1. Thực trạng an ninh liên Triều đến tháng 3/2022
Các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc cùng các vụ thử tên lửa gia tăng của Triều Tiên tiếp tục đẩy an ninh khu vực bán đảo Triều Tiên vào giai đoạn căng thẳng mới.
Trong suốt năm 2022, khu vực bán đảo Triều Tiên luôn trong tình trạng căng thẳng, chứng kiến những động thái thể hiện sức mạnh quân sự của các bên liên quan. Triều Tiên đã gia tăng tần suất các vụ phóng thử tên lửa và bắn đạn pháo, đồng thời Mỹ – Hàn Quốc và liên minh Mỹ – Nhật – Hàn liên tục tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn. Chỉ trong một năm, Triều Tiên đã phóng hơn bốn mươi tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tên lửa đạn đạo tầm trung và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Các sự việc bắn tên lửa diễn ra trước và sau các sự kiện lớn của khu vực bao gồm Hàn Quốc để tang tai nạn Itaewon (30/10 – 5/11), Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh (4 – 20/2), Đại hội Đảng lần thứ 20 của Trung Quốc (16 – 22/10). Điều này cho thấy Triều Tiên đang thể hiện thái độ bất cần đối với các nước láng giềng và hành vi gây hấn ngày càng tăng cao.[1]
Đầu năm 2023, Triều Tiên lại tiếp tục khiêu khích bằng cách phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn về phía Biển Đông, sau đó tiếp tục phóng một tên lửa liên lục địa vào ngày 18/2. Triều Tiên cũng đồng thời gia tăng áp lực lên Hàn Quốc và Mỹ với tuyên bố sẽ “sử dụng Thái Bình Dương làm trường bắn trong tương lai”.[2] Mỹ và Hàn Quốc sau đó đã tăng cường hợp tác quân sự, khởi động cuộc tập trận quân sự chung lớn nhất trong 5 năm dự kiến diễn ra vào ngày 14/3 và sẽ tập trung vào “môi trường an ninh đang thay đổi” nhằm cảnh cáo các hành vi gây hấn của Triều Tiên. Phía quân đội Hàn Quốc gần đây tiết lộ rằng họ và các lực lượng đặc biệt của Mỹ cũng tổ chức các cuộc tập trận quân sự “Teak Knife” – liên quan đến việc mô phỏng các cuộc tấn công chính xác vào các cơ sở quan trọng của Triều Tiên – trước khi cuộc tập trận Lá chắn Tự do diễn ra. Triều Tiên đã chỉ trích cuộc tập trận này là “sự chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh xâm lược” Triều Tiên.[3]
Ngày 12/3 vừa qua, Triều Tiên đã bắn hai tên lửa hành trình chiến lược từ một tàu ngầm ở vùng biển ngoài khơi bờ biển phía đông.[4] Lãnh đạo Kim Jong-un trước đó đã ra lệnh cho quân đội Triều Tiên tăng cường tập trận nhằm chuẩn bị cho một “cuộc chiến thực sự”. Trong khi thị sát một cuộc diễn tập tấn công, ông đã yêu cầu các binh sĩ sẵn sàng cho “hai nhiệm vụ chiến lược, thứ nhất là ngăn chặn chiến tranh và thứ hai là giành thế chủ động trong chiến tranh”. Leif-Eric Easley, giáo sư tại Đại học Ewha – Seoul cho rằng Triều Tiên đang muốn thử nghiệm khả năng quân sự phát triển của quốc gia và họ thích dùng sự hợp tác Mỹ – Hàn như một cái cớ.[5]
2. Hàn Quốc và tính toán chiến lược trong mục tiêu trung lập hóa khu vực
2.1. Góc nhìn và tính toán chiến lược của HQ về cục diện an ninh Đông Bắc Á
Trong một công trình công bố năm 2022 của Giáo sư Jeon Bong-geun tại Viện nghiên cứu An ninh và Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, Hàn Quốc đã gặp phải vấn đề như Ukraine khi vị trí địa chính trị đã khiến quốc gia này (cũng như bán đảo Triều Tiên) trở này một “trung tâm địa chính trị” thu hút sự tranh giành ảnh hưởng của cường quốc, tiêu biểu là Mỹ và Trung Quốc. Ông cho rằng, những quốc gia trong tình cảnh tương tự được xem là “những quốc gia mắc kẹt” và phải đối mặt với ba viễn cảnh: (1) Từ bỏ một số quyền tự chủ (trong đó có các lĩnh vực ngoại giao) và liên minh an ninh với ít nhất một cường quốc (như liên minh Mỹ-Hàn hiện đại); (2) Chọn hướng chống đối và bất hợp tác, sau đó sẽ phải chịu sự tấn công hoặc can thiệp từ bên ngoài; (3) Thành công có được vị thế “cầu nối”, chủ yếu bắt gặp ở các trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội với năng lực quân sự đáng kể tại trong khu vực từ sau kết thúc Chiến tranh lạnh.[6]
Với các quốc gia thuộc nhóm thứ ba, họ liên tục nhận được nhiều lời mời gọi từ các cường quốc nhằm củng cố các mối quan hệ song phương hay gia nhập vào các cơ chế đa phương. Đây là nhóm quốc gia có ưu thế nhất vì mang trong mình nền tảng kinh tế-xã hội vững chắc, ý thức và năng lực tự chủ cao, chính sách đối ngoại linh hoạt và cân bằng. Những ví dụ tiêu biểu được Giáo sư Jeon Bong-geun chỉ ra bao gồm: Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê-út.[7] Từ đầu thế kỷ 21, Hàn Quốc bắt đầu có những tính toán nhằm điều chỉnh chính sách đối ngoại di chuyển sang nhóm thứ ba. Tư duy chiến lược “안미경중” (Tạm dịch: “Dựa vào Mỹ về an ninh, hướng về Trung cho kinh tế”) đã đóng vai trò là phương hướng trụ cột cho chính sách đối ngoại Hàn Quốc trong suốt hai thập kỷ vừa qua. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), chỉ trong giai đoạn 1990-2004, tổng kim ngạch thương mại song phương thường niên Hàn-Trung tăng gần 90 tỷ USD, tổng vốn FDI thường niên của Hàn Quốc vào Trung Quốc tăng 5.48 tỷ USD, chiếm 10% tổng vốn FDI vào nước này năm 2004.[8]
Tư duy chiến lược trên cũng được Hàn Quốc áp dụng tương tự với Liên bang Nga, nhằm thúc đẩy các cơ hội tăng cường quy mô thương mại song phương, và dùng kinh tế để thúc đẩy sự ủng hộ của Nga trong việc kiềm chế các chương trình vũ khí chiến lược của Triều Tiên. Từ năm 2008, chính phủ Nga công nhận Hàn Quốc là “đối tác quan trọng” trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội vùng Viễn Đông thuộc Nga. Năm 2015, Hàn Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ bảy của Nga, đóng vai trò nhà cung cấp các sản phẩm công nghệ và thị trường tiêu thụ năng lượng lớn của Nga. Chiến lược “Hướng Đông” của Nga và sự ra đời của Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF) năm 2013 trở thành nút giao với Chính sách Phương Bắc Mới của Hàn Quốc vào năm 2017.[9] Tại EEF, tính toán chiến lược của Hàn Quốc còn chứng kiến cả thái độ chủ động và tích cực hơn của Nga trong một nỗ lực bất thành để kêu gọi lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc gặp mặt vào năm 2018.[10]
Năm 2015, theo một khảo sát cấp nghị viện được tiến hành tại Ủy ban Đối ngoại và Thống nhất của Quốc hội và Ủy ban Quốc phòng Hàn Quốc, 62.2% số đại biểu được khảo sát cho rằng tư duy chiến lược “안미경중” rất cần phải đổi mới. Bên cạnh đó, 13.3% số đại biểu được khảo sát phản đối chiến lược trên, đòi hỏi Hàn Quốc phải xây dựng một chiến lược đối ngoại cố định và gắn liền với một bên (cường quốc) trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược trong khu vực ngày càng sâu sắc.[11] Vì vậy , cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong chiến lược đối ngoại của Hàn Quốc Trung Quốc và Nga nói riêng và với bối cảnh an ninh khu vực Đông Bắc Á nói chung. Hàn Quốc đã và đang chứng kiến sức ép từ bên trong lẫn bên ngoài trong việc đưa ra một lập trường mới hơn với các vấn đề chính trị-an ninh quan trọng.
Đã có những cảnh báo lâu dài về tình trạng xuống cấp an ninh địa chính trị tại khu vực, với mức độ nghiêm trọng như thực trạng tại khu vực Đông Âu.[12] Trong đó, Hàn Quốc nhìn nhận khu vực Đông Bắc Á đang đứng trước khả năng bùng phát xung đột quân sự mức độ cao xuất phát từ ba động lực lớn: (1) Cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc; (2) Thực trạng an ninh phức tạp từ Triều Tiên; (3) Căng thẳng gia tăng giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở lĩnh vực chính trị-an ninh và kinh tế. Ở một góc độ, xung đột quân sự tại Ukraine đã đẩy khu vực Đông Bắc Á vào thực trạng bất ổn an ninh mới. Cho đến nay, Trung Quốc đã và đang tiếp tục các nỗ lực nhằm củng cố quan hệ với Nga ở những mặt chính trị, kinh tế và đặc biệt là quân sự. Tháng 12/2022, hải quân Nga và Trung Quốc tiến hành tập trận chung gần eo biển Đài Loan và biển Nhật Bản, khẳng định quan điểm cứng rắn về vị thế an ninh khu vực của chính phủ Trung Quốc.[13] Điều này cũng đẩy quan hệ Mỹ-Trung vào chiều hướng căng thẳng mới, xuất phát từ việc việc Mỹ tăng cường các cam kết và hiện diện an ninh tại Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Biển Hoa Đông.
Các quan ngại về vai trò mới của Triều Tiên như là một “đồng minh chiến lược” của Nga và Trung Quốc trong chiến lược phân hóa và khống chế Mỹ cũng trở nên phổ biến.[14] Chỉ trong năm 2022, quân đội Triều Tiên tiến hành khoảng 23 vụ phóng thử tên lửa đạn đạo các loại, phần lớn rơi vào các vùng biển thuộc chủ quyền của Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy vậy, vào tháng 5, Nga và Trung Quốc trở thành hai quốc gia duy nhất (trong tổng số 15 quốc gia) phản đối việc thông qua nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về trừng phạt Triều Tiên.[15]
2.2. Quan điểm của Hàn Quốc về an ninh liên Triều
Đối với vấn đề an ninh liên Triều, các chính sách của chính phủ Hàn Quốc qua các nhiệm kỳ Tổng thống liên tục bị thay đổi tùy thuộc theo tư tưởng lãnh đạo của Tổng thống đang tại nhiệm. Sự thiếu thống nhất trong chủ trương chính sách về Triều Tiên này là do sự phân cực về ý thức hệ trong nội bộ chính trị Hàn Quốc. Cụ thể, giới lãnh đạo Hàn Quốc lần lượt bị chi phối bởi hai nhóm tư tưởng là nhóm tiến bộ và nhóm bảo thủ. Chính quyền hiện tại của Tổng thống Yoon Suk-yeol được cho là nằm trong nhóm mang tư tưởng bảo thủ, kế nhiệm từ chính quyền theo tư tưởng cấp tiến của cựu Tổng thống Moon Jae-in.[16]
Như nhận định trên, chính quyền hiện tại của tổng thống Yoon Suk-yeol đã có những điều chỉnh trong các chính sách đối ngoại và đối nội về vấn đề Triều Tiên và an ninh liên Triều. Quan trọng nhất, quan điểm của Tổng thống Yoon Suk-yeol đối với Triều Tiên đó là “kẻ thù trọng yếu” của Hàn Quốc.[17]
Về các chính sách đối ngoại
Trong thời gian vận động tranh cử của mình, ông Yoon đã khẳng định sẽ có những bước đi cứng rắn hơn trong những vấn đề an ninh có liên quan đến Triều Tiên. Những chính sách do ông Yoon hứa hẹn có trọng tâm lấy từ các mục tiêu quốc gia về an ninh, thịnh vượng và vị thế quốc tế của Hàn Quốc.[18]
Trước mắt, đối với Hàn Quốc, mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên được ưu tiên hàng đầu trong ngoại giao với Triều Tiên. Để thực hiện mục tiêu này, Hàn Quốc đề ra kế hoạch bao gồm các bước tiến hành như sau:
- Ngay sau khi hai bên đạt được quyết định giải trừ hạt nhân, Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ ký kết một thỏa thuận hòa bình.
- Đàm phán giải trừ hạt nhân sẽ diễn ra với các mục tiêu: thành công thống nhất một kế hoạch về tiến trình thực hiện giải trừ hạt nhân, duy trì nguyên tắc có đi có lại, duy trì các lệnh trừng phạt cho đến khi hoàn thành phi hạt nhân hóa và tiến hành hỗ trợ kinh tế theo từng giai đoạn ngay sau khi thực hiện phi hạt nhân hóa.
- Kết hợp sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong quá trình phi hạt nhân hóa.
- Thành lập kênh đối thoại ba bên Mỹ-Hàn-Triều qua một văn phòng giao liên tại Washington.[19]
Điểm duy nhất được duy trì từ các đời Tổng thống trước của Hàn Quốc trong chính sách giải quyết vấn đề Triều Tiên của tổng thống Yoon Suk-yeol là các hứa hẹn về hỗ trợ phát triển kinh tế sau khi thành công phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, trên thực tế, đây là một chính sách thất bại vì giá trị của hệ thống vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có giá trị bảo vệ tâm lý an tâm và sự ổn định của quốc gia khỏi các tác nhân can thiệp từ bên ngoài.[20]
Bên cạnh trực tiếp tham gia đàm phán với Triều Tiên, chính quyền của Tổng thống Yoon cũng sẽ duy trì và tăng cường đẩy mạnh quan hệ hợp tác an ninh quân sự với Mỹ, và duy trì sự tích cực trong quan hệ với Trung Quốc. Việc duy trì quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Mỹ – Hàn được cho là sẽ tạo ra áp lực răn đe đối với Triều Tiên.[21] Đối với quan hệ Trung-Hàn, chuyên gia nghiên cứu Kwon Boram thuộc Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng Hàn Quốc cần giữ gìn quan hệ với Trung Quốc do ảnh hưởng chính trị của quốc gia này đối với các quyết định của Bình Nhưỡng.[22] Trong quan hệ với các cơ chế ngoại giao đa phương nhằm phục vụ cho vấn đề an ninh, chính quyền Hàn Quốc hiện tại còn có tham vọng tham gia vào nhóm Bộ Tứ. Tuy nhiên, mục tiêu này được đánh giá là không có tính khả thi cao do vấn đề quan hệ Nhật – Hàn cũng như mục tiêu ngắn hạn của Bộ Tứ hiện tại là không hợp tác hay kết nạp thêm thành viên.[23] Nhưng nếu Hàn Quốc trở thành thành viên của nhóm Bộ Tứ, một viễn cảnh có khả năng xảy ra đó là Triều Tiên sẽ ngày càng gia tăng nâng cấp và củng cố năng lực quân sự bằng việc tiến hành kế hoạch 5 năm hiện đại hóa quân sự cùng với sự hỗ trợ từ Trung Quốc. [24]
Về các chính sách đối nội
Ngoài củng cố sức mạnh quốc gia từ các nguồn lực bên ngoài, để phòng ngừa những viễn cảnh khó lường trong quan hệ với Triều Tiên, chính quyền của Tổng thống Yoon Suk-yeol còn củng cố sức mạnh quân sự nội địa bằng cách tái khởi động chương trình xây dựng hệ thống Ba Trục (Three-Axis System). Đây là một hệ thống có chức năng theo dõi, phát hiện và loại trừ các nguy cơ tấn công bằng tên lửa đạn đạo và nhiều loại vũ khí phá hủy hàng loạt khác (WMDs).
Hệ thống Ba Trục này được cấu thành từ ba yếu tố “K” tương ứng với các phương thức phòng vệ và tấn công như sau: Chuỗi tấn công (Kill Chain), Hệ thống Phòng thủ Tên lửa quốc gia (Korean Air and Missile Defense System – KAMD) và Cơ chế Trừng phạt và Trả đũa Quy mô lớn (Korea Massive Punishment and Retaliation – KMPR). Chuỗi tấn công nhằm chỉ cơ chế tấn công phòng vệ sẵn trước đối với các tên lửa đạn đạo và vũ khí WMD nhắm vào các cơ sở quân sự của quân địch. Nếu Chuỗi tấn công thất bại, vai trò của trục thứ hai là KAMD đó là chặn đứng hành trình tên lửa của địch bằng việc phát hiện hiện sớm và sử dụng các tên lửa ngăn chặn từ tên lửa hủy diệt theo dõi và tên lửa đất đối không. Trục thứ ba, KMPR có chức năng tấn công trả đũa bằng các tên lửa được cài đặt sẵn hành trình nhắm vào các trụ sở lãnh đạo của nhà cầm quyền Triều Tiên Kim Jong Un, trong đó bao gồm cả các nơi ẩn náu và hầm trú hạt nhân nhằm vô hiệu hóa khả năng chỉ huy-kiểm soát của đầu não.[25] Ngoài ra, chính quyền của ông Yoon còn được cho là sẽ tiếp tục tiến hành việc thu mua các thiết bị nhằm phát triển một hệ thống phòng không được cho là tương tự với hệ thống phòng không Vòm Sắt của Israel tại dãy Gaza.[26]
Theo một khảo sát được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu về Các vấn đề An ninh Quốc gia thuộc Đại học Quốc phòng Hàn Quốc thực hiện, trung bình có khoảng 40% – 50% người dân Hàn Quốc được khảo sát quan cho rằng mối lo an ninh quốc gia của họ chủ yếu bị tác động từ căng thẳng và gia tăng hạt nhân từ Triều Tiên. Mặc dù những chính sách của chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol đã khẳng định sự cứng rắn đối với vấn đề an ninh xuất phát từ Triều Tiên tuy nhiên có đến 56% người dân Hàn Quốc được khảo sát thuộc nhóm “phản đối gần như toàn bộ” và “hoàn toàn phản đối” các chính sách hiện tại về Triều Tiên của ông Yoon.[27]
Trong bối cảnh thực tiễn thời gian gần đây, tình hình căng thẳng và an ninh trên bán đảo Triều Tiên ngày càng chuyển biến xấu. Phía Triều Tiên ngày càng gia tăng hoạt động quân sự, điển hình năm ngoái nước này ghi nhận kỷ lục 20 lần thử tên lửa.[28][29] Đầu năm nay, Triều Tiên tiếp tục phóng liên tiếp 3 tên lửa xuyên lục địa. Hành vi của Triều Tiên là sự đáp trả của các cuộc tập trận trên biển song phương của Hàn Quốc và Mỹ liên tục diễn ra từ cuối năm ngoái và kéo dài đến đầu năm nay. Đầu năm nay, ông Yoon còn gây ra sự tranh cãi khi phát biểu rằng Hàn Quốc có thể cân nhắc phát triển một hệ thống vũ khí hạt nhân quốc gia hoặc vận chuyển về nước các vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ.[30] Những động thái này cho thấy sự mâu thuẫn giữa các đề xuất chính sách và thực tiễn tiến hành áp dụng các chính sách này nhằm phi hạt nhân hóa của chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeul.
Tóm lại, quan điểm của chính quyền Hàn Quốc của tổng thống Yoon Suk-yeol hiện tại khi phản ánh qua các chính sách được đề ra trên thực tiễn có thể thấy rằng mặc dù thể hiện những nỗ lực trong vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nhưng hầu hết nội dung các chính sách được đề ra rõ ràng thể hiện thái độ cảnh giác, đề phòng và sẵn sàng đáp trả đối với bất cứ động thái quân sự của Triều Tiên. Mục tiêu ổn định tình hình an ninh liên Triều gần như không thể hiện thực hóa, khi trên thực tế của chính quyền của Tổng thống Yoo Suk-yeol ngược lại đang thể hiện thái độ thiếu thân thiện và mang tính thù địch đối với Triều Tiên.
3. Kết luận
Những áp lực an ninh mới tại khu vực Đông Bắc Á, đặc biệt là vấn đề Triều Tiên, sẽ tiếp tục ảnh hưởng sâu sắc đến những diễn biến của chính sách đối ngoại của Hàn Quốc trong tương lai. Câu hỏi được đặt ra, chính là liệu Hàn Quốc sẽ nỗ lực theo đuổi một chính sách ngoại giao thực dụng (realpolitik) trong thực trạng an ninh-chính trị thế giới biến động, hay sẽ xây dựng và theo đuổi một lập trường đối ngoại có nguyên tắc và cố định hơn. Tuy nhiên, thời điểm để đưa ra một quyết định và quan trọng hơn nữa là chính bản thân quyết định đó, có thể ảnh hưởng sâu sắc đến tương lai Hàn Quốc, vấn đề Triều Tiên và thực trạng chính trị-an ninh dài hạn tại khu vực Đông Bắc Á.
IR Analytica
Tài liệu tham khảo:
[1] AP (10/2022). North Korea fires more ballistic missiles after US military drills. France 24.
[2] (2023). Kim Yo Jong joins the north’s chorus threatening response to South Korea – US military drills. The Diplomat.
[3] (2023). Liên quân Hàn-Mỹ tiến hành tập trận “Teak Knife” cho tới đầu tháng 4. KBSWorld
https://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=57852
[4] Smith, J & Yim, H (2023). North Korea launches missiles from submarine as U.S.-South Korean drills begin. Reuters.
[5] (2023). US, S. Korea Kick off Largest Drills in Five Years. The Defense Post.
[6] 전봉근 (2022). 동북아 전쟁과 한국의 지전략. 정책연구시리즈 2022-09. 국립외교원 외교안보연구소. ISSN 2005-7512. Pp.13
[7] 전봉근 (2022). 동북아 전쟁과 한국의 지전략. 정책연구시리즈 2022-09. 국립외교원 외교안보연구소. ISSN 2005-7512. Pp.13
[8] Masterson .(2014). Economic Interdependence and Its Limitations: A Case Study of Recent Sino- Japanese and Sino-Korean Economic and Political Relations. Asia-Pacic Studies. Volume 1, Issue 1, 2014, pp. 1-16
[9] Moscow’s “turn to the East” and challenges to Russia–South Korea economic collaboration under the New Northern Policy. Journal of Eurasian Studies 2019, Vol. 10(2) 159–168
[10] Gil Yun-hyung .(2018). Kim Jong-un to not attend Eastern Economic Forum in Vladivostok. Hankyoreh. https://english.hani.co.kr/arti/english_edition/e_northkorea/858590.html
[11] 손원제 기자 .(2015). 안미경중’ 지속 불가…균형외교 전략 새로 짜야. 한겨레. https://www.hani.co.kr/arti/politics/diplomacy/705132.html
[12] 전봉근 .(2022). 동북아 전쟁과 한국의 지전략. 정책연구시리즈 2022-09. 국립외교원 외교안보연구소. ISSN 2005-7512
[13] Chan, M. (2022). China, Russia begin naval drills in waters near Taiwan, Japan. South China Morning Post. https://www.scmp.com/news/china/military/article/3204157/china-russia-begin-naval-drills-waters-near-taiwan-japan
[14] Chinoy, M. (2022). Kim Jong Un Is Putin’s and Xi’s New Best Friend. Foreign Policy. https://foreignpolicy.com/2022/09/12/north-korea-russia-china-partnership-putin-xi-kim/
[15] Magnier, M. (2022). China and Russia’s veto of North Korea resolution ‘undermines collective security’, says US envoy to UN. SCMP. https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3179418/china-and-russias-veto-north-korea-resolution-undermines?module=inline&pgtype=article
[16], [27] Lee, C.M. (2022, Dec 5th). Korea Net Assessment 2022: Shoring Up South Korea’s National Security Apparatus. Carnegie Endowment For International Peace. https://carnegieendowment.org/2022/12/05/korea-net-assessment-2022-shoring-up-south-korea-s-national-security-apparatus-pub-88546?fbclid=IwAR2M8d1MIBpGyGbPh8E5G2rys1lU4qjwJ_2GZgQ3AyTSvt3vtAMy0FARmHE
[17] Reuters. (2022, May 5th). North Korea blasts South’s new leader Yoon Suk-yeol, calls his minister picks ‘pro-US toadies’. South Chian Morning Post. https://www.scmp.com/news/asia/east-asia/article/3176585/north-korea-blasts-souths-new-leader-yoon-suk-yeol-calls-his
[18], [19], [21] Park, J.C. (2022). Tasks of North Korea Policy of the Yoon Suk-yeol Government: Deja vu or a New Paradigm. International Journal of Korean Unification Studies, Vol.31(1). Page 1-35. https://www.kinu.or.kr/pyxis-api/1/digital-files/791f5cdc-b76f-4c58-96f3-860f918c203d
[20] Staar, B. (2022, may 30th). A new arms race on the Korean peninsula?. IPS- Friedrich Eberto Stiftung. https://www.ips-journal.eu/topics/foreign-and-security-policy/a-new-arms-race-on-the-korean-peninsula-5966/
[22] Kwon, B.R. (2023). South Korea: Realising Pivotal Aspirations in the Indo-Pacific. Council For Security Cooperation in the Asia Pacific Regional Security Outlook 2023. Page 39-42. http://www.cscap.org/uploads/CSCAP%20Security%20Outlook%202023%20FA.PDF
[23], [24] Shin, M. (2022, April 13th). What to Expect From Yoon Suk-yeol’s Policy on North Korea. The Diplomat. https://thediplomat.com/2022/04/what-to-expect-from-yoon-suk-yeols-policy-on-north-korea/
[25] Jung, D.Y. (2023, Jan 4th). South Korea’s Revitalized “Three-Axis” System. Council on Foreign Relations. https://www.cfr.org/blog/south-koreas-revitalized-three-axis-system
[26] Ji, D.G. (2022, Feb 27th). Yoon Suk-yeol pursues ‘peace through strength’ on the Korean Peninsula. The Korea Herald. https://www.koreaherald.com/view.php?ud=20220227000098
[28] Dotto, C., Lendon, B., Yeung, J. (2022). North Korea’s record year of missile testing is putting the world on edge. https://edition.cnn.com/2022/12/26/asia/north-korea-missile-testing-year-end-intl-hnk/index.html#:~:text=North%20Korea’s%20record%20year%20of%20missile%20testing%20is%20putting%20the%20world%20on%20edge&text=In%202020%2C%20North%20Korea%20conducted,missiles%20in%20a%20single%20day.
[29] Al Jazeera. (2023). North Korea fires more missiles amid ‘firing range’ warning. Al Jazeera. https://www.aljazeera.com/news/2023/2/20/north-korea-fires-two-ballistic-missiles-as-launches-resume?fbclid=IwAR3azeqok30e6jfae0R5u2s2lzuNJDsAhwnnBPUWZ_a46KFYIJ8WHjKfAgY
[30] Yoon, D. (2023, Jan 12th). South Korea President Says Country Could Develop Nuclear Weapons. The Wall Street Journal. https://www.wsj.com/articles/south-korean-president-says-country-could-develop-nuclear-weapons-11673544196
1 comment