Quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan 2022

Tổng quan mối quan hai bờ eo biển Đài Loan trước nhiệm kỳ thứ 2 của Thái Anh Văn (trước năm 2020):

Quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan mang tính phức tạp. Trong quá khứ, mâu thuẫn cốt lõi giữa Trung Quốc đại lục và lãnh thổ Đài Loan (về sau trong bài viết này sẽ gọi tắt là Đài Loan) là sự tranh giành để trở thành đại diện chính danh cho Trung Quốc, là chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, hay chính phủ Trung Hoa Dân quốc do Quốc Dân Đảng lãnh đạo. Khi Lý Đăng Huy lên thay Tưởng Kinh Quốc lãnh đạo Đài Loan vào năm 1988, một mặt, ông phải trung thành với lập trường của Quốc dân Đảng (KMT) rằng chính phủ Trung Hoa Dân Quốc là đại diện chính danh của Trung Quốc. Mặt khác, là một người bản địa sinh ra ở Đài Loan, ông không có mối liên kết mạnh mẽ với danh tính “Trung Quốc”.[1] Năm 1996 sau chiến thắng cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên và trở thành tổng thống Đài Loan, ông đã đặt nền tảng cho học thuyết “Hai nhà nước”, với tầm nhìn rằng Trung Quốc và Đài Loan là hai quốc gia riêng biệt.[2] Ông thúc đẩy phong trào bản địa hóa Đài Loan, thực hiện những chính sách giáo dục theo hướng củng cố bản sắc riêng nhằm thay đổi nhận thức về danh tính của những người Đài. Từ đó, xuất hiện một mâu thuẫn mới giữa Đài Loan và Trung Quốc, đó là từ việc tranh giành ai là đại diện hợp pháp của Trung Quốc, sang Đài Loan yêu cầu trở thành một nhà nước độc lập. Năm 1986, một đảng chính trị gọi là Đảng Dân Tiến (DPP) ra đời và ngày càng phát triển, trở thành một trong hai Đảng lớn chi phối nền chính trị Đài Loan, bên cạnh Quốc Dân Đảng (KMT). Được thành lập bởi những người Đài Loan bản địa chia sẻ cùng cảm giác không có mối liên kết mạnh mẽ với danh tính Trung Hoa, Đảng Dân Tiến ủng hộ lập trường Đài Loan cần phải được công nhận là một quốc gia chủ quyền độc lập (ghi nhận trong Nghị quyết Đảng 1991).[3] Hai đảng KMT và DPP theo đuổi các quan điểm khác nhau trong mối quan hệ với đại lục và tương lai của Đài Loan, gây ra sự phân cực trong chính trị nội bộ.

Do đó, quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan từ đó đến nay biến động qua các thời kỳ phần lớn phụ thuộc vào quan điểm của Cá nhân lãnh đạo  và Đảng lãnh đạo. Dưới thời kỳ lãnh đạo của Mã Anh Cửu và Đảng Quốc Dân từ năm 2008 – 2016, quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan được cải thiện. Tuy nhiên, phong trào dân chủ ở Hong Kong đã làm bùng lên một làn sóng chống Trung Quốc đại lục tại Đài Loan, góp phần đưa đến  chiến thắng của bà Thái Văn Anh và Đảng Dân tiến trong cuộc bầu cử năm 2016. Năm 2016, bà Thái Văn Anh – chủ tịch Đảng Dân tiến trở thành tổng thống Đài Loan, đã bắt đầu một giai đoạn căng thẳng trở lại trong mối quan hệ hai bờ eo biển. Vốn là người ủng hộ mạnh mẽ cho nền dân chủ và lập trường độc lập của Đài Loan,[4] mâu thuẫn giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan ngày càng trở nên sâu sắc.

Bên cạnh đó, dưới thời kỳ Thái Văn Anh, quan hệ giữa Đài Loan – Mỹ, một trụ cột quan trọng để Đài Loan theo đuổi chính sách độc lập, cũng trở nên thân thiết hơn, khi cả ông Trump và bà Thái chia sẻ lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc, khiến Bắc Kinh lo lắng. Hiện diện quân sự của Mỹ ở eo biển Đài Loan tăng cao hơn bao giờ hết, các trao đổi cấp cao được nối lại, và hợp đồng mua bán vũ khí gia tăng.[5] Giữa Đài Loan và Mỹ từ lâu còn tồn tại một thỏa thuận là Đạo luật Quan hệ Đài Loan (Taiwan Relations Act), trong đó, cam kết rằng nếu xảy ra trường hợp vấn đề Đài Loan bị dàn xếp bằng các biện pháp phi hòa bình, Mỹ sẽ hỗ trợ Đài Loan nâng cao năng lực phòng thủ để đối phó với các mối đe dọa. Thỏa thuận từ trước đến nay luôn là “một cái gai trong mắt” Trung Quốc.

Kể từ sau khi bà Thái đắc cử, Trung Quốc đã có nhiều động thái nhằm đe dọa Đài Loan và gửi đi thông điệp chính trị rằng sáp nhập đại lục là lựa chọn tốt nhất đối với đảo này. Thống nhất Đài Loan là một trong những vấn đề cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Tập Cận Bình trong bài phát biểu kỷ niệm 110 năm cách mạng Tân Hợi từng khẳng định rằng việc Đài Loan đòi độc lập là một mối đe dọa nghiêm trọng với kế hoạch phục hưng Trung Hoa 2049[6] và Trung Quốc sẽ dùng mọi biện pháp cần thiết, thậm chí là vũ lực, để thống nhất Đài Loan.[7] Yếu tố Mỹ xuất hiện lại càng khiến mối quan hệ Đài Loan – Trung Quốc diễn biến phức tạp khi Tổng thống Biden sau khi nhận chức đã mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc và khẳng định cam kết với Đài Loan.[8] Trung Quốc đã đã tăng tần suất và quy mô của các cuộc tuần tra không quân (gồm máy bay ném bom, máy bay chiến đấu,…), lẫn hải quân (gồm các tàu chiến, tàu sân bay) của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) quanh vùng trời và vùng biển gần Đài Loan, cũng như triển khai các biện pháp phi quân sự như răn đe kinh tế, tấn công an ninh mạng. Bài viết này sẽ đi vào tổng hợp, phân tích diễn biến mối quan hệ Đài – Trung từ nhiệm kỳ thứ 2 của lãnh đạo Thái Văn Anh đến nay.

Chủ trương và lập trường của các bên trong giai đoạn 2020

Lập trường của Trung Quốc đối với Đài Loan

Trung Quốc quyết tâm phải thống nhất Đài Loan và chủ trương “nguyên tắc một Trung Quốc” (One China Principle) với nội dung rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là nhà nước chính danh duy nhất đại diện Trung Quốc và Đài Loan là một phần của Trung Quốc, phản đối các quan điểm “Đài Loan độc lập”, “Hai Trung Quốc”.[9] Mối quan hệ Trung Quốc – Đài Loan được ràng buộc trên nền tảng của một thỏa thuận gọi là “Đồng thuận 1992”[10], được ký kết bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc dân đảng, với nội dung rằng: hai bên đồng ý rằng chỉ tồn tại duy nhất một dân tộc Trung Quốc (Chinese nation – với lãnh thổ bao gồm đại lục, Đài Loan, Bành Hồ và các đảo xung quanh), mà trong đó có 2 nhà nước (states), tức thừa nhận sự tồn tại của nhau, nhưng bất đồng về tất cả những vấn đề còn lại như cách hiểu “Một Trung Quốc” là như thế nào, bên nào là đại diện hợp pháp ở quốc tế, mối quan hệ giữa hai nhà nước,… Để củng cố cho lập trường thống nhất Đài Loan của mình, Trung Quốc thường hay giải thích quan điểm “Một Trung Quốc” này là tồn tại một Trung Quốc được đại diện hợp pháp bởi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và Trung Quốc phản đối các quốc gia khác là can thiệp bất hợp pháp vào công việc nội bộ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.[11]

Trung Quốc tiến tới có những chính sách “định hình chủ động” hơn với khu vực này. Trung Quốc chủ trương dùng phối hợp sức mạnh mềm và sức mạnh cứng để tìm kiếm sự thống nhất với Đài Loan. Trung Quốc sẽ dùng các chính sách thúc đẩy lợi ích lâu dài để lôi kéo người dân Đài Loan. Trong một bài phát biểu năm 2019, ông Tập Cận Bình đã nhắc lại đề xuất hợp nhất Đài Loan vào Đại lục theo công thức “một quốc gia, hai chế độ”[12] tương tự trường hợp của Hồng Kông và Macau. Theo đề nghị này, Đài Loan sẽ trở thành đặc khu hành chính của Trung Quốc, bán đảo này vẫn sẽ có một số quyền tự trị nhất định. Đổi lại, Đài Loan phải công nhận chỉ tồn tại một Trung Quốc với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là đại diện chính danh duy nhất. Tuy nhiên, Đài Loan nhiều lần từ chối mô hình này và đến nay chưa có đề nghị nào khác được đưa ra. Song song đó, Trung Quốc phối hợp với các đe dọa, kiềm chế và sức ép vũ trang để có thể đạt được mục tiêu thống nhất khu vực này.[13] Trong số đó, Trung Quốc triển khai chiến thuật “vùng xám” bằng cách dùng các lực lượng vũ trang phi truyền thống và hành động không rõ ràng với mục tiêu bào mòn Đài Loan về mặt chính trị, quân sự và tâm lý.[14] Các nhà quan sát nhận định rằng việc máy bay của quân đội Trung Quốc (PLA) bay vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan với mật độ ngày càng tăng là dẫn chứng cho chiến lược vùng xám của Trung Quốc[15]

Quốc gia này cũng quyết tâm không từ bỏ Đài Loan hay nhượng bộ, thậm chí có thể dùng vũ lực để lấy lại khu vực này. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 11/2021, Chủ tịch Tập Cận Bình đã ngụ ý về sử dụng vũ lực khi nói sẽ “tìm kiếm giải pháp tái thống nhất hòa bình một cách chân thành, nhưng nếu phe ly khai Đài Loan khiêu khích hoặc vượt lằn ranh đỏ, Trung Quốc đại lục có hành động quyết đoán.”[16] Do đó, khả năng thống nhất trong hòa bình giữa Trung Quốc và Đài Loan ngày càng thấp, nguy cơ Trung Quốc sử dụng vũ lực ngày càng tăng cao.[17]

Lập trường của Đài Loan với Trung Quốc

Trong khi đó, Đài Loan luôn mong muốn giữ vững độc lập, không sáp nhập vào Trung Quốc. Lập trường trên thể hiện ở góc độ chính phủ và người dân.

Về phía chính phủ, Đài Loan khẳng định rằng họ là quốc gia có chủ quyền, có danh tích riêng và tách rời khỏi Trung Quốc.  Bà Thái Văn Anh chịu nhiều ảnh hưởng của cựu lãnh đạo Lý Đăng Huy vốn là một người ủng hộ chế độ dân chủ và theo đuổi chính sách “Hai nhà nước” (Two-state Policy), tức Đài Loan và Trung Quốc đại lục là hai quốc gia khác nhau.[18] Ảnh hưởng từ ông, bà Thái Văn Anh có lập trường chống Trung Quốc mạnh mẽ và luôn thể hiện rõ quan điểm từ chối sáp nhập Đài Loan thành một phần lãnh thổ của Trung Quốc.[19] Bà Thái Văn Anh nhất quán chính sách cam kết đối thoại với Bắc Kinh, nhưng từ chối công nhận “Thỏa thuận 1992” – vốn là cơ sở của để Trung Quốc khẳng định tính chính đáng của việc thống nhất Đài Loan, cũng như bác bỏ nỗ lực của đại lục đưa Đài Loan về mô hình “một quốc gia, hai chế độ”. Đối mặt với những hành động của Trung Quốc, bà Thái Anh Văn nói rằng Đài Loan sẽ làm bất cứ điều gì để tự vệ.[20] Thậm chí, bà Thái nói rằng Trung Quốc ngày càng trở nên mạnh mẽ và đầy tham vọng, Đài Loan đang phải ”đối mặt với những mối đe dọa ngày càng lớn.”[21] Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Đài Loan chuẩn bị chiến lược để đối phó với chiến lược “vùng xám” của Trung Quốc, cam kết giữ vững chủ quyền và sự dân chủ trên hòn đảo.[22]

Về phía người dân, kết quả các cuộc thăm dò dư luận của Đại học Quốc gia Chengchi năm 2020 cho thấy mọi người ủng hộ việc duy trì nguyên trạng. Đa số người được thăm dò cũng phản đối mô hình “ một quốc gia, hai hệ thống” sau những gì đã xảy ra với Hong Kong vào 30/6/2020, người dân cũng cảm thấy gắn bó với Đài Loan nhiều hơn, chỉ 3% người khảo sát xem mình là người Trung Quốc, trong khi đó 64% cư dân xem mình là người Đài Loan.[23]    

Thực tiễn triển khai chính sách của hai bên từ 2020

Về phía Trung Quốc

Số lượng máy bay chiến đấu của Trung Quốc xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan ngày càng gia tăng. Theo số liệu thống kê của BBC, năm 2020 máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã thực hiện 380 vi phạm vùng nhận diện phòng không của Đài Loan (ADIZ). Đến năm 2021, số lượng này tiếp tục tăng và đạt mức kỷ lục trong 40 năm qua. Tính tới ngày 2/12/2021, số liệu tổng hợp qua kênh của Bộ Quốc phòng Đài Loan là 892 cuộc xâm nhập.

image 1
Bản đồ vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan

Giải thích: Việc xâm nhập của máy bay chiến đấu từ phía Trung Quốc là khi vượt qua lằn ranh trắng chạy dọc theo eo biển Đài Loan. Thông thường, máy bay Trung Quốc sẽ xâm nhập vào ADIZ của Đài Loan về phía Tây Nam.

Người dân ở Đài Loan không còn quá ngạc nhiên và lo sợ với vấn đề Lực lượng Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc vượt qua ADIZ Đài Loan và coi như đó là chuyện bình thường.  Theo một bài phóng sự của CNN, hành động Trung Quốc nhằm phô trương sức mạnh quân sự và răn đe, tiêm nhiễm nỗi sợ vào người dân Đài Loan nhưng thực chất cũng không đạt được kết quả như mong đợi vì người Đài Loan đã quá quen với việc này. Tuy nhiên cũng không thể bỏ qua sự gia tăng đột biến của máy bay chiến đấu Trung Quốc xâm phạm vào ADIZ Đài Loan vào năm 2021. Nếu năm 2020, tần suất xâm phạm ADIZ Đài Loan có xu hướng tăng dần từ đầu đến cuối năm (theo BBC) thì năm 2021 xu hướng này cũng duy trì với tần suất tăng mạnh vào cuối năm nhưng trước đó cũng có sự tăng và giảm vào tháng 3, tháng 4. Đặc biệt tháng 10 và tháng 11 chứng kiến số lượng rất cao máy bay của Trung Quốc xâm phạm ADIZ của Đài Loan lần lượt là 196 lần và 168 lần, khiến cho không chỉ giới quan chức Đài Loan mà còn là chính phủ các nước trong khu vực như Mỹ, Nhật, Úc lo ngại việc xảy ra chiến tranh giữa Trung – Đài tại eo biển Đài Loan.[24]

image 2
Tần suất ADIZ của Đài Loan bị xâm phạm vào năm 2020 (từ tháng 1 tới tháng 10)
Nguồn: BBC
image 3
Tần suất ADIZ của Đài Loan bị xâm phạm vào năm 2021 (tính tới 2/12/2021)
Nguồn: IR Analytica tổng hợp

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn sử dụng những cách thức khác nhằm phô diễn sức mạnh quân sự và răn đe Đài Loan. Nhiều học giả cho rằng vào ngày 10/8/2020, Trung Quốc đã tổ chức một loạt các cuộc tập trận dọc theo bờ biển của nước này. Các cuộc tập trận diễn ra tại 3 vùng biển khác nhau bao gồm các cuộc tập trận “thực tế” ở eo biển Đài Loan, ở cả hai đầu phía bắc và nam của hòn đảo. Báo chí Trung Quốc mô tả là một cuộc diễn tập “lớn” ở eo biển hồi đầu tháng, được thiết kế vừa như một cuộc huấn luyện quân sự, vừa như “một sự răn đe rõ ràng và chưa có tiền lệ” tới Đài Loan và thậm chí là Mỹ.[25] Cũng trong tháng 8/2020, Trung Quốc được cho là đã cho phóng các tên lửa đạn đạo chống hạm đầu tiên trên thế giới, có biệt danh là “sát thủ tàu sân bay”. Còn trong diễn biến căng thẳng tại eo biển Đài Loan vào tháng 10/2021, ngoài điều 196 máy bay quân sự vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, PLA cũng tổ chức các cuộc tập trận đổ bộ lớn trên đất liền đối diện Đài Loan như một sự phô trương lực lượng. Từ đó dẫn đến nguy cơ gây mất ổn định an ninh trong khu vực.

Về phía Đài Loan

Trước sự gia tăng căng thẳng, áp lực từ Trung Quốc, lực lượng phòng vệ Đài Loan cũng tiến hành nâng cấp vũ khí và nâng cao năng lực tác chiến nhiều hơn từ năm 2019. Về mặt khí tài, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) trong suốt khoảng thời gian từ năm 1950, Đài Loan đã mua bán vũ khí với các nước như Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Israel, Hà Lan, Singapore, Thụy Điển, Anh và Mỹ. Tuy nhiên tính tới nay, Mỹ luôn là đối tác mua bán vũ khí thường xuyên với mật độ lớn nhất đối với Đài Loan.[26] Cũng theo số liệu của SIPRI, tổng lượng vũ khí nhập vào Đài Loan giảm trong giai đoạn 2016-2020 so với giai đoạn trước đó là 2011-2015. Tuy nhiên xu hướng sẽ tăng trở lại với những thỏa thuận mua bán vũ khí với Mỹ năm 2019 cũng như năm 2021 dưới chính quyền mới Biden và thỏa thuận với Pháp. Bên cạnh đó, tổng ngân sách quốc phòng của Đài Loan năm 2019 là 11,34 tỷ đô và dự đoán sẽ tăng lên 13 tỷ đô trước năm 2027.[27] Ngoài ra chính phủ Đài Loan lên kế hoạch phát triển phi cơ diễn tập trong nước, hệ thống tàu ngầm và những công nghệ vũ khí khác để bổ trợ cho nguồn vũ khí chuyển giao từ nước ngoài.

Vũ khí phòng không hiện đại nhất trong biên chế lực lượng phòng vệ Đài Loan là tên lửa Patriot PAC-3, với ít nhất 7 hệ thống đã được biên chế và đang được bổ sung. Bên cạnh hệ thống này, lực lượng vũ trang Đài Loan còn dựa vào hệ thống tên lửa phòng không nội địa Thiên Cung 3 có khả năng theo dõi và đánh chặn tên lửa đạn đạo, máy bay chiến đấu và các mối đe dọa đường không trong phạm vi khoảng 200 km. Một báo cáo hồi tháng 8/2021 nhận định hòn đảo đang xây dựng và cải tạo 12 căn cứ tên lửa để làm nơi triển khai Thiên Cung 3. Không những thế, từ tháng 8 -11/2021, Đài Loan đã ký hợp đồng trị giá 3,96 tỷ USD với tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ để nâng cấp 141 tiêm kích F-16A/B sang chuẩn F-16V, trong đó 64 chiếc đã hoàn thành. Đài Loan cũng đặt mua thêm 66 tiêm kích F-16V của Mỹ trong thương vụ trị giá 8 tỷ USD, khiến hòn đảo trở thành lực lượng vận hành nhiều tiêm kích F-16 nhất châu Á. F-16V là tiêm kích hiện đại nhất trong biên chế lực lượng phòng vệ Đài Loan. Cũng trong thời gian này lãnh đạo Đài Loan, bà Thái Anh Văn cũng nhận định càng nhiều tiêm kích F-16V được biên chế, hệ thống phòng thủ của Đài Loan sẽ càng mạnh hơn. Không những thế, chính quyền Biden cũng đã phê duyệt thỏa thuận mua bán vũ khí đầu tiên với Đài Loan với pháo tự hành và đạn dược công nghệ cao trị giá 750 triệu đô. Ngoài ra từ năm 2022 – 2027, Đài Loan sẽ tiếp tục nhận thêm 108 xe tăng 108 M1A2T từ Mỹ dựa theo thỏa thuận ký năm 2019. 

Còn về tăng cường năng lực quân sự, quân đội Đài Loan đã thực hiện cuộc diễn tập quân sự Han Kuang lần thứ 37 kéo dài trong vòng 5 ngày từ 14/9-18/9/2021. Với các khẩu hiệu “bảo vệ đất nước (#ProtectOurCountry), Phòng vệ tuyến đầu (#FrontlineGuardian), trong 5 ngày diễn tập quân sự, Lực lượng phòng vệ của Đài Loan đã triển khai pháo binh, xe bọc thép CM-23 và xe tăng M60A3, tiến hành cuộc tập trận chống đổ bộ bắn đạn thật ở Penghu cũng như diễn tập các mô hình máy bay như IDF, F16V, Mirage2000 và E2K.[28] Mục tiêu của các cuộc tập trận này là gia tăng năng lực của quân đội trong việc chống lại các mối đe dọa độc tài trên bộ, trên biển và trên không cũng như cho thấy Lực lượng Phòng vệ Đài Loan sẵn sàng bảo vệ nền tự do và dân chủ của đất nước và người dân Đài Loan. Sau sự kiện này và thỏa thuận mua vũ khí 75 triệu đô với Mỹ vào tháng 8, số lượng tiêm kích của Trung Quốc đổ bộ vào ADIZ của Đài Loan cũng tăng vọt từ 34 cuộc trong tháng 8 lên đến 117 cuộc vào tháng 9 và đạt mốc kỷ lục 196 cuộc vào tháng 10 năm nay.

Đánh giá quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan hiện nay:

(1)    Đánh giá chung:

Nhìn chung, quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan trong nhiệm kỳ hai của bà Thái Anh Văn đặc trưng bởi sự căng thẳng quân sự, chính trị. Hai bên đều đang cho thấy quyết tâm giữ vững chủ trương của mình.

Đối với Đài Loan, chính phủ bà Thái Anh Văn kiên quyết giữ vững sự độc lập và đầu tư vào quá trình hiện đại hóa quân sự. Tuy nhiên, nếu so tương quan với lực lượng Trung Quốc, năng lực của quân đội Đài Loan còn nhiều hạn chế về cả chất và lượng. Thứ nhất, quân đội Đài Loan đang bị thiếu hụt về mặt số lượng, còn binh sĩ thì thiếu khả năng thực chiến. Theo thống kê từ Lầu Năm Góc, Trung Quốc hiện có hơn 1 triệu lính bộ binh, trong khi lực lượng vũ trang Đài Loan chỉ ở mức 187.660 binh sĩ tại ngũ.[29] Các lực lượng này không được đào tạo bài bản, thiếu tinh thần sẵn sàng chiến đấu lẫn kinh nghiệm thực chiến. Theo nhận xét của ông Grant Newsham – cựu đại tá Thủy quân lục chiến Mỹ, người dành cả năm 2019 ở Đài Loan để nghiên cứu khả năng phòng thủ của hòn đảo, lực lượng vũ trang Đài Loan đang bị thiếu hụt vốn, và hệ thống dự trữ của hòn đảo này là một sự hỗn loạn. Mặc dù chính quyền bà Thái đã đầu tư mạnh tay vào hệ thống tiêm kích hiện đại, các chuyên gia Mỹ nhận xét Đài Loan cũng cần phải bổ sung thêm các các loại vũ khí như thủy lôi và tên lửa hành trình ven biển để có thể đánh chặn trong nhiều ngày trong tình huống bị tấn công.[30] Tuy khả năng quốc phòng của Đài Loan còn nhiều yếu kém, Trung Quốc vẫn ưu tiên chiến lược răn đe, gây áp lực hơn là biện pháp vũ lực. Các tính toán tấn công Đài Loan cần phải thận trọng, cân nhắc đến rủi ro Mỹ cùng các đồng minh sẽ can thiệp và hậu thuẫn cho Đài Loan một khi Trung Quốc tấn công vào vùng lãnh thổ này. Đối với Mỹ, Đài Loan có vai trò quan trọng trong việc xây dựng một mặt trận chống Trung Quốc ngay tại khu vực châu Á khi Đài Loan vừa có ý chí chính trị chống lại Trung Quốc, lại đi theo mô hình dân chủ. Ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ, ông Biden đã định hình chính sách đối ngoại của mình với các giá trị dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền. Ông Biden cũng kêu gọi các nền dân chủ cần phải đoàn kết, hợp tác nhằm hình thành một liên minh để chống lại chế độ chuyên quyền, hay nói cách khác là Trung Quốc và Nga.[31] Do đó, nếu Mỹ để Trung Quốc hoàn thành việc kiểm soát Đài Loan sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến đường lối đối ngoại này. Trong một bài viết trên trang Foreign Policy, bà Thái Anh Văn cũng cảnh báo rằng Đài Loan đang đứng trên tuyến đầu của cuộc tranh chấp toàn cầu giữa nền dân chủ và nền độc tài. Nếu Đài Loan thất bại thì đó sẽ là một thảm họa cho hòa bình của khu vực và liên minh dân chủ.[32]

Đối với Trung Quốc, vấn đề Đài Loan vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu và chính quyền ông Tập đang vận dụng chiến thuật “tối đa hóa áp lực”. Về mặt quân sự, sự gia tăng số lần xâm nhập vào ADIZ của Đài Loan và tiến hành các cuộc tập trận lớn là một cách Trung Quốc phô diễn khả năng quân sự, gây sức ép lên người dân và chính quyền Đài Loan. Các động thái này sẽ càng có tác dụng trong bối cảnh các quốc gia đều đang phải tập trung lực lượng đương đầu với dịch bệnh. Điều này đúng với chủ trương mà nước này đề ra là kiềm chế, răn đe và gây áp lực. Trong bối cảnh ông Biden nhiều lần khẳng định sẽ bảo vệ các đồng minh trong đó có Đài Loan, sự răn đe này không chỉ hướng đến Đài Loan mà còn gửi đi thông điệp với Mỹ hay các quốc gia khác rằng Trung Quốc có đủ khả năng để thực hiện việc thống nhất. Về mặt chính trị ngoại giao, chính quyền Trung Quốc cũng nhiều lần khẳng định sẽ không nhượng bộ đối với vấn đề mang tính cốt lõi như Đài Loan và cảnh báo việc Mỹ ủng hộ Đài Loan độc lập là “đùa với lửa”.[33]

 (2)    Nguy cơ xảy ra chiến tranh Trung – Đài

Để trả lời cho câu hỏi liệu có xảy ra một cuộc chiến tranh Trung – Đài hay không, các học giả chia làm hai luồng quan điểm đối lập. Các đánh giá này dựa trên hai cơ sở là ý chí chính trị của Trung Quốc trong việc giành lại Đài Loan và khả năng quân sự của nước này.

Một mặt, có nhóm chuyên gia cho rằng tình hình căng thẳng hiện có tại eo biển Đài Loan có thể vượt ngoài tầm kiểm soát và trở thành một cuộc chiến tranh. Vào ngày 19/5, Học viện Xuyên eo biển Trung Quốc đã công bố một báo cáo về mối quan hệ Trung Quốc – Đài Loan. Trong đó, khi xem xét các chỉ số về sức mạnh quân sự, quan hệ thương mại, dư luận, các sự kiện chính trị và sự ủng hộ của các đồng minh, các nhà nghiên cứu của học viện đã đi đến kết luận rằng hai bên đang “bên bờ vực chiến tranh”.[34] Song Yu-Ning, một biên tập viên cấp cao của tạp chí Defense International, cũng cảnh báo Đài Loan nên cẩn thận trước các hành động khiêu khích của Trung Quốc khi nhận thấy cường độ của các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc có thể làm tăng khả năng xảy ra chiến tranh.[35] Khi cân nhắc đến những yếu tố có thể khiến Trung Quốc tạm thời không đẩy căng thẳng lên thành một cuộc chiến, sử gia Niall Ferguson nhận định việc Mỹ rút khỏi Afghanistan có thể làm thay đổi các tính toán về rủi ro của ông Tập Cận Bình và gia tăng mức độ tự tin của nước này trong việc tấn công Đài Loan. Bởi lẽ, việc Mỹ rút quân khỏi Trung Đông đang cho thấy chính quyền ông Biden không muốn tiếp tục can dự vào các cuộc chiến ở bên ngoài.[36] Về thời điểm, Đô đốc Mỹ Philip Davidson dự đoán rằng chiến tranh có thể sẽ xảy ra trong vòng 6 năm tới[37] 

Tuy nhiên, cũng có các luồng quan điểm phản bác lại các lập luận nêu trên và cho rằng chiến tranh sẽ khó có khả năng xảy ra bởi Trung Quốc không có ý định và chưa đủ khả năng. Theo Tổng giám đốc Cục An ninh Đài Loan Chen Ming-tong, mặc dù tình hình tại Đài Loan đang trở nên căng thẳng hơn so với lúc trước, nhưng chưa đạt đến mức có thể dẫn đến một cuộc tấn công thực sự vào vùng lãnh thổ này.[38] Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho biết Trung Quốc dường như không có mong muốn dùng vũ lực tấn công Đài Loan những năm tới, ngay cả khi nước này đang cho thấy sự chuẩn bị và phát triển về khả năng quân sự để thực hiện việc tấn công. Theo nhà báo Mu Chunshan lập luận, trong một bài viết trên trang The Diplomat, tham vọng thống nhất Trung Quốc và lấy lại Đài Loan là mục tiêu của các nhà lãnh đạo nước này trong các thời kỳ, chứ không riêng gì ông Tập Cận Bình. Nhưng điều này không có nghĩa rằng chính quyền Trung Quốc sẽ dùng tới chiến tranh để hoàn thành mục tiêu, và nếu thật sự mong muốn dùng vũ lực thì Trung Quốc đã thực hiện điều đó trong vòng 70 năm qua. Nhà báo này nhận định thêm, tấn công Đài Loan hay không không chỉ xoay quanh vấn đề khả năng quân sự mà chính người dân, xã hội Trung Quốc chưa sẵn sàng cho chiến tranh[39]. Bên cạnh các quan điểm đánh giá ý chí chính trị của Trung Quốc, giáo sư Steve Tsang, giám đốc Học viện SOAS Trung Quốc tại London cho rằng bản thân lực lượng PLA không đủ năng lực để chiếm lấy Đài Loan mà phải đồng thời ngăn chặn sự can thiệp của quân đội Mỹ. Muốn chiếm giữ thành công Đài Loan bằng hình thức quân sự, học giả này dự đoán Trung Quốc sẽ cần ít nhất 10 năm nữa để củng cố năng lực và tăng cảm giác tự tin.[40] Wen-Ti Sung, giảng viên Nghiên cứu Đài Loan tại Đại học Quốc gia Australia, cũng đồng ý rằng Trung Quốc hiện không có khả năng quân sự cũng như ý chí chính trị để phát động một cuộc tấn công quân sự toàn diện nhắm vào Đài Loan. Ông nói rằng Đài Loan là một vấn đề quan trọng, nhưng không phải là một vấn đề cấp bách đối với Trung Quốc. Trong khi, nước này đang tập trung hơn vào việc giải quyết các vấn đề nội bộ như Hội nghị lần thứ 6 sắp tới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và đại hội đảng lần thứ 20. Chuyên gia nhấn mạnh Trung Quốc đang kiên nhẫn về mặt chiến lược và đợi cho đến khi cán cân quân sự có lợi hơn cho nước này trước khi xem xét lựa chọn thống nhất bằng vũ lực.[41]

 (3)    Tác động của căng thẳng hai bờ eo biển Đài Loan:

  1. Đối với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á:

Một số quốc gia Đông Nam Á, như Việt Nam, Philippines, hiện đang có căng thẳng liên quan đến tuyên bố chủ quyền trên biển với Trung Quốc. Đối với các quốc gia này việc Trung Quốc thành công lấy lại Đài Loan là một tín hiệu xấu, bởi nó cho thấy Trung Quốc có đủ ý chí chính trị và khả năng để đạt được những vùng lãnh thổ mà quốc gia này đang nhắm tới. Theo đánh giá của thượng nghị sĩ bang Texas John Cornyn, một khi Trung Quốc thu được vùng lãnh thổ Đài Loan sẽ tạo ra hiệu ứng domino trong khu vực. Điều này cũng có nghĩa là Trung Quốc sẽ không chỉ dừng lại ở Đài Loan mà còn bắt đầu chú ý đến cả vùng lãnh thổ của Philippines và Việt Nam[42]. Mục tiêu của Trung Quốc không chỉ là thống nhất Đài Loan mà còn hướng tới nắm quyền kiểm soát trên biển nói chung, bao gồm cả khu vực đang có căng thẳng tại Đông Nam Á là Biển Đông. Từ sau đại hội đảng lần thứ 19, Trung Quốc đã bắt đầu tăng cường đầu tư cho quá trình hiện đại hóa quân sự[43]. Trên Biển Đông, Trung Quốc cũng tiến hành cải tạo, xây dựng các đảo nhân tạo và đặt căn cứ quân sự ở đây. Trong khi đó, Việt Nam hiện đang quản lý 21 đảo và bãi đá ngầm trên quần đảo Trường Sa.[44] Việc chiếm được Đài Loan sẽ là bước ngoặt tạo thuận lợi cho Trung Quốc trong chuỗi đảo thứ nhất[45] và tấn công các vị trí thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đang quản lý. Trung Quốc cũng có thể áp dụng các chiến thuật răn đe, gây áp lực, cô lập về mặt chính trị và sau cùng là sử dụng vũ lực đối với Việt Nam hay các quốc gia ASEAN khác nếu thành công thu được Đài Loan.

  1. Mỹ và các đồng minh:

Về vấn đề cạnh tranh mức độ ảnh hưởng tại khu vực, nếu Mỹ để Trung Quốc hoàn tất việc chiếm Đài Loan, các quốc gia trong khu vực và đồng minh thân cận sẽ tỏ ra nghi ngờ về các cam kết ông Biden đưa ra trước đó. Ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ, ông Biden đã nhiều lần nhắc lại thông điệp “nước Mỹ đã trở lại” và sẽ hàn gắn với các đồng minh, tăng cường các hợp tác nhằm sửa chữa lại những rạn nứt sau giai đoạn nhiệm kỳ của ông Trump. Riêng đối với các vấn đề Biển Đông, ông Biden cũng cam kết sát cánh với ASEAN để duy trì trật tự tự do hàng hải[46]. Tháng 10/2021, khi được hỏi về việc liệu Mỹ có đưa quân đến Đài Loan một khi Trung Quốc tấn công hay không, ông Biden đã khẳng định nước Mỹ sẽ làm điều đó và có cam kết phải hành động như vậy.[47] Những khẳng định này một mặt cho thấy vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực, nhưng mặt khác nếu Mỹ không thể bảo vệ Đài Loan như đã cam kết, các quốc gia ASEAN sẽ khó có thể tin vào các cam kết của chính quyền ông Biden đối với vấn đề Biển Đông. Trong bối cảnh Trung Quốc hiện đang gia tăng tầm ảnh hưởng lên các thành viên ASEAN, điều này có thể đẩy các nước ASEAN xích lại gần với Trung Quốc. Ngoài ra, theo báo cáo của Reuters, nếu mất đi tiền đồn quan trọng là Đài Loan, mạng lưới đồng minh của Mỹ ở khu vực, bao gồm Hàn, Nhật, Úc, sẽ nhanh chóng bị suy yếu trước sức ép kinh tế, chính trị từ Trung Quốc. Các chuyên gia cũng dự đoán rằng điều này có thể dẫn đến việc một số đồng minh của Mỹ sẽ chuyển sang trở thành đồng minh của Trung Quốc.[48]

Về mặt kinh tế, kiểm soát được Đài Loan sẽ giúp Trung Quốc giành thêm lợi thế trong các cuộc cạnh tranh công nghệ với Mỹ. Đối với cả Mỹ và Trung Quốc, Đài Loan còn mang ý nghĩa kinh tế chiến lược khi vùng lãnh thổ này sở hữu ngành công nghiệp công nghệ cao, bao gồm các nhà máy sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới như tập đoàn TSMC. Đài Loan cũng sở hữu các công nghệ máy tính hiện đại mà Mỹ và các đồng minh không muốn rơi vào tay Trung Quốc. Do đó, việc Trung Quốc kiểm soát được Đài Loan và những công nghệ này sẽ giúp nước này bứt phá hơn trong các cuộc đua dẫn đầu lĩnh vực công nghệ.

Về mặt an ninh – quốc phòng, Trung Quốc chiếm giữ thành công Đài Loan sẽ tạo điều kiện cho nước này kiểm soát một vùng biển rộng hơn và đe dọa đến các căn cứ của Mỹ và đồng minh. Với vị thế địa lý của Đài Loan, Trung Quốc có thể lấy đây làm căn cứ tiền phương, từ đó mở rộng tầm bắn của máy bay và tên lửa thêm 150 hải lý về phía Đông. Điều này cho phép Trung Quốc dễ dàng ngăn chặn các tuyến đường biển và hàng không trên biển Hoa Đông, đồng thời giúp gia tăng khả năng tấn công của nước này vào các mục tiêu ở gần khu vực Nhật Bản hoặc đảo Guam.[49] Khi đó, các căn cứ của Mỹ và đồng minh sẽ bị đặt dưới mối đe dọa lớn từ các cuộc tấn công bằng tên lửa hoặc máy bay của Trung Quốc. Riêng đối với khu vực Đông Á, sự kiểm soát của Trung Quốc trên vùng biển Hoa Đông là mối đe dọa lớn có thể làm dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân nhằm bảo đảm an toàn và lợi ích quốc gia.[50]


Tài liệu tham khảo:

[1]https://slate.com/human-interest/2014/12/1992-consensus-why-is-the-agreement-important-to-beijing-and-taipei.html

[2] https://www.roc-taiwan.org/sk_en/post/2331.html

[3] https://www.taiwannews.com.tw/en/news/3483627

[4]https://www.theguardian.com/world/2020/jan/15/tsai-ing-wen-says-china-must-face-reality-of-taiwans-independence

[5] https://www.csis.org/blogs/new-perspectives-asia/how-biden-building-trumps-legacy-taiwan

[6] https://www.globaltimes.cn/page/202110/1235838.shtml

[7] https://focustaiwan.tw/cross-strait/202110090013

[8] https://www.csis.org/blogs/new-perspectives-asia/how-biden-building-trumps-legacy-taiwan

[9] https://www.fmprc.gov.cn/ce/ceno/eng/ztxw/twwt/t110655.htm

[10]https://slate.com/human-interest/2014/12/1992-consensus-why-is-the-agreement-important-to-beijing-and-taipei.html

[11]https://www.cfr.org/article/does-taiwan-have-right-self-defense

[12]https://www.cfr.org/backgrounder/china-taiwan-relations-tension-us-policy#chapter-title-0-7

[13]Xiying, Z. (2019). Unbalanced deterrence: coercive threat, reassurance and the US-China rivalry in Taiwan strait. The Pacific Review, 1–30. doi:10.1080/09512748.2019.1697353

[14] https://thanhnien.vn/chien-tranh-vung-xam-cua-trung-quoc-nham-vao-dai-loan-dang-o-muc-cao-nhat-post1041854.html

[15] https://thanhnien.vn/dai-loan-phan-tich-chien-thuat-vung-xam-cua-trung-quoc-dai-luc-post1048536.html

[16]https://vnexpress.net/van-de-dai-loan-dot-nong-thuong-dinh-my-trung-4386534.html

[17]Xiying, Z. (2019). Unbalanced deterrence: coercive threat, reassurance and the US-China rivalry in Taiwan strait. The Pacific Review, 1–30. doi:10.1080/09512748.2019.1697353

[18]https://asia.nikkei.com/Life-Arts/Obituaries/Lee-Teng-hui-s-dream-of-two-states-paved-way-for-Tsai-Ing-wen

[19]Xiying, Z. (2019). Unbalanced deterrence: coercive threat, reassurance and the US-China rivalry in Taiwan strait. The Pacific Review, 1–30. doi:10.1080/09512748.2019.1697353

[20]https://www.cfr.org/backgrounder/china-taiwan-relations-tension-us-policy#chapter-title-0-7

[21]https://edi-tion.cnn.com/2019/02/19/asia/tsai-ing-wen-china-us-interview-intl/index.html

[22]https://www.bloomberg.com/news/articles/2021-11-09/taiwan-outlines-plans-to-counter-china-s-gray-zone-threats

[23]https://www.cfr.org/backgrounder/china-taiwan-relations-tension-us-policy#chapter-title-0-7

[24] http://dnrtv.org.vn/tin-tuc-n101639/myuc-quan-ngai-tinh-hinh-o-eo-bien-dai-loan.html

https://www.theguardian.com/australia-news/2021/nov/30/taiwan-thanks-australian-pm-and-defence-minister-for-grim-warning-over-china

https://www.nytimes.com/2021/07/13/world/asia/japan-taiwan-china-us.html

[25]https://www.globaltimes.cn/content/1197716.shtml

[26]https://www.sipri.org/sites/default/files/2020-03/fs_2003_at_2019.pdf

[27]https://thediplomat.com/2020/05/is-taiwan-looking-to-diversify-its-defense-partnerships/

[28]https://twitter.com/MoNDefense/status/1437978456344518656; https://twitter.com/MoNDefense/status/1438067472016441348

[29]https://zingnews.vn/quan-doi-dai-loan-khong-the-chong-do-truoc-trung-quoc-post1273192.html

[30]https://zingnews.vn/quan-doi-dai-loan-khong-the-chong-do-truoc-trung-quoc-post1273192.html

[31] https://iranalytica.com/chinh-sach-doi-ngoai-cua-my-doi-voi-trung-quoc-nhiem-ky-biden/

[32]https://www.foreignaffairs.com/articles/taiwan/2021-10-05/taiwan-and-fight-democracy

[33]https://www.bbc.com/vietnamese/world-59307612

[34]https://thanhnien.vn/nguy-co-xung-dot-vu-trang-trung-quoc-dai-loan-cao-ky-luc-post1070215.html#:~:text=H%E1%BB%8Dc%20vi%E1%BB%87n%20Xuy%C3%AAn%20eo%20bi%E1%BB%83n,b%C3%AAn%20b%E1%BB%9D%20v%E1%BB%B1c%20chi%E1%BA%BFn%20tranh%E2%80%9D.

[35]https://thanhnien.vn/nguy-co-xung-dot-vu-trang-trung-quoc-dai-loan-cao-ky-luc-post1070215.html#:~:text=H%E1%BB%8Dc%20vi%E1%BB%87n%20Xuy%C3%AAn%20eo%20bi%E1%BB%83n,b%C3%AAn%20b%E1%BB%9D%20v%E1%BB%B1c%20chi%E1%BA%BFn%20tranh%E2%80%9D.

[36]https://asia.nikkei.com/Spotlight/20-years-after-9-11/Will-Xi-move-on-Taiwan-History-warns-he-might-Niall-Ferguson

[37]https://thediplomat.com/2021/10/if-china-attacks-taiwan-what-will-europe-do/

[38]https://www.reuters.com/world/china/china-has-debated-attacking-taiwan-controlled-islands-taiwan-official-says-2021-11-04/

[39]https://thediplomat.com/2021/11/who-wants-to-see-a-war-over-taiwan/

[40]https://www.theguardian.com/world/2021/feb/21/tension-haunts-tiny-taiwanese-isles-that-live-in-fear-of-war-with-china

[41] https://www.dw.com/en/why-are-tensions-increasing-between-china-and-taiwan/a-59434804

[42]https://www.newsweek.com/if-china-invaded-taiwan-would-it-stop-there-1651051

[43]https://thediplomat.com/2021/10/if-china-attacks-taiwan-what-will-europe-do/

[44]Theo thống kê từ trang AMTI, Việt Nam đang quản lý 49 tiền đồn, trải rộng khắp 27 thực thể trong vùng lân cận của quần đảo Trường Sa

[45]Chuỗi đảo thứ nhất gồm có nhiều đảo, quần đảo như Okinawa, Đài Loan và Philippines.

[46]https://tuoitre.vn/my-cam-ket-cung-asean-bao-ve-tu-do-tren-bien-20211028065106408.htm

[47]https://www.whitehouse.gov/briefing-room/speeches-remarks/2021/10/22/remarks-by-president-biden-in-a-cnn-town-hall-with-anderson-cooper-2/

[48]https://www.reuters.com/investigates/special-report/taiwan-china-wargames/

[49]https://thediplomat.com/2021/08/why-taiwan-matters-to-the-united-states/

[50]http://nghiencuuquocte.org/2021/05/10/bong-ma-lich-su-va-trien-vong-xung-dot-o-eo-bien-dai-loan/

1 comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *