Tags: Nga – Ukraine, châu Âu
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine bắt đầu leo thang từ đầu năm 2021 khi Ukraine thể hiện quyết tâm gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Từ năm 2021 đến nay, tình hình ngày càng diễn biến phức tạp. Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR). Động thái này nhanh chóng vấp phải sự phản đối từ cộng đồng quốc tế, đồng thời làm gợi lại câu chuyện của Gruzia vào năm 2008. Sáng ngày 24/2/2022 (theo giờ Việt Nam), tổng thống Putin tuyên bố triển khai “hoạt động quân sự đặc biệt” đến vùng Donbass.
Tóm tắt tình hình Nga – Ukraine:
Từ sau cuộc khủng hoảng Ukraine (2014) đến nay, khu vực biên giới giữa Nga – Ukraine vẫn tồn tại nhiều căng thẳng. Tuy nhiên trong 4 tháng qua tình hình đã có những diễn biến phức tạp khi Nga điều động hơn 100,000 quân tới khu vực giáp biên giới Ukraine và tạo nên cuộc khủng hoảng Ukraine lần 2. Nguồn cơn của sự việc đến từ việc phe ly khai miền đông được Nga hậu thuẫn và hỗ trợ vũ khí, còn Ukraine thì không ngừng tăng cường quan hệ với phương Tây, hướng tới mục tiêu trở thành thành viên của NATO.
Vấn đề NATO mở rộng về phía Đông là chủ đề nhạy cảm về mặt an ninh – chính trị mà ông Putin cho rằng đây là “lằn ranh đỏ” phương Tây không nên vượt qua.[1] Vào tháng 12/2021, Nga gửi tới Mỹ và NATO bản kiến nghị với ba vấn đề chính: (1) Không tiếp tục mở rộng NATO về phía Đông, (2) NATO quay trở lại hiện trạng trước năm 1997, nghĩa là trước khi mở rộng cho các nước Đông Âu và ba nước Baltic tham gia, (3) Không thiết lập căn cứ quân sự và triển khai các loại vũ khí tấn công ở các quốc gia trong không gian hậu Xô-viết.[2] Tuy nhiên phía Mỹ và NATO đã nhanh chóng bác bỏ những đề nghị này. Tình hình Nga – Ukraine tiếp tục leo thang sau đó.
Trước đó, vào tối 21/2/2022, Tổng thống Putin chính thức công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk và yêu cầu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tiếp tục điều quân đến 2 vùng này để làm nhiệm vụ “gìn giữ hòa bình”, làm dấy lên quan ngại về khả năng Nga sẽ phát động một chiến dịch quân sự lớn hơn trong thời gian sắp tới. Tổng thống Ukraine, Volordymyr Zelensky ngay sau đó đã hối thúc đồng minh hành động trước tình hình.
Sáng ngày 24/2/2022 (theo giờ Việt Nam), tổng thống Nga đã tuyên bố thực hiện một “hoạt động quân sự đặc biệt” vào vùng Donbass sau khi nhận được yêu cầu hỗ trợ từ người dân Lugansk và Donetsk. Ông Putin cũng kêu gọi binh sĩ Ukraine hạ vũ khí và nhấn mạnh rằng nước Nga sẽ đáp trả với bất kỳ ai can thiệp hoặc tạo ra mối đe dọa đối với người dân nước này.[3] Tuyên bố này được đưa ra đúng vào thời điểm Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) đang họp tại New York. Đại sứ Nga tại LHQ đã viện dẫn điều 51 của Hiến chương LHQ về quyền tự vệ chính đáng nhằm biện minh cho hành động này.
Phản ứng quốc tế về khủng hoảng Nga – Ukraine:
Sau động thái Nga công nhận độc lập của hai vùng tự trị, theo yêu cầu của Tổng thống Ukraine, một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) đã được triệu tập để thảo luận về tình hình hiện nay. Tổng thư ký LHQ ông Antonio Guterres bày tỏ sự quan ngại về diễn biến này, đồng thời kêu gọi giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine một cách hòa bình theo thỏa thuận Minsk và Nghị quyết 2202 mà Hội đồng Bảo an thông qua.[4] Tại cuộc họp, Mỹ và các nước đồng minh thể hiện sự phản đối mạnh mẽ với động thái này của Nga và đe dọa sẽ cô lập nước này nếu tình trạng leo thang. Các nước lên án hành động của Nga là vi phạm Hiến chương LHQ, vi phạm luật pháp quốc tế, ảnh hưởng đến chủ quyền bất khả xâm phạm của quốc gia và châm ngòi cho nguy cơ xảy ra chiến tranh. Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Linda Thomas-Greenfield tuyên bố rằng “các thành viên Hội đồng Bảo an đã thống nhất được một thông điệp chung, đó là nước Nga đừng nên gây chiến.” Bà Linda Thomas-Greenfield gọi cuộc tấn công này là “vô căn cứ”. Đồng quan điểm, đại sứ Pháp tại LHQ Nicolas de Rivière cho rằng Nga đang “muốn đối đầu”, còn đại diện từ Anh Barbara Woodward nói “Nga đã đẩy căng thẳng đến sát bờ vực” và yêu cầu nước này xuống thang. Trong khi đó, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia phản bác những chỉ trích này, khẳng định rằng hành động của Nga đang nhằm bảo vệ cộng đồng người Donbass tại vùng Donetsk và Lugansk, những người mà ông Nebenzia mô tả là “các nạn nhân của các cuộc tấn công từ Ukraine”.[5] Cuộc họp kéo dài 90 phút và các bên vẫn chưa đưa ra được hành động chung nào.
Về phía Mỹ, thư ký Nhà trắng Jen Psaki tuyên bố rằng chính quyền Biden sẽ sớm đưa ra các lệnh trừng phạt kinh tế, cấm các hoạt động đầu tư, thương mại, tài chính đối với vùng Donetsk và Luhansk. Các viên chức tại Nhà Trắng cũng nói rằng Mỹ đang suy xét các lệnh trừng phạt dành cho Nga. Tuy nhiên, cho đến rạng sáng ngày 24 tháng 2, 1 ngày sau lệnh tổng tấn công của Nga vào Ukraine, chính quyền của ông Biden vẫn chưa đưa ra được quyết sách cuối cùng cho tình hình tại Ukraine.
Về phía EU, khối này cho biết cũng sẽ sớm đưa ra các lệnh trừng phạt. Chủ tịch Hội đồng châu Âu, bà Ursula von der Leyen đăng tải trên Twitter của mình chỉ trích hành động của Nga là vi phạm Hiến chương Liên hợp Quốc và thỏa thuận Minsk. Các nước như Đức,[6] Anh,[7] Gruzia,[8] Ba Lan[9] cũng đã lên tiếng phản đối vấn đề này.
Về phía Trung Quốc, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ, ông Zhang Jun, chia sẻ với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rằng “tình hình hiện tại ở Ukraine là kết quả của nhiều yếu tố phức tạp. Trung Quốc dù là nước thân cận với Nga nhưng vẫn lựa chọn không đứng về phía nào mà thay vào đó kêu gọi tất cả các bên phải “tránh bất kỳ hành động nào có thể gây căng thẳng”.[10]
Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật Bản cũng đã chính thức lên tiếng phản đối hành động của Nga. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát sao các diễn biến và đưa ra hành động tùy tình hình thực tế, bao gồm cả áp đặt lệnh trừng phạt. Bên cạnh đó, phía Úc nhận định quyết định của Putin đưa quân gìn giữ hòa bình là “vô lý” và đề nghị những nước phản đối phải đứng về phía nhau.
Hiện tại, chỉ có Cuba, Venezuela, Nicaragua, Syria cũng công nhận độc lập 2 vùng này như Nga. Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega, vốn là một người phản đối ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực Trung Mỹ, đã lên tiếng bảo vệ lập trường của Nga và tin rằng những diễn biến hiện tại đều được thực hiện dựa trên ý chí của 2 vùng này mà không hề do Nga cưỡng ép.[11] Sau Nicaragua, Syria cũng lên tiếng ủng hộ quyết định công nhận Donetsk và Lugansk của Nga..[12]
[Cập nhật tới rạng sáng ngày 25/2]
Với động thái mới nhất của Nga, Mỹ và NATO đã lên tiếng chỉ trích. Trong thông báo chính thức được gửi đi từ Nhà Trắng, tổng thống Joe Biden cam kết sẽ buộc Nga chịu trách nhiệm cho những tổn thất về người và của mà cuộc tấn công này sẽ gây ra. Mỹ cùng với các đồng minh, cũng như đối tác sẽ đáp trả Nga bằng những biện pháp thống nhất và dứt khoát. Ông Biden sẽ gặp các nhà lãnh đạo G7 vào buổi sáng (theo giờ Mỹ) trước khi có bài phát biểu trước người dân về các biện pháp trừng phạt cho hành động quân sự không cần thiết này của Nga.[13] Trên trang Twitter cá nhân, Đại sứ Anh tại Ukraine, Melinda Simmons gọi hành động của Nga là một cuộc tấn công vô cớ. Về phía NATO, Tổng thư ký Jens Stoltenberg chỉ trích Nga đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, gây đe dọa nghiêm trọng đến an ninh của khu vực Châu Âu – Đại Tây Dương. Phía NATO sẽ tổ chức họp trực tuyến vào ngày 25/2/2022, trong khi đó khí tài quân sự và lực lượng sẽ được triển khai trên lãnh thổ của các quốc gia thuộc khối này và khẳng định NATO không có kế hoạch gửi quân đến Ukraine.[14] Tổng thư ký LHQ, Antonio Guterres kêu gọi Nga đưa quân quay trở lại và ngăn chặn những hậu quả khó lường.[15] Ukraine tuyên bố đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga, thiết quân luật trên toàn quốc và kêu gọi người dân bình tĩnh.
Bài học từ sự kiện Gruzia năm 2008:
Những bước tiến gần đây của Nga, từ việc điều một số lượng lớn quân tới khu vực sát biên giới cho đến công nhận nền độc lập của các nhóm ly khai, đang cho thấy nhiều điểm tương đồng với diễn biến của sự kiện Gruzia – Nga vào năm 2008.
Năm 2008, tân Tổng thống Gruzia – ông Mikheil Saakashvili đã hứa rằng sẽ đưa nước này gia nhập khối NATO, đồng thời giành lại quyền kiểm soát ở vùng Donbass. Động thái này nhanh chóng vấp phải sự phản đối từ Nga. Trong tháng 4/2008, Gruzia cáo buộc Nga bắn rơi một thiết bị không người lái của nước này ở vùng Abkhazia và xem đây là động thái chuẩn bị cho việc “xâm lược quân sự”. Nhằm phản bác, Nga bắt đầu gửi thêm quân đến Abkhazia.[16]
Trước tình hình đó, Gruzia đã phát động tấn công vào Nam Ossetia vào đêm ngày 7, rạng sáng ngày 8/8/2008. Lấy lý do là để bảo vệ lực lượng gìn giữ hòa bình và người Nga sinh sống tại đây, Nga đã nhanh chóng điều động đồng thời 20.000 binh lính thuộc các quân chủng để hiệp đồng tác chiến vào Nam Ossetia. Trong 5 ngày, Nga đã triển khai đơn vị lục quân số 58 vào Đông Gruzia, trong khi Hạm đội biển Đen triển khai tới bờ biển Abkhazia, còn các máy bay chiến đấu gây áp lực từ trên không. Đáng nói, trước đó vào ngày 30/7/2008, Nga từng tuyên bố đã rút lui nhóm binh sĩ được cử đến khu vực Abkhazia để sữa chữa một tuyến đường sắt.
Sau cuộc xung đột này, vào ngày 26/8/2008, Nga đã công nhận nền độc lập của vùng Abkhazia và Nam Ossetia, đồng thời ký kết hiệp ước liên minh. Theo đó, lực lượng quân đội của hai nước sẽ kết hợp thành một lực lượng thống nhất do một Tư lệnh người Nga dẫn dắt và Nga được phép xây dựng căn cứ quân sự trên lãnh thổ của hai cộng hòa tự xưng này.
Còn với Ukraine, năm 2019, chính quyền tổng thống Volodymyr Zelensky tiếp tục thể hiện quyết tâm gia nhập NATO bằng cách đưa mục tiêu này vào Hiến pháp. Như một cách để gây sức ép, từ đầu năm 2021, Nga đã cho đồn trú quân ở khu vực sát với biên giới Ukraine và chỉ mới tuyên bố rút một số đơn vị sau khi hoàn thành các cuộc tập trận vào ngày 15/2/2022. Tưởng chừng như đây là một động thái xuống thang thì vào ngày 21/2/2022, Nga tuyên bố công nhận nền độc lập của hai vùng ly khai là Donetsk và Lugansk – đây đều là vùng có đông người nói tiếng Nga và nằm gần với biên giới Nga tương tự như trường hợp của vùng Abkhazia và Nam Ossetia. Cùng với đó, Nga đã ký kết thỏa thuận với lãnh đạo hai nước cộng hòa tự xưng thuộc vùng Donbass này, với thời hạn 10 năm. Trong đó, Nga được quyền xây dựng căn cứ quân sự tại khu vực này và các bên cam kết bảo vệ lẫn nhau. Ngay sau động thái này, tổng thống Putin đã cho triển khai quân đội với hai khu vực Donetsk và Lugansk với mục đích “gìn giữ hòa bình”. Hồi tháng 11/2007 Nga cũng cho rút quân đội khỏi Nam Ossetia và Abkhazia nhưng duy trì lực lượng bảo vệ hòa bình tại đây.
Trong khi đó, vào tháng 2/2022, Hạm đội biển Đen của Nga thực hiện diễn tập quy mô lớn với sự tham gia của 30 tàu chiến.[17] Từ góc độ của Ukraine và các nước phương Tây, đây được xem là động thái chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh hỗn hợp (hybrid war)[18] vào Ukraine. Cùng lúc đó, từ ngày 10-12/2/2022, Nga thực hiện cuộc tập trận chung mang tên “Allied Resolve” với Belarus – khu vực sát với thủ đô Kiev của Ukraine. Theo tính toán từ phía Mỹ, đây là đợt triển khai quân lớn nhất của Nga đến Belarus kể từ thời Chiến tranh lạnh, làm gia tăng các mối lo ngại Nga đang chuẩn bị để tấn công Ukraine.[19]
Và đến nay, vào ngày 24/2/2022, Nga tuyên bố thực hiện “hoạt động quân sự đặc biệt” vào vùng Donbass. Ngay sau tuyên bố này, hãng thông tấn TASS của Nga ghi nhận đã có một vài vụ nổ xảy ra ở các thành phố của Ukraine, bao gồm ở Kiev và Kharkov. Tuy nhiên, phía Nga cũng nhấn mạnh rằng hoạt động này là nhằm bảo vệ cho tính mạng và lợi ích của người dân mà không nhằm mục tiêu xâm lược Ukraine.[20]
Từ sau sự tan rã của Liên Xô, Ukraine và Gruzia thuộc nhóm quốc gia thân phương Tây, muốn thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Nga. Đây cũng là hai quốc gia đã trải qua các cuộc cách mạng màu.[21] Nếu Ukraine và Gruzia gia nhập NATO thành công sẽ thúc đẩy các cuộc cách mạng màu từ bên trong nước Nga và ở những vùng Nga đặt tầm ảnh hưởng.[22] Do đó, Nga kiên quyết phản đối việc NATO cho phép Ukraine và Gruzia trở thành thành viên. Và các căng thẳng giữa Nga với Ukraine và Gruzia đều bắt đầu leo thang từ việc hai quốc gia này thể hiện tham vọng gia nhập NATO.
Theo điều khoản gia nhập khối quân sự NATO, việc giải quyết ổn thỏa các tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia láng giềng là một trong những yêu cầu tiên quyết.[23] Do đó, Nga tận dụng việc công nhận sự độc lập của các khu vực ly khai và duy trì các tranh chấp, khiến cho Gruzia và Ukraine không có quyền kiểm soát toàn vẹn lãnh thổ.
Gruzia – 2008 | Ukraine – 2021 đến nay | |
Quan điểm của chính phủ về Nga | Muốn thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Nga | Muốn thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Nga |
Đặc điểm địa lý | Là nước láng giềng của Nga Có hai khu vực ly khai nằm sát với biên giới Nga là Abkhazia và Nam Ossetia | Là nước láng giềng của Nga. Có hai khu vực ly khai nằm sát với biên giới Nga là Donetsk và Lugansk |
Thời điểm căng thẳng bắt đầu leo thang | Trước thềm Olympic Bắc Kinh (2008) | Trước thềm Olympic mùa Đông Bắc Kinh (2022) |
Diễn biến tình hình | – Sau khi tiến hành Cách mạng Hoa hồng, tân tổng thống Gruzia Mikheil Saakashvili lên nắm quyền và thể hiện nguyện vọng gia nhập NATO. – Nga đồn trú quân đến khu vực biên giới để gây áp lực, sau đó tuyên bố đã rút khỏi khu vực này (30/7/2008). – Gruzia phát động tấn công vào vùng tự trị là Nam Ossetia (7-8/8/2008). – Nga huy động lực lượng đến Nam Ossetia để đáp trả các động thái của Gruzia (8/8/2008). – Nga công nhận nền độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia với các hiệp ước liên minh cho phép xây dựng các căn cứ quân sự trên lãnh thổ hai cộng hòa tự xưng (26/8/2008) | – Sau khi tiến hành Cách mạng về Nhân phẩm, lật đổ chính quyền thân Nga của cựu tổng thống Viktor Yanukovych, tân tổng thống Volodymyr Zelensky lên nắm quyền và đưa mục tiêu gia nhập NATO vào Hiến pháp. – Nga đồn trú quân đến khu vực biên giới để gây áp lực, sau đó tuyên bố đã rút khỏi khu vực này (15/2/2022). – Nga công nhận nền độc lập của Donetsk và Lugansk với các hiệp ước liên minh cho phép Nga xây dựng các căn cứ quân sự trên lãnh thổ của hai cộng hòa tự xưng (21/2/2022). – Nga thực hiện hoạt động quân sự đặc biệt vào vùng Donbass (24/2/2022) |
Phản ứng của các thành viên NATO trước cuộc xung đột 5 ngày giữa Ukraine – Nga | – Mỹ và NATO không sử dụng các biện pháp quân sự can thiệp vào tình hình ở Gruzia. – Pháp đứng ra trung gian giúp Gruzia – Nga đạt được thỏa thuận ngừng bắn (16/8/2008) | – Mỹ và NATO gọi hoạt động quân sự này là vô cớ, phi lý, không cần thiết. NATO khẳng định không gửi quân đến Ukraine. – Ba Lan chính thức yêu cầu NATO kích hoạt điều 4[24] (cập nhật đến hết ngày 24/2/2022 – theo giờ Việt Nam). |
Đánh giá về tình hình Ukraine:
Nhiều học giả cho rằng hành vi công nhận nền độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia và kêu gọi đưa quân của Nga đến khu vực này vào ngày 21/2/2021 là vi phạm luật pháp quốc tế. Theo Giáo sư Luật Quốc tế & Liên minh Châu Âu Holger Hestermeyer, hành vi của Nga vi phạm trực tiếp toàn bộ cơ sở cơ bản nhất của Quan hệ quốc tế – bình đẳng về chủ quyền của các quốc gia.[25] Học giả tại Học viện thống nhất Hoàng gia Anh Natia Seskuria cũng đồng tình khi cho rằng nước Nga đã từ bỏ tuân theo luật pháp quốc tế từ lâu mà quan tâm vào tình hình nội bộ quốc gia hơn.[26]
Thông qua hành vi công nhận độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia, một số học giả quốc tế cho rằng nước Nga đang tìm một lý do để thực hiện xâm lược, một chiến lược quen thuộc mà Nga đã từng thực hiện ở Gruzia năm 2008. Theo đó, các học giả lập luận rằng, cuộc xung đột 5 ngày vào năm 2008 được phát động trước bởi chính quyền Gruzia đã tạo cho Nga một lý do chính đáng để tấn công toàn diện vào Gruzia. Theo Oleksandr Danylyuk, cựu quan chức an ninh quốc gia Ukraine nhận xét rằng hành vi biện minh cho cuộc xâm lược của Nga là nhằm “tránh bị quốc tế trừng phạt nghiêm trọng.”[27] Thêm vào đó, Natia Seskuria, thành viên thuộc Viện Nghiên cứu An ninh – Quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI), cuộc chiến này cần lý do cao cả và chính đáng vì người dân Nga không hứng thú với chiến tranh.”[28] Natia Seskurria cho rằng nước Nga sẽ không từ bỏ Ukraine mà không đạt được lợi ích hay với lợi ích khiêm tốn.[29] Đồng ý với với những quan điểm trên, Danyliuk cho rằng Nga muốn kiểm soát Ukraine dần dần trong tương lai, chứ không chỉ còn là xâm lược Ukraine.[30] Ông cho rằng đó cũng là nguyên nhân Nga tách Ukraine thành nhiều phần. Nhìn vào việc Nga triển khai quân nhanh chóng, các chuyên gia nhận xét đây là một bước đi đã có sự tính toán kỹ lưỡng và Nga đã thật sự sẵn sàng cho chiến tranh.[31] Học giả cũng phân tích thêm nếu có mong muốn thúc đẩy quân sự. Ngoài ra, cách hành động cứng rắn của Nga được người từng làm việc với cựu Cục trưởng Cục Tình báo nước ngoài Rainer Saks nhận định rằng vì Nga nghĩ phương Tây “yếu kém.” Sẽ không chứng minh được rằng phương Tây có “yếu kém thực sự hay không, mà là Nga nhìn nhận như thế nào.”[32] Về phía phương Tây, học giả Danyliuk có nhận xét là “phương Tây sẽ không sẵn sàng cho một cuộc đụng độ thật sự với Nga.”
Trước đó nhiều học giả cho rằng dù tình hình không ngừng leo thang căng thẳng, khả năng xảy ra chiến tranh nằm ở mức thấp. Theo tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, Nga đang sử dụng chiến thuật “bên miệng hố chiến tranh”[33] để đạt được những điều mình muốn.[34] So với Gruzia, cuộc tổng tấn công vào Ukraine có thể hao tổn chi phí lớn hơn, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Nga đang trong giai đoạn phục hồi sau thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Tiến sĩ Katherine Stoner cho rằng cuộc chiến với Ukraine sẽ ảnh hưởng đến toàn cầu, trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh tế đã và đang bị ảnh hưởng.[35] Phân tích về quân sự, Trung tướng Mỹ về hưu Ben Hodge cho rằng thậm chí với quân số 160.000 – 190.000 quân, Nga vẫn chưa đủ khả năng để chiếm Ukraine: “Tôi không nghĩ rằng họ có thể đến được sông Dnieper.”[36] Do đó, các học giả này cho rằng Nga không mong muốn hoặc năng lực của Nga chưa đủ để duy trì cuộc xâm lược Ukraine. Tuy nhiên, ngày 24/2/2022 (theo giờ Việt Nam), tổng thống Vladimir Putin tuyên bố thực hiện một “hoạt động quân sự đặc biệt” vào vùng Donbass, một quyết sách gây bất ngờ cho cả giới chính trị và học giả toàn cầu. Theo học giả tại Viện Brookings Robert Kagan, nếu Nga có thể chiếm Ukraine, quốc gia này sẽ đặt tên lửa và đặt căn cứ tại Tây Ukraine cũng cũng như Belarus. Nga sẽ đưa quân đến ở biên giới Ba Lan, Slovakia, Hungary và Romania. Địa chiến lược thay đổi vì khả năng bảo vệ của Mỹ và NATO với các khu vực đang giáp biên giới Ukraine bị giảm sút.[37]
Dự đoán về phản ứng tương lai của Mỹ và NATO, tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn cho rằng phương Tây sẽ không can thiệp một cách trực tiếp vào cuộc chiến giữa Ukraine và Nga vì ba lý do chính. Thứ nhất, sự can thiệp của Mỹ và phương Tây sẽ lần đầu tiên đặt quân đội của hai cường quốc hạt nhân Nga, Mỹ ở vào thế đối đầu khó có thể thỏa hiệp và đây là điều mà Mỹ và phương Tây không mong muốn. Thứ hai, Ukraine không phải là thành viên của NATO, do đó Mỹ và phương Tây không có nghĩa vụ phải bảo vệ an ninh của Ukraine bằng mọi giá. Thứ ba, sau sai lầm và thất bại của Mỹ tại Iraq và Afghanistan, đồng thời bản thân nước Mỹ cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về kinh tế – xã hội sau đại dịch COVID-19, dư luận và chính giới Mỹ lúc này không muốn can dự sâu vào một cuộc chiến tranh hao người tốn của ở bên ngoài.[38]
Tuy nhiên, nhiều học giả kêu gọi sự hành động từ phương Tây. Giáo sư Higashino Atsuko của đại học Tsukuba đề nghị phương Tây cần chuẩn bị trừng phạt kinh tế với quy mô toàn diện. Giáo sư cho rằng các chính sách trừng phạt vẫn hiệu quả căn cứ theo cuộc khủng hoảng Ukraine 2014. Đồng ý với quan điểm này, giáo sư An ninh Quốc tế của Đại học Birmingham, Stefan Wolf nói rằng cần có các chính sách ngăn chặn từ phía NATO hay EU nhằm cho “nước Nga cần phải cảm thấy sự răn đe thật sự” nếu tiếp tục leo thang chiến sự. Ngoài ra, giáo sư cũng đề xuất rằng cần phối hợp đàm phán trong tương lai xa hơn nhằm giải quyết các vấn đề nhân đạo và người dân bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến.[39]
IR Analytica
[1] Soldakin V. (2021, Decmeber 1). Putin warns Russia will act if NATO crosses its red lines in Ukraine. Reuters. https://www.reuters.com/markets/stocks/putin-warns-russia-will-act-if-nato-crosses-its-red-lines-ukraine-2021-11-30/
[2] (2022, February 17). UPDATE 1-Russia digs in on security demands but ready to discuss missiles. Reuters. https://www.reuters.com/article/ukraine-crisis-usa-response-russia-idUSL1N2US1EL
[3] Hương, L. (2022, February 24). Tổng thống Nga triển khai “hoạt động quân sự đặc biệt” ở miền đông Ukraine. Tuổi Trẻ. https://tuoitre.vn/tong-thong-nga-trien-khai-hoat-dong-quan-su-dac-biet-o-mien-dong-ukraine-2022022410571311.htm
[4] (2022, February 22). UN chief Antonio Guterres voices concern, calls Russian move a ‘violation’ of Ukraine’s sovereignty. Wion. https://www.wionews.com/world/un-chief-antonio-guterres-voices-concern-calls-russian-move-a-violation-of-ukraines-sovereignty-455208
[5] (2022, February 21). Putin Orders Troops to Separatist Regions and Recognizes Their Independence. The New York Times. https://www.nytimes.com/live/2022/02/21/world/ukraine-russia-putin-biden
[6] Ayhan S. (2022, February 24). Germany urges Russia to stop ‘military action’ in Ukraine. AA, https://www.aa.com.tr/en/europe/germany-urges-russia-to-stop-military-action-in-ukraine/2512233
[7] Kylie, M. (2022, February 25). PM Johnson unveils UK’s largest-ever sanctions against Russia. Reuters. https://www.reuters.com/world/west-will-slap-unprecedented-sanctions-russia-britain-says-2022-02-24/
[8] Tata, S. (2022, February 22). Georgia raises the spectre of 2008 following Donetsk and Luhansk recognition. OC Media. https://oc-media.org/georgia-raises-the-spectre-of-2008-following-donetsk-and-luhansk-recognition/
[9] (2022, February 23). Poland’s Sejm condemns Russian aggression in Ukraine. Ukrinform. https://www.ukrinform.net/rubric-polytics/3410357-polands-sejm-condemns-russian-aggression-in-ukraine.html
[10] (2022, February 24). China says to promote peace in its own way as Russia launches ‘special operation’ in Donbass. Global Times. https://www.globaltimes.cn/page/202202/1253063.shtml
[11] Ismael, L. (2022, February 22). Nicaragua’s Ortega defends Russia’s stance over Ukraine. Reuters. https://www.reuters.com/world/americas/nicaraguas-ortega-defends-russias-stance-over-ukraine-2022-02-22/
[12] (2022, February 22). Syria supports Putin’s recognition of Ukraine breakaway regions. Reuters. https://www.reuters.com/world/middle-east/syria-supports-putins-recognition-ukraine-breakaway-regions-fm-2022-02-22/
[13] Biden, J. (2022, February 23). Statement by President Biden on Russia’s Unprovoked and Unjustified Attack on Ukraine. The White House. https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2022/02/23/statement-by-president-biden-on-russias-unprovoked-and-unjustified-attack-on-ukraine/
[14] Lan, T. (2022, February 24). NATO tuyên bố không gửi quân đến Ukraine. https://thanhnien.vn/nato-tuyen-bo-khong-gui-quan-den-ukraine-post1432765.html
[15] Khôi, C. (2022, February 24). Tổng thư ký Liên Hợp Quốc: Nga phải đưa quân về và dừng ngay xung đột. Pháp luật. https://plo.vn/quoc-te/tong-thu-ky-lien-hop-quoc-nga-phai-dua-quan-ve-va-dung-ngay-xung-dot-1045029.html
[16] (2008, April 29). Russia boosts troops on tense border. CNN News. http://edition.cnn.com/2008/WORLD/europe/04/29/russia.georgia/index.html
[17] Duy, T. (2022, February 12). 30 tàu thuộc Hạm đội Biển Đen tham gia diễn tập bảo vệ bán đảo Crimea. Vietnam Plus. https://www.vietnamplus.vn/30-tau-thuoc-ham-doi-bien-den-tham-gia-dien-tap-bao-ve-ban-dao-crimea/772699.vnp
[18] là một chiến lược quân sự sử dụng chiến tranh chính trị đồng thời với chiến tranh thông thường, chiến tranh bất thường và chiến tranh mạng. Cùng với đó là các phương thức gây ảnh hưởng khác, như tin tức giả, ngoại giao, luật pháp và can thiệp bầu cử… Bằng cách kết hợp các chiến dịch không lộ liễu với các nỗ lực lật đổ, kẻ xâm lược trốn bị quy kết hoặc phản đòn. (Theo Báo Quốc tế)
[19] Phương, T. (2022, February 12). Phương Tây sốt vó vì tập trận Nga – Belarus. Tuổi Trẻ. https://tuoitre.vn/phuong-tay-sot-vo-vi-tap-tran-nga-belarus-20220212111331508.htm
[20] (2022, February 24). Putin declares beginning of military operation in Ukraine. Tass. https://tass.com/politics/1409329
[21] Khái niệm chỉ những phong trào chính trị trong một số quốc gia thuộc Liên Xô cũ hay thuộc vùng Balkan trong những năm đầu thập niên 2000 nhằm đấu tranh bất bạo động chống chính quyền
[22] Tuấn, H. (2022, February 14). Mối quan hệ Nga – Ukraine: Căng thẳng leo thang sau các toan tính của Mỹ và phương Tây?. Tạp chí Cộng sản. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/moi-quan-he-nga-ukraine-cang-thang-leo-thang-sau-cac-toan-tinh-cua-my-va-phuong-tay-
[23] Eugen, T. (2002, March 17). NATO: What Does It Take To Join?. Radio Free Europe. https://www.rferl.org/a/1099020.html
[24] Điều 4 của Hiệp ước NATO nêu rằng các thành viên sẽ tham vấn với nhau theo ý kiến của bất cứ thành viên nào, bất cứ khi nào toàn vẹn lãnh thổ, sự độc lập chính trị hoặc an ninh của thành viên bị đe dọa. (Theo CNN)
[25] Holger, H. (2022, February 22). Tweeter. https://twitter.com/hhesterm/status/1495858401041133570?s=20&t=fiPY8X0ZVmSRAp0GvOde-w
[26] Natia, S. (2022, February 22). Russia Is Reenacting Its Georgia Playbook in Ukraine. Foreign Policy. https://foreignpolicy.com/2022/02/22/russia-ukraine-invasion-georgia-2008-south-ossetia-tskhinvali/?fbclid=IwAR3rmOctbdSkN_Q77Up6h8J5p1AhiuYKPfCA_j6jLzIurSAxFQk0ZOIITEI
[27] Murray B. (2022, February 22). Russia’s aim in recognizing ‘independent’ republics is to smash Ukraine bit by bit, expert says. CBC News. https://www.cbc.ca/news/politics/ukraine-russia-donbas-independence-1.6359799
[28] Như chú thích 26
[29] Như chú thích 26
[30] Như chú thích 27
[31] Gerald, T. (2022, February 17). Perspective | In Ukraine, Georgia analogies fall short. Eurasian. https://eurasianet.org/perspective-in-ukraine-georgia-analogies-fall-short
[32] Như chú thích 27
[33] Là khả năng các bên đi tới bờ vực mà không sa vào chiến tranh. Khái niệm này xuất hiện và phổ biến dưới thời Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles.
[34] Trung, N. (2022, February 8). ‘Bàn cờ Ukraine’ của các cường quốc. Tuổi Trẻ. https://tuoitre.vn/ban-co-ukraine-cua-cac-cuong-quoc-20220208001336286.htm
[35] (2022, February 22). Local Experts Weigh in on Russia-Ukraine Crisis. NBC Bay Area. https://www.youtube.com/watch?v=YOPoUZPa008
[36] Như chú thích 27
[37] Robert, K. (2022, February 21). What we can expect after Putin’s conquest of Ukraine. The Washington Post. https://www.washingtonpost.com/opinions/2022/02/21/ukraine-invasion-putin-goals-what-expect/
[38] Như chú thích 22
[39] Stefan, W. (2022, February 24). Ukraine invasion: what the west needs to do now – expert view. The Conversation. https://theconversation.com/ukraine-invasion-what-the-west-needs-to-do-now-expert-view-177860
Just a remark. After President Yanukovich there was president Poroshenko, and after him Zalensky came to the game