Từ sự việc khinh khí cầu của Trung Quốc đến thông báo tập trận của Mỹ tại Biển Đông

Tags: Biển Đông, Mỹ – Trung

Ngày 13/2 vừa qua, Mỹ đã xác nhận thông báo về việc triển khai đợt diễn tập quân sự đơn phương mới nhất tại khu vực Biển Đông ngay trong thời điểm tình trạng quan hệ của Mỹ và Trung Quốc trở nên căng thẳng sau sự cố khinh khí cầu Trung Quốc trái phép đi vào không phận của Mỹ.[1] Theo đại diện của Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ, cuộc tập trận đang tiến hành có sự tham gia phối hợp của Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz (Nimitz CSG), Đơn vị Viễn chinh Thủy quân lục chiến thứ 13 (13th MEU) và Nhóm tác chiến sẵn sàng đổ bộ Đảo Makin (Makin Island ARG). Tuy nhiên, thông tin về thời gian diễn ra cuộc tập trận của Mỹ không được công bố chi tiết.[2]

Nhóm tác chiến Nimitz CSG tham gia tập trận bao gồm: tàu hàng không mẫu hạm USS Nimitz (CVN-68), tàu khu trục USS Decatur (DDG-73), USS Chung-Hoon (DDG-93) và USS Wayne E .Meyer (DDG-108). Các đơn vị thuộc 13th MEU bao gồm Đội đổ bộ Tiểu đoàn Thủy quân lục chiến số 2, Tiểu đoàn 4, Tiểu đoàn Hậu cần Chiến đấu 13, Phi đội Trực thăng vận Thủy quân lục chiến 362 và Phi đội Máy bay Chiến đấu Tấn công Thủy quân lục chiến 122. Bên cạnh đó, các đơn vị thuộc Nhóm tác chiến Makin Island ARG tham gia tập trận bao gồm các tàu tấn công đổ bộ USS Makin Island (LHD-8) và tàu vận tải đổ bộ USS Anchorage (LPD-23).

image 9
Mỹ điều tiêm kích bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc. – Ảnh: AP.

Cuộc tập trận được cho là nằm trong chiến dịch “Noble Fusion”, một kế hoạch tác chiến thí điểm quy mô của Hải quân Mỹ nhằm: (1) Xem xét khả năng liên kết của các lực lượng không-hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ trong bối cảnh tác chiến mới; (2) Thử nghiệm và đánh giá năng lực phối hợp của nhóm tàu tác chiến đổ bộ trang bị chiến đấu cơ F-35B song song với nhóm tác chiến tàu sân bay chuyên nghiệp; (3) Thể hiện năng lực tác chiến kết hợp liên đơn vị của quân đội Mỹ, tạo nên sự hiện diện quân sự mạnh mẽ hơn trong khu vực.

Sự việc khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn hạ

Thông báo tổ chức diễn tập quân sự được đưa ra sau vụ việc khinh khí cầu Trung Quốc xâm nhập không phận Mỹ và bị bắn hạ vào ngày 4/2. Mỹ cáo buộc khinh khí cầu không người lái này được dùng để phát hiện và thu thập tín hiệu tình báo. Căng thẳng khiến Ngoại trưởng Antony Blinken hủy bỏ chuyến công du đến Trung Quốc được cả hai nước hy vọng sẽ hàn gắn các mối quan hệ song phương đang rạn nứt. Hạ viện Mỹ cũng nhất trí bỏ phiếu lên án Trung Quốc vì “vi phạm trắng trợn” chủ quyền Mỹ, đồng thời đưa ra tuyên bố sai sự thật về các chiến dịch thu thập thông tin tình báo.[3] Theo Lầu Năm Góc, khinh khí cầu Trung Quốc đã bị bắn rơi ngoài khơi bờ biển Nam Carolina vừa rồi là một phần trong dự án tình báo bằng khinh khí cầu quy mô lớn của Trung Quốc. Dự án này được Trung Quốc triển khai trong những năm gần đây với liên tục các báo cáo về sự xuất hiện của các khinh khí cầu ở nhiều quốc gia và khu vực.[4]

Về phía Trung Quốc, nước này khẳng định đây là khinh khí cầu dân sự, phục vụ cho việc nghiên cứu khí tượng. Sau khi bày tỏ sự tiếc nuối đối với sự cố trên, Trung Quốc đã có hành động phản ứng đáp trả, cho rằng việc Mỹ bắn hạ khinh khí cầu là một phản ứng thái quá và vi phạm các quy tắc quốc tế, đồng thời cáo buộc Mỹ “thao túng chính trị”.[5] Tuy nhiên mới đây, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sử dụng đường dây nóng quân sự để thảo luận với ông Ngụy Phương Hòa, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc về việc bắn hạ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc, phía Trung Quốc đã từ chối tiếp nhận cuộc gọi. Một số viên chức cao cấp trong lĩnh vực quốc phòng của Mỹ xem hành động này là “dấu hiệu thật sự nguy hiểm”.[6]

Mặc dù theo như phát ngôn Trung Quốc, khinh khí cầu vừa rồi chỉ là một dạng thiết bị bay phục vụ cho các mục đích nghiên cứu khoa học mang tính dân sự, nhưng nhiều chuyên gia đều cho rằng việc điều khinh khí cầu của Trung Quốc là một hành vi có chủ đích, mang ý nghĩa lẫn về an ninh và chính trị.[7] [8] Khinh khí cầu do thám có thể giúp thu thập các tín hiệu điện từ nhằm thu thập thông tin về một hệ thống vũ khí cụ thể của quân đội Mỹ. Loại hình do thám bằng khinh khí cầu còn thể hiện hậu quả trong việc có thể chụp hình liên tục một khu vực với chất lượng hình ảnh tốt hơn các thiết bị vệ tinh.[9]

Phản ứng của Trung Quốc sau thông báo về cuộc tập trận của Mỹ

Phản hồi về việc Mỹ tập trận ở Biển Đông trong thời điểm này, phía Trung Quốc vẫn chưa đưa ra phát ngôn chính thức nào. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn luôn giữ lập trường tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông và phản đối mạnh mẽ hoạt động quân sự của các quốc gia khác trên tuyến đường thủy đang tranh chấp. Trung Quốc cũng tiếp tục khẳng định nhiều yêu sách lãnh thổ đang tranh chấp, bao gồm Đài Loan, một phần Biển Hoa Đông và Biển Đông, khu vực quân đội Mỹ cho rằng họ vẫn thường xuyên hoạt động trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trong khi Mỹ muốn đạt thỏa thuận mới về quân sự với các nước có căng thẳng tại Biển Đông và hình thành các căn cứ quân sự tại khu vực này, Trung Quốc rất có thể xem việc tập trận là hình thức khiêu khích của Mỹ đối với yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Một số hàm ý đối với an ninh khu vực

Cuộc diễn tập quân sự của quân đội Mỹ sắp tới trên Biển Đông diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung đang trong tình trạng gia tăng căng thẳng. Sự cố khinh khí cầu đã khiến cho quá trình cải thiện quan hệ song phương hai nước tiếp tục bị dừng lại. Tính đến đầu năm nay, một số tín hiệu cho thấy nỗ lực cải thiện quan hệ Mỹ – Trung được thể hiện qua các cuộc gặp mặt liên tiếp của hai nhà lãnh đạo hai nước và các quan chức nhà nước. Cuối năm 2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã có cuộc gặp mặt và thảo luận riêng cùng nhau trước khi Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra. Trong tháng 1 vừa qua, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Janet Yellen cũng đã cùng nhau có cuộc gặp gỡ tại Thụy Sĩ.[10] Ngay sau khi sự cố khinh khí cầu diễn ra, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo hủy bỏ chuyến thăm đến Trung Quốc vốn dự định nhằm gặp mặt Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Nếu như đúng theo kế hoạch, ông Blinken sẽ là nhân vật chính trị cao cấp nhất của Mỹ trong vòng 6 năm qua và đầu tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden có chuyến thăm đến Trung Quốc.[11]

Sắp tới Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang cân nhắc sẽ tổ chức gặp mặt Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị tại Hội nghị An ninh Munich diễn ra từ ngày 17 đến 19/2. Nhà ngoại giao Mỹ Daniel Russel cho biết cuộc gặp cấp cao giữa hai nước ở Munich là rất cần thiết để giải quyết mâu thuẫn.[12]

Về vấn đề Biển Đông, Mỹ và Trung Quốc đã có những nỗ lực hạn chế hiểu lầm dẫn đến xung đột khi phía Trung Quốc thường xuyên thực hiện hành vi khiêu khích đối với những chiến hạm Mỹ lưu thông. Cụ thể, hai quốc gia Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý thiết lập một đường dây nóng để giới lãnh đạo quốc phòng có thể đối thoại ngay lập tức khi cần.[13] Gần đây, Mỹ và Philippines đã thực hiện phục hồi quan hệ đồng minh, cụ thể trong lĩnh vực quốc phòng trong tình hình Philippines liên tục bị các tàu hải cảnh và các hạm đội quân sự Trung Quốc có những hành vi xâm phạm lãnh hải của mình.[14] Theo thông cáo mới nhất từ Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ, cuộc diễn tập sẽ thiết lập sự hiện diện mang tính quyết liệt tại khu vực Biển Đông nhằm củng cố hòa bình và ổn định. Trong thông cáo cũng nói thêm, với tư cách là một lực lượng phản ứng nhanh, Hạm đội 7 sẽ đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ như đổ bộ, cứu trợ khủng hoảng nhân đạo và giải trừ các vấn đề tranh chấp căng thẳng bằng sức mạnh chiến đấu khả dụng.[15] 


[1] The Associated Press (2023). US holds drills in South China Sea amid tensions with China. AP News. https://apnews.com/article/politics-united-states-government-south-china-sea-beijing-084fbd1d64120859467b7f9157c4a797

[2] Dzirhan Mahadzir (2023). Nimitz Strike Group, Makin Island Amphibious Ready Group Drill in South China Sea. USNI. https://news.usni.org/2023/02/13/nimitz-strike-group-makin-island-amphibious-ready-group-drill-in-south-china-sea

[3] C. Floran, A. Zaslav (2023). House passes resolution condemning China’s use of spy balloon. CNN Politics

https://edition.cnn.com/2023/02/09/politics/chinese-spy-balloon-house-vote/index.html

[4] The Associated Press (2023, Feb 13th). US holds drills in South China Sea amid tensions with China. AP News. https://apnews.com/article/politics-united-states-government-south-china-sea-beijing-084fbd1d64120859467b7f9157c4a797

[5] Kang, D. and Wu, H. (2023). China calls US House resolution ‘political manipulation’. AP News. https://apnews.com/article/china-us-balloon-political-tensions-house-resolution-73a656c522f96fae20d89a1850dcb721

[6] Liang. X (2023). Chinese balloon saga: China confirms it rejected US offer of defence minister talks. South China Morning Post.

https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3209662/chinese-balloon-saga-china-confirms-it-rejected-us-offer-defence-minister-talks

[7] Balasubramanian, P. & Shrivastava, M. (2023, Feb 11th). What the China Spy Balloon Saga Means for India. The Diplomat. https://thediplomat.com/2023/02/what-the-china-spy-balloon-saga-means-for-india/

[8] Reuters. (2023, Feb 4th). China says balloon over U.S. is civilian vessel blown off course. Reuters. https://www.reuters.com/world/asia-pacific/china-regrets-airship-strays-into-us-foreign-ministry-2023-02-03/ 

[9] Al Jazeera. (2023, Feb 5th). What are ‘spy balloons’ and why are they used?. Al Jazeera. https://www.aljazeera.com/news/2023/2/5/explainer-what-are-spy-balloons-and-why-are-they-used

[10] Tang, F. (2023, Jan 18th). Top China, US economic officials in first face-to-face meeting in 2 years. South China Morning Post. https://www.scmp.com/economy/china-economy/article/3207296/world-economic-forum-top-china-us-economic-advisers-first-face-face-meeting-2-years?utm_medium=email&utm_source=cm&utm_campaign=enlz-globalimpact&utm_content=20230210&tpcc=enlz-globalimpact&UUID=f0bc4b91-7818-4f96-bf67-aa5b46ac9395&next_article_id=3208710&tc=3&CMCampaignID=fae7fe6cb5ab125f7da9bfaef9d816b0

[11] Hennigan, W.J. (2023, Feb 3rd). How an Alleged Spy Ballon Derailed an Important U.S. – China Meeting. TIME. https://time.com/6252835/china-spy-balloon-blinken-meeting-canceled/

[12] Martina, M.. Pamuck, H. & Brunnstrom, D. (2023, Feb 14th. Top U.S., China diplomats ưeigh first meeting since balloon drama. Reuters. https://www.reuters.com/world/us/top-us-china-diplomats-weigh-first-meeting-since-balloon-drama-bloomberg-news-2023-02-13/

[13] Knickmeyer, E. (2023). ‘It just rang’: In crises, US-China hotline goes unanswered. ABC News

https://abcnews.go.com/Politics/wireStory/rang-crises-us-china-hotline-unanswered-97025524

[14] U.S. Department of State. (2023, Feb 13th). U.S. Support for the Philippines in the South China Sea. https://www.state.gov/u-s-support-for-the-philippines-in-the-south-china-sea-3/

[15] Như trích dẫn 1

IR Analytica

2 comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *