Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa: Bối cảnh và phản ứng quốc tế

Tags: Triều Tiên phóng tên lửa, an ninh khu vực Thái Bình Dương

Triều Tiên xác nhận đã phóng tên lửa lần thứ hai vào ngày 20/2 và đây là vụ thử vũ khí lần thứ ba của nước này trong năm nay. Trong bối cảnh căng thẳng bán đảo Triều Tiên đang leo thang với hàng loạt các diễn biến quân sự liên tục gia tăng tại khu vực, động thái trên khiến quan hệ các bên càng trở nên xấu đi.

Thông báo của Triều Tiên về việc tiến hành bắn thử tên lửa:

Bộ Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ngày 18/2 đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm xa ra vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên. Tên lửa Hwasong-15 đi theo quỹ đạo cong và đạt độ cao 5.768,5 km, bay quãng đường 989 km trong thời gian 1 giờ 6 phút 55 giây. Theo giới chức Nhật Bản, tên lửa bay được hơn 60 phút và là một trong những tên lửa lớn nhất của Triều Tiên.[1]

Tiếp đó, Triều Tiên đã phóng thêm 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra bờ biển phía Đông vào ngày 20/2. Vụ phóng thử tên lửa này được thực hiện sau chưa đầy 48 giờ kể từ khi Triều Tiên tiến hành thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15. Các tên lửa đã được phóng đi nhằm vào các mục tiêu cách bờ biển lần lượt là 395 và 337km. Các tên lửa được sử dụng có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân chiến thuật và có thể phá huỷ các mục tiêu quân sự của đối phương.[2] Bà Kim Yo Jong, em gái ông Kim Jong Un, trong cùng ngày đã tiếp tục gửi những cảnh báo đến Mỹ và Hàn Quốc. Cũng theo phát ngôn của bà Kim, trong tương lai, mức độ thường xuyên mà Triều Tiên thử bắn tên lửa tại Thái Bình Dương phụ thuộc vào hành động của phía Mỹ.[3]

Nguyên nhân các vụ phóng thử tên lửa liên tiếp của Triều Tiên được cho là vì cuộc diễn tập không quân quy mô lớn Mỹ – Nhật – Hàn trước đó. Trong cuộc diễn tập này, các máy bay chiến đấu F-35A cùng F-15K của Hàn Quốc, F-16 của Mỹ, F-15 của Nhật Bản đã tiến hành nhiều bài tập bay theo đội hình cũng như hộ tống máy bay ném bom B-1. Quân đội Hàn Quốc cho biết cuộc diễn tập này nhằm tăng cường năng lực hoạt động phối hợp và củng cố cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ Bán đảo Triều Tiên cũng như đưa ra những biện pháp răn đe kịp thời. Mỹ và Hàn Quốc cũng có kế hoạch thực hiện khoảng 20 cuộc tập trận quy mô lớn trong nửa đầu năm nay.[4]

Bộ Ngoại giao Triều Tiên cáo buộc việc diễn tập của liên minh Mỹ – Hàn làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, đồng thời cũng sẽ tiến hành thực hiện thêm nhiều hành động quân sự khác nếu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tiếp tục gây sức ép. [5]

Bối cảnh gần đây trước vụ phóng tên lửa:

Gần đây nhất, Triều Tiên mới tiến hành một cuộc diễu hành quân sự riêng về tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trong cuối tuần qua. Bên cạnh kỷ niệm 75 năm thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên, cuộc diễu hành còn cho thấy sức mạnh chế tạo và sản xuất tên lửa ICBM của quốc gia này. 11 tên lửa Hwasong-17 thuộc loại ICBM đã xuất hiện trong cuộc diễu hành. Đây là loại tên lửa ICBM lớn nhất và mới nhất do Triều Tiên chế tạo tính đến hiện tại. Khả năng tấn công của loại tên lửa này được đánh giá có thể tiếp cận đến gần như mọi địa điểm trên toàn cầu.[6] Cũng trong dịp này, Triều Tiên được cho là đã ra mắt thiết bị phóng tên lửa mới bằng nhiên liệu rắn. Các loại thiết bị phóng bằng nhiên liệu rắn được nhận định là có khả năng khai phóng nhanh hơn các loại bằng nhiên liệu hóa lỏng. Tuy nhiên, chưa có thông tin xác nhận rằng thiết bị phóng này đã được thử thành công.[7]

Chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên Ankit Panda thuộc Viện Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowment cho rằng chỉ cần 11 tên lửa Hwasong-17 trong cuộc diễu hành vừa rồi, Triều Tiên có thể khiến Mỹ phải gặp khủng hoảng về khả năng phòng thủ tên lửa.[8] Chuyên gia này cũng cho rằng tiến độ chế tạo thành công thiết bị phóng tên lửa bằng nhiên liệu rắn của Triều Tiên có vẻ chắc chắn hơn trước đây.[9] Cùng quan điểm về vấn đề này, chuyên gia Dave Schmerler thuộc Trung tâm James Martin về Nghiên cứu Phòng chống Lan truyền Vũ khí Hạt nhân cho biết trong tương lai Triều Tiên sẽ sớm thành công phát triển một loại tên lửa mặt đất loại ICBM bằng nhiên liệu rắn.[10] Tuy nhiên, chuyên gia nghiên cứu Yang Uk tại Viện Asan về Nghiên cứu Chính sách, ngược lại, cho rằng cuộc diễu hành quân sự của Triều Tiên chỉ mang thông điệp có tính cảnh báo mạnh mẽ hơn đối với Mỹ, ngoài ra, không có điểm gì mới và đáng chú ý từ sự kiện này.[11]

Sau cuộc diễu hành quân sự của Triều Tiên, Hàn Quốc đã lên án nước này lãng phí nguồn lực vào các dự án hạt nhân và phát triển tên lửa thay vì giải quyết tình hình khủng hoảng nhân đạo liên quan đến khan hiếm lương thực có ảnh hưởng nghiêm trọng đối với cuộc sống của hàng triệu người dân gần đây.[12]

Phản ứng quốc tế về hai lần phóng tên lửa:

Đợt phóng tên lửa vào thứ Bảy tuần trước của Triều Tiên đã dẫn đến nhiều phản ứng từ cộng đồng quốc tế. Ngay sau khi tên lửa được bắn, một cuộc họp an ninh khẩn cấp đã được tổ chức tại Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc nhằm bàn luận về những hành vi phát triển và sử dụng vũ khí hạt nhân, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực của Triều Tiên. Về phía Nhật Bản, Thủ tướng Fumio Kishida gọi hành động của Triều Tiên là một hành vi hung hăng có tính kích động đối với trật tự thế giới. Về phía Mỹ, mặc dù không bị ảnh hưởng nhưng Mỹ cũng cho rằng hành động của Triều Tiên làm căng thẳng và gây bất ổn tình hình an ninh tại khu vực.[13] Một ngày sau khi Triều Tiên bắn tên lửa, Mỹ theo dự định vẫn đã tiến hành tập trận trên không cùng với Hàn Quốc và Nhật Bản bằng các máy bay đánh bom siêu thanh.[14] Cùng thời điểm trên, trong Hội nghị An ninh Munich lần thứ 59, các Bộ trưởng ngoại giao thuộc nhóm các quốc gia G7 cũng đã lên án hành động của Triều Tiên vi phạm Nghị định của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đồng thời đe dọa đến hòa bình an ninh của khu vực và thế giới. Ngoài ra, nhóm các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh yêu cầu cộng đồng quốc tế cùng nhau có những phản ứng mang tính thống nhất bao gồm các biện pháp cứng rắn hơn từ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đối với Triều Tiên.[15]

Sau lần thử bắn thứ hai vào rạng sáng thứ Hai vừa rồi, cả Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục đưa ra những thông điệp tiếp tục khẳng định quan điểm về hành động của Triều Tiên. Liên Hiệp Quốc cũng yêu cầu Bình Nhưỡng lập tức dừng thực hiện những hành vi kích động và yêu cầu nước này thúc đẩy đối thoại giải trừ hạt nhân. Giáo sư Andrei Lankov tại Đại học Kookmin cho rằng sắp tới thế giới sẽ còn tiếp tục chứng kiến thêm nhiều đợt thử nghiệm hạt nhân và tên lửa. Ông cũng đánh giá rằng năng lực về hạt nhân hiện tại của Triều Tiên đã chuyển hóa để phục vụ cho một mục đích mới đó là gây hấn. Giáo sư Yang Moo-jin tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên Seoul dự đoán căng thẳng trên bán đảo hai miền Triều Tiên sẽ tiếp tục diễn ra phức tạp trước tình hình Triều Tiên thực hiện các hành động quân sự ngày càng thường xuyên hơn.[16] Năm ngoái, Triều Tiên ghi nhận kỷ lục mới về số lần phóng thử tên lửa nhiều nhất trong một năm, với ngày cao kỷ lục đó là 23 tên lửa trong một ngày.[17]

IR Analytica


[1] Seo, Y & Lendon, B & Junko, O (2023). North Korea says it tested ICBM in surprise drill. CNN. https://edition.cnn.com/2023/02/18/asia/north-korea-missile-launch-intl-hnk-ml/index.html

[2] Choi, S & Shin, H (2023). North Korea fires two more missiles into its Pacific ‘firing range’. Reuters. https://www.reuters.com/world/asia-pacific/north-korea-fires-ballistic-missile-south-korea-military-2023-02-19/

[3] Seo, Y & Tucker, E & Junko, O (2023). Kim’s sister makes ‘shooting range’ threat as North Korea tests more missiles. CNN. https://edition.cnn.com/2023/02/19/world/north-korea-unidentified-ballistic-missile/index.html

[4] Kim, H (2023). N. Korea threatens unprecedented response to South-US drill. DC News https://www.dcnewsnow.com/news/us-and-world/ap-international/ap-s-korea-us-to-hold-simulated-drill-on-north-use-of-nukes/

[5] An, N (2023). Triều Tiên đe dọa Mỹ-Hàn, đưa cảnh báo mới với Hội đồng Bảo an. CAND. https://cand.com.vn/the-gioi-24h/trieu-tien-de-doa-my-han-dua-canh-bao-moi-voi-hoi-dong-bao-an–i683846/

[6], [8], [10] Smith, J. & Choi, S.H. (2023). North Korea shows off largest-ever number of nuclear missiles at nighttime parade. Reuters. https://www.reuters.com/world/asia-pacific/north-korea-shows-off-possible-solid-fuel-icbm-nighttime-parade-analysts-2023-02-09/

[7], [9], [11], [12] Ji, D. (2023). North Korea unveils likely new solid-fuel ICBM. The Korea Herald. https://www.koreaherald.com/view.php?ud=20230209000675

[13] Kim, T. (2023). North Korea fires missile as US, S.Korea prepare for drills. AP News. https://apnews.com/article/north-korea-government-south-94204c2b70d2f2e6db3e3688e89905cb

[14] Choi, S. (2023). U.S. stages joint air exercises with Asian allies after North Jorea’s ICBM lauch. Reuters. https://www.reuters.com/world/asia-pacific/north-korea-confirms-it-tested-icbm-saturday-kcna-2023-02-18/

[15] Duetsche Welle. (2023).  North Korea fires long-range ballistic missile into sea. DW. https://www.dw.com/en/north-koreafires-long-range-ballistic-missile-into-sea/a-64749845

[16] Al Jazeera. (2023). North Korea fires more missiles amid ‘firing range’ warning. Al Jazeera.https://www.aljazeera.com/news/2023/2/20/north-korea-fires-two-ballistic-missiles-as-launches-resume?fbclid=IwAR3azeqok30e6jfae0R5u2s2lzuNJDsAhwnnBPUWZ_a46KFYIJ8WHjKfAgY

[17] Dotto, C., Lendon, B., Yeung, J. (2022). North Korea’s record year of missile testing is putting the world on edge. https://edition.cnn.com/2022/12/26/asia/north-korea-missile-testing-year-end-intl-hnk/index.html#:~:text=North%20Korea’s%20record%20year%20of%20missile%20testing%20is%20putting%20the%20world%20on%20edge&text=In%202020%2C%20North%20Korea%20conducted,missiles%20in%20a%20single%20day.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *