Tổng kết tình hình Biển Đông 6 tháng cuối năm 2022 (phần 1)

Tags: Biển Đông

Trong năm 2022, thế giới dần phục hồi sau đại dịch Covid-19, song tiếp tục chứng kiến nhiều sự kiện nổi bật chi phối quan hệ quốc tế như mâu thuẫn Nga – Ukraine, cuộc khủng hoảng năng lượng thế giới và lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia. Những sự kiện trên phần nào khiến tình hình Biển Đông trở nên mờ nhạt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các diễn biến căng thẳng tại khu vực này vẫn tiếp diễn và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt vì bản chất gắn liền với vấn đề chủ quyền quốc gia và chịu ảnh hưởng từ cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung. Tình hình Biển Đông trong năm 2022 tiếp tục bị chi phối bởi hai nhân tố là Mỹ và Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc tiếp tục tăng cường sự hiện diện và phô diễn sức mạnh của mình tại Biển Đông thì Mỹ cũng khẳng định vị thế và vai trò không thay thế được của mình tại khu vực này.

1.     TRUNG QUỐC

Năm 2022, Trung Quốc tiếp tục có các hành vi (1) gây hấn với các quốc gia trong khu vực, ̣(2) dẫn dắt và định hướng dư luận và (3) chuẩn bị cho các tình huống chiến tranh có thể xảy ra.

(1) Các hành vi gây hấn tại khu vực Biển Đông

Trong năm 2022, Trung Quốc tăng cường sự hiện diện trên Biển Đông nhằm khẳng định vị thế thông qua việc gây hấn và đe doạ các quốc gia có liên quan trong khu vực.

Nửa đầu năm 2022, Trung Quốc đã có các hành vi gây hấn với các quốc gia có mối quan hệ đồng minh với Mỹ. Cụ thể, Trung Quốc đã sử dụng tia laser để chiếu sáng  máy bay giám sát P-8A Poseidon của Úc vào ngày 17/02. Ngày 26/05, quốc gia này dùng tiêm kích J-16 để gây cản trở quá trình thực hiện hoạt động giám sát hàng hải thường lệ trên không phận quốc tế của trinh sát cơ P-8 của Úc. Đồng thời, Philippines cũng chịu sự đe dọa khi một tàu hải cảnh của Trung Quốc mang số hiệu 3305 đến gần tàu BRP Malabrigo của Philippines vào ngày 02/3.

Theo một bản tin độc quyền của AP vào ngày 22/3, Đô đốc John Aquilino, Tư lệnh Bộ chỉ huy quân đội Mỹ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cho biết rằng Trung Quốc đã quân sự hóa hoàn toàn ba thực thể gồm: đá Vành Khăn, đá Subi và đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa.[1] Điều này đã đi ngược lại với những cam kết của Chủ tịch nước Tập Cận Bình trong quá khứ khi quốc gia này cam kết rằng sẽ không biến các đảo nhân tạo tại vùng biển tranh chấp thành căn cứ quân sự. Giờ đây, việc quân sự hoá ba thực thể nói trên khiến các quốc gia trong vùng lân cận và toàn bộ vùng biển và vùng trời quốc tế rơi vào trạng thái bị đe doạ khi bay qua vùng biển này.[2]

Nửa sau năm 2022, Trung Quốc tiếp tục dính đến các cáo buộc liên quan đến vấn đề gây hấn với Philippines. Vào ngày 20/11, khi lực lượng Philippines đồn trú tại đảo Thị Tứ phát hiện và gắn dây kéo mảnh vỡ kim loại nổi trên biển cách đảo khoảng 723 mét thì bị tàu cảnh sát biển Trung Quốc số hiệu 5203 áp sát và hai lần chắn ngang đường di chuyển của tàu. Tàu hải cảnh Trung Quốc sau đó triển khai xuồng để cắt đứt dây nối giữa mảnh vỡ với xuồng và chiếm đoạt mảnh vỡ nói trên.[3] Đứng trước cáo buộc trên, Trung Quốc phủ nhận việc thực hiện hành vi chiếm đoạt và khẳng định rằng mảnh vỡ xuất phát từ bệ phóng tên lửa trên đã được trao trả bởi lực lượng Philippines sau một cuộc “tham vấn hữu nghị”. Trong quá khứ, tàu tuần duyên của Trung Quốc đã nhiều lần ngăn chặn tàu chở hàng của Philippines nhưng đây là lần đầu tiên mà tàu Trung Quốc chiếm đoạt vật thể thuộc quyền sở hữu của một quốc gia khác.[4]

Vào ngày 21/12, tiêm kích TJ-11 của hải quân Trung Quốc bị Mỹ cáo buộc là đã ép bay áp sát trong cự ly chỉ 3 mét tính từ cánh máy bay với một chiếc RC-135 của không quân Mỹ. Sự việc trên buộc máy bay của Mỹ phải thực hiện “thao tác lảng tránh” để ngăn ngừa một cuộc va chạm có thể xảy ra.[5] Phản hồi trước cáo buộc trên, Đại tá Tian Junli, người phát ngôn Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của Trung Quốc, cho biết Mỹ đã cố tình đưa thông tin sai lệch nhằm đánh lạc hướng công chúng và đã phớt lờ các cảnh báo nguy hiểm khi tiếp cận máy bay Trung Quốc.[6] Còn phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân thì kêu gọi Mỹ nên ngừng những hành vi mang tính “khiêu khích và nguy hiểm” Trung Quốc.[7] Trong khi đó, phát ngôn viên của Bộ chỉ huy quân đội Mỹ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cho biết rằng sự việc gây hấn mới đây nhất của Trung Quốc đã cho thấy một xu hướng đánh chặn nguy hiểm của quốc gia này, tạo nên mối lo ngại sâu sắc cho Mỹ.[8]

(2) Dẫn dắt và định hướng dư luận

Trước những căng thẳng tại Biển Đông và những chỉ trích đến từ phía dư luận quốc tế, Trung Quốc tăng cường những nỗ lực ngoại giao mang tính song phương, nhất là với những quốc gia có chung lợi ích tại Biển Đông và mong muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc.

Tại “Hội thảo kỷ niệm 20 năm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)” do Bộ Ngoại giao Trung Quốc và một số viện nghiên cứu của nước này tổ chức dưới hình thức trực tuyến vào ngày 25/7/2022, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định nước này muốn hòa bình, ổn định ở Biển Đông bởi đây là tiền đề của sự phát triển tại khu vực.[9] Nhà ngoại giao Trung Quốc tiếp đó đề nghị các bên tiếp tục duy trì hòa bình, hợp tác trên biển, thúc đẩy đàm phán, sớm đạt được một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.[10] Tuy nhiên, để đàm phán có những bước tiến mới, ASEAN và Trung Quốc cần tự kiềm chế và tôn trọng quyền và lợi ích của các bên phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.[11]

Tại “Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 25” diễn ra ngày 11/11 tại Campuchia, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và lãnh đạo các nước ASEAN đã thông qua đã thông qua một số tuyên bố chung, trong đó có “Tuyên bố kỷ niệm 20 năm Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)” và tái khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của văn kiện này đối với hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông. Bên cạnh đó, ASEAN và Trung Quốc cũng đã hoàn tất vòng rà soát thứ nhất, và đang tiến hành vòng rà soát thứ hai văn bản đàm phán đơn nhất dự thảo COC, thể hiện mong muốn của hai bên sớm đạt được một COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với UNCLOS.[12]

Ngày 18/11, cuộc gặp trực tiếp giữa Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đã diễn ra bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Bangkok, Thái Lan.[13] Tại cuộc hội đàm, liên quan đến vấn đề Biển Đông, hai quốc gia đi đến sự đồng thuận trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển giữa hai nước thông qua tham vấn hữu nghị và xử lý thỏa đáng các khác biệt và tranh chấp.[14] Đồng thời, hai quốc gia cũng tái khẳng định sự ủng hộ đối với việc sớm đạt được DOC để giúp quản lý những khác biệt và căng thẳng trong khu vực.[15] Về vấn đề này, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cũng phát biểu “Miễn là quan hệ trên biển vẫn ổn định, tình hình Trung Quốc – Philippines nói chung sẽ ổn định và quan hệ hữu nghị, hợp tác sẽ được nâng lên một tầm cao mới”.[16]

(3) Chuẩn bị các tình huống chiến tranh có thể xảy ra

Nhằm nâng cao năng lực quốc phòng trên Biển Đông, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận trên Biển Đông, sử dụng các đối thủ trong khu vực như đối tượng để tập dợt và đầu tư cho việc hiện đại hóa khí tài quân sự.

Theo nhận định của TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) thì các đợt tập trận của Trung Quốc diễn ra tương đối nhiều trong năm 2022.[17] Vào tháng 3, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận hoạt động đổ bộ. Đến tháng 6, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân với tàu khu trục nhỏ và tàu ngầm. Từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, Trung Quốc cũng tiến hành nhiều cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông song song với các cuộc tập trận ở biển Hoa Đông và khu vực xung quanh Đài Loan. Nội dung tập trận bao gồm sử dụng tên lửa, tàu đổ bộ, máy bay chiến đấu, máy bay tiếp dầu,v.v.[18] Đến giữa tháng 8 này, Trung Quốc tiến hành tập trận quét mìn 5 ngày tại Biển Đông với một lữ đoàn quét mìn và hai tàu quét mìn Type 082-II Hà Giản và Xích Thuỷ.[19] Đây được cho là cuộc tập trận hàng hải đầu tiên mà tàu quét mìn Xích Thuỷ tham gia kể từ khi tàu đi vào hoạt động.[20]

Các lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc cũng đang sử dụng các đối thủ trong khu vực như đối tượng để tập dợt với mục đích tăng cường khả năng thực chiến và ngăn chặn các thế lực thù địch thực hiện các động thái khiêu khích với quốc gia này.[21] Đại uý Wang Hailing phát biểu với CCTV rằng khi phát hiện các tàu đối thủ di chuyển vào vùng biển, tàu ngầm Trung Quốc sẽ chủ động tiến lên và đối mặt với chúng, điều đó sẽ giúp các thuỷ thủ trở nên bình tĩnh và tự tin hơn.[22] Đại uý Zhao Aijun thì cho rằng chỉ khi các tàu ngầm Trung Quốc luyện tập như thể đang tham dự một cuộc chiến thì mới có thể tham chiến như khi luyện tập.[23]

Hải quân Trung Quốc không ngừng tăng theo cấp số nhân, với hạm đội mở rộng gồm 132 tàu chiến trong vòng 17 năm qua để trở thành hạm đội lớn nhất thế giới, và 65% mức tăng trưởng này đến từ việc gia tăng tàu tuần tra nhanh được trang bị tên lửa và tàu hộ tống. Con số tàu chiến được Trung Quốc sản xuất từ năm 2017 đến năm 2019 còn cao hơn số tàu chiến do Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, Pháp và Anh sản xuất cộng lại.[24] Theo quan sát của H. I. Sutton, một nhà nghiên cứu về hải quân và là nhà văn, thì lực lượng hải quân của Trung Quốc không những đang phát triển với tốc độ nhanh hơn các quốc gia khác mà còn đang trải qua giai đoạn hiện đại.[25] Một biểu hiện cho sự hiện đại hoá này là việc Trung Quốc có thể chế tạo cùng lúc 5 khu trục hạm Type-052D trong một ụ nổi.[26] Các tàu tấn công đổ bộ Type 075 của hải quân Trung Quốc cũng được cho là có thể thành lập các lực lượng đặc nhiệm bằng cách hợp tác với các tàu sân bay, tàu đổ bộ và các tàu chiến khác theo một báo cáo của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) vào ngày 28/10.[27] Trước những bước phát triển kể trên, Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (CSBA) có trụ sở tại Mỹ nhận định Trung Quốc có thể đủ nguồn lực để đóng 5 tàu sân bay và 10 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo tới năm 2030.[28]


[1], [2] Gomez, J,. & Favila, A. (2022, March 22). AP Exclusive: US admiral says China fully militarized isles. AP News. https://apnews.com/article/business-china-beijing-xi-jinping-south-china-sea-d229070bc2373be1ca515390960a6e6c

[3] Gomez, J. (November 24, 2022). Philippines asks China for explanation over latest sea feud. AP News. https://apnews.com/article/china-navy-philippines-manila-south-sea-473e3d00ed37f0ad497b809712acf8c5

[4] Gomez, J. (November 21, 2022). Chinese coast guard seizes rocket debris from the Filipino navy. AP News. https://apnews.com/article/china-navy-philippines-manila-south-sea-ee4c0a7b080a27ad559105a44bdfcf31

[5] Lo, K. (2022, December 30). Chinese fighter jet flies meters from US military plane in ‘unsafe’ South China Sea encounter. South China Morning Post. https://www.scmp.com/news/china/military/article/3205033/chinese-fighter-jet-flies-metres-us-military-plane-unsafe-south-china-sea-encounter?module=perpetual_scroll_0&pgtype=article&campaign=3205033

[6] Hồng Vân. (2023, January 1). Trung Quốc tố ngược máy bay Mỹ đe dọa an toàn của phi công trên Biển Đông. Tuổi trẻ online. https://tuoitre.vn/trung-quoc-to-nguoc-may-bay-my-de-doa-an-toan-cua-phi-cong-tren-bien-dong-20230101093002585.htm

[7] Lo, K. (2022, December 30). Chinese fighter jet flies meters from US military plane in ‘unsafe’ South China Sea encounter. South China Morning Post. https://www.scmp.com/news/china/military/article/3205033/chinese-fighter-jet-flies-metres-us-military-plane-unsafe-south-china-sea-encounter?module=perpetual_scroll_0&pgtype=article&campaign=3205033

[8] Chung, C. (2022, December 29). U.S. Says Chinese Fighter Jet Flew Dangerously Close to American Plane. The New York Times. https://www.nytimes.com/2022/12/29/world/asia/us-china-military-jet-intercept.html

[9] Duy Linh. (July 25, 2022). Ngoại trưởng Trung Quốc ‘muốn Biển Đông hòa bình và ổn định’. Báo Tuổi trẻ. https://tuoitre.vn/ngoai-truong-trung-quoc-muon-bien-dong-hoa-binh-va-on-dinh-20220725220437836.htm

[10], [11] Đoàn Ca. (July 25, 2022). Hội thảo kỷ niệm 20 năm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông. Báo Quân đội Nhân dân. https://www.qdnd.vn/quoc-te/tin-tuc/hoi-thao-ky-niem-20-nam-tuyen-bo-ve-ung-xu-cua-cac-ben-o-bien-dong-700893

[12] Hoàng Tùng. (2022, November 17). ASEAN-Trung Quốc mong muốn sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông hiệu quả, thực chất. Báo Điện tử Chính phủ. https://baochinhphu.vn/asean-trung-quoc-mong-muon-som-dat-duoc-bo-quy-tac-ung-xu-o-bien-dong-hieu-qua-thuc-chat-102221117163953221.htm

[13] Department of Foreign Affairs of the Republic of the Philippines. (2022, November 18). Presidents Marcos, Xi meet for the first time, to forge deeper Philippines-China ties. GOV.PH. https://ops.gov.ph/news_releases/presidents-marcos-xi-meet-for-the-first-time-to-forge-deeper-philippines-china-ties/

[14] Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China. (2022, November 18). President Xi Jinping Meets with Philippine President Ferdinand Romualdez Marcos Jr.. https://www.fmprc.gov.cn/eng/zxxx_662805/202211/t20221118_10977300.html

[15] Department of Foreign Affairs of the Republic of the Philippines. Sđd

[16] Lam Vũ. (2022, November 18). Lãnh đạo Trung Quốc, Philippines nói gì trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên?. Báo Thanh Niên. https://thanhnien.vn/lanh-dao-trung-quoc-philippines-noi-gi-trong-cuoc-gap-truc-tiep-dau-tien-post1522859.html

[17], [18] Hoàng Đình. (2022, April 16). Trung Quốc liên tục tập trận từ eo biển Đài Loan đến Biển Đông. Báo Thanh niên. https://thanhnien.vn/trung-quoc-lien-tuc-tap-tran-tu-eo-bien-dai-loan-den-bien-dong-post1488608.html

[19] Wang, A. (2022, August 13). PLA carries out South China Sea minesweeping drill. South China Morning Post. https://www.scmp.com/news/china/military/article/3188794/pla-carries-out-south-china-sea-minesweeping-drill?utm_source=pocket_saves

[20] Vĩnh Khang. (2022, April 14). Trung Quốc tập trận quét mìn 5 ngày tại Biển Đông giữa căng thẳng với Đài Loan. Báo Pháp luật. https://plo.vn/trung-quoc-tap-tran-quet-min-5-ngay-tai-bien-dong-giua-cang-thang-voi-dai-loan-post693828.html

[21, [22], [23] Xuanzun, L. (December 11, 2022). PLA submarines use adversary forces in the South China Sea as practice partners. Global Times. https://www.globaltimes.cn/page/202212/1281609.shtml

[24], [25] Dominguez, G. (August 25, 2022). As China’s navy grows ever larger, so does the threat to Taiwan. The Japan Times. https://www.japantimes.co.jp/news/2022/08/25/asia-pacific/china-navy-taiwan/

[26], [28] Nguyễn Tiến. (April 24, 2022). Nhà máy Trung Quốc có thể đóng cùng lúc 5 khu trục hạm. VnExpress. https://vnexpress.net/nha-may-trung-quoc-co-the-dong-cung-luc-5-khu-truc-ham-4503305.html

[27] Shumei, L. (November 27, 2022). PLA’s first two amphibious assault ships complete full training, form operational capability. Global Times. https://www.globaltimes.cn/page/202211/1280535.shtml

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *