ của cả hai bên. Bên cạnh việc tăng cường trao đổi, cập nhật về những khía cạnh hợp tác cụ thể, hai bên cũng đã trình bày những quan điểm, mục tiêu và kỳ vọng về hợp tác chiến lược Việt Nam – EU. Bà Paola Pampaloni, đại diện đối ngoại của EU đã thông báo những ưu tiên trong Chiến lược hợp tác với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Cửa ngõ toàn cầu của khối và bày tỏ mong muốn Việt Nam tham gia vào các dự án hợp tác trong khuôn khổ các chiến lược này.[53] Đồng thời, EU cũng đã mời Việt Nam tham dự Diễn đàn Bộ trưởng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương lần thứ ba được tổ chức tại Brussels sắp tới vào tháng 2/2024.[54]

Nhận thức được tính chất chiến lược của hợp tác song phương giữa Việt Nam và EU, hợp tác về thể chế đã được hai bên tích cực đề xuất và thúc đẩy. Theo đó, tại cuộc họp Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – EU lần thứ tư, Việt Nam tái khẳng định mong muốn EU sớm thúc đẩy nghị viện của 10/27 nước thành viên của khối sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA); tăng cường hợp tác và hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế biển, trong đó có việc sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU; tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), nhất là hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực,… trong khuôn khổ quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giữa Việt Nam với Nhóm đối tác quốc tế mà EU là điều phối viên.[55] Đến cuối năm 2023, trong nỗ lực xúc tiến EVIPA, Việt Nam đã đạt được bước tiến quan trọng khi các thành viên EU là Italia và Luxembourg đã chính thức phê chuẩn ủng hộ hiệp định, Áo cũng xác nhận khả năng phê chuẩn hiệp định trong thời gian tới.[56] Vào tháng 10/2023, đoàn thanh tra của EU về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) cũng đã tới Việt Nam. Theo Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis, EU đánh giá Việt Nam đã có nỗ lực lớn trong việc xây dựng cơ sở pháp lý về chống IUU và dần tiến đến giai đoạn thực tiễn hóa, do đó phía EU cam kết sẽ nhanh chóng thiết lập đoàn thanh tra mới đến Việt Nam nhằm xúc tiến hơn nữa việc giải quyết vấn đề IUU.[57] 

Quan hệ EU – Việt Nam không chỉ dừng lại ở hợp tác song phương mà còn mở rộng phạm vi ra các vấn đề quốc tế. Trong khuôn khổ tiếp xúc Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – EU lần thứ tư năm 2023, diễn biến quốc tế tại các khu vực cụ thể như Ukraine, Trung Đông, Myanmar, Biển Đông đều nhận được sự quan tâm và đồng thuận nhất định về quan điểm của các bên. Về vấn đề xung đột quân sự tại Ukraine, hai bên nhấn mạnh sự cần thiết phải có một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Ukraine phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Về vấn đề an ninh tại Trung Đông và Myanmar, Việt Nam và EU khẳng định cam kết với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia.[58]

3.2 Về kinh tế, khoa học – công nghệ

Hợp tác EU – Việt Nam trong ba mảng kinh tế, khoa học và công nghệ có thể được đánh giá là thành công và triển vọng nhất trong các lĩnh vực mà hai bên hợp tác, từng bước thích nghi và giải quyết với nhiều vấn đề phát sinh mới. Về thương mại song phương, trong 9 tháng đầu năm 2023, thương mại 2 chiều Việt Nam – EU đạt 44 tỷ USD, giảm 3 tỷ USD so với cùng kỳ, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang EU 32,8 tỷ USD, giảm 8,2%, nhập khẩu đạt 11,2 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự suy giảm trong tổng kim ngạch thương mại mặc dù là vấn đề khách quan, gắn liền với sự suy thoái chung của nền kinh tế toàn cầu nhưng lại đáng quan tâm với những tác động kinh tế đáng kể, đặc biệt là với Việt Nam. Tuy vậy, trước mắt, một số lĩnh vực thương mại then chốt giữa Việt Nam và EU đã nhanh chóng có dấu hiệu phục hồi khả quan như nhóm điện thoại và linh kiện điện thoại đạt 4,86 tỷ USD, tăng 5,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 3,83 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 3,78 tỷ USD; giày dép và dệt may đạt 5,84 tỷ USD. Ngoài ra, nhóm hàng xuất khẩu khác có tăng trưởng nổi bật ở thị trường EU là sắt thép với khối lượng đạt 2,31 triệu tấn, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.[59]

Theo báo cáo của Bộ Công thương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) tiếp tục có tác động tích cực đối với xuất khẩu của Việt Nam. Sau 3 năm thực thi EVFTA (từ ngày 1/8/2020 đến 1/8/2023), Việt Nam đã xuất sang EU số hàng hóa trị giá gần 128 tỷ USD. Việt Nam đã vươn lên thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong ASEAN và đứng thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào khối từ sau khi EVFTA đi vào thực thi.[60] Đáng lưu ý, lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giữa EU vào Việt Nam cũng chứng kiến mức tăng trưởng mạnh mẽ. Đến tháng 6/2023, đã có tổng cộng 2508 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các quốc gia thuộc EU tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký lên đến 28,91 tỷ USD. Đây là một sự gia tăng đáng kể so với 18 tỷ USD từ 1623 dự án vào năm 2016. Với tốc độ tăng trưởng kép vốn đầu tư (CAGR) là 7%, trong khi tốc độ tăng trưởng số lượng dự án là 6%, các quốc gia châu Âu ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Việt Nam thông qua FDI. Trong đó, Hà Lan, Pháp, Đức và Đan Mạch giữ vị trí là các nguồn FDI hàng đầu, với Hà Lan giữ vị trí dẫn đầu với 427 dự án và tổng vốn đầu tư 14,1 tỷ USD, bằng 49% tổng vốn FDI từ EU vào Việt Nam.

4. Nhận xét, kiến nghị về xu hướng đối ngoại tổng thể của EU từ năm 2023

EU có thể đang tiến vào một giai đoạn quan trọng và cấp thiết phải có cho mình một lập trường chiến lược đối ngoại mới nhằm thích ứng với bối cảnh thế giới đang thay đổi. Trong đó, có thể thấy lựa chọn cơ bản đầu tiên mà EU hướng đến chính là tư duy, chiến lược và các phương thức đối ngoại nhấn mạnh vào tính thực chất, đảm bảo an ninh kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, trở thành một chủ thể tự chủ và có vai trò và bản sắc riêng trong quan hệ quốc tế.[61] Tuy nhiên, có những vấn đề thực tiễn khác được đặt ra với EU vẫn chưa có được định hướng cụ thể như (1) quan điểm đối ngoại của EU đối với Nga sau khi cuộc xung đột tại Ukraine kết thúc; (2) quan điểm đối ngoại của EU đối với Trung Quốc trong thời gian tới; (3) phương hướng phát triển mối quan hệ với Mỹ từ phía EU; (4) vị trí của EU trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung, vấn đề Đài Loan và thực trạng an ninh tại Châu Á-Thái Bình Dương;…[62]

4.1 Định hướng chính sách tương lai của EU

Về những mối quan tâm trước mắt, EU sẽ phải ứng phó với nguy cơ đến từ phía Đông và phía Nam của khối. Trước hết, để đảm bảo an ninh quốc phòng cho khối, EU phải đảm bảo dòng viện trợ vũ khí cho Ukraine và năng lực phòng thủ ba nước Baltic và Ba Lan, Phần Lan để ngăn chặn những nguy cơ xung đột với Nga và Belarus. Tiếp đến là đảm bảo an ninh năng lượng trong ngắn hạn khi EU nhận thấy rằng nước Nga, nguồn cung cấp năng lượng truyền thống, không còn đáng tin như trước.[63] Ở phía Nam, điều cần giải quyết hiện nay đó là khủng hoảng di cư khởi phát từ những bất ổn ở Trung Đông mà đến giờ vẫn là vấn đề gây tranh cãi trong nội khối EU.[64]

Mục tiêu lâu dài mà EU cần đảm bảo trước nhất đó là (1) an ninh, (2) hòa bình khu vực và (3) an ninh năng lượng của khối. Trong vấn đề an ninh năng lượng, EU cần phải đảm bảo khả năng độc lập trong vấn đề năng lượng hoặc ít nhất là có thể trông cậy vào những đối tác đáng tin cậy. Trong tam giác ngoại giao Mỹ – EU – Trung Quốc, EU có thể sẽ hướng đến việc đảm bảo nền công nghiệp của khối trụ vững trước những chính sách bảo hộ từ hai siêu cường còn lại. EU sẽ không muốn bị cuốn vào cuộc cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc một cách mất kiểm soát. Cuộc khủng hoảng người di cư từ các nước Trung Đông và địa chính trị – địa kinh tế quan trọng của khu vực này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của EU.[65] EU cũng sẽ tăng cường hợp tác năng lượng, thúc đẩy sự hợp tác trong khu vực nhằm hướng đến sự ổn định dài hạn. Trong tương lai, EU có thể sẽ phải dành nhiều sự quan tâm đối với an ninh khu vực vùng Vịnh trước mối đe dọa từ Iran.[66] Kết hợp các biện pháp trên, EU không chỉ đảm bảo được khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên cần thiết mà còn giúp khối này thúc đẩy các chương trình liên quan đến việc thúc đẩy nhân quyền và dân chủ. Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói riêng và khối “Nam bán cầu” nói chung cũng là nơi mà EU nhận thấy lợi ích kinh tế của khối ngày càng gắn kết và hiện hữu.[67] Chính vì thế, việc can thiệp nhằm điều phối cạnh tranh Mỹ – Trung trong khu vực cũng sẽ là mục tiêu dài hạn của EU.[68]

4.2 Hàm ý cho Việt Nam

Hiện tại, quan hệ giữa Việt Nam và EU nói riêng đang tốt đẹp, phù hợp với chính sách “làm bạn với thế giới” của Việt Nam và chính sách ngoại giao của EU đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Với EVFTA, kinh tế Việt Nam và EU sẽ còn thắt chặt hơn nữa, cùng với đó có thể là tăng cường sự hợp tác giữa hai phía trên nhiều lĩnh vực khác. Nếu như cải tổ nội khối của EU thành công, Việt Nam sẽ cần tiến hành nghiên cứu và xây dựng một phương hướng phát triển quan hệ thích hợp hơn với một EU mới, một EU năng động, quyết đoán và duy lợi hơn. Việt Nam cần phải làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các nước chủ chốt trong khu vực như Pháp, Đức, Ý, Ba Lan. Qua đó, Việt Nam có thể giành được nhiều ưu đãi hơn trong quan hệ với EU so với các nước khác trong khu vực. Việc EU gia tăng sự hiện diện của mình trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ giúp Việt Nam có nhiều sự lựa chọn hơn trong ngoại giao với các cường quốc bên cạnh Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. EU có thể đóng vai trò điều tiết cuộc cạnh tranh này. Điều này thể hiện qua việc cả Việt Nam và EU đều mong muốn các bên giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.[69][70]


Tài liệu tham khảo:

[1] (2023). Joint Statement of the Foreign Ministries on the Launch of the Group of Friends on Qualified Majority Voting in EU Common Foreign and Security Policy. Federal Foreign Office of Germany. https://www.auswaertiges-amt.de/en. Truy cập ngày 4/11/2023.

[2] OSW (2023). The EU debate on qualified majority voting in the Common Foreign and Security Policy. Reform and enlargement. Centre for Eastern Studies. https://www.osw.waw.pl/en/publikacje/osw-commentary/2023-10-12/eu-debate-qualified-majority-voting-common-foreign-and

[3] OSW (2023). The EU debate on qualified majority voting in the Common Foreign and Security Policy. Reform and enlargement. Centre for Eastern Studies. https://www.osw.waw.pl/en/publikacje/osw-commentary/2023-10-12/eu-debate-qualified-majority-voting-common-foreign-and. Truy cập ngày 4/11/2023

[4] Mintel, Julina; von Ondarza, Nicolai (2022). More EU Decisions by Qualified Majority Voting – but How? SWP Berlin. https://www.swp-berlin.org/10.18449/2022C61/. Truy cập ngày 4/11/2023.

[5] Jones, M. G. (2023). EU must be ready to accept new members by 2030 – Charles Michel. Euro News. Truy cập 22/11/2023 https://www.euronews.com/my-europe/2023/08/28/eu-must-be-ready-to-accept-new-members-by-2030-charles-michel

[6] Sorgi, G. (2023). EU enlargement chief backs 2030 deadline. Politico.  Truy cập 22/11/2023 https://www.politico.eu/article/eu-enlargement-commissioner-oliver-varhelyi-backs-charles-michel-2030-deadline/

[7] Stöckl, B. (2023). Rutte ‘very much disagrees’ with 2030 EU enlargement date. EUractiv.  Truy cập 22/11/2023 https://www.euractiv.com/section/politics/news/rutte-very-much-disagrees-with-2030-eu-enlargement-date/

[8]Outcome of the European Political Community meeting in Bulboaca, Moldova, on 1 June 2023. (2023). Europe Parliament.Truy cập ngày 21/11/2023 https://www.europarl.europa.eu/RegData/etudes/BRIE/2023/747431/EPRS_BRI(2023)747431_EN.pdf

[9] Ecos. (2023, October 10). Outcome of the meetings of EU leaders, 5-6 October 2023. Ep thinktank. Truy cập ngày 21/11/2023  https://epthinktank.eu/2023/10/10/outcome-of-the-meetings-of-eu-leaders-5-6-october-2023/

[10] (2023). The Heads of State or Government lay the strategic foundations for the future of the EU and address its enlargement in the Granada declaration. Spanish Presidency. Truy cập 21/11/2023  https://spanish-presidency.consilium.europa.eu/en/news/informal-meeting-of-heads-of-state-or-government-granada/

[11] Lynch, S. (2023, June 30). Europe swings right — and reshapes the EU.POLITICO. Truy cập 21/11/2023 https://www.politico.eu/article/far-right-giorgia-meloni-europe-swings-right-and-reshapes-the-e/

[12] (2023).Mid-year market outlook 2023: Entering uncharted territory. J.P.Morgan. Mid-year market outlook 2023 (jpmorgan.com) Ngày truy cập: 27/11/2023.

[13] (2023). GDP and main components (output, expenditure and income). Eurostat. https://ec.europa.eu/eurostat/databrowser/view/NAMQ_10_GDP__custom_7680558/bookmark/table?lang=en&bookmarkId=a4ce6a9d-7ef1-48f1-a5bf-e23a717fcf75

[14] (2023). Winter 2023 Economic Forecast: EU Economy set to avoid recession, but headwinds persist. European Commission.https://economy-finance.ec.europa.eu/economic-forecast-and-surveys/economic-forecasts/winter-2023-economic-forecast-eu-economy-set-avoid-recession-headwinds-persist_en

[15] Winter 2023 Economic Forecast: EU Economy set to avoid recession, but headwinds persist. (2023). Economy and Finance.https://economy-finance.ec.europa.eu/economic-forecast-and-surveys/economic-forecasts/winter-2023-economic-forecast-eu-economy-set-avoid-recession-headwinds-persist_en

[16] Lạm phát cơ bản hay lạm phát lõi là loại chỉ số mô tả sự thay đổi mức giá chung mang tính chất dài hạn, trong đó loại bỏ một số loại hàng hóa có mức giá biến động như lương thực và năng lượng

[17] Casert, R. (2023, Nov 2nd). Hold the olive oil! Prices of some basic European foodstuffs keep skyrocketing. AP News. Retrieved November 23rd, 2023 from https://apnews.com/article/olive-oil-eggs-butter-europe-expensive-inflation-24f497e8338f1095d9bcc36e5826516f     

[18] (2023). Factsheet: EU solidarity with Ukraine. European Commission’s.

https://ec.europa.eu/commission/presscorner/detail/en/FS_22_3862

[19] Fix, L. & Kimmage, M. (2023, Sep 12th). Will the West Abandon Ukraine?. Foreign Affairs. Retrieved November 11th 2023 from https://www.foreignaffairs.com/united-states/will-west-abandon-ukraine

[20] (2023). Eurobarometer: Europeans show strong support for the EU’s response to Russia’s invasion of Ukraine. EU NeighboursEast. https://euneighbourseast.eu/news/latest-news/eurobarometer-europeans-show-strong-support-for-the-eu’s-response-to-russia’s-invasion-of-ukraine/. Ngày truy cập: 27/11/2023.

[21] Kimmage, L. F. a. M. (2023, September 21). Will the West abandon Ukraine? Kyiv must prepare for a possible change of heart in America and Europe. Foreign Affairs.https://www.foreignaffairs.com/united-states/will-west-abandon-ukraine

[22] Karnitschnig, M. (2023). America’s European burden: How the Continent still leans on the US for security. POLITICO.https://www.politico.eu/article/america-europe-burden-continent-leans-security-defense-military-industry/. Ngày truy cập: 27/11/2023.

[23] Masters, J. (2023). Ukraine: Conflict at the Crossroads of Europe and Russia. Council on Foreign Relations. https://www.cfr.org/backgrounder/ukraine-conflict-crossroads-europe-and-russia

[24] (2023). U.S. and EU sanctions teams enhance bilateral partnership. European Commission. https://finance.ec.europa.eu/news/us-and-eu-sanctions-teams-enhance-bilateral-partnership-2023-05-16_en

[25] Masters, J. & Merrow, W. (2023) How Much Aid Has the U.S. Sent Ukraine? Here Are Six Charts. Council on Foreign Relations. https://www.cfr.org/article/how-much-aid-has-us-sent-ukraine-here-are-six-chars

[26] Trebesch, C. (2023). Ukraine Support Tracker: Europe clearly overtakes US, with total commitments now twice as large. Kiel Institute for The World Economy. https://www.ifw-kiel.de/publications/news/ukraine-support-tracker-europe-clearly-overtakes-us-with-total-commitments-now-twice-as-large/

[27] (2022). U.S.-EU Joint Statement of the Trade and Technology Council. The White House Washington. https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2023/05/31/u-s-eu-joint-statement-of-the-trade-and-technology-council-2/

[28] Karnitschnig, M. (2023). America’s European burden: How the Continent still leans on the US for security. POLITICO. https://www.politico.eu/article/america-europe-burden-continent-leans-security-defense-military-industry/

[29] Tanner, J. (2023). Report: Ukraine world’s 3rd biggest arms importer in 2022. APNews. https://apnews.com/article/ukraine-global-arms-imports-sipri-7f4464ab3a3266677344356377c2cb3a

[30] McCleary, P. & Lynch, S. (2023). The US wants Europe to buy American weapons; the EU has other ideas. POLITICO. https://www.politico.eu/article/us-europe-buy-american-weapons-military-industry-defense/

[31] Ware, D. G. (2022). US, EU sign deal to deepen military ties, better coordinate amid Russia-Ukraine war. Stars and Stripes. https://www.stripes.com/theaters/europe/2023-04-26/pentagon-european-union-defense-agreement-9929461.html

[32] Simón, L. (2023). The Ukraine War and the Future of the European Union’s Security and Defense Policy. Center for Strategic & International Studies. https://www.csis.org/analysis/ukraine-war-and-future-european-unions-security-and-defense-policy

[33] Eizenstat, S. (2023). Wanted: a new framework for US-EU relations. Financial Times. https://www.ft.com/content/f94a4b1d-72af-4f93-ad6e-efc30a78c535

[34] (2022). U.S.-EU Joint Statement of the Trade and Technology Council. The White House Washington. https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2023/05/31/u-s-eu-joint-statement-of-the-trade-and-technology-council-2/

[35] (2023). EU-US Task Force on Energy Security: one year on. European Commission. https://energy.ec.europa.eu/news/eu-us-task-force-energy-security-one-year-2023-04-03_en#:~:text=In%20more%20specific%20terms%2C%20the,from%2022%20bcm%20in%202021.

[36] Hammond, A. (2023). Topsy-turvy US-EU ties at a crucial stage. Arab News. https://www.arabnews.com/node/2391801

[37] Thompson, J. (2023). US-EU relations: back on track, but for how long?. The Progressive Post. https://progressivepost.eu/us-eu-relations-back-on-track-but-for-how-long/

[38] Castro, R.B. (2023). Transatlantic Guardrails: Fostering sustainable EU-US relations. Policy Brief, Transatlantic Expert Group, Bertelsmann Stiftung, 2023.

[39] T, Đạt. (2023). Châu Âu cảnh báo hậu quả nếu Trung Quốc vượt qua lằn răn đỏ cấp vũ khí cho Nga. Dân trí. From:https://dantri.com.vn/the-gioi/chau-au-canh-bao-hau-qua-neu-trung-quoc-vuot-lan-ranh-do-cap-vu-khi-cho-nga-20230224171644795.htm

[40] (2023). China Lobbies EU Over Proposal to Punish Firms Supplying Russia. Bloomberg. From: https://www.bnnbloomberg.ca/china-lobbies-eu-over-proposal-to-punish-firms-supplying-russia-1.1930475

[41] McElwee, L., & Mazzocco, I. (2023, July 14). Germany’s China strategy marks a new approach in EU-China relations. CSIS | Center for Strategic and International Studies. https://www.csis.org/analysis/germanys-china-strategy-marks-new-approach-eu-china-relations

[42] Hindustan Times (2023). Stamp on new trade corridor to counter China’s BRI push. Truy xuất từ: https://www.hindustantimes.com/india-news/stamp-on-new-trade-corridor-to-counter-china-s-bri-push-101694332792282.html. Truy cập ngày: 16/11/2023.

[43] Huld, A. (2023). EU-China Relations – Trade, Investment, and Recent Developments. China Briefing. https://www.china-briefing.com/news/eu-china-relations-trade-investment-and-recent-developments/

[44] Evan Da Costa Marques (2023). Will 2023 mark a shift towards a more realist EU foreign policy? Friends of Europe. https://www.friendsofeurope.org/insights/will-2023-mark-a-shift-towards-a-more-realist-eu-foreign-policy/. Truy cập ngày 4/11/2023.

[45] Huyền. (2023). EU – Trung Quốc nỗ lực hợp tác thương mại cân bằng. VOV World. https://vovworld.vn/vi-VN/binh-luan/eu-trung-quoc-no-luc-hop-tac-thuong-mai-can-bang-1234959.vov

[46] (2023). Nhà đàm phán EU: Quan hệ thương mại với Trung Quốc “rất mất cân bằng”. TTWTO VCCI – FTA. https://trungtamwto.vn/tin-tuc/24540-nha-dam-phan-eu-quan-he-thuong-mai-voi-trung-quoc-rat-mat-can-bang

[47] Amaro, S. (2023). China-EU relationship is at a crossroads, top official says in Beijing. CNBC. https://www.cnbc.com/2023/09/25/china-eu-relationship-is-at-a-crossroads-trade-chief-dombrovskis-said.html?fbclid=IwAR22HCaNBx5jb18DSJ8jUk3UtYUntZdlqpOzgdvvtkELQAUB4p7z0u95v8c

[48]  (2023). EU calls for greater market access and fair competition at EU – China High Level Dialogue. European Commission. https://ec.europa.eu/commission/presscorner/detail/en/ip_23_4609

[49] Svendsenand, O. & Ruy, D. (2023). The Windsor Framework Heralds a Breakthrough in EU-UK Relations. CSIS.https://www.csis.org/analysis/windsor-framework-heralds-breakthrough-eu-uk-relations

[50] Domiguez, G. (2023). Japan and EU agree to further deepen cooperation as strategic interests converge.The Japan Times. https://www.japantimes.co.jp/news/2023/07/14/national/japan-eu-deeper-cooperation/

[51] Domiguez, G. (2023). Japan and EU agree to further deepen cooperation as strategic interests converge.The Japan Times. https://www.japantimes.co.jp/news/2023/07/14/national/japan-eu-deeper-cooperation/

[52] Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS) (2023, Sep 14). The EU Approach to Cooperation in the Indo-Pacific from Strategy to Practice. Truy xuất từ: https://www.youtube.com/watch?v=EmCdzio_Suo. Ngày truy cập: 4/11/2023.

[53] BNG (2023). Việt Nam-EU họp Ủy ban hỗn hợp lần thứ 4. Báo Điện tử Chính phủ. https://baochinhphu.vn/viet-nam-eu-hop-uy-ban-hon-hop-lan-thu-4-102231028201136795.htm

[54] (2023). EU-Việt Nam: Thông cáo báo chí chung của kỳ họp Ủy ban Hỗn hợp EU-Việt Nam lần thứ 4. EEAS. https://www.eeas.europa.eu/eeas/4th-eu-vietnam-joint-committee-vi_vi

[55] BNG (2023). Việt Nam-EU họp Ủy ban hỗn hợp lần thứ 4. Báo Điện tử Chính phủ. https://baochinhphu.vn/viet-nam-eu-hop-uy-ban-hon-hop-lan-thu-4-102231028201136795.htm 

[56] Song Linh (2023). Nghị viện Italia phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA). Báo Nhân Dân. https://nhandan.vn/nghi-vien-italia-phe-chuan-hiep-dinh-bao-ho-dau-tu-viet-nam-eu-evipa-post764270.html; Vũ Khuyên (2023). Việt Nam hoan nghênh Luxembourg phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU. VTC News. https://vtc.vn/viet-nam-hoan-nghenh-luxembourg-phe-chuan-hiep-dinh-bao-ho-dau-tu-viet-nam-eu-ar770262.html; Nhật Khôi (2023). Áo sẽ sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU. Báo Công thương. https://congthuong.vn/ao-se-som-phe-chuan-hiep-dinh-bao-ho-dau-tu-viet-nam-eu-263669.html.

[57] Tú Anh (2023). Châu Âu mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đất hiếm. Kinh tế Đô Thị. https://kinhtedothi.vn/chau-au-mong-muon-hop-tac-voi-viet-nam-trong-linh-vuc-dat-hiem.html

[58]  BNG (2023). Việt Nam-EU họp Ủy ban hỗn hợp lần thứ 4. Báo Điện tử Chính phủ. https://baochinhphu.vn/viet-nam-eu-hop-uy-ban-hon-hop-lan-thu-4-102231028201136795.htm

[59] Trần, An (2023). Thương mại Việt Nam – EU 9 tháng đạt 44 tỷ USD. Bộ Công thương Việt Nam. https://moit.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-nuoc-ngoai/hiep-dinh-evfta/thuong-mai-viet-nam-eu-9-thang-dat-44-ty-usd.html.

[60]  Tú Anh (2023). Châu Âu mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đất hiếm. Kinh tế Đô Thị. https://kinhtedothi.vn/chau-au-mong-muon-hop-tac-voi-viet-nam-trong-linh-vuc-dat-hiem.html .

[61] Evan Da Costa Marques (2023). Will 2023 mark a shift towards a more realist EU foreign policy? Friends of Europe. https://www.friendsofeurope.org/insights/will-2023-mark-a-shift-towards-a-more-realist-eu-foreign-policy/. Truy cập ngày 4/11/2023.

[62] Puglierin, Jana; Zerka, Pawel (2023). Keeping America close, Russia down, and China far away: How Europeans navigate a competitive world. ECFR. https://ecfr.eu/publication/keeping-america-close-russia-down-and-china-far-away-how-europeans-navigate-a-competitive-world/. Truy cập ngày 3/11/2023.

[63] Reed, Stanley (2022). The European Union seeks independence from Russian oil and gas. The New York Times. Truy xuất từ: https://www.nytimes.com/2022/03/08/business/european-union-russia-oil-gas.html. Ngày truy cập: 16/11/2023.

[64] O’Carroll, Lisa; Bayer, Lili (2023). EU fails to agree changes to migration laws as Germany and Italy clash. The Guardian. Truy xuất từ: https://www.theguardian.com/world/2023/sep/28/eu-migration-laws-changes-germany-italy-clash. Ngày truy cập: 27/11/2023.  

[65] Hadar, Leon. (2023). An EU Pivot to the Middle East. Foreign Policy Research Institute. Truy xuất từ: https://www.fpri.org/article/2023/05/an-eu-pivot-to-the-middle-east/. Ngày truy cập: 22/11/2023.

[66] Scazzieri, Luigi (2023). Europe and a new Middle East. Centre for European Reform. Truy xuất từ: https://www.cer.eu/insights/europe-and-new-middle-east. Ngày truy cập: 16/11/2023.

[67] Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS) (2023, Sep 14). The EU Approach to Cooperation in the Indo-Pacific from Strategy to Practice. Truy xuất từ: https://www.youtube.com/watch?v=EmCdzio_Suo. Ngày truy cập: 4/11/2023.

[68] Iveson, Micaela; McNair, David. (2023). Multilateral development: How Europeans can get real with the global south. European council on foreign relations. Truy xuất từ: https://ecfr.eu/article/multilateral-development-how-europeans-can-get-real-with-the-global-south/. Ngày truy cập: 16/11/2023.

[69] European Union (2021). South China Sea: Statement by the Spokesperson on recent incidents. Truy xuất từ: https://www.eeas.europa.eu/eeas/south-china-sea-statement-spokesperson-recent-incidents_en. Ngày truy cập: 18/11/2023.

[70] Đoàn Ca (2023). Việt Nam tái khẳng định chủ trương nhất quán về vấn đề Biển Đông. Quân đội Nhân dân. Truy xuất từ: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/viet-nam-tai-khang-dinh-chu-truong-nhat-quan-ve-van-de-bien-dong-734628. Ngày truy cập: 18/11/2023.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *