Rạng sáng ngày 20/6, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã bắt đầu chuyến viếng thăm cấp nhà nước đến Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Chuyến thăm tới Việt Nam kéo dài trong hai ngày của ông Putin diễn ra sau khi ông vừa đắc cử Tổng thống của Nga lần thứ năm. Trước khi đến Việt Nam, Putin đã có cuộc gặp gỡ và làm việc trong chuyến thăm đến Triều Tiên trong tuần.[1] Lần thứ 4 đến Việt Nam này của Tổng thống Putin cũng đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Liên bang Nga và Việt Nam tính đến nay đã kéo dài được 30 năm, trên cơ sở ký kết của Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga vào năm 1994. Sự kiện còn là dịp để lãnh đạo hai quốc gia gặp gỡ, thảo luận, và đánh giá lại những kết quả hợp tác quan trọng đã đạt được cho đến thời điểm hiện tại và đề ra tầm nhìn tương lai cho quan hệ của hai nước.
Trước khi đặt chân đến Việt Nam, ông Putin đã đăng một bài viết trên báo Nhân Dân với nội dung bàn về tầm nhìn của mình về quan hệ Nga-Việt Nam. Nổi bật trong nội dung của bài viết này là sự khen ngợi dành cho lập trường của Việt Nam trong tình hình căng thẳng giữa Nga-Ukraine.[2] Trong một diễn biến có liên quan vào tuần trước, Việt Nam đã không tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hòa bình Ukraine tại Thụy Sĩ mặc dù nhận được lời mời từ Ukraine. Từ khi tình hình chiến sự tại biên giới Nga và Ukraine nổ ra, Việt Nam đã luôn duy trì quan điểm trung lập đối với các bên và ưu tiên ủng hộ giải quyết các tranh chấp trong hòa bình và các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế. Như nhiều lần khẳng định và phản hồi về vấn đề Ukraine, sự vắng mặt tại thượng đỉnh nói trên của Việt Nam tiếp tục phản ánh rõ đường lối ngoại giao đa phương linh hoạt “sẵn sàng là bạn” với tất cả các nước xuất phát từ các giá trị lịch sử và nhận thức về lợi ích quốc gia.[3] Trong bài viết của mình, Tổng thống Nga Putin cũng đưa ra những kỳ vọng về lĩnh vực hợp tác với Việt Nam liên quan đến các lĩnh vực về thương mại, đầu tự, thanh toán tiền tệ, năng lượng, giáo dục và đào tạo, giao lưu văn hóa và du lịch.[4]
1. Nội dung chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Putin
Trong buổi sáng ngày 20/6, cả hai nhà lãnh đạo Nga và Việt Nam sau buổi hội đàm đã tiến đến ký kết được 11 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực bao gồm khai thác nhiên liệu hóa thạch, công nghệ khoa học hạt nhân, giáo dục, văn hóa ngoại giao nhân dân, quốc phòng an ninh, thương mại và kinh tế.[5] Trong các lĩnh vực kể trên, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm đã nhấn mạnh quan điểm của hai nước mong muốn thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, phản ứng và xử lý trước các thách thức về an ninh phi truyền thống trên cơ sở của luật quốc tế. Đây là khía cạnh hợp tác quan trọng từ lâu trong mối quan hệ giữa hai nước, đặc biệt nhất trong vấn đề nhập khẩu vũ khí và thiết bị quân sự. Từ khi tiền thân Liên bang Xô Viết còn tồn tại, Việt Nam đã luôn và tiếp tục phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí và các thiết bị quân sự chuyên dụng do Nga sản xuất đến hiện tại. Theo Ian Storey, tình trạng lệ thuộc trong lĩnh vực này của Việt Nam đối với Nga có thể duy trì trong một hoặc hai thập kỷ tiếp theo do yêu cầu về thời gian và ngân sách của quá trình chuyển đổi và đa dạng khóa kho quân sự.[6]
Về kinh tế – thương mại, kim ngạch thương mại hai nước đạt 3,6 tỷ đô la Mỹ vào năm 2023, tăng 8% so với năm trước. Hiện tại trong quý đầu năm 2024, số liệu này tăng hơn ⅓ so với trị giá thương mại song phương đạt được vào cùng kỳ năm ngoái.[7] Tổng kết 5 tháng đầu năm nay, tổng giá trị kim ngạch xuất – nhập khẩu hàng hóa gữa hai nước đã đạt gần 2 tỷ đô la Mỹ, tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái.[8] Với những thành tựu này, trong cuộc hội kiến cùng với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính chiều này, Tổng thống Nga đã nhất trí đề ra những hành động cụ thể bao gồm nâng cao hiệu quả của các cơ chế hợp tác song phương, thúc đẩy tiến trình triển khai các kế hoạch hợp tác trọng điểm, và tạo điều kiện cho hợp tác tài chính – tín dụng giữa hai nước phát triển cùng nhau để tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại lẫn đầu tư trong thời gian sắp tới.[9] Riêng vấn đề hợp tác tài chính – tín dụng và lĩnh vực tiền tệ nói chung, một số quan chức dẫn theo Al Jazeera cho hay nó trở thành một lĩnh vực hợp tác ưu tiên cấp bách đối với cả hai nước kể từ khi Nga bị trục xuất khỏi hệ thống thanh toán SWIFT.[10] Tổng thống Putin kỳ vọng có thể thúc đẩy các thanh toán thực hiện bằng đồng Việt Nam và rúp của Nga. Theo số liệu của chính phủ Nga, thanh toán bằng đồng – rúp chiếm 40% tổng các thanh toán thương mại hai chiều năm ngoái giữa hai nước và trong quý đầu 2024 tỷ lệ này đã tăng đến 60%.[11]
Về đầu tư, theo số liệu của chính phủ Việt Nam tính đến tháng 5/2024, số dự án của Nga tại Việt Nam là 186 dự án với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ đô la Mỹ. Ở chiều ngược lại, Việt Nam hiện có khoảng 25 dự án đầu tư tại Nga với tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ đô la Mỹ. Về các ngành được đầu tư truyền thống tại Việt Nam của Nga bao gồm khai thác năng lượng nhiên liệu hóa thạch ngoài khơi. Một số dự án hợp tác khai thác dầu mỏ nổi bật hiện tại giữa Nga và Việt Nam trong các lĩnh vực kể trên có thể kể đến các dự án khai thác mỏ dầu khí ở Biển Đông của Việt Nam và tại khu tự trị Nenets ở miền Bắc của Nga được thực hiện qua hai liên doanh Rusvietpetro và Vietsovpetro. Tính đến thời điểm tại, trữ lượng khai thác dầu trên lãnh thổ lẫn nhau lần lượt của hai liên doanh này là 250 triệu tấn và 35 triệu tấn dầu.[12] Ông Putin cũng đã thông tin các doanh nghiệp của Nga có dự định sẽ đầu tư vào các dự án về khí hóa lỏng tại Việt Nam trong tương lai.[13] Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính nhận thấy tầm quan trọng của hợp tác về dầu khí – năng lượng của hai nước cũng đã đề nghị đẩy nhanh và tháo gỡ các vấn đề gây khó khăn và cản trở tiến độ các dự án thăm dò và khai thác dầu khí chung hiện có như của các liên doanh và các doanh nghiệp dầu khí Nga gồm Gazprom, Zarubezhneft.[14]
Ngoài ra, một số hướng phát triển mới của hai bên nữa gần đây mới xuất hiện là các dự án năng lượng sạch và năng lượng hạt nhân. Lãnh đạo hai nước đã thống nhất phát triển thêm một số lĩnh vực hợp tác về năng lượng sạch tái tạo, bao gồm khí hóa lỏng, điện gió ngoài khơi. Ngoài ra, đáng chú ý, Việt Nam và Nga đã ký kết một bản ghi nhớ về việc xây dựng Trung tâm Khoa học công nghệ hạt nhân tại Việt Nam, được hợp tác bởi Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Tập đoàn Năng lượng quốc gia Nga Rosatom. Ông Putin đã khẳng định Rosatom sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển mạng lưới điện hạt nhân quốc gia trong tương lai, bao gồm cả đào tạo nhân lực.[15]
Ở một số lĩnh vực hợp tác về con người, giao lưu văn hóa, ngôn ngữ và thể thao được cả hai nước ủng hộ việc tăng cường các hoạt động trao đổi, giảng dạy và đạo tạo. Để thực hiện được mục tiêu này, trong tương lai gần, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã bày tỏ kỳ vọng Nga và Việt Nam sẽ sớm đàm phán và triển khai các Hiệp định để tăng cường kết nối thương mại, vận tải hàng không, tuyển dụng lao động, giao lưu nhân dân và hợp tác du lịch.[16]
Trong thời gian gặp mặt với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng thống Putin cũng đã trao đổi về một số vấn đề quốc tế có liên quan. Trong vấn đề về Ukraine, ngài Tổng thống ghi nhận lập trường trung lập, khách quan và công bằng của Việt Nam. Việt Nam khẳng định luôn ủng hộ giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biên pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế và sẵn sàng tham dự các nỗ lực quốc tế có sự tham gia của các bên liên quan trong tìm kiếm giải pháp cho hòa bình tại Ukraine. Trong vấn đề Biển Đông, hai nước cũng ủng hộ giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và các văn kiện liên quan về lãnh thổ trên biển.[17]
Trong buổi chiều cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có thời gian khẳng định lại đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Trong đó, Việt Nam luôn ưu tiên việc củng cố quan hệ với các quốc gia láng giềng và các quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược. Ngoài ra, Việt Nam nhất quán giữ vững đường lối quốc phòng bốn không: (1) không tham gia liên minh quân sự, (2) không liên kết với nước này để chống nước kia, (3) không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác, và (4) không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
2. Hàm ý của chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Putin và phản ứng của các nước
a. Hàm ý của chuyến thăm
Về phía Nga
Chuyến thăm Việt Nam có thể là một trong những nỗ lực của Nga để phá vỡ sự cô lập quốc tế, theo Nguyễn Khắc Giang, nhà phân tích tại Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore.[18] Việt Nam là quốc gia thứ ba mà Tổng thống Putin ghé thăm kể từ khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ năm vào tháng Năm, sau Trung Quốc và Triều Tiên. Giáo sư Carl Thayer tại Đại học New South Wales ở Úc nhận định các chuyến thăm là biểu hiện cho thấy Nga vẫn có các đối tác ở châu Á, từ đó chứng minh một điều rằng nỗ lực cô lập Nga của phương Tây không đạt được hiệu quả.[19] Ngoài ra, chuyến thăm Việt Nam còn quan trọng với Nga bởi Việt Nam là quốc gia có quan hệ đối tác với nhiều quốc gia trên thế giới. Khác với Triều Tiên (điểm đến trước khi Tổng thống Putin sang Việt Nam) cũng đang đối mặt với sự cô lập quốc tế, Việt Nam lại là đối tác của Mỹ cũng như các đồng minh của nước này. Do đó, chuyến thăm này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Nga, cho thấy Nga không bị cô lập trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine, theo Alexander Vuving của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương Inouye có trụ sở tại Hawaii và Tiến sĩ Prashanth Parameswaran, thành viên Chương trình Châu Á của Trung tâm Wilson.[20] Quan điểm này cũng được chia sẻ bởi Zachary Abuza, giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Mỹ. Ngoài ra, ông cho biết chuyến thăm này có ý nghĩa quan trọng với Nga vì Việt Nam là một nhân tố quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.[21]
Về phía Việt Nam
Một mặt, việc tiếp đón Tổng thống Putin được nhận định là sẽ mang lại rủi ro cho Việt Nam vì làm ảnh hưởng đến mối quan hệ với Mỹ và các nước phương Tây.[22] Trước đó, Đại sứ của Mỹ tại Hà Nội đã lên tiếng phản đối hành động này.[23] Theo Tiến sĩ Prashanth Parameswaran, Việt Nam cần phải thận trọng trong các hành động đối với Nga khi căng thẳng giữa Nga và Mỹ gia tăng.[24] Mặc dù Nga là quốc gia có mối quan hệ sâu sắc với Việt Nam trong lịch sử và hiện vẫn là đối tác quan trọng của Việt Nam nhưng theo Lê Hồng Hiệp, thành viên cao cấp của Chương trình Nghiên cứu Việt Nam tại ISEAS – Viện Yusof Ishak của Singapore, so với Nga, Mỹ và các đồng minh đóng vai trò quan trọng hơn nhiều trong việc phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh của Việt Nam. Vì thế, Việt Nam cần phải thận trọng để không bị coi là quá thân thiết với Nga mà làm tổn hại đến lợi ích quốc gia của mình.[25]
Mặt khác, chuyến thăm của Tổng thống Putin được đánh giá là có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam. Việt Nam và Nga đang có sự hợp tác trong vấn đề thăm dò và khoan dầu khí ở Biển Đông. Đây là một trong những cách giúp Việt Nam bảo vệ chủ quyền của mình trước những hành động của Trung Quốc. Tuy nhiên, sự liên kết ngày càng tăng giữa Nga và Trung Quốc có thể sẽ không có tác động tích cực đến sự hợp tác dài hạn giữa Nga và Việt Nam ở Biển Đông, theo Tiến sĩ Hạnh Nguyễn của Đại học Quốc gia Australia.[26] Cùng quan điểm này, Ian Storey chia sẻ thêm khi Nga ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc thì Trung Quốc có thể gia tăng áp lực để Nga rút các công ty năng lượng thuộc sở hữu nhà nước ra khỏi khu vực Biển Đông.[27] Vì thế, Việt Nam cần tìm cách để đảm bảo quan hệ Nga – Trung sẽ không tổn hại đến lợi ích của mình mà cụ thể là trong vấn đề Biển Đông, theo Giáo sư Carl Thayer. Ngoài ra, Khang Vũ, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại khoa Khoa học Chính trị của Đại học Boston cho rằng việc hợp tác với Nga để khẳng định chủ quyền hàng hải sẽ ít khiến Trung Quốc phản ứng gay gắt hơn hợp tác với Mỹ. Bên cạnh vấn đề Biển Đông, Nga vẫn luôn là nhà cung cấp vũ khí chính của Việt Nam. Theo Nguyễn Thế Phương, nhà nghiên cứu các vấn đề quân sự của Việt Nam tại Đại học New South Wales ở Úc,thiết bị của Nga chiếm khoảng 60% đến 70% trong kho vũ khí quốc phòng của Việt Nam.[28] Ngoài ra, nhà nghiên cứu Alexander Vuving cho biết việc duy trì quan hệ với Nga sẽ giúp Việt Nam giảm áp lực cả từ phía Mỹ lẫn Trung Quốc.[29]
Việc tiếp đón Tổng thống Putin giúp Việt Nam khẳng định đường lối ngoại giao tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ của mình. Theo Ian Storey, thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore, cuộc xung đột Nga – Ukraine đã đẩy Việt Nam vào thế khó khi làm gia tăng căng thẳng giữa đối tác truyền thống của Việt Nam là Nga và các đối tác mới ở phương Tây. Tuy nhiên, Việt Nam đã không chọn bên mà giữ thái độ trung lập, duy trì mối quan hệ ổn định với tất cả các nước để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.[30] Trước đó, Việt Nam đã tiếp đón Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp cho biết việc tiếp đón Tổng thống Nga Vladimir Putin lần này sẽ giúp Việt Nam một lần nữa chứng minh chính sách đối ngoại cân bằng của mình, không thiên vị bất kỳ quốc gia nào và sẽ không hy sinh mối quan hệ với một cường quốc chỉ để đáp ứng mong đợi của các cường quốc khác.[31]
Triển vọng quan hệ hai nước
Phó Giáo sư chuyên ngành phương Đông học thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Quan hệ Quốc tế (Bộ Ngoại giao Nga) Anna Kireeva cho biết chuyến thăm lần này có ý nghĩa rất lớn đối với quan hệ giữa Việt Nam và Nga.[32] Hai nước đã nhất trí tăng cường hợp tác trong đa dạng lĩnh vực bao gồm kinh tế, thương mại, giáo dục, khoa học công nghệ, thăm dò dầu khí và năng lượng sạch. Bên cạnh đó, Tổng thống Putin cho biết Việt Nam và Nga có chung lợi ích trong việc phát triển một cấu trúc an ninh đáng tin cậy ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ngoài ra, theo Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm, hai nước Nam đều mong muốn thúc đẩy hợp tác về quốc phòng và an ninh để đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống.[33] Về phía Nga, việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam là một trong những ưu tiên của nước này và trong quan điểm của Việt Nam, Nga cũng luôn được xem là một đối tác quan trọng.[34][35] Do đó, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học lịch sử Dmitry Mosyakov, Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á, châu Úc và châu Đại Dương thuộc Viện Đông phương học Viện Hàn lâm Khoa học Nga bày tỏ sự tin tưởng rằng giới lãnh đạo hai nước sẽ tiếp tục thúc đẩy những dự án làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị, truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Nga.[36]
b. Phản ứng của các nước
Mỹ đã lên tiếng phản đối chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Putin. Người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết không quốc gia nào nên tạo nền tảng cho việc thúc đẩy cuộc chiến tranh xâm lược của Tổng thống Putin và cho phép ông bình thường hóa hành vi tàn bạo của mình. Việc Tổng thống Putin có thể đi lại tự do có thể dẫn đến việc bình thường hóa những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Nga.[37] Ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Putin, Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Kritenbrink cũng sẽ đến thăm Việt Nam vào ngày 21-22/6 để tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc thực hiện Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Việt Nam và hợp tác với Việt Nam để hướng đến một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.[38] Theo Khang Vũ,nếu Mỹ thật sự xem Việt Nam là một đối tác quan trọng thì chuyến thăm này sẽ không ảnh hưởng đến quỹ đạo chung của quan hệ Việt-Mỹ và Việt Nam sẵn sàng chấp nhận những rủi ro nhỏ trong mối quan hệ với Mỹ để duy trì quan hệ với Nga.[39] Murray Hiebert, cộng tác viên cấp cao của Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Washington, cho rằng Việt Nam có thể đã tính toán được việc sẽ không phải gánh chịu hậu quả về mặt thực chất khi tiếp đón Tổng thống Putin và sự kiện này sẽ không có tác động lâu dài trong mối quan hệ Việt – Mỹ. Bên cạnh đó, theo Murray Hiebert,Mỹ cũng cần duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.[40]
Về phía EU, người phát ngôn của phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết Việt Nam có quyền phát triển chính sách đối ngoại của mình nhưng cũng đồng thời lưu ý việc Nga không tôn trọng luật pháp quốc tế trong cuộc xung đột với Ukraine.[41] Một quốc gia khác cũng có phản ứng trước chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Putin là Úc, thông qua lời bình luận của Đại sứ Úc tại Việt Nam Andrew Goledzinowski. Ông cho rằng Việt Nam sẽ khó có thể từ chối chuyến thăm của Tổng thống Putin nhưng khả năng để hai nước trở thành đối tác chiến lược như với Liên Xô trước đây cũng không cao.[42]
Tài liệu tham khảo:
[1] Al Jazeera. (2024, June 19). Russia’s Vladimir Putin visits North Korea for first time since 2000. Al Jazeera. Retrieved June 20, 2024, from https://www.aljazeera.com/gallery/2024/6/19/russias-vladimir-putin-visits-north-korea-for-first-time-since-2000
[2] Russia Presidential Executive Office. (2024, June 19). Article by Vladimir Putin for publication in Nhân Dân, the official newspaper of the Communist Party of Vietnam Central Committee, Russia and Vietnam: Friendship Tested by Time. President of Russia. Retrieved June 20, 2024, from http://en.kremlin.ru/events/president/news/74336
[3] Pietromarchi, V. (2024, June 19). Why is Russia’s Putin visiting Vietnam after North Korea? Al Jazeera. Retrieved June 20, 2024, from https://www.aljazeera.com/news/2024/6/19/why-is-russias-putin-visiting-vietnam-after-north-korea
[4] Như trích dẫn 2
[5] Chính phủ Việt Nam. (2024, June 20). Việt Nam và Liên bang Nga ký kết 11 văn kiện hợp tác. Báo điện tử Chính phủ Xây dựng Chính sách, Pháp luật. Retrieved June 20, 2024, from https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/viet-nam-va-lien-bang-nga-ky-ket-11-van-kien-hop-tac-119240620181829037.htm
[6] Storey, I. (2024, February 16). Vietnam and the Russia-Ukraine War: Hanoi’s ‘Bamboo Diplomacy’ Pays Off but Challenges Remain. ISEAS Yusof Ishak Perspective, Issue 13, 2024. https://www.iseas.edu.sg/wp-content/uploads/2024/01/ISEAS_Perspective_2024_13.pdf
[7] Như trích dẫn 2
[8] Quang Thanh. (2024, June 18). Vietnam-Russia trade value skyrockets 52% in 5M. VnEconomy. Retrieved June 20, 2024, from https://vneconomy.vn/vietnam-russia-trade-value-skyrockets-52-in-5m.htm
[9] Thanh Giang. (2024, June 20). Tạo xung lực mới cho quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Liên bang Nga. Nhân Dân. Retrieved June 20, 2024, from https://nhandan.vn/tao-xung-luc-moi-cho-quan-he-huu-nghi-truyen-thong-va-hop-tac-nhieu-mat-viet-nam-lien-bang-nga-post815380.html
[10] Al Jazeera. (2024, June 19). Russia’s Putin arrives in Vietnam for final stop on two-nation Asia tour. Al Jazeera. Retrieved June 20, 2024, from https://www.aljazeera.com/news/2024/6/19/russias-putin-praises-vietnam-for-its-balanced-stance-on-ukraine
[11] Như trích dẫn 2
[12] Phương Dung. (2024, June 20). Việt Nam và Nga sẽ tăng hợp tác dầu khí. VnExpress. Retrieved June 20, 2024, from https://vnexpress.net/viet-nam-nga-se-tang-hop-tac-trong-linh-vuc-dau-khi-4760793.html
[13] Như trích dẫn 10
[14] Như trích dẫn 9
[15] Vu Anh. (2024, June 20th). Russia to help Vietnam build nuclear science center. VnExpress International. Retrieved 6 20, 2024, from https://e.vnexpress.net/news/news/russia-to-help-vietnam-build-nuclear-science-center-4760769.html
[16] Như trích dẫn 9
[17] Như trích dẫn 9
[18] Ghosal, A. (2024, June 20). Putin signs deals with Vietnam in bid to shore up ties in Asia to offset Moscow’s growing isolation. AP News. Retrieved June 20, 2024, from https://apnews.com/article/vietnam-russia-putin-visit-98891f7ec2565b79e4c255a7d7d2f6ed#
[19] Khanh Vu, & Minh Nguyen. (2024, June 21). Visiting Vietnam, Putin seeks new ‘security architecture’ for Asia. Reuters. Retrieved June 21, 2024, from https://www.reuters.com/world/russian-president-putin-arrives-vietnam-state-visit-2024-06-19
[20] Guarascio, F. (2024, June 19). Vietnam to host Putin in nod to old ties, risking ire of West. Reuters. Retrieved June 19, 2024, from https://www.reuters.com/world/asia-pacific/vietnam-host-putin-nod-old-ties-risking-ire-west-2024-06-19
[21] Như trích dẫn 19
[22] Nguyen Dieu Tu Uyen, & Boudreau, J. (2024, June 20). Vietnam Welcomes Putin for State Visit Criticized by U.S. TIME. Retrieved June 20, 2024, from https://time.com/6990106/vietnam-russia-putin-state-visit-us-criticism/
[23] Như trích dẫn 3
[24] Như trích dẫn 18
[25] Regan, H. (2024, June 20). Putin arrives in Vietnam as Russia seeks support in face of Western isolation. CNN. Retrieved June 20, 2024, from https://edition.cnn.com/2024/06/19/asia/vietnam-russia-putin-visit-intl-hnk/index.html
[26] Yee, T. H. (2024, June 20). President Putin’s visit shows Russia still matters a lot to Vietnam. The Straits Times. Retrieved June 20, 2024, from https://www.straitstimes.com/asia/se-asia/president-putin-s-visit-shows-russia-still-matters-a-lot-to-vietnam
[27] Như trích dẫn 3
[28] Wee, S. L. (2024, June 19). Why Is Putin Traveling to Vietnam?. The New York Times. Retrieved June 19, 2024, from https://www.nytimes.com/2024/06/19/world/asia/putin-russia-vietnam-visit.html
[29] Như trích dẫn 20
[30] Strangio, S. (2024, June 14). Russia’s Putin Set to Visit Vietnam Next Week, Reports Claim. The Diplomat. Retrieved June 19, 2024, from https://thediplomat.com/2024/06/russias-putin-set-to-visit-vietnam-next-week-reports-claim/
[31] Như trích dẫn 25
[32] TTXVN. (2024, June 21). Khẳng định quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ở mức độ cao Việt Nam-Nga. Báo Nhân Dân Điện Tử. Retrieved June 21, 2024, from https://nhandan.vn/khang-dinh-quan-he-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-o-muc-do-cao-viet-nam-nga-post815066.html
[33] Như trích dẫn 18
[34] Welle, D. (2024, June 21). Russia, Vietnam pledge to deepen ties as Putin visits. Deutsche Welle. Retrieved June 21, 2024, from https://www.dw.com/en/russias-putin-arrives-in-vietnam-on-state-visit/a-69419862
[35] Như trích dẫn 25
[36] Xuân Hưng, & Thùy Vân. (2024, June 21). Chuyên gia Nga: Việt Nam là đối tác tin cậy của Nga. Báo Nhân Dân Điện Tử. Retrieved June 21, 2024, from https://nhandan.vn/chuyen-gia-nga-viet-nam-la-doi-tac-tin-cay-cua-nga-post813845.html
[37] Như trích dẫn 3
[38] Duy Linh. (2024, June 21).Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đến Việt Nam. Báo Tuổi trẻ. Retrieved June 21, 2024, from https://tuoitre.vn/tro-ly-ngoai-truong-my-den-viet-nam-20240621150837005.htm
[39] Khang Vũ. (2024, June 20). Putin’s Trip to Vietnam: The Next Phase of Major Power Competition. The Diplomat. https://thediplomat.com/2024/06/putins-trip-to-vietnam-the-next-phase-of-major-power-competition/
[40] Như trích dẫn 19
[41] Như trích dẫn 19
[42] Như trích dẫn 18