Hội nghị Thượng đỉnh Nga – Châu Phi 27-28/7/2023 và những điểm đáng quan tâm

Từ ngày 27/7 – 28/7/2023, Hội nghị Thượng đỉnh Nga – châu Phi lần thứ 2 đã diễn ra tại thủ đô Saint Petersburg, Nga với sự tham gia của 45 quốc gia châu Phi, trong đó có 17 lãnh đạo cấp cao, với chủ đề “Vì hoà bình, an ninh và phát triển”. Tại đây, Nga và châu Phi đã có những thảo luận xoay quanh nhiều lĩnh vực, đặc biệt nổi bật là lĩnh vực an ninh lương thực và thực phẩm. Hội nghị là cột mốc đánh dấu bước tiến trong mối quan hệ đôi bên cùng có lợi giữa Nga và các quốc gia tại Lục địa Đen. Trong khi Nga xem đây là cơ hội để gia tăng ảnh hưởng ở châu Phi, kiềm chế sức ép gia tăng đên từ phương Tây thì các quốc gia châu Phi cũng tận dụng thời điểm này để củng cố nguồn lực phát triển đất nước.

1. Bối cảnh diễn ra Hội nghị

Hội nghị Thượng đỉnh Nga – châu Phi lần thứ 2 diễn ra sau khi Nga tuyên bố không gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen vào ngày 17/7/2023.[1] Đây là một quyết định ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực đối với các quốc gia ở châu Phi. Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, kể từ khi thỏa thuận ngũ cốc được ký kết vào tháng 7/2022, hơn 725.000 tấn ngũ cốc đã được vận chuyển đến nhiều nơi trong khuôn khổ Chương trình Lương thực Thế giới, trong đó tổng Ethiopia, Sudan, Somalia, Kenya và Djibouti chiếm 343.300 tấn.[2] Ngân hàng Phát triển Châu Phi (AfDB) cho biết, tình trạng thiếu ngũ cốc sẽ khiến tình trạng mất an ninh lương thực tại châu Phi trở nên trầm trọng hơn.[3]

Bên cạnh đó, cách đây một tháng, vào ngày 24/6, nhóm lính đánh thuê Wagner đã có cuộc nổi loạn diễn ra trong vòng 24 giờ ở Nga. Tại châu Phi hiện nay, Wagner có tầm ảnh hưởng đối với nhiều quốc gia như Cộng hòa Trung Phi, Mali và Burkina Faso. Theo Benjamin Haddad, nghị sĩ Pháp thuộc Đảng Phục hưng, cho biết sự kiện này là “lời cảnh báo” cho các nhà lãnh đạo ở châu Phi khi phụ thuộc vào lực lượng này.[4] Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tuyên bố các hoạt động của Wagner ở Châu Phi vẫn sẽ tiếp tục nhưng có thể sẽ tồn tại dưới sự lãnh đạo và một cấu trúc mới.[5] Do đó, tương lai các hoạt động của Wagner ở châu Phi và mức độ hỗ trợ của Nga đối với lực lượng này tại đây cũng có thể là một vấn đề được quan tâm tại hội nghị.

2. Những vấn đề trọng tâm được thảo luận tại Hội nghị

Phát biểu trước thềm hội nghị, trợ lý của Tổng thống Nga Yury Ushakov cho biết phía Nga rất coi trọng cuộc gặp mặt lần này và trọng tâm chính của hội nghị là triển vọng phát triển quan hệ hai bên.[6] Kể từ khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra, lập trường của các nước châu Phi đối với sự kiện này có sự phân cực. Trong cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc lên án hành động xâm lược Ukraine của Nga vào năm 2022, ở châu Phi có 28 quốc gia bỏ phiếu lên án Nga, 17 quốc gia bỏ phiếu trắng, 8 quốc gia không bỏ phiếu và Eritrea là một trong bốn quốc gia trên thế giới ủng hộ Nga. Vào tháng 6 vừa qua, một phái đoàn châu Phi do Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa dẫn đầu đã đến Nga để thực hiện sứ mệnh hòa bình – làm trung gian cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, phái đoàn này đã không thể thuyết phục Tổng thống Putin chấm dứt chiến tranh.[7] Alexey Maslov, giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á và châu Phi của Đại học Quốc gia Moscow, cho biết chính trị – an ninh sẽ là vấn đề được chú trọng trong Hội nghị Thượng đỉnh Nga – châu Phi năm nay bởi chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh năm 2019 vẫn chưa được triển khai do những thay đổi trong tình hình chính trị quốc tế và định hướng châu Phi trong chính sách đối ngoại của Nga.[8] Về kinh tế, trong Hội nghị Thượng đỉnh Nga – châu Phi lần thứ nhất diễn ra vào năm 2019, Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố sẽ khiến thương mại Nga – châu Phi tăng gấp đôi trong vòng 5 năm. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại song phương năm 2022 chỉ dừng lại ở mức 18 tỷ USD, giảm so với con số 20 tỷ USD năm 2018.[9][10] Do đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov đã nhận định trước thềm hội nghị thượng đỉnh lần này là sự kiện trên sẽ đánh dấu một bước quan trọng đầu tiên trong sự hợp tác trở lại về cả chính trị và kinh tế giữa Nga và châu Phi.[11]

Tại Hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Nga Vladimir Putin và đại diện đến từ 45 quốc gia châu Phi đã thông qua “Tuyên bố chung về kế hoạch hành động Đối tác Nga – châu Phi giai đoạn 2023 – 2026”. Tuyên bố nhấn mạnh sự tăng cường hợp tác giữa Nga và các quốc gia châu Phi trên tất cả các lĩnh vực như chính trị – xã hội, kinh tế, văn hoá, và môi trường.[12] Trong đó, tuyên bố tập trung thảo luận một số vấn đề mang tính thực tiễn và cấp thiết như:

1/ Về vấn đề an ninh lương thực

Nga khẳng định vai trò là nguồn cung sản phẩm lương thực quốc tế có trách nhiệm thông qua cam kết cung cấp ngũ cốc giá rẻ hoặc miễn phí cho các quốc gia nghèo nhất châu Phi. Các quốc gia này bao gồm: Burkina Faso, Zimbabwe, Mali, Somalia, Cộng hòa Trung Phi và Eritrea. Trong vòng từ 3 đến 4 tháng tới, Nga sẽ cung cấp từ 25.000 đến 50.000 tấn ngũ cốc cho các nước châu Phi trong năm nay mà không thu bất kỳ loại phí nào.[13] Đây là biểu hiện cho thấy sự tranh thủ của Nga trong việc tăng cường thiết lập lợi ích kinh tế tại châu Phi, nơi phải chịu phụ thuộc vào nguồn cung từ các quốc gia khác như Ukraine do thiếu các điều kiện tự nhiên cần thiết trong trồng trọt. Tuy nhiên, kể từ khi rời khỏi “Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen”, Nga đã thể hiện quyết tâm trong việc thay thế Ukraine, tranh giành ảnh hưởng, và khẳng định vị thế của mình tại châu Phi. Các thoả thuận ngũ cốc đạt được tại Hội nghị năm nay, hay còn được đề cập bởi nhiều nhà nghiên cứu như một hình thức ngoại giao, được Alexei Tselunov – chuyên gia nghiên cứu của tập san học thuật African Affairs –  đánh giá sẽ mang lại lợi thế cho Nga tại các vòng đàm phán tại Liên Hợp Quốc và làm giảm các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây nhờ các nỗ lực giảng hoà của các quốc gia châu Phi. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng ý định cô lập Ukraine khỏi thị trường châu Phi sẽ không có hiệu quả lâu dài và gây ảnh hưởng đến giá cả của thực phẩm.[14]

Những cam kết đảm bảo an ninh lương thực từ Nga giúp các nước châu Phi giảm nhẹ nỗi lo sợ trước sự gián đoạn nguồn cung lương thực trên thế giới đến châu lục này, nơi thường xuyên diễn ra nạn đói và tình trạng thiếu ăn nghiêm trọng. Việc thiết lập các hành lang logistics, các trung tâm trung chuyển ngũ cốc và các hàng hoá khác được sản xuất tại Nga giúp đảm bảo sự ổn định về mặt lương thực và tạo điều kiện cho các lĩnh vực khác phát triển song hành, đặc biệt là để góp phần củng cố an ninh chính trị.[15] Nhìn chung, tuy Nga không phải là một nhà đầu tư lớn tại châu Phi như Mỹ và Trung Quốc, nhưng việc có thêm một sự lựa chọn từ bên ngoài vẫn mang lại cho các quốc gia châu Phi, đặc biệt là các nước nhỏ, sự đa dạng về nguồn vốn đầu tư.[16][17] Tuy nhiên, sự chia rẽ về quan điểm gia tăng hợp tác với Nga vẫn xuất hiện trong nhóm các quốc gia châu Phi. Tổng thống Ai Cập và Nam Phi là một trong những người phản đối các thoả thuận ngũ cốc mạnh mẽ nhất. Tồng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã kêu gọi Nga thực hiện “thoả thuận ngũ cốc Biển Đen” và rằng các quốc gia châu Phi không hề “cầu xin” những “khoản quyên góp” từ Nga.

            2/ Về vấn đề tài chính

Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định tầm quan trọng của việc phát triển hợp tác tài chính, nhấn mạnh chuyển đổi sang thanh toán bằng tiền tệ quốc gia trong thương mại song phương giữa Nga với các quốc gia châu Phi. Nga đưa ra lời cam kết sẵn sàng hợp tác với các nước châu Phi để phát triển cơ sở hạ tầng tài chính, kết nối các tổ chức ngân hàng với cấu trúc hệ thống nhắn tin tài chính ở Nga, cho phép thực hiện thanh toán xuyên biên giới độc lập với các hệ thống tiền tệ phương Tây hiện đang tồn tại.[18] Phó Thủ tướng Nga Alexey Overchuk đã khẳng đây là việc làm cần thiết và phù hợp với “xu hướng thế giới”.[19] Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản thanh toán xuyên biên giới và tránh các hạn chế tồn tại trong hệ thống tiền tệ phương Tây, đây còn là một cơ hội giúp làm giảm hậu quả của các đòn trừng phạt kinh tế của phương Tây lên kinh tế nước Nga. Nhưng trong một mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, các quốc gia châu Phi cũng tận dụng thời điểm này để phục vụ cho những mục đích mang tính thực dụng, như sử dụng mối quan hệ với Nga để làm bàn đạp tăng cường hợp tác với khối BRICS và các diễn đàn đa phương khác. Đồng thời, việc phi đô la hoá trong giao dịch cũng giúp các quốc gia châu Phi tiết kiệm chi phí khi thực hiện các giao dịch xuyên biên giới.[20]

Nhìn chung, thông qua các vấn đề nổi bật được đề cập tại hội nghị, có thể thấy cả Nga và châu Phi đều theo đuổi những mục tiêu và lợi ích riêng. Không khó để thấy những nỗ lực của Nga nhằm gia tăng sức ảnh hưởng tại khu vực châu Phi hướng đến hạn chế sức ép ngày càng gia tăng đến từ phương Tây và thay đổi tình trạnh phiếu chống trong các vòng đàm phán với Liên Hợp Quốc. Về phía các quốc gia châu Phi, đây là cơ hội để các quốc gia tận dụng nguồn vốn từ bên ngoài trong việc đảm bảo an ninh lương thực và mở ra các cơ hội hợp tác trên các lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, có thể thấy các quốc gia châu Phi cũng xem đây là cơ hội để làm suy giảm tình trạng căng thẳng trong mâu thuẫn Nga – Ukraine. Các quốc gia châu Phi đang thể hiện khả năng đóng vai trò điều hoà trong chính mâu thuẫn này và tìm cách hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình nội tại của quốc gia ở châu lục này.

3. Nhận định về triển vọng hợp tác Nga – châu Phi

Nhìn chung, sau hội nghị vừa qua, mối quan hệ giữa Nga – châu Phi được nhận định sẽ không có quá nhiều triển vọng mang tính bứt phá đối với những thoả thuận được đưa ra. Các chuyên gia như ông Stefan Wolff – giáo sư ngành An ninh quốc tế tại Đại học Birmingham bà Alexandra Prokopenko – một học giả tại Trung tâm Á – Âu Carnegie đều cho rằng không có nhiều thay đổi về phát triển kinh tế và hỗ trợ nhân đạo tại châu Phi từ phía Nga.[21] [22] Theo đó, vì Nga không có chiến lược rõ ràng ở châu Phi nói riêng và phía Nam bán cầu nói chung, Hội nghị Thượng đỉnh Nga – châu Phi lần thứ 2 chỉ đơn giản là dịp để Tổng thống Putin tiếp tục cố gắng thu hút sự ủng hộ từ các quốc gia của Lục địa Đen để làm đòn bẩy trước những đợt trừng phạt và áp lực từ phương Tây. Ví dụ, từ cuộc họp lần đầu tiên vào năm 2019 với những cam kết của ông Putin với việc tăng gấp đôi thương mại với các nước châu Phi, theo số liệu từ Liên Hợp Quốc, tổng thương mại giữa hai phía đến nay không có sự tăng trưởng đáng kể.[23] Bên cạnh đó, châu Phi là một lục địa nhận nhiều sự chú ý để giành ảnh hưởng từ các cường quốc. Trước đó, Mỹ đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với châu Phi cho riêng quốc gia này. Thêm vào đó, Trung Quốc cũng là một quốc gia với nguồn viện trợ và đầu tư lớn trên khắp châu Phi. Với Nga, hội nghị thượng đỉnh lần này gây nhiều áp lực lên nước này để có được sự ảnh hưởng đối với các quốc gia châu Phi trong bối cảnh bản thân Nga đang chịu nhiều hậu quả từ các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây cũng như đối mặt với cạnh tranh lợi ích toàn cầu tại châu lục này với các cường quốc khác.[24] 

Mặc dù khó có thể sử dụng sức mạnh kinh tế khi so sánh với các cường quốc khác để tạo được ảnh hưởng, nhà phân tích chính sách của tổ chức Development Reimagined – ông Ovigwe Eguegu cho biết Nga có cách dựa vào những luận điệu chính trị để chống lại ảnh hưởng của phương Tây.[25] Với châu Phi, theo ông Cameron Hudson – cộng tác viên cấp cao về chương trình châu Phi tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Nga có lợi thế với một lịch sử lâu dài trong việc thu hút giới tinh hoa địa phương cũng như phổ biến với hình ảnh là lực lượng chống đế quốc.[26] Bình luận về Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen, Nga cho rằng thoả thuận gần như chỉ phục vụ cho mục đích thương mại thuần túy trái ngược với các mục tiêu nhân đạo như trong thỏa thuận, và điều này chỉ giúp Ukraine và phương Tây đạt được các mục tiêu của họ thay vì gửi lương thực tới các nước kém phát triển.[27] Tuy nhiên, ông William Gumede từ Đại học Wiwatersrand, Nam Phi, cho rằng Tổng thống Putin đã có tính toán sai lầm khi rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Việc này đã gia tăng căng thẳng trong quan hệ của Nga với các quốc gia ở châu Phi nơi mà an ninh lương thực thường là vấn đề sinh tử.[28] Thực tế, không phải nhà lãnh đạo châu Phi nào cũng ủng hộ quyết định của Nga trong việc rút khỏi Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Kenya Korir Sing’Oei đã bày tỏ sự phản đối và cho rằng việc Nga rút khỏi thỏa thuận có thể tác động lớn đến giá cả an ninh lương thực toàn cầu cũng đến các nước trong khu vực.[29] Không những vậy, sau khi rút khỏi thỏa thuận, Nga tiếp tục ném bom các cơ sở lưu trữ ngũ cốc ở Ukraine. Theo ông Joseph Siegle, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Châu Phi – tổ chức học thuật thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, việc này sẽ gây thêm tình trạng thiếu lương thực và khủng hoảng lương thực ở các quốc gia châu Phi.[30] Điều này có thể dẫn đến việc Nga càng khó khăn hơn trong việc có được sự ủng hộ từ Lục địa Đen.

Về phía các nước châu Phi, mặc cho những nỗ lực thúc đẩy ngoại giao từ phía Nga,  chỉ có 17 nhà lãnh đạo châu Phi dự kiến ​​sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi, ít hơn một nửa số lượng các quan chức cấp cao tham gia vào hội nghị lần đầu tiên. Điều này cho thấy rằng không phải mọi nhà lãnh đạo châu Phi đều đồng tình với việc thân thiện với Nga. Theo ông Cameron Hudson, các nguyên thủ quốc gia châu Phi có lập trường công khai, lưu ý đến những áp lực kinh tế nghiêm trọng đối với các nước châu Phi do chiến tranh và các lệnh trừng phạt gây ra.[31] Do đó, nhiều nhà lãnh đạo châu Phi đã cố gắng đạt được sự cân bằng tinh tế trong cuộc chiến Ukraine để không gây nguy hiểm cho mối quan hệ của họ với phương Tây hoặc Nga. Giám đốc Chương trình Châu Phi tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mvemba Phezo Dizolele cho biết các nước châu Phi vừa muốn bảo vệ chủ quyền của mình vừa không muốn chọn bên. Do vậy, khi Nga cạnh tranh với các cường quốc khác để giành ảnh hưởng, châu Phi vẫn đang thể hiện rõ ràng rằng họ muốn trở thành một lực lượng địa chính trị độc lập.[32]

Tài liệu tham khảo

[1] Thỏa thuận này cho phép Ukraine vận chuyển ngũ cốc một cách an toàn thông qua các cảng ở Biển Đen trong bối cảnh cuộc xung đột Nga – Ukraine chưa kết thúc

[2] United Nations. (2021, July 7). Black Sea Grain Initiative. United Nations. Retrieved July 30, 2023, from https://www.un.org/en/black-sea-grain-initiative/data

[3] Gigova, R., Chernova, A., Tanno, S., & Princewill, N. (2023, July 27). Isolated Putin tries to shore up African support as Kremlin seethes over poor summit turnout. CNN. Retrieved July 30, 2023, from https://edition.cnn.com/2023/07/27/europe/putin-russia-african-summit-intl/index.html

[4] Caulcutt, C., & Kayali, L. (2023, June 26). Wagner and Russia are here to stay in Africa, says Kremlin’s top diplomat. Politico. Retrieved July 31, 2023, from https://www.politico.eu/article/wagner-africa-mali-operations-will-continue-russia-sergey-lavrov-vows/

[5] Felbab-Brown, V. (2023, July 18). What’s ahead for the Wagner Group in Africa and the Middle East? | Brookings. Brookings Institution. Retrieved July 31, 2023, from https://www.brookings.edu/articles/whats-ahead-for-the-wagner-group-in-africa-and-the-middle-east/

[6] Teslova, E. (2023, July 25). Russia says 49 of 54 African countries to take part in 2nd Russia-Africa Summit. Anadolu Agency. Retrieved July 31, 2023, from https://www.aa.com.tr/en/world/russia-says-49-of-54-african-countries-to-take-part-in-2nd-russia-africa-summit/2954327

[7] ibid

[8] Khổng Hà. (2023, July 22). Tầm cao mới của quan hệ Nga và châu Phi. Công an Nhân dân. Retrieved July 31, 2023, from https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/tam-cao-moi-cua-quan-he-nga-va-chau-phi-i701218/

[9] VTV. (2023, July 27). Hội nghị Thượng đỉnh Nga – châu Phi: Cơ hội tìm tiếng nói chung trong các vấn đề quốc tế. Báo Điện tử Đài Truyền hình Việt Nam. Retrieved July 31, 2023, from https://vtv.vn/the-gioi/hoi-nghi-thuong-dinh-nga-chau-phi-co-hoi-tim-tieng-noi-chung-trong-cac-van-de-quoc-te-20230727220351858.htm

[10] ibid

[11] ibid

[12] Russia–Africa Summit. (2023, July 28). President of Russia. http://en.kremlin.ru/events/president/news/71826

[13] The Associated Press. (2023, July 30). African leaders leave Russia summit without grain deal or path to peace in Ukraine. NPR. https://www.npr.org/2023/07/30/1190968770/african-leaders-leave-russia-summit-without-grain-deal-or-path-to-peace-in-ukrai

[14] Katamadze, M. (2023, July 27). Russia-Africa summit: Who stands to gain what? dw.com. https://www.dw.com/en/russia-africa-summit-who-stands-to-gain-what/a-66350729

[15] Đan Anh. (2023, July 29). Mối quan hệ “đôi bên cùng có lợi” Nga – Châu Phi. Báo Nhân Dân Điện Tử. https://nhandan.vn/moi-quan-he-doi-ben-cung-co-loi-nga-chau-phi-post764753.html

[16] Rouget, V. (2023, July 28). Russia-Africa: Friendships with limits. Control Risks. https://www.controlrisks.com/our-thinking/insights/russia-africa-friendships-with-limits?utm_referrer=https://www.google.com.vn?utm_referrer=https://www.google.com

[17] Minh Châu. (2023, July 31). Thượng đỉnh Nga – châu Phi: Hơn cả “ngoại giao ngũ cốc.” Báo Công an Nhân Dân Điện Tử. https://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/thuong-dinh-nga-chau-phi-hon-ca-ngoai-giao-ngu-coc-i702169/

[18] What Putin said about free grain, national currencies at Russia-Africa forum. (2023, July 27). TASS. https://tass.com/politics/1652963

[19] Russia ready to switch to national currencies in trade with Africa – deputy PM. (2023, July 29). TASS. https://tass.com/economy/1654073

[20] ibid

[21] Wolff, S. (n.d.). Russia-Africa summit: Putin offers unconvincing giveaways in a desperate bid to make up for killing the Ukraine grain deal. The Conversation. https://theconversation.com/russia-africa-summit-putin-offers-unconvincing-giveaways-in-a-desperate-bid-to-make-up-for-killing-the-ukraine-grain-deal-210330

[22] Roth, A., & Sauer, P. (2023, July 27). Kremlin blames west for small number of leaders due at Russia-Africa summit. The Guardian. https://www.theguardian.com/world/2023/jul/26/kremlin-blames-west-for-small-number-of-leaders-russia-africa-summit-ukraine-war-grain-deal-vladimir-putin

[23] ibid

[24] Behnke, C. (2023, July 29). Putin pledges free grain for Africa at St. Petersburg summit [Video]. NBC News. https://www.nbcnews.com/news/world/putin-searches-friends-africa-summit-low-turnout-dampens-bid-influence-rcna96599

[25] ibid

[26] ibid

[27] Trà Khánh. (2023, July 18). Nga làm gì sau khi rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc biển Đen? Báo Điện Tử VTC News. https://vtc.vn/nga-lam-gi-sau-khi-rut-khoi-thoa-thuan-ngu-coc-bien-den-ar806518.html

[28] Patta, D. (2023, July 28). Russia-Africa summit hosted by Putin draws small crowd, reflecting Africa’s changing mood on Moscow. CBS News. https://www.cbsnews.com/news/russia-africa-summit-vladimir-putin-ukraine-war-wagner-group/

[29] ibid

[30] Gordon, A. (2023, July 27). Why African leaders are staying away from Putin’s Russia-Africa summit. Time. https://time.com/6298624/russia-africa-summit/

[31] ibid

[32] ibid

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *