Tổng quan các sự kiện quốc tế trong năm 2022 (Kỳ 2)

Tags: Trung Quốc, Nga – Ukraine, Mỹ

5. Tầm cao mới trong căng thẳng Mỹ-Trung

Quan hệ song phương Mỹ-Trung Quốc, vốn được xem là một trong những mối quan hệ liên quốc gia có vai trò và độ phức tạp hàng đầu đã tiếp tục duy trì ở tình thế căng thẳng trong năm 2022. Trong đó, cần phải nhấn mạnh bản chất cạnh tranh mang tính tổng hợp và đa diện của mối quan hệ, vốn đã trở thành truyền thống đặc trưng của quan hệ Mỹ-Trung trong 43 năm (1979-2022). Trong giai đoạn 2018-2022, quan hệ song phương này từ tình trạng cạnh tranh âm ỉ đã nhường chỗ cho những biểu hiện công khai hơn của bản chất đa diện: Đối địch, hòa hoãn và hợp tác cùng tồn tại song hành. Cũng trong giai đoạn này, sự cạnh tranh trong mối quan hệ Mỹ-Trung cũng mang tính chất của cuộc cạnh tranh cường quốc, với tính tổng hợp từ nhiều mặt trận như: Ngoại giao, an ninh, thương mại, công nghệ, văn hóa bản sắc,… Năm 2022 đã đánh dấu bước chuyển mới trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc với nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Joe Biden, xen kẽ với những tác động của nhiều vấn đề, sự kiện quốc tế nổi bật khác.

Tháng 2/2022, chính phủ Mỹ và một số các quốc gia như Anh, Úc, Australia đã thực thi các tuyên bố tẩy chay sự kiện Olympic mùa đông Bắc Kinh 2022 thông qua con đường ngoại giao. Cụ thể, cơ quan ngoại giao của các nước này, vào cuối năm 2021, khẳng định rằng sẽ không gửi các phái đoàn nước mình đến Trung Quốc như là một cách để phản đối chính phủ. Một trong số những lý do lớn được các nước đưa ra xoay quanh vấn đề đảm bảo nhân quyền tại Trung Quốc. Trước đó, các quốc gia, dẫn đầu là Mỹ đã đưa ra nhiều cáo buộc và các tài liệu (trước LHQ) về hành xử của chính quyền trung ương và địa phương đối với các dân tộc thiểu số và các nhóm bất đồng chính kiến.[1] Phản ứng lại các quyết định tẩy chay, chính phủ Trung Quốc tố cáo Mỹ và các nước đang cố gắng “chính trị hóa thể thao” và gia tăng căng thẳng không cần thiết. Bên cạnh đó, Bộ ngoại giao Trung Quốc cũng cảnh báo sẽ đưa ra “các biện pháp đáp trả”, nhưng không cho biết cụ thể hơn.[2] Thực thi nhân quyền là một trong những vấn đề nhạy cảm và kéo dài trong suốt chiều dài quan hệ Mỹ-Trung Quốc. Giới chức (và công chúng) tại Mỹ và phương Tây thường xuyên lên tiếng với Trung Quốc trong việc yêu cầu nước này phải tuân thủ và minh bạch hóa các nguyên tắc nhân quyền như là điều kiện để thúc đẩy các hợp tác song/đa phương. Trung Quốc đã liên tục bác bỏ các chỉ trích và duy trì khẳng định về các tiêu chí dân chủ đã và đang được thực thi. Trong những năm gần đây, Trung Quốc cũng đã có những động thái “phản công chủ động” khi tăng cường nỗ lực để tái định nghĩa lại các tiêu chí nhân quyền, bên cạnh đó mở rộng những chỉ trích về tình hình nhân quyền tại Mỹ và phương Tây nói chung.[3] [4]

Tháng 3/2022, căng thẳng trong quan hệ song phương tiếp tục leo thang liên quan đến cách hành xử với Nga trong cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine diễn ra vào tháng hai. Sự khác nhau về lập trường và động thái của hai nước đối với cuộc chiến tiếp tục là nguồn cơn căng thẳng mới. Xuyên suốt thời điểm diễn ra “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine, chính phủ Trung Quốc tiếp tục các nỗ lực nhằm củng cố quan hệ với Nga. Chính phủ Trung Quốc cũng đã duy trì quan điểm chính thức “của bên thứ ba”, không chỉ trích cũng không ủng hộ quyết định quân sự của tổng thống Nga Putin. Ngày 18/3/2022, trong một cuộc hội đàm trực tuyến với Tổng thống Joe Biden, Chủ tịch Tập Cận Bình đã bày tỏ sự không đồng tình đến với các chính sách tăng cường cấm vận Nga của Mỹ và phương Tây.[5] Bên cạnh đó, trong cuộc hội đàm trực tiếp với Tổng thống Putin vào tháng chín tại Uzbekistan, Chủ tịch Trung Quốc đã bày tỏ sự “thấu hiểu” đối với các lo ngại an ninh của Nga tại Ukraine, vốn là một trong những lý do được Nga đưa ra vào khởi đầu cuộc xung đột.[6] Trong khi đó, giới truyền thông và các quan chức Trung Quốc tiếp tục bày tỏ quan điểm chỉ trích mạnh mẽ hơn với phương Tây, kể cả việc “ám chỉ” vai trò và trách nhiệm của nước Mỹ trong việc làm khởi phát các bất ổn an ninh tại châu Âu.[7] Với nước Mỹ, việc Trung Quốc có thái độ trung hòa hoặc “ủng hộ Nga” trong xung đột với Ukraine có thể làm suy yếu năng lực của Mỹ và các nước phương Tây trong mục tiêu kiểm soát ông Putin. Trong cuộc hội đàm với người đồng cấp vào tháng ba, Tổng thống Biden bày tỏ sự cứng rắn bằng cách đưa ra cảnh báo về “các hậu quả” nếu Trung Quốc có bất kỳ sự ủng hộ nào với cuộc xung đột do Nga khơi màu.[8] Theo các giới chức Mỹ, kể từ đầu cuộc chiến, Nga đã nhiều lần tiếp cận để kêu gọi sự hỗ trợ và ủng hộ của Trung Quốc đối với cuộc xung đột và nước này đã và đang tìm cách để liên kết với Nga trên nhiều mặt mà không đánh động phản ứng đón đầu từ nước Mỹ.[9] [10]

Năm 2022 tiếp tục là thời điểm quan trọng trong lịch sử quan hệ Mỹ-Trung Quốc với việc Tổng thống Biden đưa ra một khuôn khổ chiến lược toàn diện về quan hệ với Trung Quốc. Ngày 26/5, trong bài phát biểu trước đại học George Washington, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lần đầu cung cấp chi tiết những nội dung quan trọng của chiến lược trên. “Bài phát biểu Blinken” chỉ ra ba cột trụ quan trọng nhằm xây dựng chính sách đối ngoại có năng lực đối với Trung Quốc của Mỹ. Những “cột trụ” ấy bao gồm: (1) Tăng cường tính cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ, đặc biệt ở các lĩnh vực công nghệ, cơ sở hạ tầng, các ngành công nghiệp trọng điểm vào thời kỳ mới; (2) Sự quay trở lại của nước Mỹ trên trường quốc tế, tăng cường liên kết với các đồng minh và nhiều quốc gia để đối phó với các hành động “gây hấn” của Trung Quốc; (3) Xem việc cạnh tranh với Trung Quốc làm trọng tâm trong chính sách đối ngoại Mỹ vào thời gian tới.[11] Bài phát biểu phản ánh bước chuyển chiến lược trong nhận thức của Mỹ về Trung Quốc – một “thách thức dài hạn hệ trọng nhất đối với trật tự quốc tế”, bất chấp cuộc chiến giữa Nga và Ukraine bước sang những giai đoạn hết sức cao trào. Bên cạnh đó, bài phát biểu Blinken còn cho thấy nhìn nhận của chính phủ Mỹ về một hình thức cạnh tranh cường quốc mới, với quyết tâm không để leo thang thành xung đột vũ trang hay một hình thức “Chiến tranh lạnh” khác.[12] Phản ứng trước bài phát biểu của ông Blinken, ngày 27/5, Bộ ngoại giao Trung Quốc chỉ trích quan điểm và góc nhìn của Mỹ là động thái phổ biến “thông tin sai lệch”, tiếp tục tái khẳng định các cam kết của Trung Quốc đối với luật pháp quốc tế. Trong đó, nước này cho rằng nội hàm của bài phát biểu không những gây hiểu lầm, mà còn là sự đánh đồng giữa các vấn đề đối nội và đối ngoại của Trung Quốc là vấn đề quốc tế. Bên cạnh đó, Trung Quốc chỉ trích ý niệm của Mỹ về một “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” là việc sáng kiến và áp dụng một cách thiên vị luật pháp quốc tế theo lợi ích nhóm, là nguồn cơn của những bất ổn quốc tế mà nước Mỹ đang gánh chịu.[13]

Cũng trong năm 2022, tình hình xung quanh eo biển Đài Loan tiếp tục chuyển biến theo chiều hướng phức tạp hóa theo sau động thái leo thang mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngày 2/8, Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi bắt đầu chuyến công du ngắn đến Đài Bắc – thành phố thủ phủ của Đài Loan. Tại đây, phái đoàn của bà Pelosi, gồm các nghị sĩ và hạ nghị sĩ cấp cao của đảng Dân chủ và Cộng hòa đã có chuyến tiếp xúc với các quan chức chính phủ và lập pháp cấp cao của vùng lãnh thổ. Với cương nhiệm là Chủ tịch Hạ viện, bà Pelosi là quan chức cao cấp nhất của Mỹ đến Đài Loan trong suốt 25 năm.[14] Trong những năm gần đây, Mỹ không ngừng thúc đẩy số lượng các chuyến viếng thăm, trao đổi quan chức đến đảo Đài Loan nhằm chứng minh các cam kết của nước này đối với việc kiểm soát thực trạng xung quanh eo biển.[15] Từ năm 1949, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) không ngừng nỗ lực để phủ nhận sự tồn tại của một chính phủ tàn dư Trung Hoa Dân Quốc tại đảo Đài Loan. Từ năm 1972, Mỹ cam kết thực hiện chính sách “Một Trung Quốc”, chuyển dịch trọng tâm quan hệ với Trung Quốc từ Đài Bắc sang Bắc Kinh.[16] Tuy vậy, Đài Loan tiếp tục trở thành một vấn đề nhạy cảm trong quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ vì sự khác biệt về lập trường và quan điểm về tương lai của vùng lãnh thổ. Trong những năm gần đây, Mỹ cáo buộc Trung Quốc tăng cường những nỗ lực kinh tế, ngoại giao và quân sự nhằm cô lập hóa Đài Loan, từng bước phá vỡ hiện trạng chính trị-an ninh ở khu vực.[17] Phản ứng với chuyến thăm của bà Pelosi vào tháng tám, Trung Quốc cũng chỉ trích Mỹ “phá vỡ hiện trạng xung quanh eo biển Đài Loan” và “đẩy quan hệ song phương Mỹ-Trung lên mức căng thẳng mới”.[18] Bên cạnh đó, quân đội Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận tổng hợp quy mô lớn nhất xung quanh vùng lãnh hải và vùng DMZ của Đài Loan, đẩy tình thế an ninh khu vực sang một mức độ rủi ro cao hơn.[19]

Đối mặt với sự leo thang căng thẳng ngày càng mất kiểm soát, tháng 11/2022 chứng kiến nỗ lực của giới lãnh đạo hai nước Mỹ, Trung Quốc nhằm hạ nhiệt căng thẳng. Bên lề hội nghị G20 tại Indonesia, Tổng thống Mỹ Biden đã có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với người đồng cấp Tập Cận Bình. Hai lãnh đạo bày tỏ mong muốn giảm căng thẳng song phương và tăng cường các nỗ lực ngoại giao, đặc biệt là khôi phục lại các chuỗi đàm phán về biến đổi khí hậu bị hoãn lại vào tháng tám. Tổng thống Biden tiếp tục bày tỏ quan điểm cứng rắn của mình với Trung Quốc, nhưng khẳng định không tìm kiếm bất bỳ cuộc xung đột nào với nước này.[20] Bên cạnh đó, Chủ tịch Tập Cận Bình trong buổi hội đàm cũng bày tỏ mong muốn hai bên tìm được “lối đi chung hợp lý” cho quan hệ song phương.[21] Theo thông cáo từ Nhà Trắng, lãnh đạo hai bên trong cuộc hội đàm cũng đã tiếp tục trao đổi về tình hình chiến sự và an ninh hạt nhân tại Ukraine. Trong khi đó, theo thông cáo từ Bộ ngoại giao Trung Quốc, lãnh đạo hai bên đã trao đổi thẳng thắng về bản chất tình hình tại Đài Loan, nguyên tắc của Trung Quốc về các vấn đề quốc nội, cam kết với nhân quyền và nguyên tắc dân chủ trên quan điểm của Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc tôn trọng những giá trị về kinh tế-chính trị-xã hội của nước Mỹ và mong muốn nước Mỹ cũng như vậy. Ông cho rằng, cạnh tranh giữa hai nước nên trên tinh thần tích cực, tiến bộ và hiện trạng hiện tại trong quan hệ hai nước rất cần được cải thiện cho các mục tiêu này.

6. An ninh Đông Bắc Á với những diễn biến phức tạp

Suốt nhiều năm qua, hiến pháp Nhật Bản giới hạn phạm vi hoạt động của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF). Nổi bật nhất là việc điều 9 của Hiến pháp nước này không cho phép lực lượng phòng vệ được tuyên chiến. Tuy nhiên trên thực tế, Nhật Bản những năm qua đã không ngừng mở rộng hoạt động của JSDF cũng như tăng cường ảnh hưởng quân sự trong khu vực. Một khu vực Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương đang phát triển đòi hỏi sự linh hoạt hơn so với hiến pháp ban đầu. Các mối đe dọa do những đối thủ trong khu vực gây ra cũng như kế hoạch mở rộng công nghiệp – quân sự và ngân sách quốc phòng của Nhật Bản cho thấy rằng nước này đang ngày càng trở nên có khả năng triển khai vũ lực hơn. Sau khi ông Abe Shinzo qua đời, đảng Dân chủ Tự do (LDP) đã giành chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử thượng viện. Vì thế, việc Nhật Bản sửa đổi hiến pháp để tăng cường vai trò của JSDF nhận được rất nhiều sự quan tâm. Cụ thể, lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ được tái tổ chức, với Lực lượng phòng vệ mặt đất, trên biển, trên không sẽ được đặt bên dưới một bộ tư lệnh chung, nhằm phản ứng nhanh chóng trong trường hợp khẩn cấp, theo báo Nikkei Asia. JSDF sẽ được tái cấu trúc trở thành Lực lượng Quốc phòng với năng lực mới trong các lĩnh vực như mạng, không gian và điện từ, để đảm bảo có thể đáp ứng các thách thức mới trong thế kỷ 21, trong đó, Nhật Bản nhất thiết phải có lực lượng không quân ưu việt và năng lực phòng thủ với tên lửa tầm xa siêu vượt âm để ngăn chặn tên lửa đạn đạo của đối phương.

Cũng trong khu vực này, Triều Tiên đã thực hiện số vụ phóng tên lửa nhiều kỷ lục trong năm 2022, đồng thời tuyên bố một loạt các vụ phóng những ngày đầu tháng 11 là để đáp trả cuộc tập trận Vigilant Storm của Mỹ và Hàn Quốc. Hàn Quốc cho biết Triều Tiên ngày 2/11 đã phóng đi ít nhất 23 tên lửa chỉ trong một ngày – một tần suất cao chưa từng có. Theo hãng tin Yonhap, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã bắn thêm 3 tên lửa đạn đạo tầm ngắn về vùng biển phía Đông vào đêm 3/11. Trước đó cùng ngày, Hàn Quốc và Mỹ đã quyết định gia hạn cuộc tập trận không quân chung đáp trả việc Triều Tiên bắn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, ICBM có quỹ đạo tiềm năng qua nước này, tuy nhiên đã biến mất trên biển Nhật Bản. Cũng trong ngày 3/11, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đưa tin Triều Tiên đã bắn hơn 80 loạt đạn pháo ra khu vực ranh giới trên biển giữa 2 nước. Phía Hàn Quốc cáo buộc động thái này của Triều Tiên đã vi phạm Thỏa thuận Liên Triều được ký vào năm 2018. Để đáp trả vụ phóng tên lửa ồ ạt này của Triều Tiên, các máy bay chiến đấu Hàn Quốc đã bắn 3 tên lửa không đối đất vào vùng biển phía Bắc đường giới hạn NLL, ranh giới quy ước trên biển mà liên quân Mỹ và Hàn Quốc vạch ra. Hoạt động quân sự của các bên khiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang. Triều Tiên nhiều lần phóng tên lửa với lý do đáp trả các cuộc tập trận của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong khi đó, Mỹ và đồng minh lên án các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, coi đó là hành động khiêu khích và gây bất ổn, đồng thời tăng cường tập trận chung.

Trên biển Hoa Đông, Quân đội Nga và Trung Quốc bắt đầu tiến hành cuộc tập trận hải quân chung mang tên Tương tác Hải quân – 2022 từ ngày 21/12  đến ngày 27/12, trong đó có các nội dung bắn pháo và tên lửa. Nga và Trung Quốc từng một số lần tổ chức các cuộc tập trận chung trên biển và thường xuyên tiến hành các cuộc tuần tra hàng không chiến lược chung ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Theo thông cáo trước đó, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định cuộc tập trận nhằm mục tiêu “tăng cường hợp tác hải quân giữa hai nước Nga-Trung Quốc, hướng tới duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”. Tuy nhiên, cuộc tập trận được xem là hành động quân sự mang tính chất răn đe của Nga và Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng giữa 2 nước này với Mỹ và phương Tây chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Bên cạnh đó, Nga và Nhật vẫn trong giai đoạn tranh chấp quần đảo Sakhalin. Trung Quốc từ lâu đã xem sự hiện diện của Mỹ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương là mối đe dọa an ninh trực tiếp, vì vậy đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn, thậm chí chủ động tăng cường quan hệ ngoại giao, an ninh với các quốc gia trong vùng Thái Bình Dương để hạn chế ảnh hưởng của Mỹ và đồng minh.

Trong không khí đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, Đài Loan trong năm 2022 được xem là một điểm nóng. Hòn đảo tự trị này là nơi đóng góp đáng kể trong việc sản xuất chip bán dẫn – thành phần quan trọng trong việc sản xuất thiết bị công nghệ nói chung và có thể là công cụ quan trọng trong việc thống trị thị trường công nghệ thế giới. Theo đó, điều này đã khiến cho cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung trở nên căng thẳng hơn trước sự hấp dẫn của tiềm năng về chip bán dẫn ở Đài Loan. Với Trung Quốc, theo bà Jade Guan, sự pha trộn mạnh mẽ giữa lịch sử, chủ nghĩa dân tộc và tính chính danh của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã giải thích lý do tại sao nước này tích cực thúc đẩy chính sách “Một Trung Quốc”.[22] Đối với Mỹ, việc ngăn Trung Quốc tiếp cận Đài Loan có thể được coi là một phần trong việc giữ vững vị trí đứng đầu của Mỹ về kinh tế và quân sự trong trật tự thế giới.[23] Chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan trong tháng 8/2022 vừa qua đã khiến vấn đề Đài Loan trở nên căng thẳng hơn. Động thái này từ phía Mỹ khiến Trung Quốc ngay sau đó thực hiện các cuộc tập trận. Quân đội Trung Quốc đã bắn tên lửa qua Đài Bắc lần đầu tiên, cho từng đợt máy bay không người lái bay trên một số đảo ngoài khơi của Đài Loan gần bờ biển Trung Quốc.[24] Kể từ chuyến thăm của bà Pelosi diễn ra, Trung Quốc vẫn tiếp tục các hoạt động quân sự gần Đài Loan, mặc dù ở quy mô nhỏ hơn. Trong khi đó, hòn đảo tự trị tiếp tục tăng cường phòng thủ. Vào tháng 10 tại Đại hội Đảng lần thứ XX của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cho biết ông sẽ “cố gắng đạt được viễn cảnh thống nhất hòa bình với sự chân thành và nỗ lực lớn nhất”. Tuy nhiên, vẫn chưa biết phía Trung Quốc sẽ can thiệp vấn đề Đài Loan bằng biện pháp hoà bình hay bằng vũ lực trong tương lai. Ông Kevin Rudd – Nguyên Thủ tướng Úc cho biết rằng nếu xung đột tại Đài Loan thật sự xảy ra, nó còn nghiêm trọng hơn những gì đang diễn ra tại Ukraine: “”Đây sẽ là một cuộc chiến tổng thể liên quan đến ít nhất ba hoặc bốn quốc gia, trong đó có ba nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Thứ hai, hàng chục, nếu không nói là hàng trăm ngàn thường dân Đài Loan cùng các các chiến binh Mỹ và Trung Quốc không rõ danh tính thiệt mạng. Và cuối cùng là sự sụp đổ của nền kinh tế toàn cầu”.[25]

7. Mỹ và những chuyển biến mới trong mối quan hệ với các nước khu vực Trung Đông

Chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tới Trung Đông nhằm trấn an các đồng minh trong khu vực vào thời điểm mà câu chuyện Mỹ đang rút khỏi Trung Đông và bỏ rơi các đồng minh của mình đang trở nên được quan tâm. Hàng loạt bằng chứng mà các quốc gia Trung Đông chỉ ra bao gồm chính sách “xoay trục sang châu Á” của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama. Quan điểm này đã được khẳng định lại bằng hành động và lời nói của người kế nhiệm Obama, ông Donald Trump rằng Mỹ “không còn cần” dầu mỏ ở Trung Đông nữa. Cuối cùng, việc thiếu sự hỗ trợ từ Tổng thống Joe Biden sau nhiều cuộc tấn công bằng tên lửa của Houthi vào Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất mà nổi bật nhất là cuộc tấn công vào Công ty Dầu mỏ Quốc gia Abu Dhabi (tháng 1/2022) đã khiến cho mối quan hệ giữa Mỹ và UAE xấu đi. Cuộc tấn công đó diễn ra chưa đầy sáu tháng sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, điều này càng làm cho các quốc gia Trung Đông dấy lên câu hỏi về độ tin cậy của Mỹ với tư cách là một đối tác. Tuy nhiên, theo Mỹ và các nhà hoạch định chính sách của nước này, Trung Đông vẫn là ưu tiên hàng đầu. Ngày 16/7, phát biểu tại một hội nghị thượng đỉnh ở thành phố Jeddah của Saudi Arabia, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục có ảnh hưởng tới khu vực này. Các quan chức an ninh quốc gia Mỹ nhấn mạnh rằng việc chuyển trọng tâm sang châu Á đã kéo dài hàng thập kỷ nay, chủ yếu là Trung Quốc, không có nghĩa là coi thường Trung Đông, mà đơn giản là cần phải cân bằng tốt hơn các nỗ lực kinh tế và an ninh của Mỹ. Tương lai của mối quan hệ giữa Mỹ với Trung Đông sẽ xoay quanh việc làm thế nào để cân bằng lâu dài. Sau nhiều thập kỷ, các nhà lãnh đạo Ả Rập biết rằng khu vực của họ là ưu tiên lớn hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới đối với Mỹ. Để làm như vậy đòi hỏi phải phát triển sự gắn kết, tin tưởng và đảm bảo tốt hơn giữa các đối tác Mỹ và Ả Rập, được hỗ trợ không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động, bao gồm cung cấp hỗ trợ kinh tế, chính trị, an ninh và công nghệ của Mỹ.[26]

8. Quan hệ EU-ASEAN-Mỹ (các hội nghị quốc tế kỷ niệm quan hệ trong năm 2022)

(1) Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 45 năm Quan hệ ASEAN – EU

Trong các ngày 13-14/12/2022, Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 45 năm Quan hệ ASEAN – EU đã diễn ra tại Brussels, Vương quốc Bỉ, với sự tham dự của Lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN và EU. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel và Chủ tịch ASEAN 2022, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, đồng chủ trì hội nghị. Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 45 năm Quan hệ ASEAN – EU diễn ra trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến nhiều biến động, thách thức mang tính toàn cầu, quan hệ hợp tác kinh tế ASEAN – EU cũng đang được thúc đẩy hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo EU và ASEAN đã tái khẳng định quan hệ đối tác dựa trên các giá trị và nguyên tắc chung như trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ nghĩa đa phương hiệu quả và bền vững. Đây cũng là sự kiện ghi nhận quyết định của Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-EU lần thứ 23 vào năm 2020 nâng Quan hệ Đối thoại ASEAN-EU lên Đối tác Chiến lược. Hội nghị được đánh giá là sự kiện quan trọng, thu hút sự tham gia của Hiệp hội Doanh nghiệp ASEAN – EU và nhiều doanh nghiệp lớn, các tập đoàn đa quốc gia vào các hoạt động diễn ra bên lề. ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU bên ngoài châu Âu, sau Mỹ và Trung Quốc. Trong tuyên bố, các nhà lãnh đạo bày tỏ quyết tâm tiếp tục hợp tác kinh tế mạnh mẽ cũng như thúc đẩy thương mại và đầu tư bền vững, toàn diện.[27][28]

(2) Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ 2022 thông qua Tuyên bố tầm nhìn chung

Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Mỹ đã họp Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ tại Washington, DC vào ngày 12-13/5/2022. Sự kiện được tổ chức vào năm ASEAN và Mỹ cùng kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ. Đây là dịp tái khẳng định cam kết chính trị của đôi bên về tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ ASEAN-Mỹ trong bối cảnh khu vực và thế giới đang có nhiều biến động phức tạp, khó lường dẫn đến những hệ lụy tiêu cực đối với trật tự quốc tế, kinh tế thế giới và chuỗi cung ứng toàn cầu… Đồng thời, là cơ hội để hai bên thúc đẩy quan hệ song phương, tìm giải pháp cho các thách thức chung. Cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ với các nhà lãnh đạo ASEAN được kỳ vọng mở những định hướng mới về hợp tác dài hạn, nâng tầm quan hệ với các sáng kiến cụ thể và thực chất. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, từ đại dịch Covid-19 đến những bất ổn ở châu  Âu, lạm phát gia tăng, nhưng hội nghị vẫn được tổ chức, điều này cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ-ASEAN với sự phát triển của mỗi bên. Tổng thống Joe Biden gọi đây là một hội nghị lịch sử, sẽ mở ra một “kỷ nguyên mới” trong quan hệ Mỹ-ASEAN. Kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ, hai bên cam kết nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, ngang tầm quan hệ giữa ASEAN với Trung Quốc và Australia. Hội nghị thượng đỉnh cũng là lần đầu tiên Mỹ tiếp đón các nhà lãnh đạo ASEAN tại Washington, DC. Điều này giúp họ gặp gỡ không chỉ với Tổng thống Biden và các quan chức Bộ Ngoại giao mà còn với Phó Tổng thống Kamala Harris, sáu thành viên nội các, lãnh đạo quốc hội, giám đốc điều hành công ty và các nhà lãnh đạo xã hội dân sự. Vào thời điểm Đông Nam Á trở thành tâm điểm của cạnh tranh Mỹ-Trung, chính quyền Biden đã tìm cách trấn an các quốc gia ASEAN rằng Mỹ cam kết với khu vực và nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN. Triệu tập hội nghị thượng đỉnh trong cuộc chiến của Nga-Ukraine và các cuộc thảo luận về việc mở rộng NATO đã cho phép Washington chứng minh rằng họ có thể duy trì sự tập trung vào ASEAN bất chấp yêu cầu về sự chú ý của Mỹ ở những nơi khác trên thế giới.[29] [30] [31]

9. Hợp tác đa phương về kinh tế và tăng trưởng xanh: G20, COP27

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20 sáng 15/11, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh ông muốn hội nghị lần này phải thành công, không được thất bại bởi cả thế giới đang trông chờ những tin tốt từ Bali. Theo tuyên bố từ Bali, hội nghị được tổ chức vào thời điểm xảy ra những cuộc khủng hoảng đa chiều chưa từng có. Đặc biệt trong năm nay, thế giới còn chứng kiến ​​cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục tác động xấu đến nền kinh tế toàn cầu, hầu hết các thành viên lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine và nhấn mạnh rằng nó đang gây ra đau khổ to lớn cho con người – kìm hãm tăng trưởng, gia tăng lạm phát, phá vỡ chuỗi cung ứng, làm gia tăng sự mất an ninh lương thực và năng lượng, làm tăng rủi ro ổn định tài chính. Vào thời điểm quan trọng hiện nay đối với nền kinh tế toàn cầu, điều cần thiết là G20 phải thực hiện các hành động rõ ràng, chính xác, nhanh chóng và cần thiết, sử dụng tất cả các công cụ chính sách hiện có để giải quyết các thách thức chung, bao gồm thông qua hợp tác chính sách vĩ mô quốc tế và hợp tác cụ thể. Nhận thức được tác động của đại dịch COVID-19 đối với mọi khía cạnh của xã hội và sự thiếu năng lực của nhiều quốc gia trong việc giải quyết khủng hoảng, Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 năm 2022, được triệu tập dưới sự chủ trì của Tổng thống Indonesia tập trung vào ba trụ cột: kiến trúc y tế toàn cầu; chuyển đổi năng lượng bền vững và chuyển đổi kỹ thuật số. Thông qua các trụ cột này, Indonesia đặt mục tiêu tiếp tục đi đầu trong việc đảm bảo tiếp cận bình đẳng với vắc xin COVID-19, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và toàn diện. Trước đó, Bộ trưởng Giáo dục, Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia Nadiem Anwar Makarim đã tái khẳng định cam kết lâu dài của G20 trong việc cùng nhau phục hồi lĩnh vực giáo dục toàn cầu và thúc đẩy bình đẳng trong giáo dục. Các nước G20 cam kết thúc đẩy học tập suốt đời cho tất cả học sinh, tạo điều kiện cho tất cả mọi người vươn lên trong cuộc sống, góp phần tạo ra một xã hội bình đẳng, hòa nhập và bền vững hơn. Tại hội nghị, Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Y tế các nước thành viên G20, khách mời và các tổ chức quốc tế đã thảo luận và cập nhật tiến độ của Quỹ trung gian tài chính cũng như trao đổi việc xây dựng các thỏa thuận phối hợp giữa các Bộ Tài chính và Y tế để chuẩn bị, phòng ngừa và ứng phó với đại dịch. Theo Bộ trưởng Tài chính Indonesia, bà Mulyani, trong năm 2023, lực lượng đặc nhiệm sẽ tiếp tục do Indonesia và Italy đồng chủ trì, đại diện cho G20 tiếp tục các nhiệm vụ chuyên môn và phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các tổ chức tài chính quốc tế và các tổ chức liên quan khác, cùng với sự hỗ trợ của Ấn Độ – nước đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên G20 trong năm 2023 – để triển khai lộ trình cụ thể được đưa ra tại hội nghị.[32] [33] Ngoài ra, cũng trong hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo đã thông qua một tuyên bố lên án hành động của Nga ở Ukraine “bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất” và yêu cầu nước này rút quân vô điều kiện. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, người dẫn đầu phái đoàn Nga tham dự hội nghị thượng đỉnh khi Tổng thống Vladimir Putin vắng mặt, đã lên án việc chính trị hóa cuộc họp. Bên cạnh đó, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng có những chuyển biến tốt hơn sau hội nghị, cụ thể  nhất là Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hiện có kế hoạch thăm Trung Quốc vào đầu năm tới, chuyến thăm cấp cao nhất của Hoa Kỳ tới Trung Quốc trong hơn 4 năm. Các nền kinh tế G20 đã thông qua tuyên bố tăng lãi suất một cách thận trọng để tránh tác động lan tỏa và cảnh báo về biến động gia tăng trong các động thái tiền tệ, một sự thay đổi lớn so với năm ngoái tập trung vào việc khắc phục những vết sẹo của đại dịch COVID-19.

Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu Thế giới COP27 được tổ chức tại Sharm El-Sheikh, Ai Cập từ ngày 6-18/11/2022 với sự tham dự của các phái đoàn đến từ 197 nước, hơn 120 nguyên thủ quốc gia và hơn 40.000 đại biểu khác. Đây là Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu có số lượng người tham gia đông đảo nhất từ trước đến nay, thảo luận và đàm phán về tình trạng hiện tại của Thỏa thuận Paris và Công ước khung về biến đổi khí hậu. Hội nghị COP27 là một tiến trình tiếp nối COP26, nhằm hiện thực hóa các cam kết của các nguyên thủ quốc gia và tăng cường hợp tác giữa các bên, cùng nhau thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu nhằm thực hiện cam kết đối phó với khủng hoảng khí hậu, năng lượng đang diễn ra rất phức tạp. Hội nghị đã kết thúc sau khi kéo dài thêm tới 2 ngày so với lịch trình ban đầu, đạt được một thỏa thuận mang tính bước ngoặt; song vẫn còn tồn tại một số điểm chưa thuyết phục và cũng chưa chắc tiến trình thực hiện sẽ diễn ra thế nào. Các tác động của đại dịch COVID-19 cũng như cuộc chiến tranh giữa Nga-Ukraine đối với nền kinh tế và chính sách năng lượng đang làm gia tăng các tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu, do đó làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói trên thế giới. Do đó, mục tiêu của COP27 là cộng đồng toàn cầu phải hợp tác với nhau trong hệ thống đa phương và tuân thủ mục tiêu 1,5 độ C. Giới hạn này rất quan trọng vì các nhà khoa học khí hậu cho rằng nhiệt độ tăng phải chậm lại và sự nóng lên toàn cầu cần phải được giữ ở mức 1,5 độ C vào năm 2100. Vì mục đích này, cần phải thúc đẩy giảm phát thải ngay lập tức trong tất cả các lĩnh vực và đẩy nhanh quá trình thay đổi toàn cầu trong chính sách năng lượng trước khi kết thúc thập kỷ này. Đồng thời, Đức, Liên minh châu Âu và các quốc gia công nghiệp phát triển khác phải tôn trọng trách nhiệm của mình và tăng cường hỗ trợ để đạt được các mục tiêu của. Hiệp định Paris 2015 ở các nước đang phát triển và mới nổi. Ngoài việc giảm lượng khí thải và mục tiêu 1,5 độ C, điều này còn bao gồm việc thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu cũng như đối phó với mất mát, thiệt hại và tài trợ cho việc thực hiện các mục tiêu này.[34]

IR Analytica


[1] Maizland, Lindsay (2021). The Debate Over Boycotting the 2022 Beijing Olympics. CFR. https://www.cfr.org/in-brief/debate-over-boycotting-2022-beijing-olympics

[2] (2021). U.S. officials to boycott Beijing Olympics over rights ‘atrocities’. Reuters. https://www.reuters.com/lifestyle/sports/us-officials-boycott-beijing-olympics-cnn-2021-12-06/

[3] Reuters (2016). China ramps up offensive against US on human rights record, accusing it of racism and fuelling terrorism. SPMC. https://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/1924579/china-ramps-offensive-against-us-human-rights-record

[4] Birtles, Bill (2021). China’s Communist Party wants its citizens to know about the world’s human rights abuses. Just not its own. ABC News. https://www.abc.net.au/news/2021-03-27/china-ramps-up-critcism-of-worlds-human-rights-abuses/100031004

[5] (2022). President Xi Jinping Has a Video Call with US President Joe Biden. FMPRC. https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/zxxx_662805/202203/t20220319_10653207.html

[6] Tass & Interfax (2022). Putin Acknowledges China’s Concerns Over Ukraine In First Meeting Since Invasion. RFE. https://www.rferl.org/a/russia-china-sco-meeting/32034928.html

[7] McCarthy, Simone (2022). As war breaks out in Europe, China blames the US. CNN. https://edition.cnn.com/2022/02/25/china/china-reaction-ukraine-russia-intl-hnk-mic/index.html

[8] (2022). Readout of President Joseph R. Biden Jr. Call with President Xi Jinping of the People’s Republic of China. The White House. https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2022/03/18/readout-of-president-joseph-r-biden-jr-call-with-president-xi-jinping-of-the-peoples-republic-of-china-2/

[9] (2022). Putin to Xi: Russia seeks to strengthen military ties with China. Al Jazeera. https://www.aljazeera.com/news/2022/12/30/russia-now-one-of-chinas-leading-suppliers-of-oil-and-gas-putin

[10] Kuo, Lily(2022). China keeps walking its tightrope between Russia and the West as tensions flare in Ukraine. The Washington Post. https://www.washingtonpost.com/world/2022/02/22/china-russia-ukraine-reaction/

[11] (2022). The Administration’s Approach to the People’s Republic of China. US Depertment of State. https://www.state.gov/the-administrations-approach-to-the-peoples-republic-of-china/

[12] Johnson, Ian (2022). Biden’s Grand China Strategy: Eloquent but Inadequate. CFR. https://www.cfr.org/in-brief/biden-china-blinken-speech-policy-grand-strategy

[13] (2022). Chinese Foreign Ministry Spokesperson: The Speech of Secretary Blinken Is to Spread Disinformation, Play up the So-called “China Threat”, Interfere in China’s Internal Affairs. US-China Embassy. http://us.china-embassy.gov.cn/eng/zmgx/zxxx/202205/t20220527_10693847.htm

[14] Riyaz ul Khaliq (2022). Taiwan receives first US House speaker in 25 years. Anadolu Agency https://www.aa.com.tr/en/asia-pacific/taiwan-receives-first-us-house-speaker-in-25-years/2651780

[15] Zheng, Sarah; Lindberg, Kari Soo (2022). US Lawmaker Visits to Taiwan Hit Decade High, Irking China. Bloomberg. https://www.bloomberg.com/news/articles/2022-09-07/more-us-lawmakers-visit-taiwan-as-shows-of-support-rise#xj4y7vzkg

[16] (1972). JOINT COMMUNIQUE BETWEEN THE UNITED STATES AND CHINA. Wilson Center archive. https://web.archive.org/web/20220722001126/https://digitalarchive.wilsoncenter.org/document/121325

[17] (2022). Blinken says China rejects status quo of Taiwan situation. Reuters. https://www.reuters.com/world/china-has-made-decision-put-more-pressure-taiwan-blinken-2022-10-26/

[18] Cao Desheng (2022). Pelosi’s Taiwan visit strongly condemned. China Daily. https://www.chinadaily.com.cn/a/202208/03/WS62e97a56a310fd2b29e6fe04.html

[19] Zach Schonfeld (2022). Taiwan: Chinese military drills violate island’s sovereignty. The Hill. https://thehill.com/homenews/house/3586073-taiwan-chinese-military-drills-violate-islands-sovereignty/

[20] (2022). Remarks by President Biden in a Press Conference | Bali, Indonesia. The White House. https://www.whitehouse.gov/briefing-room/speeches-remarks/2022/11/14/remarks-by-president-biden-in-a-press-conference-bali-indonesia/

[21] (2022). President Xi Jinping Meets with U.S. President Joe Biden in Bali. Ministry of Foreign Affairs of PRC. https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/zxxx_662805/202211/t20221114_10974686.html

[22] Jade, G. (n.d.). Why can’t Beijing renounce force against Taiwan? Lowy Institute. https://www.lowyinstitute.org/the-interpreter/why-can-t-beijing-renounce-force-against-taiwan

[23] Colby, E. A. (2022b, October 11). Why Protecting Taiwan Really Matters to the U.S. Time. https://time.com/6221072/why-protecting-taiwan-really-matters-to-the-u-s/

[24] Blanchard, B. (2022, December 12). China-Taiwan: why tensions are rising and what could happen in 2023. Reuters. https://www.reuters.com/world/asia-pacific/yearender-eye-storm-taiwan-centre-sino-us-tensions-2022-12-06/

[25] https://www.dw.com/en/china-and-the-us-on-collision-course-for-war-over-taiwan/a-64225119

[26] Panikoff, J. (12 July 2022). Shifting Priorities: The US and the Middle East In a Multipolar World. Italian Institute for International Political Studies. https://www.ispionline.it/en/pubblicazione/shifting-priorities-us-and-middle-east-multipolar-world-35692

[27] Bộ Công Thương Việt Nam (15 December 2022). Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 45 năm Quan hệ ASEAN – EU. https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/hoi-nghi-cap-cao-ky-niem-45-nam-quan-he-asean-eu.html

[28] European Council (14 December 2022). EU-ASEAN commemorative summit, 14 December 2022. https://www.consilium.europa.eu/en/meetings/international-summit/2022/12/14/

[29] Báo Quân đội nhân dân (14 May 2022). Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ 2022 thông qua Tuyên bố tầm nhìn chung. https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/hoi-nghi-cap-cao-dac-biet-asean-hoa-ky-2022-thong-qua-tuyen-bo-tam-nhin-chung-694438

[30] Trần Thị Xuân (8 December 2022). Sự kiện Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ và vai trò của Việt Nam. Tạp chí điện tử Lý luận chính trị. http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/quoc-te/item/4672-su-kien-hoi-nghi-cap-cao-dac-biet-asean-hoa-ky-va-vai-tro-cua-viet-nam.html

[31] Murphy, A. (23 May 2022). The 2022 U.S.-ASEAN Summit. A New Era in Relations? The National Bureau of Asian Research. https://www.nbr.org/publication/the-2022-u-s-asean-summit-a-new-era-in-relations/

[32] The White House (16 Nov 2022). G20 Bali Leaders’ Declaration. https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2022/11/16/g20-bali-leaders-declaration/

[33] SDG Knowledge Hub (15-16 Nov 2022). G20 Leaders’ Summit 2022. https://sdg.iisd.org/events/g20-leaders-summit-2022/

[34] International Climate Initiative (2022). UN Climate Change Conference 2022 (COP27) in Egypt. https://www.international-climate-initiative.com/en/topics/un-climate-change-conference-2022-cop-27-in-egypt/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *