Quan hệ Nga – Trung Quốc giai đoạn từ năm 2014 đến nay

Quan hệ ngoại giao Nga – Trung Quốc vừa chia sẻ những lợi ích song trùng, nhưng cũng không ngừng dè chừng nhau. Nga và Trung Quốc là hai chủ thể quan trọng, có sức ảnh hưởng lớn trong quan hệ quốc tế. Hai nước đang là hai quyền lực thống trị lục địa Á – Âu và có những đặc điểm cộng hưởng cho nhau ở mức độ nhất định. Tuy nhiên, nhiều học giả nhận xét đây là mối quan hệ “kết bạn nhưng không kết đồng minh”. Ngoài ra cũng có ý kiến cho rằng Trung – Nga sẽ không đối đầu nhau nhưng cũng không luôn ở cùng nhau. Tuy nhiên, trong thời gian sắp tới, quan hệ song phương này sẽ còn nhiều không gian phát triển do chia sẻ nhiều lợi ích song trùng. 

Bối cảnh mối quan hệ ngoại giao Nga – Trung Quốc:

Nga có nguồn tài nguyên năng lượng dồi dào và vũ khí hiện đại, đặc biệt là vũ khí hạt nhân. Trung Quốc sở hữu nền kinh tế và lực lượng quân đội lớn thứ hai thế giới. Mối quan hệ ngoại giao Nga – Trung vốn là quan hệ láng giềng lâu đời với hơn 70 năm lịch sử, được thiết lập dựa trên sự kế thừa từ mối quan hệ giữa TQ với Liên Xô cũ. Mối quan hệ hai bên từng trải qua nhiều biến động: từng là đồng minh nhưng cũng từng là kẻ thù. Kể từ sau 1980, mối quan hệ hai nước dần được cải thiện. Năm 2001, hai nước đã ký kết Hiệp ước Láng giềng tốt và Hợp tác hữu nghị. Sau 2014, mối quan hệ Nga – Trung đã có những chuyển biến xích lại gần nhau dưới sự ảnh hưởng của những thay đổi trong đường lối đối ngoại của 2 bên và những biến động chính trị thế giới. Về phía Nga, nước này vướng phải các lệnh cấm vận từ châu Âu do vấn đề bán đảo Crimea và vấn đề khủng hoảng kinh tế nội địa. Trong khi đó, Trung Quốc bắt đầu thực hiện một chính sách đối ngoại hướng ra bên ngoài nhiều hơn và có những động thái quyết liệt hơn, đặc biệt ở khu vực biển Đông khiến nước này đối mặt với nhiều chỉ trích gay gắt từ cộng đồng thế giới.

Giai đoạn này, Trung Quốc đặc trưng bởi sự trỗi dậy mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, điển hình qua việc gia tăng sự hiện diện ở quốc tế và khẳng định mạnh mẽ các yêu sách, lợi ích của mình tại các khu vực được cho là chiến lược trong tính toán của các nhà cầm quyền tại Bắc Kinh. Nhiều học giả cho rằng, Trung Quốc đang bước vào giai đoạn  thể hiện quyết tâm mạnh mẽ muốn thách thức trật tự nguyên trạng do Mỹ dẫn đầu và muốn được công nhận như là một cường quốc có tầm ảnh hưởng sánh ngang với Mỹ. Đặc biệt, không giống với những gì cam kết về một sự trỗi dậy hòa bình[1], chính quyền Bắc Kinh liên tiếp có những động thái đơn phương áp đặt trong tranh chấp biển Đông với các nước láng giềng, sử dụng các biện pháp đe dọa và triển khai các hoạt động quân sự trong vùng biển tranh chấp. Đối với các nước khu vực, những hành động đơn phương của Trung Quốc là mối đe dọa đến hòa bình, an ninh khu vực nói chung. Trong góc nhìn của phương Tây, Trung Quốc đang muốn thay thế trật dẫn dắt bởi phương Tây bằng một trật tự dẫn dắt bởi Trung Quốc và đây là một mối đe dọa,[2] làm xuất hiện sự chuyển dịch trung tâm cạnh tranh quyền lực về khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Kể từ nhiệm kỳ thứ hai, chính quyền Obama đã thực hiện các chính sách đối ngoại xoay trục về châu Á, đồng thời ngày càng nhận định rõ ràng hơn về mối đe dọa Trung Quốc. Trước tình hình Mỹ phản ứng ngày càng gay gắt về sự trỗi dậy của mình, Trung Quốc hiểu rằng một Trung Quốc đơn độc sẽ không thể cạnh tranh và yếu thế trong cuộc đối đầu đường dài với Phương Tây. Một điểm cần phải lưu ý khác là mặc dù giai đoạn này nhìn thấy sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc về cả chất và lượng, thực lực nước này vẫn chưa thể sánh ngang với Mỹ. Trong bối cảnh Trung Quốc cần mở rộng quan hệ đối tác, đồng thời phát triển sức mạnh quốc gia, “phương án Nga” xuất hiện, cùng chia sẻ mối quan ngại phương Tây, vừa là một cường quốc về năng lượng và vũ khí, quân sự – những nguồn lực mà Trung Quốc cần. Các yếu tố về bối cảnh quốc tế và lợi ích đã đẩy Trung Quốc mưu cầu mối quan hệ gần gũi hơn với Nga.

Về phía Nga, bối cảnh năm 2014 đặc trưng bởi hai đặc điểm là (1) Sự thay đổi quan điểm đối ngoại dẫn đến mối quan hệ căng thẳng với phương Tây và (2) Nền kinh tế vốn dựa vào công nghiệp dầu mỏ rơi vào khủng hoảng. Năm 2014 đánh dấu sự thay đổi trong chính sách đối ngoại Nga, theo hướng thực thi một chính sách đối ngoại mạnh mẽ hơn và quyết đoán hơn trong việc khẳng định lợi ích của mình. Sự thay đổi này là hệ quả của thời gian dài Nga và phương Tây, đặc biệt là EU, luôn trong tình trạng mâu thuẫn lợi ích và tranh giành sự ảnh hưởng ở châu Âu, nhất là các nước Đông Âu thuộc Liên Xô cũ trước đây. Theo Dmitri Trenin, giám đốc của Trung tâm Carnegie Moscow, sự thay đổi này đã chấm dứt 1/4 thập kỷ hợp tác giữa các cường quốc mà mở ra một giai đoạn mới đặc trưng bởi sự cạnh tranh gay gắt.[3] Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergei Lavrov Nga tuyên bố thời kỳ mà Nga đánh đổi lợi ích quốc gia để nhân nhượng với phương Tây đã kết thúc, nước này sẽ trở nên cương quyết hơn và không nhượng bộ, thỏa hiệp.[4] Định hướng đối ngoại này được thể hiện thực tế qua việc Nga sẵn sàng dùng vũ lực và tham gia/ can thiệp một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đối với các vấn đề quốc tế liên quan đến lợi ích của mình. Bên cạnh đó, Nước này muốn được công nhận là một cường quốc có sức ảnh hưởng toàn cầu và khẳng định lại vị thế trong các không gian từng thuộc khối Soviet trước đây. Dẫn đến năm 2014 diễn ra sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea, vốn bắt nguồn từ nỗi lo sợ của Nga trước sự xâm nhập của phương Tây vào khu vực nằm dưới ảnh hưởng của mình, làm dấy lên sự chỉ trích mạnh mẽ từ phương Tây. Theo sau đó, Nga đã phải chịu một loạt các biện pháp cấm vận kinh tế và lệnh trừng phạt, tổn hại đến nền kinh tế nước này. Tác động của các lệnh cấm vận còn tồi tệ hơn khi nó diễn ra gần như đồng thời với thời điểm giá dầu mỏ toàn cầu sụt giảm, tiền tệ của Nga bị rớt giá và nước này vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau khủng hoảng kinh tế 2008, dẫn đến nguy cơ một cuộc khủng hoảng kinh tế ở Nga. Sự rạn nứt với phương Tây và các vấn đề kinh tế nội địa đã thúc đẩy Nga phải tăng cường mối quan hệ với các đối tác khác, thoát khỏi tình trạng bị cô lập kinh tế – chính trị. Dễ hiểu rằng Trung Quốc – láng giềng của Nga, đồng thời là một cường đang trỗi dậy với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trở thành ưu tiên đối ngoại của Nga.

Những yếu tố chính trị nội địa và mối lo chung về yếu tố Mỹ đã đẩy hai quốc gia xích lại gần nhau. Một nước Mỹ với các chính sách đối ngoại hung hăng sẽ càng đẩy hai quốc gia này lại gần nhau hơn, theo Andrew Radin – nhà khoa học chính trị tại đại học Công nghệ Massachuset. Có những ý kiến cho rằng quan hệ Nga – Trung lớn mạnh sẽ là mối thách thức đối với nước Mỹ và trật tự nguyên trạng do phương Tây dẫn dắt. Mặt khác, cũng có quan điểm cho rằng quan hệ Nga – Trung chỉ là một “ảo ảnh”, theo Zack Beauchamp từ tờ Vox. Bên cạnh các hợp tác sôi nổi, cũng cần lưu ý đến sự thận trọng của hai bên dành cho nhau. Giữa Nga – Trung tồn tại những mâu thuẫn lợi ích và thiếu sự tin tưởng dành cho nhau, tiêu biểu như sự hiện diện của Trung Quốc ảnh hưởng đến quyền lực của Nga ở Trung Á. Sự thắt chặt quan hệ tạm thời này có thể chỉ dựa trên lý do thực dụng và sẽ diễn biến khác đi nếu như không có yếu tố Mỹ chi phối.

Chủ trương quan hệ ngoại gia Nga – Trung Quốc:

Trong bối cảnh đó, quan hệ Nga – Trung đang được thắt chặt hơn trong mọi lĩnh vực từ chính trị, quân sự, kinh tế. Tổng thống Nga Putin gọi mối quan hệ song phương hai nước đang ở “cấp độ cao nhất trong lịch sử”.[5]

(1)   Hiệp định hợp tác hữu nghị và láng giềng thân thiện:

Trước hết, quan hệ Nga – Trung được điều chỉnh bởi các nguyên tắc nêu ra cụ thể trong Hiệp định hợp tác hữu nghị và láng giềng thân thiện, ký kết vào năm 2001 với khung thời gian 20 năm. Năm 2021, hiệp định được gia hạn thêm 5 năm.

Thứ nhất, hai bên thống nhất tăng cường hợp tác trên phương diện kinh tế, văn hóa, xã hội theo định hướng “phát triển cùng có lợi”. Thứ hai, hai bên tuân thủ nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nhất trí xây dựng khu vực biên giới hòa bình và hữu nghị lâu dài. Lưu ý rằng cũng trong văn kiện này, Nga đã thể hiện sự ủng hộ với chính sách “Một Trung Quốc”, phủ nhận sự độc lập của Đài Loan (Tại điều 5 Hiệp định). Thứ ba, Trung – Nga nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh nhằm duy trì sự ổn định cho hệ thống quốc tế, phản đối chủ nghĩa đơn phương và lấy Liên Hợp Quốc (LHQ) là trọng tâm, nhưng không vì mục đích nhằm vào một bên thứ ba. Khi xuất hiện bất kỳ tình huống nào có nguy cơ gây phương hại đến tình hình an ninh của một bên, hai nước sẽ ngay lập tức liên lạc, tổ chức tham vấn nhằm loại bỏ các mối đe dọa đó[6]. Mặc dù có những điều khoản về bảo vệ an ninh của nhau như đã nêu, hiệp định này lại không có điều khoản cho thấy mục tiêu hình thành bất kỳ liên minh hay khối phòng vệ chung. Như vậy, có thể hiểu hai nước chủ trương “kết bạn nhưng không kết đồng minh”. Đây cũng là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất điều chỉnh quan hệ Trung – Nga trong 20 năm sau khi ký kết hiệp định.

(2)   Nhận định từ giới chuyên gia:

Theo nhận định từ phía học giả, bên cạnh mục tiêu duy trì sự cân bằng với Mỹ, các tính toán trong việc xây dựng quan hệ Nga – Trung tốt đẹp còn nhằm đáp ứng cho các nhu cầu của chính sách đối nội.

Đối với Nga, Trung Quốc là thị trường kinh tế tiềm năng trong bối cảnh Nga phải nhận các lệnh trừng phạt kinh tế từ Châu Âu và là nhân tố cân bằng tầm ảnh hưởng của Mỹ.

Về mặt chính trị, chính sách đối ngoại của Nga đối với Trung Quốc, từ trước cả sự kiện bán đảo Crimea, được xây dựng dựa trên sự nhìn nhận Trung Quốc là một cường quốc đang lên và mục tiêu sau cùng của nước này là tìm kiếm vai trò lãnh đạo toàn cầu[7]. Trong quá trình Trung Quốc thực hiện mục tiêu của mình, nước này sẽ đối đầu, làm suy giảm chủ nghĩa đơn phương của cường quốc nguyên trạng là Mỹ – lợi ích mà Nga cũng muốn đạt được. Do đó, chính quyền Nga sẵn sàng dành sự hỗ trợ cho các cơ chế mà TQ đề ra. Đơn cử, Nga ủng hộ những khái niệm mà TQ đưa ra như “Cộng đồng chung vận mệnh” để đổi lại sự ủng hộ của nước này với các khái niệm và sáng kiến mà Nga đề ra. Nga cũng giữ vị thế trung lập trong các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông để đảm bảo tạo khoảng trống hợp tác với TQ và cả các nước Đông Nam Á. Sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Nga năm 2014, Mỹ và EU đã ban hành các lệnh trừng phạt, cấm vận kinh tế lên Nga, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của nước này. Trong bối cảnh đó, việc thúc đẩy một mối quan hệ tốt đẹp với TQ sẽ giúp chính quyền ông Putin tránh việc bị cô lập về mặt chính trị, đồng thời tìm kiếm đường ra cho các mặt hàng dầu mỏ và tìm kiếm các nguồn đầu tư nước ngoài.

Còn đối với Trung Quốc, quan hệ ngoại giao với Nga là cơ sở để nước này thực hiện các cải cách trong nước và tiến hành các chiến lược ngoại giao về phía Châu Âu. Về mặt địa lý, Nga là đối tác láng giềng lớn nhất của Trung Quốc. Do đó, các học giả Trung Quốc nhận thấy việc ổn định quan hệ với Nga là điều kiện tiên quyết để thực hiện các cải cách và mở cửa kinh tế. Đồng thời, TQ hiện nay là nền kinh tế tiêu thụ nhiên liệu nhiều nhất thế giới, nên việc xây dựng quan hệ với Nga, nhà cung cấp dầu mỏ và khí đốt lớn nhất[8], còn giúp nước này đảm bảo an ninh năng lượng. Các học giả TQ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề năng lượng khi xây dựng các hợp tác kinh tế giữa Trung – Nga[9].  Từ năm 2016, Nga đã vượt Arab Saudi trở thành nhà cung ứng dầu thô lớn nhất của Trung Quốc[10]. Về mặt chính trị, một số học giả Trung Quốc vẫn xem Nga là cường quốc và là một cực quan trọng trong nền chính trị toàn cầu[11]. Nhằm đảm bảo BRI đáp ứng đúng với cam kết là gắn kết với nền kinh tế châu Âu, TQ sẽ cần có sự hợp tác với Nga – quốc gia cũng đang thể hiện tầm ảnh hưởng của mình tại khu vực này qua Chiến lược Đại Á – Âu (The Great Eurasia).

Các triển khai trên thực tiễn của quan hệ song phương:

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Tập Cận Bình vào tháng 6-2021 đã tuyên bố gia hạn hiệp ước hợp tác và hữu nghị 20 năm giữa hai nước. Trên cơ sở đó, Trung – Nga đang theo đuổi nhiều dự án hợp tác đa dạng quy mô, trên nhiều lĩnh vực, bao gồm chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại, an ninh-quân sự,…

Về lĩnh vực kinh tế, Đại diện chính thức của Bộ Thương mại Trung Quốc, Gao Feng cho biết vào năm 2021, chính quyền Trung Quốc thực hiện kế hoạch tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại với Nga để nâng kim ngạch thương mại song phương lên 200 tỷ USD. Nhờ cơ cấu thương mại hàng hóa bổ sung, trao đổi thương mại của Trung Quốc với Nga đã tăng 29,5% so với cùng kỳ năm ngoái lên 89 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm nay theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan. Hai nước đang hợp tác thúc đẩy dự án Con đường Tơ lụa. Quan chức thương mại hàng đầu của Trung Quốc cho biết, khối lượng xuất khẩu và nhập khẩu giữa Trung Quốc và Nga dự kiến ​​sẽ đạt mức cao mới trong năm nay. Quan hệ song phương giữa hai nước đã trở nên cá nhân hóa cao độ với việc Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ đạo phát triển các thỏa thuận tài chính và thương mại có quy mô lớn theo đồng tiền Trung Quốc vào các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Nga. Người phát ngôn của Bộ lưu ý rằng Trung Quốc quan tâm đến việc mở rộng quan hệ kinh tế với Nga ở cả cấp trung ương và liên vùng. Ông cũng nói Bắc Kinh tìm cách thực hiện các dự án chiến lược quy mô lớn với Nga cũng như đạt được sự hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Về lĩnh vực chính trị – ngoại giao, tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu được tổ chức vào tháng 9-2016, đối thoại Trung-Nga tập trung vào các nguyên tắc “pháp quyền” trong việc thúc đẩy các khái niệm về thuế và pháp lý để tăng cường đầu tư, bảo hộ đầu tư, tư nhân hóa và cung cấp bảo đảm của Nhà nước về tài chính cho các dự án. Ngoài ra còn có cuộc đối thoại về cách làm cầu nối các cách giải thích khác nhau của mỗi bên về các khái niệm lập pháp, chẳng hạn như quan hệ đối tác công tư và các thỏa thuận nhượng bộ. Tại hội nghị thượng đỉnh, ông Putin và ông Tập cũng khẳng định lợi ích chung của họ trong việc duy trì an ninh và ổn định ở Trung và Đông Bắc Á, cũng như các khu vực lân cận với biên giới của quốc gia họ.  Nga và Trung Quốc coi mối quan hệ của họ là ‘quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện’. Tuyên bố chung của họ vào ngày 28-06-2021 đánh dấu kỷ niệm 20 năm ngày ký Hiệp ước láng giềng tốt và hợp tác thân thiện, nhấn mạnh rằng quan hệ Nga-Trung không tạo thành một “liên minh quân sự và chính trị” theo kiểu Chiến tranh Lạnh. Cả hai nước cho rằng một liên minh chính thức – đặc biệt là một liên minh có điều khoản phòng vệ lẫn nhau – là không cần thiết vì không bên nào muốn bị lôi kéo vào một cuộc xung đột vì lợi ích của nước kia.  Chuyên gia về chính sách đối ngoại người Nga Dmitri Trenin đã mô tả mối quan hệ Trung-Nga là một mối quan hệ dựa trên “thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản của trật tự thế giới được củng cố vì lợi ích chung”. Bản chất của mối quan hệ đó, theo Trenin, là “Nga và Trung Quốc sẽ không bao giờ chống lại nhau, nhưng họ sẽ không nhất thiết luôn luôn ở cùng nhau”.

Trong lĩnh vực an ninh – quốc phòng, Trung Quốc là đối tác an ninh quốc phòng lớn của Nga. Trong đó bao gồm việc Trung Quốc tham gia vào các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn hàng năm của Nga, các cuộc tuần tra chung bằng máy bay ném bom trên Biển Nhật Bản và các cuộc tập trận hải quân chung (bao gồm cả ở Ấn Độ Dương). Trong lần thể hiện mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Bắc Kinh và Moscow gần đây, quân đội Trung Quốc và Nga đã bắt đầu cuộc tập trận kéo dài 5 ngày ở Tây Bắc Trung Quốc vào ngày 9-8-2021. Hơn 10.000 binh sĩ thuộc quân đội Trung Quốc và Nga đang tham gia cuộc tập trận Zapad/Interaction 2021 ở Khu tự trị Hồi Ninh Hạ,  – trung tâm phía bắc của Trung Quốc, với sự tham gia của số lượng lớn máy bay, hệ thống vũ khí và phương tiện. Các cuộc tập trận Sibu / Hợp tác-2021 đánh dấu lần đầu tiên các binh sĩ Nga sử dụng vũ khí Trung Quốc, có sự tham gia của hơn 10.000 lính mặt đất và không quân. Cuộc tập trận diễn ra khi hai bên tranh cãi với Washington và các đồng minh phương Tây về một loạt vấn đề, bao gồm nhân quyền và các lo ngại về an ninh khu vực. Mặc dù các tuyên bố về quyền tài phán của Bắc Kinh đe dọa lợi ích năng lượng của Nga ở Đông Nam Á, chính quyền Nga đã ủng hộ việc Trung Quốc phản đối sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài khu vực Biển Đông sau khi Trung Quốc đã đụng độ với Mỹ về vấn đề an ninh hàng hải ở Biển Đông tại cuộc họp cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào ngày 09/08/2021. Đổi lại, Trung Quốc ngày càng thể hiện sự đồng tình của họ với việc Nga sáp nhập Crimea và ủng hộ sự can thiệp của Nga vào Syria, đồng thời kêu gọi một giải pháp chính trị cho cuộc chiến.[12]

Đánh giá về mối quan hệ song phương Nga – Trung Quốc

Thành tựu và hạn chế

Nhìn chung, mối quan hệ giữa Trung – Nga đã có dấu hiệu tích cực từ năm 2014 và trong giai đoạn từ 2016[3]  đến nay đã và đang gắn bó ở mức độ cao và nằm trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Cả hai bên chủ trương hợp tác cùng có lợi trong nhiều lĩnh vực đặc biệt là lĩnh vực kinh tế với kim ngạch song phương có xu hướng tăng qua các năm cũng như đề cao nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ quốc gia và cùng thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, hạn chế tầm ảnh hưởng đơn phương từ phía Mỹ trong hệ thống chính trị quốc tế. Cả Trung Quốc và Nga đều có những tính toán lợi ích riêng, đôi khi các lợi ích này song trùng nhau, đôi khi lại mang tính cạnh tranh. Nhiều học giả nhận xét đây là mối quan hệ “kết bạn nhưng không kết đồng minh”.[13] Ngoài ra cũng có ý kiến cho rằng Trung -Nga sẽ không đối đầu nhau nhưng cũng không luôn ở cùng nhau. Nhận định này là nhận định đúng vì thực chất trong mối quan hệ song phương Trung – Nga vẫn có những hạn chế và các triển khai thực tiễn chưa tương đồng với các tuyên bố, diễn ngôn. 

Tổng kim ngạch thương mại của Trung – Nga đã vượt mốc 100 tỷ USD trong ba năm trở lại đây và có triển vọng tăng gấp đôi vào 2024 nhưng đã tồn tại sự chênh lệch trong mức độ phát triển kinh tế giữa Trung Quốc và Nga. Trong khi Trung Quốc đứng ở vị trí nền kinh tế thứ hai toàn cầu và có khả năng vượt mặt Mỹ trong những năm sắp tới thì kinh tế của Nga đã có những sự thụt lùi, Trung Quốc liên tục gia tăng ảnh hưởng kinh tế tại Nga cũng như các khu vực chiến lược của Nga.[14] Đơn cử là Trung Á còn Nga chỉ đáp ứng được nhất định những phương tiện trong các lĩnh vực Trung – Mỹ cạnh tranh căng thẳng như thương mại, công nghệ hoặc đầu tư. Ngoài ra, sự hợp tác kinh tế song phương thiếu đi tính thực chất và chỉ gắn kết ở cấp độ nhà nước còn thực chất doanh nghiệp thì có chiều hướng đi ngược lại. Theo ông Phùng Thiệu Lôi, một chuyên gia nghiên cứu về Nga nổi tiếng thuộc trường Đại học Sư phạm Hoa Đông và Thôi Hằng lưu ý rằng cho dù các quan chức Nga ngày càng dễ chấp nhận tham gia các khuôn khổ do Trung Quốc lãnh đạo như sáng kiến “Vành đai và Con đường”, nhưng các cộng đồng doanh nghiệp ở cả hai nước đều thể hiện thiếu sự hiểu biết lẫn nhau. Số lượng các công ty Trung Quốc đăng ký hoạt động ở vùng Viễn Đông Nga thực sự đã giảm xuống từ 162 công ty vào năm 2015 xuống còn 125 công ty vào năm 2017. Chương trình hợp tác giữa Đông Bắc Trung Quốc và Viễn Đông Nga trong giai đoạn 2008-2018 chỉ hoàn thành 28% dự án và sau đó bị dừng hoạt động. Cả hai học giả nhận định, trên thực tế các dự án hoàn thành được là nhờ vào đầu tư trong nước của từng nước thay vì hợp tác trong mối quan hệ song phương.[15]

Về an ninh – quốc phòng, cả hai nước có sự cạnh tranh giữa các tổ hợp công nghiệp – quân sự khá lớn. Trong khi Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Trung Quốc nhưng từ năm 2015 – 2019, Trung Quốc đã nâng cấp, hiện đại hóa quân sự và trở thành nước sản xuất vũ khí lớn thứ hai thế giới, vượt mặt Nga.[16] Dù có sự tăng cường trao đổi, mua bán vũ khí song phương nhưng cả hai nước đều không đưa ra tín hiệu nâng cấp hợp tác để cùng sản xuất hệ thống vũ khí trước một số giả định ngược lại[4] . Ngoài ra, Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí từ Nga nhiều nhất vì vậy Nga cũng đứng trước thế khó xử giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong bối cảnh xung đột vũ trang biên giới tại dãy Himalaya.[17] Nga đã trì hoãn chuyển giao vũ khí tối tân nhất của Nga là hệ thống tên lửa S-400 cho Trung Quốc vào tháng 7/2020 nhưng lại thúc đẩy bàn giao S-400 cho Ấn Độ.[5]  Điều này dấy lên sự bất bình trong giới lãnh đạo Trung Quốc và cho rằng Nga đang đặt lợi ích của Ấn Độ lên trước lợi ích của Trung Quốc cũng như đi ngược cam kết tăng cường quan hệ an ninh Trung-Nga. Giáo sư Rityusha Tiwary tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc của Đại học New Delhi nhận định, Nga coi việc buôn bán vũ khí cho Ấn Độ là một cách để cân bằng quyền lực ngày càng gia tăng của Trung Quốc.[18] Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu vũ khí của Trung – Nga có những sự cạnh tranh tại Algeria, Pakistan, Bangladesh, Kazakhstan, Myanmar, Belarus, Angola. Kết lại, mối quan hệ an ninh – quốc phòng của Nga – Trung dù có những thành tựu nhất định trong việc buôn bán vũ khí và tập trận chung. Tuy nhiên hai nước khó mà phát triển, hợp tác cùng sản xuất vũ khí vì sẽ ảnh hưởng tới công nghệ vũ khí chiến lược của cả hai khi Trung Quốc đang cạnh tranh thị phần bán vũ khí với Nga khi ngày càng hiện đại hóa và nâng cấp quy trình nghiên cứu và phát triển vũ khí trong nước.

Vấn đề của Trung – Nga còn nằm ở sự khác biệt và thiếu hiểu biết về văn hóa – xã hội của nhau. Dương Thành[19], một học giả thuộc Đại học ngoại ngữ Thượng Hải, chỉ ra rằng ở Trung Quốc kiến thức về tiếng Nga và lĩnh vực nghiên cứu về nước Nga đã giảm kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Tương tự, ở Nga cũng xảy ra tình trạng thiếu kiến thức về Trung Quốc. Còn về giới học giả Trung Quốc vẫn có nhiều sự hoài nghi trong hợp tác với Nga rằng nước nào thực sự nắm vai trò lãnh đạo.[6]  Không những thế, bản sắc khác nhau đã khiến Nga và Trung Quốc đưa ra những quan điểm giải quyết xung đột khác biệt. Bên cạnh đó, dựa vào khía cạnh lịch sử, nhiều học giả Trung Quốc cũng tỏ ra ngờ vực, trong đó Phó Oánh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trung Quốc, lưu ý quan hệ liên minh giữa Trung Quốc, Đế quốc Nga và Liên Xô đã không kết thúc tốt đẹp.

Triển vọng và thách[7]  thức

Trong tương lai, mối quan hệ Nga-Trung sẽ có thêm nhiều động lực để phát triển và gắn bó hơn nhờ vào sự nối tiếp chính sách cứng rắn đối với Trung và Nga giữa hai nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ cũng như từ các sáng kiến kinh tế đưa đến lợi ích song trùng và từ các cơ hội đột phá trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0. Tuy nhiên song song sự tích cực là các thách thức đi đôi mà cả hai nước cần phải giải quyết liên quan đến sự đổi mới trong cách tiếp cận của Mỹ với Nga, sự chênh lệch trong trình độ phát triển kinh tế giữa Trung-Nga và sự trùng lặp lĩnh vực ảnh hưởng tại khu vực Trung Á.

Trước những động thái cứng rắn từ chính phủ Mỹ, Nga và Trung càng có thêm động lực để xích lại gần nhau để đảm bảo lợi ích chiến lược đôi bên và chống lại chính sách đơn phương và hệ thống quốc tế do Mỹ vận hành. Trên thực tế, Nga vẫn đang hỗ trợ Trung Quốc bằng cách duy trì cung cấp những mặt hàng mà Mỹ gây khó khăn đối với Trung Quốc hay Trung Quốc hợp tác với Dự án Đại Á –  Âu của Nga để gia tăng tầm ảnh hưởng của Nga đến khu vực châu  Âu. Hơn nữa, cả Nga và Trung Quốc đều là những nước trong Hội đồng Bảo an và có chung quan điểm “không can thiệp nội bộ quốc gia” và đi ngược quan điểm của Mỹ trong một số vấn đề quốc tế. Tuy nhiên, qua Hội nghị Thượng đỉnh tại Geneva, Mỹ cho thấy đang có mong muốn tăng cường hợp tác với Nga ở những lĩnh vực như giải trừ vũ khí hạt nhân, biến đổi khí hậu,.. Đây là một động thái có thể ảnh hưởng một phần đến nguyên nhân hình thành liên minh không chính thức Nga-Trung khi Nga cần xem xét lại mối quan hệ với Mỹ.

Các sáng kiến và đề xuất thúc đẩy kinh tế khu vực của hai nước đang được phối hợp chặt chẽ và có nhiều tiềm năng phát triển qua đó đẩy mạnh tần suất trao đổi thương mại, lưu thông hàng hóa giữa hai nước. Cụ thể, lưu lượng hàng hóa quá cảnh từ Trung qua Nga tăng 80% vào năm ngoái và 32% trong năm nay nhờ sự nâng cấp cơ sở hạ tầng qua Dự án Con đường Tơ lụa. Mặt khác, Nga vẫn đứng trước sự thụt lùi kinh tế và cách biệt càng lớn so với sự phát triển của Trung Quốc trong và sau dịch bệnh. Ngoài ra, dưới mối quan tâm chung tại khu vực Trung Á, sự mở rộng vai trò của Tổ chức Hợp tác Thượng hải (SCO) do Trung Quốc dẫn đầu sẽ ảnh hưởng tới phạm vi hoạt động của Tổ chức An ninh Tập thể (CSTO) do Nga tiếp quản. Đây có thể là một điều tốt vì nếu vai trò của Nga tại Trung Á là đảm bảo an ninh thì Trung Quốc là mang đến các sáng kiến thúc đẩy kinh tế. Thế nhưng, Trung Quốc đã mở rộng danh mục an ninh của mình bằng cách thiết lập các đồn an ninh biên giới ở Tajikistan và cung cấp nhân sự cho họ. Điều này làm thay đổi sự phân công lao động không chính thức giữa hai nước.

Cuối cùng, trong thời đại công nghệ – thông tin phát triển vượt bậc ngày càng xuất hiện thêm nhiều lĩnh vực hợp tác mang lại lợi ích song trùng cho Trung – Nga. Dưới sự ảnh hưởng của căng thẳng thương mại với Mỹ, với Australia, Nga có thể là nơi cung cấp đất hiếm làm nguyên liệu đầu vào để phát triển các ngành công nghệ cao của Trung Quốc đổi lại Trung Quốc chia sẻ những đổi mới công nghệ với Nga. Hiện tại cũng đã có nhiều diễn đàn công nghệ cao giữa hai nước để trao đổi và học hỏi lẫn nhau cũng như những dự án mang tính đột phá trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân, vũ trụ hàng không mà cả hai nước đang cùng nhau thúc đẩy. Mặc dù hợp tác quân sự ngày càng sâu rộng và phối hợp ngoại giao chặt chẽ, một liên minh chính thức giữa Nga và Trung Quốc không có triển vọng vì điều này sẽ hạn chế quyền tự chủ chiến lược và kiềm chế các chính sách đối ngoại quan trọng của họ.


Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.mfa.gov.cn/ce/cein//eng/zt/peaceful/t855717.htm

[2] https://thediplomat.com/2014/12/chinas-foreign-policy-in-2014-a-year-of-big-strokes/

[3] https://carnegiemoscow.org/commentary/72799

[4] https://carnegieendowment.org/files/Trenin_Russian_FP_TF_clean.pdf

[5]https://www.abc.net.au/news/2021-05-20/russia-china-tout-relations-reaching-highest-level-in-history/100151006

[6] Xem toàn văn hiệp định tại: https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/wjdt_665385/2649_665393/t15771.shtml

[7] https://www.nbr.org/wp-content/uploads/pdfs/publications/sr79_sino-russian_relations_may2019.pdf

[8] https://carnegiemoscow.org/commentary/83757

[9] https://www.nbr.org/wp-content/uploads/pdfs/publications/sr79_sino-russian_relations_may2019.pdf

[10] https://www.reuters.com/article/us-china-economy-trade-crude-idUSKBN1570VJ

[11] https://www.nbr.org/wp-content/uploads/pdfs/publications/sr79_sino-russian_relations_may2019.pdf

[12]https://carnegiemoscow.org/2016/06/29/friends-with-benefits-russian-chinese-relations-after-ukraine-crisis-pub-63953

[13] https://carnegiemoscow.org/commentary/80136

[14] https://www.reuters.com/article/russia-economy-idUSL1N2K71M9

[15] https://nghiencuubiendong.vn/nhung-thach-thuc-cua-quan-he-doi-tac-nga-trung.50598.anews

[16] https://www.scmp.com/news/china/military/article/3139603/how-china-grew-buyer-major-arms-trade-player

[17] https://reliefweb.int/sites/reliefweb.int/files/resources/fs_2103_at_2020.pdf

[18] https://baonghean.vn/nga-trung-an-nhung-ran-nut-va-tinh-toan-chien-luoc-273218.html

[19] Dương Thành là người đã giúp đàm phán chương trình hợp tác 10 năm đầu cho vùng Đông Bắc Trung Quốc và Viễn Đông Nga

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *