Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Trung trực tuyến 16/11/2021

Sáng thứ Ba ngày 16/11/2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi trực tuyến. Mặc dù lãnh đạo 2 quốc gia đã có hai lần tiếp xúc trước đây qua điện đàm, nhưng đây là cuộc họp Thượng đỉnh chính thức đầu tiên, diễn ra trong bối cảnh trang trọng. Theo nhận xét của các nhà chức trách Mỹ, bầu không khí của Thượng đỉnh được mô tả là “tôn trọng lẫn nhau, thẳng thắn và cởi mở”. Hai nhà lãnh đạo có cơ hội tương tác, trao đổi về những vấn đề trọng điểm trong quan hệ song phương và thảo luận các biện pháp kiểm soát mức độ cạnh tranh. Theo công bố từ phía Nhà Trắng, dù Thượng đỉnh không đem lại kết quả nào mang tính đột phá, đây là một bước tiến để hai bên điều hòa mối quan hệ căng thẳng hiện tại. 

Bối cảnh diễn ra Thượng đỉnh Mỹ – Trung

Quan hệ Mỹ – Trung trong những năm gần đây đang trải qua những diễn biến căng thẳng. Từ nhiệm kỳ Tổng thống Trump, mối quan hệ bắt đầu trở nên tồi tệ khi chính quyền Trump khơi mào cuộc chiến tranh thương mại và mạnh mẽ chỉ trích chính quyền Tập trong các vấn đề liên quan đến nhân quyền ở Hong Kong, Tân Cương. Dịch bệnh COVID-19 bùng nổ năm 2020 càng đẩy xung đột lên cao với các cuộc khẩu chiến, theo sau đó là các khủng hoảng ngoại giao liên quan đến đóng cửa đại sứ, trục xuất công dân,…  Khi tổng thống Biden lên tiếp quản, trái với suy đoán của quốc tế về việc Biden sẽ thực thi một chính sách đối ngoại ôn hòa hơn với Trung Quốc, ông nâng cao mức độ cạnh tranh lên một nấc thang mới với việc xem Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược toàn diện, mở rộng không gian đối đầu ra ngoài lĩnh vực kinh tế.  Về phía Trung Quốc, nước này nhiều lần công khai chỉ trích bá quyền của Mỹ,[1] cũng như sự đạo đức giả của Mỹ.[2] Trung Quốc cho rằng Mỹ đang nhìn nhận sai về Trung Quốc và sự đứt gãy mối quan hệ là do các “nhận định chiến lược sai lầm” từ Mỹ. Đây là mối quan hệ phức tạp bởi tính đan xen giữa hợp tác và cạnh tranh. Một mặt, giữa hai quốc gia tồn tại các khác biệt về giá trị và lợi ích, với sự cạnh tranh thể hiện rõ ràng nhất trong các lĩnh vực địa chính trị, công nghệ, quân sự, không gian và an ninh mạng. Mặt khác, Mỹ và Trung là hai đối tác kinh tế thương mại lớn nhất của nhau. Do đó, khi nói về mối quan hệ Mỹ – Trung, Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken đã gọi việc kiểm soát mối quan hệ với Trung Quốc là “bài kiểm tra địa chính trị lớn nhất của Mỹ trong thế kỷ 21”.[3]  

My Joe Biden Trung Quoc Dai Loan nhan quyen Xi Jing Ping Tap Can Binh. Hoi nghi thuong dinh truc tuyen my trung
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến từ Phòng Roosevelt của Nhà Trắng ở Washington, DC, ngày 16 tháng 11 năm 2021.
Ảnh: MANDEL NGAN/AFP

Nội dung bàn luận tại thượng định

Sau khi hội nghị kết thúc, hai bên không đi đến bất kỳ thỏa thuận hay ký kết song phương nào khác. Thay vào đó, cả hai đưa ra quan điểm của mình, trao đổi về các vấn đề mà hai bên quan tâm như:

(1)   Vấn đề Đài Loan

Phía Mỹ tái khẳng định chính sách “một Trung Quốc,” được hướng dẫn bởi Đạo luật Quan hệ Đài Loan, ba Thông cáo chung và Sáu bảo đảm, trong đó công nhận Bắc Kinh đại diện cho Trung Quốc chứ không phải Đài Bắc.[4] Trong văn bản của Nhà Trắng, Mỹ phản đối mạnh mẽ các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng, phá hoại hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan.[5] Tuy nhiên, theo Bộ ngoại giao Trung Quốc, Mỹ đã nói rằng không ủng hộ “Đài Loan độc lập” trong hội nghị này.[6] Có thể thấy, cùng là “một Trung Quốc” nhưng Trung Quốc và Mỹ có cách hiểu khác nhau dẫn đến sự diễn giải khác nhau. Nhưng với các hành động ở Đài Loan, chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra cảnh báo rằng Mỹ đang “chơi đùa với lửa” khi dùng vấn đề eo biển này để kiểm soát Trung Quốc. Lời nói của nguyên thủ Trung Quốc hàm ý chỉ trích hành vi làm để đối trọng và can thiệp của Mỹ. Quốc gia này cũng quyết tâm không từ bỏ Đài Loan hay nhượng bộ, chủ tịch Tập Cận Bình đã nói sẽ “tìm kiếm giải pháp tái thống nhất hòa bình một cách chân thành, nhưng nếu phe ly khai Đài Loan khiêu khích hoặc vượt lằn ranh đỏ, Trung Quốc đại lục có hành động quyết đoán.”[7]

(2)   Vấn đề thương mại

Trong thương mại, cả hai bên đều không có thỏa thuận hay tiến triển rõ ràng. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã kêu gọi không chính trị hóa thương mại, cho rằng bản chất thương mại là đôi bên cùng có lợi. Trong khi đó,  Tổng thống Joe Biden đã  yêu cầu Trung Quốc thực hiện theo thỏa thuận vào đầu năm ngoái để nhập khẩu nhiều hàng hóa của Mỹ hơn, nhưng không có báo cáo Trung Quốc trả lời vấn đề như thế nào.[8] Thay vào đó, Trung Quốc kêu gọi Mỹ không nên sử dụng an ninh quốc gia để gây ảnh hưởng các doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ, họ cho rằng đó là một sự làm dụng khai niệm. Trung Quốc kêu gọi hai quốc gia duy trì chính sách kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế thế giới và đề phòng rủi ro tài chính.

(3)   Vấn đề nhân quyền:

Tổng thống Joe Biden (Mỹ) đưa quan điểm của mình về những vi phạm quyền con người Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông, cũng như bày tỏ lo ngại về sự gia tăng kiểm soát của chính quyền lên đất nước gây vi phạm tự do cá nhân của người dân.[9] Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình (Trung Quốc) đáp lại rằng không có một hệ thống hay mô hình dân chủ cố định, mà cảm nhận về dân chủ sẽ cho người dân quyết định. Ông cũng nói rằng việc chối bỏ một dạng thái dân chủ khác là hành vi thiếu dân chủ, hàm ý nói rằng hành vi cáo buộc và chối bỏ Trung Quốc của Mỹ là không dân chủ. Trung Quốc sẵn sàng đối thoại nhân quyền trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau nhưng phản đối việc sử dụng nhân quyền như lý do để can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác.[10]

(4)   Vấn đề toàn cầu.

Hai quốc gia thảo luận về biến đổi khí hậu và sức khỏe cộng đồng. Về biến đổi khí hậu, Trung Quốc nhắc lại cam kết và hợp tác hai bên đã thúc đẩy là Thỏa thuận Paris, cho rằng đây là lĩnh vực có thể hợp tác và đạt được sự đồng thuận. Trung Quốc chỉ cam kết những vấn đề thực tế trong khả năng thực hiện được, cân bằng biến đổi khí hậu và sinh kế. Chủ tịch Tập Cận bình cũng nói rằng đây không phải là lúc đổ lỗi mà là đoàn kết, nhằm chỉ trích các cáo buộc hướng về Trung Quốc trong vấn đề lượng khí CO2 thải ra. Mỹ cũng đồng ý về khủng hoảng trong vấn đề khí hậu sẽ tác động lên hai quốc gia.[11] Vì thế chia sẻ với Trung Quốc tầm nhìn trong sự hợp tác trong lĩnh vực này.  Trong sức khỏe cộng đồng, Trung Quốc yêu cầu không chính trị hóa bệnh tật, phối hợp quốc tế để chống lại đại dịch đang diễn ra. Trung Quốc cho rằng hai nước cần kêu gọi thiết lập một cơ chế hợp tác về sức khỏe cộng đồng toàn cầu và phòng, chống bệnh truyền nhiễm, đồng thời thúc đẩy trao đổi và hợp tác quốc tế hơn nữa.[12] Phía Mỹ cũng cho rằng lợi ích của hai nước giao nhau tại vấn đề này, bày tỏ sự đồng tình với Trung Quốc trong việc hợp tác chống lại đại dịch.[13] Ngoài ra, Nhà Trắng cho biết hai quốc gia đã thảo luận về tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp giải quyết nguồn cung năng lượng toàn cầu. Hai nguyên thủ cũng trao đổi quan điểm về Afghanistan, vấn đề hạt nhân Iran, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên và các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.[14]

Ý kiến chuyên gia về thượng đỉnh trực tuyến Mỹ – Trung

Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến Mỹ – Trung đã có nhiều học giả trong và ngoài nước đưa ra những dự đoán về ý nghĩa của sự kiện này đối với mối quan hệ cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung. Đối với học giả trong nước, TS. Nguyễn Tuấn Khanh cho rằng sự kiện này là nỗ lực của hai bên trong việc kiểm soát quá trình leo thang căng thẳng của mối quan hệ nhằm đảm bảo tránh được những xung đột không chủ ý và không nên kỳ vọng sự triệt để theo hướng giải đáp hết tất cả vấn đề của Mỹ – Trung. Còn TS. Nguyễn Thành Trung nhận định với mức độ uy tín trong nước đang giảm sút trong nước của Tổng thống Joe Biden thì chính sách đối ngoại cứng rắn với Trung Quốc của Mỹ được hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ủng hộ sẽ vẫn được tiếp tục phát huy trong Hội nghị Thượng đỉnh[15]. Đối với học giả nước ngoài, Yu Jie, học giả nghiên cứu về Trung Quốc của Viện Nghiên cứu Chathan House (Anh) dự đoán cuộc gặp sẽ tạo ra “dấu hiệu tích cực” nhưng sẽ không thể thay đổi góc nhìn của chính trị Mỹ đối với Trung Quốc như một “kẻ thù địa chính trị số 1 của Mỹ”.[16] Ngoài ra, Jacob Stokes, nghiên cứu viên tại Trung tâm Chương trình An ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới của Mỹ nhìn nhận cuộc gặp là cơ hội cho Joe Biden nói chuyện trực tiếp với Chủ tịch Tập Cận Bình về các vấn đề tồn đọng thay vì phải thông qua giới cố vấn khá đông của Tập Cận Bình tuy nhiên chính ông cũng nhận định không nên kỳ vọng vào những đột phá mà sự kiện này mang lại[17]. Bên cạnh đó vẫn có những quan điểm mang tính tích cực và tin tưởng vào sự thực chất của Hội nghị. Báo Quốc tế nhận định nút thắt kinh tế giữa hai nước được kỳ vọng sẽ được gỡ bỏ trong cuộc gặp này.[18] Ngay cả Bộ trưởng bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã nhấn mạnh đây là sự kiện lớn trong quan hệ quốc tế và đặt hy vọng vào kết quả có lợi cho hai nước và thế giới nói chung.

Sau khi diễn ra Hội nghị vào ngày 16/11/2021, dù phần lớn học giả cho rằng kết quả Hội nghị vẫn thiếu tính thực chất nhưng đây là một sự mở đầu cho việc xoa dịu căng thẳng giữa Mỹ – Trung. Theo tờ The New York Times, sau cuộc họp 3 tiếng rưỡi giữa Mỹ – Trung đã không đưa ra được một tuyên bố chung hay bất kỳ hành động cụ thể nào tiếp theo.[19] Thực chất mỗi quốc gia có một báo cáo sau Hội nghị riêng và không hoàn toàn tương đồng. Không quá bất ngờ trước kết quả trên, TS. Hoàng Anh Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao nhận định rất khó để cho rằng cuộc họp Thượng đỉnh lần này sẽ giải quyết thấu đáo mọi câu chuyện và cuộc gặp này chỉ giúp “trì hoãn” chứ không mang tính giải quyết các vấn đề tồn đọng.[20] Cùng quan điểm đó Richard McGregor tại Viện Nghiên cứu Lowy (Úc) nhận xét đây là động thái “cân bằng” của Mỹ – Trung và TS. Nguyễn Tuấn Khanh đánh giá cuộc họp mang lại sự kiểm soát trong quan hệ cạnh tranh Mỹ – Trung.[21] Cheng Xiaohe, Giáo sư ngành Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Renmin tại Bắc Kinh cũng cho biết Mỹ – Trung đang đi vào giai đoạn tạm hoãn (détente) nhưng chúng ta không biết được nó sẽ kéo dài tới khi nào và đạt đến mức độ hòa hoãn nào vì còn nhiều điều chưa chắc chắn.[22]Bonnie Glaser, Giám đốc chương trình Châu Á tại German Marshall Fund nhìn nhận mối quan hệ Mỹ – Trung cần tìm “điểm cân bằng” nhưng để đạt được sẽ cần một thời gian dài vì cơ chế hợp tác giữa Mỹ – Trung đã không còn phù hợp trong bối cảnh quan hệ quốc tế hiện tại.[23]

Để giải thích cho trạng thái hòa hoãn này, ông Winston Lord, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương dưới thời chính quyền của Tổng thống Bill Clinton giải thích: “Washington và Bắc Kinh thừa nhận có những khác biệt to lớn và sẽ cạnh tranh nhau, song điều quan trọng là hai bên cạnh tranh một cách hòa bình, trong những giới hạn nhất định bởi cả hai đều không muốn xảy ra chiến tranh”.[24] Còn phía học giả Trung Quốc, ông Zhu Feng, Giáo sư Quan hệ quốc tế của Đại học Thanh Hoa cho rằng cả giới chính trị Mỹ và Trung đều nhận thức được tầm quan trọng của nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau từ đó tránh gây ra khủng hoảng cho người dân hai nước và cho thế giới.[25] Riêng về phía Mỹ, dẫn lời của TS. Nguyễn Tuấn Khanh, tái kết nối với Trung Quốc cũng là bước đi giúp Mỹ có thể mở rộng mối quan hệ với các quốc gia khác như Nga, Anh, Úc, Nhật, Ấn,..vì tiếp tục đối đầu gay gắt với Trung Quốc sẽ đưa đồng minh và đối tác của Mỹ vào thế lưỡng nan cần đưa ra lựa chọn. Còn về phía Trung Quốc, bà Patricia Kim, học giả của Viện Nghiên cứu Brookings chia sẻ nước này đang trông đợi một môi trường quốc tế thuận lợi vào thời gian tới, đặc biệt là năm 2022 – thời gian diễn Thế vận hội Olympic Mùa Đông vì vậy mà họ cần ít nhất thay đổi thái độ trong cách tiếp cận Mỹ từ bây giờ.[26]

Đánh giá chung

Nhìn chung, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Trung đã thành công trong việc đưa hai nguyên thủ quốc gia trực tiếp thảo luận và bàn bạc các vấn đề trong mối quan hệ dưới bối cảnh leo thang căng thẳng kéo dài từ thời cựu Tổng thống Donald Trump. Hai nước cũng đã thể hiện thiện chí đàm phán một số vấn đề quốc tế như vấn đề tại Triều Tiên, Iran và Afghanistan cũng như sẵn sàng hợp tác đối với vấn đề khủng hoảng năng lượng toàn cầu và biến đổi khí hậu. Giới chức chính trị Mỹ – Trung vừa thực hiện tốt những cử chỉ lễ tân ngoại giao vừa có thể bàn luận thẳng thắn về những vấn đề nhạy cảm như Đài Loan, tình hình Tân Cương, Tây Tạng, Hồng Kông cũng như vấn đề nhân quyền. Tuy nhiên chưa thể đặt nhiều kỳ vọng vào sự thay đổi của mối quan hệ cạnh tranh giữa Mỹ và Trung chỉ sau một cuộc họp. Đây chỉ là bước đầu nhằm hạ nhiệt căng thẳng từ đó điều hướng mối quan hệ tiến tới hợp tác trong những lĩnh vực phù hợp dựa trên những lợi ích chiến lược tạm thời của Mỹ và Trung. Triển vọng của quan hệ Mỹ – Trung vẫn còn là một ẩn số. Trong khi một nhóm học giả tin tưởng vào sự thay đổi trong mối quan hệ hướng tới hợp tác ở lĩnh vực năng lượng, khí hậu và thương mại, một số khác chưa thể đưa ra dự đoán vì còn nhiều điều chưa rõ và số còn lại tỏ ra nghi ngờ những bước tiến sau Hội nghị vì còn tùy thuộc nhiều vào tình hình chính trị nội bộ của cả hai bên.


Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.nbcnews.com/news/asia/chinese-president-xi-jinping-criticizes-world-hegemony-jab-u-s-n1264608

[2] https://www.politico.com/news/2021/03/18/china-us-alaska-meeting-undiplomatic-477118

[3]https://www.nbcnews.com/news/world/china-poses-biggest-geopolitical-test-u-s-says-secretary-state-n1259489

[4] https://foreignpolicy.com/2021/11/16/biden-xi-first-meeting-us-china-tensions/

[5]https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2021/11/16/readout-of-president-bidens-virtual-meeting-with-president-xi-jinping-of-the-peoples-republic-of-china/

[6] https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/zxxx_662805/t1919223.shtml

[7] https://vnexpress.net/van-de-dai-loan-dot-nong-thuong-dinh-my-trung-4386534.html

[8]https://www.nytimes.com/live/2021/11/15/world/biden-xi-summit#us-china-trade-is-expected-to-be-a-central-issue

[9]https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2021/11/16/readout-of-president-bidens-virtual-meeting-with-president-xi-jinping-of-the-peoples-republic-of-china/

[10]https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/zxxx_662805/t1919223.shtml

[11]https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2021/11/16/readout-of-president-bidens-virtual-meeting-with-president-xi-jinping-of-the-peoples-republic-of-china/

[12] https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/zxxx_662805/t1919223.shtml

[13]https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2021/11/16/readout-of-president-bidens-virtual-meeting-with-president-xi-jinping-of-the-peoples-republic-of-china/

[14] https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/zxxx_662805/t1919223.shtml

[15] https://tuoitre.vn/thay-gi-tu-thuong-dinh-my-trung-2021111407554192.htm

[16]https://asia.nikkei.com/Politics/International-relations/US-China-tensions/Biden-and-Xi-set-1st-virtual-summit-for-early-next-week

[17]https://asia.nikkei.com/Politics/International-relations/US-China-tensions/Biden-and-Xi-set-1st-virtual-summit-for-early-next-week

[18] https://baoquocte.vn/thuong-dinh-truc-tuyen-my-trung-quoc-nut-that-kinh-te-se-duoc-go-165020.html

[19] https://www.nytimes.com/live/2021/11/15/world/biden-xi-summit

[20] https://vtv.vn/the-gioi/thuong-dinh-my-trung-niem-hy-vong-mong-manh-20211116213750234.htm

[21]https://www.skynews.com.au/world-news/united-states/china-and-the-us-virtual-meeting-shows-they-have-decided-to-stabilise-relationship/video/0ce8c782bd5ab2dbde8af84025cb7032

[22] https://www.nytimes.com/2021/11/16/world/asia/biden-xi-usa-china.html

[23] https://twitter.com/gmfus/status/1460684172507373574?s=20

[24] https://www.politico.com/news/2021/11/14/biden-xi-meeting-expectations-522136

[25] https://www.globaltimes.cn/page/202111/1239124.shtml

[26] https://foreignpolicy.com/2021/11/14/china-us-summit-xi-biden-white-meeting-tensions-taiwan-climate/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *