Ngày 14-15/4 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam.[1] Chuyến thăm này là một phần của chuyến công du ba nước Đông Nam Á theo thứ tự Việt Nam, Malaysia và Campuchia.[2] Chuyến thăm thể hiện sự đoàn kết về chính trị giữa Việt Nam và Trung Quốc, sự sâu sắc về hợp tác kinh tế trong bối cảnh thương mại thế giới có những bất ổn.
1. Bối cảnh chuyến thăm
Chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam lần này của ông Tập mang nhiều ý nghĩa về mặt ngoại giao, kinh tế và chính trị. Đây là chuyến công du đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc trong năm 2025, là chuyến thăm Việt Nam thứ tư của ông Tập trên cương vị người đứng đầu Trung Quốc và là chuyến thứ hai trong kỳ Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.[3] Theo như tờ Tuổi trẻ, việc Chủ tịch Tập thăm Việt Nam sau chưa đầy một năm sau khi Tổng bí thư Tô Lâm thăm Trung Quốc cho thấy sự tin cậy chính trị cao giữa hai nước. Ngoài ra, chuyến thăm này còn là dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1950-2025).[4] Tuy nhiên, xét trong bối cảnh chính trị quốc tế hiện tại, chuyến thăm này còn có thể có thêm những hàm ý khác.
Kể từ khi lên nắm quyền, chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump đã áp đặt thuế quan lên một loạt các đối tác kinh tế của nước này với 10% là mức tối thiểu và mức cao nhất, 49%, dành cho Campuchia trong thông báo ngày 2/4 vừa qua. Trong khi đó Việt Nam và Trung Quốc chịu mức thuế lần lượt là 46% và 34%.[5] Động thái này không chỉ gây náo loạn thị trường chứng khoán thế giới mà còn khiến các nước khác lên tiếng phản đối mức “thuế đối ứng” này của chính phủ Mỹ. Việt Nam đã phản ứng bằng việc giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ, “thắt chặt” lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, lập Tổ công tác ứng phó với điều chỉnh chính sách kinh tế và thương mại và cử phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sang Mỹ để đàm phán trực tiếp liên quan đến thuế quan.[6][7] Không những thế, Việt Nam trước đó cũng đã mua thêm các loại mặt hàng từ Mỹ như sản phẩm nông nghiệp, LNG và máy bay Boeing. Trong khi đó, Trung Quốc đưa ra thuế quan như một biện pháp trả đũa và thương chiến Mỹ – Trung trở nên căng thẳng. Cho đến ngày 14/4, Mỹ đã tăng thuế nhập khẩu từ Trung Quốc lên 145%, trừ những mặt hàng điện tử, còn Trung Quốc đã tăng mức thuế quan cho hàng hóa từ Mỹ lên 125%.[8] Do đó, ý nghĩa của chuyến thăm này không chỉ mang hàm ý thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước mà còn cho thấy Trung Quốc muốn nhấn mạnh vào tình hình thương mại thế giới. Điều này thể hiện qua bài viết của Chủ tịch Tập gửi cho báo Nhân Dân, trong đó nhắc đến sự phát triển của Trung Quốc bất chấp chủ nghĩa bảo hộ lên ngôi và khẳng định rằng các chính sách bảo hộ công nghiệp, tiến thành thương chiến sẽ không mang lại lợi ích cho bất cứ ai.[9]
2. Nội dung chuyến thăm
Trong chuyến thăm đến Việt Nam vừa qua, đi cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một nhóm quan chức cấp cao bao gồm một Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị là ông Thái Kỳ, một Ủy viên Bộ Chính trị khác là ông Vương Nghị, Bộ trưởng Bộ Công an Vương Tiểu Hồng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đổng Quân và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc Hà Vĩ. Chuyến thăm này cho thấy tính cấp cao của nó khi không chỉ người đứng đầu quốc gia mà còn có những lãnh đạo các bộ ngành trong lĩnh vực ngoại giao, an ninh. Trong buổi tiếp xúc giữa lãnh đạo hai nước tại Hà Nội, dự án “Hành trình đỏ: Nghiên cứu, học tập của thanh niên” được triển khai. Đây là chương trình nhằm giáo dục, tuyên truyền cho thế hệ trẻ về cuộc cách mạng và sự hợp tác giữa hai đảng và nhà nước qua các “di sản đỏ”. Ngoài ra, hai nước cũng ấn định năm nay là “Năm giao lưu nhân văn Trung-Việt 2025”, đây là hoạt động giao lưu nhân dân và cũng mang tính chất giáo dục nói trên.[10] Bên cạnh đó, Bộ Công Thương và Bộ Thương mại, Tổng cục Giám sát quản lý quốc gia cùng với hai địa phương là Trùng Khánh, Hải Nam cũng đã ký kết 4 thỏa thuận hợp tác liên quan đến quảng bá hình ảnh thưởng hiệu các sản phẩm quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu thị trường, đối tác. 2 trong 4 văn kiện hợp tác này cũng mở ra thêm nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời thu hút các dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc. Những thỏa thuận hợp tác này được hứa hẹn sẽ thúc đẩy lượng hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc và đồng thời phát triển một số ngành ở Việt Nam. Kết thúc chuyến thăm, hai bên đã ký 45 văn kiện về các lĩnh vực kết nối hạ tầng, AI, kiểm tra hải quan, thương mại nông nghiệp, thể thao – văn hóa, sinh kế, phát triển nguồn nhân lực, và truyền thông.[11]
Ngoài ra, hai bên còn đưa ra bản tuyên bố chung với 11 nội dung trong đó có 7 nội dung liên quan đến việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai Đảng, Nhà nước và nhân dân. Cụ thể, hai bên nhất trí việc thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc với việc thiết lập cơ chế Đối thoại chiến lược “3+3” gồm các cơ quan ngoại giao, quốc phòng, công an ở cấp bộ trưởng. Cũng trong khuôn khổ đó, hai nước mong muốn tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước, tổ chức những cuộc gặp gỡ giữa hai Hội thanh niên, các chuyến thăm hỏi giữa lãnh đạo ở các tỉnh ở hai bên đường biên giới. Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí trong việc chia sẻ kinh nghiệm về chống can thiệp, chống ly khai, “cách mạng màu” và “diễn biến hòa bình”, tăng cường hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Quản lý và Ứng phó tình trạng khẩn cấp Trung Quốc. Những nội dung còn lại trong tuyên bố chung giữa hai nước đề cập đến một loạt lĩnh vực liên quan đến kinh tế, hợp tác giữa hai nước trong các vấn đề quốc tế. Về lĩnh vực kinh tế, hai nước hợp tác giữa hai khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai” với Sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Những dự án liên quan đến hợp tác này đó là tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng-Hà Nội và Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng do Trung Quốc viện trợ trong việc lập quy hoạch 2 tuyến đường sắt này. Cụ thể, việc nghiên cứu do Trung Quốc tiến hành và đài thọ tốn tổng cộng 9,95 triệu NDT (khoảng 1,36 triệu USD) để kết nối một số tỉnh, thành phố ở nước này như tuyến đường sắt nối tỉnh Quảng Tây với Hà Nội và thành phố Côn Minh với một thành phố duyên hải ở miền Bắc Việt Nam có trị giá 8,3 tỷ USD để xây dựng ở phía Việt Nam với một phần được chi trả bởi khoản nợ từ Trung Quốc. Các tuyến đường sắt này không chỉ việc di chuyển giữa hai nước được hiệu quả hơn mà còn là một sự nâng cấp đối với hệ thống đường sắt của Việt Nam vốn vẫn còn đang dùng khổ đường sắt từ thời Pháp thuộc. Đồng thời, tuyên bố chung còn nhắc đến việc cải thiện các thủ tục tại cửa khẩu, mở thêm các đường bay thẳng giữa hai nước, hướng đến tăng cường hoạt động kinh tế, đi lại giữa hai nước. Về mặt hợp tác đối ngoại, Việt Nam và Trung Quốc cùng công nhận tình hình quốc tế hiện nay có tính không xác định, không ổn định và không thể dự báo, cùng đề cao hợp tác đa phương vì lợi ích chung và thúc đẩy quản trị toàn cầu phát triển theo hướng công bằng và phát huy các giá trị về hòa bình, phát triển, dân chủ, tự do và một trật tự thế giới đa cực. Đặc biệt, trong tuyên bố chung có một đoạn nhỏ nêu rằng hai nước cùng phản đối “chủ nghĩa bá quyền”; “chính trịnh cường quyền”; và “chủ nghĩa đơn phương”. Riêng về vấn đề Biển Đông, hai nước chia sẻ chung mong muốn hoàn thành “Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC), và cùng đồng ý rằng sẽ không thực hiện các hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp trên biển.[12]
3. Nhận định về chuyến thăm
3.1. Hàm ý của Trung Quốc
Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung cho rằng chuyến thăm này là một phần trong chiến lược “sáu hơn” được Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đề ra đối với các mối quan hệ song phương.[13][14] Còn theo ông Nguyễn Khắc Giang, thành viên thường trực ở Viện ISEAS–Yusof Ishak, Trung Quốc đang cố thể hiện mình là một cường quốc có trách nhiệm, trái ngược với Mỹ dưới thời Donald Trump để kéo các nước Đông Nam Á về phía mình.[15] Theo Tiến sĩ Lê Thu Hường từ International Crisis Group, chuyến thăm này là cách Trung Quốc gửi đi thông điệp chính trị rằng Đông Nam Á quan trọng đối với họ.[16] Tương tự, Oh Ei Sun, thành viên cấp cao tại Viện Quan hệ Quốc tế Singapore, cho biết điều quan trọng nhất là đảm bảo sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc trong khu vực và khẳng định Đông Nam Á là đối tác thương mại chính của Trung Quốc. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, Trung Quốc có thể cung cấp nhiều thứ cho Việt Nam và các nước ASEAN khác trong giai đoạn bất ổn này,[17] và đó có thể là cách để họ gia tăng sự ảnh hưởng của mình trong khu vực. Cùng quan điểm với các học giả trên, Wen-ti Sung, thành viên không thường trực của Atlantic Council cũng cho rằng chuyến đi thể hiện Trung Quốc đang tận dụng thời cơ các quốc gia gặp biến động vì chính sách thuế quan của Mỹ để gia tăng ảnh hưởng của mình, khiến các nước này thấy rằng Trung Quốc là một quốc gia đáng tin cậy.[18] Không chỉ thế, theo Lynette Ong, nhà nghiên cứu chính trị, chuyên gia về Trung Quốc và châu Á tại Đại học Toronto, Trung Quốc đang cố tạo ra một liên minh chống lại Mỹ trong cuộc thương chiến này.[19] Ngoài ra, chuyến công du ba nước lần này còn được ông Nguyễn Khắc Giang và Wen-ti Sung nhận định là nhằm để khẳng định Trung Quốc có thể tự phòng vệ trước thuế quan của Mỹ và sẽ tăng cường sự hiện diện về mặt kinh tế trên thế giới.[20][21]
Tuy nhiên, theo Elizabeth Economy, thành viên cấp cao tại Viện Hoover thuộc Đại học Stanford, các quốc gia vẫn sẽ cân nhắc trong việc hợp tác với Trung Quốc. Bởi vì mặc dù Trung Quốc là đối tác thương mại lớn hơn đối với nhiều quốc gia nhưng Mỹ vẫn thường là thị trường xuất khẩu lớn hơn. Lợi ích đáng kể với nền kinh tế Mỹ cũng như những động thái về mặt quân sự trong khu vực của Trung Quốc sẽ là hai yếu tố khiến các nước suy xét. Bà cho rằng chiến lược “tấn công quyến rũ” (charm offensive) của Trung Quốc cần phải toàn diện hơn nếu muốn có được lợi ích từ những hành động của Donald Trump.[22]
3.2. Hàm ý cho Việt Nam
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang cho rằng chuyến công du này sẽ mang tới cả cơ hội lẫn nguy cơ cho Việt Nam. Cụ thể, Trung Quốc có thể là “phao cứu sinh” tạm thời cho kinh tế Việt Nam nhưng Việt Nam vẫn phải giữ một sự cân bằng trong quan hệ với hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc.[23] Theo Hoàng Thị Hà, Nghiên cứu viên cao cấp và Đồng điều phối viên của Chương trình Nghiên cứu Chiến lược và Chính trị Khu vực, Viện ISEAS – Yusof Ishak, chuyến thăm của Tập Cận Bình đã mang đến cho Việt Nam cơ hội đảm bảo sự ủng hộ của Trung Quốc cho mô hình phát triển trong kỉ nguyên mới. Nhà nghiên cứu cũng chỉ ra một sự chuyển biến trong cách tiếp cận của Việt Nam đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, từ thận trọng trong quá khứ đến đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác về cơ sở hạ tầng trong chuyến thăm lần này. Mặc dù tồn tại nhiều thách thức nhưng theo Hoàng Thị Hà, hợp tác kinh tế với Trung Quốc sẽ mang lại cho Việt Nam một con đường thực tế để thực hiện các mục tiêu phát triển của mình. Bà cho rằng sự cởi mở ngày càng tăng của Việt Nam đối với sự tham gia sâu hơn của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái công nghệ của mình phản ánh mức độ can đảm và niềm tin chính trị ngày càng gia tăng của giới lãnh đạo Việt Nam hiện tại đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng Việt Nam vẫn nhất quán với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, không chọn bên, vì thế, nhà nghiên cứu cho rằng chuyến thăm sẽ là một phép thử về khả năng cân bằng quan hệ với các cường quốc của Việt Nam để phục vụ cho các mục tiêu phát triển của mình.[24]
Về thách thức, Alexander Vuving, Giáo sư làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương nhận định rằng Việt Nam hiện nay đang dễ bị tổn thương bởi Trung Quốc và Mỹ hơn bao giờ hết.[25] Tương tự, Ja Ian Chong, Nhà nghiên cứu về khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết màn trả đũa thuế quan qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng áp lực cho các nước Đông Nam Á. Cụ thể, Việt Nam đang nằm “giữa một hòn đá và một mặt phẳng cứng”.[26] Hai nhà quan sát Peter Mumford và Kevin Chen đều đưa ra lời cảnh báo lần lượt rằng các nước Đông Nam Á đang đứng trước nguy cơ chịu sự cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc ở thị trường nội địa do tác động từ thuế quan Mỹ và khối Đông Nam có thể sẽ phải đối mặt với một nước Mỹ không thân thiện và một Trung Quốc ngày càng quyết đoán.[27]
ĐL
Tài liệu tham khảo:
[1] Ngọc Ánh. (2025, April 13). Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam hôm nay. VnExpress. https://vnexpress.net/tong-bi-thu-chu-tich-trung-quoc-tap-can-binh-tham-viet-nam-hom-nay-4873491.html
[2] Ngo, T., May, T., & Cave, D. (2025, April 13). Xi Jinping Travels to Southeast Asia Amid Tariff War with U.S. The New York Times. https://www.nytimes.com/2025/04/13/world/asia/china-xi-us-trade-war-southeast-asia.html
[3] Báo Tiền Phong. (2025, April 14). Chủ tịch nước Lương Cường ra sân bay đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tiền Phong. https://tienphong.vn/chu-tich-nuoc-luong-cuong-ra-san-bay-don-tong-bi-thu-chu-tich-trung-quoc-tap-can-binh-post1733441.tpo
[4] Duy Linh. (2025, April 13). Hôm nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Việt Nam. Báo Tuổi Trẻ. https://tuoitre.vn/hom-nay-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-trung-quoc-tap-can-binh-den-tham-viet-nam-20250414060637553.htm
[5] Paz, L. G., & Clarke, S. (2025, April 3). Trump’s tariffs: the full list | Tariffs. The Guardian. https://www.theguardian.com/business/2025/apr/03/trumps-tariffs-the-full-list
[6] Quang Thanh. (2025, April 4). Chính phủ lập Tổ công tác ứng phó với điều chỉnh chính sách kinh tế và thương mại của Mỹ. VnEconomy. https://vneconomy.vn/chinh-phu-lap-to-cong-tac-ung-pho-voi-dieu-chinh-chinh-sach-kinh-te-va-thuong-mai-cua-my.htm
[7] Ratcliffe, R. (2025, April 13). Xi Jinping seeks to strengthen economic ties during tour of south-east Asia. The Guardian. https://www.theguardian.com/world/2025/apr/13/xi-jinping-seeks-to-strengthen-economic-ties-during-tour-of-south-east-asia
[8] Howard, N. (2025, April 12). Trump exempts phones, computers, chips from new tariffs. CNBC. https://www.cnbc.com/2025/04/12/trump-exempts-phones-computers-chips-tariffs-apple-dell.html
[9] Tập, B. C. (2025, April 13). Cùng chung chí hướng, chung tay tiến lên phía trước – Kế thừa quá khứ và viết tiếp trang mới tương lai. Nhân Dân. https://special.nhandan.vn/cung-chung-chi-huong–chung-tay-tien-len-phia-truoc-ke-thua-qua-khu-viet-tiep-trang-moi-tuong-lai/
[10] Báo Nhân dân. (2025, April 15). Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự Gặp gỡ hữu nghị nhân dân Việt Nam-Trung Quốc. Báo Nhân dân.
[11] Báo Điện tử Chính phủ. (2025, April 16). Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thành công tốt đẹp trên mọi phương diện. Báo Điện tử Chính phủ. https://baochinhphu.vn/chuyen-tham-cap-nha-nuoc-den-viet-nam-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-trung-quoc-tap-can-binh-thanh-cong-tot-dep-tren-moi-phuong-dien-102250416212949807.htm
[12] TTXVN. (2025, April 15). Toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc. Báo Tuổi trẻ. https://tuoitre.vn/toan-van-tuyen-bo-chung-viet-nam-trung-quoc-20250415153521883.htm
[13] “Sáu hơn”, bao gồm tin cậy chính trị cao hơn; hợp tác quốc phòng – an ninh thực chất hơn; hợp tác thực chất sâu sắc hơn; nền tảng xã hội vững chắc hơn; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn.
[14] Nguyễn Thành Trung. (2025, April 14). Thêm giai đoạn vàng quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Tuổi Trẻ Online. https://tuoitre.vn/them-giai-doan-vang-quan-he-viet-nam-trung-quoc-20250414075435322.htm?fbclid=IwY2xjawJupCNleHRuA2FlbQIxMAABHvHjRTYHCY0x0V5FRyoOamA-Xk2iJQdQW27pEyJyp4XIOLLLS9R_loB2_OIq_aem_9ER5CjjX9umuHziMv4TZ5g
[15] Wu, H., & Ghosal, A. (2025, April 14). China’s Xi Jinping says there are no winners in a tariff war as he visits Southeast Asia. AP News. https://apnews.com/article/xi-visit-vietnam-china-us-trade-d7046613bff2c9ef31162ae8dd436263
[16] Wu, H., & Ghosal, A. (2025, April 14). China’s Xi Jinping says there are no winners in a tariff war as he visits Southeast Asia. AP News. https://apnews.com/article/xi-visit-vietnam-china-us-trade-d7046613bff2c9ef31162ae8dd436263
[17] Wu, H. (2025, April 16). Xi makes a case for free trade, presenting China as a source of ‘stability and certainty’. AP News.
[18] Gan, N. (2025, April 15). China urges Vietnam to resist ‘unilateral bullying’ as Xi tries to rally region in face of Trump tariffs. CNN. https://edition.cnn.com/2025/04/14/asia/china-xi-southeast-asia-visit-trump-tariffs-intl-hnk/index.html
[19] Bloomberg News. (2025, April 15). China President Xi Jinping Seeks to Win Over Southeast Asia Amid Trump Tariffs. Bloomberg.com. https://www.bloomberg.com/news/articles/2025-04-14/xi-seeks-to-win-southeast-asia-as-trump-dangles-tariff-relief
[20] Wu, H., & Ghosal, A. (2025, April 14). China’s Xi Jinping says there are no winners in a tariff war as he visits Southeast Asia. AP News. https://apnews.com/article/xi-visit-vietnam-china-us-trade-d7046613bff2c9ef31162ae8dd436263
[21] Gan, N. (2025, April 15). China urges Vietnam to resist ‘unilateral bullying’ as Xi tries to rally region in face of Trump tariffs. CNN. https://edition.cnn.com/2025/04/14/asia/china-xi-southeast-asia-visit-trump-tariffs-intl-hnk/index.html
[22] Gan, N. (2025, April 21). Beijing warns countries against colluding with US to restrict trade with China. CNN.
[23] Ratcliffe, R. (2025, April 14). ‘No winners’ in a trade war, says China’s Xi as he heads to Vietnam on charm offensive. The Guardian. https://www.theguardian.com/world/2025/apr/14/no-winners-in-a-trade-war-proclaims-chinas-xi-as-he-heads-to-vietnam-on-charm-offensive
[24] Hoàng Thị Hà. (2025, April 17). Xi’s Visit to Vietnam: It’s Not All About Trump. Fulcrum.
http://fulcrum.sg/xis-visit-to-vietnam-its-not-all-about-trump/
[25] Cave, D. (2025, April 14). China’s Leader Courts Vietnam as Trade War With the U.S. Mounts. The New York Times. https://www.nytimes.com/2025/04/14/world/asia/china-vietnam-tariffs-trump.html
[26] Cave, D. (2025, April 14). China’s Leader Courts Vietnam as Trade War With the U.S. Mounts. The New York Times. https://www.nytimes.com/2025/04/14/world/asia/china-vietnam-tariffs-trump.html
[27] Ratcliffe, R. (2025, April 8). How Trump tariffs could push Vietnam into the arms of China. The Guardian. https://www.theguardian.com/us-news/2025/apr/08/how-trump-tariffs-could-push-vietnam-into-the-arms-of-china