Nhận xét và đánh giá về thiết quân luật tại Hàn Quốc

Tối ngày 3/12, thủ đô Seoul của Hàn Quốc rơi vào hỗn loạn khi Tổng thống Yoon Seok Yeol ban bố thiết quân luật. Tuy nhiên, lệnh này đã nhanh chóng bị hủy bỏ vào rạng sáng ngày hôm sau do vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ và khiến tình hình chính trị đất nước trở nên bất ổn. Đây là lần đầu tiên chính phủ Hàn Quốc áp dụng biện pháp quyết liệt như vậy kể từ khi nước này trở thành nền dân chủ hơn 35 năm trước.

1. Lịch sử áp dụng thiết quân luật tại Hàn Quốc

Trước khi Hàn Quốc chuyển sang chế độ dân chủ trực tiếp cuối những năm 1990, thiết quân luật từng được áp dụng nhiều lần. Thiết quân luật lần đầu được áp dụng năm 1948 bởi Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc – Syngman Rhee nhằm đàn áp các cuộc nổi dậy cộng sản. Trong Chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953), lệnh này tiếp tục được sử dụng để trấn áp biểu tình chống lại chính phủ. Syngman Rhee cũng đã áp đặt thiết quân luật một lần nữa vào năm 1960 khi đối mặt với làn sóng phản đối, nhưng ông buộc phải từ chức sau các cuộc biểu tình lớn.[1] Vào năm 1972, khi vẫn còn là Tổng thống, Park Chung-hee đã khởi xướng một cuộc đảo chính khác để trao cho mình quyền lực độc tài, một lần nữa đưa xe tăng vào đường phố Seoul và tuyên bố thiết quân luật. Lệnh này đã được dỡ bỏ vào cuối năm đó. Hành động tuyên bố thiết quân luật của Park Chung-hee đã khiến ông phải đối mặt với làn sóng biểu tình và bất đồng gia tăng cho đến khi ông bị ám sát vào năm 1979.[2] Sau vụ ám sát Tổng thống Park Chung-hee, Thủ tướng Choi Kyu-hah đã ban hành thiết quân luật ngay sau đó và được Tướng Chun Doo-hwan gia hạn vào năm 1980 để đàn áp biểu tình ở Gwangju, khiến hàng trăm người thiệt mạng.[3]

2. Lý giải nguyên nhân ban hành thiết quân luật

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok Yeol tuyên bố thiết quân luật là cần thiết để bảo vệ nền dân chủ tự do của Hàn Quốc khỏi các mối đe dọa từ Triều Tiên và loại bỏ ngay lập tức các thế lực chống nhà nước ủng hộ Triều Tiên.[4][5] Tổng thống Yoon cũng trích dẫn việc quốc hội thực hiện 22 động thái luận tội đối với các quan chức chính phủ kể từ khi nhậm chức cùng với 10 động thái khác đang chờ xử lý tại Quốc hội hiện tại. Đồng thời, ông chỉ trích rằng: “Đây là điều chưa từng có ở Hàn Quốc, và thậm chí là trên toàn cầu”.[6]

Theo Điều 89 của Hiến pháp Hàn Quốc, việc ban bố tình trạng thiết quân luật phải được Hội đồng nhà nước xem xét. Tuy nhiên, hành động của tổng thống Yoon Seok Yeol ngày hôm qua đã không được thông qua từ bất kỳ cuộc họp Nội các nào. Dù Hiến pháp Hàn Quốc cho phép tổng thống áp đặt chế độ quân sự trong “thời chiến, tình huống giống chiến tranh hoặc các tình trạng khẩn cấp quốc gia tương tự khác” nhưng tổng thống không thể duy trì thiết quân luật nếu quốc hội phản đối bằng đa số phiếu. Do đó, nếu Quốc hội yêu cầu dỡ bỏ lệnh này với sự chấp thuận của đa số thành viên đã đăng ký thì Tổng thống phải dỡ bỏ.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, cuộc đấu tranh chính trị của Tổng thống Yoon với Đảng Dân chủ đối lập chính không được coi là trường hợp khẩn cấp đòi hỏi phải can thiệp quân sự. Các chuyên gia cũng đặt câu hỏi tại sao Tổng thống Yoon lại tuyên bố mặc dù quốc hội chắc chắn sẽ bỏ phiếu bác bỏ. Ngay sau tuyên bố của Yoon, Quốc hội Hàn Quốc đã tổ chức cuộc họp toàn thể vào nửa đêm ngày 4 và thông qua nghị quyết yêu cầu dỡ bỏ tình trạng thiết quân luật. Nghị quyết yêu cầu dỡ bỏ thiết quân luật đã được thông qua với sự đồng ý của 190 nghị sĩ có mặt. Chủ tịch Quốc hội Woo Won-sik đã gửi thông báo yêu cầu dỡ bỏ thiết quân luật tới Tổng thống Yoon Seok-yeol và Bộ Quốc phòng.[7] Ngay sau cuộc bỏ phiếu, Tổng thống Yoon đã có bài phát biểu khác thông báo rằng quân đội đã rút lui và ông sẽ bãi bỏ sắc lệnh sau khi triệu tập một cuộc họp nội các sớm nhất có thể. Theo đó, ông xin lỗi người dân vì đã gây ra những phiền phức không đáng có và sẵn sàng chịu mọi trách nhiệm pháp lý. Ông nói “Việc ban bố thiết quân luật khẩn cấp này xuất phát từ sự tuyệt vọng của tôi với tư cách là bên chịu trách nhiệm cuối cùng về các vấn đề của nhà nước.”

Hành động lần này của tổng thống Yoon được nhận định có khả năng liên quan đến những mâu thuẫn nội bộ kéo dài ở Hàn Quốc. Theo đó, ông Yoon Seok Yeol trở thành tổng thống Hàn Quốc bầu với tỷ lệ rất sít sao hồi năm 2022. Trong nhiều tháng liên tiếp, Yoon đã phải vật lộn với tỷ lệ ủng hộ thấp ở mức kỷ lục. Một trong những cuộc thăm dò ý kiến ​​toàn quốc đầu tiên được tiến hành sau khi thiết quân luật cho thấy công chúng không chấp thuận động thái mới nhất của ông. Theo cuộc thăm dò do Realmeter, cơ quan có có trụ sở tại Seoul, hơn 70% người Hàn Quốc ủng hộ việc luận tội ông.[8] Vào tháng 4 năm nay, Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) của ông đã phải chịu thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử quốc hội với ⅔ số ghế quốc hội đơn viện thuộc về các phe đối lập. Đồng thời, Tổng thống Yoon đang chịu áp lực khi Đảng Dân chủ liên tục thông qua các dự luật bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt để điều tra các sai phạm bị cáo buộc của vợ ông, bao gồm cáo buộc thao túng giá cổ phiếu trước khi Yoon được bầu. Tổng thống Yoon đã nhiều lần phủ quyết các dự luật này. Tuần trước, Đảng Dân chủ cũng đã thúc đẩy việc sửa đổi đề xuất ngân sách chính phủ thông qua một ủy ban, cắt giảm hơn 4 nghìn tỷ won so với yêu cầu của chính phủ, và hiện đang sẵn sàng đưa ra để thông qua toàn thể quốc hội. Động thái này đã khiến văn phòng tổng thống phẫn nộ, phát ngôn viên của họ gọi đây là “chuyên chế quốc hội”. Có thể thấy, Tổng thống Yoon và người thân của mình đang phải đối mặt với một loạt động thái chống lại quyền lực của ông.

Ngay sau khi thiết quân luật được ban bố, Tổng thống Yoon được cho là đã nói chuyện qua điện thoại với Hong Jang-won, phó giám đốc thứ nhất của Cơ quan Tình báo Quốc gia, rằng ông sẽ lợi dụng cơ hội này để “bắt giữ và dọn dẹp mọi thứ”. Yoon cho biết ông sẽ trao cho cơ quan tình báo thẩm quyền tiến hành một cuộc điều tra phản gián với sự “hỗ trợ tài chính và nhân sự vô điều kiện”.[9] Các nhà lập pháp đã thông tin chi tiết với các phóng viên về cuộc trò chuyện qua điện thoại và Hong cũng đã xác nhận với CNN về tính xác thực của nội dung này. Sau đó, Hong biết được danh sách này thông qua Bộ Quốc phòng Hàn Quốc và đánh giá rằng nó thực sự “điên rồ”. Danh sách bắt giữ bao gồm một loạt chính trị gia, trong đó có cả lãnh đạo Đảng lãnh đạo đối lập Lee Jae Myung và lãnh đạo Đảng Quyền lực Nhân dân PPP Han Dong-hoon.[10]

Lãnh đạo Đảng Cải cách Mới Lee Jun-seok, người từng là đồng minh thân cận của Yoon đánh giá rằng “Việc ban bố thiết quân luật là một động thái tuyệt vọng của một vị tổng thống không được lòng dân đang sa lầy trong khủng hoảng” và gọi nó là một “nỗ lực điên cuồng cuối cùng”.[11] Cũng theo Alan Yu, cựu nhà ngoại giao Hoa Kỳ tại châu Á, “việc sử dụng thiết quân luật gần giống như một động thái tuyệt vọng để cố gắng thoát ra, xét về cả mặt chính trị lẫn chính sách, nhưng thực tế là nó không hiệu quả trên cả hai mặt trận.”.[12] Theo James Park của Viện nghiên cứu Quincy, Tổng thống Yoon cho rằng những bất ổn trong nội bộ chính trị Hàn Quốc được của đảng đối lập thực hiện để chống lại sự lãnh đạo của ông. Vì do ngại quyền lực suy giảm, thiết quân luật được Yoon lựa chọn như một giải pháp để đối phó.[13]

3. Phản ứng của các nước trước lệnh thiết quân luật của Hàn Quốc

3.1. Phản ứng của Mỹ

Mỹ đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước tuyên bố thiết quân luật của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, đồng thời hoan nghênh quyết định hủy bỏ sau khi Quốc hội phản đối. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đánh giá cao động thái đảo ngược thiết quân luật, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết khác biệt chính trị một cách hòa bình, trong khuôn khổ hiến pháp. Ông mô tả nền dân chủ Hàn Quốc là “một trong những minh chứng rõ rệt nhất của nền dân chủ” và khẳng định rằng việc tuân thủ pháp quyền là điều cần thiết trong việc xử lý các vấn đề chính trị nhạy cảm.[14] Đồng thời, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cũng nhấn mạnh rằng sự đảo ngược nhanh chóng là bằng chứng cho thấy các quy trình dân chủ tại Hàn Quốc vẫn hoạt động hiệu quả. Sullivan khẳng định rằng “nền dân chủ của Hàn Quốc rất mạnh mẽ” và Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác Hàn Quốc để củng cố các thể chế dân chủ.[15]

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Kurt Campbell đưa ra đánh giá thẳng thắn, cho rằng Tổng thống Yoon đã có bước đi “sai lầm” khi tuyên bố tình trạng thiết quân luật và gọi quyết định này là “bất hợp lý.” Campbell lưu ý rằng các phản ứng phản đối rộng rãi từ công chúng và các quan chức trong chính quyền Yoon đã chứng minh khả năng phục hồi của nền dân chủ Hàn Quốc, đồng thời phản ánh ý chí mạnh mẽ của người dân.[16]

Dù bày tỏ quan ngại sâu sắc, các quan chức Mỹ đã thận trọng tránh đưa ra phán quyết về tính hợp pháp của tuyên bố thiết quân luật, thay vào đó tập trung nhấn mạnh tầm quan trọng của pháp quyền và quản lý hiến pháp. Ngoại trưởng Blinken khẳng định rằng liên minh Mỹ-Hàn vẫn “vững chắc” và phải được xây dựng trên các nguyên tắc dân chủ chung.[17]

Việc Quốc hội Hàn Quốc bác bỏ tuyên bố thiết quân luật, cùng với phản đối mạnh mẽ từ công chúng được các quan chức Mỹ nhìn nhận như điều quan trọng trong sự phát triển dân chủ của Hàn Quốc. Điều này cũng được xem là minh chứng cho sức mạnh và sự kiên cường của các thể chế chính trị Hàn Quốc, bất chấp những chia rẽ và thách thức nội bộ.[18] Ngoài ra, phản ứng của Mỹ còn cho thấy sự cam kết tiếp tục hợp tác song phương để củng cố liên minh, đồng thời tôn trọng tính tự chủ của các thể chế dân chủ tại Hàn Quốc.

3.2. Phản ứng của Triều Tiên

Khi thiết quân luật vừa được ban hành, Triều Tiên đã giữ im lặng. Mark Barry, Phó Biên tập viên Danh dự của Tạp chí Quốc tế về Hòa bình Thế giới đồng thời là một nhà quan sát kỳ cựu về Triều Tiên, đã nhận định Triều Tiên muốn tránh can thiệp vào sự bất ổn Hàn Quốc vì điều đó có thể mang lại rủi ro và hậu quả khó lường cho họ.[19] Peter Ward, nghiên cứu viên tại Viện Sejong cũng cho rằng, tình hình chính trị hỗn loạn tại Hàn Quốc tạo cơ hội để Triều Tiên giữ thái độ quan sát thay vì hành động và tiếp tục hướng sự chú ý của dư luận quốc tế tới chính quyền của Tổng thống Yoon. Tuy nhiên, vào ngày 10/12, Triều Tiên đã lần đầu lên tiếng về thiết quân luật ở Hàn Quốc và khẳng định đương kim Tổng thống Hàn Quốc là nguyên nhân chính gây ra sự hỗn loạn tại Seoul. Đây là một động thái mang tính chỉ trích cao từ phía Triều Tiên. Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên có thể tận dụng tình hình này để thúc đẩy các câu chuyện tuyên truyền và chỉ trích sự bất ổn ở Hàn Quốc như là bằng chứng về những sai sót trong việc quản lý nền dân chủ.[20][21][22]

3.3. Phản ứng của Nhật Bản

Nhật Bản bày tỏ quan ngại sâu sắc trước sự kiện Tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố thiết quân luật ngắn hạn ở Hàn Quốc, cho rằng tình hình có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ song phương đang dần cải thiện. Thủ tướng Shigeru Ishiba khẳng định chính phủ Nhật Bản đang theo dõi sát sao diễn biến ở Hàn Quốc và nhấn mạnh ưu tiên bảo đảm an toàn cho công dân Nhật Bản tại đây, bao gồm việc gửi thông báo từ lãnh sự quán và kêu gọi công dân thận trọng.[23]

Mặc dù tuyên bố thiết quân luật đã được dỡ bỏ chỉ sau vài giờ, nhưng động thái này khiến Nhật Bản phải cân nhắc lại các kế hoạch ngoại giao. Chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Ishiba dự kiến diễn ra vào đầu tháng 1 năm 2025 để đánh dấu kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao hiện đang bị hoãn lại, với các quan chức Nhật Bản cho rằng tình hình chính trị bất ổn có thể làm gián đoạn kế hoạch.[24]

Phản ứng của Nhật Bản cũng liên quan đến tầm quan trọng của hợp tác ba bên giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ trước các mối đe dọa từ Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc phòng Gen Nakatani nhấn mạnh rằng sự phối hợp an ninh với Hàn Quốc là thiết yếu, song chuyến thăm của ông tới Hàn Quốc vào cuối tháng 12 cũng đã bị hoãn.[25] Nhìn chung, Nhật Bản nhấn mạnh hy vọng rằng tình hình ở Hàn Quốc sẽ sớm ổn định, nhằm tiếp tục duy trì động lực cải thiện quan hệ giữa hai nước, đặc biệt trong bối cảnh các lợi ích chung về an ninh và kinh tế trong khu vực Đông Bắc Á.

3.4. Phản ứng của Trung Quốc

Trung Quốc duy trì lập trường không can thiệp vào công việc nội bộ của Hàn Quốc, đồng thời nhấn mạnh sự ổn định và phát triển hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố ghi nhận sự kiện nhưng không bình luận về vấn đề nội bộ của Hàn Quốc.[26] Trong khi đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Seoul đã nhanh chóng ban hành khuyến cáo đảm bảo an toàn cho công dân nước mình, kêu gọi thận trọng và tránh rủi ro trong giai đoạn nhạy cảm.[27] Phản ứng của Trung Quốc phản ánh sự kiềm chế, tập trung vào bảo vệ lợi ích chiến lược và công dân nước mình, đồng thời tránh làm căng thẳng tình hình khu vực bán đảo Triều Tiên hay quan hệ song phương với Hàn Quốc.

3.5. Phản ứng của Việt Nam

Trong một cuộc họp báo, Phát ngôn viên Phạm Thu Hằng, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam, bày tỏ niềm tin với việc Hàn Quốc sẽ sớm ổn định sau bất ổn chính trị vừa qua. Là quốc gia có quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Hàn Quốc, Việt Nam đang theo dõi chặt chẽ tình hình và lạc quan về tương lai phát triển của đất nước. Tuyên bố cho thấy lập trường ngoại giao của Việt Nam, nhấn mạnh sự tin tưởng vào khả năng phục hồi của Hàn Quốc trong việc giải quyết các vấn đề nhạy cảm liên quan đến chính trị.

Phản ứng của Việt Nam cũng nhấn mạnh cam kết của mình đối với sự an toàn và phúc lợi của công dân ở nước ngoài, đặc biệt là trong những thời điểm bất ổn. Theo phát ngôn viên, cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc không bị ảnh hưởng nhiều bởi những sự việc vừa qua. Đại sứ quán Việt Nam tại Seoul đã liên lạc thường xuyên với chính quyền địa phương và công dân Việt Nam, đảm bảo rằng cộng đồng được thông báo và thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết.

Để thực hiện trách nhiệm bảo vệ công dân của mình, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo đại sứ quán tại Seoul tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình. Đại sứ quán đã liên lạc với các cơ quan liên quan của địa phương và các tổ chức Việt Nam tại Hàn Quốc để đảm bảo công dân sinh sống, làm việc và học tập tại đây được an toàn. Hơn nữa, đại sứ quán đã ban hành hướng dẫn để công dân Việt Nam tuân thủ luật pháp địa phương, tránh tụ tập đông người và duy trì liên lạc với đại sứ quán.

Phản ứng có chừng mực này nhấn mạnh ưu tiên của Việt Nam trong việc bảo vệ công dân của mình ở nước ngoài trong khi vẫn duy trì lập trường tin tưởng vào sự phục hồi Hàn Quốc. Bằng cách đảm bảo với công chúng về những nỗ lực không ngừng và sẵn sàng thực hiện các biện pháp bảo vệ, Việt Nam tái khẳng định cam kết hợp tác ngoại giao với Hàn Quốc và vì phúc lợi của công dân trong khu vực.

4. Nhận xét, đánh giá về tác động của lệnh thiết quân luật tại Hàn Quốc

4.1. Tác động trong nước

Lệnh thiết quân luật đã gây ra xung đột sâu sắc trong nội bộ chính trị và xã hội Hàn Quốc. Trong Quốc hội, sự bất đồng đã xuất hiện không chỉ giữa phe đối lập và phe cầm quyền, mà còn ngay trong nội bộ đảng Quyền lực Nhân dân (PPP). Ban đầu, các nghị sĩ PPP đã phản đối nỗ lực luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol bằng cách rời khỏi phòng họp. Tuy nhiên, trước những áp lực chính trị và việc Chủ tịch PPP Han Dong-hoon kêu gọi các thành viên ủng hộ cuộc bỏ phiếu để “chấm dứt sự rối ren”, cho phép bỏ phiếu theo lương tâm đã khiến họ phải thay đổi lập trường. Động thái này giúp phe đối lập, với sự hỗ trợ từ một số nghị sĩ PPP, thành công thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol, cáo buộc ông vi hiến khi áp đặt thiết quân luật. Sự chia rẽ này không chỉ làm lung lay vị thế thống nhất của đảng cầm quyền mà còn làm nổi bật tình trạng căng thẳng giữa các phe phái trong Quốc hội. Bên ngoài, công chúng cũng chia thành hai luồng ý kiến rõ rệt: những người phản đối Tổng thống tổ chức ăn mừng, trong khi phe ủng hộ ông Yoon tỏ ra tức giận và bất mãn.[28] Những tác động này đã đẩy nội bộ Hàn Quốc vào tình trạng bất ổn chính trị và xã hội. Chuyên gia Jenny Town từ Trung tâm Stimson nhận định rằng lệnh thiết quân luật là “tuyệt vọng và nguy hiểm” có thể là “giọt nước tràn ly” dẫn đến luận tội, và sự kiện này sẽ làm suy yếu nghiêm trọng vị thế của Tổng thống Yoon. Giáo sư Mason Richey tại Đại học Ngoại ngữ Hankuk cũng cảnh báo rằng sự bất ổn chính trị hiện tại không chỉ tác động tiêu cực đến thị trường tài chính, tiền tệ mà còn làm tổn hại danh tiếng quốc tế của Hàn Quốc.[29] Những diễn biến này không chỉ phản ánh khủng hoảng lãnh đạo trong nội bộ chính trị mà còn làm gia tăng sự phân hóa trong xã hội, đặt ra thách thức lớn đối với nền dân chủ và sự ổn định quốc gia trong tương lai.[30]

Về mặt kinh tế, ngay khi lệnh thiết quân luật được công bố, đồng won Hàn Quốc nhanh chóng rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2022. Trong phiên giao dịch sáng ngày 10/12, tỷ giá đồng won so với USD đạt mức 1.427,05 won/1 USD, với biến động bất thường khiến các nhà đầu tư trong và ngoài nước hoang mang.[31] Tình trạng trượt giá đồng nội tệ đã làm suy yếu niềm tin thị trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thu hút vốn đầu tư quốc tế. Thị trường chứng khoán Hàn Quốc cũng không nằm ngoài vòng xoáy khủng hoảng. Chỉ số KOSPI sáng ngày 10/12 ghi nhận mức giảm hơn 2%, giao động ở mức 2.384,51 điểm – mức thấp đáng lo ngại.[32] Hàng loạt cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn lao dốc như: Samsung giảm 1,29%, Hyundai Motor giảm 1,23%, SK Innovation giảm 4,47%, Korea Zinc giảm kỷ lục tới 15,33%. Các ngành mũi nhọn như công nghệ, ô tô và năng lượng – vốn là trụ cột kinh tế của Hàn Quốc đang chịu tổn thất nghiêm trọng. Tuy nhiên, không phải ai cũng bi quan với những tác động mạnh mẽ đang diễn ra trong nội bộ nước này, ví dụ như nhóm nghiên cứu tại Capital Economics nhận định rằng vẫn có cơ sở để có cái nhìn lạc quan hơn về triển vọng kinh tế của Hàn Quốc, miễn là quốc gia này có thể tránh được một cuộc khủng hoảng kinh tế hoặc chính trị nghiêm trọng hơn.[33] Bên cạnh đó, bất ổn chính trị tại Hàn Quốc đã tác động tiêu cực đến mặt kinh doanh và đặc biệt là niềm tin của các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Theo ông Moon Jeong-hee, nhà kinh tế từ Ngân hàng KB Kookmin, “Những diễn biến chính trị vừa qua càng làm suy yếu tâm lý nhà đầu tư, vốn đã lo ngại về tính chu kỳ của ngành công nghiệp bán dẫn và sự bất ổn bắt nguồn từ chính sách thuế quan của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump”.[34] Sự bất ổn này cũng thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài bán tháo cổ phiếu, với việc bán ròng 1.090 tỷ won (765,45 triệu USD) trong ba phiên giao dịch.[35] Giáo sư kinh tế Ha Jun-kyung tại Đại học Hanyang nhận định rằng khoảng trống lãnh đạo là yếu tố làm tăng sự bất ổn về kinh tế và xã hội, có thể dẫn đến nhiều rủi ro khác nhau trong nền kinh tế Hàn Quốc. Tỷ giá cao và chi phí tài chính tăng dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng gánh nặng đối với các thực thể kinh tế.[36] Chính phủ Hàn Quốc đã cam kết huy động mọi biện pháp để ổn định thị trường tài chính và tiền tệ, bao gồm việc bơm thanh khoản không giới hạn. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cũng tăng cường các biện pháp thanh khoản ngắn hạn và nới lỏng các quy tắc về tài sản thế chấp nhằm ngăn chặn khủng hoảng tín dụng.[37] Ngoài ra, khi đứng trước vấn đề suy thoái kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Choi Sung Muk đã có động thái bác bỏ. Ông cho rằng nói nền kinh tế Hàn Quốc sẽ suy thoái là hơi quá, đồng thời cũng nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này vào năm tới được dự báo ở mức hoặc gần như tiềm năng.[38] Mặc dù lệnh này đã được gỡ bỏ nhưng nó vẫn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của Hàn Quốc đối với du khách quốc tế. Nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng đã chứng kiến tình trạng suy giảm khách du lịch. Myeongdong, khu phố nổi tiếng ở trung tâm Seoul, được xem là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Khu vực vốn thu hút lượng lớn khách du lịch nước ngoài này giờ đây đã trở nên vắng vẻ sau làn sóng hủy đặt phòng hàng loạt. Để trấn an du khách, thị trưởng Seoul Oh Se-hoon đã tổ chức một cuộc họp báo khẩn cấp, trong đó nhấn mạnh “Seoul an toàn” và kêu gọi khách du lịch hãy “yên tâm đến”. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa thể giải quyết hiệu quả tình trạng suy giảm khách du lịch diễn ra ngay trong mùa cao điểm cuối năm. [39]

4.2. Tác động đến khu vực

Mặc dù thiết quân luật đã được bãi bỏ chỉ sau vài giờ từ khi tuyên bố nhưng sự kiện này vẫn gióng lên hồi chuông cảnh báo về khả năng bất ổn có thể xảy ra tại Hàn Quốc. Với tư cách là một trung tâm kinh tế lớn của châu Á và là một đồng minh quan trọng của Mỹ tại khu vực, những biến động của Hàn Quốc đều ít nhiều có ảnh hưởng đến các nước trong khu vực cả về mặt kinh tế, ngoại giao lẫn chính trị.

Về tình hình tại bán đảo Triều Tiên, trong những tháng gần đây, khu vực chứng kiến cả hai quốc gia đều có những hành động đẩy mức căng thẳng lên cao như vào ngày 15/10, Triều Tiên đã phá hủy một số đoạn trên 2 tuyến đường bộ kết nối hai miền Triều Tiên, trong khi Hàn Quốc công bố 11 “khu vực nguy hiểm” thuộc tỉnh Gyeonggi trên biên giới liên Triều. Những xung đột từ trước khiến dư luận quốc tế hoài nghi về việc sẽ có hay không sự gia tăng căng thẳng, đối đầu ở bán đảo Triều Tiên sau thiết quân luật ở Hàn Quốc, đặc biệt là khi Triều Tiên cũng đã không còn “im lặng”. Tuy nhiên, bất chấp khả năng tăng cường các làn sóng tuyên truyền chống lại Hàn Quốc, một số chuyên gia nhấn mạnh rằng Triều Tiên khó có thể làm leo thang căng thẳng đáng kể trước mắt. Gi-Wook Shin, giáo sư xã hội học từ Đại học Stanford và Jenny Town, nhà nghiên cứu từ Trung tâm Stimson (The Stimson Center) cho rằng Triều Tiên có thể vẫn tương đối kiềm chế, quan sát các diễn biến mà không can thiệp trực tiếp.[40] Town chỉ ra Triều Tiên đã duy trì sự im lặng đáng chú ý trong quá trình Hàn Quốc luận tội cựu Tổng thống Park Geun-hye, do đó, cô cho rằng Triều Tiên cũng sẽ án binh bất động trong sự kiện lần này.[41]

Về mối quan hệ Mỹ – Hàn, trong nhiều thập kỷ, Hàn Quốc là một trong những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở Châu Á, dưới thời Tổng thống Joe Biden và Yoon Suk-yeol thì mối quan hệ này càng được củng cố bền chặt. Tuy nhiên, việc Tổng thống Yoon Suk-yeol áp đặt thiết quân luật sau khi cáo buộc đảng đối lập thông đồng với Triều Tiên để hạ bệ ông đã đặt ra những thách thức cho mối quan hệ này. Nền dân chủ luôn là một yếu tố được cả Mỹ và Hàn Quốc đề cao trong quan hệ song phương. Trong chuyến thăm của Tổng thống Yoon đến Nhà Trắng vào tháng 4 năm 2023, Tổng thống Joe Biden từng nhấn mạnh rằng cả hai nhà lãnh đạo đều tin tưởng rằng nền dân chủ và người dân là nguồn sức mạnh lớn nhất của hai quốc gia. Nhưng những diễn biến đang xảy ra tại Hàn Quốc dường như đang thử thách nghiêm trọng giá trị này. Tuyên bố thiết quân luật của Tổng thống Yoon, dù ngắn ngủi nhưng vẫn có khả năng làm suy yếu nền tảng của liên minh song phương. Theo Jason Cox, Thạc sĩ Quan hệ Quốc tế tại Đại học Freie Berlin, chuyên nghiên cứu về an ninh Đông Á, việc tái khẳng định các chuẩn mực dân chủ ở Hàn Quốc không chỉ là vấn đề nguyên tắc mà còn là một nhu cầu chiến lược đối với Mỹ trong việc gây ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.[42]

Bên cạnh đó, việc chính quyền Biden không được thông báo trước về động thái của Tổng thống Yoon đặt ra câu hỏi về sự minh bạch và khả năng phối hợp trong liên minh hai nước. Tuy nhiên, Mỹ được nhận định sẽ khó có khả năng giảm mức độ hợp tác quốc phòng với Hàn Quốc trước tình hình an ninh hiện tại ở Đông Bắc Á, đặc biệt là mối đe dọa từ Triều Tiên, Trung Quốc và Nga.[43] Sydney Seiler, cố vấn cấp cao không thường trú tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, cho rằng mối quan hệ Mỹ-Hàn đã kéo dài bảy thập kỷ và trải qua nhiều cuộc khủng hoảng chính trị nên không chỉ giới hạn ở các nhà lãnh đạo hay các đảng phái chính trị khi họ đến rồi đi. Do đó, mặc dù có thách thức nhưng quan hệ giữa hai quốc gia vẫn được nhận định sẽ khó có thể bị ảnh hưởng đáng kể bởi sự kiện lần này.[44]

Về mối quan hệ Nhật – Hàn, tuyên bố thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk-yeol có thể làm tổn hại đến quan hệ giữa hai nước, nhất là khi mối quan hệ ba bên Nhật – Hàn – Mỹ phải đối mặt với những thách thức trong nhiệm kỳ sắp tới của Donald Trump. Ở Hàn Quốc, phe đối lập đã chỉ trích Tổng thống Yoon khi ông cải thiện quan hệ với Nhật Bản. Do đó, có khả năng mối quan hệ hợp tác Nhật-Hàn sẽ bị đảo ngược một khi Tổng thống Yoon xuống chức[45]. Theo Giáo sư Nishino Junya của Đại học Keio, một chuyên gia về quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc, nhu cầu hợp tác Nhật – Hàn đang rất cao trước những biến động của tình hình quốc tế, tuy nhiên trong tương lai gần, Nhật Bản và Mỹ sẽ phải đi đầu trong việc tăng cường khả năng răn đe và ứng phó của họ trong khu vực vì chính phủ Hàn Quốc đã trở nên bất lực và uy tín của họ bị giảm sút nghiêm trọng kể từ khi tuyên bố thiết quân luật.[46]

Sự bất ổn chính trị tại Hàn Quốc sẽ tạo ra những ảnh hưởng nhất định đối với tình hình chung của khu vực. Theo Jason Cox, việc Hàn Quốc bị chia rẽ sẽ làm giảm hiệu quả của các liên minh do Mỹ dẫn đầu trong khu vực và tạo cơ hội cho Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng của mình. Ngoài ra, nếu như Tổng thống Yoon bị phế truất, một cuộc bầu cử tổng thống mới diễn ra và người kế nhiệm đến từ Đảng Dân chủ đối lập, có khả năng Hàn Quốc sẽ có lập trường ít đối đầu hơn với Trung Quốc và Triều Tiên.[47] Đồng thời, nếu trường hợp đó xảy ra, Tiến sĩ Tunchinmang Langel, Nghiên cứu viên, Hội đồng Ấn Độ về các vấn đề thế giới (ICWA) nhận định chính sách đối ngoại của Hàn Quốc với các đồng minh cũng sẽ có sự thay đổi.[48] Do đó, sự bất ổn tại Hàn Quốc có thể sẽ khiến cả đồng minh lẫn đối thủ điều chỉnh lại các tính toán chiến lược của mình.[49]


Tài liệu tham khảo:

[1] AP News. (2024, December 4). A history of martial law in South Korea in Associated Press photographs. AP News. Retrieved December 5, 2024, from https://apnews.com/article/korea-martial-law-yoon-president-9adbff7c7df6a2fa22b1fbf955a495fa

[2] Al Jazeera. (2024, December 4). South Korea’s long history of martial law – and impeachments. Al Jazeera. Retrieved December 5, 2024, from https://www.aljazeera.com/news/2024/12/4/south-koreas-long-history-of-martial-law-and-impeachments

[3] AP News. (2024, December 4). A history of martial law in South Korea in Associated Press photographs. AP News. Retrieved December 5, 2024, from https://apnews.com/article/korea-martial-law-yoon-president-9adbff7c7df6a2fa22b1fbf955a495fa

[4] 안용수 기자. (2024, December 3). [속보] 尹대통령 “비상 계엄 선포”. 연합뉴스. Retrieved December 5, 2024, from https://www.yna.co.kr/view/AKR20241203154500001?input=1195m

[5] Hawkins, A., & Rashid, R. (2024, December 3). South Korea gripped by uncertainty as MPs defy president’s declaration of martial law. The Guardian. Retrieved December 6, 2024, from https://www.theguardian.com/world/2024/dec/03/south-korean-president-declares-emergency-martial-law

[6] 안용수 기자. (2024, December 3). [속보] 尹대통령 “비상 계엄 선포”. 연합뉴스. Retrieved December 5, 2024, from https://www.yna.co.kr/view/AKR20241203154500001?input=1195m

[7] 중앙일보. (2024, December 3). 느닷없는 대통령의 비상계엄 선포, 무슨 일인가. The JoongAng. Retrieved December 6, 2024, from https://www.joongang.co.kr/article/25297109

[8] Sang-Hun, C. (2024, December 6). South Korea’s Lawmakers Question Military About Yoon’s Martial Law Order. The New York Times. Retrieved December 7, 2024, from https://www.nytimes.com/2024/12/05/world/asia/south-korea-martial-law.html

[9] Seo, Y., & Szekeres, E. (2024, December 7). South Korea president survives impeachment after governing lawmakers boycott vote. CNN. Retrieved December 8, 2024, from https://edition.cnn.com/2024/12/06/asia/south-koreas-president-yoon-sun-yeol-intl-hnk/index.html

[10] Seo, Y., & Szekeres, E. (2024, December 7). South Korea president survives impeachment after governing lawmakers boycott vote. CNN. Retrieved December 8, 2024, from https://edition.cnn.com/2024/12/06/asia/south-koreas-president-yoon-sun-yeol-intl-hnk/index.html

[11] Kim, M., & Palmer, J. (2024, December 9). South Korea’s Martial Law Constitutional Crisis Takes a New Twist. Foreign Policy. Retrieved December 10, 2024, from https://foreignpolicy.com/2024/12/09/yoon-coup-martial-law-south-korea-constitutional-chaos/

[12] Kang, H. (2024, December 3). What is martial law and why did South Korea’s president declare it then revoke it hours later? ABC. Retrieved December 5, 2024, from https://www.abc.net.au/news/2024-12-04/what-is-martial-law-south-korea/104681802

[13] Park, J. (2024, December 3). Fearing his enemies, South Korea’s Yoon declares martial law. Responsible Statecraft. Retrieved December 5, 2024, from https://responsiblestatecraft.org/south-korea-martial-law/

[14] Pamuk, H. (2024, December 4). US was not aware in advance of South Korea martial law decision, Blinken says. Reuters. Retrieved December 6, 2024, from https://www.reuters.com/world/asia-pacific/us-was-not-aware-advance-south-korea-martial-law-decision-blinken-says-2024-12-04/

[15] Pamuk, H. (2024, December 4). US was not aware in advance of South Korea martial law decision, Blinken says. Reuters. Retrieved December 6, 2024, from https://www.reuters.com/world/asia-pacific/us-was-not-aware-advance-south-korea-martial-law-decision-blinken-says-2024-12-04/

[16] Brunnstrom, D., & Martina, M. (2024, December 4). US says South Korea’s Yoon badly misjudged martial law declaration. Reuters. Retrieved December 6, 2024, from https://www.reuters.com/world/us-says-south-koreas-yoon-badly-misjudged-martial-law-declaration-2024-12-04/

[17] Pamuk, H. (2024, December 4). US was not aware in advance of South Korea martial law decision, Blinken says. Reuters. Retrieved December 6, 2024, from https://www.reuters.com/world/asia-pacific/us-was-not-aware-advance-south-korea-martial-law-decision-blinken-says-2024-12-04/

[18] Brunnstrom, D., & Martina, M. (2024, December 4). US says South Korea’s Yoon badly misjudged martial law declaration. Reuters. Retrieved December 6, 2024, from https://www.reuters.com/world/us-says-south-koreas-yoon-badly-misjudged-martial-law-declaration-2024-12-04/

[19] Ji, D. (2024, December 9). How will North Korea react to South Korea’s political crisis? Asia News Network. Retrieved December 11, 2024, from https://asianews.network/how-will-north-korea-react-to-south-koreas-political-crisis/

[20] Croucher, S., Perry, D., Hammer, J., Chang, G. G., Yang, A., & Faris, D. (2024, December 3). South Korea Martial Law: How Will North Korea Respond? Newsweek. Retrieved December 5, 2024, from https://www.newsweek.com/north-korea-south-korea-martial-law-yoon-1994756

[21] Cha, V. (5 December, 2024). Expert Q&A on South Korea: Martial Law and Its Aftermath. Just Security. Retrieved December 7, 2024, from

[22] Croucher, S., Perry, D., Hammer, J., Chang, G. G., Yang, A., & Faris, D. (2024, December 3). South Korea Martial Law: How Will North Korea Respond? Newsweek. Retrieved December 5, 2024, from https://www.newsweek.com/north-korea-south-korea-martial-law-yoon-1994756

[23] Smith, J. (2024, December 4). South Korea martial law turmoil sparks international backlash. Reuters. Retrieved December 6, 2024, from https://www.reuters.com/world/asia-pacific/martial-law-decree-sparks-international-backlash-south-korea-2024-12-04/

[24] Kyodo News. (2024, December 4). Japan vigilant after South Korea’s martial law sows chaos. Kyodo News. Retrieved December 6, 2024, from https://english.kyodonews.net/news/2024/12/676798356760-update1-japan-watching-s-korean-situation-with-grave-concern.html

[25] Jiji. (2024, December 5). Martial law turmoil will likely affect Japan-South Korea ties. The Japan Times. Retrieved December 6, 2024, from https://www.japantimes.co.jp/news/2024/12/05/japan/politics/martial-law-south-korea-japan/

[26] Global Times. (2024, December 4). Chinese FM responds to brief emergency martial law imposed in South Korea; position on Korean Peninsula issue remains unchanged. Global Times. Retrieved December 6, 2024, from https://www.globaltimes.cn/page/202412/1324330.shtml

[27] Wu, D. & Chik, H. (2024, December 4). China urges its citizens in South Korea to be vigilant after martial law turmoil. South China Morning Post. Retrieved December 6, 2024, from

https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3289264/china-urges-its-citizens-south-korea-be-vigilant-after-martial-law-turmoil?module=perpetual_scroll_0&pgtype=article

[28] Linh Quy. (2024, December 5). Khủng hoảng ở Hàn Quốc: Cảnh báo nguy cơ xung đột với Triều Tiên sau lệnh thiết quân luật chóng vánh. Báo Điện tử VTV.Retrieved December 7, 2024, from https://vtv.vn/the-gioi/khung-hoang-o-han-quoc-canh-bao-nguy-co-xung-dot-voi-trieu-tien-sau-lenh-thiet-quan-luat-chong-vanh-20241205102910936.htm

[29] Smith, J. (2024, December 3). South Korean president’s failed attempt at martial law may put his position in peril. Reuters. Retrieved December 5, 2024, from https://www.reuters.com/world/asia-pacific/south-korean-presidents-failed-attempt-martial-law-may-put-his-position-peril-2024-12-03/

[30] Linh Quy. (2024, December 5). Khủng hoảng ở Hàn Quốc: Cảnh báo nguy cơ xung đột với Triều Tiên sau lệnh thiết quân luật chóng vánh. Báo Điện tử VTV.Retrieved December 7, 2024, from https://vtv.vn/the-gioi/khung-hoang-o-han-quoc-canh-bao-nguy-co-xung-dot-voi-trieu-tien-sau-lenh-thiet-quan-luat-chong-vanh-20241205102910936.htm

[31] The Business Times. (2024, December 4). What is martial law, and how does it affect South Korea’s business and economic activity?. The Business Times. Retrieved December 6, 2024, from https://www.businesstimes.com.sg/companies-markets/what-martial-law-and-how-does-it-affect-south-
koreas-business-and-economic-activity

[32] Kim, C. (2024, December 4). South Korea rushes to stabilise markets after Yoon’s martial law bid. Reuters. Retrieved December 6, 2024, from

https://www.reuters.com/markets/asia/skorea-authorities-vow-stabilize-markets-parliament-votes-lift-martial-law-2024-12-03

[33] Meredith, S. (2024, December 4). What next for stocks after South Korea lifts martial law declaration. CNBC. Retrieved December 6, 2024, from https://www.cnbc.com/2024/12/04/what-next-for-stocks-after-south-korea-lifts-martial-law-declaration.html

[34] Song Thanh. (2024, December 14). Biến động chính trị tác động lớn đến kinh tế Hàn Quốc. The Saigon Times. Retrieved December 16, 2024, from https://thesaigontimes.vn/bien-dong-chinh-tri-tac-dong-lon-den-kinh-te-han-quoc/

[35] An Bình. (2024, December 17). Bất ổn chính trị tác động đến kinh tế Hàn Quốc. Báo Mới. Retrieved December 19, 2024, from https://baomoi.com/bat-on-chinh-tri-tac-dong-den-kinh-te-han-quoc-c51007186.epi

[36] Khánh Vân. (2024, December 14). Thị trường tài chính Hàn Quốc sau những bất ổn chính trị. VietnamPlus. Retrieved December 16, 2024, from https://www.vietnamplus.vn/thi-truong-tai-chinh-han-quoc-sau-nhung-bat-on-chinh-tri-post1002187.vnp

[37] Song Thanh. (2024, December 14). Biến động chính trị tác động lớn đến kinh tế Hàn Quốc. The Saigon Times. Retrieved December 16, 2024, from https://thesaigontimes.vn/bien-dong-chinh-tri-tac-dong-lon-den-kinh-te-han-quoc/

[38] Lee, K.M. (2024, December 6th). ‘Martial law has limited economic impact, recession fears excessive’. Retrieved December 15th, 2024 from  https://www.korea.net/NewsFocus/policies/view?articleId=262914

[39] Tùng Lâm. (2024, December 13th). Lệnh thiết quân luật đe dọa nghiêm trọng ngành du lịch Hàn Quốc. Kinh tế và Đô thị. Retrieved December 15th, 2024 from https://kinhtedothi.vn/lenh-thiet-quan-luat-de-doa-nghiem-trong-nganh-du-lich-han-quoc.html

[40]Croucher, S. (2024, December 3rd).  How Will North Korea Respond to South Korea’s Martial Law?. Newsweek. Retrieved December 11th, 2024 from https://www.newsweek.com/north-korea-south-korea-martial-law-yoon-1994756

[41] Như trích dẫn 40

[42] Cox, J. (2024, December 12th). Yoon’s Declaration of Martial Law: Implications for the South Korea-US Alliance. The Diplomat. Retrieved December 15, 2024 from https://thediplomat.com/2024/12/yoons-declaration-of-martial-law-implications-for-the-south-korea-us-alliance/

[43] Wong, E. & Crowley, M. (2024, December 3rd). Martial Law in South Korea Tests Biden and a Key US. Alliance. Retrieved December 11th, 2024 from  https://www.nytimes.com/2024/12/03/us/politics/south-korea-martial-law-united-states.html

[44] Ng, Darrelle. (2024, December 7th). South Korea’s martial law crisis has wider implications for allies: Analysts. Channel Asia (CNA). Retrieved December 11th, 2024 from https://www.channelnewsasia.com/east-asia/south-korea-yoon-suk-yeol-martial-law-foreign-policy-implications-4792371

[45] Sang-Hun, C. (2024, December 10th). North Korea Says Yoon Has Caused ‘Pandemonium” in South Korea. The New York Times. Retrieved December 11th, 2024 from https://www.nytimes.com/2024/12/10/world/asia/north-korea-martial-law-reaction.html

[46] Kosuke, T. (2024, December 06th). Yoon’s Martial Law Declaration Puts Japan-South Korea Relations in Jeopardy. The Diplomat. Retrieved December 11th, 2024 from https://thediplomat.com/2024/12/yoons-martial-law-declaration-puts-japan-south-korea-relations-in-jeopardy/

[47] Như trích dẫn 42

[48] Langel, T. (2024, December 24th). From Martial Law to Impeachment: Outcome and Implications for South Korea. India Council of World Affairs. Retrieved December 26, 2024 from https://www.icwa.in/show_content.php?lang=1&level=1&ls_id=12170&lid=7419

[49] Như trích dẫn 42

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *