Sự kiềm chế của các bên ở Trung Đông

1. Tình hình Trung Đông hiện nay

Trung Đông hiện nay là một khu vực có tính chất địa chính trị phức tạp, được định hình bởi quyền lực và xung đột.[1] Các sự kiện diễn ra gần đây càng khiến cho tình hình phức tạp hơn và làm căng thẳng ngày một leo thang. Vào ngày 01/04/2024, máy bay chiến đấu của Israel đã đánh bom đại sứ quán của Iran ở Syria, dẫn đến bảy cố vấn quân sự của Iran thiệt mạng trong vụ không kích.[2] Xung đột giữa Iran và Israel leo thang do ảnh hưởng của sự việc và cũng là tiền đề cho cuộc tấn công trực tiếp của Iran với hơn 300 máy bay không người lái và tên lửa tiến vào lãnh thổ Israel vào ngày 14/04.[3] Cho đến ngày 19/04, Mỹ đã xác nhận rằng Israel đã tổ chức cuộc không kích vào khu vực tỉnh Isfahan và Tabriz của Iran. Ba vụ nổ đã được báo cáo ở Isfahan, được cho là do hệ thống phòng không đã kích hoạt và phá hủy các máy bay không người lái từ Israel, và báo cáo từ phía Iran cho thấy không có thương vong, tổn thất nào trong cuộc không kích vừa qua.[4] 

2. Hàm ý của các bên

2.1. Hàm ý của Israel

Bất chấp áp lực từ dư luận quốc tế, Israel vẫn trả đũa bằng đợt tấn công giới hạn với Iran. Về phía Israel, Dù các quốc gia và đồng minh cũng đã lên tiếng về việc kiềm chế phản ứng với hành động tấn công của Iran, Thủ tướng Netanyahu của Israel cũng đã triệu tập nội các của ông chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ sau cuộc công kích để lên kế hoạch cho cuộc phản kích với Iran.[5] Israel phải cân bằng áp lực từ dư luận quốc tế trong việc kiềm chế trước đợt không kích và tìm kiếm câu trả lời cho cuộc tấn công chưa có tiền lệ trước đó.[6]

Áp lực từ Mỹ và các nước đồng minh đã khiến Israel phải giảm quy mô tấn công trong cuộc phản kích vào Iran. Bước ngoặt của sự phản kích chính là cuộc điện đàm vào sáng sớm giữa Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Biden, tổng thống Mỹ khuyến khích nhà lãnh đạo Israel coi việc phòng thủ thành công là một chiến thắng và không cần phải đáp trả thêm. Thông tin mật từ quan chức Israel cho biết ông Netanyahu đã không chấp thuận lời kêu gọi trả đũa ngay lập tức.[7] Các quan chức Israel cho biết, thay vì một cuộc phản công trên diện rộng có thể khiến các nhà lãnh đạo Iran tin rằng họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả tương xứng, họ đã quyết định một kế hoạch mà họ hy vọng sẽ thể hiện quan điểm với các quan chức Iran mà không để lại quá nhiều tổn thất và thương vong. Cuộc không kích phản công của Israel là cuộc phản công mang tính “hạn chế” để tránh phức tạp hóa chiến tranh khu vực. 

Hành vi Iran không trả đũa tạo ra một lợi thế tạm thời trong nước dành cho tổng thống Netanyahu của Israel. Việc Iran không hành động công kích ngược lại phía Israel được xem như nỗ lực làm giảm nguy cơ gây ra chiến tranh trong khu vực. Người dân của Israel cũng đã được xoa dịu từ sự im lặng của Iran trước thềm kỳ nghỉ lễ Quá Hải (Passover) trong 8 ngày cuối cùng của tháng 4 (22/04 – 30/04). Trước khi phản công, Israel cũng đã báo trước kế hoạch cho Mỹ và với việc cam kết không leo thang tình hình, Israel có thể đạt được sự đồng thuận từ Mỹ và Ai Cập trong việc tấn công bằng đường bộ ở Rafah, nơi 1,4 triệu người dân người dân Palestine đang tị nạn. Phần lớn cử tri trong nước vẫn còn phẫn nộ với việc thủ tướng từ chối chịu trách nhiệm về những thất bại trong hoạt động tình báo và phản kích trong cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 của Hamas. Tuy nhiên, kết quả khảo sát được công bố hôm thứ Sáu (19/04) cho thấy sự trả đũa qua lại với Iran đã mang lại lợi ích cho đảng Likud của Netanyahu, khi lần đầu tiên kể từ khi cuộc chiến ở Gaza bắt đầu, đảng của ông đã vượt qua ngưỡng 20 ghế ở Quốc hội Israel.[8] 

2.2. Hàm ý của Iran

Iran hướng tới tính ổn định quan hệ trong khu vực và không có ý định trả đũa Israel. Ngoại trưởng Iran Hossein đã cho biết rằng cuộc phản công của Israel đã không gây bất kỳ thương vong hay tổn thất nào đối với tỉnh Isfahan. Hossein khẳng định rằng nhân tố chính yếu cho sự ổn định và hòa bình trong khu vực chính là việc ngăn cản tội ác của chế độ Do Thái (Israel) ở Gaza và Bờ Tây. Đồng thời ông cho biết Iran cũng đã khẳng định không có kế hoạch cho việc trả thù.[9] Theo Tasneem Tayeb của tờ The Daily Star, Iran có lẽ hiện đang chú ý đến việc nhận được sự công nhận và thân thiện hơn với các nước trong khu vực thông qua việc tái thiết lập quan hệ với các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Sau sự kiện ở Gaza, Ả Rập Saudi đã có lập trường mềm mỏng hơn đối với Iran. Trên thực tế, thỏa thuận Saudi-Iran do Trung Quốc làm trung gian được coi là một bước ngoặt trong quá trình tái hòa nhập của Iran trong khu vực Trung Đông.[10] Iran tính toán rằng một cuộc xung đột kéo dài với Israel cuối cùng có thể gây bất lợi cho lợi ích của chính họ, đặc biệt nếu nó dẫn đến một cuộc xung đột rộng hơn trong khu vực hoặc gia tăng áp lực quốc tế đối với Iran. Bằng cách thể hiện sự kiềm chế, Iran có tìm cách tránh gây bất ổn hơn nữa trong khu vực cũng như duy trì mức độ kiểm soát tình hình, đồng thời có khả năng tự khẳng định mình là một quốc gia có trách nhiệm trên trường quốc tế.

2.3. Phản ứng của các bên

Sau cuộc không kích của Israel, dư luận thế giới đã công khai lên tiếng kêu gọi sự kiềm chế từ hai bên. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Guterres cho biết đã đến lúc dừng lại việc trả đũa liên hoàn ở Trung Đông.[11] LHQ sẽ lên lên án bất kỳ hành động trả thù nào và kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác để ngăn chặn việc leo thang có thể dẫn đến tổn thất cho khu vực Trung Đông và hơn thế nữa. Việc không kích của Israel đã vi phạm luật cấm sử dụng lực lượng quân sự, vũ khí của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ và đe dọa quyền sống của người dân trong khu vực.

Về phía Mỹ, tổng thống Joe Biden đã xem việc cả Israel và Iran kiềm chế trước nguy cơ đưa Trung Đông tới bờ vực của chiến tranh toàn khu vực là dấu hiệu tích cực. Trước đó, ông cũng đã lên án đối với những cá nhân ủng hộ Iran và chuẩn bị lệnh trừng phạt đối với Iran vì vụ tấn công ngày 13/04 vào Israel, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (Office of Foreign Assets Control) đã công bố các lệnh trừng phạt đối với 5 công ty sản xuất thép vì đã có hành động hỗ trợ thiết bị, vật liệu cho quân đội Iran. Ngoài ra, Bộ Thương mại Mỹ đang áp dụng các biện pháp kiểm soát mới nhằm hạn chế Iran tiếp cận các thiết bị vi điện tử cấp thương mại, áp dụng cho các mặt hàng được sản xuất bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ và được sản xuất bằng công nghệ Mỹ.[12] Các lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) cũng đã cam kết sẽ đưa ra các lệnh trừng phạt đối với Iran, nhắm vào các kiện hàng vận chuyển máy bay không người lái. Theo ông Richard Goldberg, người từng là giám đốc chương trình chống vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iran tại Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời chính quyền Trump, đã coi các biện pháp trừng phạt mới là “quan trọng nhưng vô dụng”.[13] Việc Mỹ trừng phạt Iran đã dần trở thành việc thường niên, với việc giới hạn các nguồn cung xăng, dầu đã có nguồn gốc từ nhiều thế kỷ trước. Trong bài báo của AP, Daniel Pickard, luật sư chuyên về lệnh trừng phạt ở Washington, cho biết Iran trong những năm vừa qua là một trong những quốc gia tài trợ nhiều nhất cho khủng bố và các biện pháp trừng phạt sẽ không ngăn được điều đó. Pickard thấy việc Iran bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt và bị tách biệt khỏi hệ thống tài chính quốc tế nằm ở ý thức hệ của các nhà cầm quyền.

3. Tác động

3.1. Với thế giới

Việc Iran và Israel kiềm chế lẫn nhau có thể đem lại hòa bình trước đó bị ảnh hưởng bởi xung đột Hamas. Hàng không quốc tế đã phải đột ngột thay đổi và hủy các chuyến bay bay ngang qua Iran khi Israel phản công Iran vào 19/04, dẫn đến việc đóng cửa các chặng bay vì vấn đề an ninh.[14] Việc kiềm chế sẽ cho phép các chặng bay được mở lại, các chuyến vận tải hàng không cũng có thể hoạt động trở lại. Do xung đột hiện tại với Hamas ở cùng khu vực, việc LHQ gửi hàng tiếp tế cho hơn 2.2 triệu người dân đang ở trong tình trạng thiếu lương thực bằng đường bộ đã gặp nhiều cản trở trong việc đưa hàng vào khu vực Gaza bởi Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF). Vì vậy, LHQ cùng với Jordan đã thực hiện viện trợ bằng đường hàng không dành cho người dân ở Gaza.[15] Vì cuộc xung đột Iran-Israel, các chuyến bay thả hàng viện trợ của LHQ trước đó đều đã bị hủy bỏ. Với việc kiềm chế từ Israel và Iran, các chuyến bay viện trợ của LHQ có thể được tiếp tục. Ngoài ra, hiện nay quân đội Mỹ đang dần hoàn thiện một bến tàu để vận chuyển viện trợ nhân đạo bằng đường biển thông qua viện trợ của Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ (UNWFP).[16] 

3.2. Với Việt Nam

Sự kiềm chế của Israel và Iran sẽ là tiền đề cho việc ổn định lại Trung Đông và sự hợp tác của Việt Nam đối với các quốc gia trong khu vực. Việt Nam là 1 trong những quốc gia nhập khẩu dầu thô từ Trung Đông, việc bất ổn khu vực ngày càng gia tăng sẽ khiến cho giá dầu thô tăng đột biến và mất đi tính ổn định. Dầu thô chính là mặt hàng nhập khẩu nhiều thứ 7 của Việt Nam trong năm 2022, với 5.44 tỷ (88% tổng lượng dầu thô nhập khẩu) đến từ Kuwait nằm trong khu vực Trung Đông.[17] Việc kiềm chế sẽ làm ổn định giá dầu trong khu vực và góp phần làm nền kinh tế Việt Nam ít trở nên bị ảnh hưởng hơn.


Tài liệu tham khảo:

[1] ElDoh, M. (2024, January 18). Bracing for Middle East Instability. Geopolitical Monitor. https://www.geopoliticalmonitor.com/bracing-for-middle-east-instability/ 

[2] McKernan, B., Borger, J., Beaumont, P., & Graham-Harrison, E. (2024, April 14). Iran launches hundreds of drones and cruise missiles at Israel in unprecedented attack. The Guardian. Retrieved from https://www.theguardian.com/world/2024/apr/13/israel-under-fire-as-iran-launches-extensive-drone-strikes 

[3]Reuters. (2024, April 2). Iran says Israel bombs its embassy in Syria, kills commanders. Reuters. Retrieved from https://www.reuters.com/world/middle-east/israel-bombs-iran-embassy-syria-iranian-commanders-among-dead-2024-04-01 

[4] IRNA. (2024, April 19). Air defense system activated as blast heard in Iran’s Isfahan: Official. Islamic Republic News Agency. Retrieved from https://en.irna.ir/news/85449644/Air-defense-system-activated-as-blast-heard-in-Iran-s-Isfahan 

[5] Mackenzie, J. (2024, April 16). Israeli military pledges response to Iran attack amid calls for restraint. Reuters. Retrieved from https://www.reuters.com/world/europe/europe-joins-us-urging-restraint-by-israel-after-iranian-attack-2024-04-15/ 

[6] Associated Press. (2024, April 13). Live updates: Iran launches its first-ever direct military assault on Israel. PBS NewsHour. Retrieved from https://www.pbs.org/newshour/world/live-updates-iran-launches-its-first-ever-full-scale-military-assault-on-israel

[7] Bergman, R., & Kingsley, P. (2024, April 22). Israel Planned Bigger Attack on Iran, but Scaled It Back to Avoid War. The New York Times. Retrieved from https://www.nytimes.com/2024/04/22/world/middleeast/israel-iran-war-strike.html 

[8] McKernan, B. (2024, April 19). Muted Iranian reaction to attack provides short-term wins for Netanyahu. The Guardian. Retrieved from https://www.theguardian.com/world/2024/apr/19/muted-iranian-reaction-to-attack-short-term-win-for-netanyahu 

[9] Reuters. (2024, April 19). Drone attack caused no damage or casualties in Isfahan, says Iran foreign minister. Reuters. Retrieved from  https://www.reuters.com/world/middle-east/israeli-drones-caused-no-damage-or-casualties-isfahan-says-iran-foreign-minister-2024-04-19/ 

[10] Tayeb, T. (2024, April 22). Israel is rogue, but Iran must demonstrate restraint. The Daily Star. Retrieved from https://www.thedailystar.net/opinion/views/closer-look/news/israel-rogue-iran-must-demonstrate-restraint-3592661 

[11] United Nations. (2024, April 19). Retaliatory spiral in Middle East must end, says UN chief after reported strikes on Iran. UN News. Retrieved from https://news.un.org/en/story/2024/04/1148741 

[12] Al Jazeera Staff. (2024, April 18). US imposes new sanctions on Iran after the attack on Israel. Al Jazeera. Retrieved from https://www.aljazeera.com/news/2024/4/18/us-imposes-new-sanctions-on-iran-after-attack-on-israel 

[13] Hussein, F. (2024, April 18). US, UK issue new sanctions on Iran in response to attack on Israel. AP News. Retrieved from https://apnews.com/article/iran-israel-treasury-sanctions-g7-f031a8bbcc54734a2eac152b36859ee9 

[14] Reuters. (2024, April 15). Airlines suspend flights due to Middle East tensions. Reuters. Retrieved from https://www.reuters.com/world/airlines-suspend-flights-due-middle-east-tensions-2024-04-15/ 

[15] World Food Programme. (2024, March 05). WFP food deliveries to northern Gaza face further setbacks. World Food Programme. Retrieved from https://www.wfp.org/news/wfp-food-deliveries-northern-gaza-face-further-setbacks 

[16] AP and TOI Staff. (2024, April 20). USAID, UN’s World Food Program to help US distribute aid in Gaza via sea route. The Times of Israel. Retrieved from https://www.timesofisrael.com/usaid-uns-world-food-program-to-help-us-distribute-aid-in-gaza-via-sea-route/ 

[17] OEC. (n.d.). Crude Petroleum in Vietnam. The Observatory of Economic Complexity. Retrieved from https://oec.world/en/profile/bilateral-product/crude-petroleum/reporter/vnm 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *