1. Về Đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng ở Khu vực Giữa Biển Đông
Ngày 17/7/2024 (giờ địa phương), tại trụ sở Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Mỹ, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ cùng Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao do Đại sứ Trịnh Đức Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia làm Trưởng đoàn, đã chính thức nộp Hồ sơ Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam ở Khu vực Giữa Biển Đông (VNM-C) lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên Hợp Quốc (Commission on the Limits of the Continental Shelf – sau đây gọi là CLCS)[1] xem xét và ra Khuyến nghị về ranh giới của thềm lục địa mở rộng (ESC).[2]
Cùng ngày 17/07, Bộ ngoại giao Việt Nam đã ra tuyên bố về việc Việt Nam nộp đệ trình nêu trên. Theo đó, việc nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý là để thực hiện quyền và nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (sau đây gọi là UNCLOS), được quy định tại Điều 76 của UNCLOS. Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở Khu vực Giữa Biển Đông là đệ trình thứ ba của Việt Nam. Trước đó, vào ngày 07/05/2009, Việt Nam đã nộp cho CLCS Đệ trình riêng về Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở Khu vực Bắc Biển Đông (VNM-N) và Đệ trình chung với Malaysia về Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý đối với Khu vực Nam Biển Đông (VNM-S).
Theo Báo cáo tóm tắt, Đệ trình của Việt Nam trong khu vực Giữa Biển Đông (VNM-C) được xác định như sau:[3]
(1) Ranh giới phía Bắc được xác định bởi các đường thẳng nối các điểm cố định[4] phân định ranh giới ngoài của thềm lục địa mở rộng của Việt Nam: Khu vực Giữa (VNM-C) (Hình 1. Đường AB);
(2) Ranh giới phía Tây là ranh giới 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Hình 1. Đường AD);
(3) Ranh giới phía Đông là các đoạn ranh giới 200 hải lý tính từ đường cơ sở lãnh hải của Philippines và đoạn giao cắt giữa các đường ranh giới 200 hải lý lần lượt của Philippines và Malaysia (Hình 2. Đường BC);
(4) Ranh giới phía Nam là ranh giới phía Bắc của Khu vực xác định được nêu trong Hồ sơ Đệ trình chung về thềm lục địa mở rộng của Việt Nam – Malaysia năm 2009 tại phần phía Nam của Biển Đông (Hình 1. Đường CD).
Hình 1. Ranh giới ngoài thềm lục địa mở rộng của Việt Nam: Khu vực Giữa (VNM-C). Nguồn: Báo cáo tóm tắt: Đệ trình của Việt Nam trong khu vực Giữa Biển Đông (VNM-C)
Theo Báo cáo tóm tắt, Việt Nam đã xác định ranh giới ngoài thềm lục địa mở rộng tại VNM-C theo phương pháp chân dốc lục địa (FOS) và đường nối các điểm không quá 60 hải lý (công thức Hedberg). Nhìn chung, các đường ranh giới của khu vực VNM-C đã được xác định – dù chưa chỉ rõ ra trong hồ sơ nộp chung với Malaysia lần trước (2009), các ranh giới phía Tây (2) và phía Đông (3) trong bản đồ trên là một phần ranh giới EEZ (Vùng đặc quyền kinh tế) tương ứng của Việt Nam và Philippines nên không có gì thay đổi. Đối với ranh giới phía Nam (4) được xác định dựa trên toạ độ của hai điểm trên đường ranh giới EEZ đã được nêu rõ trong hồ sơ đệ trình chung với Malaysia nên vẫn được giữ nguyên. Riêng đường ranh giới phía Bắc (1) lần này có điều chỉnh lại một cách chính xác hơn bằng 78 điểm và toạ độ các điểm này qua kiểm tra tượng trưng chỉ sai biệt rất nhỏ, ví dụ điểm 1 trong hồ sơ này được xác định tọa độ là (11.8310692°, 112.7869424°)[5] thì trong hồ sơ cũ nộp chung với Malaysia có tọa độ là (11° 49′ 52.8″, 112° 47′ 13.0″)[6], chuyển qua hệ thập phân là (11.831333333°, 112.7864444444°), tức chỉ sai khác rất nhỏ về toạ độ.
Trong Công hàm gửi Tổng Thư ký LHQ, Việt Nam một lần nữa quan điểm rằng việc nộp Đệ trình không ảnh hưởng tới phân định biển giữa Việt Nam và các nước ven biển liên quan khác.[7] Đồng thời, nhân dịp này Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là phù hợp với luật pháp quốc tế và các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được phù hợp với quy định của UNCLOS 1982. Bên cạnh đó, đại sứ Đặng Hoàng Giang và phái đoàn công tác của Bộ Ngoại giao Việt Nam bày tỏ cảm ơn sự hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc trong quá trình Việt Nam nộp các đệ trình của mình theo đúng các quy định có liên quan của UNCLOS và CLCS.[8]
2. Trung Quốc phản đối, Philippines muốn đàm phán về Đệ Trình của Việt Nam
Philippines và Trung Quốc có quan điểm khác nhau về việc Việt Nam nộp Hồ sơ Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam tại Khu vực Giữa Biển Đông cho CLCS vào ngày 17/7 vừa qua.
Ngày 18/7, Bộ Ngoại giao Philippines đưa ra Tuyên bố về Đệ trình thềm lục địa mở rộng của Việt Nam. Theo đó, phía Bộ Ngoại giao nước này ghi nhận đệ trình của Việt Nam lên Uỷ ban Liên Hợp Quốc ngày 17/07/2024 và sẵn sàng hợp tác cùng Việt Nam trên các cách thức khả thi hướng tới việc đạt được một giải pháp đảm bảo lợi ích chung trong vấn đề Biển Đông, phù hợp luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.[9]
Trong khi Philippines cho biết họ sẵn sàng đàm phán và mong muốn đạt được “một giải pháp cùng có lợi” cho cả hai bên, chính quyền Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ động thái này của Việt Nam. Tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đưa tin cho biết họ kiên quyết phản đối việc đệ trình của Việt Nam và đã gửi công hàm chính thức tới phía Việt Nam.[10] Cũng trong ngày 18/7, trong phiên họp báo thường kỳ, trả lời câu hỏi của Tân Hoa Xã về Đệ trình của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm cho biết: Đệ trình mà phía Việt Nam đưa ra bao gồm một phần Quần đảo Nam Sa[11] của Trung Quốc, vi phạm quyền chủ quyền lãnh thổ cũng như quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc, vi phạm luật pháp quốc tế bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc và UNCLOS, và vi phạm Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề liên quan đến biển giữa Trung Quốc và Việt Nam và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông do Trung Quốc và các nước ASEAN, bao gồm cả Việt Nam cùng ký kết.[12] Bên cạnh đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm nhấn mạnh, các đơn đệ trình như vậy không có bất kỳ tác động thực tế nào mà chỉ làm nổi bật sự khác biệt và làm trầm trọng thêm các xung đột, điều này sẽ không giúp giải quyết các tranh chấp theo bất kỳ cách nào. Tuy nhiên, Trung Quốc cho biết vẫn sẽ cam kết giải quyết đúng đắn các tranh chấp ở Biển Đông thông qua đối thoại và tham vấn với các bên liên quan, ông Lâm nhấn mạnh thêm.
Phản ứng này không ngoài dự đoán, khi cách đây không lâu, Trung Quốc cũng phản đối mạnh mẽ bản Đệ trình thềm lục địa mở rộng tại khu vực Tây Palawan[13] (thuộc Khu vực Giữa của Biển Đông) của Philippines lên CLCS vào ngày 14/06.[14] Diễn biến pháp lý mới của Việt Nam và Philippines đặt ra một khả năng cho sự gia tăng nguy cơ leo thang căng thẳng và xung đột trong khu vực. Biển Đông không chỉ giàu tài nguyên mà còn là tuyến đường thủy chiến lược cho thương mại toàn cầu. Bất kỳ sự gián đoạn nào trong khu vực này có thể có những tác động sâu rộng đến thương mại và an ninh toàn cầu.
Ngày 19/07/2024, Trung Quốc một lần nữa khẳng định lập trường trên trong công hàm gửi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres. Theo đó, Đệ trình của Việt Nam đối với thềm lục địa ngoài 200 hải lý liên quan xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc tại Biển Đông. Do đó, chính phủ Trung Quốc yêu cầu Ủy ban không xem xét Đệ trình do Việt Nam nộp lên theo quy định về Quy chế thủ tục của CLCS. Đồng thời, phía Trung Quốc nhấn mạnh chủ quyền không thể tranh cãi đối với Nam Hải Chư Đảo[15] và vùng biển lân cận, có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển có liên quan cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển.
3. Việt Nam khẳng định quyền hợp pháp tại Biển Đông
Liên quan đến việc Việt Nam nộp đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng, tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày 18/7 – ngay sau khi nộp đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng khu vực giữa Biển Đông lên CLCS, Bộ Ngoại giao cho biết trong khu vực Biển Đông, từ năm 2019 đến nay, một số quốc gia ven biển liên quan đã nộp các đệ trình riêng của mình. Trong bối cảnh đó, việc Việt Nam nộp đệ trình nhằm “bảo đảm các quyền hợp pháp” của Việt Nam đối với phần thềm lục địa mở rộng của nước ta tại khu vực giữa Biển Đông mà Việt Nam “hoàn toàn có quyền được hưởng phù hợp với điều 76 của UNCLOS”. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng khẳng định căn cứ vào các quy định liên quan của UNCLOS và phù hợp với điều kiện địa lý tự nhiên của mình, “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý, khoa học để khẳng định Việt Nam có quyền có thềm lục địa tự nhiên mở rộng ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của Việt Nam”.[16]
Cũng trong tuyên bố ngày 18/07, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết: Quan điểm của Việt Nam được nêu rõ trong Tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc Việt Nam nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở khu vực giữa Biển Đông. Đồng thời, để thể hiện thiện chí và tinh thần trách nhiệm của mình, Việt Nam đã thông báo với các nước liên quan về vấn đề này qua kênh ngoại giao. Các cuộc trao đổi diễn ra trong không khí chân thành, hữu nghị và thẳng thắn. Do đó, các nước đều ghi nhận và tôn trọng quyền của Việt Nam về việc nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý phù hợp với quy định tại Điều 76 của UNCLOS, bà Hằng nhấn mạnh.[17]
Cùng ngày 17/7, trong công hàm gửi đến LHQ của Việt Nam liên quan đến đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng của Philippines vào ngày 14/06, Việt Nam cho biết các quốc gia ven biển thành viên của UNCLOS có quyền xác định ranh giới ngoài thềm lục đi địa mở rộng của mình trên cơ sở phù hợp với các quy định liên quan của UNCLOS. Tuy nhiên quốc gia ven biển khi đệ trình ranh giới ngoài thềm lục địa cần tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của các quốc gia ven biển liên quan khác có bờ biển đối diện hoặc tiếp liền, người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ. Theo đó Việt Nam bảo lưu toàn bộ quyền và lợi ích của mình theo luật pháp quốc tế đặc biệt là UNCLOS 1982 và sẵn sàng trao đổi với Philippines để tìm kiếm và đi đến giải pháp phù hợp với lợi ích của cả nước.[18] Đáp lại, Philippines cho biết họ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam về các cách thức đạt được giải pháp cùng có lợi cho các vấn đề ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế. Đồng thời, sẵn sàng thảo luận về các tuyên bố chủ quyền thềm lục địa chồng lấn với Việt Nam.[19]
4. Nhận định về hệ quả của việc đệ trình
Trước hết, động thái này đã vấp phải sự phản đối gay gắt đến từ Trung Quốc. Đại diện phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố các đơn đệ trình sẽ không được xem xét khi có tranh chấp.[20] Dựa vào cơ chế của CLCS, nếu xét thấy có tranh chấp các bên liên quan thì các đệ trình sẽ không được xem xét. Vì thế, trong công hàm gửi lên LHQ phản đối Đệ trình Ranh giới Thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam ở Khu vực Giữa Biển Đông (VNM-C) (Ngày 29/07), dựa trên Điều 5(a) của Phụ lục I trong Quy chế thủ tục của Ủy ban về ranh giới thềm lục địa, chính phủ Trung Quốc đã nghiêm túc yêu cầu Ủy ban không xem xét Đệ trình do Việt Nam nộp lên. Điều này có nghĩa là CLCS sẽ không xem xét hoặc đánh giá các đơn đệ trình có liên quan của Việt Nam và Philippines về phân định ranh giới. Trong quá khứ, Việt Nam và Malaysia nộp đệ trình chung về phần thềm lục địa mở rộng phía nam Biển Đông, theo đó đây là khu vực mà được hai nước xem là thềm lục địa chồng lấn vượt quá 200 hải lý (Hình 2). Tuy nhiên, do có phản đối từ Trung Quốc và Philippines, CLCS sẽ không xem xét các đệ trình này theo Điều 46 và Phụ lục I của Quy tắc thủ tục của CLCS.
Hình 2. Vị trí hai khu vực thềm lục địa mở rộng vượt quá 200 hải lý của Việt Nam và Malaysia (màu cam). Nguồn: Clive Schofield và Andi Arsana, (ANCORS)
Thứ hai, động cơ của Việt Nam trong việc nộp đệ trình lần này rõ ràng là nhằm đưa vấn đề Biển Đông vào quy chế pháp lý, đồng thời ràng buộc các bên liên quan (đặc biệt là Trung Quốc) giải quyết tranh chấp theo quy định của luật pháp quốc tế. Theo UNCLOS, các nước ven biển có thể hưởng tài nguyên khoáng sản, tài nguyên phi sinh vật và sinh vật bất động trong vùng biển cách đường cơ sở 350 nm (ngoài EEZ 200 nm). Tuy nhiên, do Biển Đông không quá rộng nên khu vực ECS của Việt Nam dĩ nhiên sẽ chồng lấn với vùng đặc quyền Trung Quốc tuyên bố (mô tả theo hình), ECS của Philippines nộp cho CLCS để xin phê chuẩn 14/06/2024 (mô tả theo hình), và thậm chí giới hạn ECS do MYS vẽ nộp riêng năm 2019 (mô tả theo hình). Theo đó, đòi hỏi của 3 bên về ECS rõ ràng chồng lấn nhau ở phần biển này, riêng phía Trung Quốc – là bên thứ 4, tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa – Nam Sa theo tiếng Trung Quốc). Vùng biển chồng lấn là vùng biển tại đó các quốc gia có yêu sách hợp pháp phù hợp với luật pháp quốc tế (UNCLOS) và thực sự các yêu sách này chồng lấn nhau.[21] Theo tập quán quốc tế (Phán quyết ngày 13/07/2023 của Toà ICJ), một quốc gia ven biển không có quyền mở rộng thềm lục địa ngoài 200 hải lý nếu như thềm lục địa ngoài 200 hải lý này mở rộng trong phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở của quốc gia khác.[22]
Hình 3. Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông
(i). Bởi vì, việc mở rộng thẩm quyền của quốc gia ven biển về phía biển cả dẫn đến sự xuất hiện hàng loạt các vùng biển chồng lấn giữa các quốc gia có bờ biển liền kề hoặc đối diện nhau. Trong trường hợp nhiều quốc gia xác lập thềm lục địa vượt quá 200 hải lý đối với cùng một khu vực đáy biển theo đúng khuyến nghị của CLCS thì đây sẽ là một khu vực chồng lấn mà các bên sẽ phải phân định biển.
(ii). Căn cứ quy định tại Điều 76(8) ranh giới thềm lục địa mở rộng sẽ được xem là chung thẩm và ràng buộc nếu được xác lập dựa trên khuyến nghị của CLCS.
(iii). Cũng trong báo cáo đệ trình lên Liên hợp quốc, Việt Nam bày tỏ với CLCS, ghi nhận rằng khu vực này cũng chồng lấn với các quốc gia liên quan.[23]
(iv). Trong trường hợp này có thể nhận định mục đích của phía Việt Nam chính là sự tồn tại của vùng biển chồng lấn như một điều kiện tiên quyết để tiến hành phân định biển.
Nói cách khác, khi Việt Nam đã trao hồ sơ đệ trình này, thì để giải quyết tranh chấp hoặc tiến hành bất kỳ đàm phán phân định biển nào, phía Trung Quốc cũng như các quốc gia có yêu sách ở Biển Đông chỉ có một phương án là đàm phán và giải quyết theo pháp luật quốc tế (Từ (i)(ii)(iii)(iv)).
Điều đáng quan tâm là trong các công văn gửi LHQ, Việt Nam và Philippines đều cho thấy tinh thần sẵn sàng hợp tác để có thể hướng tới việc đạt được lợi ích chung trong vấn đề Biển Đông, phù hợp luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. Điều này cho thấy thiện chí tham gia đối thoại ngoại giao và đàm phán thay vì leo thang căng thẳng hoặc dùng đến các hành động vũ lực đơn phương. Hơn nữa, các đệ trình gần đây của Việt Nam và Philippines gửi lên Liên hợp quốc về thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông đã bổ sung thêm một chiều hướng mới cho tranh chấp đang diễn ra ở thời điểm hiện tại. Trong nhiều năm qua, giải quyết tranh chấp Biển Đông là một vấn đề phức tạp, và nhiều thời điểm đi đến bế tắc vì các mâu thuẫn liên quan đến lợi ích chiến lược của nhiều quốc gia. Chính vì thế, những diễn biến này có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ khu vực và quốc tế, đề cao vai trò quan trọng của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Đây là một dấu hiệu tích cực có khả năng mở ra các cơ hội tiềm năng cho việc giải quyết tranh chấp bằng đối thoại ngoại giao và hợp tác giữa các quốc gia liên quan.
Thứ ba, đệ trình ngày 17/07 khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông bằng đối thoại, quy chế pháp lý trên tinh thần thượng tôn pháp luật và luật pháp quốc tế. Những đệ trình trước đây cùng với đệ trình vừa rồi là một phần trong chiến lược rộng hơn của Việt Nam trong tranh chấp Biển Đông, phản ánh các cam kết của Việt Nam trong việc khẳng định các quyền và lợi ích hàng hải của mình thông qua các biện pháp pháp lý và ngoại giao, cũng như thiện chí hợp tác với các quốc gia liên quan khác để tìm ra các giải pháp cùng có lợi cho các bên liên quan. Đặc biệt trong bối cảnh cuộc tranh chấp trên Biển Đông đang tiếp tục diễn biến phức tạp.
Ngày 18/7, ngay sau khi nộp đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng khu vực giữa Biển Đông lên CLCS, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã thông báo cho các quốc gia có liên quan về vấn đề này thông qua các kênh ngoại giao và các cuộc thảo luận đã được tổ chức trong bầu không khí thân thiện và thẳng thắn.[24] Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã gửi công hàm tới Tổng thư ký Liên hợp quốc nhằm nêu rõ lập trường của Việt Nam liên quan đến đơn đệ trình của Philippines. Áp dụng thông lệ chung của các quốc gia khi bày tỏ quan điểm, lập trường của mình tới Liên hợp quốc một cách chính thức và minh bạch.
Thứ tư, Đệ trình này đảm bảo các quyền hợp pháp của Việt Nam đối với thềm lục địa mở rộng của mình ở Khu vực Giữa của Biển Đông, bao gồm cả các quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên, các quyền và lợi ích hàng hải của mình theo Điều 76 của UNCLOS. Căn cứ Điều 76, quốc gia ven biển có thể có tối thiểu 200 hải lý thềm lục địa và mở rộng vượt quá giới hạn đó nếu rìa lục địa tự nhiên kéo dài xa hơn. Đối với thềm lục địa, bao gồm cả thềm lục địa trong và vượt quá 200 hải lý quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với việc thăm dò, khai thác tài nguyên sinh vật và phi sinh vật. Quyền chủ quyền này hiện hữu hiển nhiên và mặc định, không phụ thuộc vào việc quốc gia ven biển có chiếm hữu hay ra tuyên bố hay không. Do đó, Đệ trình này không chỉ là một tuyên bố về ý định (intent) mà còn là một quá trình pháp lý phù hợp với UNCLOS, cho phép các quốc gia ven biển đặt ra các yêu sách về quyền đối với đáy biển và lòng đất bên dưới ngoài vùng EEZ 200 hải lý của quốc gia nếu đáp ứng được một số tiêu chí địa chất nhất định. Đây là một sự mở rộng đáng kể có khả năng giúp Việt Nam tiếp cận thêm các nguồn tài nguyên dưới đáy biển.[25]
Tổng kết:
Biển Đông trong vòng 6 tháng đầu năm 2024, có thể thấy, là một điểm nóng đang có xu hướng trở thành một địa điểm mới diễn ra tranh chấp quân sự mới của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đối mặt với tình trạng bế tắc về giải quyết vấn đề về chủ quyền thông qua con đường đối thoại hòa bình, các nước thuộc khối ASEAN đang dần phải thích nghi với những hành vi ngang nhiên trên biển của Trung Quốc làm tổn hại đến lợi ích và an ninh của các quốc gia này. Sự quyết liệt trong mục tiêu bảo vệ bảo quyền và lợi ích hợp pháp trên biển của các quốc gia ASEAN gần đây nhất được làm nổi rõ thông qua loạt phản ứng cứng rắn của Philippines đối với Trung Quốc trong sự kiện đụng độ có vũ lực giữa lực lượng tuần tra và bảo vệ trên biển của hai nước tại bãi Cỏ Mây. Bên cạnh việc tự thân nâng cao sức răn đe về quốc sự, các nước ASEAN dần ngả về xu hướng kêu gọi hỗ trợ về lực lượng thông qua con đường ngoại giao song và đa phương. Thực tế này đặc biệt trở nên nổi bật hơn trong những năm gần đây, khi các nước trong ASEAN nỗ lực tăng cường các hoạt động hợp tác về quốc phòng và quân sự với nhau và với cả các cường quốc quan tâm đến trật tự an ninh của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Song song với các phương thức hành động như trên, các nước có liên quan đến tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông cũng duy trì nỗ lực tháo gỡ bế tắc về giải quyết chồng vấn đề lấn chủ quyền thông qua luật pháp quốc tế. Gần đây nhất, Philippines và Việt Nam lần lượt đã gửi hai bản đệ trình có nội dung mở rộng ranh giới thềm lục địa quốc gia trên Biển Đông nhằm khẳng định và bảo vệ lợi ích của mình.
Việc Việt Nam chính thức nộp Hồ sơ Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ở Khu vực Giữa Biển Đông đã thể hiện quyết tâm bảo vệ và khẳng định các quyền hợp pháp và lợi ích chính đáng của quốc gia theo UNCLOS 1982. Thông qua đệ trình lần này, Việt Nam đã tái khẳng định chủ quyền đầy đủ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển xung quanh theo luật pháp quốc tế. Động thái này của Việt Nam là một tín hiệu rõ ràng về ý định kiên quyết đối với các quyền và lợi ích của mình tại Biển Đông, đồng thời cũng bổ sung thêm một chiều hướng mới cho các tranh chấp lãnh thổ đang diễn ra trong khu vực và có khả năng ảnh hưởng đến các hành động và phản ứng của các quốc gia có yêu sách khác. Tuy vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc, tinh thần đối thoại và hợp tác của Việt Nam và Philippines trong thời điểm này có thể mở ra cơ hội cho việc giải quyết tranh chấp hòa bình thông qua các biện pháp pháp lý và ngoại giao, qua đó nhấn mạnh vai trò của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, trong duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững tại Biển Đông.
Tài liệu tham khảo:
[1] CLCS là một cơ quan chuyên môn (expert body) gồm 21 chuyên gia trong lĩnh vực khoa học tự nhiên như địa chất học, địa vật lý, thủy văn học, được thành lập theo Điều 76(8) và Phụ lục II của UNCLOS, có chức năng xem xét đệ trình của các quốc gia và đưa ra khuyến nghị về các vấn đề liên quan đến xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa mở rộng.
[2] TTXVN. (2024). Việt Nam nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở Khu vực Giữa Biển Đông. Báo tin tức. Retrieved August 1, 2024, from https://baotintuc.vn/thoi-su/viet-nam-nop-de-trinh-ranh-gioi-them-luc-dia-mo-rong-ngoai-200-hai-ly-o-khu-vuc-giua-bien-dong-20240718060429860.htm
[3] Partial submission in respect of Vietnam’s extended continental shelf: Central Area (VNM-C), Part I – Executive Summary, Socialist Republic Of Vietnam, April 2009, pp.2.
[4] Fixed point from Foot of Slope + 60M arc: Điểm màu xanh lục trên bản đồ minh hoạ
[5] Partial submission in respect of Vietnam’s extended continental shelf: Central Area (VNM-C), Part I – Executive Summary, Socialist Republic Of Vietnam, April 2009, pp.5.
[6] Joint Submission to the Commission on the Limits of the Continental Shelf in respect of the southern part of the South China Sea, Part I-Executive Summary, Malaysia and the Socialist Republic of Vietnam, May 2009, pp.27
[7] Partial submission in respect of Vietnam’s extended continental shelf: Central Area (VNM-C), Part I – Executive Summary, Socialist Republic Of Vietnam, April 2009, pp.2.
[8] Việt Nam nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở Khu vực Giữa Biển Đông. (2024). Ban Dân vận Trung ương. Retrieved August 1, 2024, from http://www.danvan.vn/Home/Bien-dao-Viet-Nam/18488/Viet-Nam-nop-De-trinh-Ranh-gioi-them-luc-dia-mo-rong-ngoai-200-hai-ly-o-Khu-vuc-Giua-Bien-Dong
[9] STATEMENT ON VIET NAM’S UNILATERAL SUBMISSION OF EXTENDED CONTINENTAL SHELF, The Embassy of the Philippines in Singapore, July 2024, Retrieved August 3, 2024, from https://www.philippine- embassy.org.sg/statement-on-viet-nams-unilateral-submission-of-extended-continental-shelf/
[10] Nguyen, P., Schmollinger, C., & Singleton, S. (2024). Vietnam files UN claim to extended continental shelf in South China Sea. Reuters. Retrieved August 1, 2024, from https://www.reuters.com/world/asia-pacific/vietnam-files-un-claim-extended-continental-shelf-south-china-sea-2024-07-18/
[11] Theo cách gọi của Trung Quốc chỉ Quần đảo Trường Sa
[12] Foreign Ministry Spokesperson Lin Jian’s Regular Press Conference on July 18, 2024. (2024). Ministry of Foreign Affairs The People’s Republic of China. Retrieved August 1, 2024, from https://www.fmprc.gov.cn/eng/xwfw_665399/s2510_665401/2511_665403/202407/t20240718_11456267.html
[13] A Partial Submission of Data and Information on the Outer Limits of the Continental Shelf of the Republic of the Philippines in the West Palawan region Pursuant, The Republic of the Philippines, June 2024.
[14] Chen, A. (2024). China urges UN not to consider Philippine bid to extend continental shelf. South China Morning Post. Retrieved August 1, 2024, from https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3267698/south-china-sea-beijing-urges- un-not-consider-philippine-request-extend-continental-shelf
[15] Bao gồm Đông Sa, Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), Nam Sa (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và Trung Sa (bãi ngầm Macclesfield)
[16] Việt Nam trao đổi trước với các nước về việc nộp đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng. (2024). VOV. Retrieved August 1, 2024, from https://vov.vn/chinh-tri/viet-nam-trao-doi-truoc-voi-cac-nuoc-ve-viec-nop-de-trinh-ranh-gioi-them-luc-dia-mo-rong-post1108694.vov
[17] Duy, L. (2024). Đệ trình thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông: Việt Nam đã thông báo cho các nước. Báo Tuổi Trẻ. Retrieved August 1, 2024, from https://tuoitre.vn/de-trinh-them-luc-dia-mo-rong-o-bien-dong-viet-nam-da-thong-bao-cho-cac-nuoc- 20240718165629078.htm
[18] TTXVN. (2024). Việt Nam nộp đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ở khu vực giữa Biển Đông. Báo Tuổi Trẻ. Retrieved August 1, 2024, from https://tuoitre.vn/viet-nam-nop-de-trinh-ranh-gioi-them-luc-dia-mo-rong-o-khu-vuc-giua-bien-dong- 2024071806320361.htm
[19] Nguyen, P., Schmollinger, C., & Singleton, S. (2024). Vietnam files UN claim to extended continental shelf in South China Sea. Reuters. Retrieved August 1, 2024, from https://www.reuters.com/world/asia-pacific/vietnam-files-un-claim-extended-conti nental-shelf-south-china-sea-2024-07-18/
[20] Chinese FM strongly opposes Vietnam’s unilateral claims on the South China Sea. (2024). Global Times. https://www.globaltimes.cn/page/202407/1316284.shtml
[21] Trần Hữu Duy Minh, Nghĩa vụ trong vùng biển chồng lấn đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Số 5(325), tháng 5/2015.
[22] Đoạn 86, Kết luận tại đoạn 77-79. Phán quyết của Tòa ICJ ngày 13.07.2023 trong Vụ phân định thềm lục địa ngoài 200 hải lý tính từ bờ biển Nicaragua giữa Nicaragua và Colombia.
[23] Partial submission in respect of Vietnam’s extended continental shelf: Central Area (VNM-C), Part I – Executive Summary, Socialist Republic Of Vietnam, April 2009, pp.2.
[24] Tuấn, D. (2024). Các nước tôn trọng quyền của Việt Nam về việc nộp đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng. Báo Điện tử Chính phủ. Retrieved August 1, 2024, from https://baochinhphu.vn/cac-nuoc-ton-trong-quyen-cua-viet-nam-ve-viec-nop-de-trinh-ranh-gioi-them-luc-dia-mo-rong-102240718163758638.htm
[25] Lưu ý là điều này không mở rộng chủ quyền hoặc quyền tài phán của Việt Nam đối với cột nước hoặc không phận phía trên thềm lục địa mở rộng.