Tổng kết tình hình Biển Đông 6 tháng cuối năm 2022 (phần 2)

Tag: Biển Đông

2. MỸ

Trong sáu tháng cuối năm 2022, Mỹ (1) Tiếp tục xây dựng, mở rộng và nâng cao vị thế, vai trò tại Biển Đông; (2) Củng cố mối quan hệ hợp tác trong và ngoài khu vực để giải quyết tình hình Biển Đông

(1) Tiếp tục xây dựng, mở rộng và nâng cao vị thế, vai trò tại Biển Đông

Nước Mỹ trong sáu tháng cuối năm 2022 tiếp tục thể hiện sự nhất quán với Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hướng đến mục tiêu “cân bằng hóa” ảnh hưởng tại khu vực được công bố vào tháng 02/2022. Trong một tuyên bố ngày 26/7, Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc có xu hướng gia tăng những hành động khiêu khích tại Biển Đông.[1]Jung Pak, Phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề ở Đông Á và Thái Bình Dương, đã nói với Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế rằng Trung Quốc ngày càng có nhiều vụ chặn máy bay trong không phận quốc tế trên Biển Đông và thách thức các hoạt động nghiên cứu biển, thăm dò năng lượng trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.[2] Gần đây nhất, quân đội Mỹ cho biết một máy bay quân sự của Trung Quốc đã áp sát một máy bay của lực lượng không quân Mỹ trong phạm vi 20 feet (6m) trên Biển Đông vào ngày 21/12 khiến họ phải thực hiện các thao tác né tránh để ngăn một cuộc va chạm xảy ra. Liên quan đến sự việc trên, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ đã tuyên bố rằng họ đang theo dõi các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, Biển Philippines và Biển Hoa Đông một cách chặt chẽ đồng thời nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ tiếp tục “phản đối bất kỳ áp lực quân sự hoặc ép buộc nào đối với các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực”.[3] Trong cuộc gặp mặt trực tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia vào ngày 14/11, Tổng thống Joe Biden cũng đã nêu rõ quan điểm của Mỹ là sẽ bảo vệ các giá trị và lợi ích quốc gia, thúc đẩy nhân quyền phổ quát đồng thời bảo vệ trật tự quốc tế và hợp tác chặt chẽ với các đồng minh, đối tác của mình.[4]

Hoạt động tự do hàng hải (FONOP) là một trong những hành động đơn phương của Mỹ để thực hiện cam kết của mình. Mỹ đưa tàu tuần dương USS Chancellorsville, tàu khu trục USS Benfold di chuyển vào những vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp. Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan cũng được triển khai đến khu vực hoạt động của Hạm đội 7 để tham gia các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Thông qua FONOP. Mỹ tuyên bố sẽ bảo vệ quyền đi lại và hoạt động của mọi quốc gia trên biển theo đúng với luật pháp quốc tế.[5]

Bên cạnh đó, Mỹ cũng có những hành động trên mặt trận song phương và đa phương trong sáu tháng cuối năm 2022, như tiến hành các cuộc tập trận với quy mô lớn cùng các quốc gia khác. Điển hình là cuộc tập trận Super Garuda Shield diễn ra trên đảo Sumatra của Indonesia từ ngày 03/8 đến ngày 14/8. Garuda Shield là cuộc tập trận thường niên giữa Mỹ và Indonesia, được xem là nền tảng của quan hệ đối tác quân sự của hai nước. Cuộc tập trận này đánh dấu một bước chuyển quan trọng, từ song phương sang đa phương với sự tham gia của 14 quốc gia, khiến nó trở thành một trong những cuộc tập trận chung lớn nhất ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong năm nay. Theo Tướng Charles Flynn, Tư lệnh Quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương, Garuda Shield là một biểu hiện quan trọng của tinh thần đồng đội, khả năng tương tác và sự thống nhất với tư cách là một nhóm các quốc gia đang tìm kiếm những phương thức để xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở và duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế.[6] Ngoài ra, Mỹ cũng triển khai những cuộc tập trận chung khác với các đồng minh của mình ở Biển Đông để tăng cường năng lực phòng thủ và duy trì sự hiện diện quân sự ở khu vực này.

(2) Củng cố mối quan hệ hợp tác trong và ngoài khu vực để giải quyết tình hình Biển Đông

Với cơ chế đa phương, Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo ASEAN đã thống nhất sẽ nâng cấp quan hệ hai bên lên Đối tác chiến lược toàn diện (CSP) tại hội nghị cấp cao ASEAN – Mỹ lần thứ 10 diễn ra vào ngày 12/11. Tổng thống Joe Biden đã nhấn mạnh ASEAN chính là trung tâm của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với tổ chức để giải quyết các vấn đề dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế.[7] Ông đồng thời nhấn mạnh quan hệ hợp tác này sẽ góp phần xây dựng “một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, ổn định, thịnh vượng, an ninh và bền vững”.[8]  Ngoài ra, các lãnh đạo ASEAN cũng đã có cuộc gặp với Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris trong khuôn khổ hội nghị. Bà cho biết an ninh hàng hải là một trong những vấn đề được bàn luận chính và Mỹ sẽ chi thêm 60 triệu USD cho các sáng kiến đảm bảo an ninh hàng hải tại Đông Nam Á.[9]

Bên cạnh cơ chế đa phương, Mỹ cũng có những động thái thắt chặt quan hệ song phương với các đồng minh cũng như những quốc gia khác trong khu vực để giải quyết vấn đề Biển Đông. Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Philippines Marcos Jr., chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman đã góp phần hồi sinh quan hệ giữa hai nước.[10] Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Babe Romualdez đã tuyên bố rằng mối quan hệ giữa Philippines và Mỹ hiện đang ở mức tốt nhất.[11] Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris trong chuyến thăm hòn đảo Palawan của Philippines vào ngày 22/11 đã có bài phát biểu lên án “sự đe dọa và cưỡng ép” của Trung Quốc ở Biển Đông đồng thời cam kết sẽ sát cánh cùng Philippines trong việc giải quyết vấn đề này. Trước đó, bà cũng tái khẳng định Mỹ sẽ bảo vệ Philippines nếu tàu hoặc máy bay của nước này bị tấn công ở Biển Đông, theo như một hiệp ước phòng thủ chung có từ năm 1951.[12] Nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại tổ chức tư vấn chính sách toàn cầu RAND Corporation Derek Grossman cho biết liên minh Mỹ-Philippines đang hồi sinh dưới thời kỳ của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. sẽ tạo ra “những tác động an ninh thực sự đối với Trung Quốc ở Biển Đông”.[13] Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin III đã có cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto vào ngày 20/10 để thảo luận về các cơ hội hợp tác giữa hai nước nhằm theo đuổi tầm nhìn chung về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Bộ trưởng Austin bày tỏ sự quan tâm của mình trong việc tiếp tục hỗ trợ hiện đại hóa quân đội của Indonesia và tăng cường khả năng tương tác giữa hai nước.[14] Hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Indonesia đã có những bước phát triển trong năm nay, trong đó có thể kể đến cuộc tập trận chung Super Garuda Shield lớn nhất giữa hai nước từ trước đến nay. Indonesia cũng đang đàm phán để mua một số máy bay chiến đấu F-15EX từ Mỹ và gửi các học viên của mình theo học tại các Học viện quân sự, hải quân và không quân Mỹ.[15] Indonesia là quốc gia đảm nhiệm vị trí chủ tịch ASEAN vào năm 2023. Việc thúc đẩy quan hệ đối tác với Indonesia sẽ giúp Mỹ thực hiện mục tiêu trong khu vực của mình.

3. ASEAN

1) Đẩy mạnh tiến trình giải quyết vấn đề Biển Đông bằng luật pháp quốc tế

Trong bối cảnh ngày càng nhiều thách thức trong việc giải quyết các vấn đề trên biển, yêu cầu sự hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng hơn, Hội thảo quốc tế lần thứ tư của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) về vận dụng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 và các văn kiện pháp lý quốc tế khác đã được Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Liên minh châu Âu (EU), Úc và New Zealand đồng tổ chức tại Hà Nội vào ngày 30/11/2022. Tại cuộc họp, Trợ lý bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đề cao vai trò của UNCLOS, Công ước sẽ là cơ sở quan trọng để các quốc gia trong khu vực tăng cường lòng tin, thúc đẩy các hợp tác vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng. Chia sẻ cùng quan điểm với Việt Nam các đồng chủ tọa là phó trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, đại biện lâm thời Đại sứ quán Úc tại Hà Nội và trưởng SOM ARF của New Zealand cũng đề cao vai trò và giá trị của UNCLOS. Trưởng SOM ARF của New Zealand Georgina Roberts đã nhấn mạnh bật giá trị của biển và đại dương đối với hòa bình, an ninh và sự phát triển của khu vực, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Ngoài ra, Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) cũng được đề cập đến. EU ủng hộ việc nhanh chóng hoàn thành COC như là một văn kiện  có giá trị thực chất và ràng buộc về mặt pháp lý. Đại biện lâm thời Đại sứ quán Úc tại Hà Nội Mark Tattersall cũng đánh giá cao hội thảo lần này, với phạm vi thảo luận bao trùm nhiều lĩnh vực từ vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học biển tại vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia đến vấn đề các lò phản ứng hạt nhân nổi trên biển, hay việc phân định biển trong bối cảnh nước biển dâng.

Theo dòng sự kiện Đài Loan thông báo tập trận bắn đạn thật tại đảo Ba Đình ngày 29/1. Đảo Ba Bình là đảo tự nhiên lớn nhất quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Đài Loan chiếm đóng trái phép từ năm 1956. Việt Nam đã nhiều lần khẳng định có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời báo chí ngày 2/12: “Như đã nhiều lần khẳng định, việc Đài Loan tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này; đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải; gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông”.

2) Tăng cường sự hiện diện trên Biển Đông nhằm hạn chế hành vi bành trướng của Trung Quốc

Vào ngày 3/10, hơn 2.500 lính thủy đánh bộ Mỹ và Philippines đã tập trận bắn đạn thật tại nhiều vùng biển gần Biển Đông và Đài Loan, nhằm ứng phó với các cuộc khủng hoảng bất ngờ có thể xảy ra. Theo các quan chức Philippines, các địa điểm tập trận bao gồm vùng biển ngoài khơi tỉnh Palawan, phía Tây Philippines, nhìn ra Biển Đông và vùng biển phía bắc nước này, tại khu vực eo biển giữa đảo Luzon và Đài Loan. Các quan chức cho biết trong cuộc tập trận có tên gọi “Sự hợp tác của các chiến binh trên biển”, 1.900 binh sĩ Mỹ sẽ cùng với hơn 600 binh sĩ Philippines tiến hành huấn luyện tấn công đổ bộ và các hoạt động đặc biệt.

Tiếp đó vào ngày 22/12, Bộ Quốc phòng Philippines đã phát lệnh cho các lực lượng vũ trang quốc gia tăng cường hiện diện ở Biển Đông, hành động này xuất hiện sau khi Philippines theo dõi “các hoạt động của Trung Quốc” ở vùng biển tranh chấp gần một hòn đảo chiến lược do Philippines kiểm soát. Bộ Tư lệnh miền Tây của quân đội Philippines cho biết họ đã quan sát thấy thông qua các cuộc tuần tra thường xuyên của hải quân và trên không về sự hiện diện liên tục của lực lượng dân quân Trung Quốc gần đảo Thị Tứ và xung quanh Lankiam Cay, Đá Whitsun và Sandy Cay. Philippines tuyên bố rằng bất kỳ sự xâm lấn hoặc cải tạo nào đối với các thực thể trong vùng đặc quyền kinh tế dài 200 dặm của Philippines “là mối đe dọa đối với an ninh của đảo Pagasa (tên Philippines của đảo Thị Tứ)”. Đồng thời, Philippines lên tiếng đặc biệt kêu gọi Trung Quốc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ hiện hành và kiềm chế các hành động sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng. Đứng trước thông báo quân sự từ Philippines, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila nhắc lại rằng Trung Quốc tuân thủ nghiêm ngặt sự đồng thuận đạt được giữa các bên tuyên bố chủ quyền bao gồm việc không phát triển các rạn san hô và đảo không có người ở. Khi được yêu cầu trả lời tuyên bố của Bộ Quốc phòng, họ cho biết cả hai nước sẽ “xử lý đúng đắn các vấn đề hàng hải thông qua các cuộc tham vấn thân thiện”.

4. TỔNG KẾT

Trong năm 2022, Trung Quốc tiếp tục khẳng định vị thế của mình tại Biển Đông thông qua các hành động nhằm phô diễn sức mạnh của mình, bao gồm các hành vi gây hấn và đe doạ các quốc gia có liên quan. Đồng thời, Trung Quốc cũng thông qua các phương tiện ngoại giao với những quốc gia có chung lợi ích tại Biển Đông để cải thiện hình ảnh của mình. Trong khi đó, Mỹ tiếp tục tìm cách cân bằng với ảnh hưởng với Trung Quốc trong khu vực Biển Đông bắng cách giữ sự cạnh tranh trong tầm kiểm soát. Chuyến thăm cấp cao mới nhất của phái đoàn Mỹ tới Trung Quốc và chuyến công du theo kế hoạch của Ngoại trưởng Antony Blinken đã cho thấy những tín hiệu tốt về mối quan hệ của hai quốc gia trong năm 2023. Các hoạt động tự do hàng hải  (FONOP) của Hải quân Hoa Kỳ trên Biển Đông đã giảm từ mức kỷ lục từ 10 trường hợp trong năm 2020 xuống còn 5 trường hợp năm 2021 và 2022. Trong khi quân đội Mỹ duy trì sự hiện diện thường xuyên ở Đông Nam Á và Biển Đông thông qua các nhiệm vụ hải quân và không quân thông thường, việc giảm tần số FONOP dường như phản ánh mong muốn thực hiện hành động “hành lang” với Bắc Kinh. Các ưu tiên chiến lược của các nước ASEAN vẫn nghiêng về việc giải quyết các vấn đề kinh tế như áp lực lạm phát và thậm chí là suy thoái toàn cầu tiềm ẩn. Các hội nghị thượng đỉnh cần được đặt trong một sự quan tâm nhất định nhằm xây dựng tính ổn định cạnh tranh trong khu vực.[16] Việc nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại quốc tế cũng sẽ giúp phục hồi các sáng kiến ngoại giao trực tiếp như đàm phán ASEAN – Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử (COC) được đề xuất trong Biển Đông.

Dường như không có khả năng có một bước đột phá mới trong quá trình COC vào năm 2023 vì khu vực này vẫn chủ yếu đầu tư vào các ưu tiên kinh tế xã hội trong nước. Song song đó, Biển Đông có khả năng phải đối mặt với động lực kép của cả cạnh tranh và hợp tác. Mỹ vẫn sẽ tiến hành các FONOP trong Biển Đông và có vẻ sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh thân cận trong khu vực để dự đoán và duy trì sự hiện diện quân sự trong Biển Đông. Hàng loạt các cuộc tập trận nhỏ lẻ bên rìa khu vực với sự tham gia của Mỹ và quân đội đồng minh sẽ tạo ra các nguy cơ giao tranh, đặc biệt nếu việc này được tạo điều kiện thuận lợi bởi sự tăng cường tư thế phòng thủ của một số đồng minh của Mỹ chẳng hạn như Nhật Bản.

Năm 2023 được dự đoán là sẽ chứng kiến các cuộc giao tranh quân sự mở rộng của các cường quốc ngoài khu vực ở Đông Nam Á. Cụ thể, Indonesia muốn mở rộng hơn nữa phạm vi của cuộc tập trận Super Garuda Shield vào năm 2023 để bao gồm nhiều quân đội nước ngoài hơn. Philippines và Mỹ được cho là sẽ xây dựng trên đà phát triển từ những tháng cuối của chính quyền Duterte bằng cách mở rộng các liên kết quân sự thể chế của họ. Các quốc gia Đông Nam Á cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm sự đảm bảo chiến lược thông qua cách tiếp cận tập thể với các đối tác ngoài khu vực trong khi vẫn duy trì mối quan hệ sôi nổi và định hướng kinh tế với Trung Quốc.

Tình hình trên Biển Đông trong năm 2023 sẽ vẫn còn nhiều bất ổn và tranh chấp. Tuy nhiên, các nỗ lực ngoại giao được thực hiện bởi các bên liên quan trong trong thời gian gần đây đã cho thấy dấu hiệu của sự hợp tác sâu rộng hơn. Đặc biệt khi các quốc gia trong khu vực đều phải đối phó với những thách thức đặt ra của bối cảnh chính trị quốc tế phức tạp và các vấn đề cấp bách đang diễn ra trong nước.

IR Analytica


[1] Brunnstrom, D,. & Martina, M. (July 26, 2022). U.S. accuses China of increased South China Sea ‘provocations’. Reuters. https://www.reuters.com/world/china/us-accuses-china-increased-south-china-sea-provocations-2022-07-26/

[2] Brunnstrom, D,. & Martina, M. (July 26, 2022). U.S. accuses China of increased South China Sea ‘provocations’. Reuters. https://www.reuters.com/world/china/us-accuses-china-increased-south-china-sea-provocations-2022-07-26/

[3] Chung, C. (December 29, 2022). U.S. Says Chinese Fighter Jet Flew Dangerously Close to American Plane. The New York Times. https://www.nytimes.com/2022/12/29/world/asia/us-china-military-jet-intercept.html

[4] Lendon, B. (November 29, 2022). US and China in first South China Sea encounter since Xi-Biden meeting. CNN. https://edition.cnn.com/2022/11/29/asia/us-navy-freedom-of-navigation-south-china-sea-intl-hnk-ml/index.html

[5] Lendon, B. (November 29, 2022). US and China in first South China Sea encounter since Xi-Biden meeting. CNN. https://edition.cnn.com/2022/11/29/asia/us-navy-freedom-of-navigation-south-china-sea-intl-hnk-ml/index.html

[6] (August 3, 2022). Super Garuda Shield 2022 Showcases Multinational Partnership and Joint Interoperability. U.S. Embassy Jakarta https://id.usembassy.gov/super-garuda-shield-2022-showcases-multinational-partnership-and-joint-interoperability/

[7] Sim, D. (November 12, 2022). US President Joe Biden pledges more support on Myanmar, South China Sea row in ‘new era’ of US-Asean ties. South China Morning Post. https://www.scmp.com/week-asia/politics/article/3199410/us-president-joe-biden-pledges-more-support-myanmar-south-china-sea-row-new-era-us-asean-ties

[8] Dương Ngọc, (November 12, 2022). Mỹ và ASEAN nâng cấp quan hệ, Tổng thống Joe Biden công bố hỗ trợ thêm 850 triệu USD. Báo Người Lao động. https://nld.com.vn/chinh-tri/thu-tuong-pham-minh-chinh-tong-thong-joe-biden-du-hoi-nghi-cap-cao-asean-my-20221112183902301.htm

[9] Anh Thư. (May 14, 2022). Tổng thống Biden: quan hệ Mỹ – ASEAN bước sang ‘kỷ nguyên mới’. Báo Tuổi trẻ. https://tuoitre.vn/tong-thong-biden-quan-he-my-asean-buoc-sang-ky-nguyen-moi-20220514060802302.htm

[10] Javad, R. December 6, 2022). Gamechanger: Marcos Jr. Transforms the Philippines – U.S. Alliance. Asia Maritime Transparency Initiative. https://amti.csis.org/gamechanger-marcos-jr-transforms-the-philippine-u-s-alliance/

[11] Javad, R. December 6, 2022). Gamechanger: Marcos Jr. Transforms the Philippines – U.S. Alliance. Asia Maritime Transparency Initiative. https://amti.csis.org/gamechanger-marcos-jr-transforms-the-philippine-u-s-alliance/

[12] Gutierrez, J. (November 22, 2022). In Philippines, Harris Promises Support and Denounces China. The New York Time. https://www.nytimes.com/2022/11/22/world/asia/kamala-harris-philippines.html

[13] Guzman, C. (November 22, 2022). Vice President Kamala Harris’ Visit Puts the Philippines in a Tight Spot With China. Time. https://time.com/6236010/kamala-harris-philippines-visit-china/

[14] (October 21, 2022). Readout of Secretary of Defense Lloyd J. Austin III’s Meeting With Indonesian Minister of Defense Prabowo Subianto. U.S. Embassy Jakarta. https://id.usembassy.gov/readout-of-secretary-of-defense-lloyd-j-austin-iiis-meeting-with-indonesian-minister-of-defense-prabowo-subianto/

[15] Phạm Hà, (November 21, 2022) Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Indonesia, thúc đẩy quan hệ đối tác. VOV. https://vov.vn/the-gioi/bo-truong-quoc-phong-my-tham-indonesia-thuc-day-quan-he-doi-tac-post985433.vov

[16] (November 21, 2022). Things to watch in Asia in 2023. The Economist Group. https://country.eiu.com/article.aspx?articleid=1612589144&Country=China&topic=Economy&subtopic=Forecast&subsubtopic=Country+outlook

1 comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *