1. Bối cảnh
Vào ngày 08/07, Nhật Bản và Philippines đã ký thỏa thuận quốc phòng có tính lịch sử mang tên “Thỏa thuận tiếp cận đối ứng (RAA)”, mang tính bước ngoặt trong sự tăng cường quan hệ quốc phòng giữa hai quốc gia.[1] Đây cũng là loại thỏa thuận đầu tiên Nhật Bản ký kết ở khu vực châu Á, cho phép quân đội Nhật Bản triển khai lực lượng tới Philippines để tập trận chung và huấn luyện sử dụng vũ khí, trang thiết bị và diễn tập chiến đấu và ứng phó thảm họa.[2] Lễ ký kết được tổ chức tại Manila với sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro và Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa, với sự tham dự của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr, thỏa thuận sẽ có hiệu lực sau khi được cơ quan lập pháp của cả hai nước phê chuẩn.[3]
Thỏa thuận quốc phòng được coi như lời hồi đáp mang tính chiến lược trước các hành động của Trung Quốc liên quan đến các vấn đề trong khu vực Biển Đông. Những diễn biến giữa Philippines và Trung Quốc trong thời gian qua, bao gồm sự kiện tại Bãi Cỏ Mây, đã đưa mối quan hệ giữa hai quốc gia ngày càng trở nên căng thẳng hơn.[4] Các cuộc chạm trán với lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã khiến quốc gia này đã phải chịu đựng các cáo buộc liên quan tới cản trở tự do hàng hải và gây gián đoạn các đường tiếp tế, gây thương vong đối với các thủy thủ Philippines.[5]
Đối với Nhật Bản, thỏa thuận này cũng phục vụ mục tiêu trong việc tăng cường khả năng quân sự và ổn định quan hệ an ninh trong khu vực[6]. Nhật Bản cũng đã có các thỏa thuận tương tự với các quốc gia như Úc và Anh, và đang trong quá trình đi đến ký kết thêm một thỏa thuận với Pháp.[7] Thỏa thuận quân sự cũng làm tăng cường sự hiệu quả của Hiệp ước Viếng thăm Quân sự (Visiting Forces Agreement) mà Philippines đã ký với Mỹ[8] và Úc[9], củng cố mạng lưới các liên minh nhằm duy trì sự ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Cả Nhật Bản và Philippines, các đồng minh thân cận của Mỹ, đều lên tiếng phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động đơn phương từ quốc gia nào nhằm thay đổi tình hình trong khu vực thông qua hình thức sử dụng vũ lực.[10] Các quan chức Nhật Bản đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương,[11] trong khi các quan chức Trung Quốc chỉ trích thỏa thuận này, nhấn mạnh lại hành động xâm lược lịch sử của Nhật Bản trong Thế chiến II và cảnh báo việc hình thành các khối quân sự có thể gây ra xung đột mới.[12]
2. Nội dung thỏa thuận
Thỏa thuận tiếp cận đối ứng giữa Nhật Bản và Philippines bao gồm nhiều điều khoản chi tiết liên quan tới hợp tác quốc phòng. Thỏa thuận đã thiết lập một khuôn khổ rõ ràng cho các hoạt động hợp tác quốc phòng và xác định vai trò của “Lực lượng Viếng thăm (Visiting Force)” và “Nhân viên Dân sự (Civilian Component)”. Thỏa thuận đặt ra định nghĩa cho các thuật ngữ chính như “Nhân viên Dân sự”, đề cập đến các công dân dân sự của Nước cử đi cùng “Lực lượng Viếng thăm”, những người được tuyển dụng hoặc phục vụ cho Lực lượng Viếng thăm và thường không phải là cư dân ở Nước tiếp nhận. “Lực lượng Viếng thăm” liên quan đến quân nhân của một Bên có mặt trên lãnh thổ của Bên kia để thực hiện các hoạt động hợp tác. “Quốc gia tiếp nhận” là quốc gia nơi Lực lượng Viếng thăm hoặc Thành phần dân sự đóng quân, trong khi “Quốc gia cử” là quốc gia mà các lực lượng hoặc thành phần này trực thuộc.[13]
Trong thỏa thuận còn đề cập đến các điều khoản về việc tiếp cận và di chuyển. Các điều khoản quy định rằng Quốc gia Tiếp nhận sẽ cấp phép cho tàu hoặc máy bay của Lực lượng Thăm viếng vào cảng hoặc sân bay sau khi có thông báo trước từ Quốc gia cử đến. Thỏa thuận cho phép di chuyển tàu thuyền, máy bay và các thành viên của Lực lượng Thăm viếng giữa các cơ sở và khu vực được chỉ định. Ngoài ra, thỏa thuận yêu cầu phải có sự tham vấn trước giữa hai quốc gia về các tuyến đường mà Lực lượng Thăm viếng sử dụng.[14]
Về mặt giải quyết tranh chấp, thỏa thuận quy định rõ rằng mọi tranh chấp liên quan đến việc giải quyết phải được giải quyết thông qua tham vấn và đàm phán giữa Philippines và Nhật Bản. Một Ủy ban hỗn hợp sẽ được thành lập sau đó để tham vấn về các vấn đề cần có sự thỏa thuận chung và giải quyết tranh chấp.[15]
Các điều khoản cuối cùng của thỏa thuận nêu rõ rằng sau khi ký kết, thỏa thuận sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày trao đổi công hàm ngoại giao xác nhận việc hoàn thành các thủ tục nội bộ của cả Philippines và Nhật Bản. Nó cũng bao gồm khả năng chấm dứt hợp đồng với thông báo trước sáu tháng, mặc dù một số nghĩa vụ nhất định có thể vẫn được giữ nguyên trừ khi các bên có thỏa thuận khác. Phụ lục của thỏa thuận là một phần không thể tách rời của tài liệu tổng thể.[16]
3. Phản ứng các bên
3.1. Trung Quốc
Trung Quốc đã bình luận rằng sự liên kết song phương giữa Nhật và Philippines là không cần thiết. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lin Jian, đã nói rằng: “Khu vực châu Á – Thái Bình Dương không cần thêm bất kỳ khối quân sự nào, càng không cần sự đối đầu giữa các nhóm với nhau hoặc một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.”.[17] Rằng thỏa thuận này do Mỹ dựng nên nhằm tạo ra một NATO ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.[18] Nhật Bản cũng cần phải coi lại những thỏa thuận quân sự và an ninh của mình để tránh lặp lại tình huống xâm lược các quốc gia Đông Nam Á trong Thế chiến thứ hai.[19]
3.2. Philippines
Thư ký quốc phòng của Philippines, Gilberto Teodoro Jr., nói rằng mối quan hệ đối tác giữa Philippines và Nhật Bản đã được “nâng lên một cấp cao hơn.” sau khi ký kết thỏa thuận với Nhật.[20] Philippines bày tỏ sự biết ơn với Nhật Bản vì đã có thỏa thuận này, giúp cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương ổn định hơn.
3.3. Nhật Bản
Đối với Nhật Bản, thỏa thuận được ký này là một bước đột phá và hy vọng rằng sẽ có thêm các trao đổi hợp tác với Philippines. Jeffrey Hornung, một nhà khoa học chính trị cấp cao và lãnh đạo người Nhật tại tổ chức tư vấn Rand Corp cho rằng mặc dù thỏa thuận giữa Nhật Bản và Philippines không nhằm vào quốc gia cụ thể nào tuy nhiên “những động thái hung hăng” đến từ phía Trung Quốc là một trong những “động lực thúc đẩy hợp tác”.[21]
4. Đánh giá về tác động của thỏa thuận
Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông đã dần leo thang kể từ nhiệm kỳ của tổng thống Marcos Jr, ảnh hưởng tới quốc phòng của Philippines nói riêng và cả khu vực Đông Nam Á nói chung.[22]Thỏa thuận quốc phòng giữa Nhật Bản và Philippines là điều dễ hiểu nhằm đáp lại sự khẳng định ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Tây Philippines (WPS). Giống như Philippines, Nhật Bản cũng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, liên quan đến quần đảo Senkaku, nằm giữa Đài Loan và Okinawa. Nhật Bản cũng đã nhận định trong sách trắng Quốc phòng của mình rằng Trung Quốc đang dần trở thành một mối quan ngại với sự hiện diện quân sự ngày càng gia tăng.[23] Philippines cần những thỏa thuận quốc phòng này để tăng cường an ninh bên ngoài.[24] Viện Lowy của Úc, một tổ chức tư vấn về chính sách đối ngoại và quốc phòng, coi mạng lưới phòng thủ của Philippines là biện pháp mạnh nhất chủ yếu nhờ vào các liên minh khu vực. Điều này thể hiện rõ khi các hiệp ước quốc phòng của nước này tập trung vào an ninh bên ngoài.
Hiệp ước quốc phòng mới được ký kết sẽ củng cố vai trò an ninh của hai nước trong khu vực và quan trọng hơn là giúp cho hai nước có thể chuẩn bị để đối phó với những tình huống bất ngờ có thể xảy ra đến từ phía Trung Quốc hoặc Triều Tiên. Đặc biệt, nó tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ thông tin tình báo, tập trận chung và chuyển giao công nghệ ngày càng tăng giữa Manila và Tokyo nhằm đề phòng hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.[25]
Tuy nhiên, theo như Muhammad Faizal, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, hiệp ước thỏa thuận này cũng cho thấy những đồng minh của Mỹ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang muốn đóng một vai trò chủ động hơn trong an ninh quốc phòng khu vực thay vì chỉ phụ thuộc mỗi vào Mỹ để có thể bảo vệ an ninh cho mình. Anh cho biết rằng, với việc Mỹ đang dần bị phân tâm bởi các công việc nội bộ và xung đột ở các quốc gia khác, các quốc gia này không thể chỉ phụ thuộc vào Mỹ để đảm bảo an ninh khu vực được nữa.[26]
Tài liệu tham khảo:
[1] Gomez, J., & Nuga, H. (2024, July 9). Japan and the Philippines sign defense pact in the face of shared alarm over China. The Diplomat. https://thediplomat.com/2024/07/japan-and-the-philippines-sign-defense-pact-in-the-face-of-shared-alarm-over-china/
[2] Flores, M., & Lema, K. (2024, July 8). Philippines says pact with Japan takes defense ties to unprecedented high. Reuters. https://www.reuters.com/world/asia-pacific/philippines-japan-sign-landmark-defence-deal-2024-07-08/
[3] Butts, D. (2024, July 9). Japan and Philippines’ defense pact seeks to counter China’s aggression in the region, experts say. CNBC. https://www.cnbc.com/2024/07/09/japan-and-the-philippines-sign-landmark-defense-deal-to-counter-china-.html
[4] Chen, A. (2024, July 17). China urged to set deadline for Philippines to withdraw from Second Thomas Shoal. South China Morning Post. https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3270758/south-china-sea-beijing-urged-create-deadline-philippines-withdraw-shoal
[5] Reuters. (2024, June 18). Philippines says sailor sustained serious injury in South China Sea collision. Reuters. https://www.reuters.com/world/asia-pacific/philippines-says-sailor-sustained-serious-injury-south-china-sea-collision-2024-06-18/
[6] Yuan, J. (2023, February 2). Japan’s new military policies: Origins and implications. Stockholm International Peace Research Institute. https://www.sipri.org/commentary/blog/2023/japans-new-military-policies-origins-and-implications
[7] Miki, R. (2023, February 28). Japan defense pacts with U.K. and Australia move closer to approval. Nikkei Asia. https://asia.nikkei.com/Politics/International-relations/Japan-defense-pacts-with-U.K.-and-Australia-move-closer-to-approval
[8] Schaus, J. (2020, February 12). What is the Philippines-United States Visiting Forces Agreement, and why does it matter? Center for Strategic and International Studies. https://www.csis.org/analysis/what-philippines-united-states-visiting-forces-agreement-and-why-does-it-matter
[9] IPDForum. (2021, August 27). Australia, Philippines agreement focuses on ‘regional security challenges.’ Indo-Pacific Defense Forum. https://ipdefenseforum.com/2021/08/australia-philippines-agreement-focuses-on-regional-security-challenges/
[10] Flores, M., & Lema, K. (2024, July 8). Philippines says pact with Japan takes defense ties to unprecedented high. Reuters. https://www.reuters.com/world/asia-pacific/philippines-japan-sign-landmark-defence-deal-2024-07-08/
[11] Hisahiro, K. (2024, May 21). Japan’s strategic interests in the global South: Indo-Pacific strategy. Center for Strategic and International Studies. https://www.csis.org/analysis/japans-strategic-interests-global-south-indo-pacific-strategy
[12] Yunbi, Z. (2024, July 9). Tokyo urged to reflect on its history of aggression. China Daily. https://www.chinadailyhk.com/hk/article/587623
[13] Ministry of Foreign Affairs of Japan. (2024, July 8). Signing of the Japan-Philippines Reciprocal Access Agreement. Ministry of Foreign Affairs of Japan. https://www.mofa.go.jp/s_sa/sea2/ph/pageite_000001_00432.html
[14] Ministry of Foreign Affairs of Japan. (2024, July 8). Signing of the Japan-Philippines Reciprocal Access Agreement. Ministry of Foreign Affairs of Japan. https://www.mofa.go.jp/s_sa/sea2/ph/pageite_000001_00432.html
[15] Ministry of Foreign Affairs of Japan. (2024, July 8). Signing of the Japan-Philippines Reciprocal Access Agreement. Ministry of Foreign Affairs of Japan. https://www.mofa.go.jp/s_sa/sea2/ph/pageite_000001_00432.html
[16] Ministry of Foreign Affairs of Japan. (2024, July 8). Signing of the Japan-Philippines Reciprocal Access Agreement. Ministry of Foreign Affairs of Japan. https://www.mofa.go.jp/s_sa/sea2/ph/pageite_000001_00432.html
[17] Foreign Ministry spokesperson Lin Jian’s regular press conference on July 8, 2024. (n.d.). https://www.mfa.gov.cn/eng/xwfw_665399/s2510_665401/2511_665403/202407/t20240708_11450025.html
[18] PressTV. (2024, July 9). US allies Philippines, Japan ink key defense pact amid tensions with China. https://www.presstv.ir/Detail/2024/07/09/729006/Philippines-Japan-ink-defense-pact-
[19] Foreign Ministry spokesperson Lin Jian’s regular press conference on July 8, 2024. (n.d.). https://www.mfa.gov.cn/eng/xwfw_665399/s2510_665401/2511_665403/202407/t20240708_11450025.html
[20] PH, Japan seal defense pact in Malacañang. (n.d.). Philippine News Agency. https://www.pna.gov.ph/articles/1228478
[21] Dominguez, G., & Johnson, J. (2024, July 8). Japan and Philippines ink key military pact in defense ties upgrade. The Japan Times. https://www.japantimes.co.jp/news/2024/07/08/japan/politics/japan-philippines-raa-two-plus-two/
[22] Nccl H., & Nccl H. (2023, October 19). Căng thẳng Philippines – Trung Quốc gia tăng trên Biển Đông: hệ lụy và hàm ý đối với Việt Nam. Nghiên Cứu Chiến Lược. https://nghiencuuchienluoc.org/cang-thang-philippines-trung-quoc-gia-tang-tren-bien-dong-he-luy-va-ham-y-doi-voi-viet-nam/
[23] Mahadzir, D. (2024, July 12). Japanese Defense white paper warns Pacific at greatest risk since WWII – USNI News. USNI News. https://news.usni.org/2024/07/12/japanese-defense-white-paper-warns-pacific-at-greatest-risk-since-wwii
[24] Defense pact amid rising West PH Sea tensions | Philippine News Agency. (n.d.). https://www.pna.gov.ph/opinion/pieces/910-defense-pact-amid-rising-west-ph-sea-tensions
[25] Philippines-Japan security pact puts China on notice. (n.d.). Lowy Institute. https://www.lowyinstitute.org/the-interpreter/philippines-japan-security-pact-puts-china-notice
[26] Japan and Philippines’ defense pact seeks to counter China’s aggression in the region, experts say. (n.d.). https://www.msn.com/en-us/news/world/japan-and-philippines-defense-pact-seeks-to-counter-china-s-aggression-in-the-region-experts-say/ar-BB1pE7KZ?item=no_ads%3Atrue&ocid=BingNewsSearch