Nhận định khả năng nâng cấp quan hệ Việt Nam – Mỹ (phần 2)

Tags: Mỹ, An ninh châu Á – Thái Bình Dương

3. Cơ hội nâng cấp quan hệ Việt Nam – Mỹ trên thực tế

Đánh giá về cách xác định “đối tác chiến lược” của Việt Nam:

Nội dung để xác định “đối tác chiến lược” của Việt Nam dựa trên nhận thức về hai khái niệm “đối tác” (“đối tác hợp tác”) và “đối tượng” (“đối tượng đấu tranh”) được đưa ra bởi Đảng và Nhà nước Việt Nam. “Đối tác” được xem là toàn bộ những chủ thể có sự tôn trọng đối với độc lập và chủ quyền Việt Nam và có chung quan hệ đối tác, hữu nghị giữa hai bên trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi.  Trong khi đó,“đối tượng” là những “thế lực” có âm mưu và hành động xâm phạm đến mục tiêu xây dựng đất nước và an ninh quốc phòng Việt Nam. Tuy nhiên, “đối tác” và “đối tượng” phải được nhìn nhận theo cái nhìn biện chứng và không được cứng nhắc vì trong mỗi “đối tác” đều có mặt mâu thuẫn với lợi ích quốc gia và trong mỗi “đối tượng” đều có mặt có thể tranh thủ, hợp tác.

Ý nghĩa của “đối tác chiến lược” cũng được giải thích thông qua ba phương diện: (1) Niềm tin chính trị giữa Việt Nam và đối tác; (2) Năng lực hợp tác toàn diện; và (3) Năng lực hợp tác chiến lược ở một số lĩnh vực ưu tiên. Ngoài ra, những hệ quả sau khi thiết lập quan hệ đối tác, những vấn đề về lợi ích và thiệt hại cho quốc gia cũng là những vấn đề được cân nhắc khi xây dựng quan hệ đối tác chiến lược. Thế nhưng, lợi ích là vấn đề bị tác động không chỉ bởi các bên trong quan hệ mà còn có các tác nhân bên ngoài chẳng hạn như: nước bên thứ ba, cấu trúc an ninh kinh tế – chính trị – xã hội quy mô khu vực hay toàn cầu.[1]

Từ thực tiễn các quan hệ và những phân tích như tên, về mặt lý thuyết hiện nay Việt Nam chưa có sự cố định trong bộ tiêu chí để xác định quan hệ đối tác chiến lược với các nước. Những sự lựa chọn về đối tác để  nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam chỉ ra sự tính toán và chiến lược về chiến lược và chính trị. Nhìn nhận sâu thêm nữa, xu hướng lựa chọn đối tác chiến lược của Việt Nam có mối tương quan nhất định đối với xu hướng thay đổi từ “ưu tiên chính trị-an ninh” sang “ưu tiên chính trị kinh tế”.

Đánh giá về cơ hội nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ thành đối tác chiến lược trên thực tế:

Dựa trên những tiêu chí thuộc khung bên trên, hiện trạng về cơ hội để Việt Nam và Mỹ cùng nhau tiến hành nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược có thể được nhìn nhận như sau:

  • Niềm tin chính trị giữa Việt Nam và đối tác:

Trước mắt, Mỹ và Việt Nam đã cùng có những nền tảng về quan điểm chung cùng chia sẻ trong những vấn đề bất ổn an ninh gây ra bởi Trung Quốc tại khu vực Biển Đông nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung. Đối với Việt Nam, vấn đề tranh chấp chủ quyền quốc gia trên Biển Đông với Trung Quốc có thể xem là một trong những vấn đề khó giải quyết trong lĩnh vực an ninh quốc gia trong hàng thập kỷ hiện nay. Còn đối với Mỹ, những hành vi của Trung Quốc mang tính thách thức trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế tại khu vực Biển Đông gây bất ổn đối an ninh và hòa bình của khu vực cũng như những lợi ích quốc gia của nước này.[2] Theo giáo sư Alexander Vuving thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương Daniel K. Inouye, sự kiện Trung Quốc xây dựng giàn khoan dầu Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào năm 2014 đã chính thức nâng tầm quan hệ của hai bên khi Việt Nam được nhận định sẽ càng xích gần hơn về phía cực Mỹ trong tam giác quan hệ Mỹ – Trung – Việt Nam.[3] Trong tình hình Trung Quốc vẫn đang tiếp tục có nhiều hành vi xâm phạm đến chủ quyền trên biển của Việt Nam, tình trạng đối đầu mang tính chiến lược giữa Việt Nam – Trung Quốc cùng với cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung sẽ dần trở thành mối quan tâm chung của các bên về mặt lợi ích.[4]

Tuy vậy, giữa quan hệ của hai nước, một số vấn đề khác biệt còn tồn tại. Việc chính sách đối ngoại qua từng chính quyền tổng thống Mỹ liên tục thay đổi là một trong những điểm có thể khiến quan hệ hai bên không thể duy trì tính ổn định. Trong nhiệm kỳ của mình, cựu Tổng thống Donald Trump đã quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam có tham gia đàm phán. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Đỗ Thắng Hải, TPP đã từng là một tham vọng và nỗ lực của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế cho đến khi Mỹ quyết định rút ra khỏi hiệp định này.[5] Ngoài ra, Mỹ cũng đã nhiều lần thể hiện sự thiếu ủng hộ và hỗ trợ đối với các đối tác thậm chí là các đồng minh an ninh của mình. Trong vấn đề thương mại và tiền tệ, Việt Nam cũng đã từng bị Mỹ cáo buộc là một quốc gia thao túng tiền tệ và thực hiện các hành vi thiếu công bằng trong thương mại gây nên mất cân bằng cán cân thương mại song phương.[6]

Ngoài các vấn đề trên, trong bộ máy chính trị của Việt Nam, đặc biệt là các nhóm chính trị gia cấp cao được cho là vẫn còn mang tư tưởng chính trị bảo thủ đối với Mỹ do lo sợ những hệ quả liên quan đến “diễn biến hòa bình” (một chiến lược lan truyền giá trị dân chủ và nhân quyền phương Tây nhằm kích động tạo nên các phong trào phản động để lật đổ chính quyền Việt Nam).[7] Ngoài ra, việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ cũng khiến Việt Nam phải cân nhắc do nghi ngờ về những hành vi can thiệp chính trị nội địa.[8]

  • Năng lực hợp tác toàn diện

Với tư cách là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới với điểm sáng là trong giai đoạn Covid-19. Để đạt được những thành tựu này, Việt Nam đã theo đuổi mục tiêu chuyển đổi trở thành một quốc gia có nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Hội nhập quốc tế chính là một hình thức phát triển cao của hợp tác quốc tế.[9] Những xu hướng và kết quả hợp tác trong quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ như đã phân tích bên trên đã chứng tỏ phần nào về năng lược trên đa dạng các lĩnh vực của Việt Nam cũng như sự đánh giá cao của Mỹ đối với Việt Nam đang ngày càng phát triển tốt hơn.

Hiện nay, tuy quan hệ Việt Nam – Mỹ vẫn chưa được nâng tầm tính chất chiến lược thế nhưng Việt Nam thông qua chính sách ngoại giao đa phương đã cho thấy tiềm năng và tầm quan trọng về vị trí của mình trong các quan hệ đối tác chiến lược khác, trong đó có các quốc gia là đối tác chiến lược và đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Úc, Ấn Độ. Việt Nam là quốc gia nhận được lượng đầu tư lớn nhất và thứ nhì lần lượt từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng, Nhật đã từng trao tặng tàu tuần tra biển cho Việt Nam và hỗ trợ khoảng 338 triệu đô la Mỹ để lắp ráp thêm 6 tàu tuần tra trong giai đoạn 2013-2017.[10] Hàn Quốc và Việt Nam cũng đã thành lập cơ chế đối thoại phòng thủ chung tập trung vào các vấn đề hợp tác công nghiệp quân sự phòng thủ, giải quyết hệ quả chiến tranh, an ninh biển và các công tác duy trì hòa bình.[11] Năm 2020, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong ASEAN được nhóm Bộ Tứ mời tham gia vào cuộc họp của nhóm này.[12] Trong Hội nghị Thượng đỉnh năm 2022 của Bộ Tứ kim cương (QUAD), Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Phụ trách các Vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Kurt Campbell đã nhận định Việt Nam chính là quốc gia có tầm quan trọng cực kỳ lớn đối với việc tạo ra bước ngoặt có lợi đối với chiến lược của Mỹ tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương không chỉ về mặt chiến lược an ninh mà còn trong các lĩnh vực như thương mại và công nghệ.[13]

  • Năng lực hợp tác chiến lược ở một số lĩnh vực ưu tiên:

Xác định từ mối quan tâm chung về vấn đề an ninh trên khu vực Biển Đông, lĩnh vực đầu tiên mà Việt Nam và Mỹ sẽ thực hiện đẩy mạnh trong quan hệ nếu tiến lên quan hệ đối tác chiến lược đó là quốc phòng an ninh. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có lực lượng vũ trang tinh nhuệ nhất tại Đông Nam Á, có khả năng chiến đấu có thể chống lại một cuộc xâm lược trên bộ của Quân đội Nhân dân của Trung Quốc. Từ 2015, Việt Nam đã tăng cường trang bị quân sự và đầu tư cho công tác tuần tra trên biển bên cạnh là hải quân và không quân.[14] Tuy nhiên, năng lực phát triển và chế tạo vũ khí của Việt Nam vẫn còn hạn chế. Đối với vấn đề thu mua vũ khí, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là hữu dụng và giá cả hợp lý. Hiện tại, mặc dù, lượng vũ khí mua vào của Việt Nam vẫn phụ thuộc chủ yếu vào Việt Nam tuy nhiên Việt Nam đã bắt đầu đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí của mình thông qua quan hệ với các nước khác trong đó có Mỹ.[15]

Về không quân, hệ thống vũ khí phòng thủ của Việt Nam bao gồm các loại máy bây chiến đấu và các loại tên lửa mặt đất như SPYDER từ Israel hay S-300 của Nga, có khả năng  bắn hạ máy bay của Không quân Trung Quốc từ lãnh thổ của mình. Tuy vậy Quân đội Nhân dân Việt Nam chưa có khả năng triển khai chiến đấu nhanh chóng bên ngoài lãnh thổ khiến cho khả năng phòng thủ ngoài khơi còn kém. Ngoài ra, lực lượng không quân của Việt Nam còn bị hạn chế trong các lĩnh vực chỉ huy – kiểm soát (C2), nhận thức miền hay không vận.[16]

Trong lĩnh vực hợp tác quân sự, Mỹ đã và đang tiếp tục hợp tác với quân đội Việt Nam. Tính đến 2019, ngân sách hỗ trợ đào tạo và huấn luyện toàn cầu của Mỹ dành cho Việt Nam cao thứ ba trong các nước ASEAN. Trong những năm kế tiếp, Quân đội Mỹ được dự đoán là sẽ tập trung đẩy mạnh hợp tác hơn với quân đội Việt Nam thông qua gia tăng mua bán và các gói bảo trì thiết bị, phương tiện quân sự. Trước mắt 12 chiếc máy bay T-6 bao gồm cái gói bảo trì kéo dài 10 năm, trị giá 225 triệu đô la Mỹ, sẽ bàn giao cho phía quân đội Việt Nam đến năm 2027. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã cử nhiều phi công chính quy tham gia vào chương trình đào tạo hàng không của Mỹ trong nhiều năm qua.[17] Đây chính là những bước phát triển đáng chú ý trong vấn đề quốc phòng của Việt Nam và Mỹ, hứa hẹn về tiềm năng quân sự của Việt Nam cũng như hợp tác trong một lĩnh vực quan trọng như an ninh quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam.

Ngoài quốc phòng, lĩnh vực hợp tác đáng chú ý đặc biệt được hai bên quan tâm đó là giải quyết hậu quả chiến tranh Việt Nam. Việt Nam đã luôn tích cực hỗ trợ Mỹ trong vấn đề tìm kiếm binh lính Mỹ mất tích và không được ghi nhận da tính thông qua Cơ quan Tìm kiếm Tù binh và Người mất tích (POW/MIA) phối hợp cùng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hằng năm. Trong vấn đề xoa dịu hậu quả của chất độc màu da cam và các loại vũ khí chưa nổ, Mỹ cũng đã đóng góp vật chất nhằm hỗ trợ cho các nạn nhân từ năm 1993 với hơn 185 triệu đô la Mỹ.[18]

Ngoài một số những thuận lợi như đã phân tích hiện Việt Nam và Mỹ đang chia sẻ cùng nhau, cơ hội để nâng cấp quan hệ giữa hai quốc gia thành đối tác chiến lược vẫn có những yếu tố mang tính khách quan cản trở như:

  • Nguyên nhân cản trở thứ nhất là phản ứng của Trung Quốc đối với quan hệ Việt – Mỹ. Nó có thể khiến cho quan hệ Việt – Trung có thể chuyển biến xấu dẫn đến những hệ quả khó lường như gia tăng căng thẳng quân sự trên Biển Đông. Trung Quốc nếu tiếp nhận ý nghĩa của quan hệ Việt – Mỹ theo chiều hướng tiêu cực còn có thể dẫn đến việc Việt Nam sẽ phải gánh chịu những hành vi mang tính trả đũa trong các lĩnh vực hợp tác hiện có với nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Trong khi đó, Trung Quốc là quốc gia có kim ngạch thương mại lớn nhất của Việt Nam với tổng trị giá kim ngạch trong năm 2022 vừa rồi là 175,57 triệu đô la Mỹ.[19]
  • Nguyên nhân cản trở thứ hai là quan hệ giữa Việt Nam và Nga. Trong lĩnh vực quân sự, dữ liệu về Lượng mua bán vận chuyển vũ trang của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho thấy mức độ phụ thuộc lớn của Việt Nam về vũ trang với Nga, tính đến năm 2021 là 60%.[20] Mặc dù Việt Nam là một trong những quốc gia nhập khẩu lượng lớn vũ khí từ Nga nhưng đến nay nước này vẫn chưa nằm trong danh sách các nước bị trừng phạt của Mỹ nằm trong Đạo luật Chống Đối thủ thông qua trừng phạt CAATSA của Mỹ vào năm 2018.[21] Ngoài vũ khí, Việt Nam còn là một trong những quốc gia phụ thuộc Nga khá lớn trong lĩnh vực năng lượng dầu mỏ và khí đốt.[22]
  • Nguyên nhân cản trở thứ ba là những khác biệt trong nhận thức của hai nước đối với các vấn đề ý thức hệ, cũng như quan điểm về nhân quyền và dân chủ.[23] [24]

Trong thời gian sắp tới, Mỹ và Việt Nam sẽ tiến tới kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Nhân dịp đặc biệt này, Việt Nam và Mỹ nếu có thể chính thức nâng cấp quan hệ với nhau thì cả hai bên sẽ nhận lại được những lợi ích cũng như đón chờ những thách thức mới:

Về phía Mỹ: Việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam sẽ tạo nên thông điệp mang tính đe dọa đối với Trung Quốc và khẳng định sự cứng rắn của siêu cường này tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong vấn đề an ninh cũng như trong vấn cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Đối với Mỹ, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có triển vọng hứa hẹn nhất để Mỹ hợp tác nhằm kiếm chế sự bành trướng về ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này khi so sánh với các quốc gia khác trong ASEAN.[25] Trong Hội nghị Thượng đỉnh năm 2022 của Bộ Tứ kim cương (QUAD), Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Phụ trách các Vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Kurt Campbell đã nhận định Việt Nam chính là quốc gia có tầm quan trọng cực kỳ lớn đối với việc tạo ra bước ngoặt có lợi đối với chiến lược của Mỹ tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương không chỉ về mặt chiến lược an ninh mà còn trong các lĩnh vực như thương mại và công nghệ.[26]

Về phía Việt Nam: Tuy Việt Nam sẽ nhận được thêm nhiều cơ hội để phát triển trong hợp tác với Mỹ trong nhiều lĩnh vực nhưng nước này sẽ có những hệ quả cần phải cân nhắc như

Các thuận lợi:

  • Cơ hội phát triển kinh tế khi hợp tác phát triển thương mại với Mỹ.
  • Cơ hội hợp tác với Mỹ trong vấn đề Biển Đông như tập trận quân sự, chia sẻ thông tin tình báo hay công tác phòng chống khủng bố.[27]
  • Nâng cao hình ảnh và vị thế của quốc gia nói riêng trên trường quốc tế và sức mạnh mềm của quốc gia nói riêng.

Các hệ quả tiêu cực có thể xảy ra:

  • Phải điều chỉnh hoặc thay đổi các chính sách ngoại giao như Chính sách 4 không trong quan hệ các nước lớn hay chiến lược phòng ngừa (hedging) đối với Trung Quốc.
  • Làm xấu đi quan hệ Việt Nam – Trung Quốc.
  • Gia tăng căng thẳng quân sự trên khu vực Biển Đông nếu Mỹ tăng cường hiện diện trên Biển Đông hay từ các cuộc tập trận giữa Mỹ và Việt Nam có thể diễn ra trong tương lai.[28]

Từ những phân tích đã trình bày, cơ hội để Mỹ và Việt Nam cùng nhau nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược là khả thi. Tuy nhiên, nếu chính phủ Việt Nam thực sự quyết định thay đổi tính chất quan hệ với Mỹ, việc nâng cấp cần phải được cân nhắc và tiến hành một cách nghiêm túc và cẩn trọng do những thay đổi do những tác động do mối quan hệ này có thể đem lại trong tương lai. Phát biểu của Cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc, đối với vấn đề nâng cấp quan hệ hợp tác với Mỹ, vẫn chưa cho thấy rõ ý định của Việt Nam trong vấn đề này: Đừng quá câu nệ vào tên gọi của mối quan hệ mà thay vào đó hãy quan tâm đến bản chất thực sự của mối quan hệ đó.[29] Trên thực tế, mặc dù không thể hiện rõ ràng về quan điểm của mình, Việt Nam và Mỹ vẫn có rất nhiều cơ hội tiếp xúc và hợp tác như ASEAN và nhóm Bộ Tứ, cho thấy bản chất quan hệ của hai nước ngày vẫn luôn được duy trì và phát triển tích cực.

IR Analytica


[1]  Van, N. K.; Trung, N. X. (2021). Vietnam and the United States: A Strategic Partnership in the Future? India Quarterly A Journal of International Affairs. 77(2) 238–251, 2021. Tr. 15

[2] International Crisis Group. (2021, November 29th). Competing Visions of International Order in the South China Sea. International Crisis Group. https://www.crisisgroup.org/asia/north-east-asia/china/315-competing-visions-international-order-south-china-sea

[3] Vuving, A. L. (2015, July 6th). A Tipping Point in the US-China-Vietnam Triangle. The Diplomat. http://thediplomat.com/2015/07/a-tipping-point-in-the-u-s-china-vietnam-triangle/

[4] Vuving, A. L. (2021, August 21st). Will Vietnam Be Americas Next Strategic Partner. The Diplomat. https://thediplomat.com/2021/08/will-vietnam-be-americas-next-strategic-partner/

[5] https://www.mofahcm.gov.vn/mofa/ctc_quocte/un/nr040819160455/ns170914170408

[6] https://crsreports.congress.gov/product/pdf/IF/IF11753

[7] Phan, D. X. (2023, Jan 12th). Vietnam’s Relations with the United States: Time For an Upgrade. Fulcrum. https://fulcrum.sg/vietnams-relations-with-the-united-states-time-for-an-upgrade/

[8] Như trích dẫn 13, trang 10.

[9] https://moj.gov.vn/tttp/tintuc/Pages/thuong-mai-tai-chinh.aspx?ItemID=5

[10] https://www.usip.org/publications/2022/04/us-vietnam-partnership-goes-beyond-strategic-competition-china

[11] https://thediplomat.com/2019/06/defense-dialogue-puts-vietnam-south-korea-military-ties-into-focus/

[12] https://vietnamjournal.ru/2618-9453/article/view/87074

[13] Moriyasu, K. (2021, November 20th). India and Vietnam will  define the future of Asia: Kurt Campbell. Nikkei Asia. https://asia.nikkei.com/Politics/International-relations/Indo-Pacific/India-and-Vietnam-will-define-the-future-of-Asia-Kurt-Campbell

[14] https://thediplomat.com/2020/11/understanding-vietnams-military-modernization-efforts/

[15] https://media.defense.gov/2021/Dec/12/2002907686/-1/-1/1/JIPA%20-%20BURGESS%20-%20WINTER%202021.PDF

[16] https://media.defense.gov/2021/Dec/12/2002907686/-1/-1/1/JIPA%20-%20BURGESS%20-%20WINTER%202021.PDF

[17] Như trích dẫn 34

[18] https://www.state.gov/u-s-relations-with-vietnam/

[19] https://en.vietnamplus.vn/vietnams-trade-with-largest-partners-in-2022/248239.vnp

[20] Như trích dẫn 8

[21] Vu, P. (2022, March 2nd). What’s in a Name: the Promise and Peril of a US-Vietnam “Strategic Partnership. The Diplomat. https://thediplomat.com/2022/03/whats-in-a-name-the-promise-and-peril-of-a-u-s-vietnam-strategic-partnership/

[22] Như trích dẫn 23

[23] Như trích dẫn 8

[24] Như trích dẫn 24

[25] Như trích dẫn 8

[26] Moriyasu, K. (2021, November 20th). India and Vietnam will  define the future of Asia: Kurt Campbell. Nikkei Asia. https://asia.nikkei.com/Politics/International-relations/Indo-Pacific/India-and-Vietnam-will-define-the-future-of-Asia-Kurt-Campbell

[27] Như trích dẫn 10

[28] Như trích dẫn 10.

[29] Thanh Tuấn (2020). “Đừng quá câu nệ vào tên gọi của mối quan hệ Việt – Mỹ”. Zing News. https://zingnews.vn/dung-qua-cau-ne-vao-ten-goi-cua-moi-quan-he-viet-my-post1103455.html


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *