Phòng bị nước đôi là chiến lược đối ngoại của một quốc gia, bao gồm nhiều chính sách khác nhau, đôi khi đối nghịch với nhau, thể hiện sự mơ hồ có chủ đích, nhằm tránh việc bị phụ thuộc nhiều vào nước khác. Chiến lược này mang tính chất vừa hợp tác – vừa phòng bị trước những hành vi của các nước lớn.
Chiến lược phòng bị nước đôi có ba thuộc tính chính sau: (1) kiên định với việc không chọn phe hay gia nhập vào một liên minh bền chặt; (2) tiến hành những chính sách trái ngược và mâu thuẫn nhau để cân bằng các mối nguy trên nhiều lĩnh vực như an ninh, chính trị và kinh tế; (3) hướng đến đa dạng hóa các mối quan hệ và luôn có sẵn phương án dự phòng. Khác với cân bằng quyền lực hay chính sách phù thịnh, phòng bị nước đôi thuộc chiến lược cân bằng ngoài. Về lịch sử, cụm từ “phòng bị nước đôi” được hình thành sau Chiến tranh Lạnh, xuất phát từ những nghiên cứu về chính sách đối ngoại của các nước Đông Nam Á. Trước sự lớn mạnh và quyết đoán của Trung Quốc, cùng với sự thiếu tin tưởng đối với cam kết của Mỹ, các nước Đông Nam Á phải sử dụng chiến lược này để bảo vệ sự tự chủ quốc gia. Cụ thể, họ không muốn bị Trung Quốc đe dọa an ninh cũng như không chắc chắn liệu Mỹ có sẵn sàng bảo vệ mình hay không. Mâu thuẫn Mỹ – Trung càng leo thang có thể khiến các nước Đông Nam Á càng bám trụ với chiến lược “phòng bị nước đôi”.
Tài liệu tham khảo:
- Lim, D. (2023, July 12). Economic security and hedging in Southeast Asia. East Asia Forum. Retrieved May 27, 2024, from https://eastasiaforum.org/2023/07/12/economic-security-and-hedging-in-southeast-asia/
- NCQT. (2014, January 21). Từ ngữ thú vị (1-10). Nghiên cứu quốc tế. Retrieved May 27, 2024, from https://nghiencuuquocte.org/2014/01/21/tu-ngu-thu-vi-1-10/
- Hoàng Khắc Nam. (2022). Cân bằng trong quan hệ với các nước lớn: từ lý thuyết tới thực tiễn. Khoa học xã hội Việt Nam, 12. 10.56794/KHXHVN.12(180).3-12
- Kuik, C. C. (2021). Getting hedging right: a small‑state perspective. China International Strategy Review, 3, 300–315. https://doi.org/10.1007/s42533-021-00089-5
- Ciorciari, J. D., & Haacke, J. (2019). Hedging in international relations: an introduction. International Relations of the Asia-Pacific, 9, 367–374. 10.1093/irap/lcz017