Tổng quan về Nhật Bản và quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trong năm 2023

1. Tình hình trong nước của Nhật Bản

1.1. Chính trị nội bộ

Chính trị nội bộ Nhật Bản đến hiện tại tiếp tục được Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền dưới sự lãnh đạo của thủ tướng Fumio Kishida, sức ảnh hưởng tiếp tục được củng cố thông qua sự thắng lợi áp đảo trong các cuộc bầu cử toàn quốc đã diễn ra trong năm 2023. Trong các cuộc bầu cử trước đó, Đảng Dân chủ Tự do và đồng minh liên tục giành được đa số ghế trong Quốc hội, tạo ra khoảng cách khá xa với đảng đối lập ở Hạ viện và Thượng viện. Theo kết quả được công bố cho cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ vào ngày 24/4/2023, LDP đã giành 4 trong tổng số 5 ghế được bầu lại, cụ thể là 3 ghế tại Hạ viện tại các khu vực bầu cử, 1 ghế ở các tỉnh Chiba và Yamaguchi và 1 ghế tại Thượng viện tỉnh Oita. So với đảng đối lập – đảng Duy tân Nhật Bản (JIP) – giành 1 ghế còn lại trong cuộc bầu cử giữa kỳ của Hạ viện ở tỉnh Wakayama.[1] Đến cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung ngày 23/10/2023, kết quả được công bố với 1 ghế hạ nghị sĩ dành cho Đảng cầm quyền và 1 ghế thượng nghị sĩ dành cho Đảng đối lập. Với diễn biến hiện tại, khả năng thủ tướng Fumio Kishida giải tán hạ viện và tổ chức tổng tuyển cử sớm ngay trong năm nay vẫn có thể diễn ra. Điều này được công chúng quan tâm khi Đảng Dân chủ Tự do liên tiếp giành phần thắng đa số trong những đợt bầu cử Quốc hội trước đó và sau khi thủ tướng vừa tổ chức thành công hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Hiroshima vào tháng 5/2023.[2] Tuy nhiên, theo thống kê từ các hãng thông tấn nội địa cho thấy tỷ lệ ủng hộ Nội các suy giảm xuống mức kỷ lục và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Cụ thể đến tháng 10 năm nay, kết quả cuộc thăm dò do Kyodo công bố cho thấy tỷ lệ ủng hộ Nội các đã giảm xuống còn 32,3%, mức thấp nhất kể từ khi nhậm chức vào tháng 10-2021. Con số này tiếp tục giảm từ mức 39,8% ghi nhận trong cuộc thăm dò trước đó vào tháng 9-2023, và thấp hơn cả mức thấp nhất là 33,1% hồi tháng 11 và 12 năm 2022. Trong khi đó, tỉ lệ bất tín nhiệm tăng mạnh, từ 39,7% trong tháng 9 lên 52,5%.[3] Nguyên nhân chủ yếu được cho rằng do chính phủ đang gặp khó khăn trong xử lý các vấn đề đối nội như Hệ thống Định danh (ID) Quốc gia “My Number” và kế hoạch xả nước nhiễm phóng xạ đã xử lý từ khu liên hợp hạt nhân Fukushima I vào biển Thái Bình Dương.[4]

1.2. Kinh tế xã hội

Hiện tại chính quyền Nhật Bản đang đối mặt với nhiều biến động và thách thức lớn trong vấn đề kinh tế xã hội, nổi bật nhất phải kể đến là vấn đề lạm phát cao và tỷ giá đồng Yên chạm đáy trên thị trường quốc tế, điều này kéo theo nhiều biến động trong đời sống của người dân nước . Theo báo cáo của IMF (Quỹ tiền tệ quốc tế), GDP danh nghĩa của Nhật Bản trong năm 2023 sẽ giảm 0,2%, tức chỉ còn 4.230 tỷ USD. Từ đó, có những dự đoán cho rằng Đức sẽ thay Nhật trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.[5] Cụ thể, tháng 7/2023 đánh dấu tháng thứ 23 lạm phát tăng liên tiếp, cũng như tháng thứ 16 lạm phát cao hơn mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã đề ra.[6] Tuy nhiên đến ngày 20/10, số liệu của bộ Nội vụ Nhật Bản ghi nhận lạm phát giá tiêu dùng tại nước này đã giảm xuống dưới mức 3% trong tháng trước. Phát biểu tại cuộc họp thường niên của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) ở Washington (Mỹ) tháng 10/2022, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda khẳng định cần phải tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ cho đến khi đạt được mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững và ổn định[7]. Tuyên bố này khẳng định mối quan tâm lớn nhất của họ là mức độ biến động chứ không phải là tỷ giá của đồng nội tệ. Vào đầu giờ sáng phiên giao dịch ngày 4/10, báo cáo tỷ giá đồng Yên Nhật Bản có dấu hiệu chạm mốc và nhanh chóng tăng lại, dao động dưới 150 yên/1 USD. Điều này đã gây lên nghi vấn rằng có khả năng Bộ Tài chính Nhật Bản sẽ đưa ra một quyết định can thiệp để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ. Việc đồng Yên xuống giá cũng có mặt tích cực khi nó được xem là yếu tố có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu và ngành du lịch cũng như giúp đẩy nhập khẩu hàng hóa xuống thấp hơn, thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm nội địa. Tuy nhiên điều này lại dẫn đến các vấn đề của nhập khẩu hàng hoá khiến chi phí nhập khẩu nhiên liệu và hàng hóa tăng cao tiếp tục tạo sức ép lên lạm phát, giảm mức mua của các hộ gia đình và tiêu dùng cá nhân.[8] Ngày 22/9/2023, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản đã công bố báo cáo cho biết chỉ số giá tiêu dùng tổng hợp (không tính các hàng hóa tươi sống) của nước này trong tháng 8/2023 đã tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận chuỗi tăng và cao hơn so với dự báo cũng như mục tiêu 2% mà ngân hàng Trung ương đề ra. Thực phẩm, xăng và dịch vụ lưu trú được đánh giá là các mặt hàng tăng giá chính trong đà lạm phát của Nhật Bản. Theo danh mục hàng hóa, giá điện giảm 20,9% trong khi giá xăng tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái (số liệu tháng 9/2023).[9] Vì không có tài nguyên thiên nhiên dồi dào, Nhật Bản phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng và các nguyên liệu thô khác. Tuy nhiên với tình hình quốc tế sau cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra, chi phí nhập khẩu nhiên liệu trên thị trường càng thêm phần cạnh tranh, các doanh nghiệp phải đẩy gánh nặng chi phí lên người tiêu dùng.

Trong bối cảnh trên, Chính quyền Nhật Bản bổ sung các chính sách tập trung an ninh kinh tế bằng cách soạn thảo và ban bố các chính sách ưu đãi thuế, tăng mức lương tối thiểu cho người dân và tiếp tục trợ giá nhiên liệu và điện nhằm giảm bớt tác động của lạm phát đến người tiêu dùng. Tuy nhiên về vấn đề tăng lương cơ bản sẽ có thể đáp ứng được ở các doanh nghiệp lớn, đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ khó khăn hơn trong vấn đề chi trả và tuyển thêm nhân viên. Đi kèm với đó là mối quan ngại về mức lương đã tăng chưa thể theo kịp tình trạng lạm phát.[10]

Về vấn đề năng lượng, Nhật Bản tiếp tục thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tăng cường tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Dự đoán tỷ trọng của ngành tái tạo trong cơ cấu năng lượng sẽ tăng trong thập kỷ tới nhằm hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính xuống mức 0 vào năm 2050 mà Nhật Bản đã cam kết.[11] Bên cạnh đó, chính phủ đang tập trung đầu tư cho kế hoạch năng lượng mới, đẩy nhanh việc tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân đủ tiêu chuẩn để tăng cường khả năng tự cung cấp điện cho đất nước trước tình hình địa chính trị diễn biến căng thẳng hiện nay.

1.3. An ninh quốc phòng

Chiến lược quốc phòng của Nhật Bản đang dần đổi mới và thích nghi trong tình hình hiện nay thể hiện sự chủ động hơn thông qua nhiều hoạt động quân sự, cho thấy khả năng chuyển từ chiến lược tự vệ sang chiến lược phòng vệ chủ động.

Tháng 10/2022, quân đội Nhật Bản đã thực hiện nhiều hoạt động quan trọng bao gồm tập trận không quân cùng Mỹ, tập trận hải quân với Mỹ và Hàn Quốc ở vùng biển phía Đông bán đảo Triều Tiên, và cuộc tập trận chung giữa lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản và lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ.

Shanghai Observer đã thực hiện một bài phân tích về các mối liên kết quốc tế của Nhật Bản trong khoảng thời gian “lặng lẽ” kéo dài 20 năm. Trong bài viết, nêu rõ về việc tổ chức lễ duyệt binh tàu quốc tế tại vịnh Sagami ở miền Đông Nhật Bản, do Lực lượng phòng vệ trên biển (MSDF) của Nhật Bản tổ chức lần đầu tiên sau 20 năm. Sự kiện này thu hút sự tham gia của hải quân Nhật Bản cùng với 12 quốc gia khác, trong đó có cả Hàn Quốc. Cùng tham gia sự kiện có sự góp mặt của thủ tướng Nhật Bản, Fumio Kishida , trong bài phát biểu tại sự kiện này, nhấn mạnh chính sách tăng cường năng lực quốc phòng. Ông cũng nhấn mạnh về việc chuẩn bị cho “các mối đe dọa tiềm tàng” và sẽ xem xét tất cả các lựa chọn để đáp ứng thực tế.

Nhằm tăng cường mạnh mẽ khả năng quốc phòng, điều này thể hiện sự thay đổi rõ rệt trong chiến lược quốc phòng, với việc tăng cường hợp tác quân sự với các quốc gia như Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, Anh, các nước trong Liên minh châu Âu (EU) và Đông Nam Á. Nhật Bản cũng đã công bố kế hoạch phát triển và sản xuất hàng loạt tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, cùng với yêu cầu bổ sung ngân sách để phát triển các loại đầu đạn mới, bao gồm đầu đạn siêu thanh. Điều này thể hiện một phần trong kế hoạch mở rộng đầu tư cho lực lượng phòng vệ, trong khi Bộ Quốc phòng cũng công bố kế hoạch mua sắm vũ khí, khác biệt rõ rệt so với chiến lược quốc phòng trước đây của Nhật Bản, bị ràng buộc bởi Hiến pháp.

Mục tiêu của Nhật Bản là xây dựng cấu trúc quốc phòng mới để đáp ứng các thách thức trong thế kỷ 21, và việc tăng ngân sách quốc phòng lên 2%  GDP được coi là quan trọng.[12] Theo các nhà phân tích, áp lực từ an ninh quốc tế và khu vực, như vấn đề hạt nhân Triều Tiên và chiến sự Nga-Ukraine, đã đẩy Nhật Bản chủ động hơn trong chiến lược quốc phòng. Cuộc khảo sát dư luận của Đài Truyền hình NHK cho thấy 55% trong số 1.247 người được khảo sát ủng hộ việc tăng chi tiêu quốc phòng, so với 29% phản đối.[13] Điều này có thể mở đường cho việc cải cách Hiến pháp để bình thường hóa vai trò của lực lượng phòng vệ Nhật Bản.

Chính sách quốc phòng của Nhật Bản, về cơ bản được chi phối bởi chủ nghĩa hòa bình sau Chiến tranh thế giới thứ hai, hiện đang chịu áp lực gia tăng từ các tình hình an ninh toàn cầu và khu vực.

2. Quan hệ đối ngoại với các đối tác quan trọng

2.1. Với Mỹ

Vào năm 2022, Nhật Bản và Mỹ đã ký kết Hiệp ước An ninh mới nhằm củng cố liên minh giữa hai nước và cung cấp khuôn khổ để giải quyết các thách thức trong khu vực. Đến năm 2023, hai nước đã dự kiến sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực như an ninh, thương mại và hợp tác khu vực và thực hiện hóa thông qua các cuộc gặp giữa nguyên thủ quốc gia cũng như các diễn đàn hợp tác chung.

Đầu năm 2023, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura đã tới Mỹ để ký các thỏa thuận tăng cường hợp tác an ninh mạng với Bộ An ninh Nội địa Mỹ, cũng như hợp tác xóa bỏ lao động cưỡng bức khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu với đại diện thương mại Mỹ. Trong hai tuần trước chuyến thăm của ông Kishida, Ủy ban Tư vấn An ninh cũng đã đưa ra tuyên bố chung ca ngợi một liên minh hiện đại hóa sẵn sàng thực hiện cam kết chung về răn đe tổng hợp. Ngoại giao cấp cao giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản trong thời gian này đã dẫn đến nhiều cam kết, chẳng hạn như cải thiện thế trận phòng thủ của đồng minh ở các đảo phía tây nam Nhật Bản, xây dựng một trung đoàn thủy quân lục chiến Mỹ linh hoạt hơn ở Okinawa, mở rộng Điều 5 của hiệp ước an ninh để áp dụng các cam kết quốc phòng của Mỹ trong lĩnh vực không gian v.v. Các thỏa thuận cũng được hiện thực hóa về R&D quốc phòng và an ninh chuỗi cung ứng.[14]

Chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tới Washington vào tháng 1/2023 đã đánh dấu một bước chuyển biến trong liên minh Mỹ-Nhật. Những cải cách an ninh mới và phản ứng chủ động trước cuộc khủng hoảng Ukraine đã được nhận được sự ủng hộ ở Washington. Những thay đổi này nhấn mạnh quyết tâm của Nhật Bản trong việc tăng cường khả năng phòng thủ và góp phần răn đe khu vực. Ngoài ra còn có tiềm năng thúc đẩy quan hệ đối tác song phương để giải quyết các thách thức quốc tế lớn.[15]

Tuyên bố chung Biden-Kishida ngay sau hội nghị thượng đỉnh nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động kịp thời để giải quyết nhiều vấn đề ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Lấy mối quan hệ song phương làm nền tảng, hai nước tuyên bố sẽ cùng với Úc và Ấn Độ cam kết duy trì Bộ tứ như một lực lượng vì lợi ích trong khu vực, hứa hẹn sẽ mang lại kết quả về y tế toàn cầu, an ninh mạng, khí hậu, các công nghệ quan trọng mới nổi cũng như nhận thức về lĩnh vực hàng hải. Hai bên cũng cam kết ủng hộ vai trò trung tâm và sự đoàn kết của ASEAN, đồng thời tăng cường hợp tác ba bên giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ trong cả an ninh và các lĩnh vực khác. Ngoài ra, họ còn mong muốn tăng cường hợp tác ở Quần đảo Thái Bình Dương thông qua các Đối tác trong Thái Bình Dương Xanh.[16]

Năm nay cũng chứng kiến Nhật Bản và Mỹ triệu tập các cuộc gặp đa phương cấp cao quan trọng: Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản và Hội nghị thượng đỉnh CEO APEC. Cả hai sự kiện sẽ giải quyết các vấn đề an ninh, kinh tế, y tế và các vấn đề quan trọng khác, đồng thời ưu tiên tính bền vững, an ninh và toàn diện.[17]

Ngày 14/7, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhật-Mỹ-Hàn đã diễn ra. Ba Ngoại trưởng lên án mạnh mẽ vụ phóng ICBM ngày 12/7 của Triều Tiên đã gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Họ khẳng định cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ nhằm tăng cường khả năng răn đe và ứng phó trong khu vực, bao gồm hợp tác an ninh ba bên và đảm bảo thực hiện đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC).[18] Vào ngày 18/8, các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đã gặp nhau tại Trại David để tham dự hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên giữa ba nước. Đây cũng là lần đầu tiên Tổng thống Biden sử dụng Trại David cho một hội nghị thượng đỉnh quốc tế trong nhiệm kỳ của ông tại Nhà Trắng. Các quan chức Mỹ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng các thể chế và cơ cấu bền vững giữa ba quốc gia. Các thể chế này có thể được lồng ghép trong các tổ chức khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khác, chẳng hạn như Đối thoại An ninh Tứ giác, hiệp ước quốc phòng AUKUS và hợp tác với Philippines. Kết quả đáng chú ý nhất của Trại David là việc hiện thực hóa các lợi ích an ninh chung giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và các liên minh của họ với Mỹ. Mặc dù không có một thỏa thuận an ninh tập thể chính thức, bản thân “cam kết tham vấn” gồm hai đoạn về cách ứng phó với các thách thức, hành động khiêu khích và các mối đe dọa trong khu vực ảnh hưởng đến lợi ích và an ninh tập thể của họ đã là một kết quả quan trọng.[19]

Ngày 7/11, trong khi đang ở Nhật Bản để tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc trao đổi với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Thủ tướng Kishida nhấn mạnh sự cần thiết của sự thống nhất G7 trong bối cảnh tình hình ở Israel và Palestine, Ukraine cũng như những thách thức ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ông bày tỏ hy vọng rằng Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G7 sẽ tạo cơ hội cho các cuộc thảo luận mang tính xây dựng giữa các thành viên. Đáp lại, Bộ trưởng Blinken bày tỏ mong muốn tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các thành viên G7.[20]

Trong cuộc họp cấp bộ trưởng lần thứ hai của Ủy ban Tư vấn Chính sách Kinh tế Nhật-Mỹ (EPCC) diễn ra vào ngày 14/11/2023, hai bên đã đưa ra Tuyên bố chung nhấn mạnh kế hoạch phát triển cùng với những đối tác có cùng quan điểm, dựa trên những nỗ lực như Tuyên bố của các nhà lãnh đạo G7 về khả năng phục hồi kinh tế và an ninh kinh tế nhằm tạo ra một tương lai bền vững cho tất cả mọi người hay Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF). Thông qua cuộc họp, Mỹ và Nhật Bản đã có chung quan điểm ở các nội dung quan trọng như tăng cường trật tự kinh tế dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, tăng cường khả năng phục hồi kinh tế, thúc đẩy và bảo vệ các công nghệ quan trọng và mới nổi cũng như các vấn đề liên quan đến an ninh năng lượng và an ninh lương thực.[21]

Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng đang vận động các nước châu Á lên án Nga tại cuộc bỏ phiếu của Liên hợp quốc, thể hiện sự tự tin trong việc đồng hành cùng Mỹ trong các vấn đề khu vực. Nhật Bản nhận thấy sự cần thiết phải tăng chi tiêu quân sự và đang tăng cường khả năng phản công của mình. Thủ tướng đang kêu gọi tăng chi tiêu 2% trong bối cảnh tình hình ở biên giới Ukraine. Quan hệ đối tác Mỹ-Nhật đang được củng cố và mở rộng trong lĩnh vực quốc phòng và bán dẫn. Công nghệ Lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) hứa hẹn sẽ giải quyết được các thách thức về năng lượng và biến đổi khí hậu. Nhật Bản và Mỹ đang hợp tác để thử nghiệm các lò phản ứng mô-đun nhỏ. Các quốc gia khác, bao gồm Romania, Ghana và Philippines, cũng đang khám phá năng lượng hạt nhân SMR.

2.2. Với Trung Quốc

Nhật Bản có kế hoạch xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý từ Fukushima vào Thái Bình Dương. Nhật Bản khẳng định nước thải đã qua xử lý được loại bỏ hầu hết chất phóng xạ và pha loãng phần còn lại đến mức an toàn để uống. Trung Quốc cáo buộc Nhật Bản coi đại dương là ‘cống thoát nước riêng’ và đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm hải sản của Nhật Bản.[22] Trung Quốc cấm hải sản từ Nhật Bản, có khả năng gây thiệt hại tài chính đáng kể. Một số nhà máy hạt nhân của Trung Quốc thải ra lượng triti[23] cao hơn Fukushima, đặt ra câu hỏi về động cơ đằng sau lệnh cấm.[24] Căng thẳng hàng hải càng leo thang khi tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc và Nhật Bản đối đầu xung quanh các đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông.

Tuy nhiên, bên cạnh những động thái căng thẳng đó, giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng có một số hoạt động nhằm trao đổi và tìm kiếm hòa bình trong mối quan hệ. Ngày 23/10/2023, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị đã tổ chức cuộc gặp với phái đoàn Nhật Bản do cựu Thủ tướng Yasuo Fukuda dẫn đầu. Các bên gặp nhau tại Nhà khách Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Trong cuộc gặp, ông Vương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản trở lại quỹ đạo tích cực. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ ổn định và cùng có lợi đối với cả hai nước, khu vực châu Á và thế giới. Ông Vương kêu gọi tôn trọng mục đích và nguyên tắc ban đầu của Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị Trung Quốc-Nhật Bản, nhằm thiết lập lại sự phát triển lành mạnh trong quan hệ giữa hai nước. Ngoài ra, ông Vương nhấn mạnh trách nhiệm của cả Trung Quốc và Nhật Bản trong việc định hình tương lai của châu Á, đồng thời ủng hộ chủ nghĩa đa phương thực sự, chủ nghĩa khu vực cởi mở và thúc đẩy sự hòa hợp và cùng tồn tại. Ông cũng kêu gọi bác bỏ đối đầu ý thức hệ và tránh “Chiến tranh Lạnh mới” để góp phần vào hòa bình và ổn định trong khu vực.

2.3. Với các đối tác khác

Những xung đột tiềm ẩn như chiến tranh Israel-Hamas, căng thẳng Nga-Ukraine, động thái gây hấn của Trung Quốc đã khiến Nhật Bản có nhiều thay đổi trong tư duy đối ngoại. Liên minh ba quốc gia đồng minh Châu Á-Thái Bình Dương bao gồm Mỹ-Nhật-Hàn gần đây đã tăng cường đối thoại nhằm củng cố quan hệ đối tác, hướng đến giải quyết các vấn đề bất ổn an ninh tại khu vực. Đồng thời, Nhật Bản cũng cho thấy nỗ lực thắt chặt quan hệ với Liên minh châu Âu trong bối cảnh EU ngày càng quan tâm hơn đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Hội nghị thượng đỉnh Trại David vào tháng 8 đã dẫn đến những diễn biến tích cực trong hợp tác ba bên Mỹ-Nhật-Hàn. Đáng chú ý, Nhật Bản và Hàn Quốc đang vượt qua những chia rẽ về lịch sử, cùng nhau đưa ra các giải pháp chung vì thịnh vượng và an ninh khu vực. Đối với Hàn Quốc, việc mở rộng quan hệ đối tác với Nhật Bản thông qua hợp tác an ninh được cải thiện, trao đổi thông tin và phối hợp phòng thủ tên lửa đạn đạo là rất quan trọng để giải quyết mối đe dọa gia tăng từ Triều Tiên.[25]

Trong khi đó, Nhật Bản cũng đang đối diện với những đe dọa an ninh quan trọng khi Nga và Trung Quốc tăng cường các cuộc tập trận quân sự của hải quân, lực lượng không quân và máy bay ném bom hạt nhân trên Biển Nhật Bản và các eo biển hẹp ngăn cách nước này với Hàn Quốc.[26] Hợp tác ba bên cùng hai quốc gia châu Á là một phần chiến lược quan trọng đối với Mỹ trong việc xây dựng hợp tác an ninh trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Từ năm 2021, EU đã cho thấy mối quan tâm sâu sắc đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thông qua Chiến lược hợp tác của EU tại đây. Nhật Bản và EU không chỉ có lợi ích chung ở châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là khi nói đến Trung Quốc, mà còn chia sẻ các giá trị cơ bản: dân chủ, nhân quyền và tầm nhìn về hệ thống quốc tế như một cơ chế dựa trên các quy tắc chung.[27] Chỉ trong vòng vài năm, ba hiệp định lớn đã được ký kết giữa hai bên: Hiệp định Đối tác Kinh tế lịch sử, Hiệp định Đối tác Chiến lược EU-Nhật Bản và Hiệp định Đối tác về Cơ sở hạ tầng Chất lượng và Kết nối Bền vững. Tại Hội nghị thượng đỉnh EU-Nhật Bản ở Brussels vào tháng 7/2023, Nhật Bản và Liên minh châu Âu đã đồng ý tăng cường hơn nữa quan hệ song phương, khởi động đối thoại chiến lược về các vấn đề an ninh và đặt nền tảng cho sự hợp tác chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực khác.

3. Quan hệ với Việt Nam

Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản với chủ đề “Việt Nam – Nhật Bản: Hướng tới tương lai, Vươn ra thế giới”. Mối quan hệ giữa hai nước được đánh giá là có nhiều tiềm năng và đang bước vào thời kỳ phát triển.

3.1. Chính trị ngoại giao, hợp tác các vấn đề quốc tế, diễn đàn đa phương

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1973-2023), Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Otsuji Hidehisa đã thực hiện chuyến thăm đến Việt Nam. Quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển trong hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện  Nhật Bản. Hai bên duy trì thường xuyên trao đổi, tiếp xúc cấp cao và chia sẻ kinh nghiệm giữa các ủy ban, thành viên Quốc hội, góp phần triển khai thực tế các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao, hỗ trợ các hoạt động của Chính phủ, thúc đẩy ngoại giao nhân dân, cũng như thúc đẩy các chương trình, dự án hợp tác giữa hai nước. Ngoài ra, Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Nhật Bản đang tích cực thúc đẩy các hoạt động trao đổi trong khuôn khổ Nhóm Nghị sĩ hữu nghị, Nghị sĩ nữ và Nghị sĩ trẻ của hai nước.

Tại các diễn đàn nghị viện đa quốc gia như Liên minh Nghị viện liên quốc gia (IPU), Diễn đàn Nghị viện châu Á – Thái Bình Dương (APPF), Hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA), Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Nhật Bản đều có chung quan điểm về xây dựng và duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Hai nước thường xuyên ủng hộ lẫn nhau trong việc giải quyết các vấn đề an ninh hàng hải và hàng không trong khu vực, cũng như các vấn đề liên quan đến Biển Đông. Hai nước đang phối hợp chặt chẽ để triển khai các thỏa thuận đạt được trong cuộc hội đàm trực tuyến đầu năm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Fumio Kishida nhằm tạo đột phá, nâng quan hệ song phương lên tầm cao mới.[28]

Chiều 10/10 tại Phủ Chủ tịch, trong buổi đón ngoại giao Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kamikawa Yoko thăm Việt Nam từ ngày 10 đến 11/10, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định hai nước có nhiều điểm tương đồng và tiềm năng để làm sâu sắc hơn hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản trên mọi lĩnh vực. Ông hoan nghênh chuyến thăm sớm của bà Yoko tới Việt Nam sau khi nhậm chức Bộ trưởng Ngoại giao. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá cao những đóng góp tích cực của bà Yoko cho quan hệ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trên nhiều năng lực trong thời gian qua. Ông đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy trao đổi cấp cao, trên nhiều cấp nhằm tăng cường tin cậy chính trị, tập trung thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động, ODA và đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có đào tạo lãnh đạo, quản lý.[29]

Ngày 27/11, Việt Nam và Nhật Bản đã ra Tuyên bố chung nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, thịnh vượng ở châu Á và thế giới nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân. Lãnh đạo hai nước đánh giá cao sự tiến triển của mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản thời gian qua. Thủ tướng Kishida khẳng định tầm quan trọng của Việt Nam trong việc thực hiện chính sách đối ngoại của Nhật Bản ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đánh giá cao những đóng góp tích cực, mang tính xây dựng của Việt Nam trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác hàng đầu, lâu dài và bày tỏ mong muốn Nhật Bản tiếp tục phát huy vai trò dẫn đầu trong việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.[30]

3.2. Kinh tế, khoa học, công nghệ

Trong 50 năm qua, Nhật Bản luôn là một trong ba nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam. Các dự án của Nhật Bản có mặt tại 57/63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam, với 5.143 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 71,2 tỷ USD tính đến tháng 7 năm 2023. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam (sau Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc) với thương mại song phương đạt gần 24,9 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2023. Ngoài ra, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam (sau Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc) và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 cho Việt Nam (sau Trung Quốc và Hàn Quốc).

Ông Lê Huy Hoàng, Vụ trưởng Vụ Nhật Bản, Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao cho biết, nhìn lại 50 năm qua, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước hiện đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất, phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực với mức độ tin cậy chính trị cao. Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, cung cấp viện trợ ODA lớn nhất, đứng thứ hai về lao động, thứ ba về đầu tư và du lịch, thứ tư về thương mại. Ông cũng lưu ý rằng hợp tác địa phương và giao lưu nhân dân ngày càng được tăng cường, góp phần làm sâu sắc thêm sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.[31]

Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hiện đang trải qua giai đoạn phát triển tốt nhất trong lịch sử quan hệ song phương. Phát biểu tại Hội nghị Gặp gỡ Nhật Bản 2023 tổ chức ngày 2/11 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, hai bên đã thiết lập được lòng tin chính trị sâu sắc, hợp tác hiệu quả và hợp tác thực chất trên tất cả các lĩnh vực. Cùng với xu hướng chung là phát triển quan hệ hợp tác thân thiện giữa Việt Nam và Nhật Bản, các hoạt động giao lưu, hợp tác địa phương giữa hai nước đã có những bước phát triển mạnh mẽ và có ý nghĩa. Khoảng 100 mối quan hệ ở cấp địa phương và hơn 110 thỏa thuận hợp tác đã được thiết lập trên nhiều lĩnh vực như đầu tư, thương mại, xuất khẩu lao động, đào tạo nguồn nhân lực, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân. Các đoàn cấp cao và năng động giữa lãnh đạo địa phương hai nước là một trong những nhân tố quan trọng nhất trong việc tăng cường hợp tác đầu tư, thương mại, xuất khẩu lao động và giao lưu nhân dân.[32]

3.3. An ninh quốc phòng, an ninh phi truyền thống

Hợp tác an ninh giữa Việt Nam và Nhật Bản dù đang có xu hướng tích cực, song lại không có nhiều sự phát triển đáng kể. Hợp tác an ninh Việt – Nhật chỉ được thấy rõ trong các vấn đề phi truyền thống như tội phạm mạng. Mặt khác, hai bên chia sẻ góc nhìn chung về các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế như ở biển Đông và xung đột Israel – Hamas.

Đối với an ninh quốc phòng, Việt Nam và Nhật Bản cho thấy sự phối hợp trong việc chống lại các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, gây bất ổn đối với hoà bình khu vực. Tại cuộc Đối thoại Chính sách Quốc phòng lần thứ 9 giữa hai nước ngày 13/3/2023, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Trung tướng Cấp cao Hoàng Xuân Chiến và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Oka Masami đã có những thảo luận về việc ưu tiên giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình tuân theo luật pháp quốc tế như: Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC); Bộ Quy tắc Ứng xử Thực chất và Hiệu quả ở Biển Đông (COC).[33] Tại cuộc hội đàm tại Văn phòng Thủ tướng ở Tokyo vào tháng 11/2023, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác an ninh hàng hải giữa hai quốc gia trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh tăng cường quân sự ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng đưa ra chương trình Hỗ trợ an ninh chính thức (OSA), nhằm cung cấp thiết bị quốc phòng cho các quốc qua chung chí hướng như là Việt Nam, với kinh phí 2 tỷ yên (13 triệu USD).[34] Lãnh đạo hai nước cũng cho biết sẽ nỗ lực ngoại giao để giảm leo thang cuộc xung đột ở Israel – Hamas.[35]

Đối với an ninh phi truyền thống, hai bên cũng tiếp tục phát huy những hoạt động hợp tác phòng chống tội phạm, bảo vệ người dân. Trong chuyến thăm của Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam vào tháng 4/2023, lãnh đạo hai bên đã trao đổi kinh nghiệm hợp tác trong lĩnh vực khoa học – kỹ thuật phục vụ đấu tranh phòng chống tội phạm.[36] Từ ngày 31/7 đến ngày 5/8/2023, đoàn công tác của Bộ Công an do Thứ trưởng Thiếu tướng Nguyễn Văn Long dẫn đầu đã có chuyến thăm cựu Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. Nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương Việt Nam – Nhật Bản, hai bên đã đồng ý sẽ hợp tác mạnh mẽ trong lĩnh vực đảm bảo an ninh và trật tự xã hội, cũng như xem xét mở rộng các cơ chế hợp tác để ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, đặc biệt là an ninh mạng. Hai bên đồng ý hợp tác chặt chẽ để bảo vệ công dân hai nước cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, đồng thời tuyệt đối không để cho các thế lực thù địch có cơ hội làm suy yếu Đảng và Nhà nước Việt Nam.[37]

4. Tổng kết

4.1. Nhận xét và đánh giá

Quan hệ ngoại giao của Nhật Bản là một khía cạnh quan trọng và nước này nỗ lực duy trì mối quan hệ bền chặt với các nước khác nhằm thúc đẩy hòa bình, an ninh và hợp tác kinh tế. Ngay sau khi bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch G7 của Nhật Bản vào năm 2023, Thủ tướng Kishida đã thực hiện hai quyết định quan trọng trong chính sách đối ngoại và an ninh của Nhật Bản mà ông đưa ra vào năm 2022. Một là sự thay đổi trong chính sách của Nhật Bản đối với Nga nhằm đáp trả hành động gây hấn của nước này với Ukraine. Hai là sự thay đổi trong chính sách an ninh của Nhật Bản bằng việc xây dựng ba văn kiện quan trọng: Chiến lược An ninh Quốc gia, Chiến lược Quốc phòng Quốc gia và Chương trình Xây dựng Quốc phòng. Sự thay đổi này là cần thiết đặt trong bối cảnh quan hệ quốc tế trải qua nhiều biến động. Năm 2023 đánh dấu Nhật Bản đã thực hiện một sự thay đổi lớn trong chính sách hiện tại với Nga và áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với nước này. Nhật Bản là một trong những nước đầu tiên cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine. Với tư cách là đại diện duy nhất của châu Á trong G7, sự tham gia của Nhật Bản vào các biện pháp chống lại Nga đã biến quy mô của cuộc chiến chống lại Nga mở rộng thành cuộc chiến toàn cầu. Trong bối cảnh các hoạt động hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đặt ra mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định quốc tế, quan hệ đối tác an ninh giữa Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc ngày càng trở nên quan trọng. Bên cạnh đó, Nhật Bản phải đối mặt với những động thái mạnh mẽ từ phía Trung Quốc cũng như nền kinh tế trong nước với tình trạng lạm phát lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ.[38]

Đối với nhóm G7, Nhật Bản đề cao tinh thần đoàn kết cùng nhau duy trì hòa bình quốc tế và giải quyết các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng như các thách thức khác. Đặc biệt là sự thống nhất của Nhật Bản, Mỹ và Châu Âu trong việc quản lý mối quan hệ tương ứng của mỗi bên với Trung Quốc. Khái niệm “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở” (FOIP) của Nhật Bản đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều quốc gia có cùng quan điểm, bao gồm cả các thành viên của G7. Nhật Bản cũng quan tâm đến mối quan hệ đối với các quốc gia được gọi là “phía Nam bán cầu”. Kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Kishida đã liên tục thực hiện các nỗ lực nhằm thúc đẩy mối quan hệ của Nhật Bản với các quốc gia này, trong đó các nước Đông Nam Á được ông nhận định là đối tác thân thiết và quan trọng nhất của Nhật Bản. Theo Thủ tướng, “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở” (FOIP) và “Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” (AOIP) có sự cộng hưởng với nhau.[39]

Những nỗ lực của Nhật Bản với Trung Quốc trong năm 2023 không đạt được nhiều thành công đáng kể. Mối quan hệ giữa hai nước vẫn còn nhiều bất đồng, bằng chứng là chiến dịch đưa thông tin sai lệch sau khi xả nước đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân số 1 Fukushima; cấm các giám đốc điều hành nổi tiếng của các công ty Nhật Bản rời khỏi Trung Quốc; và việc tiếp tục phân vùng xám cũng như các áp lực khác lên Nhật Bản ở Biển Hoa Đông. Thủ tướng Kishida tiếp tục thể hiện sự ổn định về mặt lãnh đạo và sự cân bằng đối với Trung Quốc, đồng thời tăng cường khả năng phục hồi kinh tế với các đối tác cùng chí hướng như Mỹ. Theo ông Stephen Nagy, giáo sư tại Đại học International Christian ở Tokyo và là thành viên thỉnh giảng của Viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản, căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản chắc chắn sẽ gia tăng khi Trung Quốc hiểu sai tất cả các động thái nhằm tăng cường an ninh của Nhật Bản và cho rằng những hành động đó có liên quan đến những nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc.[40]

Quan hệ Nhật – Mỹ được Thủ tướng Kishida nhận định vẫn là điểm tựa cho quan hệ ngoại giao của Nhật Bản. Trong cuộc họp thượng đỉnh vào tháng 1/2023, Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida đã xác nhận rằng các chiến lược an ninh quốc gia của hai nước phù hợp với nhau. Đối với Hàn Quốc, Thủ tướng Kishida đã chuyển mối quan hệ sang một hướng năng động mang tính xây dựng hơn, tập trung vào lợi ích chung. Các lĩnh vực cải thiện chính đã được chứng minh trong các Nguyên tắc Trại David, trong đó cam kết hai nước láng giềng tiến hành các cuộc tập trận quân sự ba bên, tăng cường tiếp xúc ngoại giao, hợp tác di dời một phần chất bán dẫn và tìm ra những cách ngoại giao và không chính thống để phi chính trị hóa những bất đồng lịch sử.

4.2. Triển vọng quan hệ Việt – Nhật

Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đang trên đà phát triển trong những năm qua. Động lực chính của sự tăng trưởng này bao gồm mong muốn của Nhật Bản nhằm đa dạng hóa quan hệ đối tác kinh tế và an ninh cũng như tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam với tư cách là một nước đóng vai trò chủ chốt ở Đông Nam Á. Các lĩnh vực hợp tác chính bao gồm quan hệ kinh tế, hợp tác an ninh, quốc phòng và trao đổi văn hóa. Việt Nam và Nhật Bản đã nhất trí nâng cấp quan hệ hai nước lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” vào ngày 27/12/2023, tạo khuôn khổ để làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai nước. Tiến sĩ Tomotaka Shoji, Giám đốc Phòng Nghiên cứu khu vực, Viện Nghiên cứu Quốc phòng, Bộ Quốc phòng Nhật Bản, cho rằng quan hệ Việt Nam – Nhật Bản có tiềm năng phát triển hơn nữa. Về những điểm mạnh của quan hệ Việt Nam – Nhật Bản, ông Shoji khẳng định hai nước có thể thiết lập và duy trì quan hệ song phương bền chặt nhờ sự gần gũi về địa lý, tình cảm dân tộc, sự bổ sung về kinh tế và hội tụ lợi ích chiến lược. Hợp tác song phương giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế đã có những bước tiến mạnh mẽ. Nhật Bản từ lâu đã coi trọng hợp tác kinh tế trong chính sách đối ngoại của mình. Với tiềm lực kinh tế mạnh mẽ, Nhật Bản mong muốn phát huy lợi thế của mình để tăng cường quan hệ với Việt Nam. Bên cạnh đó, an ninh cũng là một lĩnh vực hợp tác rất quan trọng và hai bên có nhiều triển vọng hợp tác trong lĩnh vực này.

Mặc dù mối quan hệ hiện nay giữa Việt Nam và Nhật Bản là tích cực nhưng vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết. Một trong những vấn đề đó là các chính sách liên quan đến việc thực tập cho sinh viên kỹ thuật, hai nước cần phải hợp tác liên tục và làm sâu sắc thêm mối quan hệ thông qua nỗ lực chung trong các lĩnh vực như kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường và an ninh khu vực. Hiện nay có vấn đề toàn cầu khác nhau, trong đó có biến đổi khí hậu, không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam và Nhật Bản mà còn ảnh hưởng đến các quốc gia khác. Khi mỗi quốc gia phải vật lộn với những thách thức riêng như vấn đề môi trường thì Nhật Bản và Việt Nam nên hợp tác chung để giải quyết những vấn đề này, đây có thể là lĩnh vực tiềm năng cho hợp tác trong tương lai.[41]


Tài liệu tham khảo:

[1] Tùng, Đ. T. (2023, April 24). Đảng cầm quyền Nhật Bản giành thắng lợi trong bầu cử Quốc hội giữa kỳ. Vietnam+ (VietnamPlus). https://www.vietnamplus.vn/dang-cam-quyen-nhat-ban-gianh-thang-loi-trong-bau-cu-quoc-hoi-giua-ky-post858828.vnp

[2] VNews. (n.d.). Kết quả bầu cử bổ sung Quốc hội Nhật Bản [Video]. https://vnews.gov.vn/video/ket-qua-bau-cu-bo-sung-quoc-hoi-nhat-ban-98802.htm

[3] Linh, H. (2023, October 16). Tỉ lệ ủng hộ nội các của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tiếp tục suy giảm. hanoimoi.vn. https://hanoimoi.vn/ti-le-ung-ho-noi-cac-cua-thu-tuong-nhat-ban-kishida-fumio-tiep-tuc-suy-giam-645100.htmll

[4] Khoa, V. (2023, July 16). Tỷ lệ ủng hộ nội các của Thủ tướng Nhật Fumio Kishida giảm mạnh. thanhnien.vn. https://thanhnien.vn/ty-le-ung-ho-noi-cac-cua-thu-tuong-nhat-fumio-kishida-giam-manh-185230716192316342.htm

[5] Nhật, L. N. Đ. T. T. T. T. (2023, October 24). Hàn Quốc, Nhật Bản đối mặt thách thức kinh tế. BAO DIEN TU VTV. https://vtv.vn/kinh-te/han-quoc-nhat-ban-doi-mat-thach-thuc-kinh-te-20231024205623646.htm

[6] Chi tiết tin. (n.d.). https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM285423

[7] Trang, N. (2022, October 13). Nhật tuyên bố tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng, đồng Yên sụt xuống mức thấp nhất 24 năm. Nhịp Sống Kinh Tế Việt Nam & Thế Giới. https://vneconomy.vn/nhat-tuyen-bo-tiep-tuc-chinh-sach-tien-te-noi-long-dong-yen-sut-xuong-muc-thap-nhat-24-nam.htm

[8] Tuyến, N. (2023, September 18). Đồng yen liên tục mất giá: Sức ép hay ‘cú hích’ nền kinh tế Nhật Bản? Báo Đắk Nông Điện Tử. https://baodaknong.vn/dong-yen-lien-tuc-mat-gia-suc-ep-hay-cu-hich-nen-kinh-te-nhat-ban-165393.html

[9]  Tuyến, N. (2023, September 18). Đồng yen liên tục mất giá: Sức ép hay ‘cú hích’ nền kinh tế Nhật Bản? Báo Đắk Nông Điện Tử. https://baodaknong.vn/dong-yen-lien-tuc-mat-gia-suc-ep-hay-cu-hich-nen-kinh-te-nhat-ban-165393.html

[10] Politics of Japan in 2023 – Policy Trends & Election Tracking – OOSGA. (n.d.). OOSGA. https://oosga.com/politeia/jpn/

[11]  www.moitruongachau.com, Môi Trường Á Châu. (n.d.). Nhật Bản tăng cường tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo. https://moitruongachau.com/vn/nhat-ban-tang-cuong-ty-le-su-dung-nang-luong-tai-tao.html

[12] Mai Nguyen. (2022, November 15). Chiến lược quốc phòng Nhật Bản thích nghi với tình hình mới. https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/chien-luoc-quoc-phong-nhat-ban-thich-nghi-voi-tinh-hinh-moi-711035

[13] 2022. Chiến Lược Quốc Phòng Nhật Bản Thích Nghi Với Tình Hình Mới.

[14] Brookings. (2023, June 24). “As Kishida Meets Biden, What Is the State of the US-Japan Alliance?”. Brookings. https://www.brookings.edu/articles/as-kishida-meets-biden-what-is-the-state-of-the-us-japan-alliance/. 

[15] Ibid.

[16] (2023, Jan 13). “Joint Statement of the United States and Japan on Jan. 13, 2023.” Nikkei Asia. https://asia.nikkei.com/Politics/International-relations/Joint-statement-of-the-United-States-and-Japan-on-Jan.-13-2023.

[17] CFR Editors. (2023, Aug 10). “U.S.-Japan-South Korea Trilateral Summit,” Council on Foreign Relations. https://www.cfr.org/event/us-japan-south-korea-trilateral-summit.

[18] (2023, July 14). “Japan-U.S.-ROK Foreign Ministers’ Meeting”. Ministry of Foreign Affairs of Japan. https://www.mofa.go.jp/a_o/na2/page4e_001449.html.

[19] Daniel, Sneider (2023, Aug 30). “Japan–South Korea–US Relations Thawed, but Not Warm Enough | East Asia Forum,” East Asia Forum.  https://www.eastasiaforum.org/2023/08/31/japan-south-korea-us-relations-thawed-but-not-warm-enough/.

[20]  (2023, Nov 7). “Japan-U.S.-ROK Foreign Ministers’ Meeting”. Courtesy Call on Prime Minister Kishida by U.S. Secretary of State Antony Blinken. https://www.mofa.go.jp/na/na1/us/page4e_001501.html

[21] United States Department of State. (2023, Nov 15). Joint Statement of the Japan-U.S. Economic Policy Consultative Committee. United States Department of State. https://www.state.gov/joint-statement-of-the-japan-u-s-economic-policy-consultative-committee/.

[22] 刘小卓. “Ocean Is Not Japan’s Private Sewer: Chinese Spokesperson.” World – Chinadaily.com.cn, n.d. https://www.chinadaily.com.cn/a/202306/08/WS64811fc9a31033ad3f7bb0ea.html.

[23] Triti là một đồng vị phóng xạ của hydro. Triti có cùng số proton và electron như hydro, nhưng không giống như hydro thông thường không chứa neutron nào, triti chứa 2 neutron. Vì vậy, triti vừa không ổn định vừa có tính phóng xạ.

[24] VnExpress. (2023, Sep 5). “Mức xả thải tritium của các nhà máy hạt nhân trên thế giới.” vnexpress.net.  https://vnexpress.net/muc-xa-thai-tritium-cua-cac-nha-may-hat-nhan-tren-the-gioi-4646734.html#:~:text=N%C4%83m%202021%2C%20th%E1%BB%91ng%20k%C3%AA%20c%E1%BB%A7a,112%20ngh%C3%ACn%20t%E1%BB%B7%20Bq%20tritium.

[25] https://www.politico.eu/article/deepening-us-japan-korea-trilateral-partnership-camp-david-summit-china/

[26] https://www.reuters.com/world/asia-pacific/china-russia-begin-joint-drills-sea-japan-chinese-state-media-2023-07-20/

[27] Ruyt, J. D. (2023). The golden era of EU-Japan relations dawns. POLITICO. https://www.politico.eu/article/european-union-indo-pacific-the-golden-era-of-eu-japan-relations-dawns/

[28] Báo Nhân Dân. (2023, Nov 26). “Nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản.” Báo Nhân Dân Điện Tử. https://nhandan.vn/nang-tam-quan-he-doi-tac-chien-luoc-sau-rong-viet-nam-nhat-ban-post770667.html.

[29] Song Linh. (2023, Nov 26). “Chú trọng phát triển quan hệ, hợp tác Việt Nam-Nhật Bản phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực.” Báo Nhân Dân Điện Tử. https://nhandan.vn/chu-trong-phat-trien-quan-he-hop-tac-viet-nam-nhat-ban-phat-trien-manh-me-tren-moi-linh-vuc-post776882.html.

[30] Viet Nam News. (2023, Nov 27). Việt Nam, Japan issue joint statement on elevation of relations to Comprehensive Strategic Partnership. Viet Nam News. https://vietnamnews.vn/politics-laws/1637164/viet-nam-japan-issue-joint-statement-on-elevation-of-relations-to-comprehensive-strategic-partnership.html

[31] Viet Nam News. (2023, Sep 12). ‘50 years of Việt Nam-Japan diplomatic ties: Towards the future, reaching out to the world. Viet Nam News. https://vietnamnews.vn/politics-laws/1593614/50-years-of-viet-nam-japan-diplomatic-ties-towards-the-future-reaching-out-to-the-world.html. Ngày truy cập: 30/11/2023.

[32] Linh Tong, Giang Hoang. (2023, Nov 2). “‘Meet Japan 2023’ opens up opportunities for Vietnam – Japan cooperation.” Nhịp Sống Kinh Tế Việt Nam & Thế Giới. https://vneconomy.vn/meet-japan-2023-opens-up-opportunities-for-vietnam-japan-cooperation.htm. Ngày truy cập: 30/11/2023.

[33] MOD. (March, 14, 2023). Vietnam, Japan hold ninth defence policy dialogue. Truy xuất từ: http://mod.gov.vn/en/detail/sa-en-news/sa-en-news-rela/vietnam-japan-hold-ninth-defence-policy-dialogue. Ngày truy cập: 30/11/2023.

[34] Kyodo. (November, 27,2023). Japan and Vietnam agree to deepen security cooperation. The Japan Times. Truy xuất từ: https://www.japantimes.co.jp/news/2023/11/27/japan/japan-vietnam-security-cooperation/. Ngày truy cập: 30/11/2023.

[35] NHK World – Japan. (November, 27, 2023). Japan, Vietnam agree to deepen security partnership at summit. https://www3.nhk.or.jp/nhkworld/en/news/20231127_37/. Ngày truy cập: 30/11/2023.

[36] TTXVN. (2023, April 3). Việt Nam và Nhật Bản Nhất Trí Tăng Cường Hợp Tác Trong Lĩnh Vực An Ninh. https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/viet-nam-va-nhat-ban-nhat-tri-tang-cuong-hop-tac-trong-linh-vuc-an-ninh-723822. Ngày truy cập: 30/11/2023.

[37] TM (August, 8, 2023). Vietnam, Japan strengthen bilateral security cooperation. Public Security News. Truy xuất từ: https://en.cand.com.vn/public-security-forces/vietnam-japan-strengthen-bilateral-security-cooperation-i594920/. Ngày truy cập: 30/11/2023.

[38] Japan’s Two Big Decisions in Foreign and Security Policy. (2023, February 20). The Government of Japan. https://www.japan.go.jp/kizuna/2023/02/decisions_in_foreign_and_security_policy.html

[39] Japan’s Two Big Decisions in Foreign and Security Policy. (2023, February 20). The Government of Japan. https://www.japan.go.jp/kizuna/2023/02/decisions_in_foreign_and_security_policy.html

[40] Nagy, S. R. (2023, September 28). Kishida’s mixed bag of successes and shortcomings. The Japan Times. https://www.japantimes.co.jp/commentary/2023/09/28/japan/kishida-administration/

[41] VNA. (2023, November 26). Bright prospect for Vietnam-Japan relations: Japanese scholar. VietnamPlus. https://en.vietnamplus.vn/bright-prospect-for-vietnamjapan-relations-japanese-scholar/271861.vnp

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *