Tags: Đông Nam Á
Bắt đầu vào ngày 8/2, chiến dịch bầu cử Philippines 2022 dần bước vào giai đoạn nước rút. Tháng 05/2022 tới đây, khoảng 65.7 triệu cử tri nước này sẽ đi bỏ phiếu, chính thức bầu ra các vị trí Tổng thống, Phó Tổng thống, và các vị trí thành viên trong Hội đồng thành phố. Các cuộc khảo sát trước thềm bầu cử đang cho thấy lợi thế nghiêng về ứng cử viên Ferdinand Marcos Jr., theo sát sau đó là bà Leni Robredo. Bên cạnh quan điểm về các vấn đề nội bộ, chính sách đối ngoại của các ứng cử viên cũng thu hút sự quan tâm. Trong tương lai gần, chính sách đối ngoại này sẽ góp phần định hình lại quan hệ ngoại giao của Philippines với các đối tác lớn như Mỹ và Trung Quốc sau một nhiệm kỳ đầy biến động của tổng thống Duterte.
Bối cảnh chính trị trong và ngoài nước giữa bầu cử Philipines 2022
Cuộc bầu cử tổng thống ở Philippines diễn ra trong bối cảnh tình hình trong nước và cả quốc tế đều tồn tại nhiều vấn đề trên các lĩnh vực từ kinh tế cho đến an ninh – chính trị.
Về mặt đối nội, triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Philippines trong những quý tiếp theo của năm 2022 không mấy khả quan do tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19. Biến chủng Omicron hiện vẫn đang lây lan nhanh chóng tại khu vực thủ đô Manila, gây quá tải cho hệ thống y tế và cản trở đà phục hồi của nền kinh tế. Giáo sư Hezekiah Concepcion, Khoa khoa học xã hội tại Đại học Ateneo de Zamboanga, cảnh báo tương lai của Philippines đang bị đe dọa. Theo đó, tân tổng thống phải có năng lực dẫn dắt nền kinh tế bị tàn phá bởi đại dịch phục hồi trở lại. Các chuyên gia ước tính chính phủ Philippines sẽ phải tiêu tốn khoảng 40 nghìn tỷ peso (tương đương 776,6 tỷ đô la) cho các chương trình phục hồi kinh tế trong 4 thập kỷ tới.[1] Trong khi đó, tình trạng nợ công ở Philippines đang ngày càng xấu đi do chính sách chi tiêu kém hiệu quả của tổng thống Duterte. Để tăng thu ngân sách, phục vụ cho chương trình tái cấu trúc cơ sở hạ tầng “Build, build, build” (tạm dịch: Xây, xây và xây), chính quyền ông Duterte đã tiến hành cải cách thuế và dựa vào nguồn tài trợ chủ yếu từ Trung Quốc. Đồng thời, để ứng phó với đại dịch, chính phủ Philippines đã cho phát hành trái phiếu chính phủ và vay thêm từ các đối tác phát triển. Tính đến tháng 11 năm 2021, khoản nợ nước ngoài của Philippines đã đạt mức 11,93 nghìn tỷ peso. Tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 63%, trong khi ngưỡng được quốc tế chấp nhận là 60%.[2] Với tình hình trên, tân tổng thống của Philippines sẽ phải đối diện với một năm tài khóa đầy khó khăn cùng nhiệm vụ kiểm soát tình trạng nợ công.[3]
Về mặt đối ngoại, quan hệ Philippines – Mỹ trở nên xấu đi trong nhiệm kỳ của tổng thống Duterte khi ông này nhiều lần công khai chỉ trích các chính sách của Mỹ tại khu vực. Tuy vậy, Mỹ vẫn là một đồng minh an ninh quan trọng của Philippines trước sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Tháng 07/2021, Philippines đã khôi phục lại Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ, thỏa thuận này vốn bị hủy bỏ từ tháng 02/2020. Trong khi đó, quan hệ Philippines – Trung Quốc những năm gần đây có sự xích lại gần nhau khi Trung Quốc là đối tác kinh tế hàng đầu và là nhà đầu tư chính cho các dự án trọng điểm ở Philippines. Tuy nhiên, vấn đề tranh chấp trên Biển Đông vẫn là chủ đề nóng trong quan hệ ngoại giao song phương, nhất là sau sự kiện chính quyền Philippines phát hiện nhiều tàu Trung Quốc neo đậu tại Đá Ba Đầu trong khoảng tháng 04/2021. Điều này đặt ra thách thức cho tổng thống tiếp theo là làm sao cân bằng được quan hệ với hai nước lớn, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh địa chiến lược Mỹ – Trung ngày càng gay gắt.
Tình hình bầu cử Philippines 2022 hiện tại:
Theo kết quả khảo sát được thực hiện từ ngày 19 đến ngày 24/01/2022 của hãng thăm dò Pulse Asia, thượng nghị sĩ Ferdinand Marcos Jr đang dẫn đầu khi có 60% trong số 2400 người tham gia tin rằng ông phù hợp cho vị trí tổng thống. Theo sau đó là ứng cử viên Leni Robredo, chiếm 16%. Trong khi đó, thị trưởng Manila Francisco Domagoso và ông Manny Pacquiao đều có 8% và Thượng nghị sĩ Panfilo Lacson chỉ nhận được 4% lượt bình chọn. Ba ứng cử viên tổng thống đứng cuối cuộc thăm dò là Leodegario Q. de Guzman, Norberto B. Gonzales và Ernesto C. Abella.[4]
Trong những diễn biến mới nhất, vào tháng 03/2022, đảng Dân chủ quyền lực nhân dân (PDP-Laban) của tổng thống Duterte đã tuyên bố ủng hộ ứng cử viên Ferdinand Marcos Jr. Tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ bản thân tổng thống đương nhiệm sẽ dành sự ủng hộ của mình cho ứng cử viên nào. Theo sau đó, một số chính trị gia ở đảo Mindanao (khu vực bầu cử chủ chốt với số cử tri chiếm 1/4 tổng số cử tri nước này) tuyên bố ủng hộ bà Leni Robredo, người đang theo sát ông Marcos trong các cuộc khảo sát về mức độ ủng hộ. Các chuyên gia dự đoán rằng điều này có thể giúp bà Robredo giành chiến thắng chung cuộc bất chấp việc suốt cuộc bầu cử bà chỉ đứng sau ông Marcos trong các cuộc thăm dò dư luận. Đây là điều đã từng diễn ra vào năm 2016 khi bà Robredo bất ngờ đánh bại ông Marcos và trở thành Phó tổng thống với kết quả sít sao.[5]
Thêm vào đó, theo ý kiến của chuyên gia phân tích rủi ro chính trị Ramon Casiple sắp tới có thể còn nhiều biến chuyển mới khi các chiến dịch tranh cử cho các vị trí ở cấp địa phương bắt đầu vào ngày 25/3/2022. Điều này sẽ đánh dấu bước ngoặt cho chiến dịch tranh cử tổng thống vì khi đó ta sẽ thấy được mức độ ủng hộ thực sự mà người dân dành cho các ứng cử viên.[6]
Hiện nay, về mặt đối nội, dư luận Philippines đang dành sự quan tâm cho các vấn đề khôi phục kinh tế, khống chế đại dịch hơn là các vấn đề đối ngoại. Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tăng cường sự hiện diện trên Biển Đông, việc cân bằng quan hệ với Mỹ – Trung Quốc lại đang nhận được sự quan tâm nhiều hơn so với trước. Theo ông Jeffrey Ordaniel, giám đốc chương trình hàng hải tại Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại thuộc Diễn đàn Thái Bình Dương (Honolulu), chính sách về Trung Quốc của các ứng cử viên tổng thống sẽ được xem xét kỹ lưỡng hơn trong bối cảnh căng thẳng tại đá Ba Đầu.[7]
Quan hệ Mỹ – Trung – Philippines sau bầu cử Philippines 2022
Trong quá trình tranh cử tổng thống, các ứng cử viên đã cho thấy đường lối đối ngoại có phần khác biệt, đặc biệt là trong mối quan hệ với Trung Quốc và với Mỹ. Những quan điểm khác biệt giữa các ứng viên và khác với tổng thống đương nhiệm trong mối quan hệ với các nước có thể dự báo những bước chuyển trong chính sách đối ngoại của Philippines trong tương lai.
Trong các ứng cử viên, ông Marcos là người thể hiện quan điểm Philippines cần xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc rõ ràng nhất. Ông này cho rằng vấn đề Biển Đông là câu chuyện riêng giữa Philippines và Trung Quốc, nên để giải quyết chính quyền Philippines sẽ phải đàm phán trực tiếp với Trung Quốc. Ngoài ra, ông cũng tuyên bố sẽ gác lại phán quyết lịch sử của Tòa trọng tài năm 2016, và bác bỏ bất kỳ lời đề nghị trợ giúp nào từ Mỹ trong việc đàm phán với Trung Quốc.[8] Tuy nhiên, ông Marcos cũng khẳng định sẽ không tìm kiếm giải pháp quân sự cho các tranh chấp với Trung Quốc, nhưng vẫn cho tăng cường sự hiện diện quân sự của quân đội nước này trên Biển Đông để “ cho Trung Quốc thấy chúng tôi đang bảo vệ những khu vực mà chúng tôi xem là vùng lãnh hải của mình”.[9] Vậy nhưng, ông cũng mô tả rằng quan hệ an ninh với Mỹ là mối quan hệ “cực kỳ quan trọng” và ông sẽ tìm kiếm một cách tiếp cận “cực kỳ cân bằng” giữa Mỹ – Trung.
Trong khi đó, bà Robredo lại có cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Bà cho rằng Philippines cần phải tận dụng Phán quyết của Tòa trọng tài, xem đây là đòn bẩy để chống lại các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Bà cũng cho biết Philippines sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc trên lĩnh vực đầu tư, thương mại, nhưng phải dựa trên tinh thần Trung Quốc công nhận Biển Tây Philippines (cách gọi của người Philippines về khu vực Biển Đông) thuộc chủ quyền của nước này. Việc công nhận Phán quyết của tòa án năm 2016 cũng sẽ là tiền đề để hai bên thực hiện bất kỳ cuộc khai thác thăm dò dầu khí chung nào. Ngoài ra, bà Robredo ủng hộ việc xây dựng quan hệ bền chặt với Mỹ và một số đối tác khác như các nước thành viên Đông Nam Á, Liên minh châu Âu (EU) và Úc.
Các ứng cử viên còn lại có cách tiếp cận giống với bà Robredo, nhưng có phần trung hòa hơn. Ông Moreno cũng khẳng định tầm quan trọng của Phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016, nhưng ông lại chỉ muốn dùng phán quyết trên làm công cụ khẳng định quyền đánh bắt của ngư dân Philippines tại vùng biển có tranh chấp. Theo truyền thông dẫn lời, ông Moreno không xem Trung Quốc là “kẻ thù” và sẽ ủng hộ các hợp đồng thăm dò dầu khí chung giữa hai nước.[10] Còn thượng nghị sĩ Panfilo Lacson lại cho rằng Philippines không nên tìm kiếm các đối thoại hòa bình mà cần có những hành động cứng rắn hơn đối với vấn đề Biển Đông. Ông đề xuất tăng cường liên minh với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Australia cũng như các quốc gia có quân đội mạnh khác. Còn ông Pacquiao có xu hướng giải quyết các tranh chấp hàng hải và lãnh thổ với Trung Quốc bằng con đường hòa bình, thông qua đàm phán đồng thời tăng cường các liên hệ quốc phòng với Mỹ.[11]
Trước đó, trong nhiệm kỳ của mình, ông Duterte đã thể hiện rõ việc nghiêng về Trung Quốc và nhiều lần chỉ trích Mỹ.[12] Chiến thắng của ứng cử viên Marcos có thể là sự tiếp nối chính sách đối ngoại này. Sự hỗ trợ về mặt kinh tế từ Trung Quốc sẽ có lợi cho Philippines trong giai đoạn phục hồi kinh tế hậu COVID-19. Trong khi đó, chiến thắng của bà Robredo có thể sẽ làm đảo chiều chính sách đối ngoại hiện tại của Philippines bằng việc xích lại gần hơn với Mỹ trong lĩnh vực an ninh. Theo đó, sự gia tăng hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực có thể sẽ cản trở quá trình quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc. Ngoài ra, theo ông Derek Grossman, chuyên gia cấp cao trong lĩnh vực quốc phòng tại Rand Corporation, bất kể tổng thống tiếp theo là ai, họ đều sẽ coi trọng quan hệ với Mỹ bởi không ai có thể đảm bảo an ninh cho Philippines trước một Trung Quốc ngày càng quyết đoán. Ông Grossman cũng cảnh báo rằng sự cứng rắn của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ càng củng cố liên minh Philippines – Mỹ. Tuy nhiên, Philippines cũng cần chuẩn bị rằng sự xích lại Mỹ về mặt an ninh có thể gây phật lòng cho Trung Quốc và quốc gia này phải chuẩn bị cho các trường hợp Trung Quốc đưa ra các đòn đáp trả kinh tế.
Có thể thấy rằng việc cân bằng quan hệ với Mỹ – Trung sao cho đảm bảo được cả lợi ích kinh tế và an ninh là trọng tâm chính trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của các ứng viên tổng thống. Theo đó, trang tin South China Morning Post điểm lại ba vấn đề đối ngoại mà tân tổng thống Philippines sẽ phải xử lý, bao gồm: (1) Làm sao vừa tận dụng lợi thế quan hệ kinh tế với Trung Quốc để phục hồi hậu Covid-19 vừa bảo đảm lợi ích trên biển của Philippines trước các hành vi của Trung Quốc, (2) Làm sao để củng cố quan hệ quốc phòng với Mỹ để có được sự hỗ trợ cho quá trình hiện đại hóa quân sự, phòng vệ ở các khu vực biển đang có tranh chấp mà không làm phật lòng Trung Quốc, và (3) Làm sao để tiếp cận và phản ứng với các cơ chế tiểu đa phương do Mỹ dẫn đầu như Khối Tứ giác kim cương (QUAD) hay Liên minh Mỹ – Anh – Úc (AUKUS) mà không làm suy giảm cam kết của Philippines về vai trò trung tâm của ASEAN.[13]
Tổng kết lại, mặc dù hiện nay các kết quả thăm dò dư luận đều cho thấy lợi thế nghiêng về ông Marcos, tuy nhiên vẫn còn nhiều biến số ảnh hưởng đến kết quả chung cuộc vào ngày 9/5/2022 tới đây. Hiện nay, hai ứng cử viên hàng đầu là ông Marcos và bà Robredo đang cho thấy hai cách tiếp cận đối lập trong quan hệ với Mỹ – Trung, nhưng sẽ còn quá sớm để biết rõ liệu chính sách đối ngoại của Philippines có thay đổi hoàn toàn so với thời ông Duterte hay không. Tân tổng thống sẽ phải tiếp tục đứng trước thách thức cân bằng quan hệ với Mỹ – Trung.
IR Analytica
Tài liệu tham khảo:
[1] Ted, R. (2022, February 8). COVID tames race to replace Duterte as Philippine president. Al Jazeera. https://www.aljazeera.com/news/2022/2/8/covid-19-tames-rowdy-race-to-be-next-president-of-the-philippines
[2] Ralf R. (2022, January 30). PH’s mounting debt gives candidates’ economic promises a reality check. Rappler. https://www.rappler.com/nation/elections/debt-tax-talks-presidential-economic-promises-get-reality-check/
[3] Như chú thích 3
[4] John M. (February 13, 2022). Marcos Jr. leads latest Pulse Asia survey for presidential race. News Indo. https://newsinfo.inquirer.net/1554181/marcos-jr-leads-the-latest-pulse-asia-survey-for-presidential-race
[5] Raissa R. (2022, March 24). Philippine presidential election heats up as Marcos and Duterte lose ground to Robredo in key battleground of Davao. South China Morning Post. https://www.scmp.com/week-asia/politics/article/3171754/philippine-presidential-election-heats-marcos-and-duterte-lose
[6] Như chú thích 5
[7] Sarah Z. (2021, May 7). Philippine election: will China and Whitsun Reef dispute loom large?. South China Morning Post. https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3132488/philippine-election-will-china-and-whitsun-reef-dispute-loom
[8] Lian B. (2022, January 26). In dealing with ‘friend’ China, Marcos will set aside Hague win and US treaty. Rappler. https://www.rappler.com/nation/elections/ferdinand-bongbong-marcos-jr-will-set-aside-hague-ruling-united-states-treaty-dealing-china/
[9] Karen L, (2022, February 15). Philippines’ Marcos wants military presence to defend its waters in South China Sea. Reuters. https://www.reuters.com/world/asia-pacific/philippines-marcos-wants-military-presence-defend-its-waters-south-china-sea-2022-02-15/
[11] Pillar M. (2022, February 7). Isko Moreno: China not an “enemy”, but must respect PH’s West Philippines’s sea claim. CNN Philippines. https://www.cnnphilippines.com/news/2022/2/7/Isko-Moreno-China-West-Philippine-Sea.html
[12] Piotr T. (2022, February 16). Sau bầu cử Philippines liệu có siết chặt lập trường cứng rắn về Biển Đông?. Sputnik News. https://vn.sputniknews.com/20220216/sau-bau-cu-philippines-lieu-co-siet-chat-lap-truong-cung-ran-ve-bien-dong-13763769.html
[13] Richard H. (2022, March 22). Cách Duterte biến Philippines thành quân cờ của Trung Quốc. Nghiên cứu quốc tế. https://nghiencuuquocte.org/2020/03/22/cach-duterte-bien-philippines-thanh-quan-co-cua-trung-quoc/
[14] Lucio P. (2022, January 10). US, China, Asean: the three dilemmas facing the Philippines’ new leader. South China Morning Post. https://www.scmp.com/week-asia/opinion/article/3162753/us-china-asean-three-dilemmas-facing-philippines-new-leader