BRICS 2023 cùng sự mở rộng thành viên: Triển vọng và Thách thức

Từ ngày 22 – 24/08/2023, Hội nghị Thượng đỉnh nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) lần thứ 15 đã diễn ra tại Nam Phi. Hội nghị năm nay được triển khai dựa trên chủ đề “BRICS và châu Phi: Quan hệ đối tác vì Tăng trưởng nhanh, Phát triển bền vững và Chủ nghĩa đa phương bao trùm”, thể hiện mục tiêu tăng cường hợp tác và thiết lập một trật tự thế giới toàn cầu, đa phương. Sự kiện đánh dấu lần đầu tiên các lãnh đạo cấp cao của BRICS gặp mặt trực tiếp kể từ sau cuộc gặp gỡ diễn ra vào năm 2019 và bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19. Trong các nội dung được thảo luận tại cuộc họp, vấn đề mở rộng thành viên khối BRICS nhận được nhiều sự quan tâm nhất.

1. Bối cảnh và một số nội dung của hội nghị

Trong những năm vừa qua, Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS luôn tìm cách khẳng định vai trò và tầm quan trọng trên trường quốc tế. Nhóm BRICS chiếm hơn 40% dân số thế giới và khoảng 26% nền kinh tế toàn cầu và đang nỗ lực tạo ra một diễn đàn thay thế cho các cơ chế hiện có và được xem là thống trị bởi phương Tây.[1] Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), trong năm 2023, các nước BRICS sẽ đóng góp 32.1% vào tăng trưởng của thế giới, trong khi tỷ lệ đóng góp của khối các nước phát triển G7 chỉ là 29.9%. Báo cáo chỉ ra rằng vào năm 2020, đóng góp của các nước BRICS và G7 vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu là ngang nhau. Đến năm 2028, dự báo đóng góp của G7 vào nền kinh tế thế giới sẽ giảm xuống còn 27.8%, trong khi BRICS sẽ chiếm 35%.[2] Điều này đã cho thấy sự vươn lên ngày càng nổi bật của các quốc gia đang phát triển có nhiều triển vọng phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, BRICS cũng đang đối mặt với nhiều thách thức mà phần lớn đến từ sự chia rẽ giữa các quốc gia thành viên. Cơ chế quyết định dựa trên sự đồng thuận có thể gặp trở ngại lớn nhất, xuất phát từ việc Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia có vị trí quan trọng trong khối, đang xảy ra tranh chấp với nhau tại khu vực biên giới. Trong khi Nga xem khối này là một diễn đàn nhằm chống lại hành vi cô lập của Mỹ và phương Tây thì Brazil lại bày tỏ quan điểm không muốn trở thành đối trọng của G7, G20 hay Mỹ.[3] Hơn nữa, các yếu tố ngoại sinh như sự suy giảm đầu tư nước ngoài và suy thoái kinh tế ở các quốc gia thành viên cũng kìm hãm sự phát triển chung của nhóm.[4] Đánh giá về quá trình thiết chế hoá nhóm BRICS, ông Tom Lodge, Giáo sư Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột tại Đại học Limerick, cho rằng quá trình này vẫn còn đang được thực hiện và cần nhiều thời gian mới có thể hoàn thiện.[5] Trước những vấn đề còn tồn đọng và nhằm xác định kế hoạch phát triển trong tương lai, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 15 đã diễn ra tại Nam Phi trên cơ sở tăng cường sức mạnh nội tại thông qua việc mở rộng số lượng thành viên trong nhóm và tăng cường tính thống nhất nội bộ, nhằm hướng đến thiết lập một trật tự toàn cầu không phụ thuộc vào Mỹ và phương Tây.

Diễn ra từ ngày 22 – 24/08/2023, vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm nhất trong chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh nhóm BRICS lần thứ 15 xoay quanh việc mở rộng thành viên. Cho đến hiện tại đã có 40 quốc gia thể hiện mong muốn gia nhập khối, trong đó chủ yếu là các nước ở khu vực Nam Mỹ, châu Á và châu Phi.[6] Tại Hội nghị lần này, BRICS công bố lời mời kết nạp đến 6 quốc gia Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) như một nỗ lựa nhằm gia tăng ảnh hưởng của nhóm. Các quốc gia đề cập ở trên được đề nghị trở thành thành viên mới của BRICS bắt đầu từ năm 2024. Trước động thái trên, Tổng thống nước chủ nhà Nam Phi Cyril Ramaphosa đã gọi quá trình này là một “chương mới”, còn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thì xem đây là một “khoảnh khắc mang tính lịch sử” trong tiến trình phát triển của nhóm.[7]

2. Nhận xét và đánh giá về việc mở rộng BRICS

2.1. Triển vọng

Trong chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 15, việc mở rộng thành viên của khối là chủ đề được nhiều học giả quan tâm nhất. Theo ông Bhaso Ndzendze, Phó giáo sư Chính trị và Quan hệ quốc tế tại Đại học Johannesburg, và bà Yun Sun, Giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, việc mở rộng thành viên được sẽ mang lại những tác động tích cực đối với khối này, bao gồm việc giúp nhóm tăng cường sự hiện diện trên phạm vi toàn cầu và khẳng định tiếng nói của mình trước sự thống trị về mặt chính trị của phương Tây. Bà Mihaela Papa, thành viên cấp cao của Dự án Liên minh Các cường quốc mới nổi tại Đại học Tufts,  cho biết sức mạnh kinh tế của những thành viên mới có thể góp phần thúc đẩy sự tái định hình cấu trúc quyền lực toàn cầu hiện tại.[8] Cụ thể, Giáo sư Trường Kinh doanh và Kinh tế tại Đại học Johannesburg Alexis Habiyaremye đã nhận định việc các quốc gia như Argentina, Algeria, Ai Cập, Iran, Indonesia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) gia nhập khối BRICS sẽ tạo nên một khối kinh tế có thể thách thức Mỹ và phương Tây.[9] Bên cạnh vấn đề kinh tế, ông Sanusha Naidu, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Đối thoại Toàn cầu, còn cho rằng sự tham gia của Ả Rập Saudi, Iran, UAE và Ai Cập được nhận định là có ý nghĩa về mặt địa chính trị và địa chiến lược bởi nó sẽ góp phần thúc đẩy các nước thành viên khối suy nghĩ nhiều hơn về các chính sách liên quan đến khu vực Trung Đông.[10] Ngoài ra, mở rộng thành viên khối được cho là một vấn đề có ý nghĩa đối với Trung Quốc. Theo bà Yun Sun, khi quy mô nhóm ngày càng được mở rộng, Trung Quốc sẽ càng khẳng định được vai trò lãnh đạo của mình với tư cách là nhân tố đại diện cho các quốc gia mới nổi.[11] Bên cạnh đó, Giáo sư Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Jawaharlal Nehru Happymon Jacob cũng cho rằng việc trở thành nước dẫn dắt các diễn đàn không thuộc phạm vi của phương Tây và ở Nam bán cầu sẽ giúp Trung Quốc đối trọng với Mỹ và trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo.[12]

2.2. Động cơ khi gia nhập BRICS của các quốc gia

Về phía những quốc gia có mong muốn gia nhập khối, các học giả cho rằng có nhiều động cơ để họ bày tỏ ý định này, trong đó có thể kể đến sự quan tâm đến các sáng kiến trong lĩnh vực ​​kinh tế như thúc đẩy thương mại bằng đồng nội tệ (theo bà Mihaela Papa, thành viên cấp cao của Dự án Liên minh các cường quốc mới nổi tại Đại học Tufts).[13] Việc thúc đẩy thương mại bằng đồng nội tệ tạo cơ hội cho các thành viên tiến hành giao dịch giao bằng đồng tiền của mình mà không phải phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ. Bà Karin Costa Vasquez, thành viên cấp cao tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa ở Bắc Kinh, cho biết sáng kiến này sẽ góp phần tạo ra một mạng lưới bao gồm nhiều quốc gia giúp nâng cao tiện ích của các loại tiền tệ của các nước thành viên, đồng thời mở ra những con đường mới cho thương mại. Đặc biệt, theo Na’eem Jeenah, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Mapungupwe,cơ chế thương mại nằm ngoài sự thống trị của đồng đô la này sẽ mang lại lợi ích cho những quốc gia bị Mỹ cấm vận, chẳng hạn như Iran.[14] Ngoài ra, cũng theo Mihaela Papa, mong muốn gia nhập BRICS có thể xuất phát từ mục tiêu xây dựng mối quan hệ với các nước trong khối, đặc biệt là Trung Quốc trước tình hình thế giới có nhiều biến động như hiện nay.[15]

2.3. Thách thức

Tuy nhiên, theo ông Steven Gruzd, Trưởng phòng Chương trình Quản trị – Ngoại giao Châu Phi và Dự án Nga – Châu Phi tại Viện Quan hệ Quốc tế Nam Phi, những lợi ích mà tư cách thành viên BRICS mang lại có thể đã bị thổi phồng và sẽ rất khó để đạt được những thành tựu cụ thể trên thực tế.[16] Chia sẻ quan điểm này, bà Yun Sun cũng bày tỏ sự nghi ngờ đối với tính hiệu quả của nhóm này sau khi mở rộng bởi việc bổ sung thêm thành viên đòi hỏi khối phải dung hòa để đáp ứng lợi ích của nhiều quốc gia.[17] Ngoài ra, việc tăng cường số lượng thành viên có thể làm suy giảm ý chí chính trị chung của nhóm (theo nhà phân tích Ấn Độ Raja Mohan).[18] Vì thế, theo ông Kewalramani, nhà nghiên cứu về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tại trung tâm nghiên cứu của Viện Takshashila, thay vì thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của khối, việc mở rộng có thể sẽ bộc lộ những điểm tương phản giữa các thành viên khiến hoạt động của khối trở nên kém hiệu quả hơn.[19] Liên quan đến việc sáu quốc gia bao gồm Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Saudi và UAE sẽ gia nhập BRICS vào tháng 01/2024, bà Helena Legarda, nhà phân tích chính tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở Berlin, đã thể hiện sự quan ngại rằng đây có thể là một quyết định gây nên sự chia rẽ trong khối BRICS nếu không có hệ tư tưởng chung và mục tiêu tổng thể rõ ràng.[20] Bên cạnh đó, Giáo sư Đại học Pretoria Danny Bradlow cũng cho biết hầu như không tìm được điểm chung nào giữa sáu quốc gia này, ngoại trừ việc đây đều là những nước có ý nghĩa quan trọng trong khu vực của mình.[21] Theo bà Yun Sun, việc những căng thẳng và cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ cũng như giữa Iran và Ả Rập Saudi vẫn tiếp diễn đồng nghĩa với việc các vấn đề mà họ có thể thống nhất và đưa ra hành động chung là không đáng kể cả về số lượng lẫn bản chất.[22] Sự khác biệt về quan điểm cũng đã được thể hiện khi thảo luận về vấn đề mở rộng thành viên. Bà Helena Legarda cho biết trước sự đồng thuận về việc mở rộng thành viên của Trung Quốc, Nga và Nam Phi thì hai quốc gia còn lại trong khối là Ấn Độ và Brazil lại tỏ ra quan ngại việc BRICS sẽ bị Trung Quốc thống trị và trở nên chống phương Tây mạnh mẽ.[23] Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã bác bỏ quan điểm cạnh tranh với Mỹ và nhóm G7. Đồng thời, phía Ấn Độ cũng đã đưa ra những tiêu chí đối với việc kết nạp thêm thành viên mà theo Harsh Pant, Giáo sư tại Quỹ Nghiên cứu Observer ở Delhi thì đó là cách để Ấn Độ có được sự bảo đảm rằng BRICS sẽ không bị biến thành một nền tảng công khai chống phương Tây.[24] [25]

3. Triển vọng đối với Việt Nam

Về phía Việt Nam, hiện chưa có thông tin chính thức nào xoay quanh việc liệu Việt Nam có nộp đơn xin gia nhập BRICS hay không. Theo thông tin từ phía Bộ Ngoại giao, Việt Nam đã bày tỏ sự quan tâm đến tiến trình mở rộng thành viên của khối. Tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS vừa qua, Việt Nam là một trong 71 quốc gia được nước chủ nhà Nam Phi mời tham dự.[26] Trong khi đó, hãng thông tấn TASS của Nga và hãng tin Sputnik Việt Nam đã đưa ra thông tin Việt Nam là một trong 21 quốc gia đã nộp đơn gia nhập khối.[27] [28] [29]

Bình luận về triển vọng khi Việt Nam gia nhập khối BRICS,trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ – Trung, đặc biệt hơn khi đây là thời điểm vừa kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ, nhà nghiên cứu tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu và Trung tâm CSIS – bà Trần Thị Bích cho rằng Việt Nam muốn nộp đơn gia nhập để thể hiện chính sách ngoại giao đa dạng và không chọn bên của mình.[30] Cùng chia sẻ quan điểm trên, Tiến sĩ Quan hệ Quốc tế Nguyễn Tuấn Khanh thể hiện quan điểm rằng Việt Nam nộp đơn gia nhập khối có thể là cách để làm tốt đẹp hơn mối quan hệ với Nga và Trung Quốc, đồng thời cũng cân bằng được tình trạng căng thẳng Mỹ – Trung. Tương tự, nhà nghiên cứu Vũ Khang cho rằng Việt Nam thường cố gắng tham gia tất cả các thể chế quốc tế do cả Mỹ và Trung Quốc lãnh đạo để duy trì quan hệ hữu hảo với hai cường quốc này.[31]

Tuy nhiên, về khả năng Việt Nam có được trở thành một thành viên của BRICS hay không, Tiến sĩ Quan hệ Quốc tế Hoàng Giang cho biết BRICS hiện chưa có các nguyên tắc chung về mở rộng khối, nên sẽ khó xác định nước nào sẽ được kết nạp và nước nào không trong thời gian tới.[32] Cho đến thời điểm hiện tại, BRICS chỉ mới lần mở rộng thứ hai với sáu quốc gia bao gồm Iran, Ả-rập Xê-út, UAE, Argentina, Ai Cập và Ethiopia. Trong tương lai, vấn đề mở rộng khối sẽ tiếp tục là vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm trong các hội nghị kế tiếp.

IR Analytica

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.reuters.com/world/key-facts-about-brics-2023-summit-2023-08-07/

[2] https://www.statista.com/chart/30638/brics-and-g7-share-of-global-gdp/

[3] https://www.reuters.com/world/brics-expansion-could-hinder-blocs-geopolitical-aspirations-2023-08-24/

[4] https://impakter.com/brics-summit-2023-the-quest-for-a-new-world-order/

[5] https://trungtamwto.vn/tin-tuc/24302-hoi-nghi-thuong-dinh-brics-tai-nam-phi-co-gi-dang-chu-y

[6] https://plo.vn/khoi-brics-va-thach-thuc-trong-viec-mo-rong-thanh-vien-post747679.html

[7] https://www.reuters.com/world/brics-poised-invite-new-members-join-bloc-sources-2023-08-24/

[8] https://vov.vn/the-gioi/ai-se-duoc-huong-loi-neu-khoi-brics-mo-rong-post1040915.vov

[9] https://trungtamwto.vn/tin-tuc/24302-hoi-nghi-thuong-dinh-brics-tai-nam-phi-co-gi-dang-chu-y

[10] https://www.aljazeera.com/news/2023/8/24/analysis-wall-of-brics-the-significance-of-adding-six-new-members

[11] https://vov.vn/the-gioi/ai-se-duoc-huong-loi-neu-khoi-brics-mo-rong-post1040915.vov

[12] https://edition.cnn.com/2023/08/28/china/china-brics-expansion-victory-intl-hnk/index.html

[13] https://vov.vn/the-gioi/ai-se-duoc-huong-loi-neu-khoi-brics-mo-rong-post1040915.vov

[14] https://www.aljazeera.com/news/2023/8/24/analysis-wall-of-brics-the-significance-of-adding-six-new-members

[15] https://vov.vn/the-gioi/ai-se-duoc-huong-loi-neu-khoi-brics-mo-rong-post1040915.vov

[16] https://www.reuters.com/world/brics-expansion-hopefuls-seek-rebalance-world-order-2023-08-21/

[17] https://edition.cnn.com/2023/08/28/china/china-brics-expansion-victory-intl-hnk/index.html

[18] https://www.lemonde.fr/en/opinion/article/2023/08/26/the-brics-expansion-doesn-t-clarify-the-group-s-political-ambition_6109495_23.html

[19] https://vov.vn/the-gioi/ai-se-duoc-huong-loi-neu-khoi-brics-mo-rong-post1040915.vov

[20] https://edition.cnn.com/2023/08/28/china/china-brics-expansion-victory-intl-hnk/index.html

[21] https://www.aljazeera.com/news/2023/8/24/analysis-wall-of-brics-the-significance-of-adding-six-new-members

[22] https://edition.cnn.com/2023/08/28/china/china-brics-expansion-victory-intl-hnk/index.html

[23] https://edition.cnn.com/2023/08/28/china/china-brics-expansion-victory-intl-hnk/index.html

[24] https://www.theguardian.com/world/2023/aug/21/brics-looks-to-expand-bloc-south-africa-summit-divisions-key-members-india

[25] https://www.reuters.com/world/brics-leaders-weigh-expansion-criteria-with-blocs-future-balance-2023-08-23/

[26] https://baochinhphu.vn/viet-nam-quan-tam-qua-trinh-mo-rong-thanh-vien-cua-nhom-brics-102230817171628857.htm

[27] https://tass.com/world/1658081

[28] https://www.telesurenglish.net/news/South-Africa-Confirms-23-Countries-Want-to-Join-BRICS-Group-20230807-0023.html

[29] https://sputniknews.vn/amp/20230811/viet-nam-co-ten-trong-danh-sach-23-quoc-gia-de-trinh-don-xin-gia-nhap-brics-24637048.html

[30] https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/may-vietnam-image-be-affected-if-it-joins-the-brics-bloc-08262023100934.html

[31] https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/may-vietnam-image-be-affected-if-it-joins-the-brics-bloc-08262023100934.html

[32] https://sputniknews.vn/amp/20230811/viet-nam-co-ten-trong-danh-sach-23-quoc-gia-de-trinh-don-xin-gia-nhap-brics-24637048.html

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *