Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có chuyến thăm Trung Quốc vào ngày 18-19/6. Ông là Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến thăm Trung Quốc kể từ năm 2018. Tại Trung Quốc, Ngoại trưởng Blinken đã gặp gỡ trực tiếp với Chủ tịch Tập Cận Bình sau hai ngày hội đàm cùng các quan chức cấp cao khác.
Về chuyến thăm mới nhất của Ngoại trưởng Mỹ Blinken đến Trung Quốc
Chuyến thăm được cho là cơ hội để hai cường quốc xoa dịu tình hình căng thẳng sau những mâu thuẫn trong nửa năm qua. Ngoại trưởng Blinken gọi quan hệ Mỹ – Trung là “một trong những mối quan hệ có ảnh hưởng nhất trên thế giới”.[1] Ngoại trưởng cũng cho biết ông đến Trung Quốc để tăng cường các thách thức trong đối ngoại, làm rõ lập trường và ý định của hai nước trong các vấn đề bất đồng và tìm ra các lĩnh vực có thể hợp tác.[2] Chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken mang ý nghĩa lớn đối với quan hệ song phương Trung Quốc và Mỹ khi tình hình giữa hai nước xấu đi đáng kể trong những năm gần đây. Một trong những vấn đề khiến Mỹ và các đồng minh không hài lòng là hành động khiêu khích của Trung Quốc tại eo biển Đài Loan và Biển Đông. Đồng thời, Trung Quốc cũng thể hiện sự ủng hộ đối với Nga trong bối cảnh căng thẳng Nga – Ukraine chưa hạ nhiệt.
Trong cuộc gặp, Tổng thống Blinken cho biết Mỹ cam kết quay trở lại chương trình nghị sự đặt ra tại Bali và khẳng định Mỹ không muốn diễn ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, không tìm cách thay đổi hệ thống chính trị của Trung Quốc và các liên minh của Mỹ cũng không nhắm vào Trung Quốc. Thêm vào đó, Mỹ ủng hộ “sự độc lập của Đài Loan”.[3] Đáp lại, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng Trung Quốc tôn trọng lợi ích của Mỹ và không tìm cách thách thức hoặc thay thế Mỹ. Mỹ phải tôn trọng Trung Quốc, không làm tổn hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc. Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp giữa các chỉ huy quân sự của Mỹ và Trung Quốc.[4]
2. Quan điểm, động thái của Mỹ và Trung Quốc về chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken
2.1. Động thái của Mỹ
Trong chuyến thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã bày tỏ mong muốn được ổn định quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhấn mạnh thêm, ông còn khẳng định Mỹ không có bất kỳ “ảo tưởng” gì về những thách thức trong việc cân bằng quan hệ giữa đôi bên. Đặc biệt trong vấn đề kinh tế, ông cũng nhắc lại quan điểm “giải quyết rủi ro, không tách rời” (de-risking, not decoupling) của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc được đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng 5 vừa qua. Mỹ luôn ủng hộ việc “giải quyết rủi ro và đa dạng hóa” các mối liên kết với nước này. Tuy nhiên, giáo sư Paul Gewirtz thuộc Trường Luật Yale nhận định rằng cụm từ “giải quyết rủi ro” (de-risking) của nhóm G7 được cố tình lựa chọn mang hàm nghĩa thiếu rõ ràng và chứa nhiều hàm ý mang tính đề phòng và chèn ép Trung Quốc.[5]
Sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken, Tổng thống Mỹ Joe Biden tán dương rằng ông Blinken đã hoàn thành xuất sắc công tác của mình tại Bắc Kinh. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho rằng chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken đã tạo điều kiện cho hai quốc gia có những kết quả thảo luận mang tính tốt đẹp, đáng chú ý và có tính xây dựng trong quan hệ song phương và đối với nhiều vấn đề khác mang tính toàn cầu và khu vực.[6] Tuy nhiên, Tổng thống Biden lại có những phát ngôn trái ngược và mang tính kích động. Cụ thể, ông đã miêu tả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một nhà độc tài và nhắc lại sự cố khinh khí cầu vào tháng 2 như một sự bẽ mặt đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.[7]
Về nội bộ của Mỹ, chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken cũng đã gây nên một số hiểu lầm xoay quanh vấn đề Đài Loan. Trong buổi gặp với Tập Cận Bình, ông đã nhấn mạnh rõ rằng Mỹ sẽ không ủng hộ sự độc lập của Đài Loan. Điều này lập tức đã làm cho Đảng Cộng hòa lên tiếng chỉ trích. Hạ nghị sĩ Ben Cline thuộc đảng Dân chủ cho rằng chính quyền của Biden đang tạo điều kiện cho Trung Quốc gây hấn với đồng minh của Mỹ. Đảng viên đảng Cộng hòa Michelle Steel bày tỏ sự thất vọng nhưng cũng không bất ngờ khi Ngoại trưởng Blinken không thể thể hiện được sức mạnh của Mỹ trong chuyến thăm đến Trung Quốc lần này. Thành viên của đảng Cộng hòa Mike Waltz thể hiện sự quan ngại sau chuyến thăm của ông Blinken rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục sẽ có những hành vi xâm phạm đến chủ quyền của Mỹ.[8] Trước chuyến đi của Ngoại trưởng Blinken, nhiều thành viên của Nghị viện thuộc đảng Cộng hòa đã chỉ trích chuyến thăm sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh quốc gia. Đại cử tri bang New York thuộc đảng Cộng Hòa Elise Stefanik cho rằng cho chuyến thăm của ông Blinken sẽ hợp thức hóa sự phá hủy chủ quyền liên tục của Mỹ từ phía Trung Quốc.[9] Susan Thortan, một cựu nhà ngoại giao tại Trung tâm Trung Quốc Paul Tsai thuộc Đại học Yale, cho rằng trong khoảng thời gian từ hiện tại đến cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo, nội bộ chính trị Mỹ xoay quanh vấn đề Trung Quốc sẽ trở nên ngày càng phức tạp.
2.2. Động thái từ phía Trung Quốc
Trước khi chuyến thăm diễn ra, dù phía Trung Quốc tỏ ra khá thận trọng nhưng cũng đặt kỳ vọng vào sự tiến triển trong quan hệ hai nước với vấn đề Đài Loan là yếu tố then chốt. Jin Canrong, phó hiệu trưởng Trường Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Nhân dân đã nhận định vấn đề Đài Loan, hợp tác kinh tế và xung đột Nga – Ukraine dự kiến sẽ đứng đầu danh sách các chủ đề trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken.[10] Li Haidong, giáo sư tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc, cho biết sở dĩ phía Mỹ thực hiện chuyến công du một phần là do Mỹ đang sa lầy ở các vấn đề trong nước và quốc tế, chẳng hạn như vấn đề trần nợ công và xung đột Nga – Ukraine. Học giả nhận định việc kết nối với Trung Quốc sẽ là chìa khóa để giải quyết những vấn đề này. Tình trạng mối quan hệ song phương sẽ phụ thuộc vào khả năng sửa chữa những sai lầm của Mỹ.[11] Quan điểm của hai nước về vấn đề Đài Loan cũng là một trong những yếu tố quyết định khi Trung Quốc đã thể hiện sự cứng rắn trước Mỹ. Trong cuộc điện đàm trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Qin Gang đã nói với người đồng cấp Blinken rằng Mỹ nên ngừng can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Ông cũng khẳng định Mỹ nên tôn trọng những lo ngại của Trung Quốc về “vấn đề Đài Loan”.[12]
Sau khi cuộc gặp diễn ra, các học giả Trung Quốc cho rằng những căng thẳng giữa hai nước đã được giải quyết phần nào. Wu Xinbo, giáo sư và giám đốc tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, cho biết: “Thông điệp của Trung Quốc khá tích cực.”[13] Theo đó, Trung Quốc vẫn thể hiện hy vọng hợp tác với Mỹ nhằm ổn định và cải thiện quan hệ dù không mấy lạc quan về quan hệ Trung – Mỹ. Ông cũng cho rằng Trung Quốc và Mỹ có thể dần nối lại đối thoại trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và khí hậu trong thời gian tới.[14] Tuy nhiên, Mỹ phải xử lý vấn đề Đài Loan một cách thận trọng vì liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Trung Quốc có quan điểm rõ ràng và vững chắc đối với vấn đề Đài Loan, đồng thời sẽ ngày càng cứng rắn để bảo vệ lợi ích của mình.[15] Shen Dingli, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Phúc Đán, cho biết chuyến thăm lần này của Ngoại trưởng Mỹ sẽ giúp cải thiện hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế. Cuộc gặp còn mang lại cho Trung Quốc cơ hội tăng cường hình ảnh tốt ở châu Âu và Đông Nam Á.[16] Li Changan, giáo sư tại Học viện Nghiên cứu Kinh tế Mở Trung Quốc thuộc Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế, xem chuyến thăm của Blinken tới Trung Quốc là cơ hội tốt để hai nước “phá vỡ thế bế tắc” trong lĩnh vực kinh tế và hiểu rõ nhu cầu của nhau.[17]
3. Hàm ý đối với triển vọng ổn định quan hệ Mỹ – Trung
Chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Blinken có thể đã đánh dấu một bước chuyển mới về thái độ lẫn cách nhìn nhận của cả Mỹ và Trung Quốc về thực trạng quan hệ hai nước. Bất chấp những đối đầu có xu hướng gay gắt trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh,… thực tế vẫn cho thấy Mỹ và Trung Quốc có động cơ lợi ích lớn hơn để điều hòa quan hệ cũng như thúc đẩy hợp tác, đặc biệt là tại lĩnh vực thương mại và công nghệ. Điều này có thể tđược hấy rõ thông qua xu hướng đầu tư mới của các doanh nghiệp công nghệ Mỹ và sự cởi mở của chính quyền Trung Quốc. Qua đó thể hiện rằng sự nỗ lực hợp tác và cân bằng hóa lợi ích vẫn có thể kể cả trong các lĩnh vực nhạy cảm và được chính trị hóa trong quan hệ giữa hai cường quốc công nghệ.[18]
Sự ràng buộc về mặt kinh tế có thể sẽ càng được thắt chặt và được ưu tiên bởi chính quyền hai nước trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang bước vào giai đoạn suy thoái, tác động sâu rộng đến sức mạnh nội tại của quốc gia và các nước đồng minh. Chuyến thăm lần này, xét mặt quan điểm đối ngoại, cho thấy cả lãnh đạo Trung Quốc lẫn Mỹ trước mắt đều không tìm kiếm một cuộc đối đầu, chạm trán liên quan đến quân sự hay kiên quyết theo đuổi mục tiêu tách rời kinh tế lẫn nhau. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng quan hệ Mỹ – Trung hiện nay được cho là đang đạt tới điểm “thấp nhất”, chồng chất bởi nhiều động thái chính trị – quân sự mang tính khiêu khích của các bên và sự tê liệt trong cơ chế đối thoại, điều hòa mâu thuẫn.[19] [20] Đây có thể được xem là những rủi ro dẫn đến bùng phát va chạm quân sự và suy thoái ngoại giao sâu sắc. Do đó, bài toán đặt ra cho cả Mỹ và Trung Quốc trước mắt là giải quyết một cách thận trọng và chiến lược những rủi ro về an ninh để đạt được các động thái tích cực hơn.
4. Tổng kết
Trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung có xu hướng bất ổn hóa, chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Trung Quốc đã phản ánh những nỗ lực của chính quyền hai bên trong việc khôi phục đối thoại và hạn chế căng thẳng leo thang. Trong đó, mục tiêu được thể hiện rõ của hai quốc gia là tập trung vào hàn gắn lĩnh vực hợp tác kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao, vốn cũng đang là tâm điểm đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Với việc Mỹ và Trung Quốc có những bước đầu trong quá trình tái ổn định mối quan hệ song phương, nền kinh tế toàn cầu và khu vực châu Á – Thái Bình Dương có thể kỳ vọng về một giai đoạn phát triển ổn định hơn trong bối cảnh nhiều biến động kinh tế, chính trị, an ninh lớn bùng phát và diễn biến một cách phức tạp.
Tài liệu tham khảo:
[1] Ott, H. (2023). Key takeaways from Antony Blinken’s visit to China. CBSNews. https://www.cbsnews.com/news/key-takeaways-antony-blinken-china-xi-jinping/
[2] Ibid.
[3] Jiang, J. & Yu, L. & Jia, Y. & Xitong, Y. (2023). Chinese readout of Xi Jinping-Anthony Blinken’s meeting. Ginger River Review
https://www.gingerriver.com/p/chinese-readout-of-xi-jinping-anthony
[4] Ott, H. (2023). Key takeaways from Antony Blinken’s visit to China. CBSNews.
https://www.cbsnews.com/news/key-takeaways-antony-blinken-china-xi-jinping/
[5] Gerwitz, P. (2023, May 30th). Words and policies: “De-risking” and China policy. Brookings Institution. https://www.brookings.edu/blog/order-from-chaos/2023/05/30/words-and-policies-de-risking-and-china-policy/. Truy cập ngày 21/6/2023.
[6] U.S. State Department. (2023, Jun 19th). Secretary Blinken’s Visit to the People’s Republic of China (PRC). https://www.state.gov/secretary-blinkens-visit-to-the-peoples-republic-of-china-prc/. Truy cập ngày 21/6/2023
[7] Hawkins, A. and agencies. (2023, Jun 21st). ‘Political provocation’: China hits back as Biden calls Xi ‘dictator’. The Guardian. https://www.theguardian.com/us-news/2023/jun/21/joe-biden-calls-chinese-president-xi-jinping-dictator-antony-blinken-china-visit . Truy cập ngày 21/6/2023.
[8] Phillips, M. (2023, Jun 19th). Republicans rip Blinken for giving China a ‘green light’ to intimidate Taiwan and for a ‘dangerous display of weakness’ after he insisted the U.S. does not back island’s independence. Daily Mail. https://www.dailymail.co.uk/news/article-12211143/Republicans-warn-risks-raised-renewing-engagement-CCP-Blinken-Xi-meeting.html. Truy cập ngày 21/6/2023.
[9] Demirjian, K. (2023, Jun 20th). Republicans Attack Blinken for China Trip, Threatening Subpoena. The New York Times. https://www.nytimes.com/2023/06/16/us/politics/republicans-blinken-china.html#:~:text=The%20News,a%20more%20hard%2Dline%20approach. Truy cập ngày 21/6/2023.
[10] Zhao, Y. & Xie, J. (2023). Blinken visit still ‘opportunity’ amid mutual low expectations. Global Times.
https://www.globaltimes.cn/page/202306/1292686.shtml
[11] Ibid.
[12] Hawkin, A. (2023. Blinken visit seeks to ease fraught US relationship with China. The Guardian.
https://www.theguardian.com/us-news/2023/jun/15/us-secretary-state-blinken-china-visit
[13] Pamuk, H. (2023). Xi, Blinken agree to stabilize US-China relations in Beijing talks. Reauters.
https://www.reuters.com/world/china/blinken-wrap-up-rare-visit-china-may-meet-xi-jinping-2023-06-18/
[14] Jiang, J. & Yu, L. & Jia, Y. & Xitong, Y. (2023). Chinese readout of Xi Jinping-Anthony Blinken’s meeting. Ginger River Review
https://www.gingerriver.com/p/chinese-readout-of-xi-jinping-anthony
[15] Ibid.
[16] Tobin, M. (2023). Blinken, once seen as a headache in China, could be a remedy. Washington Post.
https://www.washingtonpost.com/world/2023/06/20/blinken-china-us-visit-xi-jinping/
[17] Zhao, Y. & Xie, J. (2023). Blinken visit still ‘opportunity’ amid mutual low expectations. Global Times.
https://www.globaltimes.cn/page/202306/1292686.shtml
[18] Xem thêm: Phan, Nguyên Huy Chinh (2022). Cạnh tranh công nghệ Mỹ – Trung Quốc trong Thời đại 4.0. Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 3 (247), tr. 68-79.
[19] Ott, Haley (2023). Key takeaways from Antony Blinken’s visit to China. CBS News. https://www.cbsnews.com/news/key-takeaways-antony-blinken-china-xi-jinping/. Truy cập ngày 20/06/2023.
[20] Iranalytica.Vn (2023). Đối thoại Shangri La 2023 (phần 1): Những thảo luận chính về cấu trúc an ninh châu Á – Thái Bình Dương. IR Analytica. https://iranalytica.com/shangri-la-2023-va-an-ninh-chau-a-thai-binh-duong/. Truy cập ngày 20/06/2023.