Tags: An ninh châu Á – Thái Bình Dương
Tổ chức năm năm một lần, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội 20) kéo dài một tuần (16/10/2022 – 22/10/2022) diễn ra tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh đã bầu ra 205 ủy viên chính thức và 171 ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương cũng như 133 đại biểu Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.[1] Bên cạnh đó, Đại hội 20 còn tổng kết những thành tựu mà Trung Quốc đạt được trong năm năm vừa qua, sửa đổi Điều lệ Đảng và đưa ra những định hướng phát triển trong tương lai cho đất nước này.[2] Vì vậy, đây được xem như một trong những sự kiện chính trị quan trọng nhất của Trung Quốc trong năm 2022.[3]
1. Bối cảnh trong nước và quốc tế trong Đại hội 20
Tầm nhìn ảm đạm về tình hình thế giới ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển của Trung Quốc trong năm năm tiếp theo có thể được lý giải thông qua những vấn đề nội tại của quốc gia và bối cảnh quốc tế đầy biến động.
1.1. Những vấn đề nội tại của Trung Quốc trước và trong Đại hội 20
Trung Quốc đang phải đối mặt với các vấn đề kinh tế nghiêm trọng.[4] Thứ nhất, lực lượng lao động đóng vai trò quyết định cho nền kinh tế Trung Quốc đang có xu hướng già hoá nhanh chóng. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc giảm trong 5 năm liên tiếp và đạt mức thấp kỉ lục là 10,62 triệu ca sinh nở, tương đương với 7,5 ca sinh nở/1.000 người trong năm 2021.[5] Theo uớc tính của Liên Hợp Quốc thì đến năm 2050, số dân Trung Quốc trên 65 tuổi sẽ đạt 330 triệu người, chiếm 25% dân số nước này, làm phát sinh nhiều hệ luỵ xã hội cho quốc gia.[6] Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp lại đang gia tăng ở người trẻ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi từ 18 đến 24 tăng kỷ lục ở mức 19,3% vào tháng 6/2022, trong khi con số này tại Mỹ chỉ ở mức 8,1%.[7] Điều này có thể là một “mối đe doạ nghiêm trọng” đến việc duy trình nền kinh tế và chính trị ổn định trong nước, khi sự gắn kết xã hội suy giảm vì người dân không còn lòng tin vào Chính phủ.[8] Thứ hai, Trung Quốc được đánh giá là đang bước vào một “cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra chậm”, sau sự vỡ nợ hàng loạt từ các hãng bất động sản gây ra khủng hoảng trong toàn ngành.[9] Doanh số bán bất động sản trong tháng 6/2022 thấp hơn gần 40% so với tháng 4 và đã giảm hai con số mỗi tháng kể từ giữa năm 2021.[10] Theo ước tính của Chuyên gia Harry Hu, Giám đốc cấp cao của S&P Global Ratings, vì cuộc khủng hoảng nhà đất, ngành ngân hàng trị giá 52.000 tỉ đô la của Trung Quốc có thể phải đối mặt với các khoản nợ xấu tăng từ 5,5% đến 5,6% vào cuối năm 2022.[11] Thứ ba, tỷ giá đồng Nhân dân tệ đang chịu nhiều áp lực giảm từ triển vọng bất lợi của kinh tế Trung Quốc sau khi các tổ chức kinh tế, tài chính lớn đưa ra một loạt dự báo cắt giảm mức dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới trong năm nay. Đồng thời, niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng giảm sút do những đợt phong toả chống Covid-19 cuộc khủng hoảng chưa có hồi kết trên thị trường bất động sản Trung Quốc càng tạo nên bức tranh ảm đạm cho nền kinh tế quốc gia này.[12] Thứ tư, chi phí dành cho chính sách “zero-COVID” cũng góp phần làm suy giảm nền kinh tế, ảnh hưởng xấu đến chuỗi cung ứng và chất lượng đời sống của người dân Trung Quốc.[13] Theo đó, tỷ lệ tăng trưởng GDP của Trung Quốc ước tính sẽ giảm 2.2% so với mục tiêu tăng trưởng gần 5.5%.
1.2. Bối cảnh quốc tế trước và trong Đại hội 20 đầy biến động
Tuy không đề cập một cách trực tiếp nhưng Đại hội 20 đã ngụ ý cho rằng Mỹ là đại diện tiêu biểu nhất cho “những nỗ lực từ bên ngoài nhằm tống tiền, ngăn chặn, bao vây, và gây áp lực tối đa lên Trung Quốc” khi nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã xem Trung Quốc là “đối thủ chiến lược” của mình.[14][15] Đến thời Tổng thống Joe Biden, các nỗ lực kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc càng gia tăng ở mức độ song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực.[16] Về song phương, Mỹ tăng cường đánh thuế hàng hoá Trung Quốc, đẩy mạnh hợp tác với Đài Loan và chỉ trích các vụ vi phạm nhân quyền xảy ra trên lãnh thổ Trung Quốc. Về đa phương, Mỹ thúc đẩy các thể chế đa phương về an ninh và kinh tế như Đối thoại An ninh Bốn bên (QUAD) hay Thoả thuận AUKUS và Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) nhằm kìm chế sự ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.[17]
Bên cạnh đó, tình hình chiến sự diễn ra giữa Nga và Ukraine cũng là thách thức mà Trung Quốc đang phải đối mặt. Bên cạnh các hệ quả toàn cầu về an ninh và kinh tế mà cuộc chiến này để lại, Trung Quốc còn phải đối mặt với sức ép từ Mỹ và các nước đồng minh trong việc chọn phe.[18] Việc Trung Quốc lựa chọn ủng hộ cho Nga sẽ khiến mối quan hệ giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia thay đổi theo chiều hướng bất lợi cho sự phát triển của Trung Quốc trong tương lai.
Tóm lại, Đại hội 20 diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc vừa phải giải quyết vấn đề nội bộ, vừa phải đối mặt với các mối nguy đến từ bên ngoài. Vì vậy, Trung Quốc sẽ cần có sự điều chỉnh trong đường hướng phát triển trong Đại hội 20 và năm năm sắp tới.
2. Một số đường hướng đối nội sau Đại hội 20
Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra chính sách liên quan đến nhiều lĩnh vực, chủ yếu tập trung vào kinh tế và hệ thống chính trị. Giáo sư Taisu Zhang tại Trường Luật Yale đã nhận định rằng sự tập trung của ông Tập Cận Bình trong thời gian sắp tới chủ yếu liên quan đến vấn đề an ninh và sự ổn định nói chung. Sự ổn định này là một mục tiêu mang tính cấp thiết và độc lập không liên quan đến bất kỳ mục tiêu khác, thay vì cho rằng nó là một điều kiện cho vấn đề phát triển kinh tế.[19]
2.1. Về kinh tế
(1) Tăng cường vai trò quản lý của nhà nước đối với nền kinh tế:
Định hướng nổi bật nhất mà ông Tập sẽ áp dụng để điều chỉnh nền kinh tế đó chính là chấn chỉnh và củng cố lại bản chất nền kinh tế quản lý bởi nhà nước. Biểu hiện đầu tiên đó là hai nhân vật chính trị cao cấp chuyên trách soạn thảo chính sách kinh tế bao gồm Thủ tướng Lý Khắc Cường cùng với Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc Uông Dương đã không bị loại khỏi hệ thống chính trị.[20]
Định hướng siết chặt quản lý nền kinh tế này đang khiến cho các chủ doanh nghiệp rời khỏi thị trường Trung Quốc trước đó đã làm bất ổn chuỗi cung ứng của nhiều mặt hàng. Nhiều các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng không thiết yếu phải tái định vị nhà máy sản xuất ở nước ngoài, trong khi đó các ngành như tự động hóa hay các mặt hàng mà Trung Quốc dẫn đầu buộc phải sản xuất nội địa nhằm duy trì thị phần của doanh nghiệp trong nước. Nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực không bị bắt buộc phải sản xuất nội địa dần nhìn thấy nhiều bất lợi về vấn đề chi phí sản xuất cao, thiếu nguồn lao động dần bắt đầu lựa chọn tìm quốc gia khác để tái định vị nhà máy sản xuất của mình thay vì Trung Quốc.[21] Theo Arthur Kroeber, một thành viên đối tác sáng lập và là Trưởng ban Nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc Gavekal cho rằng trước kỳ Đại hội đã có rất nhiều kỳ vọng đặt ra về việc chính phủ sẽ cam kết thực hiện cải tổ kinh tế theo hướng tự do quy chuẩn nhưng sau khi Đại hội diễn ra thì điều đó chỉ là một “sự ảo tưởng”.[22]
(2) “Thịnh vượng chung”
Trong những nội dung phát biểu của ông Tập Cận Bình về vấn đề kinh tế, nổi bật còn phải nhắc đến khái niệm “thịnh vượng chung” (common prosperity). Đây được xem là một khái niệm tập trung vào mục tiêu thu hẹp vấn đề bất bình đẳng kinh tế trong xã hội đến năm 2025.[23] Tuy nhiên, theo James Palmer, đây là một khái niệm còn mơ hồ và là một lời bao biện của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho việc kiểm soát của Đảng này ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế tư nhân.[24] Thông qua khái niệm này, các lệnh hạn chế, kiểm soát nhằm điều chỉnh các tác động xấu đối với mục tiêu phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc sẽ được tiếp tục được thiết lập trong thời gian tới.[25]
(3) Các vấn đề động lực phát triển mới
Về chiến lược kinh tế “tuần hoàn kép”, vòng tuần hoàn kép nội địa sẽ là trụ cột chính được tập trung phát triển. Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh vấn đề động lực thực hiện hiện đại hóa trong giai đoạn hiện nay đó chính là việc ưu tiên sáng tạo nội địa làm cốt lõi cho định hướng hiện đại hóa. Cụ thể, vấn đề nguồn nhân lực với năng lực sáng tạo kỹ thuật sẽ là được chú trọng đào tạo trong những năm sắp tới một cách nghiêm túc. Định hướng này sẽ tập trung chủ yếu vào nhiệm vụ xây dựng nguồn nhân lực có trình độ cao về công nghệ để củng cố khả năng tự lực tự cường trong lĩnh vực khoa học công nghệ.[26] Kinh tế số cũng là một vấn đề được nhấn mạnh cần phải thực hiện hợp nhất với các ngành kinh tế “thật”. Ngoài ra, các lĩnh vực bao gồm công nghệ thông tin, trí thông minh nhân tạo và năng lượng mới cũng là những ngành được ông Tập đánh giá là những “động cơ mới” cho phát triển tương lai nằm trong “quan điểm phát triển mới” bao gồm: Sáng tạo, hài hòa, xanh, mở cửa, chia sẻ phục vụ cho mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế.[27] [28]
2.2. Về chính trị:
(1) Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc
Trưa ngày 23/10/2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng với các thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị mới của đất nước ra mắt trước công chúng. Trong đó có bốn thành viên mới là các ông Lý Cường, Lý Hi, Đinh Tiết Tường, Thái Kỳ cùng với Vương Hỗ Ninh, Triệu Lạc Tế và Chủ tịch Tập Cận Bình là ba nhà lãnh đạo tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai.
Ông Lý Cường, Bí thư Thành ủy Thượng Hải sẽ nắm giữ chức vụ Thủ tướng. Gần 20 năm sau khi là phụ tá cho ông Tập Cận Bình tại Chiết Giang, ông Lý Cường một lần nữa có cơ hội làm việc với cấp trên cũ của mình. Việc ứng cử của ông Lý Cường trước đó đã xuất hiện nghi ngờ do sự phản đối lan rộng đối với việc xử lý ổ dịch COVID-19 và ban lệnh phong tỏa kéo dài hai tháng ở Thượng Hải, nhưng cuối cùng những đóng góp của ông Lý Cường khi luôn kiên trì làm theo hướng dẫn của Chủ tịch Tập Cận Bình đã cho thấy kết quả bằng sự xuất hiện của ông trong đội ngũ Ban Thường vụ. Vị Thủ tướng mới của Trung Quốc cũng là một tiền lệ chưa từng có trong hệ thống chính trị vì ông này chưa từng nắm giữ chức Phó Thủ tướng như những người tiền nhiệm của mình. Tuy nhiên, một cố vấn nhà nước ẩn danh khác nói rằng ông Lý Cường thực chất là một nhân vật thuộc về phe nghiêng về thực hiện cải cách và hiểu rõ về phân đoạn kinh tế tư nhân rất rõ nhưng đứng giữa việc phải cân bằng đường lối kinh tế và điều chỉnh phù hợp với các định hướng của Đảng.[29]
Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Đinh Tiết Tường, phụ tá chính trị của ông Tập, Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Thái Kỳ và Bí thư Thành ủy Quảng Đông Lý Hi cũng là những người lần đầu tiên tham gia vào Ban Thường vụ. Ông Thái Kỳ và ông Lý Hi dự kiến sẽ lần lượt trở thành Bí thư thứ nhất Ban Bí thư và Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI), trong khi ông Đinh Tiết Tường dự kiến sẽ trở thành Phó Thủ tướng.[30]
Trong khi đó, hai thành viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị vẫn giữ ghế là cựu lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) Triệu Lạc Tế và Bí thư thứ nhất Ban Bí thư Vương Hỗ Ninh, họ dự kiến sẽ thay đổi vị trí để trở thành Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc. Trước Đại hội, ông Vương Hỗ Ninh là người mà giới quan sát quốc tế quan tâm vì hơn hai mươi năm qua ông được xem như “chiến lược gia” bên cạnh ba thế hệ Tổng bí thư gần đây của Trung Quốc. Tên tuổi của ông gắn liền với chiến lược phát triển đất nước qua các giai đoạn, bao gồm: thuyết “Ba đại diện” thời ông Giang Trạch Dân; thuyết “Quan điểm khoa học về phát triển” thời ông Hồ Cẩm Đào và gần đây nhất là Tổng bí thư Tập Cận Bình với “Giấc mơ Trung Hoa”. Mặc dù ông Vương Hỗ Ninh và ông Lý Khắc Cường đều 67 tuổi nhưng việc ông Vương tiếp tục trụ lại trong Ban Thường vụ cho thấy quy định về độ tuổi đã được nới lỏng.[31]
Tóm lại, đội hình mới của Ban Thường vụ Bộ Chính trị cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình đã thành công trong việc được bổ nhiệm vào nhiệm kỳ thứ ba tại vị, phá vỡ giới hạn cao nhất hai nhiệm kỳ đối với các nhà lãnh đạo do Đặng Tiểu Bình đã từng thiết lập. Theo Richard McGregor, Nghiên cứu viên cao cấp về Đông Á thuộc Viện Lowy (Sydney), ông Tập đã bỏ qua giới hạn tuổi không chính thức đối với các quan chức phục vụ ở các vị trí cao nhất.[32] Đây là một ban lãnh đạo sẽ chỉ tập trung vào cách điều hành mà với họ là đúng đắn, đó là đạt được các mục tiêu chính trị của ông Tập, thay vì theo đuổi các chương trình nghị sự của riêng họ vì những gì họ nghĩ là tốt nhất cho đất nước. Kết quả này cho thấy an ninh quốc gia và an ninh chính trị của Đảng sẽ được ưu tiên hơn tăng trưởng kinh tế, Drew Thompson, Nghiên cứu viên Cao cấp tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu của Đại học Quốc gia Singapore nhận xét.[33]
(2) Quân ủy Trung ương Trung Quốc
Sau Đại hội, nhân sự của Quân ủy Trung ương Trung Quốc cũng đã được thay đổi. Bên cạnh những gương mặt của khóa trước gồm ông Tập Cận Bình, ông Trương Hựu Hiệp, ông Miêu Hoa, ông Trương Thăng Dân, Quân ủy Trung ương Trung Quốc khóa 20 có thêm những cái tên mới là ông Hà Vệ Đông, ông Lưu Chấn Lập, ông Lý Thượng Phúc. Trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục đảm nhiệm chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương, hai Phó Chủ tịch gồm tướng Trương Hựu Hiệp và Hà Vệ Đông. Bốn thành viên còn lại gồm các ông: Miêu Hoa, Trương Thăng Dân, Lưu Chấn Lập, Lý Thượng Phúc.[34] Theo báo South China Morning Post, Bộ trưởng Quốc phòng cho biết Đài Loan sẽ đối phó với các lực lượng Trung Quốc đại lục khó khăn hơn với cơ cấu mới này của Quân ủy Trung ương.[35]
Tướng Trương Hựu Hiệp xuất thân từ Giải phóng quân (PLA) và từng là Tư lệnh của Quân khu Thẩm Dương trước khi được thăng chức vào Quân ủy Trung ương vào năm 2012 và trở thành Phó Chủ tịch vào năm 2017. Ông hiện là thành viên Bộ Chính trị và là một trong số ít tướng ở Trung Quốc có kinh nghiệm chiến trường. Trước Đại hội, giới chuyên gia nhận định rằng với kinh nghiệm quý báu của mình, ông Trương có khả năng được giữ lại bất chấp các tiêu chuẩn về tuổi tác. Kết quả Đại hội cho thấy Trương Hựu Hiệp đã phá vỡ các quy định về tuổi để được tái bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch, và ở tuổi 72, ông hiện là quan chức lớn tuổi nhất trong toàn bộ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bên cạnh đó, ông Trương cũng được biết là có quan hệ cá nhân chặt chẽ với ông Tập. Phó Chủ tịch thứ hai Hà Vệ Đông là người có nhiều kinh nghiệm về vấn đề Đài Loan. Ông từng là tư lệnh lục quân Chiến khu miền Tây Trung Quốc từ năm 2016 đến 2019. Năm 2019, ông được bổ nhiệm làm chỉ huy Chiến khu miền Đông, trong đó Đài Loan là vấn đề nổi bật. Vào tháng 8, ông Hà Vệ Đông đã giám sát các cuộc tập trận quân sự chưa từng có và các vụ thử tên lửa do Trung Quốc tiến hành xung quanh Đài Loan để phản đối chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi. Ngoài hai Phó Chủ tịch, Miêu Hoa cũng được biết đến là người được ông Tập tin tưởng khi giải quyết các công việc của Đảng trong PLA, ông từng giữ chức Chủ nhiệm Cục Chính trị Tập đoàn quân 31 và từng có nhiều năm kinh nghiệm ở mặt trận phía đông. Ông Miêu và ông Hà đều được coi là những người nhiều kinh nghiệm ở eo biển Đài Loan. Cơ cấu nhân sự mới với những khác biệt nhất định so với các nhiệm kỳ trước cho thấy Trung Quốc đang đặt vấn đề Đài Loan lên hàng ưu tiên cũng như chứng tỏ lập trường cứng rắn và sự chuẩn bị sẵn sàng trước mọi tình huống của nước này đối với Đài Loan.[36]
Nhìn chung, định hướng cải cách và xây dựng một nền kinh tế theo hướng mở trước đây đã bị loại bỏ mà thay vào đó là sự ưu tiên về những vấn đề khác. Nhóm chuyên gia phân tích thuộc Citigroups nhận định ưu tiên trong giai đoạn sắp tới của Trung Quốc đó chính là cân bằng giữa vấn đề phát triển và an ninh, mà an ninh quốc gia đã rõ ràng trở thành vấn đề ưu tiên cao nhất giữa tình hình địa chính trị bất ổn như hiện nay.[37]
Theo Neil Thomas, một chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc cấp cao tại Eurasia Group, nhóm quan chức mới nhậm chức của Bộ Chính trị Trung Quốc do ông Tập Cận Bình thiết lập đã củng cố quyền lực đỉnh cao của Đảng Cộng sản tới một mức độ chưa từng thấy kể từ thời kỳ của Mao Trạch Đông.[38] Còn theo đánh giá của Bert Horfman, giám đốc điều hành của Viện Đông Á tại Đại học Quốc gia Singapore, tổ hợp các thành viên mới của Ban Thường vụ của Bộ Chính trị trông có vẻ rất dày dặn kinh nghiệm về quản lý hành chính và sẽ tập trung vào đổi mới và phát triển dựa trên động lực nhà nước thay vì những cải cách theo hướng phát triển thị trường như nhóm thành viên cũ vẫn làm.[39]
Sau Đại hội Đảng lần thứ 20, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc bị chi phối rất nhiều bởi những người trung thành với ông Tập. Có thể thấy rằng ông Tập Cận Bình đang muốn dựng nên một bộ máy lãnh đạo Đảng với những thành viên có chung tư tưởng, tầm nhìn hoạch định chính sách và có cùng hướng đi với mình trong nhiệm kỳ 5 năm sắp tới.[40]. “Đây là một lời cảnh báo đến toàn thế giới” là lời mà cựu Thủ tướng Úc kiêm Trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Xã hội Châu Á Kevin Rudd bình luận về đội ngũ mới của Ban Thường vụ của Bộ Chính trị Trung Quốc. Ông Rudd cũng nhấn mạnh Trung Quốc đã chính thức bắt đầu đưa vấn đề thiết lập an ninh quốc gia thành một vấn đề được quan tâm chú ý lâu dài. Nhà nghiên cứu cao cấp Richard Gregor thuộc Viện Lowy cũng phân tích và đánh giá rằng ông Tập đang ngày càng nhấn mạnh việc duy trì ảnh hưởng chính trị nội địa tuyệt đối để có thể tạo ra sức mạnh tối đa trong quan hệ quốc tế và giành được bất kỳ lợi thế nào trong mọi hoàn cảnh nào mà ông ta có thể dùng để cạnh tranh trực tiếp với Mỹ.[41]
3. Một số định hướng đối ngoại sau Đại hội 20
3.1. Về vấn đề Đài Loan
Một mục tiêu chính được nhắc đến là kiên định tiến tới tái thống nhất quốc gia, giải quyết vấn đề Đài Loan. Tập Cận Bình khẳng định rằng Trung Quốc sẽ cố gắng tái thống nhất ôn hòa với sự chân thành và nỗ lực tối đa, nhưng không hứa sẽ từ bỏ sử dụng vũ lực và có quyền sử dụng mọi biện pháp cần thiết. Ông Chang Wu-yue, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ qua Eo biển của Đại học Tamkang của Đài Loan, cho rằng các phát ngôn của Tập Cận Bình có thể xem là kế hoạch hành động phải được thực hiện và là số một trong chương trình nghị sự.[42] Tuy nhiên, Tập Cận Bình sẽ không cố gắng thống nhất trong 5 năm tới vì “cái giá sẽ cao”. Ông Simon Chen, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Đài Loan, nói rằng bài phát biểu của ông Tập có cảm giác cấp bách. Ông Chen nói: “Năm 2019, ông ấy nói vấn đề thống nhất không thể bị trì hoãn từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhưng năm nay, ông nói thống nhất đất nước phải đạt được và chắc chắn có thể đạt được.”[43]
Tập Cận Bình cũng bị hạn chế khi cuộc tấn công vào Đài Loan sẽ là canh bạc lớn, có khả năng đẩy Trung Quốc vào một cuộc chiến tốn kém với Mỹ. Mặc dù ngày càng tỏ ra hung hăng, Trung Quốc đã có những động thái ngăn chặn mối quan hệ Mỹ – Trung xấu đi. Không thể tấn công toàn diện, ông Tập có các biện pháp khác, bao gồm gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với các doanh nghiệp Đài Loan, leo thang chiến thuật vùng xám – hành động cưỡng chế nhằm ngăn chặn xung đột nhưng làm kiệt quệ quân đội của hòn đảo – và cô lập Đài Bắc hơn nữa trên toàn cầu. Bonnie Glaser, giám đốc chương trình Châu Á của Quỹ Marshall của Đức, cho biết: “Đó là một lời cảnh báo liên tục đối với Đài Loan và Mỹ rằng Trung Quốc có thể làm nhiều hơn nữa, và họ có thể tiến xa hơn.”
3.2. Về quan hệ song phương với Mỹ
Chủ tịch Tập Cận Bình nói rõ tại Đại hội 20 rằng quan hệ Mỹ – Trung sẽ không sớm được cải thiện. Bài phát biểu của ông Tập vào ngày khai mạc đã đóng khung các mối quan hệ đối ngoại, bao gồm cả quan hệ với Mỹ, như một cuộc đấu tranh giữa Trung Quốc và “những nỗ lực bên ngoài nhằm trấn áp và kiềm chế” nước này.[44]
Báo cáo dự thảo về chính sách đối ngoại cho thấy mục tiêu của Bắc Kinh trong năm năm tới là “nâng cao vị thế và ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc, đồng thời cho phép Trung Quốc đóng một vai trò lớn hơn trong quản trị toàn cầu”. Trung Quốc nhấn mạnh rằng họ theo đuổi một chính sách đối ngoại đặc biệt nhằm đạt được hòa bình thế giới và sự phát triển chung. Trung Quốc đang cố gắng tránh sử dụng cách tiếp cận của Mỹ đối với các vấn đề quốc tế, được cho là là đơn phương, bá quyền, can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Bằng cách đối lập với Mỹ, Trung Quốc hy vọng sẽ tạo ra một hình ảnh tích cực hơn nhằm gia tăng ảnh hưởng toàn cầu. Bản dự thảo phản ánh nguyện vọng này, nhấn mạnh sự cần thiết phải “kể tốt hơn những câu chuyện của Trung Quốc, làm cho tiếng nói của Trung Quốc được lắng nghe và thể hiện một Trung Quốc đáng tin cậy, hấp dẫn và đáng kính trọng”.[45]
Bên cạnh đó, Trung Quốc tiếp tục hướng tới việc Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) đạt được các mục tiêu chuẩn mực về hiện đại hóa vào năm 2027 và 2035 như là điểm chuẩn cho mục tiêu lâu dài là trở thành một quân đội “đẳng cấp thế giới” vào năm 2049 – một cụm từ gợi ý đạt được sự ngang bằng với Mỹ. Chengxin Pan, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Macau, cho biết cách bổ nhiệm tại Đại hội 20 phản ánh đánh giá mới của Trung Quốc về một môi trường an ninh thách thức hơn nhiều trong việc đối phó với phương Tây. Ông gọi chúng là lời đáp trả đối với “sự thay đổi đáng chú ý trong chính sách của Mỹ và phương Tây theo hướng tiếp cận công khai đối với an ninh Trung Quốc, chẳng hạn như Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Đối thoại Tứ giác An ninh”.[46]
Để đối phó với sự cạnh tranh ngày càng cao với Mỹ, bản dự thảo cho thấy Trung Quốc đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu và không bao giờ khuất phục trước sức mạnh cưỡng chế. Ở một điểm khác, văn bản khẳng định: “Chúng tôi chưa bao giờ dao động trong việc phản đối chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ và bắt nạt dưới bất kỳ hình thức nào”. Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nhấn mạnh Trung Quốc sẽ cải thiện quan hệ song phương với điều kiện là Mỹ phải điều chỉnh hành vi và thái độ của mình, thay vì bất kỳ thay đổi nào từ phía Trung Quốc.[47]
3.3. Về quan hệ với EU
Chủ tịch Tập Cận Bình đã trao đổi điện mừng với người đồng cấp tại Đức Frank – Walter Steinmeier nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Trung Quốc – Đức. Theo Tập Cận Bình nhấn mạnh, cả hai nước đều có quan hệ song phương ngày càng phát triển trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi, đồng thời nỗ lực đóng góp tích cực cho hòa bình và phát triển thế giới. Trả lời câu hỏi của phóng viên, Wang Wenbin, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhận định Trung Quốc và châu Âu là đối tác, không phải là đối thủ của nhau. Kết nối kinh tế chặt chẽ và bổ sung mạnh mẽ, và hợp tác song phương giữa Trung Quốc – Liên minh châu Âu (EU) sẽ là chiến lược chính thay vì cạnh tranh.[48]
Tuy nhiên, lãnh đạo các nước châu Âu tỏ ra thận trọng hơn trước Trung Quốc khi Đại hội đảng 20 báo hiệu những căng thẳng gia tăng với phương Tây.[49] Các nhà lãnh đạo của EU đã có cuộc hội đàm cân nhắc về tương lai mối quan hệ ngày càng khó khăn giữa EU – Trung Quốc khi Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến sẽ được tái bổ nhiệm. Các nhà lãnh đạo của khối thương mại lớn nhất thế giới cũng đã thảo luận về cách giảm sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc trên các lĩnh vực như thiết bị công nghệ và khoáng sản thô.
4. Kết luận
4.1. Kết luận tổng quan
Nhìn chung, Đại hội 20 của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới bị chi phối bởi sự cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn và tình hình trong nước còn nhiều bất ổn. Trước yêu cầu đó, thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc đã được thành lập thông qua Đại hội 20, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình cùng các đại biểu là những người thân cận và có cùng lý tưởng với ông trong Bộ Chính trị. Điều này cho thấy Tập Cận Bình đã siết chặt hơn ảnh hưởng chính trị nội địa khi đảm bảo rằng Bộ Chính trị mới bao gồm những đại diện trung thành và chia sẻ cùng quan điểm chính trị với ông.
Đại hội 20 cũng đã đề ra định hướng mới cho vấn đề phát triển kinh tế của Trung Quốc là tiếp tục kiên trì bản chất nền kinh tế quản lý bởi nhà nước, xây dựng xã hội “thịnh vương chung” nhằm giải quyết vấn đề bất bình đẳng trong xã hội và thực hiện “quan điểm phát triển mới” lấy chiến lược “tuần hoàn kép” làm trọng tâm. Về định hướng chính sách đối ngoại, Trung Quốc kiên định tiến tới tái thống nhất quốc gia, giải quyết vấn đề Đài Loan trước hết bằng những biện pháp ôn hoà, nhưng không loại trừ trường hợp bắt buộc sử dụng vũ lực khi cần thiết. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề Đài Loan, Trung Quốc còn phải cân nhắc quan hệ với Mỹ, vốn là một nhân tố chủ chốt tác động tới chính sách đối ngoại Trung Quốc.[50] Với sự tăng cường các chủ nghĩa đa phương, Trung Quốc đang thay đổi cách tiếp cận, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng khi nhấn mạnh vai trò “quản trị toàn cầu”, cam kết vì sự thịnh vượng chung của hệ thống quốc tế chứ không tuyệt đối hoá lợi ích quốc gia như Mỹ đang thực hiện. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc cũng được cải thiện, dù những e ngại về quốc gia này vẫn còn tồn tại trong EU.
Như vậy, Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục kế thừa và triển khai các đường lối, chính sách phát triển chủ yếu đã được xác định trong hai kỳ đại hội trước đó. Trong tương lai, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục hướng tới hiện thực hóa “giấc mơ Trung Hoa” bằng nhiều biện pháp và trên nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm cân bằng lại thế và lực với Mỹ, xa hơn nữa là đưa Trung Quốc trở thành cường quốc hàng đầu thế giới.[51]
4.2. Tác động đến Việt Nam
Sự thay đổi chính sách phát triển trong năm năm sắp tới của Trung Quốc sẽ có tác động đến Việt Nam. Điều này có thể được lý giải bằng việc trong nhiều năm qua, Trung Quốc luôn là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.[52] Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, tổng kim ngạch buôn bán hai chiều Trung Quốc – Việt Nam năm 2021 đạt 230 tỷ USD, tăng 19,7%.[53] Tuy nhiên, kể từ khi Trung Quốc thực hiện chính sách “zero-COVID” với các đợt phong tỏa kéo dài tại nhiều thành phố lớn đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa thì hoạt động trao đổi thương mại biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc chịu nhiều ảnh hưởng. Theo số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa trong 4 tháng đầu năm 2022 qua các cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc chỉ đạt 4,15 tỷ USD, giảm 64,5% so với cùng kỳ năm 2021.[54] Việc Đại hội 20 khẳng định Trung Quốc vẫn duy trì chính sách “zero-COVID” có thể tiếp tục là một thách thức đối với kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu giữa hai nước. Về mặt ngoại giao, Việt Nam vẫn mong muốn giữ gìn mối quan hệ với Trung Quốc một cách lành mạnh.[55] Điều này được thể hiện thông qua chuyến đi thăm và điện chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như là truyền thống đi lại giữa hai Đảng – sau mỗi lần Đảng Cộng sản Trung Quốc họp đại hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đều cử đại sứ đặc biệt đi thăm Trung Quốc.[56] Đặt trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước lớn, Việt Nam vẫn sẽ duy trì mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt sau chuyến viếng thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc với mục tiêu “đi sâu trao đổi những vấn đề chiến lược, góp phần tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị, đề ra những định hướng lớn cho tương lai phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước.”[57]
[1] CGTN, China Global Television Network. (2022, October 22). Xi Jinping expresses confidence in creating “new, greater miracles” as key Party congress concludes. Retrieved October 22, 2022, from https://news.cgtn.com/news/2022-10-22/20th-CPC-National-Congress-begins-closing-session-1ekxgqr54xG/index.html
[2] Nhật Đăng. (2022, October 22). Trung Quốc bế mạc Đại hội Đảng lần 20. TUOI TRE ONLINE. Retrieved October 22, 2022, from https://tuoitre.vn/trung-quoc-be-mac-dai-hoi-dang-lan-20-20221022114904869.htm
[3] Thái bình & Ngọc Chí. (2022, October 22). Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 20 đạt được sự đồng thuận cao. BAO DIEN TU VTV. https://vtv.vn/the-gioi/dai-hoi-dang-cong-san-trung-quoc-khoa-20-dat-duoc-su-dong-thuan-cao-20221022184737573.htm
[4] He, L. (2022, September 19). 1 in 5 of China’s urban youth are unemployed. That’s a huge headache for Xi Jinping. CNN News. https://edition.cnn.com/2022/09/19/economy/china-youth-jobs-crisis-xi-jinping-intl-hnk-mic/index.html
[5] Gan, N. (2022, January 17). China’s birth rate drops for a fifth straight year to record low. CNN News. https://edition.cnn.com/2022/01/17/economy/china-population-data-2021-intl-hnk/index.html#:~:text=The%20world’s%20most%20populous%20country,of%20Communist%20China%20in%201949.
[6] Rahjah, R & Leng, A. (2022, March 14). Revising down the rise of China. Lowy Institute. https://www.lowyinstitute.org/publications/revising-down-rise-china
[7] Khánh An. (2022, July 17). Vì sao tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục ở giới trẻ Trung Quốc?. Báo Thanh niên. https://thanhnien.vn/vi-sao-ty-le-that-nghiep-cao-ky-luc-o-gioi-tre-trung-quoc-post1479055.html
[8] He, L. (2022, September 19). 1 in 5 of China’s urban youth are unemployed. That’s a huge headache for Xi Jinping. CNN News. https://edition.cnn.com/2022/09/19/economy/china-youth-jobs-crisis-xi-jinping-intl-hnk-mic/index.html
[9] Pike, L., & Mathews, A. (2022, August 29). China’s mortgage boycotts: Why hundreds of thousands of people are saying they won’t pay. Grid News. https://www.grid.news/story/global/2022/08/29/chinas-mortgage-boycotts-why-hundreds-of-thousands-of-people-are-saying-they-wont-pay/
[10] Phạm, T. (2022, August 26). Khi kinh tế Trung Quốc suy giảm…. Kinh tế Sài gòn Online. https://thesaigontimes.vn/khi-kinh-te-trung-quoc-suy-giam/
[11] Lạc Diệp. (2022, September 11). Trung Quốc: khủng hoảng bất động sản làm tăng nợ xấu. Kinh tế Sài gòn Online. https://thesaigontimes.vn/trung-quoc-khung-hoang-bat-dong-san-lam-tang-no-xau/
[12] An Huy. (2022, October 14). Thấy gì từ cú trượt dốc của đồng Nhân dân tệ?. VnEconomy. https://vneconomy.vn/thay-gi-tu-cu-truot-doc-cua-dong-nhan-dan-te.htm
[13] S. Wei. (2022, October 13). Is the Benefit of China’s Zero-COVID Policy Worth the Cost?. Project Syndicate. https://www.project-syndicate.org/commentary/zero-covid-china-economy-costs-benefits-by-shang-jin-wei-2022-10?barrier=accesspaylog
[14] A. Hsiao & I. Kwek. (2022, October 21). The Foreign Policy Implications of China’s Twentieth Party Congress. International Crisis Group. https://www.crisisgroup.org/asia/north-east-asia/china/foreign-policy-implications-chinas-twentieth-party-congress
[15] Lin, B. et al. (2022, October 19). China’s 20th Party Congress Report: Doubling Down in the Face of External Threats. Center for Strategic & International Studies. https://www.csis.org/analysis/chinas-20th-party-congress-report-doubling-down-face-external-threats
[16] Ibid
[17] Ibid
[18] Ibid.
[19] Zhang, T. [@ZhangTaisu]. (2022, October 16th). If there is a deeper change in this year’s Party Congress speech compared to previous ones, it’s probably the elevation [Tweet]. Twitter. https://twitter.com/ZhangTaisu/status/1581672983386804224
[20] Bradsher, K. & Stevenson, A. (2022, October 24th). China Released Seemingly Rosy Economic Data. Shares Fell Away. The New York Times. https://www.nytimes.com/2022/10/23/business/china-gdp-economy.html
[21] Như nguồn 16.
[22] Như nguồn 17.
[23] Nguyễn, S. (2022, October 16). Dự báo chính sách đối ngoại Trung Quốc sau Đại hội 20. Thế giới & Việt Nam. https://baoquocte.vn/du-bao-chinh-sach-doi-ngoai-trung-quoc-sau-dai-hoi-20-201840.html
[24] Palmer, J. (2022). What Did Xi Say at China’s 20th Party Congress?. Foreign Policy. https://foreignpolicy.com/2022/10/19/china-party-congress-xi-jinping-speech/
[25] Kwan, D. (2022, October 24th). Global Impact: 20th party congress wraps up as Xi Jinping lays down his vision for China’s future. https://www.scmp.com/economy/china-economy/article/3197007/global-impact-20th-party-congress-wraps-xi-jinping-lays-down-his-vision-chinas-future
[26] Lee, A. (2022). Xi Jinping’s drive for China’s high-quality development faces population, social capital balancing act. South China Morning Post. https://www.scmp.com/economy/china-economy/article/3196618/xi-jinpings-drive-chinas-high-quality-development-faces-population-social-capital-balancing-act?utm_medium=email&utm_source=cm&utm_campaign=enlz-globalimpact&utm_content=20221021&tpcc=enlz-globalimpact&UUID=f0bc4b91-7818-4f96-bf67-aa5b46ac9395&next_article_id=3196293&tc=8&CMCampaignID=e1247957c3076f034e29a028d9615d6b
[27] Chu Công Huy. (2022, October 14th). Một số vấn đề lý luận và thực tiễn tại Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tạp chí Cộng sản. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-binh-luan/-/asset_publisher/DLIYi5AJyFzY/content/mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-tai-dai-hoi-xx-cua-dang-cong-san-trung-quoc
[28] Như nguồn 23.
[29] Yao, K. (2022, October 24th). Analysis: Xi’s next premier faces tough task reviving chinese economy. Reuters. https://www.reuters.com/world/china/xis-next-premier-faces-tough-task-reviving-chinese-economy-2022-10-24/
[30] Asia Society Policy Institute (2022). Decoding the 20th Party Congress. https://asiasociety.org/policy-institute/decoding-chinas-20th-party-congress
[31] Ibid.
[32] William, M (2022, October 23rd). Reaction to China’s 20th Communist Party Congress. Reuters. https://www.reuters.com/world/china/reaction-chinas-20th-communist-party-congress-2022-10-23/
[33] Ibid.
[34] Minh Phương (2022, October 24th). Chân dung 7 thành viên Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Báo Dân Trí. https://dantri.com.vn/the-gioi/chan-dung-7-thanh-vien-quan-uy-trung-uong-trung-quoc-20221024124225286.htm
[35] Lawrence, C. (2022, October 24th). Taiwan braces for tougher mainland China forces, defence minister says after Central Military Commission overhaul. SCMP. https://www.scmp.com/news/china/military/article/3197057/taiwan-braces-tougher-mainland-forces-defence-minister-says-reshaped-central-military-commission
[36] Greg, T. (2022, October 27). Analysis-Need for speed: China Xi’s new generals offer cohesion over possible Taiwan plans. Reuters. https://www.reuters.com/article/china-congress-military-idCAKBN2RM03I
[37] Như nguồn 13.
[38] Al Jazeera. (2022, October 23rd). Who’s on china’s new Politburo Standing Committee?. https://www.aljazeera.com/news/2022/10/23/whos-on-chinas-new-politburo-standing-committee
[39] Tang, F. & Wang, O. (2022, October 26th). After Xi Jinping solidifies power, China’s new leadership line-up must restore confidence in managing the economy, experts say. South China Morning Post. https://www.scmp.com/economy/china-economy/article/3197215/after-xi-jinping-solidifies-power-chinas-new-leadership-line-must-restore-confidence-managing
[40] Bonny, L. & Brian, H. & Matthew, PF. & Samantha, L. & Hannah, P. & Nicholas, K. & Hanyue, O (2022, October 25th). How Did the 20th Party Congress Impact China’s Military? Center for Strategic and International Studies. https://chinapower.csis.org/20th-party-congress-china-military-pla-cmc/
[41] McGregor, R. (2022, October 26th). Xi’s clean sweep: China marks new era with loyalist lineup. Nikkei Asia. https://asia.nikkei.com/Spotlight/The-Big-Story/Xi-s-clean-sweep-China-marks-new-era-with-loyalist-lineup .
[42] Kuo, L (2022, October 12). Xi’s looming third term in China raises threat of war over Taiwan. The Washington Post.
https://www.washingtonpost.com/world/2022/10/12/china-taiwan-war-xi-jinping/
[43] VOANews (2022, October 25). Liệu Trung Quốc có tìm cách chiếm Đài Loan trong nhiệm kỳ thứ ba của ông Tập?. VOANews
https://www.voatiengviet.com/a/lieu-trung-quoc-co-tim-cach-chiem-dai-loan-trong-nhiem-ky-thu-ba-cua-ong-tap/6804070.html
[44] Kine, P (2020, October 20). Xi Jinping’s 20th Party Congress victory lap bodes ill for U.S.-China relations. POLITICO
https://www.politico.com/newsletters/politico-china-watcher/2022/10/20/xi-jinpings-20th-party-congress-victory-lap-bodes-ill-for-u-s-china-relations-00062578
[45] Hsiao, A and Kwek, I (2022, October 21) .The Foreign Policy Implications of China’s Twentieth Party Congress. International Crisis Group.
[46] Chen, S (2022, October 24). Security mission in focus with Xi Jinping’s key Communist Party appointments. South China Morning Post.
https://www.scmp.com/news/china/politics/article/3197094/security-mission-focus-xi-jinpings-key-communist-party-appointments
[47] Hsiao, A and Kwek, I (2022, October 21) .The Foreign Policy Implications of China’s Twentieth Party Congress. International Crisis Group.
https://www.crisisgroup.org/asia/north-east-asia/china/foreign-policy-implications-chinas-twentieth-party-congress
[48] China Mission to EU (2022, October 21). China-EU Dynamics. https://missionofchinatotheeu1.createsend.com/campaigns/reports/viewCampaign.aspx?d=d&c=52A7D681FC161228&ID=CE2562F66CF522A82540EF23F30FEDED&temp=False&tx=0
[49] Lau, J (2022, October 27). Cautious US, EU responses to China’s party congress signal widening gulf with West. South China Morning Post.
https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3197347/cautious-us-eu-responses-chinas-party-congress-signal-widening-gulf-west
[50] Chu, H. (2022, October 14). Một số vấn đề lý luận và thực tiễn tại Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tạp chí Cộng sản. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-binh-luan/-/asset_publisher/DLIYi5AJyFzY/content/mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-tai-dai-hoi-xx-cua-dang-cong-san-trung-quoc
[51] Chu, H. (2022, October 14). Một số vấn đề lý luận và thực tiễn tại Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tạp chí Cộng sản. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-binh-luan/-/asset_publisher/DLIYi5AJyFzY/content/mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-tai-dai-hoi-xx-cua-dang-cong-san-trung-quoc
[52] Đức Minh. (2022, September 14). Thương mại Việt Nam – Trung Quốc: Còn bỏ trứng vào một giỏ?. Kinh Tế & Đô Thị. https://kinhtedothi.vn/thuong-mai-viet-nam-trung-quoc-con-bo-trung-vao-mot-gio.html
[53] Nguyen, H. (2022, October 26). Trung Quốc Bình Luận Về Chuyến Thăm Trung Quốc Sắp Tới Của TBT Nguyễn Phú Trọng. Nghiencuuquocte. https://nghiencuuquocte.org/2022/10/26/trung-quoc-binh-luan-ve-chuyen-tham-trung-quoc-sap-toi-cua-tbt-nguyen-phu-trong/
[54]Thế Hoàng. (2022, July 03). Thương mại biên giới với Trung Quốc giảm mạnh vì chính sách Zero Covid. Tạp chí Đầu tư. https://baodautu.vn/thuong-mai-bien-gioi-voi-trung-quoc-giam-manh-vi-chinh-sach-zero-covid-d168961.html
[55] Nguyen, H. (2022, October 26). Trung Quốc Bình Luận Về Chuyến Thăm Trung Quốc Sắp Tới Của TBT Nguyễn Phú Trọng. Nghiencuuquocte. https://nghiencuuquocte.org/2022/10/26/trung-quoc-binh-luan-ve-chuyen-tham-trung-quoc-sap-toi-cua-tbt-nguyen-phu-trong/
[56] Ibid
[57] Ibid
2 comments