Tags: Châu Âu, Nga-Ukraine, Mỹ
Ngày 4 tháng 4 vừa qua, Phần Lan chính thức trở thành thành viên thứ 31 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), làm tăng thêm khoảng 1.300 km biên giới của các nước thành viên với Nga. Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin nhập NATO vào tháng 5 năm 2022, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang trì hoãn việc phê duyệt nỗ lực trở thành thành viên NATO của Thụy Điển. Song, việc nỗ lực gia nhập NATO của Phần Lan, Thụy Điển cho thấy hai quốc gia này đang nhanh chóng tìm kiếm một cơ chế đảm bảo an ninh vững chắc hơn khi niềm tin đối với các cam kết an ninh với Nga đã sụt giảm sau căng thẳng Nga – Ukraine.
1. Sơ lược quá trình nộp phê duyệt tư cách thành viên của Phần Lan
1.1. Nguyên nhân
Cho đến trước năm 2022, Phần Lan và Thụy Điển đã dành nhiều thập kỷ kiên trì theo đuổi một chính sách đối ngoại nói không với liên minh quân sự, đặc biệt là NATO. Tư duy chiến lược này của hai nước chủ yếu xoay quanh một số lý do lịch sử, địa chính trị đặc biệt: (1) Nhận thức đặc thù của Phần Lan và Thụy Điển về bản chất của các liên minh quân sự, nền chính trị Chiến tranh Lạnh và vị thế quốc gia trong bàn cờ chính trị đương thời; (2) Vị trí địa lý đặc biệt gần gũi của hai nước đối với Nga, Liên Xô cũ về cả đường biển lẫn lục địa; (3) Kinh nghiệm thực tiễn được đúc kết từ mối quan hệ với Liên Xô và nước Nga hiện tại, nhằm duy trì hoà bình và kiềm chế căng thẳng an ninh khu vực
a. Nhận thức về bối cảnh an ninh châu Âu và bản chất của cơ chế liên minh quân sự, phòng thủ tập thể trong lịch sử hiện đại
Với hai nước Phần Lan và Thụy Điển, sự ra đời của khối NATO vào năm 1949 và Khối Hiệp ước Warsaw vào sáu năm sau (1955) trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh gợi nhớ đến các liên minh quân sự ra đời ngay trước thềm hai cuộc Thế chiến tại Châu Âu. Cụ thể, các liên minh quân sự có thể được xem là sự chuẩn bị cho chiến tranh hay một nhân tố làm suy thoái sâu sắc tình hình an ninh, chính trị và cuối cùng sẽ dẫn đến chiến tranh. Tại châu Âu, trong giai đoạn từ trước Thế chiến Thứ nhất đến sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh, một số quốc gia đã thành công trong việc xây dựng vị thế trung lập về chính trị lẫn quân sự, tiêu biểu là Thụy Sĩ và Thụy Điển.[1]
Trong đó, tư duy “vùng đệm” được đã được các cường quốc tích cực theo đuổi từ trước thế chiến thứ hai bằng việc tạo lập các nước đồng minh và các nước trung lập nhằm ngăn cách giữa các cường quốc về mặt địa lý. Trên thực tế, cả Liên Xô trước kia (lãnh đạo khối Warsaw) và Liên bang Nga về sau đều nghiêm túc bày tỏ tín hiệu phản đối các nỗ lực nhằm thu hẹp khoảng cách địa lý giữa NATO (lãnh đạo bởi Mỹ) đối với lãnh thổ quốc gia của họ, cũng như của các nước đồng minh.[2]
b. Thực tiễn lịch sử trong quan hệ giữa Liên Xô với bán đảo Scandinavia và hàm ý về bối cảnh địa chính trị trong khu vực.
Với Liên Xô và Nga, Bán đảo Scandinavia (Na Uy, Phần Lan, Đan và Thụy Điển) được xem như là một “yết hầu” quan trọng để di chuyển ra Biển Bắc và Đại Tây Dương. Ngày 30/11/1939, Liên Xô tấn công Phần Lan nhằm nhanh chóng kiểm soát và thiết lập “một vùng đệm chiến lược” tại Bắc Âu. Cuộc chiến kết thúc với việc hai bên ký kết Hòa ước Moscow (1940), với việc Phần Lan chấp nhận nhường 9% phần lãnh thổ phía Đông (thuộc vùng Karelina) cho Liên Xô và cho phép nước này thuê một hải cảng quân sự tại bán đảo Hanko trong vòng 30 năm.
Chiến tranh Liên Xô-Phần Lan năm 1930 và Thế chiến Thứ hai đã để lại những tác động sâu sắc đối với cấu trúc an ninh của Bán đảo Scandinavia. Sau năm 1945, các nước trong khu vực đã đưa ra những tư duy và lựa chọn an ninh khác nhau. Năm 1949, Đan Mạch và Na Uy trở thành thế hệ các quốc gia đầu tiên gia nhập NATO. Trong khi đó, từ năm 1945 đến năm 2022, Thụy Điển và Phần Lan đã kiên quyết theo đuổi vị trí trung lập, từ chính trị đến kinh tế và quân sự. Đáng lưu ý, trong bối cảnh không liên minh, Thụy Điển đã phát triển thành công ngành công nghiệp quân sự, tự chủ sản xuất nhiều loại vũ khí hạng nặng và tiên tiến. Với Phần Lan, nước này chủ trương đa dạng hóa khí tài quân sự, vừa sản xuất, vừa nhập khẩu các thiết bị quân sự hạng nặng từ cả các nước NATO, Khối Warsaw cũng như từ chính Thụy Điển.
Xuyên suốt từ thời kỳ Chiến tranh lạnh đến trước khi Nga tấn công Ukraine vào năm 2022, Phần Lan và Thụy Điển tích cực duy trì và tận dụng vị thế trung lập của mình. Bên cạnh góc độ về an ninh và củng cố hòa bình, vị thế trung lập đã mang lại cho hai nước nhiều lợi ích kinh tế và chính trị. Một mặt, Phần Lan và Thụy Điển trở thành một đối tác thương mại tin cậy, an toàn và từ đó củng cố vị thế tại các thị trường “nhạy cảm” để xuất khẩu ngay trong thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh.[3] Khác với Phần Lan, Thụy Điển đã theo đuổi các chính sách trung lập theo hướng toàn diện hóa ngay từ thế kỷ XIX, cố gắng xây dựng một “bản sắc chính trị” là điểm đến hợp lý cho nỗ lực hòa giải, thương thảo giữa các cường quốc châu Âu.[4] [5] Với vị thế trung lập, nhóm các nước như Thụy Điển, Phần Lan, Áo, Thụy Sĩ và Nam Tư đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc gây dựng vị thế đối ngoại và chèo kéo các lợi ích từ cả phương Tây lẫn với khối Liên Xô.
c. Những chuyển biến nhất định trong vị trí trung lập giữa Phần Lan và Thụy Điển từ sau năm 1991.
Năm 1991, Liên Bang Xô Viết chính thức bị thay thế bởi Cộng hòa Liên Bang Nga, cùng với đó là sự sụp đổ của trật tự thế giới lưỡng cực Ianta. Hệ quả không chỉ đơn thuần là sự kết thúc của 44 năm thù địch Chiến tranh lạnh, mà còn là sự sụp đổ của cấu trúc cân bằng quyền lực Xô-Mỹ tại châu Âu. Do đó, để đảm bảo cho vị thế và quyền lực của mình, các nước trung lập như Phần Lan và Thụy Điển cần phải xây dựng một chính sách quốc gia mới.
Từ năm 2000, các ý tưởng liên kết khu vực được các nước Bắc Âu tích cực tận dụng, kể cả lĩnh vực hợp tác quốc phòng-an ninh. Biểu hiện là sự ra đời của hàng loạt các cơ chế hợp tác an ninh khu vực như Cơ cấu Phòng thủ Hỗ trợ Bắc Âu (NORDSUP), hợp tác vũ khí Bắc Âu (NORDAC) và Thỏa thuận Phối hợp Bắc Âu về Hỗ trợ Hòa bình Quân sự (NORDCAPS), các thỏa thuận hợp tác song song trước đó. Tháng 9/2009, Tổ chức Hợp tác Quốc phòng Bắc Âu (NORDEFCO) được thành lập trên cơ sở hợp nhất chủ yếu từ ba cơ chế kể trên.[6] Tuy nhiên, NORDEFCO thực chất còn xa so với một cơ chế chặt chẽ như NATO, không chỉ vì những khiếm khuyết kỹ thuật, mà thực chất NORDEFCO được thiết kế để không trở thành một liên minh quân sự.[7]
Tuy nhiên, dù không có mối quan hệ thành viên nhưng khuynh hướng hợp tác quân sự ngày càng sâu sắc giữa NATO với Phần Lan và Thụy Điển là không thể phủ nhận. Thực chất, ba trong tổng số năm thành viên NORDEFCO đã là thành viên NATO, trong khi Phần Lan và Thụy Điển được công nhận rộng rãi là một trong số ít những đối tác ngoại khối tích cực nhất đối với các hoạt động của NATO.[8] Sự tương đồng của bối cảnh địa chính trị, đặc điểm kinh tế-chính trị-xã hội và một số các mối quan tâm an ninh chung được xem là động lực quan trọng để củng cố sự liên kết này.
Trong quan điểm đối với Nga, chính sách trung lập kéo dài của Thụy Điển và Phần Lan cho thấy việc họ xem Nga là một “mối nguy” đòi hỏi phải có cách đối xử phù hợp hơn là một quốc gia đối tác.[9] [10] Chiến tranh Nga-Georgia năm 2008 và Chiến tranh Nga-Ukraine năm 2014 có thể đã gây ra sự mất niềm tin an ninh giữa Phần Lan, Thụy Điển với Nga về hiệu quả các các tuyên bố và cam kết trung lập lẫn năng lực kiềm chế của Nga.
Mặt khác, trái với dự đoán ban đầu của giới quân sự và tình báo các nước, chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã bộc lộ nhiều điểm yếu chiến lược và chiến thuật, phản ánh sự suy yếu của quân đội Nga. Từ mục tiêu thắng nhanh, chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã trở thành một cuộc chiến tranh tiêu hao, đẫm máu với các mục tiêu chiến lược bị thay đổi. Điều này giảm thiểu khả năng Nga có thể phát động các chiến dịch can thiệp quân sự quy mô lớn khác nhắm vào Phần Lan hay Thụy Điển. Với cả hai nước, đây có thể được xem là “thời điểm vàng” để nhanh chóng tìm kiếm một cơ chế đảm bảo an ninh vững chắc hơn, đủ sức răn đe hơn, mà điển hình nhất là NATO.[11]
1.2. Tiến trình phê duyệt
Được nộp vào tháng 5/2022, đơn xin phê duyệt tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển tính đến tháng 1/2023 đã được 28 trên 30 thành viên của NATO phê duyệt và nhận được sự nhiều ủng hộ. Tổng thống Biden sau đó cũng đã chính thức ký văn bản phê chuẩn thể hiện sự ủng hộ và chào mừng Phần Lan và Thụy Điển.[12] Ngoài Mỹ, nhiều nguyên thủ quốc gia của các nước thành viên tiêu biểu khác như Canada, Pháp, Đức và Anh cũng đã nhanh chóng ký văn bản phê chuẩn đồng ý tư cách thành viên NATO cho Phần Lan và Thụy Điển. Tháng 7/2022 tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO tổ chức ở Madrid, sau khi hoàn thành các cuộc nói chuyện tại Trụ sở chính thức của NATO, Phần Lan và Thụy Điển cũng đã chính thức được mời trở thành thành viên chính thức của NATO.
Tuy nhiên, quá trình phê duyệt tư cách thành viên của hai nước Phần Lan và Thụy Điển không thể hoàn thành và bị kéo dài cho đến năm 2023 do chưa nhận được sự công nhận về tư cách thành viên chính thức từ đầy đủ các thành viên NATO. Lý do là ban đầu Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện quan điểm không muốn để Phần Lan và Thụy Điển tham gia. Điều này tạo nên khó khăn về mặt quy trình tham gia vì theo Điều 10 của Hiến chương NATO, vấn đề về kết nạp thành viên mới phải được thông qua trên nguyên tắc hoàn toàn đồng thuận. Về phía Hungary, lý do nước này cố tình kéo dài việc phê duyệt cho hai nước Bắc Âu tham gia NATO đó là Phần Lan và Thụy Điển liên tục lên án gay gắt nền chính trị của nước này trong khuôn khổ của Liên minh Châu Âu (EU) liên quan đến các vấn đề dân chủ và pháp quyền nội địa. Vào cuối năm ngoái, EU đã cảnh báo đóng băng khoản tiền trợ cấp trị giá 7.5 tỷ euro cho Hungary không đáp ứng các điều khoản cải cách nội bộ được EU liên quan đến các vấn đề pháp quyền tại nước này.[13] Tổng thống Hungary Viktor Orbán đã nhấn mạnh quan điểm không thể chấp nhận việc chấp nhận các đồng minh tương lai tại NATO lại “nói sai sự thật” về Hungary. Theo chuyên gia phân tích Daniel Hegedus tại Viện Trung tâm Châu Âu thuộc Quỹ Marshall Đức, hành động trì hoãn việc phê duyệt tư cách thành viên NATO của Phần Lan và Thụy Điển của Hungary cho thấy Hungary muốn lợi dụng quyền chấp thuận tại NATO để gây áp lực cho EU để đổi lại số tiền hỗ trợ đã bị thu hồi hay ít nhất buộc Phần Lan và Thụy Điển thay đổi quan điểm có lợi cho Hungary tại EU.[14]
Thổ Nhĩ Kỳ, so với Hungary, thể hiện sự phản đối rõ ràng từ lúc Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO. Lý giải cho quan điểm này, chính quyền của tổng thống Erdogan cho rằng hai quốc gia này không hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ trong công tác giải quyết dẫn độ và bắt giữ lực lượng dân sự khủng bố có tên là Đảng Công Nhân Kurdistan. Để nhanh chóng giải quyết mâu thuẫn, ba bên đã tiến hành tổng cộng 3 cuộc hội nghị gặp mặt dưới sự chủ trì của NATO kéo dài từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023. nội dung các cuộc gặp mặt chủ yếu xoay quanh việc giải quyết các vấn đề khủng bố quốc tế đang cư trú tại lãnh thổ của hai nước Thụy Điển và Phần Lan bao gồm các tổ chức khủng bố YPG/PYD và FETO nhằm góp phần củng cố an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ.[15] Phần Lan và Thụy Điển được yêu cầu công nhận những vấn đề được Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra và đáp ứng các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ để có thể nhận được sự phê chuẩn từ phía nước này. Thế nhưng, đầu tháng 1 năm nay, theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ đã ra thông báo quyết định hủy bỏ lần gặp thứ ba vì một quyển kinh Quran đã bị đốt cố tình trong một cuộc biểu tình tại Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ đặt ở Stockholm. Vụ việc này đã khiến căng thẳng giữa Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ chuyển biến xấu hơn khi tổng thống Erdogan đã phản hồi lại rằng sẽ không phê chuẩn tư cách thành viên cho Thụy Điển.[16] Trước thời điểm đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển đã không thể tìm được hướng giải quyết yêu cầu dẫn độ 120 đối tượng được cho là khủng bố do những vấn đề liên quan đến khung quy trình thực hiện và trái với luật pháp Thụy Điển.[17]
Trong tháng 3/2023, đồng loạt Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary đã tuyên bố quyết định thông qua phê duyệt tư cách thành viên chính thức NATO cho Phần Lan. Tuyên bố chính thức chào mừng Phần Lan trở thành tân thành viên của NATO mới đây cho là đã có nhiều ý nghĩa có lợi về mặt chính trị cho ông Erdogan trong việc xây dựng hình ảnh lãnh đạo tích cực giải quyết khủng bố quốc tế tại NATO, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của người dân Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc bầu cử tiếp theo sau cuộc khủng hoảng nhân đạo trong trận động đất vào mới đầu tháng 2 năm nay.[18] Phê chuẩn thành viên NATO chính thức đối với Phần Lan của Thổ Nhĩ Kỳ cũng được nhận định là nhằm phục vụ cho thương vụ thu mua máy bay chiến đấu F-16 với Mỹ, vốn đang bị một bộ phận Quốc hội Mỹ phản đối.[19]
Đồng quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Thụy Điển, Hungary sẽ tiếp tục trì hoãn tư cách thành viên của Thụy Điển để trả đũa nước này vì đã phê phán các chính sách của Thủ tướng Viktor Orban.[20] Khi mới nộp đơn gia nhập NATO vào năm ngoái, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö đã khẳng định Phần Lan sẽ không tham gia NATO mà không có Thụy Điển. Điều này có liên quan đến vấn đề gần gũi về mặt địa lý và quan hệ an ninh thân thiết của hai nước[21]. Trước mắt, theo nhận định của Giám đốc Viện Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Đại học Stockholm Paul Levin, Thụy Điển sẽ phải đáp ứng những yêu cầu khác của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giành được sự phê chuẩn tư cách thành viên của nước này.[22] Giám đốc Khu vực Bắc Âu tại Hội đồng Đại Tây Dương kiêm cựu cán bộ công tác tại Bộ Quốc phòng và Nghị viện Thụy Điển Anna Wieslander nhận định rằng Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng sẽ phải phê duyệt tư cách thành viên cho Thụy Điển. Wieslander lý giải vì Thổ Nhĩ Kỳ nhận thức được mức độ quan trọng của Thụy Điển đối với NATO cùng với việc các thành viên khác sẽ gây áp lực cho nước này nếu không nhanh chóng phê duyệt Thụy Điển vào NATO.[23]
2. Ý nghĩa tư cách thành viên mới NATO của Phần Lan
Nhìn từ góc độ chiến lược của Phần Lan, việc nước này thành công gia nhập NATO là một bước tiến mang ý nghĩa quốc phòng lớn. Được xem là điều khoản quyền lực và ảnh hưởng nhất, Điều 5 thuộc Hiến chương NATO quy định rằng một cuộc tấn công vũ trang chống lại một thành viên được xem là động thái chống lại toàn bộ các thành viên khác. Với tư cách thành viên NATO của Phần Lan, nước này gần như sẽ miễn nhiễm trước mọi cuộc tấn công đơn phương có chủ đích của các quốc gia, tổ chức vũ trang dưới sự bảo vệ của Điều 5.[24] Cơ chế phòng thủ tập thể này của NATO đã giúp đảm bảo an ninh của Phần Lan về mặt ngắn hạn, nhất là trước nguy cơ bùng phát xung đột quân sự với Nga.
Về phía của Thụy Điển, vấn đề tư cách gia nhập NATO chính thức bị chậm trễ khiến cho vấn đề an ninh phòng thủ trước tình hình cuộc chiến tranh Nga – Ukraine phần nào bị ảnh hưởng do ban đầu mục tiêu của nước này đó là cùng với Phần Lan sẽ tham gia vào NATO. Hiện tại, liệu Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary có thay đổi quan điểm đối với việc phê duyệt cho Thụy Điển hay không. Nhưng nếu Thụy Điển đáp ứng và đồng thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về những nội dung thỏa thuận về an ninh trong Bản ghi nhớ Ba bên thì nước này vẫn có hy vọng tham gia vào NATO trước Hội nghị Thượng đỉnh NATO 2023.[25]
Bên cạnh lợi ích của Điều 5, việc gia nhập NATO trở thành bước tiến chiến lược trong nỗ lực đồng bộ hóa quân đội Phần Lan với các tiêu chuẩn của liên minh quân sự. Phần Lan và các nước NATO về nền tảng đã có thời gian dài chủ động phối hợp và hợp tác với nhau trong nhiều lĩnh vực. Theo dự kiến, việc gia nhập sẽ thúc đẩy nhanh hơn năng lực quốc phòng của Phần Lan, nhất là ở các nền tảng nghiên cứu hình thái chiến tranh công nghệ cao, chiến tranh lai.[26] Sự thấu hiểu này đã biến khó khăn điển hình của một quốc gia khi gia nhập NATO trở thành một lợi thế, nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia thành viên trước đó vẫn còn đang gặp khó khăn trong việc cải thiện chuẩn quân đội và năng lực tác chiến.[27]
Đáp ứng với xu hướng chuyển dịch các lực lượng quân sự của NATO sang phía Đông, quy mô và năng lực quốc phòng của Phần Lan sẽ được thúc đẩy rõ rệt bởi sự hiện diện của các lực lượng quân sự, khí tài của các nước thành viên, tiêu biểu là Mỹ.[28] Bên cạnh đó, vị thế thành viên của NATO sẽ xúc tác sự chuyển giao của các loại vũ khí và công nghệ quốc phòng hiện đại từ phương Tây, vốn là một chủ đề ngày càng nhạy cảm trong quan hệ hợp tác quân sự đơn thuần giữa các nước.[29] [30]
Với việc Phần Lan thành công gia nhập NATO và Thụy Điển bày tỏ mong muốn được gia nhập, liên minh quân sự này đã đạt được bước tiến lớn trong nỗ lực thu hút các thành viên mới, nhất là các quốc gia trung lập. Với đường biên giới kéo dài khoảng 1340 km với Nga, Phần Lan trở thành thành viên thứ sáu của NATO giáp với lãnh thổ Nga, thành viên thứ bảy ven biển Baltic và là thành viên có đường biên giới với Nga lớn nhất.[31] Cùng với Estonia, vị trí chiến lược của Phần Lan sẽ giúp NATO kiểm soát hoàn toàn cửa ngõ ra vào biển Baltic, từ vịnh Đan Mạch đến vịnh Phần Lan án ngữ cửa biển vào thành phố cảng Saint Petersburg thuộc Nga.[32]
Hình: Sơ đồ chiến lược vùng biển Baltic; Nguồn bởi CSIS.
Cùng với chiến lược của NATO mở rộng về phía Đông, tư cách thành viên của Phần Lan cho phép các nước NATO tập trung lượng lớn quân đội, các vũ khí chiến lược và chiến thuật nhằm hiệu quả áp chế vùng lãnh thổ phía Tây Bắc của Nga, cụ thể là vùng biển Bạch Hải, thành phố cảng Saint Petersburg. Mặt khác, việc biến Phần Lan trở thành một cứ điểm quân sự giúp NATO buộc quân đội Nga phải dàn mỏng, gia tăng áp lực an ninh và buộc nước này phải nhượng bộ, tiêu biểu là cuộc xung đột của Nga tại Ukraine. Bên cạnh đó, sự tham gia của Phần Lan sẽ giúp mở rộng quy mô của NATO về số lượng lẫn chất lượng cũng như nguồn lực tài chính. Điều này nằm trong chiến lược rộng lớn và lâu dài hơn của NATO (và hậu thuẫn bởi Mỹ) nhằm hoàn toàn kiềm chế Nga như là một nhân tố đe dọa đến nền an ninh của châu Âu [33]
Bên cạnh đó, việc Phần Lan thành công gia nhập NATO đánh dấu quá trình kết nạp thành viên nhanh nhất trong lịch sử của tổ chức.[34] Quá trình kết nạp kéo dài cũng là một hạn chế lớn nhất đối với NATO, làm tăng rủi ro quốc gia xin gia nhập bị can thiệp quân sự hoặc chính trị, hoặc bùng phát xung đột vũ trang và khủng hoảng. Kể từ khi Phần Lan và Thụy Điển đệ đơn xin gia nhập NATO vào 18/5/2022 và khi Phần Lan chính thức được kết nạp vào ngày 4/4/2023, một thành viên NATO mới đã được kết nạp chỉ trong vòng chưa đầy 11 tháng.[35] Trước đó, tư cách thành viên của Montenegro phải mất khoảng một năm và bảy tháng để được phê chuẩn (2017), trong khi Macedonia mất khoảng hơn một năm để trở thành thành viên chính thức (2020).[36] Do đó, trường hợp của Phần Lan là một tiền đề quan trọng để NATO phát triển và hoàn thiện cơ chế mới góp phần đẩy nhanh tiến trình gia nhập tổ chức.
Trước sự kiện Phần Lan và Thụy Điển quyết định xin gia nhập vào NATO, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ rằng Nga sẽ có những hành động đáp trả tương ứng nếu NATO tiến hành bất kỳ hành vi quân sự trên lãnh thổ hai nước này. Ông Putin cũng cho rằng quyền tham gia vào NATO là tùy thuộc vào ý chí của nhà nước Phần Lan và Thụy Điển. Tuy nhiên, một thành viên của Hội đồng Liên bang của Nga cũng cho rằng việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập vào NATO sẽ khiến cho quan hệ giữa Nga với hai nước này trở nên xấu đi. Phó Ngoại trưởng nga Sergei Ryabkov bình luận rằng việc NATO mời Phần lan và Thụy Điển tham gia vào tổ chức sẽ làm mất ổn định cấu trúc chính trị Châu Âu và thể hiện sự quan ngại đối với tương lai của khu vực Bắc Âu sắp tới.[37]
Nhiều quan điểm đồng tình rằng việc tham gia vào NATO của Phần Lan và Thụy Điển với tư cách thành viên chính thức nếu sẽ tạo ra nhiều chuyển biến lớn đối với tình hình an ninh của khu vực biển Baltic nói riêng và toàn Châu Âu nói chung trong bối cảnh chiến sự Ukraine vẫn còn kéo dài và có dấu hiệu trở nên phức tạp. Cựu Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb cho rằng trong tương lai, châu Âu sẽ ngày càng bị chia rẽ bởi “bức màn sắt” với một bên là Nga và phần còn lại của Châu Âu sau khi hai nước Phần Lan và Thụy Điển tham gia vào NATO. Với đường lối chính trị thực dụng (realpolitik) của Phần Lan, ông Stubb cho rằng việc nước này gia nhập NATO là nhằm đảm bảo an ninh châu Âu và góp phần duy trì an ninh cho toàn thế giới.[38] Chuyên gia an ninh quốc phòng Tomas Ries làm việc tại Đại học Quốc phòng Thụy Điển cũng chia sẻ quan điểm trên. Ông Ries cho rằng Phần Lan và Thụy Điển khi tham gia vào NATO sẽ đóng góp vào việc củng cố sức mạnh quốc phòng có tính răn đe và phòng ngừa chiến tranh của tổ chức quân sự này. Cụ thể, Phần Lan sẽ đóng góp thêm vào 64 máy bay chiến đấu F-35s do Mỹ sản xuất cho NATO cùng với 280,000 binh lính luôn sẵn sàng được huy động để chiến đấu.[39]
[1] Müller, Leos (2019). Neutrality In World History. Routledge.
[2] CES (2018). THE END OF WWII AND THE DIVISION OF EUROPE. https://europe.unc.edu/the-end-of-wwii-and-the-division-of-europe/
[3] Pidd, Helen (2009). Denim diplomacy: North Korea exports jeans to Sweden. The Guardian. https://www.theguardian.com/world/2009/dec/04/north-korea-jeans-sweden
[4] Brommesson; Ekengren; et al. (2022). Sweden’s Policy of Neutrality. In: Successful Public Policy in the Nordic Countries. Edited by Caroline de la Porte et al., Oxford University Press.
[5] Aunesluoma, Juhana; Rainio-Niemi, Johanna (2016). Neutrality as Identity? Finland’s Quest for Security in the Cold War. Journal of Cold War Studies. Vol. 18, No. 4, pp. 51–78.
[6] Tham khảo tại: https://www.nordefco.org/
[7] Dahl, Ann-Sofie (2014). NORDEFCO and NATO: “Smart Defence” in the North? NATO Research Division – NATO Defense College, No.101.
[8] https://www.nato.int/cps/en/natohq/topics_49594.htm; https://www.nato.int/cps/en/natohq/topics_52535.htm
[10] https://thebarentsobserver.com/ru/node/1091
[11] Nezirevic, Leila (2022). Russia ‘unlikely’ to risk military confrontation in Sweden, Finland. Anadolu Agency. https://www.aa.com.tr/en/europe/russia-unlikely-to-risk-military-confrontation-in-sweden-finland/2728529
[12]Mason, J. & Zengerle, P. (2022, Aug 10th). Biden signs documents of U.S. support for Sweden, Finaand to join NATO. Reuters. https://www.reuters.com/world/biden-sign-documents-backing-sweden-finland-nato-2022-08-09/
[13] Tidey, A. (2022, Nov 30th). Brussels recommends freezing €7.5 billion in EU funds to Hungary over rule of law concerns. Euro News. https://www.euronews.com/my-europe/2022/11/30/brussels-to-announce-decision-to-cut-75-billion-of-eu-funds-to-hungary-over-rule-of-law-co
[14] Spike, J. (2023, Mar 16th). Hungary pressures EU by delaying Finland, Sweden NATO vote. PBS News. https://www.pbs.org/newshour/world/hungary-pressures-eu-by-delaying-finland-sweden-nato-vote
[15] NATO (2022, June 28th). Trilateral Memorandum. https://www.nato.int/nato_static_fl2014/assets/pdf/2022/6/pdf/220628-trilat-memo.pdf
[16] Turkey cancels trilateral Sweden-Finland meet after protest -state TV. (2023, Jan 24th). Reuters. https://www.reuters.com/world/turkey-cancels-trilateral-sweden-finland-meet-after-protest-state-tv-2023-01-24/
[17] Rolander, N. & Ummelas, O. (2023, Mar 17th). Why Turkey Is Still Blocking Sweden From Joining NATO. https://www.washingtonpost.com/business/2023/03/17/why-turkey-is-still-blocking-sweden-s-nato-accession/0b9b1982-c4e1-11ed-82a7-6a87555c1878_story.html
[18] Explainer: Why is Turkey blocking Sweden and Finland NATO membership? (2023, jan 27th). Reuters. https://www.reuters.com/world/why-is-turkey-blocking-swedish-finnish-nato-membership-2023-01-25/
[19] Jared Malsin and Vivian Salama. (2023, Jan 13th). Biden Administration to Ask Congress to Approve F-16 Sale to Turkey. Wall Street Journal.
[20] Hungary says ‘grievances’ hold up ratification of Sweden’s NATO accession (2023, Mar 29th). Reuters. https://www.reuters.com/world/europe/hungary-says-grievances-hold-up-ratification-swedens-nato-accession-2023-03-29/
[21] Finland won’t join Nato without Sweden: Niinistö. (2022, June 13th). EuObserver. https://euobserver.com/tickers/155194
[22] Như trích dẫn 19.
[23] Experts react: Turkey moves to approve Finland’s NATO membership. Where does that leave Sweden?. (2023, Mar 18th). Atlantic Council. https://www.atlanticcouncil.org/blogs/new-atlanticist/experts-react-turkey-moves-to-approve-finlands-nato-membership-where-does-that-leave-sweden/
[24] Amersi, M. (2022, Dec 20th). Article 5 for the Next Decade of NATO. https://www.fpri.org/article/2022/12/article-5-for-the-next-decade-of-nato/
[25] Noi, A.U. (2023, Mar 23rd). 3 QUESTIONS – Finland is much closer to NATO membership than Sweden. Anadolu Agency. https://www.aa.com.tr/en/analysis/3-questions-finland-is-much-closer-to-nato-membership-than-sweden/2853677
[26] Relations with Finland. (2023, Apr 5th). NATO. https://www.nato.int/cps/en/natohq/topics_49594.htm
[27] Davis, B.G. (2022, Mar 23rd). NATO Must Improve its Military Power, and Fast. Center for European Policy Analysis. https://cepa.org/article/nato-must-improve-its-military-power-and-fast/
[29] https://www.nato.int/cps/en/natohq/topics_184303.htm
[30] https://www.politico.eu/article/turkey-nato-sweden-finland-is-the-headache-nato-needs/
[32] https://www.japantimes.co.jp/news/2023/04/03/world/finland-nato-russia/
[35]Finland and Sweden submit applications to join NATO. (20222, May 18th). Al Jazeera. https://www.aljazeera.com/news/2022/5/18/finland-and-sweden-submit-applications-to-join-nato
[36] https://www.newsweek.com/how-long-does-it-take-country-become-nato-member-1753505
[37] Roth, A. (2022, Jun 29th). Putin issues fresh warning to Finland and Sweden on installing Nato infrastructure. The Guardian. https://www.theguardian.com/world/2022/jun/29/russia-condemns-nato-invitation-finland-sweden
[38] Stubb, A. (2022, May 11th). Nato entry for Finland and Sweden will enhance European security. Financial Times. https://www.ft.com/content/e85825af-5172-44c4-9662-f7ceca40e8ac
[39] Katsman, M. & Vark, A. (2022, October 17th). A safer Europe: ‘Finland and Sweden join NATO as contributors’. Militaire Spectator. https://militairespectator.nl/artikelen/safer-europe-finland-and-sweden-join-nato-contributors
2 comments