Vào ngày 12 – 13/12/2023, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và phu nhân đã có chuyến thăm và làm việc ở Việt Nam. Chuyến thăm kéo dài hai ngày diễn ra trong thời điểm hai nước kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Sự kiện trên đã đánh dấu bước phát triển trong quan hệ hai nước, đồng thời mở ra triển vọng hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, hướng đến một “tương lai chung”.
1. Thông tin chung về chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình
1.1. Bối cảnh chuyến thăm
Chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra không lâu sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến thăm Việt Nam vào tháng 9. Trong sự kiện đó, Việt Nam và Mỹ đã đi tới quyết định nâng cấp quan hệ thành Đối tác Chiến lược Toàn diện và ký kết được nhiều thỏa thuận, hợp tác đa lĩnh vực mới.
Vào tháng 11, Việt Nam và Nhật Bản cũng đã nâng cấp mối quan hệ, nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế và toàn vẹn lãnh thổ. Với việc cả hai quốc gia đều đang vướng vào những tranh chấp trên biển với Trung Quốc, Nhật Bản cam kết hỗ trợ an ninh cho Việt Nam. Trước đó, nước này đã cung cấp hệ thống radar giám sát ven biển cho Philippines trong bối cảnh Philippines và Trung Quốc có sự căng thẳng trên Biển Đông.[1]
Sau những hoạt động của Mỹ và các đồng minh trong nỗ lực tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, theo các nhà phân tích nhận định, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình thực hiện chuyến thăm cấp cao đến Việt Nam nhằm để thắt chặt mối quan hệ giữa hai nước.[2][3]
Chuyến thăm này đánh dấu kỷ niệm 15 năm kể từ khi Trung Quốc trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện của Việt Nam. Phía Việt Nam cũng nhấn mạnh đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ ba của ông Tập, đồng thời lưu ý rằng chưa có nhà lãnh đạo Trung Quốc nào đến nước ta nhiều đến như vậy. Bên cạnh đó, đây cũng là sự kiện diễn ra một năm sau chuyến thăm mang tính lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc. Qua đó, các nhà lãnh đạo hai bên thể hiện sự quan tâm và coi trọng của việc tạo dựng và duy trì mối quan hệ láng giềng bền chặt giữa hai bên.[4]
1.2. Nội dung chuyến thăm
Theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và phu nhân, trưa ngày 12/12, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và phu nhân tới Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Trong hai ngày làm việc, ông Tập Cận Bình đã có các cuộc hội đàm, hội kiến và giao lưu với các đồng chí lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước Việt Nam.[5]
Trong cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Tập tuyên bố rằng hai nước sẽ hợp tác cùng nhau để tạo ra “Cộng đồng chung tương lai” Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược. “Cộng đồng chung tương lai” là thuật ngữ được ông Tập đưa ra cách đây nhiều năm như một phần trong kế hoạch nhằm tăng cường hỗ trợ trong khu vực và giảm bớt sự ngờ vực giữa các quốc gia Đông Nam Á đối với Trung Quốc. Thông qua đó, Trung Quốc đã thúc đẩy quan điểm về việc ưu tiên cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế, thay vì những ý tưởng như củng cố quyền tự do và phát triển dân chủ đối với nhiều nước đang phát triển và các cường quốc bậc trung.[6] Trước Việt Nam, một số quốc gia, bao gồm Campuchia, Lào và Myanmar, đã ký kết hợp tác này với Trung Quốc.[7] Nhân dịp này, phía Việt Nam đã thể hiện sự ủng hộ đối với sáng kiến này. Thông qua đó, hai bên thể hiện mối quan hệ thân thiết giữa hai nước: đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có sự tương đồng về chế độ chính trị, lý tưởng, niềm tin cũng như con đường phát triển để chia sẻ một tương lai chung.[8]
Sau cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tiếp tục có cuộc gặp với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Tại buổi hội đàm, hai bên nhận thức quan hệ Việt – Trung đang bắt đầu chuyển giao ở một giai đoạn phát triển mới, nhấn mạnh phương châm 16 chữ – “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt – “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Cũng trong cuộc gặp, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã đề ra và thống nhất 6 trụ cột hợp tác trong thời gian tới bao gồm: tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác quốc phòng – an ninh thực chất hơn, hợp tác thực chất sâu sắc hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn và bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn.[9] Những phương hướng này cho thấy Việt – Trung chú trọng vào khía cạnh hợp tác an ninh – chính trị dựa trên mối quan hệ láng giềng thân thiết nhưng cũng có những bất đồng xoay quanh các vấn đề trên biển. Tuy nhiên, hai nước cũng không bỏ qua các lĩnh vực khác như thương mại, cơ sở hạ tầng, giao lưu văn hoá,… để làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện đồng thời thúc đẩy nền tảng vững chắc trong quá trình xây dựng Cộng đồng chia sẻ chung tương lai mà Việt Nam và Trung Quốc đã cùng thống nhất.
Bên cạnh hai cuộc hội đàm, ông Tập cũng dành thời gian gặp gỡ Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Các cuộc gặp trên mở ra nhiều cơ hội trao đổi giữa các nhà lãnh đạo trong việc phát triển và kết nối không chỉ ở các chuyến thăm lãnh đạo cấp cao mà còn ở mức độ giao lưu, hợp tác giữa nhân dân hai nước. Ông Tập khẳng định Trung Quốc coi trọng phát triển mối quan hệ láng giềng hữu nghị với Việt Nam.[10] Về phía Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lưu ý Việt Nam coi việc phát triển quan hệ với Trung Quốc là một yêu cầu khách quan, là sự lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa.[11][12]
Kết thúc chuyến thăm, Việt Nam và Trung Quốc ra được Tuyên bố chung gồm 5 phần với nhiều định hướng mới trong tương lai khi mối quan hệ Việt – Trung bước qua một giai đoạn mới với những hợp tác thực chất và sâu sắc hơn. Đây là Tuyên bố chung dài nhất từ trước đến nay của hai nước. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng đã ký được tổng cộng 36 văn bản thỏa thuận hợp tác, trong đó có 4 văn bản lĩnh vực chính trị – đối ngoại được ký giữa các ban Đảng và Bộ Ngoại giao hai nước, 4 văn bản hợp tác an ninh – quốc phòng về phòng chống tội phạm, hợp tác trên biển và lĩnh vực tư pháp, 24 văn bản về hợp tác trên các lĩnh vực thực chất cấp chính phủ, cấp bộ và cơ quan, cùng 4 văn bản hợp tác giữa các địa phương hai nước.[13] Theo ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc, nguyên Vụ trưởng vụ Trung Quốc – Đông Bắc Á của Ban Đối ngoại Trung ương, với bản Tuyên bố chung dài nhất trong lịch sử và số lượng lớn các thoả thuận, ký kết đa lĩnh vực, các nhà lãnh đạo của hai nước đã thể hiện cho nhân dân và thế giới biết độ tin cậy chiến lược của hai Đảng, hai nước và người dân ở hai nước. Mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong tương lai sẽ mở ra nhiều cơ hội giao lưu, hợp tác sâu sắc, thiết thực ở nhiều cấp độ.[14]
2. Nhận định về chuyến thăm
2.1. Nhận định quan hệ song phương
Chuyến thăm được đánh giá là cột mốc lịch sử trong quan hệ song phương Trung – Việt. Hunter Marston, nghiên cứu sinh tại Đại học Quốc gia Australia về lĩnh vực chính sách đối ngoại Đông Nam Á, nhận định rằng sự kiện trên càng khiến Trung Quốc khẳng định vai trò đối tác quan trọng của mình đối với Việt Nam.[15] Chia sẻ cùng quan điểm trên, Đại diện Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khẳng định chuyến đi sẽ giúp nâng tầm quan hệ Trung – Việt lên tầm cao mới.[16] Dữ liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (FIA) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiết lộ, từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư hơn 2.33 tỷ USD tại Việt Nam. Hơn nữa, xét về số lượng dự án mới được đưa vào xem xét, Trung Quốc giữ vị trí dẫn đầu với 325 dự án. Hai nhà sản xuất pin và hệ thống lưu trữ năng lượng hàng đầu Trung Quốc dự kiến đầu tư hơn 1 tỷ USD để xây dựng nhà máy mới và mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Công nghệ lưu trữ năng lượng Lithium Hạ Môn có kế hoạch đầu tư khoảng 900 triệu USD vào một nhà máy ở phía bắc tỉnh Hải Dương, trong khi Growatt New Energy đang mở rộng nhà máy tại phía bắc tỉnh Hải Phòng với chi phí ước tính 300 triệu USD.[17]
Ông Tống Thanh Nhuận, giáo sư Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh cho biết những nỗ lực tăng cường hợp tác giữa hai nước trong những năm gần đây trên nhiều lĩnh vực quan trọng không chỉ giúp tăng cường kinh tế và giao lưu nhân dân, mà còn giúp duy trì tình trạng ổn định tại khu vực.[18] Trong tuyên bố chung đưa ra trong chuyến viếng thăm, hai nước tái khẳng định cam kết đối với chủ nghĩa đa phương và nhất trí tăng cường phối hợp và hợp tác đa phương. Trung Quốc và Việt Nam cũng cam kết sẽ quản lý tốt hơn và tích cực giải quyết những khác biệt trong các vấn đề hàng hải, đồng thời nhất trí tìm kiếm các giải pháp lâu dài và được các bên cùng chấp nhận cũng như cam kết nỗ lực góp phần đạt được Bộ quy tắc ứng xử thực chất và hiệu quả ở Biển Đông dựa trên sự đồng thuận thông qua tham vấn.
2.2. Nhận định về tác động của chuyến thăm đến cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung cũng như tình hình khu vực và thế giới
Theo Zhang Mingliang, đối với Trung Quốc, Việt Nam là một phần trong quan hệ Trung-Mỹ chứ không chỉ dừng lại ở quan hệ song phương với Trung Quốc. Vì thế, từ mối quan hệ Việt-Mỹ, Trung Quốc sẽ đánh giá ảnh hưởng của Mỹ đối với Việt Nam và tìm cách để không rơi vào thế bất lợi.[20] Chuyến thăm Việt Nam lần này được cho là có tác động đến cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc bởi cả hai nước đều muốn lôi kéo Việt Nam đứng về phía mình, theo nhận định của Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu Việt Nam tại viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore.[21] Trước đó, trong chuyến thăm Việt Nam vào năm 2017, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề xuất về việc xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai chung nhưng đã bị phía Việt Nam từ chối. Lần này, hai nước đã thông qua việc thiết lập Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc, được công bố trong Tuyên bố chung. Theo giáo sư Carlyle Thayer tại Đại học New South Wales (Australia), việc Trung Quốc đẩy mạnh các khái niệm vận mệnh chung, an ninh chung hay sự phát triển chung chính là nền tảng để xây dựng một trật tự thế giới mới do Trung Quốc dẫn dắt còn Mỹ chỉ đóng vai trò là một trong những người chơi.[22]
Đối với tình hình khu vực và thế giới, các học giả Trung Quốc nhận định chuyến thăm lần này sẽ mang lại các tác động tích cực. Cụ thể, Tang Zhimin, Giám đốc Nghiên cứu ASEAN – Trung Quốc tại Viện Panyapiwat có trụ sở tại Bangkok, cho biết chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tạo thêm động lực mới cho sự phát triển ổn định và thịnh vượng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thế giới trong bối cảnh có nhiều biến động.[23] Chia sẻ quan điểm này, Song Qingrun, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Châu Á, Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh cũng cho rằng sự phát triển trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ góp phần vào sự ổn định và phát triển của khu vực cũng như toàn cầu. Chẳng hạn, việc xúc tiến xây dựng cảng thông minh biên giới Trung-Việt có thể giúp thúc đẩy thương mại giữa Trung Quốc với Việt Nam và các nước khác trong ASEAN.[24] Ngoài ra, việc hai nước nỗ lực phát huy lợi thế so sánh các ngành công nghiệp của mình và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực then chốt cũng có lợi cho sự ổn định của chuỗi cung ứng khu vực.[25]
2.3. Nhận định về tác động đối với vị thế và lập trường đối ngoại của Việt Nam
Chuyến thăm của Tập Cận Bình đã thể hiện vị thế và vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong khu vực và thế giới. Theo tờ Nikkei Asia, chuyến thăm này diễn ra chỉ ba tháng sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam vào ngày 10 – 11/09. Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chào đón nguyên thủ quốc gia của hai nước lớn trong cùng một năm. Điều này cho thấy tầm quan trọng chiến lược ngày càng tăng của Việt Nam, quốc gia đang nổi lên như một trung tâm sản xuất quan trọng của châu Á.[26] Ngay từ những năm 2000, Việt Nam có GDP tăng trưởng cao hơn bất cứ quốc gia châu Á giáp Trung Quốc nào khác, với tăng trưởng trung bình 6.2% mỗi năm. Tờ báo The Economist cũng cho rằng Việt Nam đang dần thể hiện vị thế của kẻ chiến thắng trong thời đại toàn cầu hoá ngày nay.[27] Việt Nam vẫn là nền kinh tế kỹ thuật số tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á hai năm liên tiếp và dự kiến sẽ giữ vị trí này cho đến năm 2025. [28]
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang, chuyến thăm Việt Nam lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình phản ánh mối quan ngại của Trung Quốc đối với việc nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ và Nhật Bản.[29] Chia sẻ quan điểm trên, giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington Zachary Abuza cũng cho rằng Trung Quốc không hài lòng khi Việt Nam ngày càng thắt chặt quan hệ với Mỹ và các đồng minh thân cận của Mỹ.[30] Vì thế, chuyến thăm này được nhận định là được thực hiện nhằm gây áp lực để Việt Nam không quá sa đà vào mối quan hệ với các nước này, theo Lye Liang Fook, thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak.[31] Đồng thời, tiến sĩ Lê Thu Hường, phó giám đốc chương trình châu Á của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế và nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang còn cho biết, thông qua chuyến thăm, Trung Quốc muốn khẳng định một điều rằng Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi quỹ đạo của Trung Quốc và Trung Quốc muốn có sự cam kết từ Việt Nam trong việc không liên kết với các lực lượng chống lại mình.[32][33]
Đứng trước mối quan ngại của Trung Quốc, Việt Nam vẫn giữ vững lập trường theo đuổi trường phái ngoại giao cây tre. Zhang Mingliang, chuyên gia về các vấn đề khu vực tại Đại học Tế Nam ở Quảng Châu cho rằng, khi nâng cấp mối quan hệ với Mỹ và Nhật Bản, Việt Nam cũng quan ngại thái độ của Trung Quốc.[34] Vì thế, cuộc gặp lần này có thể được cho là một bước đi của Việt Nam nhằm trấn an Trung Quốc rằng Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục duy trì quan hệ tốt với các nước chứ không ngả về một bên nào. Theo Joseph Liow Chin Yong, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), Việt Nam đang quản lý mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc một cách khéo léo để bảo vệ lợi ích của mình.[35] Nhà nghiên cứu Lye Liang Fook cũng nhận định Việt Nam là một quốc gia biết cách cân bằng các mối quan hệ.[36] Mặc dù sự đe dọa của Trung Quốc ở Biển Đông có thể khiến Việt Nam cởi mở hơn trong hợp tác an ninh hàng hải với Mỹ nhưng theo Carlyle Thayer, giáo sư tại Đại học New South Wales (Australia), Việt Nam vẫn sẽ duy trì trạng thái ở giữa trong mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc đồng thời sẽ không từ bỏ chính sách quốc phòng bốn không từ trước đến nay của mình.[37]
Tài liệu tham khảo:
[1] Heijmans, P. J (2023, December 11). China’s Xi Makes First Visit to Vietnam in Years to Counter U.S. Influence. TIME. https://time.com/6358121/xi-jinping-china-vietnam-influence-us/
[2] Guarasci, F., Khanh Vu, & Minh Nguyen (2023, December 13). China, Vietnam hail upgrade of ties; agree to boost security efforts. Reuters. https://www.reuters.com/world/chinas-xi-meets-vietnam-leaders-second-day-state-visit-hanoi-2023-12-13/
[3] Heijmans, P. J (2023, December 11). China’s Xi Makes First Visit to Vietnam in Years to Counter U.S. Influence. TIME. https://time.com/6358121/xi-jinping-china-vietnam-influence-us/
[4] Cave, D. (2023, December 12). Three Months After Biden, It’s Xi’s Turn to Court Vietnam. The New York Times. https://www.nytimes.com/2023/12/12/world/asia/china-vietnam-xi-jinping.html
[5] Phóng viên VOV. (2023, December 13). Toàn cảnh chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. VOV. https://vov.vn/chinh-tri/toan-canh-chuyen-tham-cap-nha-nuoc-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-trung-quoc-tap-can-binh-post1065220.vov
[6] Kurlantzick, J. (2023, December 12). Xi Jinping and Joe Biden Compete to Win Over Vietnam, the Region’s Critical Partner. Council on Foreign Relations. https://www.cfr.org/blog/xi-jinping-and-joe-biden-compete-win-over-vietnam-regions-critical-partner
[7] Cave, D. (2023, December 12). Three Months After Biden, It’s Xi’s Turn to Court Vietnam. The New York Times. https://www.nytimes.com/2023/12/12/world/asia/china-vietnam-xi-jinping.html
[8] Ngọc Ánh. (2023, December 13). Toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc. VnExpress. https://vnexpress.net/tuyen-bo-chung-viet-nam-trung-quoc-4688334-p2.html
[9] Ngọc Ánh. (2023, December 13). Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc. VnExpress. hhttps://vnexpress.net/tuyen-bo-chung-viet-nam-trung-quoc-4688334.html
[10] Phóng viên VOV. (2023, December 13). Toàn cảnh chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. VOV. https://vov.vn/chinh-tri/toan-canh-chuyen-tham-cap-nha-nuoc-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-trung-quoc-tap-can-binh-post1065220.vov
[11] VNA. (2023, December 13). Vietnam gives top priority to developing relations with China: PM. VietnamPlus. https://en.vietnamplus.vn/vietnam-gives-top-priority-to-developing-relations-with-china-pm/274844.vnp
[12] Ngọc Ánh. (2023, December 13). Toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc. VnExpress. https://vnexpress.net/tuyen-bo-chung-viet-nam-trung-quoc-4688334-p2.html
[13] Báo Chính phủ. (2023, December 12). Việt Nam, Trung Quốc ký kết 36 văn bản thỏa thuận hợp tác. Báo Chính phủ. https://baochinhphu.vn/viet-nam-trung-quoc-ky-ket-36-van-ban-thoa-thuan-hop-tac-102231212234902478.htm
[14] Hương Giang, & Trọng Phú. (2023, December 15). ‘Việt Nam và Trung Quốc đã có một Tuyên bố chung dài nhất trong lịch sử’. Báo Mới. https://baomoi.com/viet-nam-va-trung-quoc-da-co-mot-tuyen-bo-chung-dai-nhat-trong-lich-su-c47813390.epi
[15] Wu, H. (2023, December 12). China’s Xi visits Vietnam weeks after it strengthened ties with the US and Japan. APNews. https://apnews.com/article/xi-visit-vietnam-china-9671844cd0d10cc0883d80bf42a528c7
[16] (2023, December 10). China’s Xi looks to strengthen Vietnam ties after Biden visit. France24. https://www.france24.com/en/live-news/20231210-china-s-xi-looks-to-strengthen-vietnam-ties-after-biden-visit
[17] VNA. (2023, August 16). China accelerates investment in Vietnam. VietnamPlus. https://en.vietnamplus.vn/china-accelerates-investment-in-vietnam/266341.vnp
[18] Xinhua. (2023, December 14). News Analysis: Upgrade of China-Vietnam ties fits times, boosts regional development. XinhuaNet. https://english.news.cn/20231214/3aee7c26c2d44c8196638983e49b808b/c.html
[19] Xinhua. (2023, December 14). News Analysis: Upgrade of China-Vietnam ties fits times, boosts regional development. XinhuaNet. https://english.news.cn/20231214/3aee7c26c2d44c8196638983e49b808b/c.html
[20] Shi, J. (2023, December 11). In Vietnam, a ‘shared destiny’ and the US are likely to be high on Xi Jinping’s agenda. South China Morning Post. https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3244603/vietnam-shared-destiny-and-us-are-likely-be-high-xi-jinpings-agenda
[21] Ngo, T., & Yang, C. (2023, December 12). Chinese President Xi visits Vietnam to strengthen ties, boost influence in region amid geopolitical rivalry. CNA. https://www.channelnewsasia.com/asia/chinese-president-xi-jinping-state-visit-vietnam-strengthen-ties-boost-influence-region-amid-geopolitical-competition-3982376
[22] Ngo, T., & Yang, C. (2023, December 12). Chinese President Xi visits Vietnam to strengthen ties, boost influence in region amid geopolitical rivalry. CNA. https://www.channelnewsasia.com/asia/chinese-president-xi-jinping-state-visit-vietnam-strengthen-ties-boost-influence-region-amid-geopolitical-competition-3982376
[23] Xinhua. (2023, December 14). News Analysis: Upgrade of China-Vietnam ties fits times, boosts regional development. Trung tâm Tin tức Internet Trung Quốc.
http://www.china.org.cn/china/Off_the_Wire/2023-12/14/content_116880956.htm
[24] Song, Q. (2023, December 15)). Xi’s visit to Vietnam boosts elevation of bilateral ties. ChinaDaily. https://www.chinadaily.com.cn/a/202312/15/WS657b83c8a31040ac301a7dae.html
[25] Xinhua. (2023, December 14). News Analysis: Upgrade of China-Vietnam ties fits times, boosts regional development. Trung tâm Tin tức Internet Trung Quốc. http://www.china.org.cn/china/Off_the_Wire/2023-12/14/content_116880956.htm
[26] Tong, K. D. (2023, December 12). Vietnam and China agree to build “shared future” as Xi visits Trong. Nikkei Asia. https://asia.nikkei.com/Politics/International-relations/Vietnam-and-China-agree-to-build-shared-future-as-Xi-visits-Trong
[27] (2022, September 24). Vietnam is emerging as a winner from the era of deglobalisation. (2022, September 22). The Economist. https://www.economist.com/asia/2022/09/22/vietnam-is-emerging-as-a-winner-from-the-era-of-deglobalisation
[28] (2023, November 13). Vietnam remains fastest growing digital economy in Southeast Asia: report. (n.d.). VietNamNet News. https://vietnamnet.vn/en/vietnam-remains-fastest-growing-digital-economy-in-southeast-asia-report-2214313.html
[29] Shi, J. (2023, December 11). In Vietnam, a ‘shared destiny’ and the US are likely to be high on Xi Jinping’s agenda. South China Morning Post. https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3244603/vietnam-shared-destiny-and-us-are-likely-be-high-xi-jinpings-agenda
[30] Walker, T. (2023, December 12). China’s Xi heads to Vietnam after Hanoi boosts US ties. Deutsche Welle. https://www.dw.com/en/chinas-xi-heads-to-vietnam-after-hanoi-boosts-us-japan-ties/a-67689978
[31] Heijmans, P. J (2023, December 11). China’s Xi Makes First Visit to Vietnam in Years to Counter U.S. Influence. TIME. https://time.com/6358121/xi-jinping-china-vietnam-influence-us/
[32] Shi, J. (2023, December 11). In Vietnam, a ‘shared destiny’ and the US are likely to be high on Xi Jinping’s agenda. South China Morning Post. https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3244603/vietnam-shared-destiny-and-us-are-likely-be-high-xi-jinpings-agenda
[33] Cave, D. (2023, December 12). Three Months After Biden, It’s Xi’s Turn to Court Vietnam. The New York Times. https://www.nytimes.com/2023/12/12/world/asia/china-vietnam-xi-jinping.html?searchResultPosition=1
[34] Shi, J. (2023, December 11). In Vietnam, a ‘shared destiny’ and the US are likely to be high on Xi Jinping’s agenda. South China Morning Post. https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3244603/vietnam-shared-destiny-and-us-are-likely-be-high-xi-jinpings-agenda
[35] Xiao, Z. (2023, December 13). Xi Asks Vietnam to Stop Outsider Efforts to ‘Mess Up’ Region. Bloomberg. https://www.bloomberg.com/news/articles/2023-12-13/xi-asks-vietnam-to-stop-outsider-attempts-to-mess-up-region
[36] Heijmans, P. J (2023, December 11). China’s Xi Makes First Visit to Vietnam in Years to Counter U.S. Influence. TIME. https://time.com/6358121/xi-jinping-china-vietnam-influence-us/
[37] Shi, J. (2023, December 11). In Vietnam, a ‘shared destiny’ and the US are likely to be high on Xi Jinping’s agenda. South China Morning Post. https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3244603/vietnam-shared-destiny-and-us-are-likely-be-high-xi-jinpings-agenda