Việt Nam – Thái Lan: Tổng quan quan hệ và triển vọng trong bối cảnh mới

Năm 2013 đánh dấu mốc quan trọng cho quan hệ Việt Nam – Thái Lan khi hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược”, trở thành hai quốc gia đầu tiên trong ASEAN thiết lập quan hệ đối tác cấp cao này. Kể từ đó, quan hệ hữu nghị hai nước không ngừng được củng cố và phát triển bền vững trên nhiều lĩnh vực. Cuộc bầu cử Thái Lan năm 2023 thu hút đông đảo sự quan tâm khi không chỉ ảnh hưởng đến chính trị quốc gia này mà còn mang ý nghĩa lớn đối với quan hệ Việt – Thái. Kết quả của cuộc bầu cử được dự đoán sẽ mang đến triển vọng và cả thách thức trong quan hệ song phương giữa hai nước trước thềm kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.

1. Thực trạng quan hệ Việt Nam – Thái Lan thời kỳ Thủ tướng Prayut Chanocha trong vòng 5 năm trở lại:

1.1. Quan hệ chính trị – ngoại giao

Mối quan hệ chính trị gắn kết của đôi bên được lãnh đạo cấp cao hai nước thể hiện qua các chuyến thăm song phương hoặc các cuộc gặp bên lề các diễn đàn đa phương. Gần đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân đã đến thăm chính thức Thái Lan vào tháng 11 năm 2022, đánh dấu chuyến thăm của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam đến Vương quốc Thái Lan sau 24 năm. Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha khẳng định chuyến thăm có ý nghĩa rất quan trọng và mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ hai nước.[1] Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai nhà lãnh đạo đã ký kết các văn kiện hợp tác quan trọng như Bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khon Kaen, Thái Lan; Bản ghi nhớ hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Ủy ban Thương mại Thái Lan; Thỏa thuận thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư song phương giữa Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng Xuất-nhập khẩu Thái Lan, song nổi bật hơn cả là Chương trình Hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược tăng cường giai đoạn 2022-2027. Theo đó, Thái Lan sẽ thúc đẩy các chuyến thăm và trao đổi giữa các lãnh đạo cấp cao của hai nước, đồng thời thúc đẩy tổ chức họp Nội các chung Việt Nam – Thái Lan lần thứ 4 tại Việt Nam, họp cấp Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ ngoại giao giữa hai nước.[2] Nhiều cơ chế hợp tác chính trị song phương cũng đã được thiết lập như Ủy ban hỗn hợp Việt Nam -Thái Lan về hợp tác song phương, Tham vấn chính trị song phương và Nhóm công tác chung về hợp tác chính trị-an ninh.[3]

Với vị thế là những quốc gia có vai trò quan trọng trong ASEAN, Việt Nam cùng Thái Lan nỗ lực hợp tác chặt chẽ nhằm thúc đẩy sự đoàn kết, vai trò trung tâm của ASEAN trong giải quyết các vấn đề nảy sinh. Cả hai quốc gia cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc thực hiện bốn lĩnh vực hợp tác được xác định trong Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), Khuôn khổ Phục hồi Toàn diện ASEAN (ACRF) và các sáng kiến ​​khác có liên quan của ASEAN.[4] Hai bên nhất trí tham vấn và phối hợp chặt chẽ về các vấn đề chiến lược chung trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gia tăng.[5] Việt Nam và Thái Lan cũng cùng dành sự quan tâm cho các cơ chế hợp tác tại tiểu vùng sông Mekong, bao gồm Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), Ayeyawady – Chao Phraya – Chiến lược hợp tác kinh tế Mekong (ACMECS), Ủy ban sông Mekong (MRC) và các khuôn khổ hợp tác Mekong khác.[6]

1.2. Quan hệ an ninh – quốc phòng

Việt Nam và Thái Lan đã thực hiện cũng như nỗ lực lên kế hoạch tổ chức các cuộc đối thoại và tham vấn cấp cao nhằm làm sâu sắc hơn nữa hợp tác quốc phòng và an ninh ở tất cả các cấp. Theo đó, hai nước đã tổ chức thành công Đối thoại Chính sách Quốc phòng lần thứ 4 vào tháng 11 năm 2022, Chương trình giao lưu bạn bè và Cảnh sát biển Việt Nam lần đầu tiên vào tháng 12 năm 2022 và Đối thoại An ninh lần thứ 2 giữa Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan và Bộ Công an Việt Nam tại Việt Nam vào tháng 5 năm 2023. Hai bên cam kết sẽ sớm thúc đẩy việc ký kết,  triển khai thỏa thuận hợp tác giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Trung tâm Chỉ huy Thực thi pháp luật hàng hải Thái Lan, đồng thời xem xét mở rộng hợp tác trong phòng chống tội phạm xuyên quốc gia và khủng bố.[7]

Tại Đối thoại cấp cao Việt Nam – Thái Lan về phòng, chống tội phạm và các vấn đề an ninh lần thứ 2, thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam Lê Quốc Hùng khẳng định Việt Nam và Thái Lan là hai nước đóng vai trò quan trọng trong ASEAN, có những quan điểm chung về các giải pháp về an ninh và phòng, chống tội phạm.[8] Trong Đối thoại quốc phòng lần thứ 4 vào năm 2022, hai nước hứa hẹn tích cực tham vấn, hỗ trợ lẫn nhau trong khuôn khổ quân sự – quốc phòng ASEAN, duy trì lập trường chung trong các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế, ủng hộ các sáng kiến ​​và hoạt động đa phương do các Bộ tổ chức trong thời gian tới.[9] Về vấn đề Biển Đông, Việt Nam và Thái Lan mong muốn phối hợp chặt chẽ trong việc duy trì đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực, thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa các nước thành viên cũng như các đối tác bên ngoài vì hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới.[10]

1.3. Quan hệ kinh tế – thương mại

Thái Lan vẫn duy trì vị trí đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trong khu vực ASEAN. Trong 9 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 16,1 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2021.[11] Đối với lĩnh vực đầu tư, cho đến tháng 9/2022, Thái Lan đã thực hiện 670 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký lên tới 13,093 tỷ USD, đứng ở vị trí thứ 9 trong số 139 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư tại Việt Nam. Nhà đầu tư Thái Lan tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất, phân phối điện, khí, nước, kinh doanh bất động sản, cùng với hoạt động bán buôn và bán lẻ. Ngược lại, Việt Nam cũng đã đầu tư vào Thái Lan với tổng cộng 17 dự án và vốn đăng ký 32,8 triệu USD, đứng ở vị trí thứ 33 trong số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư sang Thái Lan. Các dự án này tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, kinh doanh bất động sản và hoạt động bán buôn bán lẻ.[12]

Để giảm bớt tác động của đại dịch đối với các nền kinh tế khu vực, Việt Nam và Thái Lan trong năm 2022 đã thắt chặt hợp tác triển khai và nâng cấp Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) cùng các hiệp định thương mại tự do ASEAN+. Đặc biệt, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã giúp hàng rào thuế quan đối với hàng hóa của hai nước về cơ bản đã được dỡ bỏ, tạo thuận lợi cho Việt Nam và Thái Lan hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và thúc đẩy xuất khẩu sang nước thứ ba.[13] Các hiệp định tập trung vào các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, dỡ bỏ các rào cản phi thuế quan, tăng cường tính minh bạch để đảm bảo dòng hàng hóa không bị gián đoạn và củng cố chuỗi cung ứng khu vực và thương mại nội khối ASEAN, từ đó góp phần phục hồi và phát triển kinh tế khu vực.[14]

2. Kết quả của bầu cử Thái Lan 2023 và tương lai quan hệ Việt Nam – Thái Lan

Sau gần 3 tháng trì hoãn, vào ngày 22 tháng 8 vừa rồi, Quốc hội Thái Lan đã quyết định chọn ứng viên Srettha Thavisin của Đảng Pheu Thai làm Tân Thủ tướng thứ 30 của Thái Lan. Ông giành được 482 phiếu ủng hộ, 165 phiếu chống và 81 phiếu trắng trong cuộc bình chọn tại Quốc hội.[15] Đây là kết quả cuối cùng sau hai lần bỏ phiếu không thành công trong quyết định đưa Pita Limjaroenrat, lãnh đạo liên minh Move Forward – Pheu Thai giành chiến thắng ở cuộc bầu cử tháng 5, trở thành Thủ tướng. Pita chính là người dẫn dắt Đảng Move Forward giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 5 và đã có nhiều dự đoán trước đó rằng ông đã nắm chắc vị trí Tân Thủ Tướng.

2.1. Một số phương hướng phát triển đất nước của Srettha Thavisin và Đảng Pheu Thai trong thời gian sắp đến 

Đầu tiên với chính sách đối nội, đảng Pheu Thai đã lập nên chính quyền mới bao gồm liên minh 11 đảng với 314 nghị sĩ.[16]  Tân Thủ tướng đã tiến hành tổ chức các gặp gỡ và làm việc với các doanh nghiệp và đại diện của các vùng trong nước về định hướng phát triển du lịch trong tương lai.[17] [18] Định hướng thúc đẩy phát triển ngành du lịch là một trong những phương hướng nhằm khôi phục nền kinh tế được đề ra bởi Thủ tướng Thavisin và đảng của ông. Theo tân Thủ tướng: “Du lịch chính là biện pháp kích thích kinh tế ngắn hạn tốt nhất trước khi sự khởi động của kế hoạch tiền kỹ thuật số vào quý đầu năm sau’’.[19] Đối với các kế hoạch về đối ngoại, tân Thủ tướng đã có kế hoạch viếng thăm Lào trong thời gian sắp tới sau cuộc gọi điện chúc mừng đắc cử của Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone.[20]

 Bên cạnh đó, các chính sách đảng Pheu Thai đề xuất cũng nhằm mục tiêu lớn nhất là ổn định và kích thích nền kinh tế. Cụ thể, đảng đã cam kết phát hành 10000 baht ($283), dưới dạng ví điện tử được xây dựng trên nền tảng của công nghệ Blockchain, cho khoảng 55 triệu người dân Thái từ 16 tuổi trở lên để mua bán và sử dụng dịch vụ trong khu vực sinh sống của mình để kích thích nền kinh tế.[21] Đảng Pheu Thai cũng đưa ra một số chính sách muốn áp dụng khác bao gồm tăng cường sử dụng đất canh tác cho trồng trọt, tăng mức lương tối thiểu hàng ngày từ 337 baht lên 600 baht ($17), lương tối thiểu hàng tháng của sinh viên đại học lên 25000 baht trước năm 2027 và đặt mục tiêu đưa chỉ số tăng trưởng kinh tế hàng năm lên trên 5% mỗi năm. Đáng chú ý, Pheu Thai cũng đưa ra quyết định sửa đổi Hiến pháp và loại bỏ những điều lệ liên quan đến chế độ quân chủ.[22]     

2.2. Những thuận lợi trong quan hệ Việt Nam – Thái Lan trong bối cảnh mới:

Trước bối cảnh tình hình chính trị nội địa Thái Lan chuẩn bị bước vào giai đoạn mới, quan hệ ngoại giao Việt Nam – Thái Lan vẫn tiếp tục giữ được trạng thái tốt đẹp và bền vững vốn có. Trả lời phỏng vấn nhân dịp kỷ niệm Việt Nam – Thái Lan thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm năng cấp quan hệ Đối tác chiến lược, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Thái Lan tại Việt Nam Nikorndej Balankura đã nhấn mạnh rằng mặc dù Thái Lan đang chứng kiến sự thay đổi mới trong chính quyền, quan hệ ngoại giao và chính sách đối ngoại với Việt Nam sẽ tiếp tục được ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, Việt Nam còn được lựa chọn trở thành một trong những quốc gia đầu tiên được tân Thủ tướng Thái Lan viếng thăm nhằm đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược tăng cường.[23] Cũng trong trong dịp này, Tổng lãnh sự Việt Nam tại tỉnh Khon Kaen của Thái Lan Chu Đức Dũng cũng đã đánh giá rằng Việt Nam và Thái Lan có mối quan hệ chặt chẽ ở cả cấp độ song phương và trong các khuôn khổ hợp tác khu vực điển hình như ASEAN.[24] Điều này cho thấy quan hệ Việt Nam – Thái Lan đã có nền tảng bền vững và có tầm quan trọng đối với cả hai nước.

Trong hợp tác ở từng lĩnh vực cụ thể, Việt Nam và Thái Lan cùng chia sẻ những mốc phát triển quan trọng. Trong quan hệ chính trị-ngoại giao, Thái Lan là Đối tác chiến lược tăng cường của Việt Nam trong 10 năm qua. Năm 2019, hai nước ký kết nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược “tăng cường”. Hai quốc gia còn có quan hệ gần gũi trong các tổ chức khu vực như ASEAN và các khuôn khổ hợp tác giữa các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong. Thông qua các tổ chức này, Thái Lan và Việt Nam hướng đến đẩy mạnh  hợp tác trong các vấn đề Biển Đông như thực hiện Tuyên bố ứng xử trên Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, góp phần vào sự phát triển của khu vực.[25] Quan hệ ngoại giao giữa hai nước còn được gắn kết ở cấp độ  địa phương và nhân dân. Nhiều tỉnh thành giữa hai nước đã thiết lập quan hệ kết nghĩa trong nhiều lĩnh vực và đến nay đã có 15 mô hình kết nghĩa được thành lập. Ngoại giao nhân dân tiếp tục được đẩy mạnh ở các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, du lịch.[26]

Trong quan hệ kinh tế – thương mại nói chung, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã vượt mốc 21,19 tỷ đô la Mỹ trong năm 2022.[27] Hiện nay, Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN. Thái Lan cũng là một quốc gia đầu tư đáng chú ý tại Việt Nam với dòng vốn đầu tư trực tiếp thường niên đổ vào Việt Nam tăng bình quân 13%.[28] Trong tương lai, đại sứ Thái Lan tại Việt Nam cũng hy vọng Thái Lan sẽ tăng hạng lên top 5 quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam khi cả hai nước dần có nhiều điểm tương đồng trong hướng phát triển kinh tế và đầu tư.[29] Việt Nam và Thái Lan cùng chia sẻ tham vọng nâng cao quan hệ kinh tế-thương mại song phương, thể hiện ở Chiến lược Ba Kết nối (kết nối chuỗi cung ứng; kết nối kinh tế; kết nối chiến lược tăng trưởng bền vững giữa hai nước) [30] với mục tiêu sẽ nâng mức tổng kim ngạch thương mại lên mức 25 tỷ đô la Mỹ trong năm 2025. Để đẩy mạnh thực hiện chiến lược trên, trước thềm sự kiện kỷ niệm quan hệ ngoại giao, hai quốc gia đã thành công thiết lập thỏa thuận hạn chế các rào cản thương mại, nhằm  giảm bớt thâm hụt thương mại đối với Việt Nam.

Trong quan hệ quốc phòng, Việt Nam và Thái Lan cũng đạt được nhiều bước phát triển nhất định. Hai nước đến nay đã tổ chức thành công ba Diễn đàn Chính sách Quốc phòng Việt Nam-Thái Lan. Các lĩnh vực hợp tác của hai nước diễn ra ở các công tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, quản lý hoạt động đánh bắt cá trên biển.[31] Trong năm 2023, các cơ quan quốc phòng và công an đại diện của hai quốc gia cùng tổ chức các buổi hội đàm và chiêu đãi ngoại giao như kỷ niệm Ngày truyền thống Quân đội Hoàng gia Thái Lan.[32] [33]

2.3. Những thách thức đối với quan hệ Việt Nam – Thái Lan trong bối cảnh mới:

Bên cạnh những cơ hội và kỳ vọng liên quan đến những diễn biến chính trị mới nhất tại Thái Lan, Việt Nam cũng cần những chuẩn bị về mặt chính sách nhằm vượt qua một số trở ngại có thể có để phát triển một mối quan hệ song phương bền vững.

  • Ngoại giao – an ninh

Về mặt ngoại giao và an ninh, trở ngại căn bản nhất trong việc phát triển và củng cố quan hệ song phương là tình trạng bất định về xu hướng và chính sách đối ngoại từ phía Thái Lan trong mỗi giai đoạn chuyển giao chính trị. Với việc đảng Pheu Thai thay thế vai trò lãnh đạo của Đảng Quốc gia Thái Lan thống nhất, đã có một số những dự đoán hướng đến việc Thái Lan sẽ có những thay đổi quan trọng về mặt quan điểm đối ngoại đối với  các vấn đề quốc tế nổi bật.[34] Tuy nhiên, những thay đổi đối ngoại này ề khó có thể được xác định cụ thể trong thời điểm trước và khi chuyển giao chính quyền của các nước. Ngoài ra, đặc thù chính trị Thái Lan còn cho thấy sự ưu tiên cao của các đảng đối với các vấn đề và chính sách đối nội, trong khi chính sách đối ngoại thường được xem là vấn đề chung để giải quyết sau của chính quyền lẫn của quốc hội Thái Lan.[35]

Ngoài tình trạng bất định về chính sách đối ngoại, quan hệ Việt Nam – Thái Lan cũng đứng trước một bước chuyển mang tính thử thách liên quan các vấn đề địa chính trị quan trọng tại Đông Nam Á. Cụ thể là những bất đồng xảy ra giữa Thái Lan và Campuchia , cũng như việc Thái Lan chủ động tiếp cận chính quyền quân sự tại Myanmar có thể tiếp tục ảnh hưởng đến các nỗ lực nhằm xây dựng một cơ chế gắn kết và đồng thuận về chính trị tại ASEAN.[36] Bên cạnh đó, việc duy trì sự đoàn kết chính trị trong vấn đề tranh chấp tại Biển Đông giữa các quốc gia ASEAN chịu ảnh hưởng trực tiếp (bao gồm Việt Nam) và các quốc gia ASEAN chỉ chịu ảnh hưởng gián tiếp (bao gồm Thái Lan) cũng là một vấn đề đáng lưu ý với Việt Nam. Nhất là trong bối cảnh Thái Lan cho thấy những tính toán chính trị riêng lẻ nhằm ưu tiên củng cố mối quan hệ với Trung Quốc và tìm cách hạn chế bất đồng có thể có.[37]

  • Kinh tế – thương mại

Việt Nam và Thái Lan là hai đối tác thương mại lớn trong vùng Đông Nam Á, Thái Lan là Đối tác chiến lược tăng cường của Việt Nam và mới đây, hai nước đã thông qua sáng kiến “Ba kết nối” [38]. Tuy nhiên, quan hệ kinh tế song phương thực chất vẫn còn nhiều bất cập và tình trạng này có thể sẽ tiếp diễn sau khi liên minh đảng Pheu Thai lên cầm quyền vào năm 2023.

Đầu tiên là vấn đề thâm hụt thương mại giữa Thái Lan và Việt Nam. Năm 2021, Thái Lan là quốc gia mà Việt Nam có kim ngạch hàng hóa nhập khẩu lớn nhất tại Đông Nam Á và đứng thứ tư tại châu Á chỉ sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. Mức nhập siêu của Việt Nam từ Thái Lan ở năm 2021 được ghi nhận cao hơn năm 2020. Nhiều mặt hàng công nghiệp của Thái Lan được xuất khẩu sang Việt Nam như ô tô, phụ tùng ô tô và nhiều mặt hàng gia dụng khác[39]. Bên cạnh tình trạng chênh lệch cán cân thương mại lớn về phía Thái Lan, nhiều nhà đầu tư Thái hiện đang sở hữu cổ phần hoặc đã mua lại các tập đoàn lớn tại Việt Nam[40]. Không chỉ ở ngành công nghiệp và dịch vụ, mặt hàng đường của Thái Lan cũng dần chi phối thị trường Việt Nam. Năm 2021, Việt Nam phải áp thuế chống bán phá giá và chống trợ giá lên đường nhập khẩu từ Thái Lan với tổng mức thuế lên đến 47.64%[41].

Cũng trong năm 2021, Thái Lan và EU quay lại bàn đàm phán về Hiệp định thương mại tự do (FTA) còn dang dở từ năm 2014[42]. Chính quyền mới của Thái Lan chắc chắn sẽ tiếp tục theo đuổi FTA nhằm bắt kịp cạnh tranh với Việt Nam và Indonesia. Văn phòng chiến lược và chính sách thương mại (TPSO) thuộc Bộ Thương mại Thái Lan từng bày tỏ lo ngại rằng: “… Việt Nam có thể đạt được nhiều lợi thế và lợi ích hơn Thái Lan nhờ vào cả hai thỏa thuận (EVFTA và EVIPA). EVFTA bao trùm 99% hàng xuất khẩu từ cả hai nền kinh tế”. Việc ký kết thỏa thuận sẽ giúp hàng của Thái Lan tiếp cận thị trường EU dễ hơn qua đó tăng sức cạnh tranh với Việt Nam[43].

Về mảng cơ sở hạ tầng, chính quyền mới của Thái Lan hứa sẽ tăng tốc kết nối tàu hàng hóa từ Lào đến cảng Laem Chabang và sân bay Suvarnabhumi, đồng thời tăng năng suất vận chuyển hàng hóa đến cảng Laem Chabang lên đến 18 triệu container mỗi năm. Ngoài ra, chính quyền Thái dự kiến tiếp tục nỗ lực kết nối với cơ sở hạ tầng thuộc dự án Vành đai Con đường tơ lụa với tham vọng biến Thái Lan thành trung tâm logistic của châu Á, phần nào gián tiếp kiềm chế vị thế kinh tế của Việt Nam tại khu vực[44]. Về mảng nông nghiệp và thủy hải sản, chính phủ của liên minh Pheu Thai cam kết sẽ giúp nông dân Thái Lan “dẫn đầu thị trường, đổi mới bổ sung, tăng thu nhập”. Cùng với chính sách phát triển nghề cá theo hướng bền vững, lâu dài, nền nông nghiệp của Thái Lan sẽ tiếp tục là đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam trong xuất khẩu nông nghiệp[45], nhất là trong bối cảnh Ấn Độ đã ngừng xuất khẩu gạo, gây nhiều biến động trên thị trường quốc tế[46].

3. Đánh giá – Đề xuất:

Quan hệ giữa Việt Nam – Thái Lan trong một thập niên vừa qua là mối quan hệ tốt đẹp, lành mạnh, tạo điều kiện cho việc khám phá những cơ hội mới trong hợp tác giữa hai nước. Trong thời gian cầm quyền của Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha, Thái Lan và Việt Nam đã thúc đẩy hợp tác với nhau về nhiều mặt. Việt Nam và Thái Lan đều nhất trí với nhau về hướng giải quyết trong hòa bình, tránh xung đột, thực hiện theo Tuyên bố ứng xử trên Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông cùng các cơ chế hợp tác của tiểu vùng sông Mekong. Quan trọng nhất trong lĩnh vực này đó là cả hai quốc gia đều nhấn mạnh và muốn làm sâu sắc hơn vai trò của ASEAN trong khu vực, mong muốn đoàn kết các quốc gia thành viên lại với nhau để giải quyết những tranh chấp nội khối và ngoại khối.

Về mặt hợp tác kinh tế – thương mại, nhìn chung, những chuyển biến tích cực luôn diễn ra trong suốt thời gian vừa qua. Kim ngạch thương mại giữa hai nước luôn tăng trưởng dương trong các năm vừa qua và không có dấu hiệu chững lại. Thái Lan tiếp tục là nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, tiếp tục rót vốn vào thị trường này giúp tăng cơ hội việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Thái Lan và Việt Nam đều là thành viên của các hiệp định thương mại trong và ngoài khối ASEAN như ATIGA và RCEP, càng giúp cho trao đổi thương mại càng dễ dàng hơn, đem lại lợi ích to lớn cho nhân dân hai nước. Không chỉ là dừng lại ở hợp tác chính trị – an ninh hay kinh tế – thương mại, quan hệ Việt – Thái cũng sâu đậm về mặt ngoại giao nhân dân với nhiều thành phố, địa phương kết nghĩa và các hoạt động trao đổi văn hóa, giáo dục, du lịch diễn ra theo chiều hướng tích cực. Tuy chính trị Thái Lan vào mỗi thời khắc chuyển giao chính phủ đều sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, vẫn có thể chắc chắn rằng những chính sách ngoại giao chủ đạo của Thái Lan sẽ không thay đổi nhiều, và xu hướng hợp tác với Việt Nam vẫn sẽ tiến triển dựa trên tinh thần gắn kết, đồng thuận.

Tuy nhiên, sự chuyển giao quyền lực giữa một chính phủ của quân đội và một chính phủ dân sự sẽ gây ra những biến đổi ít nhiều với xu thế ngoại giao giữa Việt Nam và Thái Lan. Qua cuộc bầu cử vừa rồi, một điều có thể dự đoán được là chính phủ mới của Thái Lan sẽ tập trung vào đối nội nhiều hơn đối ngoại. Cũng do đó, chính phủ Thái Lan sắp tới có lẽ ưu tiên những mối quan hệ ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình đối nội hơn. Trước hết, Thái Lan sẽ đối phó với những mâu thuẫn với các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Myanmar do tình hình phức tạp tại quốc gia này. Nếu Pheu Thai theo đuổi chính sách ngoại giao hướng nội như trên sẽ ảnh hưởng đến khả năng gắn kết và đồng thuận chính trị của ASEAN đối với những vấn đề an ninh nội khối. Ngoài Myanmar, Thái Lan trong thời gian gần đây xích lại gần hơn với Trung Quốc, xu hướng hiện tại này càng khó cho Việt Nam trong việc tìm kiếm tiếng nói chung có lợi cho mình về vấn đề biển Đông trên diễn đàn ASEAN.

Tiếp đến, quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước đã sẵn có nhiều vấn đề gây bất lợi cho Việt Nam. Từ việc cán cân thương mại hoàn toàn có lợi cho Thái Lan đến sự thâu tóm các doanh nghiệp Việt Nam của các tập đoàn Thái và mới đây là việc áp thuế chống phá giá đường của Việt Nam đối với nhà sản xuất Thái chứng tỏ Thái Lan có ưu thế kinh tế vượt trội hơn đối với Việt Nam. Sau khi liên minh đảng Pheu Thai lên cầm quyền thì những chính sách đối nội sắp tới có khả năng phần nào ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Nếu Thái Lan ký kết thành công hiệp định thương mại tự do với EU, hàng hóa Việt Nam sẽ gặp một đối thủ nặng ký đến từ cùng khu vực. Bên cạnh đó, những chính sách về nông nghiệp, giao thông cơ sở hạ tầng sắp tới với tham vọng dần dần đưa Thái Lan quay trở lại cuộc đua thu hút vốn ở đấu trường Đông Nam Á sẽ đẩy doanh nghiệp Việt Nam vào vòng xoáy cạnh tranh khốc liệt hơn trước.

Tựu trung , quan hệ Việt Nam – Thái Lan xét trên mặt bằng chung vẫn đang diễn ra hết sức tốt đẹp và hàm chứa nhiều cơ hội cho những sự hợp tác trong tương lai. Tuy nhiên,với tình hình hiện tại, chính phủ Thái Lan sắp tới sẽ tập trung nhiều hơn vào công tác đối nội và ưu tiên những mối quan tâm trước mắt, ảnh hưởng trực tiếp đến chính trị tầm cao của quốc gia này. Quan hệ Việt – Thái sắp tới có lẽ sẽ không gặp nhiều biến động tiêu cực, thậm chí là tốt hơn dưới sự lãnh đạo của chính quyền mới của Thái Lan. Mặt khác, vẫn tiềm ẩn những rủi ro ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ này, nhất là khi Thái Lan đang xích lại gần hơn với Trung Quốc.

IR Analytica

Tài liệu tham khảo:

[1] (2022). Chuyến thăm Thái Lan của chủ tịch nước: Mở ra kỷ nguyên mới quan hệ Việt Nam-Thái Lan. VTV. https://vtv.vn/chinh-tri/chuyen-tham-thai-lan-cua-chu-tich-nuoc-mo-ra-ky-nguyen-moi-quan-he-viet-nam-thai-lan-20221120210509917.htm

[2] (2023). 10 năm Đối tác chiến lược: Việt Nam-Thái Lan thúc đẩy hợp tác cùng tăng trưởng bền vững.VOV5. https://vovworld.vn/vi-VN/khach-moi-cua-vov/10-nam-doi-tac-chien-luoc-viet-namthai-lan-thuc-day-hop-tac-cung-tang-truong-ben-vung-1169188.vov

[3] (2023). Webinar on “Vietnam-Thailand Relations: Past, Present, Prospect”. ISEAS. https://www.iseas.edu.sg/media/event-highlights/webinar-on-vietnam-thailand-relations-past-present-prospect/

[4] (2022). Vietnam, Thailand issue joint statement.VietnamPlus. https://en.vietnamplus.vn/vietnam-thailand-issue-joint-statement/243980.vnp

[5] (2022). The 4th Joint Commission on Bilateral Cooperation between Thailand and Vietnam. https://www.mfa.go.th/en/content/thaivietnamjcbc19112564-2?cate=5d5bcb4e15e39c306000683c

[6] (2022). Vietnam, Thailand issue joint statement. VietnamPlus. https://en.vietnamplus.vn/vietnam-thailand-issue-joint-statement/243980.vnp

[7] Lam, G. & Liên, N. (2022). Cảnh sát biển Việt Nam và Trung tâm Chỉ huy hàng hải Thái Lan gặp xã giao và trao đổi song phương. Cảnh sát biển Việt Nam. https://canhsatbien.vn/portal/canh-sat-bien-viet-nam-va-nhung-nguoi-ban/canh-sat-bien-viet-nam-va-trung-tam-chi-huy-hang-hai-thai-lan-gap-xa-giao-va-trao-doi-song-phuong

[8]Minh, N. (2023). Đối thoại cấp cao Việt Nam-Thái Lan về phòng, chống tội phạm và các vấn đề an ninh lần thứ 2. Bộ Công An.  https://bocongan.gov.vn/tin-tuc-su-kien/thong-tin-doi-ngoai/doi-thoai-cap-cao-viet-nam–thai-lan-ve-phong-chong-toi-pham-va-cac-van-de-an-ninh-lan-thu-2-d20-t35250.html

[9]Đỗ, S. & Huy, T. (2022). Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt Nam-Thái Lan lần thứ 4. VietnamPlus. https://www.vietnamplus.vn/doi-thoai-chinh-sach-quoc-phong-viet-namthai-lan-lan-thu-4/829933.vnp

[10](2022). Vietnam, Thailand issue joint statement. VietnamPlus.  https://en.vietnamplus.vn/vietnam-thailand-issue-joint-statement/243980.vnp

[11] Thu Trang (2022). Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN. Công Thương.

https://congthuong.vn/thai-lan-la-doi-tac-thuong-mai-lon-nhat-cua-viet-nam-trong-asean-226631.html

[12] Thu Trang (2022). Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN. Công Thương.

https://congthuong.vn/thai-lan-la-doi-tac-thuong-mai-lon-nhat-cua-viet-nam-trong-asean-226631.html

[13]Mộc Minh (2023). Thương mại song phương Việt Nam – Thái Lan sẽ sớm đạt mốc 25 tỷ USD. VnEconomy. https://vneconomy.vn/thuong-mai-song-phuong-viet-nam-thai-lan-se-som-dat-moc-25-ty-usd.htm

[14] (2022). Vietnam, Thailand discuss ways for promoting bilateral trade. Ministry of Industry and Trade of The Socialist Republic of Vietnam.

https://moit.gov.vn/en/news/ministerial-leaders-activities/vietnam-thailand-discuss-ways-for-promoting-bilateral-trade.html

[15] Wee, S., & Suhartono, M. (2023, August 22). Thai Parliament Picks Real Estate Mogul as Next Prime Minister. The New York Times. https://www.nytimes.com/2023/08/21/world/asia/thailand-thaksin-prime-minister.html. Truy cập ngày: 28/8/2023

[16] Reporters, O. (2023, August 23). Parliament elects Srettha prime minister. https://www.bangkokpost.com. https://www.bangkokpost.com/thailand/politics/2633946 Truy cập ngày: 29/8/2023

[17] Wongcha-Um, P., & Thepgumpanat, P. (2023, August 25). Thai PM makes resort island first visit, seeks tourism boost. Reuters. 30/8/2023

https://www.reuters.com/world/asia-pacific/thai-pm-makes-resort-island-first-visit-seeks-tourism-boost-2023-08-25/. Truy cập ngày 30/8/2023

[18] Sattaburuth, A. (2023, August 29). PM Srettha, airlines discuss high season plans. https://www.bangkokpost.com. https://www.bangkokpost.com/thailand/general/2637811 Truy cập ngày 30/8/2023

[19] Sangwongwanich, P. (2023, August 28). Thai Cabinet Takes Shape With Srettha Set to Retain Finance Post. Bloomberg.com. https://www.bloomberg.com/news/articles/2023-08-28/thai-cabinet-takes-shape-with-srettha-set-to-retain-finance-post Truy cập ngày 30/8/2023

[20] Bangkok Post. (2023, August 30). Srettha plans visit to Laos. https://www.bangkokpost.comhttps://www.bangkokpost.com/thailand/general/2638131 Truy cập ngày 30/8/2023

[21] Tanakasempipat, P., & Abraham, T. K. (2023, April 7). Thai Opposition Party Plans $15 Billion Digital Tokens to ‘Resuscitate’ Economy. Bloomberg.com. https://www.bloomberg.com/news/articles/2023-04-07/thai-opposition-party-plans-15-billion-digital-tokens-to-resuscitate-economy Truy cập ngày 30/8/2023

[22] Reuters. (2023, August 30). FACTBOX Key policies of Thailand’s incoming government. Reuters. https://www.reuters.com/world/asia-pacific/key-policies-thailands-incoming-government-2023-08-29/ Truy cập ngày 30/8/2023

[23] Phuong Hang (2023, Aug 28th). Partnership with Vietnam continues to remain top priority: Thai Ambassador. Subsidiary of The World and Vietnam Report. https://en.baoquocte.vn/partnership-with-vietnam-continues-to-remain-top-priority-thai-ambassador-239945.html. Truy cập ngày 29/8/2023.

[24] Quan hệ Việt Nam – Thái Lan phát triển mạnh mẽ (2023, Aug 07th). Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. https://dangcongsan.vn/nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai/quan-he-viet-nam-thai-lan-phat-trien-manh-me-643590.html. Truy cập ngày 29/8/2023.

[25] Việt Nam, Thailand to advance “three connections” to raise bilateral trade to US$25b (2023, Jun 14th). Việt Nam News. https://vietnamnews.vn/politics-laws/1549771/viet-nam-thailand-to-advance-three-connections-to-raise-bilateral-trade-to-us-25b.html. Truy cập ngày 29/8/2023.

[26] Phuong Hang (2023). Partnership with Vietnam continues to remain top priority: Thai Ambassador. Báo Thế giới và Việt Nam.

https://en.baoquocte.vn/partnership-with-vietnam-continues-to-remain-top-priority-thai-ambassador-239945.html

[27] Ibid.

[28] Đinh Trường (2023, Aug 6th). Kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan. Báo Nhân Dân. https://nhandan.vn/ky-niem-10-nam-thiet-lap-quan-he-doi-tac-chien-luoc-viet-nam-thai-lan-post765994.html. Truy cập ngày 29/08/2023.

[29] Chu Khôi (2023, May 17th). Nâng thương mại song phươngg Việt Nam – Thái Lan lên 25 tỷ USD vào năm 2025. VnEconomy. https://vneconomy.vn/nang-thuong-mai-song-phuong-viet-nam-thai-lan-len-25-ty-usd-vao-nam-2025.htm. Truy cập ngày 29/09/2023.

[30] Nội dung của Chiến lược Ba Kết nối bao gồm: kết nối các chuỗi cung ứng, kết nối các khu vực kinh tế, doanh nghiệp và địa phương, kết nối các chiến lược phát triển xanh và bền vững.

[31] Parameswaran, P. (2019, Sep 23rd). Defense Dialogue Puts Vietnam-Thailand Security Ties into Focus. The Diplomat. https://thediplomat.com/2019/09/defense-dialogue-puts-vietnam-thailand-security-ties-into-focus/. Truy cập ngày 29/08/2023.

[32] Minh Hiền (2023, Mar 9th). Vietnam – Thailand defense cooperation obtains practical results. People’s Army Newspaper. https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-ngoai-quoc-phong/hop-tac-quoc-phong-viet-nam-thai-lan-dat-nhieu-ket-qua-thiet-thuc-721234. Truy cập ngày 29/08/2023.

[33] T.N. (2023, Jul 4th). Việt Nam – Thái Lan tăng cường hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia. Báo Công an Nhân dân. https://congan.com.vn/tin-chinh/thu-truong-le-quoc-hung-hoi-dam-voi-pho-tong-tu-lenh-canh-sat-hoang-gia-thai-lan_149284.html. Truy cập ngày 29/08/2023.

[34] Cogan, Mark S. (2023). The Past Holds Clues to Thailand’s Foreign Policy under Pheu Thai. ISDP. https://www.isdp.eu/the-past-holds-clues-to-thailands-foreign-policy-under-pheu-thai/. Truy cập ngày 28/08/2023.

[35] (2023). Why foreign policy takes a backseat for Thai political parties. Thai PBS World. https://www.thaipbsworld.com/why-foreign-policy-takes-a-backseat-for-thai-political-parties/. Truy cập ngày 28/08/2023.

[36] (2023). Why foreign policy takes a backseat for Thai political parties. Thai PBS World. https://www.thaipbsworld.com/why-foreign-policy-takes-a-backseat-for-thai-political-parties/. Truy cập ngày 28/08/2023.

[37] Chau, Thompson (2023). Deepening divisions across Southeast Asia give China leverage. The China Project. https://thechinaproject.com/2023/07/24/deepening-divisions-across-southeast-asia-give-china-leverage/. Truy cập ngày 28/08/2023

[38] PV (2023). Quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam – Thái Lan phát triển mạnh mẽ. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. https://dangcongsan.vn/doi-ngoai/quan-he-doi-tac-chien-luoc-tang-cuong-viet-nam-thai-lan-phat-trien-manh-me-639840.html. Truy cập ngày 29/08/2023.

[39] Nghĩa, Nguyễn Duy (2022). Thương mại Việt-Thái bao giờ cân bằng? Sài Gòn giải phóng. https://dttc.sggp.org.vn/thuong-mai-viet-thai-bao-gio-can-bang-post93502.html. Truy cập ngày 29/08/2023.

[40] Hà, Mạnh (2023). Thâu tóm loạt ông lớn Việt, lợi nhuận tỷ USD rơi vào tay đại gia Thái. Vietnamnet. https://vietnamnet.vn/thau-tom-loat-ong-lon-viet-loi-nhuan-ty-usd-roi-vao-tay-dai-gia-thai-2142182.html. Truy cập ngày 29/08/2023.

[41] Minh, Đức (2023). Một số công ty đường mía Thái Lan bị Việt Nam áp thuế chống phá giá. VnExpress. https://vnexpress.net/mot-so-cong-ty-duong-mia-thai-lan-bi-viet-nam-ap-thue-chong-pha-gia-4639394.html. Truy cập ngày 29/08/2023.

[42] Francesca Regalado (2023). Thailand, EU agree to restart trade talks halted by 2014 coup. Nikkei Asia. https://asia.nikkei.com/Economy/Trade/Thailand-EU-agree-to-restart-trade-talks-halted-by-2014-coup Truy cập ngày 29/08/2023.

[43] Trang, Trần (2023). Tân Thủ tướng Srettha Thavisin và kỳ vọng Thái Lan bắt kịp Việt Nam về FTA. Báo Giao thông. https://www.baogiaothong.vn/tan-thu-tuong-srettha-thavisin-va-ky-vong-thai-lan-bat-kip-viet-nam-ve-fta-192601367.htm. Truy cập ngày 29/08/2023.

[44] Communications Policy. Pheu Thai. https://ptp.or.th/. Truy cập ngày 29/08/2023.

[45] Agriculture and Fisheries Policy. Pheu Thai. https://ptp.or.th/. Truy cập ngày 29/08/2023.

[46] Tùng, Phan (2023). Tác động từ việc Ấn Độ và một số nước cấm xuất khẩu gạo. VOV. https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/tac-dong-tu-viec-an-do-va-mot-so-nuoc-cam-xuat-khau-gao-post1037545.vov. Truy cập ngày 29/08/2023.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *