Bầu cử Thái Lan: Diễn biến và những kịch bản có thể xảy ra

Vào ngày 14 tháng 5, gần 40 triệu cử tri Thái Lan đã đi bỏ phiếu cho cuộc bầu cử quốc gia đầu tiên kể từ năm 2019. Giáo sư Thitinan Pongsudhirak, Đại học Chulalongkorn cho biết cuộc bầu cử này là một cuộc bầu cử cho tương lai, và sẽ quyết định liệu Thái Lan có tiến lên hay vẫn bị mắc kẹt.[1]

1. Sơ lược kết quả bầu cử Hạ viện và diễn biến bầu cử Thủ tướng

Kết quả cuộc tổng tuyển cử nghị viện cho thấy các Đảng Tiến bước Thái Lan (MFP) và Đảng vì nước Thái (Pheu Thai) đã giành chiến thắng với tỷ số cách biệt đáng kể so với các đảng bảo thủ và đảng được quân đội hậu thuẫn. MFP giành được tổng cộng 152 ghế và trở thành đảng lớn nhất trong quốc hội. Đảng này giành được 32 trên 33 ghế tại thủ đô Bangkok, đồng thời chiếm phần lớn số ghế tại các khu vực khác, bao gồm Chiang Mai, vốn là thành trì của Pheu Thai.[2] Pheu Thai đứng ở vị trí thứ hai với 141 ghế. Trước cuộc bầu cử, các nhà lãnh đạo đã dự đoán sẽ thắng lớn với ít nhất 310 ghế, song những tin đồn về liên minh Pheu Thai với Palang Pracharat khiến đảng này mất đi phần lớn phiếu bầu của giới trẻ ủng hộ dân chủ. Một tuần trước cuộc bầu cử, cựu thủ tướng Thaksin cũng đăng tải trên mạng xã hội ý định trở lại Thái Lan vào tháng 7, khiến các cử tri có khuynh hướng chống Thaksin quay lưng lại với Pheu Thai.[3] Ngoài ra, Đảng Bhumjaithai đứng ở vị trí thứ ba với 70 ghế, vượt xa con số 51 ghế của năm 2019.

Vào ngày 4/7, Hạ viện Thái Lan đã chứng thực sự đồng thuận giữa hai đảng lớn với quyết định bầu nghị sĩ Wan Muhamad Noor Matha, cựu lãnh đạo Đảng Prachachat làm chủ tịch quốc hội mới cũng Nghị sĩ Padipat Suntiphada (đảng MFP) và Nghị sĩ Pichet Chuamuangphan (đảng Pheu Thai) đồng đảm nhiệm hai vị trí phó chủ tịch quốc hội.[4] Trong đó, chủ tịch quốc hội Thái Lan là vị trí quyết định đến nghị trình bàn luận của quốc hội.

Theo Giáo sư Attachak Sattayanurak từ Đại học Chiang Mai, tranh chấp lưỡng đảng xung quanh vị trí chủ tịch quốc hội có thể cho thấy sự quan ngại của đảng Pheu Thai trước chủ trương chính trị cấp tiến của MFP. Bên cạnh đó, ông cho rằng dù Pheu Thai cần sự ủng hộ từ MFP nhưng điều này không đồng nghĩa với việc đảng này sẵn sàng từ bỏ vị trí chính trị trung tả truyền thống của mình.[5] Cũng theo một số nhận định, ông Wan Muhamad Noor Matha không những được chọn vì là một chính trị gia kỳ cựu, nguyên tắc mà còn do có quan điểm chính trị khá gần gũi với đảng Pheu Thai.[6]

Thông báo được tân Chủ tịch hạ viện Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha đưa ra cho biết cả hai viện của quốc hội Thái Lan, với tổng cộng 750 nghị sĩ, sẽ tham gia bỏ phiếu để bầu ra thủ tướng mới của đất nước.[7] Một điều khoản tạm thời trong Hiến pháp cho phép Thượng viện gồm 250 thành viên tham gia cùng với Hạ viện gồm 500 thành viên trong việc bầu thủ tướng. Bất kỳ ai được đề cử cho ghế Thủ tướng đều cần có sự ủng hộ đa số từ cả hai Viện, tức là 376 phiếu thuận. Ngày 13/7, Quốc hội Thái Lan đã được triệu tập để bỏ phiếu bầu tân thủ tướng nhưng ứng viên duy nhất là ông Pita Limjaroenrat không nhận đủ số phiếu cần thiết để trở thành thủ tướng. Pita chỉ nhận được 324 phiếu ủng hộ, trong khi 182 người bỏ phiếu chống cùng 199 phiếu trắng. Vì cuộc bầu cử chung chưa thể bầu ra thủ tướng mới, Quốc hội có quyền lựa chọn lại các ứng cử viên, thông qua những gì có thể sẽ là một tuần đầy biến động phía trước có thể kết thúc hoặc không với một thủ tướng mới đảm nhiệm. Cuộc bỏ phiếu thứ hai được sẽ diễn ra vào ngày 19 tháng 7.[8] Cuộc bỏ phiếu thứ ba, nếu cần, sẽ được tổ chức một ngày sau đó. Sau vòng bỏ phiếu đầu tiên, lãnh đạo MFP khẳng định sẽ không từ bỏ nỗ lực tranh cử. Đảng Tiến bước sẽ tiếp tục sử dụng chiến lược nhằm có được sự ủng hộ cần thiết ở vòng bỏ phiếu tiếp theo.[9]

2. Dự đoán kịch bản dựa trên kết quả bầu cử Hạ viện

2.1. Tình hình một số đảng phái chính trị Thái Lan trước cuộc bầu chọn thủ tướng.

Đến đầu tháng 7/2023, các đảng phái chính trị tại Thái Lan đã trải qua hai tháng đàm phán để lập các liên minh trước thềm cuộc bầu chọn tân thủ tướng dự kiến vào ngày 13/7.[10] Trong đó, các liên minh đứng trước yêu cầu phải thành lập nên một chính phủ với tối thiểu 376 ghế tại quốc hội Thái Lan để được thông qua. Trong đó, MFP, Pheu Thai, PPRP và Bhumjaithai là bốn đảng phái dẫn đầu đáng chú ý trong cuộc tổng tuyển cử quốc hội diễn ra vào tháng năm.

  • Đảng Tiến bước Thái Lan (MFP) và Đảng Vì nước Thái (Pheu Thai)

MFP và Pheu Thai là hai đảng chính trị có số ghế quốc hội lớn nhất trong cuộc tổng tuyển cử quốc hội Thái Lan với lần lượt là 152 ghế và 141 ghế trong quốc hội. Từ sau tháng năm, MFP và Pheu Thai đã tích cực đàm phán với nhau trong bối cảnh hai đảng lớn này gặp phải bất đồng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về vấn đề cải cách chính trị Thái Lan và cơ cấu chính phủ mới.[11]

Trả lời phỏng vấn báo chí vào ngày 3/7, lãnh đạo MFP Pita Limjaroenrat cập nhật rằng liên minh của đảng ông đã đảm bảo được 312/376 ghế quốc hội (bao gồm đảng Pheu Thai) nhằm hướng đến thành lập một chính phủ mới. Trong đó, 64 ghế còn lại với liên minh của MFP phụ thuộc vào sự ủng hộ của thượng viện Thái Lan (gồm các thành viên thân với phe quân đội) hoặc từ các đảng phái khác tại hạ viện.[12] Theo các đánh giá, bên cạnh các sức ép từ các cuộc đàm phán, MFP còn phải đối mặt với các cáo buộc pháp luật và điều tra nhắm vào lãnh đạo đảng Pita Limjaroenrat liên quan đến vi phạm các tiêu chuẩn tranh cử.[13]

  • Đảng Bhumjaithai và Đảng Lực lượng Công dân (PPRP)

Sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng năm, Bhumjaithai và PPRP trở thành hai đảng phái có số ghế lớn tại Quốc hội Thái Lan, lần lượt là 72 và 40 ghế. Tuy nhiên, đại diện các đảng phái đều thừa nhận rằng đây là những kết quả thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.[14] [15] Hiện tại, hai đảng trên đang trong quá trình tái tổ chức nhằm củng cố vị trí là các đảng đối lập trong quốc hội. Với tuyên bố của đảng Bhumjaithai sẽ không thành lập hay gia nhập bất kỳ các liên minh chính trị nào và PPRP vẫn chưa có triển vọng đạt được một liên minh trong quốc hội, cơ hội có thể sẽ cao hơn cho MFP và Pheu Thai nhằm nhanh chóng củng cố một chính phủ liên minh.[16] [17] Ngày 13/7 vòng bỏ phiếu bầu cử thủ tướng đầu tiên, ứng viên của đảng MFP Pita Limjaroenrat nhận được 324 phiếu thuận cùng với 182 phiếu chống và 199 phiếu trắng. Đáng nói đó chính là phía Thượng viện Thái Lan chỉ có 13 trên tổng số 249 thành viên Quốc hội bỏ phiếu ủng hộ cho ông Pita.[18] Với số lượng phiếu không tán thành và phiếu trắng như trên, mặc dù áp đảo so với các ứng viên khác, ông Pita vẫn không thể nắm chắc được vị trí Thủ tướng do cần phải có ít nhất 376 phiếu ủng hộ từ tổng số 500 thành viên quốc hội. Trước tình hình này, quốc hội Thái Lan sẽ tiến hành vòng bầu cử thứ hai vào ngày 19/7 sắp tới và một vòng bầu cử thứ ba liên tiếp một ngày sau đó có thể diễn ra nếu cần thiết. Theo Giáo sư Thitinan Pongsudhirak tại Đại học Chulalongkorn, việc Thượng viện hiện tại ngăn chặn chiến thắng của ông Pita là một biểu hiện của việc chống lại các phong trào cấp tiến của chính phủ quân sự cầm quyền hiện tại.[19]

2.2. Những kịch bản có thể xảy ra

Dựa trên những đánh giá và dự đoán được tổng hợp từ kết quả bầu cử Hạ viện Thái Lan, diễn biến của cuộc bầu cử Thủ tướng tiếp theo có thể chuyển hóa theo những kịch bản như sau:

Kịch bản 1: Đảng MFP liên minh với đảng Pheu Thai để đưa thắng bầu cử Thủ tướng

Kịch bản hiện tại đã diễn ra với sự liên minh của các đảng phái cấp tiến Thái Lan, trong đó gồm hai đảng MFP và Pheu Thai. Liên minh 8 đảng này bao gồm 313 nghị sĩ quốc trên tổng số 500 nghị sĩ Hạ viện, áp đảo số lượng nghị sĩ của các đảng thuộc phe bảo thủ. Tuy nhiên, để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Thủ tướng tiếp theo, về mặt giả thiết liên minh này cần phải thu được ít nhất 376 phiếu ủng hộ, đồng nghĩa MFP cần tìm thêm được ít nhất 63 phiếu bầu nữa từ các nghị sĩ thuộc các đảng phái khác mà cụ thể là các đảng đối lập. Tuy nhiên, trợ lý của chiến dịch tranh cử của đảng MFP Piyabutr Saengknokkul đã tuyên bố thể hiện tinh thần không bao giờ hòa hoãn với các đảng phe đối lập rằng MFP sẽ không liên minh với những đảng thuộc thân nhà nước quân chủ để thiết lập một chính phủ mới.[20] [21] Quá trình thuyết phục để tìm thêm phiếu ủng hộ cũng sẽ diễn ra khó khăn hơn khi cơ cấu của Thượng viện Thái Lan hiện tại đa số là các nghị sĩ thuộc các đảng phe bảo thủ do quân đội Thái Lan chỉ định. Nghiên cứu viên tại viện ISEAS – Yusof Ishak Napon Jatusripitak cũng nhận định rằng, ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo của đảng MFP khó có thể nào được đa số các thành viên Quốc hội ủng hộ và chấp thuận cho phép trở thành Thủ tướng mới do sự chi phối của các nghị sĩ do chính quyền quân đội của Thủ tướng Chanocha đề bạt.[22]

Theo điều phối viên tạm quyền Termsak Chalermpalanupap của Chương trình Thái Lan học thuộc viện ISEAS – Yusof Ishak, nếu các ứng viên Thủ tướng của đảng MFP không thể giành đủ số phiếu ủng hộ, các ứng viên của đảng Pheu Thai sẽ được lựa chọn để thay thế để đại diện cho liên minh này. Một trong những ứng viên dẫn đầu của đảng Pheu Thai đó là bà Paetongtarn Shinawatra, con gái của cựu Thủ tướng từng bị đảo chính Thaksin Shinawatra.

Kịch bản 2: Đảng Pheu Thai chấm dứt liên minh với đảng MFP và nghiêng về liên minh của hai đảng PPRP và Bhumjaithai

Tuy nhiên, trong trường hợp liên minh của hai đảng MFP và Pheu Thai mâu thuẫn trong quản lý và xây dựng chính phủ tương lai, hoặc nếu các ứng viên của liên minh các đảng cấp tiến không thành công giành đủ số phiếu chấp thuận, đảng Pheu Thai sẽ có thể lựa chọn phương án liên minh với một bên thứ ba. Đảng này có thể lựa chọn thành lập một liên minh với các đảng thân chính quyền quân chủ nhằm giành được sự ủng hộ từ các nghị sĩ thượng viện. Hai đảng thuộc phe thân chính quyền quân chủ là PPRP và Bhumjaithai là những lựa chọn mà đảng Pheu Thai có thể nghiêng về để có thể loại bỏ tình trạng chia rẽ chính trị và tiến tới thiết lập một chính phủ mới. Đảng PPRP do Phó Thủ tướng hiện tại Prawit Wongsuwan làm ứng viên đại diện tranh cử cho vị trí Thủ tướng nhận được sự ủng hộ lớn từ phía của Thượng viện. Về phía đảng Bhumjaithai, nhiều nghị sĩ cấp cao của đảng này và đảng Pheu Thai có quan hệ tốt đẹp với nhau do cùng làm việc với nhau trong đảng Thai Rak Thai của cựu Thủ tướng Thaksin.[23]

Nếu kịch bản này diễn ra, một liên minh do đảng Pheu Thai dẫn dắt bao gồm 290 thành viên quốc hội sẽ có thể thành lập một chính phủ đa số chi phối toàn bộ quốc hội Thái Lan và biến đảng MFP trở thành một phe đối lập duy nhất bị cô lập. Kể cả khi liên minh đảng Pheu Thai dẫn dắt không chiến thắng trong cuộc bầu cử Thủ tướng tiếp theo, liên minh này vẫn có thể tìm kiếm và kết nạp hoặc lôi kéo các nghị sĩ tự do, không thuộc đảng phái nào có mong muốn chấm dứt tình trạng phân hóa chính trị.[24]

Kịch bản 3: Chính quyền mới của đảng MFP bị đảo chính

Nếu sắp tới ông Pita Limjaroenrat và đảng MFP có thể huy động thêm số phiếu ủng hộ từ lưỡng viện hiện tại và thành công thiết lập một chính phủ mới, sự tồn tại của chính quyền cấp tiến này vẫn gặp phải những nguy cơ bị lật đổ đến từ các đảng phái đối lập có quan hệ với quân đội Thái Lan và hoàng gia Thái Lan.

Cụ thể khi nhắc về đảng Quốc gia Thái Lan của Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chanocha, kết quả bầu cừ Hạ viện cuối tháng 5 ngả ngũ dẫn đến đảng này không thể tiếp tục cạnh tranh. Tuy nhiên trước mắt, ông Chanocha trong tương lai được cho là có thể tiếp tục tiến hành một cuộc đảo chính thông qua việc vô hiệu quá trình thuyên chuyển nhân lực các đơn vị quân sự năm 2023. Thêm vào đó, sự kiểm soát Thượng viện hiện tại của ông Chanocha cũng sẽ gây nhiều khó khăn cho bất cứ đề xuất tái cơ cấu quân đội của các đảng cấp tiến có thể hiện thực hóa trong trường hợp đảng MFP hoặc đảng Pheu Thai chiến thắng. Quyền lực của ông Chanocha và những tướng lĩnh thân cận khả năng cao tiếp tục sẽ kiểm soát hoạt động của quân đội trong tương lai.[25]

Trong năm 2023, lực lượng quân đội, hải quân, không quân và cảnh sát Thái Lan lần đầu tiên sẽ cùng lúc tiến hành luân chuyển lực lượng. Ông Prayut nếu muốn bảo toàn sự kiểm soát với lục quân (lực lượng quân sự được đầu tư nhiều nhất) sẽ cần phải chắc chắn Phó Chỉ huy Lực lượng Lục quân Đại tướng Jaroenchai Hintao trở thành Tham mưu Trưởng Lực lượng Lục quân, Phó Chỉ Huy Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Thái Lan Đại tướng Songwit Noonpakdi và Chỉ huy Lực lượng Quân đội Khu vực 1 Pana Klaewplodsuk lần lượt nắm giữ hai vị trí Chỉ huy Trưởng Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Thái Lan và Phó Chỉ Huy Lực lượng Lục quân. Về mặt chính trị, đây là những cá nhân có xu hướng ngả về hoặc thân thiết với hoàng gia Thái Lan. Do đó, theo cố vấn chuyên môn quan hệ quốc tế thuộc Trường Nghiên cứu Cộng đồng ASEAN thuộc Đại học Naresuan (Thái Lan), Tiến sĩ Paul Chambers việc sắp đặt những vị tướng này nắm giữ các vị trí quan trọng trên sẽ vô hiệu hóa các vị tướng thuộc các đảng cấp tiến như MFP tham gia vào đầu não chỉ huy toàn bộ quân đội trong trường hợp liên minh đảng MFP chiến thắng và tiến hành cải tổ quân đội.

Cũng theo Tiến sĩ Chambers, bộ máy hoàng gia Thái Lan do Quốc vương Thái Lan kiểm soát cũng có thể là thế lực có khả năng lật đổ chính quyền do các đảng phái cấp tiến thiết lập. Thông qua Tòa án Hiến Pháp Thái Lan do hoàng gia quản lý có thể tiến hành một cuộc đảo chính mang tính pháp chế về bầu cử chính trị dưới hình thức giải thể đảng phái.[26] Điều này đã từng diễn ra đối với Đảng Thai Rak Thai của cựu Thủ tướng Raksin vào năm 2007 và đảng tiền thân của MFP – đảng Future Forward vào năm 2020. Giáo sư Thitiinan thuộc đại học Chulalongkorn cũng nhìn thấy viễn cảnh này khi cho rằng phe chính trị bảo thủ Thái Lan có thể chèn ép các đảng phái cấp tiến dưới nhiều hình thức như giải thể đảng phái hoặc vô hiệu tư cách tham gia bầu cử của các ứng viên mạnh của các đảng này.[27]

3. Kết luận

Việc liên minh MFP-Pheu Thai được dự đoán rất có thể sẽ rạn nứt trong tương lai. Dù cùng đại diện cho phe ủng hộ dân chủ, MFP và Pheu Thai lại có các quan điểm chính sách khác nhau, đặc biệt là lập trường đối với Mục 112 của Bộ luật Hình sự (Luật xúc phạm hoàng gia). Để thỏa hiệp, MFP sẽ cần loại bỏ một số chính sách khỏi biên bản ghi nhớ hợp tác mà đảng này đã thực hiện với các đối tác liên minh.[28] Đồng thời, hai đảng sẽ trở thành đối thủ của nhau trong cuộc bầu cử tiếp theo. Nếu MFP là lãnh đạo liên minh với ông Pita lên nắm quyền thủ tướng, Pheu Thai sẽ phải đóng vai trò thứ hai, một vị trí mà đảng này không mong muốn.

Hiện tại, vẫn chưa rõ liệu MFP dưới thời Pita Limjaroenrat có thể duy trì vị thế lãnh đạo liên minh hay cơ hội này sẽ chuyển dịch sang giới lãnh đạo đảng Pheu Thai. Chiến thắng bầu cử của MFP được giới quan sát xem như là mối đe dọa cho giới cầm quyền quân sự-hoàng gia. Đảng này cam kết cải cách nhiều thiết chế quyền lực, bao gồm chế độ quân chủ và quân đội, vốn đã được mở rộng đáng kể dưới thời chính quyền của Thủ tướng Prayuth.[29] Hiện tại, ứng cử viên thủ tướng Pita còn gặp phải các vấn đề pháp lý khi bị buộc tội vi phạm hiến pháp cấm các chính trị gia nắm giữ cổ phần trong một công ty truyền thông.[30] Tình huống xấu nhất sẽ là nhóm thượng nghị sĩ sẽ không ủng hộ ứng viên thủ tướng của cả MFP lẫn Pheu Thai trong mọi cuộc bỏ phiếu để kéo dài thời gian. Nếu cuộc tranh cử kéo dài thêm 10 tháng, đồng nghĩa với việc tình hình chính trị Thái Lan sẽ tiếp tục bất ổn thêm một thời gian. Khả năng này sẽ gây bất ổn sâu rộng trong khi Thái Lan rất cần sớm ổn định để phát triển.

Tài liệu tham khảo:

[1] Ajanapanya, N.(2023). Thais expect the unexpected in ‘contest for their country’s future’. The Nation.

https://www.nationthailand.com/thailand/politics/40027313

[2] 2023 Thai Election Results: An Opposition Win but Unclear Path Ahead

https://www.csis.org/analysis/2023-thai-election-results-opposition-win-unclear-path-ahead

[3] Former PM Thaksin Shinawatra aims to ‘come home’ this July. Thai PBS World.

https://www.thaipbsworld.com/former-pm-thaksin-shinawatra-aims-to-come-home-this-july/

[4] Nam Đông (2023). Hạ viện Thái Lan nhất trí bầu ông Wan Noor làm Chủ tịch Quốc hội. Báo Nhân Dân. https://nhandan.vn/ha-vien-thai-lan-nhat-tri-bau-ong-wan-noor-lam-chu-tich-quoc-hoi-post760769.html. Truy cập ngày 6/7/2023.

[5] News Agencies (2023). Thai opposition party struggles to take power after election win. Aljazeera. https://www.aljazeera.com/news/2023/7/3/thai-opposition-party-struggles-to-take-power-after-election-win. Truy cập ngày 6/7/2023.

[6] (2023). Wan Noor: The New House speaker with Deep South convictions and a party-hopping past. Thai PBS World. https://www.bangkokpost.com/thailand/politics/2605381/prachachat-board-dissolved-as-wan-takes-up-new-post. Truy cập ngày 6/7/2023.

[7] Thai MPs vote Wan Muhamad Noor Matha as new House Speaker. CNN

https://www.channelnewsasia.com/asia/thailand-house-speaker-wan-muhamad-noor-matha-members-parliament-3604671

[8] Junta’s Allies Reject Thai Election Results, Derailing Top Opposition Figure. The New York Times.

[9] Thailand’s winning candidate for PM blocked from power. The Guardian. https://www.theguardian.com/world/2023/jul/13/winning-thailand-candidate-for-pm-blocked-from-power-pita-limjaroenrat

[10] (2023). Thailand general election 2023 tracker: Live news and election updates | Voting on July 13. Thaiger. https://thethaiger.com/live-news/thailand-general-election-2023. Truy cập ngày 6/7/2023.

[11] News Agencies (2023). Thai opposition party struggles to take power after election win. Aljazeera. https://www.aljazeera.com/news/2023/7/3/thai-opposition-party-struggles-to-take-power-after-election-win. Truy cập ngày 6/7/2023.

[12] News Agencies (2023). Thai opposition party struggles to take power after election win. Aljazeera. https://www.aljazeera.com/news/2023/7/3/thai-opposition-party-struggles-to-take-power-after-election-win. Truy cập ngày 6/7/2023.

[13] (2023). EC to investigate MFP prime ministerial candidate Pita’s election qualifications. https://www.pattayamail.com/thailandnews/ec-to-investigate-mfp-prime-ministerial-candidate-pitas-election-qualifications-433634. Truy cập ngày 6/7/2023.

[14] (2023). Palang Pracharath resolves internal row over canvassing money. Bangkok Post. https://www.bangkokpost.com/thailand/politics/2580811/palang-pracharath-resolves-internal-row-over-canvassing-money. Truy cập ngày 7/7/2023

[15] (2023). Anutin admits Bhumjaithai Party will come in third, not second. Bangkok Post. https://www.bangkokpost.com/thailand/politics/2570382/anutin-admits-bhumjaithai-party-will-come-in-third-not-second. Truy cập ngày 7/7/2023.

[16] Bhumjaithai says no to any party advocating amendment of lèse majesté law. Thai PBS World. https://www.thaipbsworld.com/bhumjaithai-says-no-to-any-party-advocating-amendment-of-lese-majeste-law/. Truy cập ngày 7/7/2023

[17] Bangkok Post (2023). Prawit’s party says it will not merge with Pheu Thai. https://www.bangkokpost.com/thailand/politics/2576536/prawits-party-says-it-will-not-merge-with-pheu-thai. Truy cập ngày 7/7/2023

[18] Ewe, K. (2023, Jul 13th).Thailand’s Election Winner Fails First Parliament Vote to Become Prime Minister—What to Know and What Comes Next. TIME.  https://time.com/6294351/thailand-prime-minister-parliament-vote-pita/. Truy cập ngày 13/7/2023.

[19] Ives, M. & Suhartono, M. (2023, Jul 13th). Junta’s Allies Reject Thai Election Results, Derailing Top Opposition Figure. The New York Times. https://www.nytimes.com/2023/07/13/world/asia/thailand-prime-minister-pita-limjaroenrat.html. Truy cập ngày 13/7/2023.

[20] Bangkok Post (2023, May 2nd). MFP vows it won’t join

‘inter-bloc’ govt. Bangkok Post. Truy cập ngày 26/06/2023: https://www.bangkokpost.com/thailand/politics/2561210/mfp-vows-it-wont-join-inter-bloc-govt

[21] Sattaburuth, A. & Wancharoen, S. (2023, Mar 12th). Avoiding the third rail. Bangkok Post. Truy cập ngày 26/06/2023: https://www.bangkokpost.com/thailand/special-reports/2525864/avoiding-the-third-rail

[22] Ewe, K. (2023, Jul 5th).  More Than a Month After Thailand’s Election, We Still Don’t Know Who Will Lead the Country. Here Are All the Ways It Could Go. TIME. Truy cập ngày 26/06/2023: https://time.com/6291912/thailand-prime-minister-election-what-could-happen/

[23] Chalermpalanupap, T. (2023, May 30th). Move Forward Party Has Won the Election, but May Lose the Premiership Race. Fulcrum. https://fulcrum.sg/move-forward-party-has-won-the-election-but-may-lose-the-premiership-race/.  Truy cập ngày 15/7/2023.

[24] Ibid.

[25] Chambers, P. (2023, Jun 26th). Thailand’s military machinations will define post-election political manoeuvering. East Asia Forum. https://www.eastasiaforum.org/2023/06/26/thailands-military-machinations-will-define-post-election-political-manoeuvring/ . Truy cập ngày 28/6/2023.

[26] Như trên.

[27] Như trích dẫn 17.

[28] Chairith, Y. (2023). MFP-Pheu Thai alliance on the rocks?. Bangkok Post.

https://www.bangkokpost.com/opinion/opinion/2603093/mfp-pheu-thai-alliance-on-the-rocks-?fbclid=IwAR1V8I7e-ZCOnHFJ-wHofE1vp9wha-Xm8lprd2xjoxpN0kNLPUAYR85LDP4

[29] Saksornchai, J. & Peck, G. (2023, Jul 3rd). Thai opposition party struggles to take power after stunning election victory. AP News.

https://apnews.com/article/thailand-parliament-opposition-pita-prime-minister-582cd3c53a524b3eb1778e3306ec9fde

[30] News Desk. (2023, May 10th). Move Forward leader denies claims he held shares in media company barring him as a Bangkok MP. Thai Examiner.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *