Đối thoại Shangri La 2023 (phần 1): Những thảo luận chính về cấu trúc an ninh châu Á – Thái Bình Dương

Tags: Biển Đông, Mỹ – Trung

Đối thoại Shangri La 2023 diễn ra từ ngày 2 – 4/6 có tính chất đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tình hình quốc tế nói chung và khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói riêng đang có nhiều biến động. Cạnh tranh chiến lược, nổi bật là cạnh tranh Mỹ – Trung cùng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia tạo ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh của khu vực. Những thảo luận tại Đối thoại Shangri-La đều trực tiếp liên quan đến vấn đề trong cấu trúc an ninh châu Á – Thái Bình Dương, cùng những thách thức của việc phát triển năng lực quân sự tại khu vực này.

1.    Một số vấn đề an ninh nổi bật của cấu trúc an ninh Châu Á – Thái Bình Dương

1.1.  Vấn đề Biển Đông

Trong những năm gần đây, vấn đề Biển Đông trở thành tâm điểm của khu vực Đông Á với nhiều lợi ích đan xen phức tạp. Căng thẳng ở Biển Đông thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nước trong và ngoài khu vực tại đối thoại Shangri-La các năm trước đây. Trong khuôn khổ hợp tác quốc phòng vì an ninh khu vực của Shangri-La năm 2023, các quốc gia phải đưa ra các định hướng liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, đặc biệt khi tình hình khu vực đang ngày càng nóng hơn.

(1)  Căng thẳng Trung Quốc – Philippines

Vào tháng 4 vừa qua, Philippines đã cáo buộc lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc thực hiện “các hành động nguy hiểm” và “chiến thuật hung hăng” ở Biển Đông trong một cuộc đối đầu hàng hải giữa hai nước vào thời điểm căng thẳng địa chính trị đang sôi sục.[1] Cụ thể, một tàu Trung Quốc đã chặn lực lượng bảo vệ biển Philippines và chiếu tia laser cấp độ quân sự khi họ đang thực hiện nhiệm vụ ở khu vực lân cận bãi cạn Ayungin. Philippines đã bày tỏ sự thất vọng đối với vụ việc này thông qua gửi công hàm phản đối. Đáp lại, Trung Quốc một lần nữa hạ thấp phán quyết của The Hague năm 2016 về Biển Đông, gọi phán quyết này là “bất hợp pháp, vô giá trị”.[2] Trước những hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông, đại sứ các nước Pháp, Đức, Anh tại Philippines đều bày tỏ sự ủng hộ đối với Philippines trong việc thực thi các quyền chủ quyền trên lãnh thổ của nước này.[3] Đồng thời, các quốc gia cũng phản đối hành vi xâm phạm của Trung Quốc, và kêu gọi duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp tại Biển Đông.

Tại cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Carlito Galvez tại thủ đô Manila ngày 22/3, Bộ trưởng Richards Marles cho biết Úc và Philippines đang thảo luận về việc tăng cường tham gia các cuộc tập trận và tuần tra chung ở Biển Đông. Cùng với đó, Úc và Mỹ cũng thảo luận riêng về các cuộc tuần tra chung với Philippines. Ngày 11/4, Philippines và Mỹ khởi động cuộc tập trận quân sự chung lớn nhất trong lịch sử, kéo dài trong 2 tuần. Đây là lần đầu tiên hai nước đưa vào nội dung tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông. Trong khuôn khổ cuộc tập trận, lần đầu tiên các lực lượng diễn tập đổ bộ lên đảo Palawan nằm ở phía Tây Philippines. Quân đội Mỹ cũng huy động tên lửa Patriot và hệ thống tên lửa có độ chính xác cao HIMARS trong cuộc diễn tập quân sự này.

(2) Tàu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tiếp tục vi phạm luật pháp quốc tế khi cho tàu vào các vùng đặc vùng kinh tế của các bên liên quan. Tàu Hải Dương Địa Chất 4 của Trung Quốc mới đây được cho là đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.[4] Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng về các hoạt động của tàu khảo sát Trung Quốc trong EEZ của Việt Nam. Theo trang thông tin về tàu thuyền Marine Traffic, tàu Hải Dương Địa Chất 4 được đóng vào năm 1980, tải trọng gần 1.000 tấn.

Báo cáo vào tháng 4 của Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế cũng cho biết một tàu hải cảnh Trung Quốc đã hoạt động gần dự án phát triển khí đốt Kasawari của Petronas ngoài khơi bang Sarawak của Malaysia. Malaysia nhấn mạnh công ty năng lượng Petronas thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước này và sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc.

(3) Các nước ASEAN liên kết ký hiệp định phân định biên giới trên biển.

Trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông thu hút hầu hết sự chú ý của khu vực, việc các quốc gia Đông Nam Á đang tích cực giải quyết các tranh chấp biên giới trên biển là dấu hiệu tích cực cho trật tự hàng hải khu vực lấy UNCLOS làm trung tâm. Vào tháng 12 năm 2022, Indonesia và Việt Nam đã ký kết một thỏa thuận về ranh giới vùng đặc quyền kinh tế tương ứng ở Biển Đông sau 12 năm đàm phán. Nỗ lực làm rõ biên giới trên biển có thể giúp giải quyết một số vấn đề đang diễn ra về đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định giữa các nước ASEAN. Chẳng hạn, Indonesia gần đây đã bắt giữ 6 tàu cá treo cờ Philippines và Việt Nam bị cáo buộc đánh bắt trái phép xung quanh quần đảo Sulawesi và Natuna. Đặc điểm chính của các tranh chấp hàng hải trong nội bộ ASEAN là không xuất phát từ chính sách đối ngoại hiếu chiến làm suy yếu các điều khoản chính trong UNCLOS. Phần lớn, các quốc gia ven biển Đông Nam Á đã tìm cách giải quyết các vấn đề biên giới đang diễn ra bằng cách hạn chế gia như tạo ra các thỏa thuận tạm thời để chia sẻ tài nguyên (chẳng hạn như ở Vịnh Thái Lan) hoặc trong một số ít trường hợp, thông qua tòa án hoặc trọng tài quốc tế.[5]

1.2.      Các vấn đề khác

(1) Vấn đề Đài Loan

Trong khi đó, tình hình eo biển Đài Loan cũng nóng lên với cuộc tập trận của Trung Quốc xung quanh đảo Đài Loan từ ngày 8 đến 10/4. Cuộc tập trận “Liên Hợp Lợi Kiếm” kéo dài 3 ngày tập trung nhiều vào sức mạnh không quân. 200 lượt máy bay chiến đấu Trung Quốc bao gồm nhiều loại như máy bay ném bom, máy bay chiến đấu, máy bay cảnh báo sớm, máy bay vận tải quân sự… và hàng chục lượt tàu chiến đã diễn tập tấn công các mục tiêu giả định. Ngoài ra, tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận xung quanh đảo Đài Loan. Cũng giống như cuộc tập trận vào tháng 8 năm ngoái, Trung Quốc cũng tiến hành mô phỏng các cuộc tấn công bằng tên lửa có độ chính xác cao vào các vị trí xung quanh đảo Đài Loan.[6]

Chi tiêu quốc phòng của Đài Loan trong năm nay sẽ tập trung vào việc chuẩn bị vũ khí và thiết bị nhằm đối phó với một “cuộc phong tỏa toàn diện” của Trung Quốc, bao gồm các bộ phận của máy bay chiến đấu F-16 và bổ sung vũ khí.[7] Trong bản cập nhật về đánh giá mối đe dọa từ Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Khâu Quốc Chính cho biết quân đội Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động phối hợp nhằm kiểm soát các điểm nút chiến lược và ngăn chặn sự can thiệp của các quốc gia khác. Ông cũng cho biết Đài Bắc đã bắt đầu xem xét dự trữ nhiên liệu chiến lược và khả năng sửa chữa vào năm ngoái.

Trong bối cảnh môi trường an ninh ngày càng xấu đi như vậy, tháng trước, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua một thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Úc, nhằm chống lại sự trỗi dậy quân sự và thái độ hung hăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Hiệp ước đặt ra các quy tắc cho việc vận chuyển nhân sự, vũ khí và vật tư. Úc hy vọng sẽ hoàn tất việc phê chuẩn và tiến hành các cuộc tập trận chung với Nhật Bản vào cuối năm nay.

(2) Vấn đề Triều Tiên

Tình hình tại khu vực bán đảo Triều Tiên ngày càng trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết khi liên minh Mỹ – Hàn mở rộng các cuộc tập trận quân sự và Triều Tiên gia tăng các vụ thử tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh vào tháng 4 qua, trong đó phía Mỹ cam kết cung cấp cho Hàn Quốc kế hoạch hạt nhân đối với bất kỳ cuộc xung đột nào trong bối cảnh chương trình vũ khí của Bắc Triều Tiên đang gia tăng. Cả hai nhà lãnh đạo đã đồng ý tăng cường khả năng phòng thủ của Hàn Quốc và triển khai thường xuyên các khí tài chiến lược của Mỹ. Đáp lại, Triều Tiên chỉ trích và cho rằng thỏa thuận này có thể dẫn đến “bờ vực chiến tranh hạt nhân”.[8]

Mới đây nhất, thông báo phóng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên của Triều Tiên nhận những phản hồi tiêu cực từ cộng đồng quốc tế. Theo đó, Nhật Bản cho rằng Triều Tiên sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo cho vụ phóng này. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng cảnh báo và kêu gọi Triều Tiên rút lại kế hoạch phóng vệ tinh. Theo hãng tin Yonhap, các nhà đàm phán hạt nhân của 3 nước Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản có cuộc điện đàm trong ngày và đồng ý hợp tác phản ứng nghiêm khắc nếu Triều Tiên thực hiện kế hoạch phóng “trái phép”. Dù vụ phóng vệ tinh do thám đầu tiên của Triều Tiên đã kết thúc thất bại, nhưng truyền thông của nước này cho biết một vụ phóng khác sẽ sớm được tiến hành trong tương lai.

2. Chương trình nghị sự của Shangri La 2023

2.1. Về cấu trúc an ninh châu Á – Thái Bình Dương

Môi trường an ninh và chính trị của khu vực châu Á – Thái Bình Dương tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp. Sự cạnh tranh giữa các nước lớn, sự mâu thuẫn về mục tiêu, cũng như tính chưa ổn định của cấu trúc hợp tác an ninh chiến lược khiến các nước châu Á – Thái Bình Dương luôn phải đề phòng nguy cơ các bất đồng, mâu thuẫn bị đẩy lên thành xung đột.

Một trong những vấn đề trọng tâm nhất của Đối thoại Shangri La 2023 là quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng hai nước ngày càng tăng cao. Quan hệ Mỹ – Trung leo thang căng thẳng kể từ tháng 8 năm ngoái sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan bất chấp sự phản đối gay gắt của Trung Quốc. Tình hình càng xấu đi sau vụ Mỹ bắn rơi khinh khí cầu của Trung Quốc đi vào không phận vào tháng 2 năm nay. Trong Đối thoại Shangri La năm ngoái, hai quốc gia thể hiện sự bất đồng khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nêu tầm nhìn của Mỹ với khu vực châu Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Diễn đàn Shangri-La năm nay được xem là một cơ hội để Trung Quốc và Mỹ tiếp tục đối thoại.

Tại Shangri La 2023, Mỹ vẫn thể hiện rõ mục tiêu “thúc đẩy quan hệ đối tác quốc phòng của Mỹ trên khắp khu vực”, nhằm củng cố “tầm nhìn chung về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do, trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm”.[9] Chiến lược của Mỹ tập trung vào nêu rõ mối nguy Trung Quốc tại châu Á –  Thái Bình Dương và tiếp tục kêu gọi các quốc gia trong khu vực cùng phối hợp hành động theo cơ chế mới để ngăn chặn. Bộ trưởng Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc cũng có bài phát biểu về “Sáng kiến An ninh mới của Trung Quốc”. Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề xuất Sáng kiến ​​An ninh Toàn cầu tại Diễn đàn Châu Á Bác Ngao năm ngoái, đưa ra tầm nhìn của Trung Quốc về hòa bình và ổn định thế giới. Nội dung sáng kiến cũng bao gồm việc phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương và can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác –  điều mà Trung Quốc thường cáo buộc Mỹ thực hiện. Zhou Chenming, nhà nghiên cứu tại Tổ chức Tư vấn Khoa học và Công nghệ Quân sự Yuan Wang tại Bắc Kinh, cho rằng bất kỳ cuộc gặp nào giữa các bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc và Mỹ cũng sẽ diễn ra gay gắt, và Trung Quốc sẽ “kiên quyết với mục tiêu cuối cùng” nếu hai bên gặp nhau.[10]

Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cũng đã dự đoán căng thẳng tại Đài Loan và Biển Đông sẽ tiếp tục là vấn đề lớn của đối thoại năm nay. Các hành vi gây hấn, không tuân thủ luật pháp của Trung Quốc tại Biển Đông vấp phải chỉ trích từ phía Mỹ, các quốc gia có liên quan tại Biển Đông và các nước trong Liên minh châu Âu. Việc giải quyết dứt điểm căng thẳng tại Biển Đông khó có thể xảy ra, tuy nhiên, các cơ chế quản trị mâu thuẫn được kỳ vọng sẽ hoạt động hiệu quả hơn sau các cuộc thảo luận.[11]

2.2.  Xây dựng và mở rộng mạng lưới hợp tác tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Trong Đối thoại Shangri-La lần thứ 19 đã diễn ra vào năm 2022, nhiều nghi vấn về khả năng của các cơ chế hợp tác an ninh hiện nay trên thế giới đã được đặt ra trước bối cảnh căng thẳng quân sự biên giới Nga – Ukraine cùng với những hậu quả của đại dịch COVID-19. Có thể thấy, khu vực châu Á – Thái Bình Dương hiện diện một số lượng không ít các cơ chế về hợp tác khu vực lẫn bên ngoài khu vực, trong đó có các cơ chế hợp tác an ninh lâu đời như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), ASEAN+3, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và phiên bản mở rộng (ADMM+). Quy mô hơn nữa đó là các tổ chức hợp tác khu vực đa lĩnh vực như Hiệp hội Nam Á vì Hợp tác Khu vực (SAARC) và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tuy nhiên, khi xem xét lại và đánh giá mức độ hiệu quả của các tổ chức này trong thời điểm diễn ra đại dịch COVID-19 và các hiện tượng thiếu hụt năng lượng và lương thực gây ra chiến sự Ukraine – Nga, các tổ chức và cơ chế vẫn cho thấy hạn chế về năng lực của mình.

 Do sự phức tạp của tình hình của thế giới hiện nay và những vấn đề an ninh đặc thù của khu vực châu Á – Thái Bình Dương nên các quốc gia tại khu vực này phải thiết lập và tăng cường các hoạt động hợp tác an ninh sâu rộng hơn. Tuy nhiên, thực tiễn lại cho thấy, các cơ chế hợp tác an ninh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn đang còn diễn ra thiếu hiệu quả và lỏng lẻo. Điều này xuất phát từ những đặc điểm như sự đa dạng, thiếu sự tin tưởng cùng với những tác động khách quan của các thế lực bên ngoài khu vực. Nghiên cứu viên cấp cao Daljit Singh tại Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Chính trị và Khu vực thuộc Viện Yusof Ishak cho rằng khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang đánh mất đi tiềm năng hình thành không gian an ninh mang tính hợp tác tập thể do ảnh hưởng của sự thiếu tin tưởng, chạy đua vũ trang và nhiều hành động quân sự đơn phương ngày càng gia tăng.[12]

Lấy ví dụ các cơ chế đã được nhắc ban đầu tại khu vực Đông Nam Á, đây là những cơ chế hợp tác an ninh do ASEAN dẫn dắt. Mặc dù có lịch sử tồn tại và phát triển lâu đời tuy nhiên vai trò của những cơ chế này không tạo được sự tin tưởng của các quốc gia thành viên do cách tổ chức và điều kiện pháp chế quản lý hành vi và quan hệ giữa các thành viên không chặt chẽ và thiếu tính bắt buộc. Điển hình đó là “Phương thức ASEAN” được áp dụng vào cách tổ chức, ra quyết định và thực thi các quyết định trong các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.

Nhận định trên tình hình thực tế, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Dato’ Sri Híhammuddin Run Hussein cho rằng các quốc gia tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương cần tiếp cận việc đẩy mạnh hợp tác an ninh thông qua hai cách: (1) tăng cường các cơ chế tiểu khu vực và (2) phát triển các phương thức nâng cao sự tin tưởng và tín nhiệm giữa các quốc gia. Theo ông Hishammuddin, do những cơ chế hiện tại có số lượng thành viên quá nhiều cho nên sự gắn kết giữa các thành viên đồng thời khả năng đưa ra quyết định cũng bị hạn chế và chậm trễ. Do vậy, một số cơ chế hợp tác có quy mô nhỏ hơn đã xuất hiện như Hợp tác Ba bên Malaysia, Indonesia và Philippines; Nhóm Tuần tra Eo biển Malacca (MSP) giữa Malaysia, Singapore, Indonesia và Thái Lan hay Ủy ban Sông Mekong Quốc tế (MRC), Hợp tác Lancang-Mekong (LMC), Sáng kiến Our Eyes,.. .Các cơ chế này tập trung giải quyết một hay một số vấn đề an ninh cụ thể chứ không dàn trải hoạt động ở quá nhiều vấn đề như các tổ chức đã kể đến ban đầu.

Ngoài những cơ chế xây dựng bởi nội bộ các quốc gia trong khu vực, tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các cường quốc bên ngoài khu vực cũng mở rộng hoạt động của các cơ chế hợp tác do mình thành lập tại đây. Trong giai đoạn hiện tại, thế giới bị chi phối bởi cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, nhiều cơ chế an ninh tiểu đa phương liên kết giữa Mỹ và một số đồng minh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã ra đời. Điển hình như Thỏa thuận Quốc phòng Ba bên Úc – Anh – Mỹ (AUKUS) và Đối thoại Tứ giác An ninh Nhật Bản – Mỹ – Ấn Độ – Úc (QUAD). Sự ra đời của những thể chế hợp tác này là biểu hiện về nỗ lực của Mỹ trong việc tăng cường và củng cố ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái bình Dương. Đồng thời, đây còn là cách thức để Mỹ kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc.[13]

Về phía của Trung Quốc, quốc gia này cũng trong năm 2022 cũng đã đề xuất ra những cơ chế hợp tác an ninh có tính đối trọng đối với những cơ chế do Mỹ thành lập. Năm 2022, Trung Quốc đã đưa ra ý tưởng thành lập Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI) với mục tiêu giải quyết mâu thuẫn, duy trì an ninh toàn cầu đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm duy trì hòa bình và phát triển của thế giới.[14] Ngoài ra, hoạt động mở rộng thành viên và đối tác của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) trong thời gian từ năm 2022 đến gần đây tại khu vực Trung Á cũng có thể được xem là những dấu hiệu về cạnh tranh ảnh hưởng về địa chính trị của Trung Quốc. Điều này diễn ra ảnh hưởng của Mỹ tại tại Trung Á đã dần giảm sút đồng thời quan hệ giữa Mỹ với các quốc gia tại đây còn khá hạn chế.[15] SCO cũng đang dần trở thành tổ chức được các quốc gia thuộc vùng Vịnh hợp tác và tham gia. Iran là một trong những quốc gia tại khu vực này trở thành thành viên có tư cách đầy đủ của SCO. Ngoài ra, các quốc gia như UAE, Bahrain, Kuwait, Maldives, Ả Rập Xê Út cũng đã trở thành đối tác đối thoại với SCO.[16] Xu hướng tham gia vào SCO của các quốc gia này cũng trùng hợp khi quan hệ của Mỹ với các quốc gia thành viên OPEC đang ngày trở nên xấu đi.

Có thể thấy tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương hiện tại, những cơ chế hợp tác an ninh diễn ra vấn đề bị chia rẽ do ảnh hưởng của cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung. Các quốc gia tại ngay trong khu vực này phải tìm cách tự chủ trong việc hợp tác an ninh và hạn chế được việc bị lợi ích của các nước bên ngoài làm ảnh hưởng và chi phối mục tiêu của khu vực. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã xây dựng và phát triển được những cơ chế hợp tác tự dẫn dắt có tính cân bằng ảnh hưởng với các cường quốc, chẳng hạn như những cơ chế đa phương do ASEAN dẫn dắt. Trong đối thoại Shangri-La năm nay, vai trò trung tâm của ASEAN được đánh giá cao trong duy trì hòa bình, ổn định và đảm bảo an ninh trong khu vực. Tuy nhiên, để thể hiện được vai trò hiệu quả hơn thì các cơ chế này của ASEAN phải tìm cách gỡ bỏ những hạn chế về vấn đề về cam kết, đưa ra quyết định tập thể và thực thi quyết định của mình.

2.3. Các vấn đề an ninh phi truyền thống

Ngoài những vấn đề an ninh truyền thống, khu vực châu Á – Thái Bình Dương còn gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống. Một trong những vấn đề an ninh phi truyền thống có ảnh hưởng lớn đến nhiều quốc gia đó chính là biến đổi khí hậu. Các hiện tượng thiên nhiên khắc nghiệt như siêu bão nhiệt đới thường xuyên diễn ra tại các khu vực như Đông Nam Á.[17] Hiện tại, nhiều tổ chức và quốc gia bên ngoài khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã đề xuất hợp tác đẩy mạnh giảm thiểu các hậu quả của biến đổi khí hậu và tăng cường tính thích nghi với các quốc gia của khu vực này. Trong đó, các mục tiêu hợp tác về môi trường và khí hậu sẽ liên quan đến việc hỗ trợ cung cấp các sáng kiến công nghệ xanh, hạn chế phát thải carbon. Mục tiêu về bảo vệ môi trường và hạn chế các hậu quả do biến đổi khí hậu cũng sẽ được gắn với các hoạt động quân sự và chính trị.[18] Ngoài ra, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương còn diễn ra nhiều tình hình phức tạp về tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố và các nhóm cực đoan ly khai. Tại Đông Bắc Á, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên trong thời gian từ cuối năm 2022 đến nay có nhiều dấu hiệu gia tăng về số lượt thử bắn cùng với nhiều tiến triển gây lo ngại về việc phát triển vũ khí hạt nhân tại quốc gia này.

3. Kết luận

Nhìn chung, Đối thoại Shangri-La năm 2023 tiếp tục là một diễn đàn tranh luận sôi nổi về các vấn đề an ninh đặc thù của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Sở dĩ như vậy là vì trong giai đoạn hiện nay, đây là khu vực diễn ra cùng lúc nhiều nguy cơ an ninh có khả năng đe doạ đến an ninh toàn cầu như: vấn đề hạt nhân tại bán đảo Triều Tiên, vấn đề eo biển Đài Loan, và vấn đề tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Đặc biệt, xét về mặt chiến lược, Đối thoại Shangri-La còn là nơi để quan sát những diễn biến tiếp theo của cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung thông qua những quan điểm và phát biểu của đại diện các bên. Trước tình hình biến động nêu trên, các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương cần phải xây dựng, duy trì năng lực và vai trò chiến lược của mình đối với cấu trúc an ninh của khu vực. Các nỗ lực nâng cao năng lực và vai trò của các quốc gia tại khu vực cần thường xuyên được thảo luận và đổi mới ý tưởng. Bên cạnh các vấn đề an ninh truyền thống, những vấn đề an ninh phi truyền thống cũng dần thu hút sự chú ý khi đặt ra các thách thức đối với năng lực quản trị và giải quyết vấn đề của các chính phủ quốc gia ở khu vực. Từ những điều đã nêu trên, các quốc gia tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương cần đẩy mạnh liên kết và hợp tác nhằm nâng cao khả năng đối phó với các vấn đề an ninh và đồng thời chứng minh được vai trò của mình trong cấu trúc an ninh quốc tế.

Tài liệu tham khảo

[1] Philstar (2023). Coast Guard: China’s aggressive tactics in West Philippine Sea reported to task force. Philstar. https://www.philstar.com/headlines/2023/04/28/2262323/coast-guard-chinas-aggressive-tactics-west-philippine-sea-reported-task-force

[2] Romero, A. (2023, May 2nd). Philippines, China to discuss fishing rights in South China Sea – Marcos. PhilStar Global. https://www.philstar.com/headlines/2023/05/02/2263151/philippines-china-discuss-fishing-rights-south-china-sea-marcos

[3] Romero, A. (2023, May 2nd). Marcos voices concern over China’s actions in South China Sea. PhilStar Global. https://www.philstar.com/headlines/2023/05/04/2263624/marcos-voices-concern-over-chinas-actions-south-china-sea

[4] Dat, D. (2023). Tàu Hải dương địa chất 4 của Trung Quốc đã rời khỏi vùng biển của Việt Nam. Thanh niên. https://thanhnien.vn/tau-hai-duong-dia-chat-4-cua-trung-quoc-da-roi-khoi-vung-bien-cua-viet-nam-185230406171051702.htm

[5] Jenne, N. (2023). Introduction: Maritime Boundary Disputes in Southeast Asia. Melbourne Asia Review.

https://melbourneasiareview.edu.au/introduction-maritime-boundary-disputes-in-southeast-asia/

[6]  Lee, Y. & Blanchard, B. (2023). China simulates striking Taiwan on second day of drills. Reuters.

https://www.reuters.com/world/us-says-it-is-monitoring-chinas-drills-around-taiwan-closely-2023-04-08/

[7]  Blanchard, B. (2023). China simulates striking Taiwan on second day of drills. Reuters.

https://www.reuters.com/world/asia-pacific/taiwan-reports-21-chinese-air-force-planes-entered-its-air-defence-zone-2023-03-02/

[8]  Shin, H. (2023). N.Korea says U.S.-S.Korea drills push tension to ‘brink of nuclear war’. Reuters.

https://www.reuters.com/world/asia-pacific/north-korea-says-us-south-korea-drills-push-tension-brink-nuclear-war-2023-04-05/

[9]  ‘A Shared Vision for the Indo-Pacific’: Remarks by Secretary of Defense Lloyd J. Austin III at the Shangri-La Dialogue (As Delivered). U.S. Department of Defense.

https://www.defense.gov/News/Speeches/Speech/Article/3415839/a-shared-vision-for-the-indo-pacific-remarks-by-secretary-of-defense-lloyd-j-au/

[10] Lau, J. (2023, May 29th). Chinese defence chief Li Shangfu will speak at Shangri-La Dialogue, ministry says. South China Morning Post. https://www.scmp.com/news/china/military/article/3222185/chinese-defence-chief-li-shangfu-will-speak-shangri-la-dialogue-ministry-says. Truy cập ngày 18/5/2023

[11]  Crabtree, J. & Kuok, L. & Connelly, A. (2023). IISS Shangri-La Dialogue 2023. IISS. https://www.youtube.com/watch?v=8l1mrR-rY5w&ab_channel=TheInternationalInstituteforStrategicStudies

[12] Singh, Daljit. (2022, Jun 10th). The Need for Power Balance Amidst Rising Great Power Contenstations. Fulcrum. https://fulcrum.sg/the-need-for-power-balance-amidst-rising-great-power-contestations/ . Truy cập ngày 15/5/2023.

[13] Ibid.

[14] Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China. The Global Security Initiative Concept Paper.https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/wjbxw/202302/t20230221_11028348.html. Truy cập ngày 18/5/2023.

[15] Rumer, E. , Sokolsky, R. & Stronski, P. (2016, January 25th). U.S. Policy Toward Central Asia 3.0. Carnegie Endowment For International Peace. https://carnegieendowment.org/2016/01/25/u.s.-policy-toward-central-asia-3.0-pub-62556 . Truy cập ngày 18/5/2023

[16] Ardemagni, D.E. (2023, Mar 31st). Saudi Arabia Joins the SCO: It is not a Game-Changer for Saudi-US Relations. https://www.ispionline.it/en/publication/saudi-arabia-joins-the-sco-it-is-not-a-game-changer-for-saudi-us-relations-123365. Truy cập ngày 18/5/2023

[17] The International Institute for Strategic Studies. (Jun 2022). IISS Shangri-La Dialogue Report. Page 71

[18] Ibid., page 48

1 comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *