Tags: Trung Quốc, châu Âu
Thủ tướng Đức Olaf Scholz thực hiện chuyến công du đến Trung Quốc vào ngày 04/11/2022, trở thành nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên đến thăm Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong nhiệm kỳ thứ ba của Chủ tịch Tập Cận Bình. Đây cũng là lần đầu tiên ông Scholz thăm Trung Quốc kể từ khi ngồi vào ghế Thủ tướng Đức. Chuyến thăm diễn ra với hy vọng củng cố mối quan hệ kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Đức. Tại Bắc Kinh, Thủ tướng Scholz bắt đầu cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và sau đó là Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.
1. Bối cảnh quan hệ Trung Quốc và Đức
Trong 50 năm qua, quan hệ giữa Trung Quốc và Đức đã đạt được sự phát triển toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa. Đặc biệt trong hợp tác kinh tế thương mại, Trung Quốc và Đức là thị trường chiến lược quan trọng và là đối tác không thể thiếu của nhau với giá trị thương mại đạt đến 245 tỷ euro vào năm 2021. Chính phủ Đức hiện tại đã đưa ra các khoản bảo đảm đầu tư vào Trung Quốc lên tới 11,3 tỷ euro.[1] Nền công nghiệp của Đức phụ thuộc nhiều vào năng lực sản xuất tại Trung Quốc, trong khi Trung Quốc chiếm khoảng 12% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa vào Đức năm 2021. Việc tăng cường hợp tác song phương với Trung Quốc sẽ mở ra cơ hội quan trọng cho Đức để đưa nền kinh tế ra khỏi vùng trũng, nhất là khi quốc gia này đang gặp khó khăn với cuộc khủng hoảng năng lượng xuất phát từ cuộc xung đột Nga – Ukraine và đối mặt với nguy cơ suy thoái.
Tuy nhiên, những nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và Đức vẫn gặp khó khăn khi có quan điểm khác nhau trong các vấn đề xung đột ở Ukraine và khủng hoảng năng lượng. Chính sách “không Covid” của Trung Quốc cũng khiến nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp Đức khó tiếp cận và khai thác thị trường nước này. Cuộc gặp cấp cao lúc này là cơ hội cho hai nước tìm ra tiếng nói chung. Ngoài ra, các yếu tố bên ngoài như căng thẳng Mỹ – Trung hay EU nỗ lực giảm phụ thuộc vào Trung Quốc đã dẫn đến một số thay đổi trong quan hệ Trung Quốc – Đức. Chính sách mới đối với Trung Quốc của chính phủ Đức mang tính đối đầu ở mức độ nhất định. Trong thỏa thuận liên minh của mình, Đức xác định Trung Quốc là “đối thủ mang tính hệ thống”, một thuật ngữ gần với lập trường chính sách về Trung Quốc của Liên minh châu Âu (EU).[2] Trong bối cảnh Mỹ gia tăng cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và EU cũng trở nên cứng rắn hơn trong quan hệ với quốc gia này, việc thủ tướng Đức Olaf Scholz thăm Trung Quốc sẽ đóng vai trò như một cách thức nhằm duy trì mối quan hệ song phương giữa các bên, bởi Đức vẫn cần Trung Quốc cho hiện tại lẫn tương lai.
2. Nội dung chuyến thăm Trung Quốc
Sáng ngày 4/11, Thủ tướng Olaf Scholz đã gặp mặt Chủ tịch Tập Cận Bình. Đi cùng với Thủ tướng là các đại diện của 12 tập đoàn lớn của Đức điển hình như Volkswagen, BASF, Ngân hàng Trung ương Đức, Siemens, Adidas. Trong cuộc gặp gỡ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh hai bên nên thúc đẩy gắn kết quan hệ với nhau trong bối cảnh đang có “nhiều biến động và hỗn loạn” trên cơ sở vì sự tốt đẹp hòa bình thế giới.[3] Ông Tập phát biểu rằng lòng tin tưởng trong quan hệ chính trị rất dễ đổ vỡ nhưng lại rất khó để hàn gắn trở lại. Chính vì thế ông cho rằng cả hai nước Đức và Trung Quốc nên cần tôn trọng và quan tâm đến lợi ích cốt lõi của nhau.[4] Về phía Đức, ông Scholz đánh giá cao cuộc gặp mặt song phương trong thời điểm mà cuộc chiến tranh Nga – Ukraine đang ảnh hưởng đến trật tự thế giới vận hành dựa trên luật quốc tế. Trong cuộc trò chuyện, ông Scholz cũng nhắc đến câu chuyện về quan hệ châu Âu – Trung Quốc nói chung và quan hệ Đức – Trung trong lĩnh vực kinh tế.[5] Trong vấn đề căng thẳng của chiến sự Nga – Ukraine hiện nay, ông Tập đã bày tỏ sự ủng hộ đối với vai trò thúc đẩy đối thoại hòa bình và một cộng đồng an ninh châu Âu chung bình đẳng, hiệu quả và bền vững của Đức nói riêng và EU nói chung. Thủ tướng Đức tại cuộc gặp mặt đã trực tiếp nhấn mạnh vai trò của Trung Quốc đó chính là cần phải dùng ảnh hưởng của mình để tác động đến Nga nhưng lại không đưa ra thêm chi tiết cụ thể cần phải làm những điều gì. Hai vị nguyên thủ cũng đã đồng tình vấn đề Nga đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là một hành động vô trách nhiệm và cực kỳ nguy hiểm trong cộng đồng quốc tế, làm phá vỡ đi những nguyên tắc chung của thế giới.[6]
Cũng trong buổi chiều ngày 4/11, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cùng người đồng cấp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tiếp tục bàn luận về những vấn đề tập trung vào lĩnh vực thương mại song phương. Bàn luận về quan hệ thương mại hai bên, phía Đức bày tỏ sự khó khăn cản trở thương mại của hai nước do Bắc Kinh đang khiến cho việc tiếp cận thị trường nội địa của mình trở nên gắt gao hơn.[7] Trước tình hình kinh tế khó khăn của nền kinh tế hiện tại cộng thêm việc Đức tuyên bố không phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga, ông Scholz đã cùng thủ tướng Lý Cường khẳng định lại mối quan hệ song phương là bạn bè “không tách biệt”.[8] Trong bài viết trước đó không lâu của mình đăng trên trang Politico, ông Scholz cũng đã thông báo rằng ông sẽ đề cập những vấn đề mang tính nhạy cảm trong cuộc gặp mặt với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. Những vấn đề đã được trực tiếp điểm qua bao gồm vấn đề tự do về dân sự, vấn đề nhân quyền tại tỉnh Tân Cương thuộc Trung Quốc cũng như vấn đề về bán đảo Đài Loan.[9] Riêng về vấn đề của Đài Loan, ông Scholz đã thể hiện rõ Đức cũng là một quốc gia ủng hộ chính sách Một Trung Quốc nhưng cũng nhấn mạnh bất kỳ sự thay đổi về địa lý và tình trạng của Đài Loan trong quan hệ quốc tế phải được tiến hành trong hòa bình và sự đồng ý của các bên liên quan.[10]
3. Đánh giá chuyến thăm
3.1. Mở ra những cơ hội trong quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Đức
Trong ba năm qua, cùng với đại dịch COVID-19 thì tình hình thế giới hay quan hệ giữa Trung Quốc với Đức và EU đều có thêm nhiều bất ổn. Năm 2022 còn đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Đức, khiến cuộc gặp mặt trực tiếp giữa lãnh đạo hai nước có một ý nghĩa to lớn. Chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz kết thúc tốt đẹp không chỉ củng cố quan hệ đối tác giữa hai nền kinh tế hàng đầu châu Á và châu Âu mà còn mở ra cơ hội tăng cường hợp tác. Trước chuyến thăm của Thủ tướng, vào Thứ Năm ngày 3/11/2022, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên cho biết Trung Quốc và Đức là đối tác, không phải đối thủ, cả hai nước đều được hưởng lợi từ sự phát triển của nhau và hợp tác song phương thiết thực; một mối quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc và Đức không chỉ tốt cho hai nước mà còn cho mối quan hệ Trung Quốc – EU và thế giới.[11] Giáo sư Quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc Shi Yinhong cho rằng với bối cảnh trong và ngoài nước như hiện nay, đặc biệt là ngay sau Đại hội Đảng, Trung Quốc cần chuyến thăm của Thủ tướng Scholz cũng như bất cứ điều gì mà hai bên sẽ cùng tuyên bố tại Bắc Kinh.[12] Phóng viên Patrick Fok đưa tin từ Bắc Kinh cho Al Jazeera, nói rằng các phương tiện truyền thông nhà nước ở Trung Quốc đã mô tả chuyến thăm của Thủ tướng Đức trên phương diện làm giảm lập trường đối đầu cực đoan EU đối với Trung Quốc và chuyến thăm có thể được xem như một sự tán thành với chính phủ mới của ông Tập.[13] Các nhà kinh tế của nước Đức cũng thể hiện quan điểm ủng hộ đối với mục đích thúc đẩy thương mại của chuyến thăm Trung Quốc vì nước này là một thị trường vô cùng quan trọng cho công nghiệp sản xuất ô tô của Đức. Cùng chia sẻ quan điểm này, Andreas Rade, giám đốc điều hành cho chính phủ và xã hội tại Hiệp hội Công nghiệp Ô tô Đức (VDA) cho rằng “việc rút khỏi thị trường Trung Quốc không phải là một cách để giải quyết vấn đề”.[14] Đồng thời, Hildegard Müller, Chủ tịch Hiệp hội ô tô Đức (VDA), cũng thể hiện sự ủng hộ đối với chuyến thăm vì cho rằng mối quan hệ thương mại hiện tại giữa Đức và Trung Quốc đã tạo một số lượng lớn việc làm cho người Đức. Không những thế, Trung Quốc còn cung cấp những nguyên liệu thô mà Đức không tự khai thác được, và là thị trường tiêu thụ xe ô tô Đức lớn nhất thế giới.[15] Vì vậy, những lợi ích về thương mại giữa hai nước là không thể bị tách rời.
3.2. Đức không giải quyết được vấn đề kinh tế quá phụ thuộc vào Trung Quốc
Có quan điểm cho rằng đây là một chuyến đi nhằm để tìm hiểu quan điểm của Trung Quốc, hướng đi của Trung Quốc và những hình thức hợp tác có thể triển khai giữa hai quốc gia.[16] Tuy nhiên, nhiều quan điểm trái chiều trước chuyến đi của Thủ tướng Olaf Scholz thăm Trung Quốc đã xuất hiện trong nước Đức và EU. Chuyến thăm của Thủ tướng Đức được kỳ vọng là sẽ giúp làm giảm sự lệ thuộc của nền kinh tế Đức vào Trung Quốc.[17] Vì vậy, các động thái cam kết gia tăng thương mại song phương giữa được đề ra trong chuyến thăm đã nhận về nhiều chỉ trích. Cụ thể, chính trị gia người Đức thuộc phe đối lập – Norbert Röttgen trả lời tờ Rheinische Post rằng cách tiếp cận của ông Scholz là muốn tiếp tục làm việc với Trung Quốc bất kể điều đó làm cho nền kinh tế của Đức trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc và cáo buộc ông Scholz đã “đi một mình” trong cách tiếp cận Trung Quốc. Còn Dolkun Isa, Chủ tịch của Đại hội Uyghur Thế giới, thì đánh giá chuyến thăm không những đang phát đi một thông điệp gây hiểu lầm đến thế giới mà còn đe doạ đến an ninh quốc gia của nước Đức khi chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc đang thực hiện các tội ác quốc tế (bao gồm tội ác diệt chủng) đối với người Duy Ngô Nhĩ.[18] Trong khuôn khổ EU, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thể hiện sự quan ngại của mình đối với việc Thủ tướng Đức tổ chức chuyến thăm một mình đến Trung Quốc. Theo một nguồn tin giấu tên trong chính phủ hai nước Đức và Pháp được cung cấp bởi Reuters, Tổng thống Macron đã từng đề nghị ông Scholz cùng tổ chức chuyến thăm đến Bắc Kinh nhằm khẳng định về sự thống nhất giữa các thành viên EU đối với Trung Quốc, song đã bị Thủ tướng Đức từ chối.[19] Trước chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Đức, Tổng thống Macron đã đưa ra lời cảnh báo rằng ông Scholz đang mạo hiểm đưa Đức vào thế bị cô lập tại châu Âu.[20] Nhận xét về vấn đề này, Noah Barkin, nhà nghiên cứu mối quan hệ Châu Âu – Trung Quốc tại Quỹ Marshall Đức của Mỹ, cho rằng việc Đức và Pháp thực hiện những chuyến viếng thăm riêng lẻ đến Bắc Kinh sẽ làm dấy lên những nghi ngờ bên trong EU và giữa các đồng minh thân cận rằng Đức và Pháp đang thực hiện những chương trình nghị sự hoàn toàn khác nhau tại nơi đây.[21] Và điều này cũng sẽ làm phát sinh những thắc mắc về tính thống nhất trong nội bộ của EU.
[1] Zhang, J (2022, November 1st). Where are China-German relations headed?. GIS Report Online.
[2] Liu, L (2022, October 11th). China-Germany relations 50 years on: Cooperate to meet challenges. CGTN News.
[3] Al Jazeera. (2022, Nov 2nd). Germany’s Olaf Scholz meets China’s Xi Jinping as trade in focus. https://www.aljazeera.com/news/2022/11/4/germany-chancellor-olaf-scholz-visits-china-with-eye-on-trade
[4][5] Rinke, A. & Baptista, E. (2022, Nov 4th). Xi, Scholz warn against ‘irresponsible’ nuclear threats over Ukraine. Reuters. https://www.reuters.com/world/china/german-chancellor-scholz-lands-beijing-2022-11-04/
[6] The Associated Press. (2022, Nov 5th). Germany’s Scholz urges xi to exert influence on Russia. AP News. https://apnews.com/article/business-china-beijing-xi-jinping-europe-f7b29942ed95894551f2f85191602675
[7][8][9][10][11]Toh, M. & Cooban, A. (2022, November 4th). Germany’s leader and top CEOs have arrived in Beijing. They need China more than ever. CNN Business. https://edition.cnn.com/2022/11/03/business/germany-china-olaf-scholz-visit-trade/index.html
[12][13] Cushing, C. &, Coghill, K. & Schmollinger, C. & Williams, A (2022, Nov 4th). Xi, Scholz warn against ‘irresponsible’ nuclear threats over Ukraine. https://www.reuters.com/world/china/german-chancellor-scholz-lands-beijing-2022-11-04/
[14] Yang, Y., & Vladkov, A. (2022, October 27). German exporters rethink €100bn ‘love affair’ with China. Financial Times. https://www.ft.com/content/cfea4a58-eec5-410a-92c8-47bc8a7dace3
[15] DW News. (2022, March 11). Germany’s Scholz defends China trip amid controversy. https://www.dw.com/en/germanys-scholz-defends-trip-to-china-as-car-industry-signals-support/a-63634777
[16] Marsh, S., & Rinke, A. (2022, November 2). Worries over Germany’s China dependency overshadow Scholz trip. Reuters. https://www.reuters.com/world/worries-over-germanys-china-dependency-overshadow-scholz-trip-2022-11-02/
[17] Marsh, S., & Rinke, A. (2022, November 2). Worries over Germany’s China dependency overshadow Scholz trip. Reuters. https://www.reuters.com/world/worries-over-germanys-china-dependency-overshadow-scholz-trip-2022-11-02/
[18] Robbins, S. (2022, November 3). Germany’s chancellor heads for China amid public concern about growing dependence. Sky News. https://news.sky.com/story/germanys-chancellor-heads-for-china-amid-public-concern-about-growing-dependence-12737806
[19] Shankar, P. (2022, Nov 3rd). German Chancellor’s visit exposes EU rifts over China. Deutsche Welle. https://www.dw.com/en/german-chancellors-visit-exposes-eu-rifts-over-china/a-63640068
[20] Hill, J. (2022, Nov 4th). Scholz in China on awkward trip for Germany and EU. BBC News. https://www.bbc.com/news/world-europe-63496195
[21] Shankar, P. (2022, March 11). German chancellor’s visit exposes EU rifts over China. https://www.dw.com/en/german-chancellors-visit-exposes-eu-rifts-over-china/a-63640068