Quản trị toàn cầu là một trật tự có mục đích, được cấu thành từ các yếu tố các thể chế, nguyên tắc, chuẩn mực, thỏa thuận chính thức và cơ chế không chính thức nhằm điều chỉnh hành động vì lợi ích chung.
Có ba yếu tố thúc đẩy quản trị toàn cầu phát triển: sự hiệu quả của Liên Hợp Quốc sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh, quá trình toàn cầu hóa và sự xuất hiện ngày càng nhiều các vấn đề toàn cầu. Mục tiêu của quản trị toàn là hành động vì lợi ích chung trong những lĩnh vực như gìn giữ hòa bình, an ninh, phát triển thị trường và đưa ra nguyên tắc chung cho các hoạt động thương mại, công nghiệp. Các hoạt động này vượt qua ranh giới quốc gia ở cấp độ quốc tế, xuyên quốc gia và khu vực và dựa trên các quyền và quy tắc từ các tổ chức quốc tế như: Liên Hợp Quốc (UN), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (WB). Dù khái niệm trên vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng đi đến một điểm thống nhất rằng quản trị toàn cầu không phải là một dạng chính phủ toàn cầu, thay vào đó là một cơ chế quản lý toàn cầu.