Tags: Nga – Ukraine, an ninh châu Á – Thái Bình Dương
Khi cuộc khủng hoảng Ukraine bước vào giai đoạn căng thẳng, các chiến lược gia phương Tây đã cho rằng Trung Quốc thực sự là người được lợi từ những bất ổn ở Đông Âu. Trung Quốc nhìn chung đã áp dụng một cách tiếp cận chậm rãi, cẩn trọng đối với cuộc khủng hoảng này vì nó tác động đến cả đồng minh và kẻ thù của mình. Trước mắt, Trung Quốc kêu gọi sự kiềm chế và một giải pháp đàm phán.
Góc nhìn của Trung Quốc lên cuộc khủng hoảng Ukraine
Về chiến tranh Nga-Ukraine
Ngày 21-1, trong một cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định rằng những lo ngại an ninh của Nga nên được nghiêm túc xem xét. Ông Vương cho rằng an ninh của một quốc gia không nên được đánh đổi bằng an ninh của quốc gia khác. Ông Vương đã ủng hộ các thỏa thuận Minsk, được ký kết vào năm 2014 và 2015. Nhưng cho đến nay, các giao thức này, cụ thể là chấm dứt cuộc chiến ly khai ở miền đông Ukraine do các tổ chức ủy nhiệm mà Nga phủ nhận có quan hệ, đã không đạt hiệu quả. Ông Vương khẳng định rằng Trung Quốc muốn tất cả các bên trong cuộc khủng hoảng tránh gia tăng căng thẳng.[1]
Mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đã được nâng cao trong những năm gần đây, với việc Vladimir Putin và Tập Cận Bình tổ chức các hội nghị thượng đỉnh thường xuyên[2]. Quân đội hai nước tham gia các cuộc tập trận chung và hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Mặc dù vậy, hai nước đã nhấn mạnh đây không phải là mối liên minh quân sự. Các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh và khắp nơi trên thế giới đang quan sát phản ứng của Mỹ đối với các động thái quân sự chống lại Ukraine như một dự báo cho việc liệu Mỹ có thể ứng phó hiệu quả với các cuộc khủng hoảng trong tương lai ở eo biển Đài Loan hoặc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Sự dè dặt của Trung Quốc đối với Ukraine cho thấy rằng ông Tập đang cẩn thận khi tiếp cận cuộc khủng hoảng này. Chính sách ngoại giao hiếu chiến của Putin đang phục vụ lợi ích của Trung Quốc, ít nhất là vào lúc này vì nếu ông quyết định xâm lược Ukraine và chuyển hướng trọng tâm chiến lược của Mỹ khỏi Trung Quốc thì sẽ là một điều thuận lợi cho Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc biết rằng họ không thể ảnh hưởng nhiều đến kết quả của cuộc khủng hoảng hiện tại ở Ukraine ngay cả khi họ chọn cách can thiệp công khai. Với việc Putin đang nắm giữ thế chủ động trong bế tắc đang diễn ra, sự hỗ trợ ngoại giao của Trung Quốc khó có thể thay đổi tính toán của các nhà lãnh đạo ở Washington, Brussels, hoặc thậm chí là Moscow. Ảnh hưởng của nó sẽ chỉ tăng lên đáng kể nếu Putin quyết định xâm lược Ukraine, vì khi đó ông sẽ cần sự hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc để giảm tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Do đó, Trung Quốc sẽ coi giai đoạn chiến tranh mới giữa Nga và Ukraine là một vấn đề trong chính sách đối ngoại của mình, cho dù Trung Quốc không có vấn đề cốt lõi nào liên quan đến Ukraine. Trung Quốc có thể sẽ dính líu đến cuộc khủng hoảng vì các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga trong tương lai, trái ngược với năm 2014, điều này sẽ gây thêm áp lực buộc Bắc Kinh đứng về phía nào. Việc Trung Quốc quyết định tuân thủ các lệnh trừng phạt mới của phương Tây hoặc giúp Nga hạn chế chúng sẽ xác định mức độ cô lập về kinh tế và chính trị mà các lệnh trừng phạt áp đặt.[3]
Về việc mở rộng NATO
Bản tóm tắt hội nghị thượng đỉnh Putin-Xi do Điện Kremlin công bố nói rằng ông Tập ủng hộ yêu cầu của Putin đối với việc bảo đảm an ninh phương Tây, trừ việc NATO mở rộng thêm về phía đông, nhưng phiên bản tiếng Trung do hãng thông tấn Tân Hoa xã chính thức công bố không có thông tin như vậy.[4]
Hai nước đã tuyên bố lập trường chung về việc mở rộng NATO – một trong những vấn đề hàng đầu trong mối quan hệ căng thẳng với phương Tây của Moscow. Tuyên bố viết rằng các bên phản đối sự mở rộng của NATO.[5] Tuyên bố cũng kêu gọi NATO “từ bỏ tâm lý chiến tranh lạnh và thiên vị ý thức hệ, tôn trọng chủ quyền, an ninh, lợi ích cũng như sự đa dạng của các nền văn minh, lịch sử và văn hóa của các quốc gia khác”, cũng như “có cái nhìn khách quan và vô tư về sự phát triển hòa bình của các quốc gia khác, và cố gắng làm tăng sự tin tưởng lẫn nhau giữa các quốc gia và duy trì hòa bình, ổn định khu vực”.[6]
Trung Quốc tin rằng sự mở rộng của NATO không góp phần vào an ninh và ổn định toàn cầu, theo một tuyên bố được đăng trên trang web chính thức của Phái đoàn Trung Quốc tại EU. Ông Vương cho rằng ninh khu vực không thể được đảm bảo bằng cách tăng cường hoặc thậm chí mở rộng các liên minh quân sự. Trung Quốc cho rằng NATO đã lỗi thời và kêu gọi phương Tây xem xét “những lo ngại an ninh hợp pháp” của Moscow.[7]
Đây là tuyên bố trực tiếp của Trung Quốc thể hiện rõ lập trường của mình, dù có Nga tán thành chung hay không, vì NATO đại diện cho việc chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc, đánh dấu lại sự thay đổi trong các mục tiêu của nhóm phương Tây, phản ánh việc xoay trục địa chiến lược của Mỹ sang châu Á.
Về quan hệ Nga-Mỹ
Sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, tuyên bố cho biết Trung Quốc bày tỏ “sự hiểu biết và ủng hộ” đối với lập trường của Nga về an ninh liên quan đến mối quan hệ của Nga với Mỹ và NATO.[8]
Trung Quốc đang theo dõi với sự quan tâm ngày càng tăng khi Nga và phương Tây đối đầu với Ukraine. Từ đó, Trung Quốc sẽ đánh giá phản ứng của Mỹ đối với Nga trong vấn đề Ukraine để suy ra cách mà Mỹ có thể đối phó với hành động của Bắc Kinh đối với Đài Loan. Vì vậy, mối quan hệ đối đầu giữa Mỹ và Nga sẽ mang lại lợi thế cho Trung Quốc.
Tuy nhiên,. Giáo sư Steve Tsang, giám đốc Viện Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi của Đại học London, cho biết Bắc Kinh đã sẵn sàng can thiệp khi các quốc gia phương Tây ra lệnh trừng phạt kinh tế đối với Moscow nếu nước này xâm lược Ukraine. Ông Tsang nói với VOA rằng chính sách mà Trung Quốc có thể thực hiện là làm bất cứ điều gì có thể để giúp người Nga đối phó với các lệnh trừng phạt kinh tế mà Mỹ và châu Âu có thể áp đặt lên Nga. Tuy nhiên, ông nghĩ rằng các mối liên hệ kinh tế giữa Nga và Trung Quốc không thực sự đủ mạnh để thay thế liên kết kinh tế nào giữa Nga và châu Âu.[9]
Nếu Nga xâm lược Ukraine và dẫn đến một cuộc xung đột kéo dài với Mỹ và các đồng minh phương Tây, mặc dù một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp khó xảy ra, Trung Quốc sẽ có lợi. Mỹ sẽ cần phải chuyển hướng các nguồn lực chiến lược để đối đầu với Nga, và các đồng minh châu Âu của Mỹ sẽ càng không muốn nghe theo lời kêu gọi của Mỹ tham gia liên minh chống Trung Quốc của Mỹ. Căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Nga có thể làm giảm sự năng động từ việc tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương trước đây, đồng thời khuyến khích Moscow tăng cường hợp tác trong tất cả các khía cạnh với Bắc Kinh.[10]
Nhưng nếu Tổng thống Mỹ Joe Biden xoa dịu cuộc khủng hoảng bằng cách tuân theo một số yêu cầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Trung Quốc có thể sẽ gặp thách thức. Trong khi Putin sẽ gặt hái được những lợi ích từ chính sách ngoại giao cưỡng bức của mình, và Biden tránh được xung đột ở Đông Âu, thì Trung Quốc sẽ trở thành là trọng tâm duy nhất trong chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ.
Các triển khai của Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng Nga – Ukraine leo thang
Trung Quốc có nhiều lợi ích chiến lược trong mối quan hệ với cả Nga và Ukraine và do đó sẽ cần phải suy xét thật cẩn trọng trong căng thẳng Nga – Ukraine lần này. Hiện tại, chính phủ Trung Quốc vẫn chưa có các phát ngôn chính thức về vấn đề.
Nga – Trung là hai đối tác quan trọng của nhau ở khía cạnh kinh tế lẫn chính trị. Trong lĩnh vực thương mại, Trung Quốc là đối tác lớn nhất của Nga, trong khi Nga là đứng thứ 12 trong danh sách các đối tác lớn nhất của Trung Quốc. Nền kinh tế của 2 nước có những đặc điểm tương hỗ nhau và các hoạt động hợp tác đang ngày càng được mở rộng hơn nữa.[11] Về khía cạnh chính trị, Nga – Trung chia sẻ nhiều mối quan ngại chung và cả lợi ích chung. Năm 2021, tổng thống Putin từng phát biểu rằng mối quan hệ giữa hai nước đang ở mức cao nhất trong lịch sử.[12] Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có nhiều lợi ích trong mối quan hệ với Ukraine do vị trí địa lý chiến lược của nước này. Ukraine nằm ở vị trí trung chuyển quan trọng trong chiến lược BRI của Trung Quốc, kết nối TQ với thị trường EU. Bên cạnh đó, Ukraine có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và là điểm đầu tư tiềm năng cho các dự án cơ sở hạ tầng, nông nghiệp. Hai nước là những đối tác thương mại quan trọng của nhau và Ukraine là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho Trung Quốc, chỉ đứng sau Nga.[13] Có nhiều vấn đề lợi ích đan xen và tính toán chi phí mà Trung Quốc phải cân nhắc.
Đương nhiên Trung Quốc không mong muốn một cuộc chiến tranh diễn ra ở Ukraine và có vẻ nước này tin rằng chiến tranh sẽ không xảy ra.[14] Bằng chứng là trong khi các nước phương Tây đang gấp rút di tán nhân viên ngoại giao và công dân, Trung Quốc vẫn chưa có bất kỳ động thái nào. Đại sứ Trung Quốc tại Kyiv từng công khai nhấn mạnh rằng Trung Quốc ủng hộ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Việc ủng hộ chiến tranh tại Ukraine sẽ đi ngược lại với các giá trị mà Trung Quốc đang muốn thúc đẩy và ảnh hưởng hình ảnh, vị thế quốc gia trong cộng đồng quốc tế.
Trung Quốc không mong muốn một cuộc chiến tranh, và có thể sẽ không đưa ra quan điểm cụ thể về vấn đề này do chi phí và rủi ro của nó là quá lớn, tương tự như năm 2014 khi Trung Quốc dù hỗ trợ Nga ở nhiều mặt khi Nga bị phương Tây cấm vận nhưng tuyệt nhiên không đưa ra lập trường của mình về việc Nga sáp nhập Crimea. Nhưng trong vấn đề chung liên quan đến an ninh EU và NATO, rất nhiều động thái của Trung Quốc đang nói lên rằng nước này chia sẻ cùng lập trường với Nga và sẽ đứng về phía Nga.[15] Rõ ràng nhất là thể hiện qua cam kết chung được đưa ra sau buổi hội đàm trực tiếp vào ngày 4/2/2022 giữa Putin và Tập Cận Bình trước thềm khai mạc Olympic mùa Đông Bắc Kinh. Tại buổi gặp mặt, hai bên đã thảo luận về hàng loạt các vấn đề an ninh chiến lược liên quan đến lợi ích và ổn định của 2 quốc gia, đồng thời thể hiện sự cam kết mức độ cao dành cho nhau trong tương lai sắp tới. Hai bên thống nhất lập trường phản đối sự mở rộng của NATO. Về vấn đề Ukraine, mặc dù cam kết chung được công bố sau buổi hội đàm không trực tiếp đề cập đến vấn đề Ukraine, nhưng có một đoạn văn bản dường như đang gián tiếp ám chỉ vấn đề này. Cụ thể, Trung Quốc và Nga phản đối các sự can thiệp từ bên ngoài vào khu vực chung và sẽ phối hợp để ngăn cản các hành vi can thiệp vào công việc nội bộ hay xâm phạm đến chủ quyền của quốc gia và các cuộc cách mạng màu.[16] Một điểm đặc biệt khác trong bảng cam kết đó là hai bên khẳng định “mối quan hệ hiện nay của Nga – Trung còn vượt xa hơn các hợp tác chính trị – quân sự của thời kỳ Chiến tranh Lạnh” và “tình hữu nghị giữa hai nước không có một giới hạn nào, không có lĩnh vực nào là hạn chế trong các hợp tác chung”.[17] Tuyên bố chung này làm xuất hiện nhiều nghi ngờ về các sự hình thành một liên minh/hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực quân sự, cũng như mức độ mà Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ Nga trong tương lai.
Một số nhận định về Trung Quốc trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine
Trước sự kiện Nga và Ukraine, các học giả và giới truyền thông bày tỏ quan điểm về Trung Quốc (1) đang tận dụng cơ hội quan sát hành động của Mỹ, (2) ngầm ủng hộ Nga và (3) chỉ trích Mỹ.
(1) Trung Quốc quan sát hành động của Mỹ
Một số học giả cho rằng Trung Quốc đang thăm dò hành động của Mỹ để có bước đi cho Đài Loan. Theo chủ tịch công ty tư vấn địa chính trị Longview Global Advisors DJ Peterson cũng nói rằng Trung Quốc sẽ quan sát mức độ trừng phạt của các quốc gia phương Tây trong hành động lần này. Chia sẻ và làm rõ hơn quan điểm trên, giám đốc Viện Kissinger Robert Daly, Trung Quốc đang quan sát hành động của Mỹ trong sự kiện Ukraine và nghĩ về Đài Loan vì Trung Quốc luôn nghĩ về Đài Loan. Tuy nhiên, dù kết quả có như thế nào, sẽ khó có khả năng Trung Quốc tiến công vào Đài Loan trong thời gian gần, hay thông qua sự kiện Ukraine. Theo chuyên gia cấp cao về an ninh châu Á và giám đốc Dự án Điện Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Bonny Lin nói rằng “không có dấu hiệu cho thấy Trung quốc sẵn sàng tiến tới Đài Loan sớm.” Bởi vì Đài Loan không phải Ukraine và nếu diễn ra xâm lược, thiệt hại sẽ ở nhiều khía cạnh hơn là quân sự. Robert Daly nói rằng: “Trung Quốc biết rằng Đài Loan quan trọng hơn đối với Mỹ”. Còn cố vấn Trung và Đông Âu, đồng thời là giám đốc điều hành của Teneo Intelligence Andrius Tursa và Gabriel Wildau nhận xét một kế hoạch xâm lược sẽ phải tính toán đến tác động ngoại giao và kinh tế, và tác động này là một “thảm họa.” Tuy nhiên, nếu Mỹ phải sắp xếp lại lực lượng vì sự kiện ở biên giới Ukraine và đi xa hơn khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Trung Quốc sẽ tăng cường hoạt động ở biển Đông nhằm thể hiện với các quốc gia khu vực rằng Mỹ không phải đồng minh đáng tin cậy.[18] Người đứng đầu Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ, tướng Kenneth Wilsbach cũng cho rằng Trung Quốc là mối quan ngại trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.[19]
(2) Các học giả cho rằng Trung Quốc ngầm ủng hộ Nga.
Phần đông học giả cho rằng Trung Quốc ủng hộ Nga trong vấn đề Ukraine nhưng không muốn dẫn đến xung đột vũ trang. Theo chủ tịch và người sáng lập công ty tư vấn Eurasia Group Ian Bremmer, Trung Quốc nói chung ủng hộ quan điểm của Nga về Ukraine nhưng không “đặc biệt chủ động thể hiện lập trường.”[20] Các học giả lý giải khác nhau về động cơ của Trung Quốc trong vấn đề này. Theo giám đốc tại Viện Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi (Soas) Trung Quốc Steve Tsang, nguyên nhân là vì nguyên thủ Trung Quốc ông Tập Cận Bình và Tổng thống Nga có chung lý tưởng “kẻ mạnh.” Học giả cho rằng Putin nhìn nhận và đánh giá cao cách ông Tập biến mình thành “kẻ mạnh,” thay thế vai trò lãnh đạo tập thể.[21] Tiến sĩ Yang cho rằng cả hai quốc gia mong muốn xây dựng một thế giới an toàn cho chủ nghĩa toàn trị. Do đó, mặc dù Trung Quốc không mong muốn Ukraine bị xâm lược, nhưng nếu Nga hành động ở Ukraine và ép Mỹ với các đồng minh NATO nhượng bộ thì đó sẽ là lợi thế cho phía Trung Quốc. Vì thế, Trung Quốc sẽ không bảo vệ hay đứng về phe Ukraine dù có quan hệ thương mại trong mặt hàng nông sản và động cơ phản lực. Trong khi đó, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga và Trung Á tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải Feng Yujun cho rằng Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nếu Nga bị cô lập kinh tế. Bởi vì Trung Quốc phụ thuộc vào chuỗi cung ứng và liên kết với công nghiệp thế giới, trong khi Nga là nhà xuất khẩu hàng hóa có thể tự cung tự cấp.[22] Nếu Nga tấn công Ukraine và bị cô lập kinh tế, Trung Quốc khó thu được lợi ích nào mà đối mặt với nguy cơ mất đi nguồn tài chính, công nghệ, thị trường. Chia sẻ một phần quan điểm trên, chuyên gia về Nga tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, Yang Cheng cho rằng giao tranh giữa Nga và Ukraine dẫn đến đối đầu Nga – Mỹ sẽ có nhiều rủi ro, Trung Quốc sẽ không thấy lợi ích nào ở đó. Dù vậy, vẫn có số ít học giả cho rằng Trung Quốc sẽ không ủng hộ Nga. Theo Bonnie S. Glaser và Andrew Small của chương trình Châu Á thuộc Quỹ Marshall của Mỹ, hai học giả nhận định Trung Quốc không ủng hộ Nga vì còn tồn tại lợi ích thương mại ở Ukraine. Ngoài ra, Đại hội Đảng toàn quốc cũng như mối quan hệ với các quốc gia châu Âu cũng ảnh hưởng đến quyết định của Trung Quốc.[23] Quan điểm trên cho rằng Trung Quốc cân nhắc đến ảnh hưởng của lệnh cấm từ Mỹ và châu Âu. Dù vậy, với các nguyên nhân được hai học giả phân tích, kết luận Trung Quốc sẽ không ủng hộ Nga là vẫn còn chưa hoàn toàn thuyết phục. Do hơn sẽ là Trung Quốc không trực tiếp thể hiện sự ủng hộ của mình với Nga, và cũng sẽ không phản đối Nga trong hành vi ở Ukraine.
(3) Trung Quốc dùng cơ hội này để tấn công hình ảnh của Mỹ.
Các học giả và bộ máy truyền thông của Trung Quốc dùng sự kiện Nga và Ukraine để làm giảm danh tiếng của Mỹ và bảo vệ hình ảnh của mình. Trong suốt sự kiện, Thời báo Hoàn Cầu có nhiều bài viết chỉ trích hành động của Mỹ. Các bài viết lên án Mỹ trục lợi từ căng thẳng chiến tranh, cố gắng gây mất niềm tin và chia rẽ quan hệ Nga -Trung.[24] Theo học giả tại nghiên cứu tại Viện Tiếng Nga, Phương Đông. Nghiên cứu Châu Âu và Trung Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc Yang Jin, Mỹ đang sử dụng sự lo lắng của châu Âu về lực lượng Nga ở biên giới Ukraine nhằm kích động và ràng buộc châu Âu phối hợp chống Nga. Ông nhận định rằng các “luận điệu khoa trương” phần lớn đến từ giới chính trị Mỹ vì họ mong muốn xung đột xảy ra nhất.[25] Bởi vì Mỹ sẽ là chủ thể duy nhất hưởng lợi từ một cuộc xung đột trực diện.[26] Ngay sau sự kiện Nga rút quân, Thời Báo Hoàn Cầu cho xuất bản bài báo chỉ trích Mỹ cung cấp thông tin sai lệch, gọi CIA của Mỹ là “biên kịch chuyên nghiệp” “trơ trẽn và lố bịch.”[27] Học giả Trung Quốc cũng thể hiện quan điểm rằng phương Tây đang tìm cách chia rẽ mối quan hệ Trung – Nga đang tốt đẹp lên. Ông Yang cũng nói rằng một số lực lượng phương Tây đang chia rẽ Trung Quốc và Nga bằng cách làm sai lệch sự thật. Ông cho rằng vì phương Tây lo ngại quan hệ khăng khít của Nga – Trung, cũng như các biện pháp trừng phạt trước đây với hai quốc gia này tỏ ra thiếu hiệu quả.[28]
Tác động của khủng hoảng Ukraine
Lợi ích của Trung Quốc trong mối quan hệ với Ukraine và Nga
Nhìn chung mối quan hệ của Trung Quốc và Ukraine cũng như Trung Quốc và Nga đều có sự phát triển ở những lĩnh vực khác nhau mà đặc biệt là thương mại và buôn bán vũ khí. Hiện trạng mối quan hệ của Trung Quốc với hai nước này được mô tả ở Bảng bên dưới xoay quanh các lĩnh vực chính trị, an ninh quốc phòng, kinh tế – thương mại.
Với Ukraine | Với Nga | |
Cấp độ mối quan hệ | Đối tác chiến lược | Đối tác chiến lược toàn diện |
Chính trị | Hai Nguyên thủ quốc gia gặp mặt trực tiếp lần cuối vào tháng 12/2013 | Hai Nguyên thủ quốc gia gặp mặt trực tiếp lần cuối vào tháng 02/2022 |
An ninh-quốc phòng | Vũ khí của Ukraine chiến 6,3% trong tổng lượng vũ khí nhập khẩu của Trung Quốc[29]Ukraine đã xuất khẩu động cơ máy bay, động cơ diesel cho xe tăng và tên lửa không đối không cho tiêm kích J-11 ngoài ra xuất khẩu động cơ cho các tàu khu trục của hải quân Trung Quốc | Vũ khí của Nga chiếm 77% trong tổng lượng vũ khí nhập khẩu của Trung Quốc[30]Phần lớn hàng nhập khẩu của họ bao gồm hệ thống phòng không, máy bay chiến đấu và động cơ cho máy bay chiến đấu từ Nga. Trong tương lai sẽ chuyển giao công nghệ hệ thống phòng thủ phòng không đất đối không S-500[31] cho Trung Quốc trước sự lo ngại của Mỹ |
Kinh tế – thương mại | Tính từ 10/2020 – 10/2021, tổng kim ngạch Trung Quốc và Ukraine là 1,4 tỷ USD[32]– Ukraine là hành lang thương mại quan trọng giữa châu Âu, châu Á và Trung Đông đối với Trung Quốc. Vì vậy cũng là đối tác quan trọng trong chiến lược BRI.- Hàng hóa Ukraine xuất khẩu tới Trung Quốc chủ yếu là quặng sắt và các sản phẩm nông nghiệp[33]. Xuất khẩu nông sản từ Ukraine cũng trở nên quan trọng đối với Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. | Tính từ 10/2020 – 10/2021, tổng kim ngạch Trung Quốc và Nga là 12,02 tỷ USD.[34] Tổng kim ngạch thương mại của Trung – Nga đã vượt mốc 100 tỷ USD trong ba năm trở lại đây và có triển vọng tăng gấp đôi vào 2024- Nga là đối tác quan trọng trong chiến lược BRI của Trung Quốc- Hàng hóa Nga xuất khẩu tới Trung Quốc chủ yếu là dầu thô, quặng kim loại, than. các sản phẩm năng lượng và khoáng sản chiếm hơn 70% nhập khẩu của Trung Quốc từ Nga, với sự gia tăng đáng kể về than và khí đốt tự nhiên. |
Tuy nhiên khi nhìn vào bảng thống kê ở các lĩnh vực quan trọng trong mối quan hệ Trung Quốc – Ukraine và Trung Quốc – Nga có thể thấy sự chênh lệch rõ ràng về lợi ích của Trung Quốc. Đối với Ukraine, đây là một đối tác có tiềm năng phát triển của Trung Quốc về các vấn đề mua bán vũ khí, năng lượng và nông nghiệp nhưng không thể đặt ngang hàng với mối quan hệ Nga – Trung. Theo nhận định của Bonnie S. Glaser, giám đốc chương trình Châu Á của Quỹ Marshall Đức của Mỹ, và Andrew Small, thành viên cấp cao xuyên Đại Tây Dương của chương trình Châu Á thuộc Quỹ Marshall của Mỹ, trong bối cảnh chiến lược lớn hơn khi TQ cạnh tranh chiến lược với Mỹ thì việc củng cố quan hệ thân thiết với Nga còn đáng giá hơn một số mối quan hệ giữa TQ với các nước EU và một số lợi ích có được với Ukraine.[35] Chưa kể đến việc nhập khẩu năng lượng từ Nga của Trung Quốc càng được thắt chặt hơn qua thỏa thuận năng lượng trị giá 117,5 tỷ USD. Dự kiến, Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc 38 tỷ mét khối khí đốt vào năm 2025, hơn gấp đôi lượng khí đốt 16,5 tỷ mét khối mà Nga đã vận chuyển sang Trung Quốc năm 2021.[36] Dù những lợi ích khiêm tốn mà Trung Quốc nhận được từ Ukraine có thể bị đánh đổi để thắt chặt mối quan hệ Trung Quốc – Nga nhưng Trung Quốc còn đứng trước nhiều thách thức khác từ các nước phương Tây và những rủi ro khác nếu ủng hộ Nga từ đó phương hại tới chính lợi ích quốc gia mình.
Tác động của vấn đề Ukraine tới Trung Quốc: kịch bản Trung Quốc đứng hoàn toàn về phía Nga
Theo Asia Nikkei, Trung Quốc đã chính thức lên tiếng kêu gọi các quốc gia xem xét nghiêm túc về mối quan ngại về an ninh của Nga tại cuộc họp về vấn đề Ukraine của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng như lên tiếng phê phán NATO là sản phẩm của Chiến tranh Lạnh, một khái niệm đã không còn phù hợp trong cơ chế an ninh của châu Âu trong thế kỷ 21.[37] Đây được phương Tây cho là hành động ủng hộ quan điểm của Nga từ phía Trung Quốc và dẫn tới một số phản ứng tiêu cực từ phương Tây.[38] Tuy nhiên so với khủng hoảng Ukraine năm 2014 khi mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Nga vẫn còn khiêm tốn, Trung Quốc có thể không đưa ra quan điểm nghiêng về bên nào nhưng năm 2022 tình hình đã khác và việc Trung Quốc đưa ra quan điểm của mình cũng là một bài toán khó để cân bằng mối quan hệ với Nga và các nước phương Tây.
a. Tác động tích cực
Nếu đi theo kịch bản Trung Quốc đứng hoàn toàn về phía Nga và ủng hộ cho quan điểm của Nga trên trường quốc tế thì đây sẽ là cơ hội đáng giá để thắt chặt mối quan hệ giao hảo với nước này trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung. Trung Quốc dù đã và đang phát triển hệ thống vũ khí và trở thành 1 trong 5 nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới nhưng vẫn còn phụ thuộc vào công nghệ vũ khí từ Nga. Trong giai đoạn năm 2016 – 2020, Nga vẫn là đối tác bán vũ khí lớn nhất của Trung Quốc chiếm tới 77% tổng lượng vũ khí nhập khẩu.[39] Ngoài ra cả Nga và Trung Quốc cũng đang tiến hành dự án vận chuyển khí đốt lớn. Với vị trí là quốc gia tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới và nền kinh tế vẫn đang phát triển, việc có được nguồn cung khí đốt và dầu thô từ Nga sẽ rất cần thiết cho Trung Quốc. Còn về quan điểm chính trị quốc tế, Nga chia sẻ với Trung Quốc quan điểm về một thế giới đa cực, phê phán tư tưởng đơn cực của Mỹ và ủng hộ không can thiệp vào chuyện nội bộ của nước khác. Mối quan hệ với Nga dù không phải là một liên minh quân sự nhưng là bạn bè tốt và Tổng thống Putin cũng kỳ vọng nhiều hơn vào sự hỗ trợ của Trung Quốc trong vấn đề với Ukraine so với năm 2014. Theo Yurii Poita, người phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Mạng lưới Nghiên cứu Địa chính trị mới ở Kiev, Nga và Trung Quốc đang thể hiện sự đoàn kết trước áp lực từ phương Tây và “Nga sẽ ngày càng cố gắng kéo Trung Quốc về phía họ trong cuộc đối đầu với phương Tây”. Còn về phía ông Craig Singleton, thành viên cấp cao của Quỹ bảo vệ dân chủ khẳng định việc ủng hộ Nga là mang lại lợi ích chiến lược” vì Trung Quốc vẫn đang bất hòa lâu dài với Mỹ. Ngay cả một số học giả của Trung Quốc cũng cho rằng nếu phương Tây loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ Nga xây dựng một hệ thống thanh toán mới. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng tại Ukraine cũng đưa lại một số lợi ích cho Trung Quốc khi dẫn chiếu về vấn đề Đài Loan. Ngoài ra theo Nguyên Thủ tướng Úc Kevin Rudd, đây sẽ là cơ hội để Trung Quốc theo dõi phản ứng của Mỹ cũng như các nước phương Tây khác đối với các vấn đề tranh chấp lãnh thổ từ đó hoạch định chiến lược nhằm đưa quân đội vào Đài Loan nhằm thống nhất “Một Trung Quốc” khi Trung Quốc đã sẵn sàng. [40]
b. Tác động tiêu cực
Song song với những cơ hội mà Trung Quốc có thể tận dụng khi đứng về phía Nga là nhiều rủi ro và thách thức khác. Đầu tiên là làm xấu đi mối quan hệ tiềm năng với Ukraine trong các lĩnh vực nông nghiệp và trao đổi buôn bán vũ khí. Hiện nay theo quan sát của Sergiy Gerasymchuk, phó giám đốc điều hành Ukrainian Prism, tổ chức nghiên cứu an ninh ở Kiev, từ khi căng thẳng Nga – Ukraine leo thang đã có “một vài yếu tố khác” trong nhận thức của người dân Ukraine về Trung Quốc. Trước đây, Trung Quốc được xem là quốc gia có nền kinh tế hùng mạnh và là đối tác quan trọng không tiềm ẩn mối đe dọa. Nhưng quyết định cùng Nga bỏ phiếu chống tại Hội đồng Bảo an mới đây đã khiến nhiều người Ukraine có cái nhìn tiêu cực với Trung Quốc.[41] Tuy nhiên như đã phân tích phía trên, mối quan hệ Ukraine nếu so sánh với mối quan hệ Nga thì không có gì đáng ngạc nhiên nếu Trung Quốc chọn Nga thay vì Ukraine. Vì vậy khó khăn lớn nhất của Trung Quốc không đến từ lợi ích có được từ Ukraine mà là áp lực từ các nước phương Tây. Chris Miller, Giám đốc Eurasia tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, đã nhận định Trung Quốc phải chịu áp lực nhiều hơn trong việc chọn bên. Ổng giải thích với mối quan hệ Nga – Trung đã phát triển mạnh mẽ hơn trước đồng nghĩa nền kinh tế Trung Quốc cũng có sự phụ thuộc nhất định vào Nga từ đó dẫn tới việc Trung Quốc sẽ trả giá đắt nếu như tuân theo lệnh cấm vận của phương Tây đối với Nga. Ngược lại, đặt trường hợp Trung Quốc vẫn hỗ trợ thương mại cho Nga thì phải đứng trước rủi ro hứng chịu đòn trừng phạt từ phương Tây.[42] Theo Alex Capri, nghiên cứu viên tại Quỹ Hinrich nhận xét Trung Quốc cần phải rất thận trọng khi xen vào xung đột giữa NATO và Nga liên quan đến Ukraine vì mối quan hệ kinh tế hiện nay giữa Trung Quốc và Nga, bao gồm cả nhu cầu năng lượng, không bảo đảm Trung Quốc sẽ mạo hiểm chấp nhận xa cách hơn với phương Tây.[43] Cùng quan điểm trên, Craig Singleton nhận định cuộc khủng hoảng leo thang ở Ukraine sẽ “gần như chắc chắn làm sốc” thị trường năng lượng và kim loại, từ đó tác động mạnh lên nền kinh tế toàn cầu. Tình trạng khó khăn đó cộng thêm với việc Trung Quốc thực hiện chính sách Zero Covid “có thể đẩy nhanh đà giảm tốc kinh tế của Trung Quốc.[44] Không những thế, hình ảnh của Trung Quốc trong mắt của các nước phương Tây, đặc biệt là EU sẽ trở nên tiêu cực hơn cũng vì vậy mà củng cố những lời cáo buộc của Mỹ dành cho Trung Quốc. Tuy vẫn còn những quan điểm trái chiều về việc Trung Quốc sẽ hy sinh mối quan hệ với châu Âu để bảo toàn mối quan hệ với Nga nhưng không thể phủ nhận rằng EU với vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc sẽ gây ra tổn hại cho nền kinh tế của nước này nếu như Trung Quốc làm trái với lệnh cấm vận Nga do phương Tây áp đặt.
Tóm lại, dù Nga là một lợi ích chiến lược đối với Trung Quốc về lâu dài trước bối cảnh cạnh tranh chiến lược với Mỹ nhưng lựa chọn đứng hoàn toàn về phía Nga sẽ đưa đến một số tổn thất không mong muốn cho Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại. Vì thế lựa chọn ủng hộ Nga thực sự không phải là một lựa chọn tối ưu đối với Trung Quốc. Theo đánh giá của ông Sergiy Gerasymchuk, Trung Quốc nên giữ quan điểm trung lập về địa chính trị, tránh ủng hộ Nga tại các tổ chức quốc tế như LHQ và luôn là đối tác thương mại đáng tin cậy của Ukraine sẽ là cách tiếp cận cân bằng và được đánh giá cao ở Kiev. Đồng ý kiến với quan điểm trên, ông Yang Cheng, chủ tịch Học viện Quản trị Toàn cầu và Nghiên cứu Khu vực Thượng Hải thuộc Đại học Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải cũng cho rằng cả Nga và Ukraine đều có “những giá trị riêng” đối với Trung Quốc và nước này sẽ không chọn phe. Cụ thể, ông phát biểu “không bao giờ Trung Quốc phải băn khoăn chọn phe này hay phe kia” và đưa ra đề xuất Trung Quốc sẽ chọn giải quyết hạ nhiệt tình hình qua các biện pháp ngoại giao, đồng thời các lực lượng bên ngoài không can thiệp vào công việc nội bộ của các bên.[45]
Đứng trước tình thế khó khăn và rủi ro cao khi chọn phe, cách tốt nhất của Trung Quốc là không chọn ủng hộ hoàn toàn cho bất kỳ bên nào nhưng để thực hiện được điều này Trung Quốc phải đóng góp ý kiến, quan điểm vào việc giải quyết và hạ nhiệt căng thẳng tại Nga và Ukraine. Đối với Trung Quốc, yếu tố đe dọa an ninh tại đây đi từ sự can thiệp và trầm trọng hóa của chính phủ và truyền thông từ các nước phương Tây. Chính vì thế hạn chế tối đa sự can dự các nước này không chỉ làm giảm căng thẳng mà còn mang tới lợi ích cho Trung Quốc khi dẫn chiếu về vấn đề Đài Loan cũng như ngăn chặn sự lan tỏa ảnh hưởng của NATO lên khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong tương lai. Cách tiếp cận của Trung Quốc sẽ không trực tiếp ủng hộ Nga cũng như không tập trung lên tiếng về mâu thuẫn lãnh thổ cốt lõi giữa Nga – Ukraine. Cách Trung Quốc sẽ làm là những quyết định hay hành động sẽ đi từ quan điểm và lợi ích quốc gia của chính Trung Quốc và những lợi ích này sẽ song trùng với Nga khi cả hai đều chia sẻ chung nhiều quan điểm về trật tự thế giới. Đầu tiên, Trung Quốc lên án các hành động NATO , cho rằng tư tưởng Chiến tranh Lạnh nặng nề của tổ chức này không còn phù hợp với thời đại thế kỷ 21 hiện nay với trật tự đa cực. Thứ hai, các nhà ngoại giao Trung Quốc sẽ luôn sẵn sàng đáp trả những cáo buộc của phương Tây về việc Trung Quốc ủng hộ Nga và làm sai lệch hình ảnh và quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Ukraine. Thứ ba, Trung Quốc sẽ tích cực kêu gọi giải quyết xung đột qua con đường ngoại giao hòa bình với phát biểu gần đây nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng “các bên liên quan nên bám sát định hướng chung, tận dụng các nền tảng đa phương bao gồm định dạng Normandy và tìm kiếm một giải pháp toàn diện cho vấn đề Ukraine thông qua đối thoại và tham vấn” và “ủng hộ thực hiện Thỏa thuận Minsk”, theo bản tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Việc thực hiện “Thỏa thuận Minsk” có hàm ý nhắc nhở các nước Phương Tây giảm bớt sự can thiệp tại Ukraine cũng như tránh hỗ trợ vũ trang cho Ukraine dẫn tới gia tăng căng thẳng[46].
Hiện tại đây là cách tiếp cận an toàn và ít rủi ro nhất đối với Trung Quốc khi vừa đảm bảo mối quan hệ với Nga vừa không cho phương Tây cái cớ để công kích Trung Quốc cũng như hạn chế tối đa khả năng phải chọn lựa một bên Ukraine hay Nga của Trung Quốc. Không những thế, việc Trung Quốc phát biểu chính thức về vấn đề Ukraine và thể hiện sự tích cực mong muốn giải quyết căng thẳng còn giúp hình ảnh và tiếng nói trên trường quốc tế được củng cố hơn so với việc Trung Quốc bỏ phiếu trắng về vấn đề này năm 2014. Ngoài ra đây còn là cách tiếp cận và tham gia giải quyết vấn đề giúp Trung Quốc có cái nhìn tổng quát hơn ở các bên nhằm chuẩn bị cho vấn đề Đài Loan trong tương lai. Thế nhưng những gì Trung Quốc đang làm có thể vẫn chưa đủ để ngăn chặn một cuộc xung đột vũ trang tại biên giới Nga và Ukraine khi các nước phương Tây vẫn còn dè chừng và nghi ngờ về tuyên bố rút quân của Nga. Nếu Trung Quốc muốn khẳng định vai trò của mình nhiều hơn trên bàn đàm phán quốc tế, Trung Quốc nên tận dụng sức ảnh hưởng lên Ukraine của mình và vị thế có thể coi là trung lập hiện tại để đề xuất nhiều phương án giải quyết vấn đề cải tiến hơn thay vì chỉ tập trung vào cơ chế Normandy và Thỏa thuận Minsk II.
IR Analytica
[1] (2022, January 27). China weighs in on Ukraine and Russia in call with Blinken. DW. https://www.dw.com/en/china-weighs-in-on-ukraine-and-russia-in-call-with-blinken/a-60569810
[2] Từ năm 2013, hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga đã tổ chức 38 cuộc hội đàm và trao đổi với nhau hơn 100 lần thông qua nhiều phương tiện khác nhau, bao gồm cả điện thoại và thư từ.
[3] Chris, M. (2022, January 21). How Will China Respond to the Russia-Ukraine Crisis. Foreign Policy Research Institute. https://www.fpri.org/article/2022/01/how-will-china-respond-to-the-russia-ukraine-crisis/
[4] Minxin, P. (2022, January 28). How China Views the Ukraine Crisis. Project Syndicate. https://www.project-syndicate.org/commentary/how-china-sees-ukraine-crisis-by-minxin-pei-2022-01
[5] Carolyn, K. (2022, February 4). US reacts to partnership between Russia & China .T World News. https://www.rt.com/news/548388-us-russia-china-psaki/
[6] Al, N. (2022, February 8). China: NATO expansion does not contribute to global security. Al Mayadeen. https://english.almayadeen.net/news/politics/china:-nato-expansion-does-not-contribute-to-global-security
[7] John, F. (2022, February 26). China Backs Russia Against Ukraine, NATO. Newsweek. https://www.newsweek.com/china-backs-russia-against-ukraine-nato-1673100
[8] (2022, February 3). China, Russia ‘coordinated positions’ on Ukraine, says Chinese foreign ministry. Reuters. https://www.reuters.com/world/europe/china-russia-coordinated-positions-ukraine-says-chinese-foreign-ministry-2022-02-03/
[9] Henry, R. (2022, January 28). China Eyes Risks and Rewards of US-Russia Standoff Over Ukraine. Voa News. https://www.voanews.com/a/china-eyes-risks-and-rewards-of-us-russia-standoff-over-ukraine/6416467.html
[10] Lyle, G. (2014, September 4). What Does China Really Think about the Ukraine Crisis?. The National Interest. https://nationalinterest.org/feature/what-does-china-really-think-about-the-ukraine-crisis-11196
[11] (2021, December 16). China-Russia trade to exceed new high in 2021: MOFCOM. The Global Times. https://www.globaltimes.cn/page/202112/1241690.shtml
[12] (2021, May 19). Vladimir Putin says Russia-China ties at ‘highest level in history’ during launch of nuclear projects. ABC News. https://www.abc.net.au/news/2021-05-20/russia-china-tout-relations-reaching-highest-level-in-history/100151006
[13] Olena, M. (2016, March 10). Why China Is Interested in Ukraine. https://thediplomat.com/2019/10/why-china-is-setting-its-sights-on-ukraine/
[14] Mu, C. (2022, February 17). Why China Will Not Support a Russian Invasion of Ukraine. https://thediplomat.com/2022/02/why-china-will-not-support-a-russian-invasion-of-ukraine/
[15] Bonnie, G. (2022, Febraury 14). Chinese Support for a Russian Attack on Ukraine Cannot Be Cost-Free. https://foreignpolicy.com/2022/02/14/china-russia-ukraine-invasion-cost-free/
[16] Cách mạng màu là thuật ngữ chỉ các cuộc cách mạng diễn ra nhằm lật đổ các nhà nước chuyên chế bằng một thể chế dân chủ hơn, diễn ra phổ biến ở Đông Âu, Đông Nam Á,… vào cuối thế kỷ 20.
[17] Shannon, T. (2022, February 4). What Putin and Xi Said (and Didn’t Say) About Ukraine. https://thediplomat.com/2022/02/what-putin-and-xi-said-and-didnt-say-about-ukraine/
[18] Holly, E. (2022, February 15). As the Russia-Ukraine crisis unfolds, China and Taiwan are watching. CNBC News. https://www.cnbc.com/2022/02/15/as-russia-ukraine-crisis-unfolds-china-and-taiwan-are-watching.html?fbclid=IwAR3wmpvJ9ePO4fY5FDZAgrHjUgctvrlq1dUmCxUBb7OzQ7egDeZy4BoMod8
[19] (2022, February 16). China could take advantage of Ukraine crisis to ‘be provocative,’ warns US general. Hong Kong Free Press. https://hongkongfp.com/2022/02/16/china-could-take-advantage-of-ukraine-crisis-to-be-provocative-warns-us-general/
[20] Giống chú thích 18
[21] Claire, G. (2022, February 16). Nato’s failure to solve the Russia-Ukraine crisis will not go unnoticed by China, expert claims. INews. https://inews.co.uk/news/world/natos-failure-to-solve-the-russia-ukraine-crisis-will-not-go-unnoticed-by-china-expert-claims-1464508
[22] (2022, January 19). What China thinks of possible war in Ukraine. https://www.economist.com/china/2022/01/29/what-china-thinks-of-possible-war-in-ukraine
[23] Giống chú thích 15
[24] (2022, February 16). GT Voice: US’ warmongering in Ukraine is only for wartime profiteering. The Global Times. https://www.globaltimes.cn/page/202202/1252427.shtml
[25] (2022, February 17). Ukraine ‘invasion’ day passes peacefully, defies ‘war hype’. The Global Times. https://www.globaltimes.cn/page/202202/1252452.shtml
[26] (2022, February 14). US to blame for rising Ukrainian crisis, not China-Russia energy ties. The Global Times. https://www.globaltimes.cn/page/202202/1252235.shtml?id=11
[27] (2022, February 16). World can learn profoundly from February 16, 2022: Global Times editorial. The Global Times. https://www.globaltimes.cn/page/202202/1252447.shtml
[28] Giống chú thích 26
[29] Pieter, W. et al. (2021, March). Trends in international arms transfer. SIPRI Organization. https://sipri.org/sites/default/files/2021-03/fs_2103_at_2020.pdf
[30] Giống chú thích 29
[31] S-500 Prometey là vũ khí tên lửa đất đối không thế hệ tiếp theo, sở hữu tầm bắn gần 600km. Vũ khí này được thiết kế để đánh chặn và tiêu diệt tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa hành trình siêu vượt âm và máy bay
[32] (2020). China – Russia Bilateral Trade. OEC. https://oec.world/en/profile/bilateral-country/chn/partner/rus
[33] Ukraine bắt đầu bán ngô cho Trung Quốc và trở thành nhà cung cấp lớn nhất vào năm 2019, ước tính chiếm tới 80% lượng ngô nhập khẩu của Bắc Kinh
[34] Giống chú thích 32
[35] Giống chú thích 15
[36] (2022, February 4). Putin hails China oil and gas deals amid tensions with Europe. Al Jazeera. https://www.aljazeera.com/economy/2022/2/4/china-and-russia-boost-energy-alliance-with-30-year-gas-contract
[37] (2022, February 2). China backs Russia on Ukraine conflict with eye on Taiwan. Asia Nikkei. https://asia.nikkei.com/Politics/Ukraine-crisis/China-backs-Russia-on-Ukraine-conflict-with-eye-on-Taiwan
[38] Tuan Dat. (2022, February 17). Trung Quốc nói gì khi bị phương Tây chỉ trích đứng về phía Nga trong vấn đề Ukraine?. https://vov.vn/the-gioi/trung-quoc-noi-gi-khi-bi-phuong-tay-chi-trich-dung-ve-phia-nga-trong-van-de-ukraine-post924691.vov
[39] Giống chú thích 29
[40] Katherine, W. (2022, February 10). What will China do if Russia escalates in Ukraine?. Atlantic Council. https://www.atlanticcouncil.org/blogs/new-atlanticist/what-will-china-do-if-russia-escalates-in-ukraine/
[41] Thanh Tam. (2022, February 7). Thế khó của Trung Quốc trong khủng hoảng Nga – Ukraine. VN Express. https://vnexpress.net/the-kho-cua-trung-quoc-trong-khung-hoang-nga-ukraine-4424557.html
[42] Giống chú thích 3
[43] Thanh Hieu. (2022, February 7). Trung Quốc khó “sống chết” vì nền kinh tế Nga nếu nổ ra xung đột với Ukraine. VOV. https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/trung-quoc-kho-song-chet-vi-nen-kinh-te-nga-neu-no-ra-xung-dot-voi-ukraine-post922592.vov
[44] Giống chú thích 43
[45] Giống chú thích 22
[46] Điều 10 trong Thỏa thuận Minsk nói rằng các nước bên ngoài phải rút quân hoàn toàn khỏi Ukraine