Tổng quan về tăng trưởng xanh ở ASEAN

Biến đổi khí hậu là vấn đề cấp thiết cần sớm được giải quyết. Kể từ thời kỳ công nghiệp hóa, mức độ khí nhà kính trong khí quyển đã tăng theo cấp số nhân. Theo Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (2014), cả tăng trưởng kinh tế và dân số đều đóng vai trò chính trong CO2, NO2, metan và các khí nhà kính khác, nguyên nhân khiến nhiệt độ toàn cầu tăng lên.[1] Khi tăng trưởng kinh tế dựa trên gia tăng sản xuất, việc tiêu thụ năng lượng chắc chắn sẽ tăng đáng kể ở các nền kinh tế mới nổi. Do đó, để ngăn chặn lượng khí thải gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự bền vững của hệ sinh thái và sức khỏe con người, các ngành với khả năng gây ô nhiễm phải hướng đến nền kinh tế xanh trên quy mô lớn.

Trong khi đó, khu vực Đông Nam Á đang ngày càng chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu. Như theo Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo, biến đổi khí hậu nếu không được giải quyết có thể làm giảm 11% GDP của khu vực vào cuối thế kỷ 21. Vì thế, việc triển khai các chương trình phát triển bền vững tại ASEAN trở nên quan trọng cho khu vực. Trong đó có thúc đẩy tăng trưởng xanh, và ở phạm vi bài viết này, là thúc đẩy trong khía cạnh kinh tế, đặc biệt là kinh tế xanh.

Vậy kinh tế xanh là gì?

Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cho rằng nền kinh tế xanh là nền kinh tế sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, không tạo ra các tác động xấu đến môi trường vừa mang lại phúc lợi cho xã hội. Nhìn chung, nền kinh tế xanh không chỉ chú trọng đến việc phát triển kinh tế mà còn xoay quanh hai vấn đề lớn trong việc phát triển kinh tế là “môi trường” và “xã hội”. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tăng trưởng xanh là một cách để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo rằng các nguồn tài sản tự nhiên tiếp tục cung cấp các tài nguyên và dịch vụ môi trường thiết yếu cho cuộc sống. Để thực hiện điều này, tăng trưởng xanh phải là nhân tố xúc tác trong việc đầu tư và đổi mới, là cơ sở cho sự tăng trưởng bền vững và tăng cường tạo ra các cơ hội kinh tế mới. Các chính sách của Việt Nam định nghĩa Tăng trưởng xanh là sự tăng trưởng dựa trên quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững. Nhìn chung, các quan niệm đều thống nhất nền kinh tế xanh sẽ bao gồm 3 trụ cột: phát triển kinh tế, bền vững môi trường, gắn kết xã hội.

 1. Tổng quan về thúc đẩy tăng trưởng xanh của ASEAN

Các chính sách tăng trưởng xanh của ASEAN

Tổ chức ASEAN đã thảo luận và đề ra nhiều chính sách nhằm gia tăng “tính xanh” trong đa dạng lĩnh vực như: việc làm xanh, quan hệ đối tác bền vững, môi trường, cụ thể hơn là ô nhiễm khói mù. ASEAN đã có thảo luận trên các diễn đàn và đề xuất các chiến lược từ đường hướng phát triển xanh đến giải quyết các vấn đề cụ thể. ASEAN không chỉ tập trung tăng trưởng xanh ở vấn đề môi trường, mà còn đề xuất phối hợp và ứng dụng trong các lĩnh vực nông nghiệp sản xuất và tái tạo, giao thông, công trình, năng lượng và quản lý chất thải.

ASEAN đã thực hiện một số chính sách xanh nhằm thúc đẩy phát triển bền vững trong khu vực, bao gồm Kế hoạch Chiến lược ASEAN về Môi trường 2016-2025Hiệp định ASEAN về Ô nhiễm khói mù xuyên biên giới.[2] ASEAN cũng nhận thấy các cơ hội tăng trưởng xanh trong nông nghiệp sản xuất và tái tạo, giao thông bền vững, công trình xanh, năng lượng tái tạo và quản lý chất thải. Các sáng kiến này nhằm thúc đẩy nền kinh tế xanh, bền vững trong khu vực ASEAN đồng thời giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường.

Kế hoạch Chiến lược ASEAN về Môi trường (ASPE) 2016-2025 có vai trò như một lộ trình để các Quốc gia Thành viên ASEAN phát triển bền vững thông qua quản lý và bảo vệ môi trường. ASPE tập trung vào bốn lĩnh vực ưu tiên, đó là: (1) giải quyết các thách thức môi trường xuyên biên giới, (2) thúc đẩy quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững, (3) thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, và (4) tăng cường khả năng chống chịu của ASEAN trước biến đổi khí hậu. Kế hoạch cũng công nhận tầm quan trọng của việc lồng ghép các cân nhắc về môi trường vào các lĩnh vực khác, chẳng hạn như nông nghiệp, năng lượng và du lịch. Để đạt được các mục tiêu của mình, ASPE đề xuất ra chiến lược và hành động cho các Quốc gia Thành viên như tăng cường khung thể chế và năng lực quản lý môi trường, thúc đẩy sử dụng đất bền vững và thực hành quản lý rừng, giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường hệ thống quản lý chất thải và thúc đẩy đô thị hóa bền vững. Đồng thời, Kế hoạch cũng khuyến khích sự hợp tác giữa các quốc gia này với các bên liên quan khác (tổ chức xã hội trong nước, tổ chức quốc tế…) nhằm thúc đẩy sự bền vững về môi trường trong khu vực.

Với Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, Hiệp định được ký kết năm 2002 nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm khói mù xuyên biên giới trong khu vực ASEAN. Thỏa thuận công nhận rằng khói mù là một vấn đề khu vực cần phải ngăn chặn. Theo thỏa thuận, các quốc gia thành viên ASEAN nhất trí thực hiện các biện pháp ngăn chặn và giám sát cháy rừng, hợp tác trong các nỗ lực chữa cháy và giảm thiểu khói mù. Thỏa thuận cũng thành lập Trung tâm Khí tượng Chuyên ngành ASEAN (ASMC) để đưa ra cảnh báo sớm về khói mù xuyên biên giới và hỗ trợ các Quốc gia Thành viên giám sát và giảm thiểu tác động của ô nhiễm khói mù. Hơn nữa, thỏa thuận khuyến khích sử dụng các biện pháp quản lý rừng và đất bền vững để ngăn chặn cháy rừng xảy ra. Trong những năm gần đây, các quốc gia thành viên ASEAN đã tăng cường nỗ lực thực hiện thỏa thuận và giải quyết vấn đề ô nhiễm khói mù xuyên biên giới. Tuy nhiên, hiệu quả của thỏa thuận đã bị thách thức bởi các yếu tố như thiếu cơ chế thực thi và lợi ích cạnh tranh của các bên liên quan khác nhau.

Vào tháng 11 năm 2018, ASEAN thông qua Tuyên bố ASEAN về thúc đẩy việc làm xanh vì sự công bằng và tăng trưởng toàn diện. Tuyên bố trên bao gồm nội dung về Nâng cao tiêu chuẩn an toàn vệ sinh lao động thông qua xây dựng và thường xuyên rà soát pháp luật về an toàn vệ sinh lao động hướng tới môi trường xanh; Thúc đẩy chia sẻ kiến thức và thực tiễn tốt và khuyến khích hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên ASEAN, liên quan đến việc làm xanh và kỹ năng xanh thông qua các hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo quốc tế và khu vực cũng như các cách thức và phương tiện phù hợp khác; Khuyến khích xây dựng các chính sách về việc làm xanh và kỹ năng xanh để thúc đẩy hợp tác liên ngành;…Vào tháng 6/2019, ASEAN đã thông qua Tuyên bố Tầm nhìn của các nhà lãnh đạo ASEAN về Quan hệ đối tác vì sự bền vững (ASEAN Leaders’ Vision Statement on Partnership for Sustainability) tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34, bao gồm một loạt các vấn đề về tính bền vững bao gồm SDGs, an ninh quốc gia, an ninh mạng và nền kinh tế xanh. Tiếp theo, Trung tâm Đối thoại và Nghiên cứu Phát triển Bền vững ASEAN đã được thành lập tại Bangkok, Thái Lan vào tháng 11/ 2019.

Vào năm 2021, trong bối cảnh các quốc gia tăng cường hồi phục kinh tế sau ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, Diễn đàn phục hồi xanh ASEAN đã chính thức ra mắt trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow (Scotland). Quản lý bởi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), diễn đàn đặt mục tiêu huy động 7 tỷ USD cho các dự án hạ tầng phát thải cacbon thấp và chống chịu khí hậu ở Đông Nam Á, đồng thời đẩy nhanh quá trình phục hồi của khu vực sau đại dịch COVID-19. Dù mới được thành lập nhưng diễn đàn đã nhận được cam kết tài trợ lên tới 665 triệu USD từ bốn đối tác uy tín.[3] Để đáp ứng các mục tiêu về biến đổi khí hậu, các quốc gia thành viên ASEAN tiếp tục đẩy nhanh kế hoạch truyền năng lượng tái tạo thông qua lưới điện khu vực được đề xuất trước đó, với các thử nghiệm đầu tiên vào năm 2022. Một số thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng đã bắt đầu khám phá công nghệ lưu trữ thu giữ cacbon (CCS) để giảm lượng khí thải, các quan chức cho biết tại hội nghị Tuần lễ Năng lượng Quốc tế Singapore năm 2021. Đồng thời, ASEAN đã đề xuất rằng 23% năng lượng sơ cấp đến từ các nguồn tái tạo vào năm 2025.

Có thể thấy ASEAN cũng đã tập trung hơn trong các vấn đề phát triển bền vững và môi trường. Trước đó, ASEAN chỉ tập trung giải quyết một số vấn đề cụ thể khi có những hậu quả ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội như vấn đề ô nhiễm khói mù khu vực. Thế nhưng, trên thực tế,các đề xuất và thảo luận của ASEAN chỉ mang tính định hướng cho các quốc gia thành viên. Quá trình áp dụng và thực thi các chính sách của từng quốc gia thành viên cụ thể của ASEAN sẽ có những điểm tương đồng và khác biệt.

2. Thực hiện chiến lược thúc đẩy tăng trưởng xanh đi cùng phát triển kinh tế

Các chiến lược, kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng xanh của ASEAN có thể được phân làm 3 lĩnh vực chính: môi trường, việc làm xanh và đầu tư phát triển dân cư – xã hội. Tuy nhiên, việc thực thi các kế hoạch và đề xuất của ASEAN trong khuôn khổ cụ thể của từng quốc gia có nhiều điểm khác biệt (bảng 2.1). Để làm rõ các tương tác của quốc gia thành viên với đề xuất và kế hoạch của ASEAN, bài viết tiến hành phân tích các chính sách và triển khai chính sách của các quốc gia thành viên.

ASEANBruneiCampuchiaLàoIndonesiaMalaysiaMyanmarPhilippinesSingaporeThái LanViệt Nam
Môi trườngKế hoạch Chiến lược ASEAN về Môi trường 2016-2025Chính sách biến đổi khí hậu quốc giaPhương pháp Kế hoạch Chiến lược Thành phố Xanh; Chương trình Phát triển Đô thị xanhChiến lược Tăng trưởng Xanh của CHDCND Lào 2019-2030 Chương trình tài chính công nghệ xanh (GTFS); Chương trình My HIJAUHiệp hội Tăng trưởng Xanh Kinh tế Xanh (GEGG)Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) theo Thỏa thuận Paris tương thích với việc giữ cho trái đất nóng lên dưới 2 độ CSingapore Economic Development Board; Quỹ Hiệu quả Năng lượng của NEAChiến lược Quốc gia 20 Năm (2017-2036)Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 (xanh hoá lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững)
Việc làm xanhTuyên bố ASEAN về thúc đẩy việc làm xanh vì sự công bằng và tăng trưởng toàn diện của Cộng đồng ASEAN Kế hoạch chiến lược quốc gia Campuchia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2013-2030      Chương trình tài chính công nghệ xanh (GTFS) Đạo luật Việc làm Xanh năm 2016. Thực hiện giai đoạn PAGE trong kế hoạch ENSP 5 năm lần thứ 12 của Thái LanChương trình Hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững từ 2021-2030
Đầu tư phát triển dân cư – xã hộiKế hoạch Chiến lược ASEAN về Môi trường (ASPE) 2016-2025 (bao gồm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững) Hội đồng Quốc gia về Tăng trưởng Xanh (NCGG) – xóa đói giảm nghèo Chương trình Tăng trưởng Xanh Indonesia – xóa đói giảm nghèo  Thực hiện thí điểm“Hướng dẫn về Chuyển đổi Công bằng hướng tới các Nền kinh tế và Xã hội Bền vững về Môi trường ”Kế hoạch Xanh Singapore – cuộc sống bền vững cho người dânKế hoạch Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia lần thứ 13Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 (xanh hoá lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững)

a. Chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh của các nước ASEAN

Nhìn chung, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia là các quốc gia có chính sách ở cả 3 lĩnh vực theo phân loại các đề xuất của tổ chức ASEAN. Bên cạnh đó, Brunei, Lào và Myanmar chỉ tập trung thực hiện chính sách về môi trường và Indonesia chỉ tập trung phát triển chính sách đầu tư vào dân cư và xã hội. Riêng Singapore đặt trọng tâm vào hai lĩnh vực còn lại và bỏ qua chính sách về việc làm xanh. Chi tiết nội dung chính sách tăng trưởng xanh của các quốc gia trong ASEAN sẽ trình bày chi tiết như sau:

Campuchia:

Vào 1/3/2013 Campuchia đã công bố “Kế hoạch chiến lược quốc gia Campuchia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2013-2030”. Trong đó, Hội đồng quốc gia về tăng trưởng xanh (NCGG) trở thành một cơ chế cơ bản góp phần thực hiện các “Nguyên tắc kinh tế xanh toàn cầu”, tập trung vào bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế và giảm nghèo được Liên hợp quốc thông qua tại Hội nghị Rio + 20 tại Brazil vào năm 2012.

Nguyên tắc tăng trưởng xanh của Campuchia tập trung vào bốn trụ cột, đó là (1) kinh tế, (2) môi trường, (3) xã hội và (4) văn hóa. Để thực hiện các nguyên tắc, NCGG cùng với ban thư ký chung của quốc gia chuẩn bị các thủ tục pháp lý, chính sách, kế hoạch chiến lược, kế hoạch hành động và các chương trình về tăng trưởng xanh để lồng ghép vào “Kế hoạch phát triển chiến lược quốc gia”. Tại Campuchia, Chính phủ Hoàng gia Campuchia coi tăng trưởng xanh là cách tiếp cận đôi bên cùng có lợi để tăng trưởng kinh tế bền vững hướng tới một quốc gia phát triển trong tương lai.[4] Kế hoạch chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2013-2030 đã được chuẩn bị để thúc đẩy nền kinh tế Campuchia hướng tới nền kinh tế xanh tập trung vào sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bền vững môi trường, việc làm xanh, công nghệ xanh và cải cách kinh tế, đặt trọng tâm nhiều hơn vào các ưu đãi xanh, như thuế xanh, tài chính xanh, tín dụng xanh, đầu tư xanh và tạo việc làm xanh, quản lý kinh tế xanh cân bằng với môi trường,….

Thái Lan:

Các chính sách tăng trưởng xanh liên quan đến môi trường, kinh tế, và xã hội luôn được Thái Lan quan tâm và phát triển.

Chiến lược Quốc gia 20 Năm (2017-2036) của Thái Lan bao gồm sáu chiến lược: (1) an ninh; (2) khả năng cạnh tranh; (3) phát triển nguồn nhân lực; (4) bình đẳng và công bằng; (5) tăng trưởng thân thiện với môi trường; và (6) quản lý của chính phủ. Trong đó Kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội quốc gia (NESDP) 5 năm làm cơ sở cho việc lập kế hoạch và phân bổ ngân sách tài khóa, đồng thời hướng dẫn lập kế hoạch chi tiết và thực hiện bởi các bộ liên quan và các tổ chức cấp dưới. Kế hoạch đóng vai trò là lộ trình cho các kế hoạch trong tương lai nhằm đạt được các mục tiêu nêu trên. Bốn chiến lược cụ thể của NESDP lần thứ 12, bao gồm: (1) hợp tác quốc tế vì phát triển; (2) phát triển vùng, thành phố và Đặc khu kinh tế (SEZ); (3) khoa học, công nghệ, nghiên cứu và đổi mới; và (4) phát triển cơ sở hạ tầng cơ bản và logistics.

Theo Kế hoạch NESDP 5 năm  lần thứ 12, một số chiến lược có liên quan đến kinh tế xanh như sau: Tăng cường Nền kinh tế Thái Lan và Năng lực cạnh tranh. Chiến lược này nhằm đẩy nhanh đầu tư vào cơ sở hạ tầng và hệ thống hậu cần, làm nền tảng để nâng cao khả năng cạnh tranh của đất nước, mở rộng nền kinh tế và đưa Thái Lan trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2027, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5%/năm và thu nhập bình quân đầu người là 8,200 USD vào năm 2021. Chính phủ Hoàng gia Thái Lan đặt ra chiến lược cụ thể cho từng vùng: nền kinh tế có giá trị gia tăng cao ở phía bắc; kinh tế tự cung tự cấp vùng đông bắc; phát triển mạnh công nghiệp miền trung; nguồn thu nhập đa dạng ở phía nam; và mở rộng ngành công nghiệp công nghệ tiên tiến ở vùng biển phía đông.

Ngoài ra, để thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”, Chính phủ Hoàng gia Thái Lan đã khởi xướng Kinh tế Thái Lan 4.0: Chuyển đổi hướng tới Nền kinh tế dựa trên giá trị (Thái Lan 4.0), trình bày các bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi kinh tế của Thái Lan. Theo sáng kiến này, đất nước đã phát triển từ các giai đoạn “Thái Lan 1.0: Nông nghiệp”, sang “Thái Lan 2.0: Công nghiệp nhẹ” và “Thái Lan 3.0: Công nghiệp nặng”. Bước tiếp theo là tiến tới “Thái Lan 4.0: Nền kinh tế dựa trên giá trị” tập trung vào các ngành công nghiệp và dịch vụ sáng tạo. Động lực tăng trưởng mới này sẽ đòi hỏi đất nước phải cạnh tranh hơn, với chất lượng môi trường và xã hội vững chắc. Do đó, một xã hội cacbon thấp đã được xác định là một trong những ưu tiên mới nổi cho mô hình phát triển mới này. Mô hình phát triển này cho thấy nhu cầu cấp thiết đối với tăng trưởng xanh ở Thái Lan trong những năm tới, đặc biệt là xanh hóa các ngành công nghiệp và thành phố. Nó nhấn mạnh nhu cầu đối với ngành công nghiệp của đất nước – động lực kinh tế chính – trở nên cạnh tranh hơn thông qua việc sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên và năng lượng. Đồng thời, để hỗ trợ các ngành công nghiệp đổi mới và dựa trên giá trị cũng như một xã hội cacbon thấp, các thành phố – nơi phần lớn dân số của đất nước sinh sống và là nơi đặt các ngành công nghiệp – sẽ cần được phát triển theo cách thông minh hơn và bền vững hơn để giảm thiểu các tác động tiêu cực của Thái Lan 4.0. Điều này đảm bảo rằng Thái Lan đáp ứng các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) đầy tham vọng và các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đã cam kết.

Việt Nam:

Tại Việt Nam, vấn đề tăng trưởng xanh và phát triển bền vững được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Quá trình thực hiện phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam luôn nhận được nhiều sự quan tâm giúp đỡ và hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế; cộng đồng trên thế giới. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương “phát triển nhanh và bền vững” và phát triển kinh tế xanh: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Định hướng về mục tiêu xanh hóa nền kinh tế được thể hiện thông qua “Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050”. Các nhiệm vụ chiến lược gồm có: giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững. Chiến lược này đã được trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và là chiến lược quốc gia toàn diện về phát triển kinh tế xanh ở nước ta hiện nay. Cùng với chiến lược này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt “Chương trình Hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững từ 2021-2030” với mục tiêu khai thác và sử dụng tài nguyên bền vững, thân thiện với môi trường cũng như tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, từ đó thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Malaysia:

Các chính sách xanh và phát triển bền vững của Malaysia đã có từ sớm và vẫn đang tiếp tục trong thời gian gần đây.

Malaysia đã đưa ra Chính sách Công nghệ Xanh Quốc gia (NGTP) vào 7/2009. Mục tiêu của chính sách là cung cấp định hướng và động lực để người dân Malaysia tiếp tục tận hưởng cuộc sống chất lượng tốt và môi trường lành mạnh thông qua việc giảm lượng khí thải cacbon mà không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Kế hoạch Tổng thể Công nghệ Xanh (GTMP) đưa ra các định hướng chiến lược khả thi để hỗ trợ Chính sách Công nghệ Xanh Quốc gia. Kế hoạch vạch ra những nỗ lực phối hợp quốc gia trong việc thúc đẩy công nghệ xanh trong các ngành kinh tế trọng điểm để kích thích tăng trưởng kinh tế trong nước; điều chỉnh các chính sách và kế hoạch hành động liên quan đến công nghệ xanh hiện có với định hướng chiến lược của Kế hoạch Malaysia lần thứ 11.

Kế hoạch Tổng thể Công nghệ Xanh về cơ bản là kết quả của Kế hoạch Malaysia lần thứ 11 (2016-2020) đã xác định tăng trưởng xanh là một trong sáu yếu tố tác động đáng kể đến đường hướng phát triển của quốc gia. GTMP hình thành một khuôn khổ tạo điều kiện cho việc lồng ghép công nghệ xanh vào các kế hoạch phát triển của Malaysia với bốn trụ cột được đặt ra trong Chính sách Công nghệ Xanh Quốc gia (NGTP) tức là năng lượng, môi trường, kinh tế và xã hội. Kế hoạch GTMP tập trung vào sáu lĩnh vực chính là Năng lượng, Sản xuất, Giao thông vận tải, Xây dựng, Chất thải và Nước và cố gắng hài hòa các định hướng chính sách của từng lĩnh vực hướng tới mục tiêu chung là sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên. Các mục tiêu công nghệ xanh được thiết lập cho từng lĩnh vực này sẽ dần dần được hiện thực hóa và điều chỉnh trong các chính sách và hành động được xây dựng trong mỗi giai đoạn Kế hoạch Phát triển Quốc gia 5 năm. Kể từ năm 2009, một số sáng kiến đã chỉ ra rằng công nghệ xanh có thể là công cụ tách rời tăng trưởng kinh tế khỏi sự cạn kiệt vốn tự nhiên. Điều này được phản ánh trong đóng góp vào GDP được tạo ra bởi việc áp dụng và sử dụng các thực hành, hệ thống và sản phẩm dựa trên công nghệ xanh.

Myanmar:

Myanmar đã thể hiện các nỗ lực trong việc tăng cường phát triển bền vững thông qua các chính sách môi trường và kinh tế xanh qua các năm.

Chính sách Kinh tế Xanh của Myanmar được đưa ra vào năm 2019, nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và giảm tác động đến môi trường. Chính sách này gồm các lĩnh vực khác nhau, bao gồm nông nghiệp, thủy sản, du lịch và sản xuất, đồng thời tập trung vào việc thúc đẩy các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Năm 2015, Myanmar đã đệ trình “Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định” (INDC) cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), trong đó Myanmar cam kết giảm 8% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 so với mức thông thường. Chính phủ Myanmar cũng đã đưa ra nhiều sáng kiến và chính sách nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, như Chính sách môi trường quốc gia, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Chính sách kinh tế xanh. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là Myanmar phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc đạt được tham vọng tăng trưởng xanh, bao gồm nguồn lực tài chính hạn chế, năng lực thể chế yếu kém và bất ổn chính trị đang diễn ra. Đất nước này cũng phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, với khoảng 70% điện năng được tạo ra từ các nhà máy điện chạy bằng khí đốt. Hơn nữa, cuộc đảo chính quân sự gần đây ở Myanmar và bất ổn chính trị sau đó đã làm dấy lên lo ngại về khả năng theo đuổi phát triển bền vững và giải quyết hiệu quả các vấn đề môi trường của đất nước.

Singapore:

Các chính sách xanh và phát triển bền vững của Singapore đã được đề xuất từ rất sớm và thiết lập nhiều mục tiêu đến 2030. Cụ thể, Kế hoạch xanh Singapore (SGP) là kế hoạch môi trường đầu tiên của Singapore được Bộ Môi trường lúc bấy giờ (nay là Bộ Môi trường và Tài nguyên nước hoặc MEWR) ban hành vào năm 1992, mục tiêu của kế hoạch là đảm bảo rằng Singapore có thể phát triển một mô hình tăng trưởng kinh tế không ảnh hưởng đến môi trường. Năm 2002, một SGP thứ hai được gọi là Kế hoạch Xanh Singapore 2012 (SGP 2012) đã được đưa ra. Bằng cách thiết lập một loạt các mục tiêu về môi trường, mục tiêu của SGP 2012 là giúp Singapore đạt được sự bền vững về môi trường. Nhưng để đảm bảo các chiến lược phát triển bền vững của đất nước có thể được duy trì cho đến năm 2030, Kế hoạch “Tổng thể Singapore Bền vững” đã được công bố vào tháng 4 năm 2009.

Kế hoạch Xanh được xem là phong trào toàn quốc nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự quốc gia về phát triển bền vững của Singapore. Dẫn đầu bởi năm bộ – Bộ Môi trường và Bền vững (MSE), Thương mại và Công nghiệp (MTI), Giao thông vận tải (MOT), Phát triển Quốc gia (MND) và Giáo dục (MOE) được hỗ trợ bởi toàn bộ Chính phủ, Kế hoạch Xanh vạch ra các mục tiêu đầy tham vọng và cụ thể trong 10 năm tới, củng cố các cam kết của Singapore theo Chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2030 của Liên Hợp Quốc và Thỏa thuận Paris, đồng thời đạt được nguyện vọng phát thải ròng bằng 0 trong dài hạn vào năm 2050. Bộ trưởng Bộ Môi trường và Bền vững Singapore Grace Fu cho biết: “Trước tiên, chúng ta cần bắt đầu với tính bền vững là cốt lõi của mọi việc chúng ta làm, bao gồm cả việc phục hồi sau Covid-19. Mặc dù đại dịch đã ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh kế của nhiều người, nhưng nó đã mang đến cho chúng ta cơ hội tuyệt vời để vươn lên mạnh mẽ và bền vững hơn. Khi chúng ta xây dựng trở lại, chúng ta phải đón nhận một trạng thái bình thường mới và nắm bắt cơ hội để phục hồi xanh.” Kế hoạch Xanh của Singapore nhằm khai thác tính bền vững như “một động cơ tăng trưởng mới” đồng thời củng cố các cam kết của quốc gia theo các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Philippines

Philippines là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu và là một trong  tám quốc gia duy nhất có đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) theo Thỏa thuận Paris tương thích với việc giữ cho trái đất nóng lên dưới 2 độ C. Chính phủ Philippines cũng đã đưa ra một  chương trình nghị sự về chính sách khí hậu toàn diện, được lồng ghép với Kế hoạch Phát triển Philippines. Ủy ban biến đổi khí hậu là cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu của chính phủ tập trung vào khí hậu, bao gồm cả quá trình chuyển đổi và việc làm xanh.

Philippines đang thực hiện một cách tiếpcận quốc gia, toàn diện để chuyển đổi công bằng thông qua Đạo luật Việc làm Xanh năm 2016. Đạo luật Việc làm Xanh (RA 10771) nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, tạo việc làm bền vững và xây dựng khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu thông qua các biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp tạo ra việc làm xanh. Đạo luật định nghĩa việc làm xanh là “việc làm góp phần bảo tồn hoặc khôi phục chất lượng môi trường”, đó cũng phải là “việc làm bền vững, hiệu quả, tôn trọng quyền của người lao động, mang lại thu nhập công bằng, đảm bảo an ninh tại nơi làm việc và các vấn đề xã hội, bảo vệ các gia đình và thúc đẩy đối thoại xã hội. Cũng trong năm 2016, Philippines khởi động việc thực hiện thí điểm Hướng dẫn của Tổ chức Lao động Quốc tế về Chuyển đổi Công bằng sang các Nền kinh tế và Xã hội Bền vững về Môi trường, bao gồm tham vấn với nhiều bên liên quan như các cơ quan chính phủ, khu vực tư nhân, các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động và các đối tác phát triển.

Brunei:

Với đặc thù nền kinh tế phụ thuộc vào công nghiệp khai khoáng, Brunei đang dần thực hiện những chính sách chuyển đổi năng lượng theo hướng bền vững hơn.
Vào năm 2019 Brunei đưa ra “Chính sách biến đổi khí hậu quốc gia” trong đó nêu rõ cam kết của quốc gia trong việc giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu. Chính sách đặt ra một số mục tiêu và biện pháp, bao gồm phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả và thực hiện các biện pháp sử dụng đất bền vững. Brunei cũng đã tham gia Viện Tăng trưởng Xanh Toàn cầu (GGGI), một tổ chức quốc tế dựa trên hiệp ước nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Với tư cách là thành viên của GGGI, Brunei đang nỗ lực xây dựng và thực hiện các chiến lược và dự án tăng trưởng xanh, tập trung vào năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả và giao thông bền vững. Nhìn chung, trong khi Brunei vẫn phụ thuộc nhiều vào ngành dầu khí, quốc gia này đã thực hiện các bước hướng tới thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững, đồng thời nhận ra tầm quan trọng của việc chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững và ít cacbon.

   Lào:

Các chính sách tăng trưởng xanh ở Lào trước hết tập trung vào vấn đề môi trường nhằm tạo tiền đề để đi đến phát triển kinh tế trong tương lai.

Vào tháng 12/2018 Tại Đại hội Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lần thứ XI, Lào đã xác định Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia đến năm 2030 là công cụ chủ yếu để bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn lâu dài, đặc biệt là nhằm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, có mức thu nhập trung bình khá và đạt mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 theo hướng xanh, bền vững.

Chiến lược Tăng trưởng Xanh cho CHDCND Lào 2019-2030 là một kế hoạch nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và giảm lượng khí thải cacbon của đất nước này. Chiến lược vạch ra một loạt các chính sách và biện pháp toàn diện tập trung vào một số lĩnh vực then chốt, bao gồm quản lý năng lượng, nông nghiệp, lâm nghiệp, nước và chất thải. Chiến lược xác định một số lĩnh vực ưu tiên hành động, chẳng hạn như tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, thúc đẩy các hoạt động nông nghiệp bền vững và tăng cường quản lý và bảo tồn rừng đồng thời  nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển các ngành công nghiệp xanh, thúc đẩy đầu tư xanh và áp dụng các công nghệ và đổi mới xanh. Chiến lược nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tham gia và hợp tác của các bên liên quan, bao gồm các cơ quan chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự và khu vực tư nhân, để đạt được các mục tiêu của nó. Nó cũng thừa nhận sự cần thiết của các cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả để theo dõi tiến độ và đảm bảo trách nhiệm giải trình. Lào cũng đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính thông qua Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) theo Thỏa thuận Paris. Điều này bao gồm giảm phát thải từ nạn phá rừng và suy thoái rừng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và thúc đẩy hiệu quả năng lượng.Ngoài các chiến lược này, Lào đã thực hiện các chương trình thúc đẩy nông nghiệp bền vững, cải thiện quản lý chất thải và bảo vệ đa dạng sinh học. Những nỗ lực này nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời bảo vệ môi trường và đảm bảo sự phát triển bền vững cho các thế hệ tương lai. Nhìn chung, Chiến lược Tăng trưởng Xanh của CHDCND Lào 2019-2030 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững đồng thời bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

b. Triển khai chính sách và kết quả trước mắt

  • Tổng quan thực hiện:

Với những chính sách đã được đề cập ở trên, các quốc gia đã và đang triển khai những chương trình hành động cụ thể hướng tới mục tiêu đã nêu trong các tuyên bố. Cụ thể là các đơn vị như bộ, ngành hoặc các tổ chức phi chính phủ/ liên chính phủ cùng hợp tác, hỗ trợ quốc gia để chịu trách nhiệm triển khai và thực hiện các hành động.

Campuchia:

Để thực hiện hóa các chính sách đã đề ra, Campuchia có Bộ Kinh tế xanh (Department of Green Economy) nhằm thúc đẩy phát triển xanh ở Campuchia bằng cách xem xét các chính sách và kế hoạch chiến lược quốc gia, thực hiện các dự án và huy động các nguồn lực. Bộ này thi hành những công việc như chuẩn bị các văn bản pháp luật, chính sách, kế hoạch chiến lược và dự trù ngân sách.

Các chương trình tiêu biểu do Bộ Kinh tế xanh thực hiện bao gồm: Chương trình Phát triển Đô thị xanh 2015-2016 (GUDP-Phase I) và Chương trình Phát triển Đô thị xanh 2017-2018 (GUDP-Phase II). Chương trình Phát triển Đô thị xanh 2015-2016 có đối tác thực hiện là Viện Tăng trưởng xanh Toàn cầu (GGGI), với ngân sách dành cho chương trình là 1,5 triệu USD được thực hiện trong vòng 2 năm. Kể từ năm 2015, công việc của GGGI tại Campuchia tập trung vào Chương trình Phát triển Đô thị Xanh nhằm đối phó với thách thức đô thị hóa mới nổi. Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ quy hoạch thành phố xanh bằng cách phổ biến các khái niệm và công cụ tăng trưởng xanh cũng như hỗ trợ phát triển các dự án thành phố xanh có khả năng tài trợ vốn mang lại khả năng phục hồi biến đổi khí hậu và cải thiện sinh kế cho người nghèo đô thị của Campuchia. Chương trình này phù hợp với các chính sách về tăng trưởng xanh hiện có của Campuchia thông qua việc tìm kiếm sự phát triển thành phố xanh ở Phnom Penh và được kỳ vọng là hình mẫu cho các thành phố cấp hai khác trên khắp đất nước Campuchia. Ngoài ra, chương trình này cũng nhằm một mục tiêu khác là tăng cường cơ sở hạ tầng (giao thông, năng lượng, chất thải, v.v.) và tạo điều kiện cho môi trường kinh doanh xanh để tăng khả năng cạnh tranh của các thành phố cấp hai (đô thị) và Phnom Penh.[5] Chương trình năm 2017-2018 có thêm đối tác là Bộ Nội vụ (MOI) với mức ngân sách là hơn 1 triệu USD. Nhìn vào ưu tiên của Đô thị hóa xanh, chương trình đã được mở rộng để hỗ trợ các thành phố khác ở Campuchia và GUDP giai đoạn II này được nhân rộng bài học và kinh nghiệm từ giai đoạn I, chủ yếu là về Kế hoạch chiến lược thành phố xanh cho Phnom Penh (2017 – 2026). Chương trình này dẫn đến việc thiết lập Phương pháp Kế hoạch Chiến lược Thành phố Xanh, bản thảo Kế hoạch Chiến lược Thành phố Xanh Phnom Penh (2016 – 2026) kèm theo danh sách 48 dự án ưu tiên và bản thảo Thành phố Bền vững cho các Thành phố Loại 2 trong Giai đoạn 2.[6]

Thái Lan:

Thái Lan đã chính thức khởi động vào ngày 10/11/2022 giai đoạn thực hiện Kế hoạch làm việc liên quan đến chuyển đổi kinh tế xanh (PAGE) ở Thái Lan. Giai đoạn này đã đánh dấu một bước quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác và đầu tư hướng tới nền kinh tế xanh và các chính sách phục hồi xanh ở Thái Lan. Trọng tâm của sự kiện là đánh giá tiến độ đã đạt được cho đến nay về Nền kinh tế xanh hòa nhập (IGE), đánh giá nhu cầu học tập phục hồi xanh và Đánh giá phục hồi xanh của các dự án thuộc quỹ phục hồi. Thái Lan đang hướng đến thực hiện nền kinh tế xanh toàn diện trong năm lĩnh vực chính: 1) giảm lượng khí thải cacbon và ô nhiễm; 2) thúc đẩy hiệu quả năng lượng và tài nguyên; 3) bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái; 4) tạo việc làm bền vững; và 5) chuyển đổi công bằng sang bình đẳng và thịnh vượng cho tất cả mọi người. Đầu tiên nhằm mục đích xây dựng một “Kế hoạch mua bán phát thải cacbon” hay ETS, để hoạt động như một giới hạn cacbon bắt buộc và trao đổi các nguồn phát thải cacbon lớn. Mục tiêu thứ hai là tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý chất thải bền vững với các cơ chế tài chính phù hợp. Mục tiêu thứ ba liên quan đến việc xây dựng năng lực cho môi trường xanh kinh tế thông qua đào tạo về tuần hoàn kinh tế trong nông nghiệp và các ngành then chốt khác. Và thứ tư đòi hỏi phải nâng cao nhận thức thông qua các chiến dịch tiếp cận cộng đồng, vận động chính sách và đối thoại với các đối tác địa phương và quốc gia.[7]

Thái Lan đã đệ trình “Hành động giảm nhẹ phù hợp với quốc gia” với mục tiêu giảm 7-20% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2020, tùy thuộc vào mức độ hỗ trợ quốc tế dưới hình thức phát triển và chuyển giao công nghệ, tài chính và xây dựng năng lực, thông qua các hành động trong lĩnh vực năng lượng và giao thông vận tải ngành. Các biện pháp tiềm năng bao gồm các nguồn năng lượng tái tạo và thay thế, cải thiện hiệu quả năng lượng, nhiên liệu sinh học trong giao thông vận tải và hệ thống vận chuyển bền vững.[8]

Ngày 11 tháng 5 năm 2022, tại Tòa nhà Chính phủ Hoàng gia Thái Lan, Phó Thủ tướng Pravit Wongsuwan đã chủ trì cuộc họp của Ủy ban Môi trường Quốc gia. Hội đồng đã phê duyệt Chính sách Tích hợp Xanh (Kế hoạch Hành động Quốc gia về Thúc đẩy Mua sắm Công Xanh 2022 – 2027). Chính sách này là một trong những kết quả của hỗ trợ chính sách Cơ sở SCP SWITCH-Asia do EU tài trợ cung cấp cho Thái Lan với sự hợp tác của ba cục thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (Cục Kiểm soát Ô nhiễm, Văn phòng Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Cục Môi trường Chất lượng và Khuyến mãi). Các mục tiêu của Kế hoạch Hành động là đưa chiến lược quốc gia vào thực tiễn và đưa ra các định hướng để thúc đẩy mua sắm xanh; hỗ trợ thực hiện mua sắm xanh trong tất cả các lĩnh vực (chính quyền trung ương và địa phương, doanh nghiệp nhà nước, trường đại học và khu vực tư nhân); khuyến khích sản xuất các sản phẩm xanh, đồng thời thiết lập cơ chế liên lạc và hợp tác giữa các bộ phận cùng làm việc hướng tới các mục tiêu chung này.[9]

Mô hình kinh tế “sinh học, tuần hoàn và xanh (BCG)” của chính phủ tập trung rõ ràng vào tăng trưởng xanh và bền vững môi trường, dựa trên các nguyên tắc ‘Nền kinh tế vừa đủ’ đã được thiết lập từ lâu đã định hướng các chiến lược phát triển trong quá khứ. Thái Lan cũng đã thực hiện các bước để phát triển một khuôn khổ cho việc áp dụng Đánh giá môi trường chiến lược (SEA). Tuy nhiên, một lỗ hổng hiện nay là SEA chưa phải là một yêu cầu pháp lý mặc dù các quy định về SEA đang được soạn thảo bởi Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NESDC).[10]

Việt Nam:

Theo báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã có nhiều kết quả tích cực từ xây dựng cơ chế, chính sách đến nhận thức của cộng đồng về tăng trưởng xanh. Bước đầu tiên để xây dựng khung pháp lý toàn diện cho việc triển khai tăng trưởng xanh là tạo ra và/hoặc sửa đổi luật hiện hành. Ngày 03/6/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 24/NQ-TW về các giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phân bổ tài nguyên và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Quốc hội đã xây dựng mới hoặc sửa đổi một số luật liên quan đến tăng trưởng xanh như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Phòng chống thiên tai; Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi; Luật Khí tượng thủy văn. Việc xây dựng và ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh ở các bộ và địa phương cũng đã được triển khai. Các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính đã được triển khai rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực. Chiến lược “công nghiệp hóa sạch” được thực hiện thông qua việc rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh v.v.[11]

Malaysia:

Nhiều sáng kiến ​​công nghệ xanh đã được chính phủ Malaysia hỗ trợ và thông qua trong xuyên suốt các năm và đạt được vị thế “quốc gia phát triển” vào năm 2020. Việc thành lập KeTTHA (Bộ Năng lượng, Công nghệ Xanh và Nước) đã mang lại những thành tựu bước ngoặt như ứng dụng công nghệ xanh cho các hoạt động và sáng kiến ​​của chính phủ, kinh tế và xã hội.[12]

Hội đồng Công nghệ Xanh Quốc gia và Biến đổi Khí hậu ở cấp bộ được thành lập vào năm 2009 để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phối hợp giữa các bộ, cơ quan và khu vực tư nhân của chính phủ và các bên liên quan chính về các sáng kiến ​​xanh. Hội đồng được hỗ trợ bởi một ban chỉ đạo để xây dựng chính sách, xác định các vấn đề chiến lược, điều phối, giám sát và đánh giá trong quá trình xây dựng Chính sách Công nghệ Xanh Quốc gia và các chương trình Công nghệ Xanh ở cấp quốc gia. Một cơ quan khác, Cơ quan Công nghệ Xanh Malaysia (GTAC) được giao nhiệm vụ điều phối và thực hiện các Sáng kiến ​​và chương trình Công nghệ Xanh của chính phủ Malaysia và hợp tác chặt chẽ với Hội đồng Công nghệ Xanh Quốc gia.

Thêm vào đó, Malaysia đã và dự kiến sẽ có thêm các chương trình hỗ trợ và thúc đẩy hướng tới phát triển xanh cũng như với đối tượng là các doanh nghiệp, doanh nhân như Chương trình tài chính công nghệ xanh (GTFS) và Chương trình MyHIJAU. Các chương trình này thể hiện chính phủ Malaysia mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Chương trình tài chính công nghệ xanh (GTFS) được giới thiệu tại Malaysia vào năm 2010 như một cách để thu hút ngành công nghiệp áp dụng các hoạt động và thực hành thân thiện với môi trường, cũng như áp dụng phương pháp tiếp cận công nghệ xanh trong các đổi mới của họ. Kế hoạch này đã được phân bổ 1,5 tỷ RM cho các nhà sản xuất và người sử dụng công nghệ xanh. Đối với các nhà sản xuất, khoản vay tối đa có thể được cung cấp là 50 triệu RM và 10 triệu RM cho các công ty sử dụng. Năm 2010, có tổng cộng 219 dự án được chứng nhận xanh. Trong tổng số 76 dự án với tổng số giao dịch tài trợ trị giá 1,016 tỷ RM đã được cung cấp tài trợ từ các tổ chức tài chính có liên quan. Lực đẩy chiến lược thứ 2 trong NGTP phác thảo nhu cầu về một môi trường thuận lợi tập trung vào các khía cạnh kinh tế trong công nghệ xanh. Với sự phát triển của ngành công nghệ xanh, các đối tác trong ngành tham gia vào chương trình này sẽ cung cấp các sản phẩm công nghệ xanh cho thị trường địa phương và toàn cầu, tạo việc làm và đóng góp cho nền kinh tế quốc gia để hoàn thành các mục tiêu của Chính sách Công nghệ Xanh. Như một dấu hiệu cam kết tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của công nghệ xanh, chính phủ Malaysia đã mở rộng tài trợ với khoản phân bổ bổ sung 2 tỷ RM.[13]

Ngoài ra, Bộ cũng đang xây dựng một chương trình tích hợp để tăng cường và phát triển các sản phẩm và dịch vụ xanh tại Malaysia. Chương trình, được gọi là Chương trình MyHIJAU, bao gồm bốn chương trình con sẽ bao gồm giai đoạn sản xuất cho đến giai đoạn marketing, MyHIJAU SME & Doanh nhân, Ghi nhãn MyHIJAU, Danh mục MyHIJAU và Mua lại MyHIJAU. Mục tiêu chính của chương trình này là điều phối và sắp xếp hợp lý tất cả các sáng kiến ​​phát triển, sản phẩm và dịch vụ xanh ở Malaysia, để phát triển năng lực và kỹ năng của ngành, đặc biệt là Doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nhân địa phương trong việc sản xuất các sản phẩm xanh có tính cạnh tranh hơn và nâng cao nhận thức và kiến ​​thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo tồn của môi trường thông qua khái niệm sản xuất và tiêu dùng bền vững.[14]

Singapore:

Là quốc gia có chính sách môi trường từ sớm. Singapore đã triển khai các chuyển đổi xanh của mình ở đa dạng ngành tác động đến kinh tế quốc gia như các ưu đãi cho công ty sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng và cacbon, có các thúc đẩy sáng kiến bền vững cho doanh nghiệp cũng như hướng tới nền tài chính bền vững.

Các ưu đãi có mục tiêu đã được đưa ra để giúp các công ty của Singapore trở thành một trong những công ty tốt nhất trên toàn cầu về hiệu quả sử dụng năng lượng và cacbon. Ví dụ, EDB (Singapore Economic Development Board) quản lý Khoản trợ cấp hiệu quả tài nguyên cho năng lượng, hỗ trợ các công ty sản xuất giảm lượng khí thải của họ; Quỹ Hiệu quả Năng lượng của NEA (National Environment Agency) hỗ trợ các công ty xây dựng năng lực và khử cacbon sớm bằng cách áp dụng các công nghệ hiệu quả năng lượng bằng cách tài trợ tới 70% chi phí đủ điều kiện. Ngành Năng lượng và Hóa chất cũng là một đối tác chính trong việc phát triển các công nghệ cacbon thấp mới nổi, chẳng hạn như thu hồi, sử dụng và lưu trữ cacbon. Những công nghệ này có thể đóng vai trò then chốt trong việc cho phép khử cacbon ở quy mô lớn và rất quan trọng trong việc giúp chúng tôi đạt được tham vọng khí hậu dài hạn của mình. Quá trình chuyển đổi toàn cầu sang nền kinh tế cacbon thấp mang lại những cơ hội mới trong các lĩnh vực như tài chính xanh, dịch vụ và thương mại cacbon và du lịch bền vững. Chính phủ sẽ tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp và người lao động, đồng thời thúc đẩy một môi trường thuận lợi để họ thích nghi và tận dụng những cơ hội này.

Là một phần của sáng kiến “​​Nghiên cứu, Đổi mới và Doanh nghiệp” (RIE), Chính phủ sẽ hỗ trợ phát triển và thương mại hóa các giải pháp đổi mới liên quan đến tính bền vững, chẳng hạn như năng lượng sạch và tái tạo, nền kinh tế tuần hoàn và các giải pháp ít cacbon. ESG đã khởi động Chương trình Doanh nghiệp Bền vững để hỗ trợ các doanh nghiệp Singapore thực hiện các sáng kiến ​​bền vững và nắm bắt các cơ hội mới trong nền kinh tế xanh. Chương trình sẽ hỗ trợ các hội thảo đào tạo, các dự án phát triển năng lực và sản phẩm cũng như các yếu tố hỗ trợ chính như chứng nhận và tài chính.

  Chương trình Doanh nghiệp Bền vững là một phần trong nỗ lực của chính phủ Singapore nhằm trao quyền, đầu tư và các công ty đối tác cũng như cộng đồng trong quá trình chuyển đổi xanh, Enterprise Singapore (“ESG”) đã khởi động Chương trình Bền vững Doanh nghiệp trị giá 180 triệu đô la Singapore để hỗ trợ các công ty Singapore, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong hành trình phát triển bền vững của họ và nắm bắt các cơ hội trong nền kinh tế xanh để duy trì tính cạnh tranh trong nền kinh tế địa phương và toàn cầu. Sự hỗ trợ như vậy sẽ tập trung vào ba hợp phần chính—phát triển các năng lực bền vững trong doanh nghiệp, tăng cường các năng lực cụ thể của ngành và thúc đẩy một hệ sinh thái bền vững sôi động và thuận lợi. ESG cũng đang làm việc với các đối tác trong ngành để phát triển các hội thảo đào tạo và các dự án phát triển sản phẩm hoặc năng lực. Để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi của Singapore sang nền kinh tế cacbon thấp và thúc đẩy Singapore phát triển thành một trung tâm tài chính xanh, chính phủ Singapore đã công bố tại Ngân sách 2022 rằng khu vực công sẽ phát hành 35 tỷ đô la Singapore trái phiếu xanh vào năm 2030 để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng xanh của khu vực công. Cơ quan tiền tệ Singapore cũng đang xây dựng một chiến lược toàn diện, dài hạn để tài chính bền vững trở thành một đặc điểm xác định vai trò của Singapore với tư cách là một trung tâm tài chính quốc tế và thực hiện các bước tích cực để thúc đẩy tài chính bền vững. Ví dụ, Lực lượng Đặc nhiệm Ngành Tài chính Xanh đã ban hành một hướng dẫn triển khai chi tiết về việc công bố thông tin liên quan đến khí hậu của các tổ chức tài chính, một khuôn khổ giúp các ngân hàng đánh giá các giao dịch tài trợ thương mại xanh đủ điều kiện và một sách trắng phác thảo các khuyến nghị và đưa ra lộ trình mở rộng quy mô tài chính xanh. trong lĩnh vực bất động sản, cơ sở hạ tầng, quản lý quỹ và chuyển đổi. Gần đây nhất, vào tháng 6 năm 2022, chính phủ Singapore đã công bố Khuôn khổ trái phiếu xanh Singapore – một khuôn khổ quản trị cho các đợt phát hành trái phiếu xanh.[15]

Myanmar:

Về tăng trưởng kinh tế bền vững, tổ chức phi lợi nhuận Hiệp hội Tăng trưởng Xanh Kinh tế Xanh (GEGG) giữ vai trò thúc đẩy trao đổi kiến ​​thức giữa các nhóm trong Myanmar, cũng như với các chuyên gia và các bên quan tâm từ cộng đồng quốc tế. Mục tiêu chính của chương trình thuộc GEGG là tìm kiếm sự cân bằng giữa nhu cầu của con người và thiên nhiên, đồng thời giúp doanh nghiệp tìm ra con đường bền vững phía trước. Như cựu Tổng thống Myanmar U Thein Sein đã lưu ý, “Chúng tôi không muốn nước ngoài hoặc bất kỳ khoản đầu tư nào vào đất nước này sẽ gây hại cho môi trường tự nhiên”.[16] Được khởi xướng vào năm 2011, GEGG đã dần dần tạo được ảnh hưởng đối với các cuộc thảo luận chính sách có liên quan. GEGG Myanmar đã được Chính phủ Cộng hòa Liên bang Myanmar phê duyệt vào ngày 5 tháng 10 năm 2012 và được đăng ký với Bộ Kế hoạch và Phát triển Kinh tế Quốc gia. Hiệp hội điều hành các diễn đàn hàng năm nêu bật các lựa chọn chiến lược cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững nói chung, đồng thời thúc đẩy hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế. Các diễn đàn cung cấp một nền tảng để các bên tham gia đa dạng kết nối, chia sẻ và học hỏi lẫn nhau trong khi làm việc để phát triển nền kinh tế xanh cho Myanmar. GEGG đã thêm một hiệp hội chính thức thực hiện nhiệm vụ phát triển các dự án xanh với các đối tác từ xã hội và các tổ chức quốc tế. Bước đầu tiên hướng tới “Khung Chiến lược và Chính sách Kinh tế Xanh” của Myanmar đó là Hội thảo Khởi động: Xây dựng Chính sách Kinh tế Xanh và Khung Chiến lược cho Myanmar do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) cùng với Bộ Bảo tồn Môi trường và Lâm nghiệp (MOECAF) cùng tổ chức vào ngày 2/3 tháng 7 năm 2015 tại Nay Pyi Taw. Hội thảo đã giới thiệu và khởi động quy trình xây dựng chính sách và khung chiến lược kinh tế xanh cho Myanmar. Đến nay, Diễn đàn Phát triển Xanh Kinh tế Xanh vẫn được tổ chức nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi Myanmar sang nền kinh tế xanh.[17]

Philippines:

Khác với các quốc gia khác, Philippines tập trung vào phát triển việc làm xanh. Chính phủ Philippines đã phối hợp cả quốc nội và quốc tế trong các vấn đề này. Ngoài ra, không có dấu chỉ cho thấy Philippines nổi bật trong thực hiện các khía cạnh khác của kinh tế xanh. Cụ thể các triển khai của Philippines trong việc làm xanh:

  • Dựa trên quan hệ đối tác với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Chính phủ Philippines đã cùng với Ghana và Uruguay triển khai thí điểm “Hướng dẫn về Chuyển đổi Công bằng hướng tới các Nền kinh tế và Xã hội Bền vững về Môi trường ” đã thông qua vào tháng 10 năm 2015 của ILO. Chương trình thí điểm của Philippines được thực hiện từ tháng 6/2016 đến tháng 12/2017, với sự hỗ trợ tài chính từ Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển (SIDA) và nguồn Tài khoản Bổ sung Ngân sách Thường xuyên (RBSA) của ILO. Dự án bao gồm tham vấn quốc gia, đào tạo cho công đoàn và xây dựng năng lực với trọng tâm là xây dựng và chia sẻ kiến ​​thức giữa các nền tảng hiện có.
  • Philippines đã tiến hành đối thoại xã hội về Đạo luật Việc làm Xanh với các bên liên quan bao gồm đại diện của người lao động và người sử dụng lao động. Do đó, các Quy tắc và Quy định Thực hiện Đạo luật Việc làm Xanh đã được xuất bản vào tháng 9/2017, nhấn mạnh đến nhu cầu “theo đuổi quá trình chuyển đổi công bằng cho tất cả mọi người, đảm bảo việc làm cho những người lao động bị ảnh hưởng bởi quá trình chuyển đổi thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế, tạo việc làm bền vững, sinh kế và cộng đồng bền vững, có khả năng phục hồi, giảm nghèo và công bằng xã hội, dựa trên đối thoại xã hội và hợp tác ba bên ở tất cả các cấp”. Đạo luật cũng bao gồm danh sách 15 bộ và cơ quan chính phủ có vai trò trong việc thực thi đạo luật, chứng thực cho cách tiếp cận tích hợp, toàn chính phủ của nó. Chương trình thí điểm đã đạt được mục tiêu hỗ trợ các thành phần của Philippines (bao gồm chính phủ, người lao động và các tổ chức của người sử dụng lao động) trong việc tạo ra một môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp bền vững phát triển thịnh vượng và tạo cơ hội việc làm bền vững (đặc biệt là bằng cách vận hành Đạo luật Việc làm Xanh), cũng như xây dựng một hệ thống mô hình can thiệp đã được thử nghiệm và các ví dụ thực hành tốt nhất mà các quốc gia khác có thể noi theo. Vào tháng 5/2018, Ủy ban Biến đổi Khí hậu đã hợp tác với ILO để tổ chức tham vấn nhiều bên với đại diện của chính phủ, khu vực tư nhân, các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động cùng các đối tác phát triển. Mục tiêu là chia sẻ thông tin và thu thập thông tin đầu vào về một số chính sách và hệ thống, bao gồm các ưu đãi tài chính trong Đạo luật Việc làm Xanh, Giao thức Hạch toán Nội dung Việc làm Xanh và Quy trình Chứng nhận Việc làm Xanh (sẽ chuẩn hóa việc hạch toán số lượng việc làm xanh được tạo ra bởi một doanh nghiệp) và Tiêu chuẩn cho Sản phẩm và Dịch vụ Xanh (sẽ xác định xem một sản phẩm hoặc dịch vụ được coi là xanh hay thông thường). Tham vấn cũng nhằm mục đích thống nhất về cách tiếp cận và thời gian cho tham vấn ngành. Một nghiên cứu dự thảo đã ra đời, tiếp đến là thử nghiệm thí điểm. Việc triển khai hệ thống vẫn đang diễn ra cho đến thời điểm hiện tại.[18]

Brunei:

Hội nghị Lâm nghiệp Brunei Darussalam được tổ chức ngày 11/6/2021, chia thành ba chuyên đề là Đa dạng sinh học và Kinh tế, Kinh tế xanh cho một tương lai bền vững và Cơ hội nghiên cứu: Bảo vệ và đa dạng hóa kinh tế. Hội nghị đã khám phá các cơ hội phát triển kinh tế xanh thông qua thương mại hóa đa dạng sinh học rừng như các ngành công nghiệp hạ nguồn và du lịch sinh thái, cung cấp các cơ hội nghiên cứu và phát triển trong lâm nghiệp, đa dạng sinh học và bảo tồn rừng. Tại hội nghị, Thư ký thường trực của Bộ Tài nguyên và Du lịch (KSSUP) Hajah Tutiaty đã trình bày việc Brunei thực hành quản lý rừng bền vững tuân thủ Công ước Đa dạng sinh học và Phát triển bền vững của Liên hợp quốc 2030 và phù hợp với Tầm nhìn Brunei 2035. Ông giải thích rằng mặc dù ngành lâm nghiệp không phải là ngành đóng góp chính vào thu nhập quốc dân nhưng tài nguyên rừng có tiềm năng đóng góp kinh tế, đặc biệt là nguồn gen đa dạng có thể được phát triển thông qua công nghệ sinh học. Giá trị của việc sử dụng gián tiếp các khu rừng nhiệt đới, đặc biệt là với vai trò là bể chứa cacbon và các dịch vụ sinh thái khác, cũng không kém phần quan trọng để đưa Brunei trở thành quốc gia đi đầu trong cộng đồng xanh toàn cầu.[19]

Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN và APEC của Brunei phối hợp với Bộ Tài chính và Kinh tế, Ngân hàng Baiduri và AIA (ASEAN Investment Area) tổ chức Diễn đàn Kinh tế Bền vững (22/10/2022) nhằm nêu bật cách thức nền kinh tế của Brunei Darussalam có thể tăng trưởng xanh. Diễn đàn quy tụ các nhân vật cấp cao để thảo luận về cách khu vực công và khu vực tư nhân có thể làm việc cùng nhau để đạt được cam kết và tìm hiểu các cơ hội kinh doanh trong nền kinh tế xanh. Brunei trình bày việc thực hiện cam kết về biến đổi khí hậu một cách nghiêm túc và vào tháng 11 năm 2021, Brunei đã cùng với hơn 110 quốc gia phê chuẩn và ủng hộ tuyên bố tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP 26). Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Du lịch Abdul Manaf Metussin đã có bài phát biểu rằng để tiến tới cam kết của đất nước theo Thỏa thuận Paris về giảm 20% lượng khí thải vào năm 2030 thì phải tiếp tục xem xét môi trường trong mọi việc. Bao gồm bảo tồn rừng, chuyển đổi sang năng lượng cacbon thấp, sử dụng công nghệ xanh và chuyển đổi sang năng lượng xanh hoặc năng lượng thay thế trong các lĩnh vực kinh tế khác nhau, chẳng hạn như nông nghiệp, năng lượng, lâm nghiệp, v.v. Diễn đàn là một phần của Chương trình Kinh tế Brunei được hỗ trợ bởi Doanh nghiệp Darussalam và Đại học Brunei Darussalam.[20]

Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI), Singapore và Brunei đã cam kết tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, kinh tế xanh, khả năng phục hồi nguồn cung cấp thực phẩm và y tế. Hai nước đã ký hai biên bản ghi nhớ vào ngày 24/8/2022, bên lề chuyến thăm cấp nhà nước hai ngày của Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah tới Singapore. Singapore và Brunei sẽ tăng cường hợp tác song phương trong các lĩnh vực như công nghệ cacbon thấp mới nổi và thu hồi và lưu trữ cacbon, với mục đích đạt được tham vọng về vấn đề khí hậu của cả hai nước.[21]

CÁC YẾU TỐ CHUNG CỦA CÁC CHÍNH SÁCH KINH TẾ XANH CỦA CÁC QUỐC GIA ASEAN

Quốc giaChính sáchĐề cao việc giảm thải lượng cacbonDựa theo công bố của LHQ hoặc được LHQ thông quaĐầu tư cơ sở hạ tầng với mục đích phát triển bền vữngNâng cao và đảm bảo chất lượng đời sống của người dânTăng trưởng xanh đi kèm phát triển kinh tế, công nghệ.Sử dụng hiệu quả tài nguyên và năng lượngTạo việc làm xanhSản xuất,  tiêu dùng bền vững
CAMPUCHIAKế hoạch chiến lược quốc gia Campuchia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2013-2030 xxxxxx 
Chương trình Phát triển Đô thị xanh 2015-2016 (GUDP-Phase I)  Chương trình Phát triển Đô thị xanh 2017-2018 (GUDP-Phase II    xxx   
THÁI LANKế hoạch NESDP 5 năm lần thứ 12  x x   
Chính sách  Kinh tế Thái Lan 4.0xx      
Kế hoạch làm việc liên quan đến chuyển đổi kinh tế xanh (PAGE) ở Thái Lan.   x  x 
Đề xuất “Hành động giảm nhẹ phù hợp với quốc gia”x       
Chính sách Tích hợp Xanh (Kế hoạch Hành động Quốc gia về Thúc đẩy Mua sắm Công Xanh 2022 – 2027).       x
Mô hình kinh tế “sinh học, tuần hoàn và xanh (BCG)”     x x
VIỆT NAMChiến lược quốc gia tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050x  x   x
Chương trình Hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững từ 2021-2030   x xxx
Chiến lược “công nghiệp hóa sạch”    x   
BRUNEIChính sách biến đổi khí hậu quốc giax   xx  
MALAYSIAChính sách Công nghệ Xanh Quốc gia (NGTP)  xxxxxx
 Lộ trình Công nghệ Xanhx       
MYANMARChính sách Kinh tế Xanh năm 2019xx xxx  
Đệ trình với Liên Hợp Quốc “Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định” (NDC) theo Thỏa thuận Parisxx      
SINGAPORE Kế hoạch Xanh Singapore 2012 (SGP 2012)     x  
Kế hoạch xanh Singapore (SGP)xx   x  
Chương trình Doanh nghiệp Bền vững  x x   
LÀOChiến lược Tăng trưởng Xanh của CHDCND Lào 2019-2030x   xx x
Cam kết thực hiện giảm khí thải thông qua “Đóng góp do quốc gia tự quyết định” (NDC) theo Thỏa thuận Parisxx      
PHILIPPINESThí điểm “Hướng dẫn về Chuyển đổi Công bằng hướng tới các Nền kinh tế và Xã hội Bền vững về Môi trường ”  xxx   
Đạo luật Việc làm Xanh năm 2016      x 
Đề xuất “Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC)” theo Thỏa thuận Parisxx      

3. Kết luận

  • Soi chiếu các yếu tố trong các chính sách với chính sách tăng trưởng xanh của ASEAN

Một trong những tuyên bố của ASEAN về tăng trưởng xanh là thúc đẩy việc làm xanh nhằm tạo một môi trường lao động đảm bảo vệ sinh lao động, tăng khả năng cùng xây dựng và chia sẻ kiến thức cũng như thực tiễn giữa các thành viên ASEAN, tạo thêm việc làm, nâng cao đời sống của người dân. Trong 10 quốc gia thành viên của ASEAN Campuchia, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Philippines là những quốc gia đã có chính sách hoặc các triển khai hưởng ứng tuyên bố của ASEAN về thúc đẩy việc làm xanh. Với Campuchia, Kế hoạch chiến lược quốc gia Campuchia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2013-2030 đã đề cập tạo việc làm xanh vừa là trọng tâm vừa là mục đích của chiến lược quốc gia. Về Thái Lan, giai đoạn PAGE trong kế hoạch ENSP 5 năm lần thứ 12 của Thái Lan  đặt trọng tâm  thúc đẩy quan hệ đối tác và đầu tư hướng tới nền kinh tế xanh và các chính sách phục hồi xanh ở Thái Lan từ đó tạo thêm việc làm và phát triển kinh tế. Việt Nam đề cập việc làm xanh là một trong các nội dung xây dựng và phát triển tăng trưởng xanh thuộcChương trình Hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững từ 2021-2030. Malaysia với Chương trình tài chính công nghệ xanh (GTFS) thuộc Malay Kế hoạch Tổng thể Công nghệ Xanh đề xuất tạo nhiều việc làm xanh và bền vững đi kèm thu hút và phát triển các ngành công nghệ. Cuối cùng là Philippines Đạo luật Việc làm xanh 2016, Philippines đề cập định nghĩa “việc làm xanh” cùng với hành động khuyến  khích các doanh nghiệp trong nước tạo ra những công việc có tính bền vững và có khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu. GGGI đã hỗ trợ Philippines trong quá trình chuyển đổi tăng trưởng xanh toàn diện và thích ứng với biến đổi khí hậu, kết quả của chương trình là 12.500 việc làm xanh được tạo ra (2021-2025).

Về vấn đề bảo vệ môi trường, ASEAN thúc đẩy các quốc gia thành viên hợp tác giải quyết các thách thức môi trường xuyên biên giới, quản lý tài nguyên, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững cũng như tăng cường khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu. Hầu hết các quốc gia thành viên của ASEAN đều đã có những chính sách, đề án hoặc chương trình hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường. Đối với Brunei, Chính sách biến đổi khí hậu quốc gia đã đưa ra cam kết về việc giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu. Chương trình Phát triển Đô thị xanh của Campuchia cũng được đề ra nhằm hỗ trợ phát triển các dự án thành phố xanh mang lại khả năng phục hồi biến đổi khí hậu. Trong khi Lào đề ra Chiến lược Tăng trưởng Xanh 2019-2030 để thúc đẩy phát triển bền vững và giảm lượng khí thải cacbon. Chương trình tài chính công nghệ xanh (GTFS) và Chương trình MyHIJAU của Malaysia thúc đẩy việc sử dụng công nghệ xanh và thực hành các hoạt động thân thiện với môi trường. Myanmar có Chính sách Kinh tế Xanh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, giảm tác động đến môi trường và Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) cam kết giảm 8% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030. Philippines cũng đã có Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) theo Thỏa thuận Paris tương thích với việc giữ cho trái đất nóng lên dưới 2 độ C. EDB và Quỹ Hiệu quả Năng lượng của Singapore hỗ trợ các công ty sản xuất giảm lượng khí thải và khử cacbon. Thái Lan với Chiến lược Quốc gia 20 Năm (2017-2036) cũng tập trung vào chiến lược tăng trưởng thân thiện với môi trường. Cuối cùng là Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020 của Việt Nam.

ASEAN cũng đề xuất vấn đề phát triển bền vững trong lĩnh vực đầu tư phát triển dân cư và xã hội và được một số quốc gia thành viên hưởng ứng như: mục tiêu xóa đói giảm nghèo được đề cập trong Hội đồng Quốc gia về Tăng trưởng Xanh (NCGG) của Campuchia và Chương trình Tăng trưởng Xanh của Indonesia; Chương trình thí điểm“Hướng dẫn về Chuyển đổi Công bằng hướng tới các Nền kinh tế và Xã hội Bền vững về Môi trường ” của Indonesia; mục tiêu hướng tới cuộc sống bền vững cho người dân trong Kế hoạch Xanh của Singapore; Kế hoạch Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia lần thứ 13 của Thái Lan và Tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu xanh hoá lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững của Việt Nam.

  • Triển vọng của tuyên bố với môi trường và kinh tế

Việc phát triển năng lực quản lý thảm họa sẽ nâng cao tính bền vững cho sự phát triển của ASEAN. Những thay đổi của môi trường tự nhiên như mực nước biển dâng, tần suất thời tiết cực đoan gia tăng và sự sụt lún của các khu vực ven biển đang diễn ra và sẽ diễn ra trong vòng 50 năm tới. Vì vậy, bất kỳ kế hoạch phát triển nào bỏ qua các mối đe dọa này sẽ không thể mang lại kết quả tối ưu. Ứng phó với biến đổi khí hậu phải được xem xét cẩn thận, nhưng không thể trì hoãn. Việc xác định ưu tiên rõ ràng cho các vấn đề khí hậu (cả giảm thiểu và thích ứng) trong các quyết định kinh tế, cũng như trong quy hoạch và phát triển trên toàn khu vực là rất quan trọng. Cùng nhau theo đuổi các mục tiêu này có thể gia tăng giá trị và lợi ích cho các quốc gia thành viên ASEAN. Việc mở rộng đô thị có kế hoạch sẽ mang lại nhiều lợi ích cho môi trường. Sự tham gia của cộng đồng trong quá trình phát triển đô thị theo kế hoạch sẽ đem đến cơ hội để trở thành thành phố đáng sống cho lượng dân số đô thị đang ngày càng gia tăng.

Đại dịch COVID-19 xảy ra đã đặt ra một thách thức với tất cả các quốc gia thành viên ASEAN buộc họ phải cân bằng cuộc khủng hoảng về sức khỏe với suy thoái về kinh tế. Nhu cầu về việc làm xanh hiện nay rất cao, tuy nhiên các nguồn lực ở cả khu vực công và tư nhân đều bị hạn chế. Chia sẻ kiến ​​thức và hiểu biết trong việc thúc đẩy việc làm xanh là điều cần thiết để đảm bảo các nguồn lực khan hiếm được sử dụng theo những cách hiệu quả nhất.hi tất cả các quốc gia thành viên có thể kiểm soát được những gián đoạn về sức khỏe, xã hội và kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra thì việc các quốc gia hợp tác cùng nhau và phát triển các cơ chế thực hành tốt nhất trong việc phát triển việc làm xanh sẽ mang lại sự đầu tư hiệu quả cho các nguồn lực công và tư cho sự phát triển bền vững. Nếu có thể tận dụng các khoản đầu tư để đối phó với biến đổi khí hậu một cách chiến lược bằng cách sử dụng nguồn tài trợ để tạo ra các chiến lược phát triển bền vững nhằm tăng cường khả năng phục hồi, có thể giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương do thiên tai thông qua việc tăng cường năng lực thích ứng.[22]


[1]

[2] Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á.

[3] https://www.reuters.com/business/cop/climate-loss-damage-earns-recognition-little-action-cop26-deal-2021-11-13/

[4] Cambodia National Strategic Plan on Green Growth 2013-2030

[5] The National Council for Sustainable Development. Program on Green Economy. Green Urban Development Program 2015 – 2016 (GUDP-Phase I). https://ncsd.moe.gov.kh/dge/program/green-urban-development-program-2015-2016-gudp-phase-i

[6] The National Council for Sustainable Development. Program on Green Economy. Green Urban Development Program 2017 – 2018 (GUDP-Phase II). https://ncsd.moe.gov.kh/dge/program/green-urban-development-program-2017-2018-gudp-phase-ii

[7] Partnership for Action on Green Economy (2022, November 10). Thailand’s New Phase in the Green Economic Transition. https://www.un-page.org/news/thailands-new-phase-in-the-green-economic-transition/

[8] The Global Green Growth Institute (2017, March). GGGI Thailand Country Planning Framework 2017-2021. GGGI. https://gggi.org/wp-content/uploads/2017/07/gggi_cpf_thailand_final_web.pdf

[9] SWITCH-Asia (2022, May 12). Thailand approves Green Integration Policy (2022 – 2027). https://www.switch-asia.eu/news/thailand-approves-green-integration-policy-2022-2027/

[10] OECD Investment Policy Reviews: Thailand. Promoting investment for green growth (Chapter 10). https://www.oecd-ilibrary.org/sites/6091762f-en/index.html?itemId=/content/component/6091762f-en#chapter-d1e18174

[11] Thanh Tâm (2019, July 4). Tăng trưởng xanh tại Việt Nam và những vấn đề đặt ra. Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính. https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM156308

[12] Green Technology Master Plan Malaysia 2017-2030. Ministry of Energy, Green Technology and Water Malaysia (KeTTHA). https://www.pmo.gov.my/wp-content/uploads/2019/07/Green-Technology-Master-Plan-Malaysia-2017-2030.pdf

[13] Ibid.

[14] Jaafar, M., Yahya, R. & Hussain, H. Government of Malaysia’s Initiative for Green Economy and the TVET Response. Colombo Plan Staff College. https://www.cpsctech.org/2014/07/government-of-malaysias-initiative-for.html

[15] Peh, Geena (2022 August). Overview and Impact of Singapore’s Green Plan 2030. Jones Day. https://www.jonesday.com/en/insights/2022/08/overview-and-impact-of-singapores-gre.en-plan-2030

[16] Oestereich, Chris (2021). Case Study: Green Initiative in Myanmar: Green Economy Green Growth (GEGG) Association Myanmar and Forums. Green Economy Green Growth.

http://geggmyanmar.org

[17] WWF (2015, August 19). WWF-Myanmar took a first step toward Myanmar’s Green Economy Policy and Strategic Framework. https://wwf.panda.org/es/?251072/WWF-Myanmar-took-a-first-step-toward-Myanmars-Green-Economy-Policy-and-Strategic-Framework

[18] World Resources Institute (2021, April 1). Philippines: A Whole-of-government Approach to Creating Green Jobs. https://www.wri.org/update/philippines-whole-government-approach-creating-green-jobs

[19] Oleh Sim Y. H. (2021, June 11). Teroka peluang ekonomi hijau. Media Permata.https://mediapermata.com.bn/teroka-peluang-ekonomi-hijau/ 

[20] ASEAN Business Advisory Council and APEC Brunei (2022, October 24). Understanding business opportunities in the green economy. Government of Brunei Darussalam. https://www.pelitabrunei.gov.bn/Lists/Berita%202018/NewDisplayForm.aspx?ID=42756

[21] Vietnam News Agency (2022, August 8). Singapore, Brunei enhance collaboration in energy, green economy. VietnamPlus. https://en.vietnamplus.vn/singapore-brunei-enhance-collaboration-in-energy-green-economy/236241.vnp

[22] ASEAN (2021). ASEAN Development Outlook. Inclusive and Sustainable Development. https://asean.org/book/asean-development-outlook/

1 comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *