Tags: Trung Quốc, Nga – Ukraine, Mỹ
Năm 2022 được đánh dấu bởi hàng loạt những sự kiện nóng tại nhiều khu vực trên thế giới. Đáng chú ý là cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine đã trải qua hơn 10 tháng và vẫn chưa có hồi kết. Sức ảnh hưởng của cuộc xung đột trên đã lan rộng đến nhiều mặt điển hình như năng lượng, lương thực, kinh tế và các quốc gia có liên quan cũng như toàn cầu đã phải chịu ảnh hưởng không ít. Cùng với đó, cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung tiếp tục là một trong những tâm điểm chính trong quan hệ quốc tế. Hai cường quốc đã tranh đua trong mọi lĩnh vực từ kinh tế, công nghệ và đáng nói đó chính là gia tăng ảnh hưởng về vấn đề Đài Loan. Năm nay không chỉ có những biến động lớn trong mối quan hệ giữa các quốc gia mà nội bộ các quốc gia, đặc biệt là diễn biến nội bộ của các cường quốc có khả năng tác động đến thế giới, là điều mà khiến thế giới không ngừng quan tâm. Bên cạnh đó, năm 2022 cũng chứng kiến những bước tiến trong mối quan hệ giữa các quốc gia, những cam kết mới thể hiện nỗ lực trong thúc đẩy hợp tác đa phương được thể hiện tại nhiều hội nghị cấp cao, diễn đàn trên toàn thế giới.
Nhìn chung, bức tranh tổng thể của năm 2022 được tóm lại bằng 3 vấn đề lớn trong quan hệ quốc tế: (1) Xung đột vũ trang và chủ quyền quốc gia, (2) Những vấn đề an ninh phi truyền thống, (3) Phân bố quyền lực giữa các quốc gia. Những vấn đề này được đúc kết từ các sự kiện trong năm 2022 và sẽ mang tính dự báo cho xu hướng quan hệ quốc tế trong năm 2023.
PHẦN 1: ĐÁNH GIÁ TỔNG QUAN CÁC SỰ KIỆN QUỐC TẾ ĐÁNG LƯU Ý TRONG NĂM 2022
1. Tổng quan 10 tháng xung đột quân sự Nga-Ukraine
Tháng 1/2023 đánh dấu đầy 10 tháng kể từ khi bùng phát cuộc xung đột quân sự quy mô lớn giữa Nga và Ukraine vào ngày 24/2/2022. Dựa trên nhiều phân tích, mặc dù thiệt hại lớn về người và của được ghi nhận ở hai bên nhưng kết quả sau cùng của cuộc xung đột cho đến nay vẫn rất khó xác định. Cập nhật vào cuối năm 2022, các báo cáo chỉ ra chiến sự giữa Nga và Ukraine có thể đã đi vào thế dao động qua lại điểm cân bằng, tức là sau 10 tháng xung đột nhưng rất khó để kết luận bên nào “đã thắng” hay “đã thua”. Nhiều tháng kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, năng lực chiến tranh và sức bền của quân đội Nga lẫn quân đội Ukraine đã làm bất ngờ nhiều chuyên gia và cơ quan phân tích quân sự. Mặc dù hai quốc gia cùng lúc đối mặt với những khó khăn khác nhau, nhiều trong số đó bắt nguồn từ chính cuộc xung đột như: Kinh tế suy thoái (do chiến tranh/các lệnh trừng phạt), khủng hoảng nhân đạo, thiếu thốn nhiên liệu và lương thực, nợ công tăng cao,… nhưng hai bên đến nay vẫn chưa có dấu hiệu chắc chắn rằng họ sẽ cùng lùi bước trong các nỗ lực quân sự.[1]
Xung đột quân sự Nga-Ukraine sau 10 tháng có thể được tóm lược thành hai giai đoạn chính: (1) Giai đoạn tiến công của quân đội Nga; (2) Giai đoạn phản công của chính quyền Ukraine. Ở giai đoạn 1, Nga tiến công và chiếm đóng phần lãnh thổ Ukraine tại phía Bắc, Đông và Nam, vô hiệu hóa nhiều phần của quân đội Ukraine, bao vây và đe dọa thủ đô Kyiv. Đây cũng là giai đoạn mà thế giới chứng kiến những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ “chưa từng có tiền lệ” của các nước dẫn đầu là Mỹ và khối EU ở các khía cạnh chính trị, hệ thống tài chính, thương mại và đóng băng/tịch thu tài sản ngoại quốc của Nga. Ở giai đoạn 2, sau bước tiến phá vỡ thế bao vây tại Kyiv vào tháng 3, quân đội Ukraine phản công mạnh tại lãnh thổ phía Bắc và phía Nam, từng bước giành lại các vùng bị chiếm và tăng cường áp lực vào mặt trận phía Đông xung quanh khu vực ly khai Donbass thân Nga và bán đảo Crimea đang tranh chấp.[2]
Trong 10 tháng vừa qua, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine cũng cùng lúc khơi màu một cuộc “chiến tranh cấm vận” giữa các nước phương Tây với Nga với quy mô và tác động chưa từng có tiền lệ kể từ sau Chiến tranh lạnh. Theo ước tính, có ít nhất 1 nghìn tỷ USD tổng giá trị tài sản và các giao dịch tài chính/thương mại của Nga bị phương Tây đóng băng trong chưa đầy một tháng kể từ khi chiến sự bùng nổ.[3] Leo thang quân sự tại Ukraine trong thời gian qua cũng chứng kiến việc phương Tây tiếp tục áp đặt nhiều lệnh trừng phạt ngặt nghèo nhất (kể từ năm 2014) đối với nền kinh tế Nga, bao gồm việc loại nhiều ngân hàng của nước này khỏi hệ thống SWIFT, tẩy chay và cấm xuất-nhập khẩu nhiều loại hàng hóa đến Nga, rút nhiều dự án đầu tư FDI khỏi nước này, trừng phạt và đóng băng các tài sản quốc tịch Nga ở ngoại quốc,…[4] Bên cạnh đó, xung đột quân sự Nga-Ukraine đánh dấu một trong những sự kiện chính trị đáng lưu ý nhất năm 2022 với nhiều nỗ lực được phương Tây khởi xướng nhằm từng bước loại bỏ ảnh hưởng của Nga ra khỏi vũ đài ngoại giao và chính trị quốc tế. Trong đó, việc thông qua Nghị quyết Đại hội đồng LHQ ES-11/1 ( tháng 3/2022) về việc lên án hành động quân sự của Nga với đa số phiếu (141 phiếu thuận/ 5 phiếu chống/ 47 phiếu trắng hoặc vắng phiếu) cho thấy các động thái chỉ trích và cấm vận không chỉ giới hạn tại các nước phương Tây mà có phạm vi rộng lớn hơn.[5]
Biểu đồ: Cơ cấu bỏ phiếu cho Nghị quyết ES-11/1 của ĐHĐLHQ. Chú thích: Xanh lá – phiếu thuận, Đỏ nâu – phiếu chống, Vàng – phiếu trắng.
2. Khủng hoảng năng lượng và kinh tế toàn cầu
Bất chấp những tín hiệu lạc quan trong năm 2021 về tiềm lực và triển vọng phục hồi sau đại dịch, năm 2022 chứng kiến nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đi vào vòng xoáy suy thoái bởi các vấn đề cũ lẫn mới chồng chất. Thực chất, từ nhiều năm trở về trước, các phân tích kinh tế vĩ mô đã không ngừng bày tỏ quan ngại nguy cơ “kéo dãn” quá mức của chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu trước sức ép của toàn cầu hóa, tăng trưởng kinh tế và những diễn biến quốc tế ngày càng khó đoán định có thể làm bùng phát các cuộc khủng hoảng kinh tế quy mô. Điểm lại vụ tai nạn của tàu Ever Given tại kênh đào Suez gây thiệt hàng hàng tỷ USD, cho đến cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện gây ra bởi Covid-19 trong năm 2021. Năm 2022 tiếp tục cho thấy các yếu tố bên ngoài thị trường như cuộc xung đột Nga-Ukraine, tác động kéo dài của Covid-19,… đã triệt tiêu nhiều động lực hồi phục và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Tháng 2/2022, “Chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine được Nga tiến hành đã khiến nước này đối mặt với nhiều lệnh trừng phạt kinh tế với sự leo thang mạnh mẽ về quy mô và cường độ từ phương Tây. Không những chủ trương cắt đứt các quan hệ thương mại với Nga, các nước châu Âu và Mỹ còn từng bước cắt giảm mua bán năng lượng với nước này đã phá vỡ kết cấu chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu đã được hình thành trong nhiều năm.[6] Với việc nhu cầu năng lượng toàn cầu không ngừng tăng trưởng hàng năm, kết hợp với việc nhiều nền kinh tế bắt đầu giai đoạn hồi phục sau Covid-19 và diễn biến bất ngờ trong thị trường năng lượng, mặt bằng giá năng lượng thế giới đã tăng mạnh, đặc biệt tại các nước châu Âu. Theo ước tính, so với đầu tháng 2/2022, giá dầu thô WTI tăng khoảng 1.6 lần, từ 77.8 USD/thùng lên 123.7 USD/thùng.[7] Mặt khác, giá năng lượng tăng mạnh trở thành nhân tố tác động, thúc đẩy tình trạng lạm phát, nguy cơ đói nghèo, suy giảm sức mua ở quy mô toàn cầu. Theo dự báo của cơ quan Euro Monitor, mức lạm phát toàn cầu thường niên trung bình sẽ tăng từ 4.4% vào năm 2021 đến 8.8% vào năm 2022 (cập nhật vào quý 4).[8]
Biểu đồ: Mức độ tăng lãi suất tiền tệ bình quân theo quốc gia riêng năm 2022.
Biểu đồ: Thực trạng khủng hoảng đa chiều trong nền kinh tế thế giới, giai đoạn 2021-2022.[9]
3. Những diễn biến kinh tế-chính trị-xã hội Trung Quốc trở thành tâm điểm quan tâm
Các sự kiện kinh tế-chính trị-xã hội diễn ra tại Trung Quốc năm 2022 tiếp tục trở thành tâm điểm chú ý của giới phân tích lẫn cộng đồng quốc tế. Trong những năm qua, sự tăng trưởng về tiềm lực kinh tế, chính trị cũng như vai trò và ảnh hưởng của nước này tại khu vực và thế giới khiến các vấn đề về Trung Quốc là cần thiết để liên tục cập nhật và đánh giá. Bên cạnh các vấn đề đối ngoại đáng quan tâm của nước này. Vào năm 2022, nhiều sự kiện và diễn biến kinh tế-chính trị-xã hội đã được ghi nhận tại Trung Quốc, có thể tổng quan thành ba sự kiện lớn: (1) Sự tăng trưởng yếu của nền kinh tế Trung Quốc; (2) Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX; (3) Sự thoái trào của chính sách “Zero-Covid”.
Năm 2022, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc liên tục đối mặt với nhiều gián đoạn và hạn chế. Trong đó, Trung Quốc nổi bật là một trong số ít những quốc gia chưa thoát khỏi những tác động kéo dài và toàn diện của đại dịch Covid-19. Bất chấp tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về chỉ số tăng trưởng kinh tế đạt 4.4%, Ngân hàng thế giới (WB) đã kết luận chỉ số tăng trưởng “khiêm tốn” hơn ở mức 2.7%.[10] [11] Theo một báo cáo chuyên biệt của WB công bố vào tháng 12/2022, các chính sách kiểm dịch gắt gao (còn gọi là “Zero-Covid”) và tiêm chủng mở rộng không thể giúp Trung Quốc lặp lại phép màu tăng trưởng 18.3% có được trong năm 2021.Với quy mô dân số đạt 1.44 tỷ người và quy mô kinh tế ước tính chiếm 18.56% trong tổng GDP toàn cầu vào năm 2020.[12] Trung Quốc mang trong mình vai trò là thị trường tiêu dùng, lao động, đầu tư hàng đầu thế giới và là động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, trong hai năm vừa qua, những diễn biến trái chiều của kinh tế Trung Quốc phần nào đã tác động đáng kể đến nỗ lực khôi phục kinh tế và khởi động đà tăng trưởng của nhiều quốc gia. Do đó, những diễn biến của kinh tế Trung Quốc không ngừng được cộng đồng quốc tế quan tâm sát sao.
Ngày 22/10/2022, Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc (gọi tắt là “Đại hội XX”) bế mạc sau sáu ngày làm việc. Nhìn từ lịch sử chính trị của nước này, các đại hội đảng không những là thời điểm Đảng, Nhà nước Trung Quốc đánh giá thực tiễn và xây dựng kế hoạch kinh tế vĩ mô mới (còn gọi là “kế hoạch năm năm”), mà còn là thời điểm thay đổi, bổ sung nhân sự cho hệ thống lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc. Vào năm 2022, Đại hội XX diễn ra trong thời điểm “nhạy cảm” của bối cảnh kinh tế-chính trị-xã hội Trung Quốc đã gặp những khó khăn, chuyển biến “chưa từng thấy” sau hơn một thập kỷ thuận lợi phát triển. Về đối nội, đại dịch Covid-19 tiếp tục gây ra những tác động toàn diện đối với xã hội Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng chứng kiến mức suy giảm mạnh nhất từ năm 2017. Về đối ngoại, sự phát triển của Trung Quốc đã và đang gặp phải nhiều thách thức, khó khăn xen lẫn với các cơ hội do sự chuyển biến ngày càng khó lường của bối cảnh anh ninh, chính trị toàn cầu.[13]
Tuy nhiên, đã có nhiều nỗ lực thành công nhằm từng bước thay đổi các cơ chế, điều lệ về công tác nhân sự cao cấp trong hệ thống chính trị Trung Quốc trước đó. Tiêu biểu là với việc điều chỉnh “Hiến pháp Bát nhị” (Hiến pháp Trung Quốc) vào năm 2017 và 2018, các giới quan sát cho rằng Đại hội XX lại là thời điểm thích hợp để Chủ tịch Tập Cận Bình củng cố xa hơn quyền lực trong hệ thống chính trị Trung Quốc.[14] [15] Khớp với các dự đoán, ông Tập Cận Bình tiếp tục kiêm nhiệm kỳ thứ ba các chức vụ: Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân Dân Trung Quốc, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc,… Bên cạnh đó, danh sách thành viên của Ủy ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản cũng chứng kiến nhiều thay đổi và cập nhật. Theo các nhận định, bốn trong số bảy vị trí trong danh sách Ủy ban Thường vụ được cập nhật mới, hầu hết trong số bốn ứng viên trước đó kiêm nhiệm các chức vụ bí thư đảng ủy tại một số các thành phố, tỉnh lớn của Trung Quốc.[16]
Bên cạnh vấn đề về công tác nhân sự trong đảng, Đại hội XX đồng thời còn thông qua những đường lối, cương lĩnh quan trọng cho Đảng và Nhà nước Trung Quốc trong các lĩnh vực đối nội, đối ngoại mang tính chiến lược trong giai đoạn 2022-2027. Cụ thể, về vấn đề lý luận, Đại hội XX định nghĩa hiện đại hóa kiểu Trung Quốc là hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, vừa mang đặc điểm chung của hiện đại hóa các quốc gia, càng phải mang đặc sắc Trung Quốc dựa trên tình hình thực tế của nước này.[17] Về chính sách xây dựng quốc gia, Đảng nhận định rằng trong năm năm tới sẽ là then chốt trong việc tạo tiền để xây dựng toàn diện quốc gia xã hội chủ nghĩa, với hai giai đoạn vĩ mô: (1) Cho đến năm 2035 cần phải hoàn thành các bước phát triển cơ bản; (2) Tiến đến đạt vị trí cường quốc xã hội chủ nghĩa vào năm 2050. Về kinh tế, đại hội xác định phát triển chất lượng cao là nhiệm vụ hàng đầu, tiếp tục mở cửa mức độ cao và đẩy nhanh xây dựng “tuần hoàn kép” lấy tuần hoàn trong nước làm chủ đạo.[18] Về ngoại giao, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện chính sách ngoại giao hòa bình độc lập tự chủ, phản đối tư duy Chiến tranh Lạnh, thúc đẩy xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới, đi sâu và mở rộng quan hệ đối tác toàn cầu bình đẳng, rộng mở và hợp tác.[19]
Tuy nhiên, quan điểm sắp tới của Trung Quốc về chính sách kiểm dịch triệt để “Zero-Covid” lại là một trong số những động lực lớn khác thu hút sự quan tâm từ trong và ngoài Trung Quốc đối với Đại hội XX. “Zero-Covid” hay chính sách FTTIS (“Tìm, Xét nghiệm, Truy vết, Cách ly và Hỗ trợ”) là chính sách y tế “giãn cách xã hội mức độ cao” ra đời và được ứng dụng mạnh trong thời kỳ đỉnh cao của đại dịch Covid-19 vào năm 2020 và 2021.[20] Tại Trung Quốc, FTTIS được áp dụng sớm nhất tại đợt bùng dịch quy mô lớn tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc năm 2020 và đã chứng tỏ được thành công khi ngăn chặn được làn sóng bùng dịch quy mô lớn. Cho đến năm 2021, việc điều chế và tiêm chủng nhân rộng thành công của nhiều loại vaccine ngừa bệnh, cũng như sự ra đời của nhiều biến thể mới khó kiểm soát hơn của Covid đã khiến hầu hết các quốc gia dỡ bỏ các chính sách FTTIS.[21] Dù vậy, chính sách Zero-Covid thậm chí còn được áp dụng một cách chặt chẽ hơn tại Trung Quốc từ năm 2021. Sự bùng phát và lây lan của các chủng virus đột biến mới như Delta và Omicron vào năm 2021 và 2022 đã gây ra hai đợt bùng dịch quy mô tại Nam Kinh, Thượng Hải và nhiều tỉnh thành khác, bất chấp nhiều chính sách giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất được áp dụng ở nhiều cấp độ từ địa phương đến quốc gia.[22] [23]
Ngày 7/12/2022, sau hơn hai năm liên tục thi hành chính sách Zero-Covid, giới chức Trung Quốc đã từng bước bãi bỏ các biện pháp FTTIS, cả quy mô lẫn cường độ. Theo giới quan sát, bước chuyển biến chính sách quan trọng này phản ánh áp lực kinh tế-chính trị-xã hội rất lớn mà chính phủ Trung Quốc phải chịu đựng trong nhiều tháng xuyên suốt Đại hội XX.[24] Một mặt, các biện pháp kiểm dịch và giãn cách xã hội được cho là nguyên nhân chủ đạo khiến nền kinh tế Trung Quốc hai năm qua đạt mức tăng trưởng kém nhất trong suốt hai thập kỷ. Kết quả kém từ thị trường bất động sản, đầu tư doanh mục, đến ngành bán lẻ và xuất khẩu,… người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư Trung Quốc phải đối mặt với nguy cơ cạn kiệt tài sản, thu nhập và áp lực nợ nần chồng chất.[25] Mặt khác, bất mãn xã hội đối với chính phủ ngày càng nghiêm trọng, theo các thống kê từ tháng 11/2022, số lượng các cuộc biểu tình và bất tuân dân sự có dấu hiệu tăng mạnh. Vào đầu tháng 12, biểu tình chống Zero-covid tại Trung Quốc bùng phát ở nhiều thành phố lớn, trong đó có cả Bắc Kinh, Thượng Hải và Thành Đô.[26]
4. Năm 2022 và những chuyển biến chính trị nội bộ nước Mỹ
Năm 2022 kết thúc cũng đã đánh dấu hơn một năm đầu nhiệm kỳ tương đối thách thức của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Từ tác động của Covid-19, nguy cơ suy thoái kinh tế và áp lực lạm phát, cho đến những vấn đề quốc tế như xung đột Nga-Ukraine, quan hệ với Trung Quốc, việc xây dựng và thực thi các chiến lược, sáng kiến quốc tế,… Có thể thấy ở nước Mỹ năm 2022 đều có đa dạng những vấn đề đối nội lẫn đối ngoại đáng quan tâm.
Năm 2022 tiếp tục đánh dấu một năm trọng điểm của chính trị Mỹ, xoay quanh sự kiện bầu cử quốc hội nước này diễn ra vào mỗi hai năm. Bắt đầu từ ngày 8/11 và kết thúc hoàn toàn vào 22/12, đây là một cuộc bầu cử tổng hợp nhằm bầu ra nhân sự mới cho các cơ quan nhà nước cấp liên bang như Thượng viện Mỹ và Hạ viện Mỹ, cũng như cấp tiểu bang như Hội đồng bang và Thống đốc bang. Với chức năng là cơ quan lập pháp liên bang, Quốc hội Mỹ nhìn chung có chức năng lập pháp, soạn thảo và thông qua các nghị định, thẩm định và thông qua các ngân sách, kiểm tra và giám sát các cơ quan còn lại.[27] Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh nền chính trị Mỹ chứng kiến sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa Đảng Dân chủ, phe cánh tả với Đảng Cộng hòa, phe cánh hữu nói chung.[28]
Với kết quả quá bán tương đối sát sao ở mức 51/100 ghế Thượng nghị sĩ cho Đảng Dân chủ và 222/434 ghế Hạ nghị sĩ cho Đảng Cộng hòa, chính phủ Mỹ cho đến năm 2024 được giới phân tích xem là một chính phủ “phân hóa”.[29] Theo các học giả về chính trị Mỹ, một chính phủ phân hóa (mỗi đảng/nhóm đảng chỉ kiểm soát đa số một trong hai viện quốc hội) là một hiện tượng đặc thù, phản ánh bối cảnh kinh tế-chính trị-xã hội trong và ngoài nước những năm qua phức tạp đến mức cử tri không thể quyết định được đảng cầm quyền nào sẽ lãnh đạo tốt hơn.[30] Theo đó, chỉ trong vòng một năm cầm quyền, nhiều cơ quan khảo sát đã nhận thấy mức độ bất bình tăng cao đối với nội các và Tổng thống từ đảng Dân chủ Joe Biden. Thất bại quân sự của Mỹ tại Afghanistan, chuyển biến về luật pháp (đạo luật Roe v. Wade bị bãi bỏ), đại dịch Covid-19, lạm phát và suy thoái kinh tế, cũng như nhiều yếu tố khác… đã khiến chỉ số tín nhiệm của tổng thống và đảng Dân chủ đạt mức thấp nhất trong lịch sử (38%), ngang với Cựu Tổng thống Donald Trump.[31] Tuy nhiên, nhìn nhận lại nhiệm kỳ trước đó của Tổng thống Trump (2017-2021), dư luận Mỹ cũng bày tỏ nhiều hoài nghi về năng lực từ một chính phủ do đảng Cộng hòa lãnh đạo
Trong giai đoạn 2021-2022, vấn đề kinh tế trở thành mối quan tâm hàng đầu của công chúng Mỹ. Chỉ trong hai năm vừa qua, mức lạm phát tại Mỹ ước đạt 7-7.1%, cao gấp năm lần so với 2020. Tình trạng lạm phát trên được thúc đẩy bởi giá xăng dầu được điều chỉnh tăng gấp đôi (từ 0.62-1.3 USD/lít) và lãi suất cho vay cơ bản của Cục dự trữ Liên bang (Fed) tăng gấp 18 lần (từ 0.25-4.5%).[32] Mặc dù trên quan điểm của Fed, việc tăng cường lãi suất là động thái toàn quyền của cơ quan này nhằm giảm lạm phát, nhưng mức lãi cao có thể khiến người dân và doanh nghiệp Mỹ càng khó có khả năng tiếp cận tài chính để phục vụ sinh hoạt hay sản xuất. Bên cạnh đó, cũng có nhận thức phổ biến cho rằng vai trò của ông Biden là không hề nhỏ trong việc thúc đẩy các lệnh trừng phạt Nga trong xung đột Nga-Ukraine, vốn là động lực quan trọng nhằm thúc đẩy lạm phát và suy thoái.[33] Dù vậy, với việc kiểm soát Nhà Trắng và lưỡng viện quốc hội trong hai năm 2021 và 2022 của đảng Dân chủ, Tổng thống Joe Biden cũng đã đạt được nhiều thành tựu, đặc biệt là thành công trong việc vận động quốc hội Mỹ (kể cả sự đồng thuận lưỡng đảng) thông qua các gói chi tiêu công 2.9 nghìn tỷ USD về hỗ trợ Covid-19, thúc đẩy cơ sở hạ tầng, trợ giá y tế, công nghệ xanh và bảo trợ công nghiệp công nghệ cao… Cùng với đó là những thành tựu nhất định về các vấn đề xã hội, chính trị quốc tế như hạn chế bạo lực tại Mỹ, thúc đẩy công bằng chủng tộc và giới tính, hồi phục vai trò lãnh đạo của Mỹ tại nhiều diễn đàn, tổ chức, sáng kiến quốc tế.[34] Tuy nhiên, những thành tựu trên, dù thực sự có thể xem là “độc nhất”, nhưng vẫn chưa đủ để bảo vệ vị thế của đảng Dân chủ ở lưỡng viện.[35]
[1] Dikshit, Sandeep (2022). Ending the war no one’s winning or losing: 10 months of Russia-Ukraine conflict. The Tribune. https://www.tribuneindia.com/news/features/ending-the-war-no-ones-winning-or-losing-10-months-of-russia-ukraine-conflict-464370
[2] Pifer, Steven (2022). The Russia-Ukraine war and its ramifications for Russia. Brookings Institute. https://www.brookings.edu/articles/the-russia-ukraine-war-and-its-ramifications-for-russia/
[3] Charles Riley (2022). The West’s $1 trillion bid to collapse Russia’s economy. https://edition.cnn.com/2022/03/01/business/russia-economy-sanctions/index.html
[4] SWIFT – Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu
[5] Collins, Kaitlan; Mattingly, Phil;… (2022). White House and EU nations announce expulsion of ‘selected Russian banks’ from SWIFT. CNN. https://edition.cnn.com/2022/02/26/politics/biden-ukraine-russia-swift/index.html
[6] Demblowski, Denis (2022). ANALYSIS: From War to Weather—2023’s Top Supply-Chain Disruptors. Bloomberg Law. https://news.bloomberglaw.com/bloomberg-law-analysis/analysis-from-war-to-weather-2023s-top-supply-chain-disruptors
[7] Số liệu dựa trên: https://oilprice.com/oil-price-charts/
[8] Liuima, Justinas (2022). Global Inflation Tracker Q4 2022: Inflation Forecast to Stabilise in 2023, Although Key Risks Remain. Euro Monitor. https://www.euromonitor.com/article/global-inflation-tracker-q4-2022-inflation-forecast-to-stabilise-in-2023-although-key-risks-remain
[9] https://adamtooze.substack.com/p/chartbook-130-defining-polycrisis
[10] He, Laura (2022). Xi Jinping estimates China’s 2022 GDP grew at least 4.4%. But Covid misery looms. CNN. https://edition.cnn.com/2023/01/02/economy/xi-jinping-china-gdp-estimate-covid-intl-hnk/index.html
[11] (2022). China Economic Update – December 2022. World Bank. https://www.worldbank.org/en/country/china/publication/china-economic-update-december-2022
[12] China’s share of global gross domestic product (GDP) adjusted for purchasing-power-parity (PPP) from 1980 to 2021 with forecasts until 2027. Statista. https://www.statista.com/statistics/270439/chinas-share-of-global-gross-domestic-product-gdp/
[13] Feast, Lincoln (2022). China’s 20th Communist Party Congress: What you need to know. Reuters. https://www.reuters.com/world/china/chinas-20th-communist-party-congress-what-you-need-know-2022-10-20/
[14] 储百亮 (2018). 习近平隐秘、迅速而狡诈的修宪之路. The New York Times (Chinese version). https://cn.nytimes.com/china/20180308/china-xi-jinping-party-term-limit/
[15] (2022). Decoding the 20th Party Congress. ASIA Society. https://asiasociety.org/policy-institute/decoding-chinas-20th-party-congress
[16] (2022). Decoding the 20th Party Congress. ASIA Society. https://asiasociety.org/policy-institute/decoding-chinas-20th-party-congress
[17] 李萌 (2022). 为全面建设社会主义现代化国家而团结奋斗——写在中国共产党第二十次全国代表大会胜利闭幕之际. 中华人民共和国中央人民政府. http://www.gov.cn/xinwen/2022-10/23/content_5720953.htm
[18] 王子锋; 宋美琪 (2022). 高举中国特色社会主义伟大旗帜 为全面建设社会主义现代化国家而团结奋斗. 中国共戸党新聞网. http://dangjian.people.com.cn/n1/2022/1017/c117092-32546758.html
[19] 李萌 (2022). 为全面建设社会主义现代化国家而团结奋斗——写在中国共产党第二十次全国代表大会胜利闭幕之际. 中华人民共和国中央人民政府. http://www.gov.cn/xinwen/2022-10/23/content_5720953.htm
[20] Anna Llupià, Rodríguez-Giralt,… (2020). What Is a Zero-COVID Strategy. Barcelona Institute for Global Health – COVID-19 & response strategy.
[21] MacDonald, Michael (2021). Fast spreading Omicron crushes Atlantic Canada’s acclaimed COVID-Zero strategy. National Post. https://nationalpost.com/news/canada/atlantic-canadas-vaunted-covid-zero-strategy-no-match-for-omicron-variant
[22] Zhou, Lei; Nie, Kai;… (2021). Eleven COVID-19 Outbreaks with Local Transmissions Caused by the Imported SARS-CoV-2 Delta VOC — China, July–August, 2021. China CDC Weekly. 3 (41): 863–868. doi:10.46234/ccdcw2021.213
[23] (2022). Shanghai Covid: China announces largest city-wide lockdown. BBC News.
[24] Sun, Luna (2022). How China’s zero-Covid policy has pushed people, economy to the brink. SCMP. https://www.scmp.com/economy/china-economy/article/3201886/how-chinas-zero-covid-policy-has-pushed-people-economy-brink
[25](2022). Zero-Covid: five charts that show how restrictions are throttling the Chinese economy. The Guardian. https://www.theguardian.com/world/2022/dec/01/zero-covid-five-charts-that-show-how-restrictions-are-throttling-the-chinese-economy
[26] Otte, Jedidajah; Skopeliti, Clea (2022). ‘People want to live’: views from China on the Covid lockdown protests. The Guardian. https://www.theguardian.com/world/2022/nov/30/people-want-to-live-views-from-china-on-the-covid-lockdown-protests
[27] Britannica, T. Editors of Encyclopaedia (2022, December 13). Congress of the United States. Encyclopedia Britannica. https://www.britannica.com/topic/Congress-of-the-United-States
[28] Glucroft, William N. (2022). Midterm elections: US likely heads to divided government. DW News. https://www.dw.com/en/midterm-elections-us-likely-heads-to-divided-government/a-63723366
[29] Số liệu bởi: US midterm election results 2022. The Economist. https://www.economist.com/interactive/us-midterms-2022/results/senate
[30] (2022). Report: Public Has Modest Expectations for Washington’s Return to Divided Government. Pew Research Center. https://www.pewresearch.org/politics/2022/12/01/public-has-modest-expectations-for-washingtons-return-to-divided-government/
[31] (2022). Biden’s job rating is similar to Trump’s but lower than that of other recent presidents. Pew Research Center. https://www.pewresearch.org/fact-tank/2022/10/20/bidens-job-rating-is-similar-to-trumps-but-lower-than-that-of-other-recent-presidents/
[32] Số liệu bởi: tradingeconomics.com
[33] Wingrove, Josh; Fabian, Jordan (2022). Biden Says He’s Focused on Inflation, But Again Blames Putin. Bloomberg. https://www.bloomberg.com/news/articles/2022-06-10/biden-says-he-s-focused-on-inflation-but-again-blames-putin
[34] Accomplishments. Biden Harris website. https://joebiden.com/accomplishments/#
[35] Berman, Russell (2022). What Joe Biden Has (and Hasn’t) Accomplished. The Atlantic. https://www.theatlantic.com/politics/archive/2022/11/biden-2022-midterms-policy-record-approval/671941/
1 comment