Nhận định khả năng nâng cấp quan hệ Việt Nam – Mỹ (phần 1)

Tags: Mỹ, An ninh châu Á – Thái Bình Dương

1. Đánh giá thực trạng quan hệ Việt Nam – Mỹ trên các lĩnh vực

Hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ đang phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Một mặt, Hai bên đã và đang  hợp tác trên nhiều lĩnh vực như: kinh tế, quân sự – quốc phòng, y tế. Mặt khác, cả hai quốc gia đều là những đối tác đáng tin cậy của nhau và thiết lập mối quan hệ hữu nghị dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau.

(1) Kinh tế

Kể từ khi Mỹ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, các hoạt động kinh tế song phương được đẩy mạnh liên tục. Kim ngạch thương mại song phương đã tăng 220 lần, từ 500 triệu USD vào năm 1995  lên đến  khoảng 115 tỷ USD vào 11 tháng đầu năm 2022. Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Cùng với đó, Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 đối với các mặt hàng thực phẩm và nông sản của Mỹ.[1] Giáo sư David Dapice – chuyên gia về kinh tế Đông Nam Á tại Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy, Đại học Harvard – đánh giá những bước tiến về kinh tế đạt được trong quan hệ Việt Nam – Mỹ mang tính “ngoạn mục”.[2]

Trong nhiều năm, Mỹ luôn là một trong những đối tác đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với trung bình mỗi năm khoảng 2,8 tỷ USD. Tính đến đến tháng 10/2022, Mỹ có 1.203 dự án tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký xấp xỉ 11,5 tỷ USD, đứng ở vị trí thứ  11 trong số các nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Trong 10 tháng đầu năm 2022, Mỹ đứng vị trí thứ 8 với tổng số vốn đăng ký khoảng 702 triệu USD cho 72 dự án cấp mới.[3]

Vào tháng 9/2022, Việt Nam cùng Mỹ và 14 quốc gia khác tham gia đàm phán trong khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tuy chưa phải là một dạng hiệp định thương mại tự do, nhưng sáng kiến này có giá trị đối với việc tạo nên sự gắn kết nền kinh tế các nước tham gia, trong đó có Việt Nam và Mỹ.[4]

(2) Quân sự – quốc phòng:

Một  lĩnh vực hợp tác đáng chú ý khác giữa Việt Nam và  Mỹ là an ninh, quốc phòng. Từ năm 2017 đến 2021, Việt Nam đã tiếp nhận các khoản hỗ trợ an ninh trị giá khoảng 60 triệu USD từ Mỹ thông qua chương trình Tài trợ Quân sự Nước ngoài (FMF). FMF chủ yếu hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực về an ninh hàng hải, chuyển giao thiết bị quân sự bao gồm các xuồng tuần tra tốc độ cao và hai tàu chiến Coast Guard Cutters loại Hamilton. Đồng thời, Mỹ cũng tăng cường tài trợ cho các sáng kiến ​​an ninh hàng hải ở Việt Nam, cung cấp các khoản tài trợ trị giá 20 triệu USD thông qua Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á (SAMSI). Năm 2019, Việt Nam đã mua 6 hệ thống máy bay không người lái (UAV) ScanEagle trị giá 9,7 triệu USD, nhờ khoản viện trợ này.[5]

Tháng 3/2018, tàu sân bay USS Carl Vinson đến Đà Nẵng, đánh dấu lần đầu tiên một hàng không mẫu hạm của Mỹ thăm Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc. Cũng trong năm này, Việt Nam lần đầu tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) sau hai lần làm quan sát viên (2012 và 2016). Theo nhận định của tờ báo quân sự Mỹ Stars & Stripes, việc Mỹ lần đầu mời Việt Nam tham gia RIMPAC đánh dấu bước tiến lớn trong quan hệ quốc phòng Việt – Mỹ. Đến tháng 3 năm 2020, Việt Nam đón USS Theodore Roosevelt, tàu sân bay thứ hai của Mỹ ghé thăm.[6] Năm 2021, Việt Nam đã tổ chức triển lãm quốc phòng đầu tiên với mục tiêu đa dạng hóa nguồn cung vũ khí quân sự của quốc gia. Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN đã dẫn đầu một phái đoàn công nghiệp quốc phòng Mỹ đến Hà Nội để quảng bá tại triển lãm. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper chia sẻ rằng sự kiện này “thể hiện một giai đoạn mới trong nỗ lực toàn cầu hóa, đa dạng hóa và hiện đại hóa của Việt Nam, và Mỹ muốn trở thành một phần của nó.”

Theo cuộc khảo sát từ các chuyên gia chính sách Đông Nam Á, trong ASEAN, các chuyên gia Việt Nam đặc biệt cảnh giác với ảnh hưởng chiến lược ngày càng tăng của Trung Quốc và là một trong những nước ủng hộ ảnh hưởng của Mỹ nhất trong khu vực.[7] Ông Jonathan Stromseth, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đông Á, cho rằng việc đẩy mạnh hợp tác quân sự của hai quốc gia được cho rằng xuất phát từ mối quan ngại chung về các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông. [8]

(3) Y tế

Các chương trình y tế của chính phủ Mỹ tại Việt Nam đến năm 2015 lên tới tổng số hơn 900 triệu USD, kể từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, chiếm gần 75% tổng hỗ trợ của chính phủ Mỹ dành cho Việt Nam.[9] Tại thời điểm toàn thế giới ứng phó với đại dịch COVID-19, Mỹ và Việt Nam đã hợp tác nhằm nâng cao năng lực của Việt Nam trong việc ứng phó với đại dịch. Chính phủ Mỹ viện trợ Việt Nam hơn 10 triệu USD để chống dịch và phục hồi kinh tế. Trước đó, Chính phủ Việt Nam và nhiều địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã trao tặng quần áo bảo hộ, trang thiết bị y tế cho Chính phủ, nhân dân và cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ. Ngoài việc trao tặng 7,5 triệu liều vaccine, Mỹ đã cam kết các khoản hỗ trợ trị giá 26,7 triệu USD nhằm giúp Việt Nam ứng phó với đại dịch. Năm 2021, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã thành lập một văn phòng khu vực tại Hà Nội nhằm tăng cường sự tham gia của y tế công cộng ở Đông Nam Á.[10]

Vào tháng 3/2022, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Đoàn đại biểu cấp cao Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN (USABC), Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và USABC đã ký kết Biên bản ghi nhớ về triển khai chính sách bảo hiểm y tế. Mục tiêu của Biên bản ghi nhớ là tăng cường hợp tác song phương trong thực thi chính sách, tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy trao đổi thường xuyên giữa BHXH Việt Nam và các đối tác Mỹ. Biên bản này cũng đồng thời hướng tới phát triển hệ thống BHYT bền vững tại Việt Nam, giúp người dân tiếp cận một nền y tế an toàn, hiệu quả.[11]

2. Thực trạng một số quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam và các nước khác

Nhằm đáp ứng với nhu cầu phát triển toàn diện về kinh tế-chính trị-xã hội với nền tảng là hội nhập quốc tế sâu rộng, từ đầu thế kỷ XXI, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh nhiều dự án, sáng kiến lẫn chiến lược để thắt chặt quan hệ song phương với những đối tác trong và ngoài khu vực Đông Nam Á. Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam nhìn nhận việc thiết lập các mối quan hệ song phương có vai trò nền tảng cho sự phát triển của quốc gia, đồng thời thúc đẩy các cơ chế, chiến lược ngoại giao đa phương của mình ở cả hai cấp độ khu vực và quốc tế. Tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần XI (2011), tinh thần “hội nhập quốc tế tích cực và chủ động” được nhấn mạnh là yếu tố quyết định đối với chính sách đối ngoại Việt Nam.[12] Tính chất này được áp dụng và làm nền tảng cho mô hình xây dựng quan hệ “đối tác toàn diện” và “đối tác chiến lược” của Việt Nam với nhiều nước. Khuôn khổ chiến lược ngoại giao trên được Đại hội Đảng XI đã đóng vai trò nền tảng cho việc ứng dụng rộng rãi mô hình “đối tác toàn diện” và “đối tác chiến lược” trong quan hệ song phương giữa các nước với Việt Nam.[13]

Thực tế, từ những năm 2000, Việt Nam đã tiến hành việc mở rộng quan hệ ngoại giao và thiết lập quan hệ đối tác với nhiều nước khác nhau. Mặc dù trong nhận thức của Việt Nam có đến 30 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc nhiều khu vực khác nhau có tác động đến mục tiêu phát triển quốc gia, Việt Nam tập trung chủ yếu thiết lập quan hệ song phương với các quốc gia “có vị thế, chính trị, công nghệ […] có ích cho sự phát triển hòa bình, ổn định của Việt Nam”[14] Cho đến tháng 3/2023, Việt Nam có cơ chế quan hệ song phương thuộc cấp đối tác chiến lược với 17 quốc gia (4 trong số đó là đối tác chiến lược toàn diện), gồm: Nga (2001); Ấn Độ (2007); Trung Quốc (2008); Nhật Bản, Hàn Quốc và Tây Ban Nha (2009); Anh (2010); Đức (2011); Italy (1/2013), Thái Lan (6/2013), Indonesia (6/2013), Singapore (9/2013) và Pháp (9/2013); Malaysia và Philippines (2015); Úc (2018); New Zealand (2020). 5 trong số các quốc gia nêu trên là thành viên của ASEAN.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn chưa có định nghĩa chính thức và rõ ràng về khái niệm “đối tác chiến lược”. Bên cạnh đó, chính phủ Việt Nam cũng không có một khuôn khổ, tiêu chí chính thức nào để xác định một quốc gia có vai trò “chiến lược” với Việt Nam. Dù vậy, có thể nhận thấy rằng cấp “đối tác chiến lược” thuộc cấp bậc cao nhất trong cơ chế đối ngoại song phương của Việt Nam trong bối cảnh thực hiện nguyên tắc “không liên minh” với bất kỳ quốc gia nào.[15] Sự thiếu nhất quán trong việc thiết lập và xác định tính chất quan hệ cho thấy những tính toán chiến lược của Việt Nam nói riêng và nhiều quốc gia khác nói chung trong xu hướng xây dựng các quan hệ đối tác mang hướng “mở” (không ràng buộc trong các khía cạnh khác ngoài những lĩnh vực đã hợp tác chung). Tính chất “mở” của cơ chế này thể hiện qua việc mỗi cặp quan hệ đều phải thông qua tích cực đàm phán và tương tác nhằm xây dựng “các khuôn khổ, cơ chế hợp tác chung linh hoạt, giúp tăng cường (thực chất) khả năng đối thoại, tương tác lẫn nhau trong việc tạo lập một mối quan hệ hai bên đều có lợi”.[16]

Từ năm 1991, Nga tiếp tục là đối tác cung cấp các trang thiết bị quân sự lớn nhất và toàn diện nhất đối với Việt Nam, đặc biệt là các khí tài quân sự hiện đại, các gói nâng cấp và bảo dưỡng vũ khí Liên Xô, xuyên suốt đến sau năm 2014 (thời điểm Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam). Bên cạnh đó, quan hệ hợp tác Việt-Nga còn được củng cố ở các khía cạnh chiến lược khác như khoa học và công nghệ, hợp tác năng lượng (công nghệ dầu khí, hạt nhân, thủy điện…), hợp tác giáo dục và đào tạo (trong lẫn ngoài nước).[17]

Bối cảnh của đối tác chiến lược Việt-Ấn cũng đặt trọng tâm vào việc hợp tác chính trị-an ninh theo hướng toàn diện hóa. Tháng 7/2007, hai nước đã cam kết và thông qua “Tuyên bố chung 33 điểm” về cấp Đối tác Chiến lược. Tháng 11, hai nước đưa ra “Tuyên bố chung về Đối tác Chiến lược Việt Nam-Ấn Độ” trong đó xác định 6 vấn đề đối tác chính trị-an ninh trọng tâm, gồm: (1) Xây dựng cơ chế đối thoại cấp thứ trưởng; (2) hợp tác cải thiện năng lực hậu cần, năng lực huấn luyện quân đội và hoạt động chung; (3) tăng cường giao lưu, tiếp xúc các cấp lãnh đạo; (4) hợp tác nâng cao năng lực, hỗ trợ công nghệ và chia sẻ thông tin, đặc biệt về an ninh hàng hải; (5) hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố và củng cố an ninh mạng; (6) tăng cường hợp tác nhà nước ở lĩnh vực an ninh phi truyền thống.

Trong khi đó, quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc được duy trì và củng cố theo chiều sâu lẫn thực tiễn hóa với trọng tâm cũng chính là hợp tác chính trị-an ninh. Trong đó, được thể hiện qua ba lĩnh vực chính: (1) Tiến hành các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao; (2) củng cố cơ chế đối thoại quốc phòng và an ninh; (3) tiến hành các chuyến tuần tra chung. Tháng 10/2011, Nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm Trung Quốc và thông qua 5 văn kiện ngoại giao quan trọng. Tiếp tục trong tháng 4/2012, Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Đỗ Bá Tỵ đến thăm Trung Quốc để đề xuất thiết lập các đường dây liên lạc nóng ở cấp bộ trưởng, cũng như củng cố sử dụng hiệu quả đường dây nóng giữa hải quân hai nước. Trong năm 2006, hải quân hai nước đã tiến hành 13 đợt tuần tra chung tại Vịnh Bắc bộ. Riêng trong năm 2009, Việt Nam lần đầu tiên cử hai tàu hải quân đến thăm cảng Trạm Giang, thuộc tỉnh Quảng Đông, và một lần nữa trong năm 2011.[18]

Từ năm 2009, việc nâng cấp đối tác chiến lược đã được Việt Nam tiến hành nhanh chóng và phổ quát hơn. Những đối tác chiến lược mới của Việt Nam từ thời điểm này vốn không phải là những đối tác có bề dày về hợp tác chính trị-an ninh với Việt Nam. Thay vào đó, những nước này lại có sự phát triển nhanh chóng về vai trò kinh tế, văn hóa và xã hội từ khi Việt Nam “thực sự” bước vào giai đoạn mở cửa và hội nhập từ năm 1995.[19] Điều này phần nào phản ánh sự thay đổi trong nhìn nhận của Việt Nam về vai trò của “đối tác chiến lược” từ thúc đẩy lợi ích chính trị-an ninh sang thúc đẩy lợi ích chính trị-kinh tế.[20] Trong đó, giá trị và tiềm năng của hợp tác kinh tế song phương đóng vai trò nền tảng nhất, với những lợi ích đa dạng mà Việt Nam có thể thu được từ các đối tác như: khả năng tiếp cận với các nguồn nguyên, nhiên liệu giá rẻ; mở rộng, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu và xuất khẩu; xúc tác dòng chảy của FDI, đầu tư doanh mục vào Việt Nam; khả năng giúp nền kinh tế tiếp cận với các công nghệ, kỹ thuật, tiêu chí chất lượng cao hơn từ các đối tác nhằm tăng giá trị xuất khẩu;…

Thông qua củng cố các quan hệ đối tác chiến lược với các quốc gia thành viên ASEAN khác, Việt Nam đang đồng thời thể hiện vai trò dẫn dắt trong nhiệm vụ củng cố quan hệ nội bộ ASEAN và vai trò tổng hợp về kinh tế và chính trị của mình. Đối với quan hệ với nhóm các nước EU, Việt Nam cũng đang khẳng định vai trò mới của mình như một cầu nối để xây dựng quan hệ hợp tác mang tính chiến lược liên khu vực giữa ASEAN và EU.

IR Analytica


[1]  Lê, A (2022). Việt Nam, Hoa Kỳ đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực then chốt. Báo Điện tử Chính phủ.

https://baochinhphu.vn/viet-nam-hoa-ky-day-manh-hop-tac-trong-cac-linh-vuc-then-chot-10222111712145949.htm

[2]  Bảo, Q. (2021). Hiện trạng hợp tác kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ: Những góc nhìn mới. Đại học Fullbright Việt Nam.

https://fulbright.edu.vn/vi/hien-trang-hop-tac-kinh-te-viet-nam-hoa-ky-nhung-goc-nhin-moi/

[3] Pritesh, S. ; Nguyen, T. (2022). Why Vietnam Has Become a Promising Alternative for US Businesses in Asia. Vietnam Briefing.

[4] Ngoc, D. (2023). “Không gian phát triển thương mại Việt – Mỹ còn rất lớn”. Nhịp sống Kinh doanh.

https://nhipsongkinhdoanh.vn/khong-gian-phat-trien-thuong-mai-viet-my-con-rat-lon-post3106665.html

[5]  (2021). US-Vietnam, Relations in 2021: Comprehensive but short of strategic.The Diplomat.

https://thediplomat.com/2021/08/us-vietnam-relations-in-2021-comprehensive-but-short-of-strategic/

[6]  Vu, M. (2022). Hợp tác an ninh Việt – Mỹ giữa cuộc cạnh tranh khu vực. BáoThanh Niên.

https://thanhnien.vn/hop-tac-an-ninh-viet-my-giua-cuoc-canh-tranh-khu-vuc-1851485397.htm

[7] ASEAN Studies Center; Yusof Ishak Institute (2022). The state of Southeast Asia 2022: Survey Report. FSC certified paper.

https://www.iseas.edu.sg/wp-content/uploads/2022/02/The-State-of-SEA-2022_FA_Digital_FINAL.pdf

[8] Stromseth, J. (2022). A window of opportunity to upgrade US-Vietnam relations. Brookings.

[9] Hoa Kỳ và Việt Nam kỷ niệm 20 Hợp tác Y tế. Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam.

https://vn.usembassy.gov/vi/u-s-and-vietnam-celebrate-20th-anniversary-of-health-cooperation-vi/

[10]  Như trích dẫn 8.

[11] Tra, M. ; Nhat, D. (2022). Vietnam & US cooperate on health insurance policy. VNEconomy.

https://vneconomy.vn/vietnam-us-cooperate-on-health-insurance-policy.htm

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam. (2011, January 19th). Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xi/nghi-quyet-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xi-dang-cong-san-viet-nam-1524

[13] Van, N. K.; Trung, N. X. (2021). Vietnam and the United States: A Strategic Partnership in the Future? India Quarterly A Journal of International Affairs. 77(2) 238–251, 2021. Tr. 15

[14] Báo Chính phủ Việt Nam. (2015, ngày 14 tháng 12). Hướng đi chiến lược của ngoại giao Việt Nam trong thế kỷ 21. http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Huong-di-chien-luoc-cua-ngoaigiao-Viet-Nam-trong-the-ky-21/243664.vgp

[15] Tuấn, Công Đinh (2013). Vài nét về quan hệ đối tác chiến lược. Tạp chí Cộng sản. https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/22829/vainet-ve-quan-he-doi-tac-chien-luoc.aspx

[16] Tung, N. V., & Tuan, H. A. (2006). Quan hệ đối tác chiến lược trong quan hệ quốc tế: từ lý thuyết đến thực tiễn. Học viện Ngoại giao Việt Nam.

[17] Thayer, C. A. (2012). Vietnam on the road to global integration: Forging Strategic partnerships through international security cooperation. Việt Nam học – Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế lần thứ tư. 63-4.

[18] Thayer, C. A. (2012). Vietnam on the road to global integration: Forging Strategic partnerships through international security cooperation. Việt Nam học – Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế lần thứ tư. Tr.66

[19] VOV (2020). Việt Nam đang ở đâu trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế? Tuyên Quang TV. https://www.tuyenquangtv.vn/kinh-te/201909/viet-nam-dang-o-dau-trong-tien-trinh-hoi-nhap-kinh-te-quoc-te-daa2bc9/

[20] Giang Phung & Michael Tröge (2018). Can Foreigners Improve the Profitability of Emerging Market Banks? Evidence from the Vietnamese Strategic Partner Program, Emerging Markets Finance and Trade, 54:7, 1672-1685, DOI: 10.1080/1540496X.2017.1318055

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *