Nhận định trước thềm hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nga

1. Bối cảnh diễn ra hội nghị

Tính tới 09/2024, khối BRICS đã kết nạp được thêm 5 quốc gia thành viên mới bao gồm Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vào đầu năm 2024. Việc mở rộng đã đồng thời thể hiện mong muốn chung giữa các thành viên tiềm năng và hiện tại của khối BRICS nhằm tạo ra một trật tự thế giới công bằng và hiện đại hơn.[1]

Một số quốc gia cũng đã thể hiện mong muốn trở thành thành viên của BRICS trong khoảng thời gian sắp tới. Theo tuyên bố của Ngoại trưởng Venezuela Yvan Gil Pinto vào ngày 28/08, Venezuela sắp chính thức gia nhập nhóm BRICS. Trong khi các thủ tục gia nhập chính thức vẫn đang chờ xử lý, Gil Pinto nhấn mạnh rằng Venezuela đã tích cực tham gia vào các hoạt động của BRICS, bao gồm tham gia các cuộc họp và hỗ trợ nhiều công việc khác nhau của BRICS. Ông lưu ý rằng Venezuela đã nhận được sự ủng hộ nhất trí từ các thành viên BRICS hiện tại cho việc gia nhập. Tư cách thành viên tiềm năng của Venezuela được củng cố nhờ nguồn tài nguyên dồi dào, và Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ​​đã có mặt tại Kazan vào ngày 21/10 để tham gia Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nga lần này.[2]

Các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á cũng đã bày tỏ nguyện vọng trở thành thành viên của BRICS trong thời gian sắp tới. Thái Lan đã chính thức gửi yêu cầu trở thành thành viên và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết Malaysia sẽ sớm bắt đầu các thủ tục chính thức. Giới chức Thái Lan nhấn mạnh việc gia nhập BRICS không phải là chọn phe mà là cân bằng quan hệ giữa các cường quốc phương Tây và các nền kinh tế mới nổi. Malaysia cũng duy trì lập trường trung lập, tập trung hợp tác với tất cả các nước, trong đó có Trung Quốc. Các quốc gia Đông Nam Á khác như Việt Nam, Lào và Campuchia cũng đang theo dõi việc mở rộng BRICS, xem xét những lợi ích tiềm năng của việc gia nhập khối liên minh.[3] Sarang Shidore, giám đốc Chương trình miền Nam toàn cầu của Viện Quincy (Quincy Institute), từ tờ Foreign Policy cũng đã đưa ra quan điểm về việc các quốc gia Đông Nam Á có xu hướng tham gia BRICS trong khoảng thời gian sắp tới. Việc mở rộng BRICS bao gồm các quốc gia Đông Nam Á có ý nghĩa quan trọng đối với trật tự thế giới, thể hiện sự đối lập về mặt tư tưởng với hệ thống toàn cầu hiện tại do Mỹ lãnh đạo và thể hiện động thái hướng tới một trật tự quốc tế toàn diện hơn. Sự thay đổi này phù hợp với lợi ích của Nam bán cầu, vốn tìm cách cân bằng các quốc gia quyền lực toàn cầu và tăng cường ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế. Việc đưa các nước Đông Nam Á vào có thể làm giảm ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc trong BRICS, vì các quốc gia này theo đuổi lợi ích chiến lược của riêng mình trong khi vẫn duy trì mối quan hệ với cả các cường quốc phương Tây và ngoài phương Tây. Việc mở rộng cũng nêu bật xu hướng ưu tiên “phòng hộ” hơn là xây dựng khối, trong đó các quốc gia đặt mục tiêu điều hướng bối cảnh toàn cầu phức tạp bằng cách đa dạng hóa quan hệ đối tác quốc tế của họ thay vì chỉ liên kết với một khối.[4]

Cuba cũng đã bày tỏ ý định ứng cử trở thành thành viên của BRICS. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố rằng Nga ủng hộ nỗ lực của Cuba để đạt được vị thế đối tác trong BRICS. Trong cuộc thảo luận với Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez Parrilla, ông Lavrov nhấn mạnh sự quan tâm ngày càng tăng của Cuba đối với BRICS và bày tỏ sự tin tưởng rằng các thành viên BRICS khác sẽ nhìn nhận đề xuất của Cuba một cách tích cực. Ông Lavrov cũng ghi nhận sự hợp tác mang tính lịch sử giữa hai nước trong các lĩnh vực như công tác nhân đạo, văn hóa và giáo dục. Ông nhấn mạnh cam kết chung trong việc duy trì Hiến chương Liên hợp quốc và thúc đẩy một trật tự quốc tế công bằng và dân chủ hơn, đồng thời chỉ trích phương Tây coi thường những nguyên tắc này.[5]

Vài giờ nữa, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) sẽ diễn ra tại thành phố Kazan của Nga. Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Nga (PIR Center) đã phỏng vấn Sergey Ryabkov, Thứ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga về Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này. Ông cho biết Hội nghị thượng đỉnh Johannesburg vào 08/2023 là một cột mốc quan trọng khi Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Xê Út và UAE tham gia với tư cách là thành viên mới, cho thấy sự ủng hộ ngày càng tăng của BRICS đối với các giá trị cơ bản của BRICS. Bất chấp các lệnh trừng phạt do các nước phương Tây áp đặt, gây trở ngại về tài chính và thúc đẩy các thành viên BRICS tìm kiếm các cơ chế hợp tác thay thế, BRICS vẫn tiếp tục mở rộng quan hệ thương mại và kinh tế, đặc biệt là về y tế, công nghệ và tài chính. Cách tiếp cận hợp tác trong BRICS, đặc trưng bởi sự đồng thuận và tôn trọng lẫn nhau bất chấp những mâu thuẫn nội bộ, được đề xuất như một mô hình cho một trật tự toàn cầu công bằng hơn. Dưới sự đảm nhiệm chủ tịch luân phiên của Nga vào năm 2024, các ưu tiên sẽ bao gồm tăng cường chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy phối hợp chính sách đối ngoại, chống khủng bố và thúc đẩy hợp tác kinh tế, với mục đích tăng cường vai trò của BRICS trong các hệ thống tài chính và tiền tệ quốc tế, tăng cường trao đổi khoa học và văn hóa, đồng thời hỗ trợ sự hội nhập của các quốc gia thành viên mới. Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này dự kiến ​​sẽ tiếp tục đẩy mạnh các mục tiêu đó, thể hiện cam kết của nhóm trong việc tăng sự ảnh hưởng của miền Nam bán cầu và thúc đẩy hợp tác quốc tế thông qua các sự kiện quan trọng như Thế vận hội BRICS và tăng cường đối thoại về các vấn đề kinh tế và văn hóa.[6]

2. Một số thảo luận có khả năng được đề cập trong hội nghị

Cuộc họp thượng đỉnh BRICS sắp tới đây nằm trong bối cảnh tương tự như cuộc họp trước với xung đột Nga-Ukraine, cạnh tranh Mỹ-Trung và trật tự thế giới dần chuyển sang thế đa cực vẫn đang diễn ra. Bên cạnh đó, sự mở rộng của BRICS đã giúp khối này có đến 29% GDP của thế giới và có dân số chiếm 46% dân số thế giới.[7] Theo một số chuyên gia như Teresa Nogueira Pinto, Amandine Afota (et al) và André Gattolin, sự mở rộng này càng gia tăng thêm sức ảnh hưởng về mặt kinh tế, chính trị của BRICS và thách thức trật tự do phương Tây dẫn đầu.[8][9][10] Do đó, trong kỳ họp thượng đỉnh đầu tiên kể từ sau sự tham gia của 5 thành viên mới, bản tuyên bố chung sẽ chứa những chủ đề có nội dung liên quan đến những mâu thuẫn giữa các thành viên trong khối với phương Tây cũng như đề ra tầm nhìn của khối đối với thế giới và hướng đi của khối. Tổng thống nước chủ nhà Nga năm nay đã tuyên bố khẩu hiệu của cuộc họp thượng đỉnh kỳ này là: “Tăng cường chủ nghĩa đa phương vì phát triển công bằng và an ninh toàn cầu” cùng với đó là những chủ đề chính như chính trị, an ninh, kinh tế tài chính, giao lưu văn hóa và hỗ trợ nhân đạo. Bên cạnh đó, hội nghị cũng sẽ ưu tiên những hợp tác về khoa học, công nghệ cao, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường, văn hóa, thể thao, giao lưu thanh niên và xã hội dân sự.[11] Ngoài ra, hội nghị thượng đỉnh BRICS kỳ này sẽ có hơn 200 sự kiện diễn ra ở mọi cấp bậc và 30 quốc gia được Tổng thống Putin cho biết rằng sẽ tham gia chương trình của BRICS theo nhiều cách khác nhau. Tương tự như kết quả của cuộc họp kỳ trước, nội dung thảo luận của kỳ này có khả năng tiếp tục xoay quanh những chủ đề sau: (1) Các điểm nóng xung đột toàn cầu, (2) Hợp tác kinh tế nội khối và phát triển bền vững, (3) Kết nạp thành viên mới. Ngay từ cuộc họp thượng đỉnh năm 2023, nhiều chuyên gia đã nhận định rằng BRICS đang ngày càng trở thành một thế lực địa chính trị đáng quan tâm đối với trật tự thế giới hiện nay.[12]

2.1. Các điểm xung đột toàn cầu

Với tư cách là một “thế đối trọng với phương Tây” và là một tổ chức ngày càng có nhiều ảnh hưởng lên chính trường quốc tế, những xung đột, mâu thuẫn liên quan đến các nước thành viên sẽ là những chủ đề được quan tâm đến. Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, cuộc xung đột tại Trung Đông và cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung sẽ nằm trong nghị trình của cuộc họp sắp tới. “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga cho đến nay đã kéo dài gần 4 năm kể từ khi được phát động. Các nước thuộc khối BRICS, cả sáng lập viên lẫn thành viên mới đều không công khai phản đối Nga, từ chối trừng phạt kinh tế Nga, như Iran thậm chí còn bán UAV cho phía Nga còn Trung Quốc lại thắt chặt thêm quan hệ ngoại giao với Nga và giúp Nga tránh né trừng phạt kinh tế.[13][14] Tuy nhiên, mối quan hệ Nga – Trung xuất hiện một số mâu thuẫn về mặt kinh tế, cụ thể là những vướng mắc việc mua bán năng lượng và qua việc một số doanh nghiệp của Trung Quốc đã chịu lệnh trừng phạt của Mỹ vì vi phạm những lệnh trừng phạt lên Nga.[15] Do đó, ở cuộc họp sắp tới, Trung Quốc có thể sẽ mang vấn đề xung đột Nga – Ukraine ra thảo luận. Mặt khác, cuộc xung đột tại dải Gaza nói riêng và nền hòa bình tại Trung Đông nói chung có lẽ sẽ được nhóm BRICS đem ra thảo luận khi cuộc họp diễn ra. Sự gia nhập của các thành viên mới từ khu vực này như Iran, Ả rập Xê Út và UAE khiến vấn đề này được quan tâm nhiều hơn. Trong những năm trở lại đây, Trung Quốc đang dần thể hiện sự hiện diện của mình trong cấu trúc an ninh khu vực Trung Đông qua hai sự kiện ngoại giao được tổ chức tại Trung Quốc, bao gồm thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Iran và Ả rập Xê Út và hội nghị giữa các tổ chức chính trị người Palestine.[16][17] Bên cạnh đó, đại sứ Abdel Hafiz Nofal của Palestine tại Nga cũng xác nhận rằng Nga sẽ dành ra một chuyên đề thảo luận riêng về Palestine.[18] Ngoài ra, trong khoảng thời gian gần đây, khu vực Đông Bắc Á đang có những diễn biến phức tạp bên cạnh thế đối đầu Mỹ – Trung đang diễn ra ở eo biển Đài Loan. Trong nỗ lực thoát khỏi lệnh trừng phạt kinh tế, Nga và Triều Tiên đã hợp tác với nhau về mặt quốc phòng. Nga được cho là đang cung cấp công nghệ chế tạo tên lửa cho Triều Tiên để đổi lại đạn pháo của Triều Tiên sẽ được xuất khẩu sang Nga. Triều Tiên đã tuyên bố sẽ xuất khẩu 3.5 triệu trái đạn pháo cho phía Nga.[19][20] Trên trường quốc tế, Nga đã bỏ phiếu chống lại việc gia hạn lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc lên Triều Tiên còn Triều Tiên đã lên tiếng phản đối cuộc xâm nhập của Ukraine vào tỉnh Kursk của Nga.[21][22] Về phía đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, vấn đề Đài Loan là một trong những mâu thuẫn mà hai nước dành sự quan tâm khi nói về mối quan hệ song phương. Điều này được thể hiện qua chuyến thăm ngày 29/8 của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đến Trung Quốc.[23] Như vậy, xung đột Nga – Ukraine, an ninh khu vực Trung Đông và Đông Bắc Á có thể sẽ là những chủ đề được thảo luận ở hội nghị thượng đỉnh ở Kazan, Nga.[24]

2.2. Hợp tác kinh tế và phát triển bền vững

Hợp tác kinh tế và phát triển bền vững là chủ đề trọng tâm của các cuộc họp của BRICS bởi đây chính là mục đích ra đời của nhóm.[25] Trong hoàn cảnh thế giới hiện nay, bên cạnh những tham vọng như tạo ra đồng tiền riêng, xây dựng những thể chế tài chính độc lập với phương Tây thì kỳ họp sắp tới cũng sẽ bàn đến những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và tranh chấp thương mại.[26] Đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng là điểm nhấn của các chương trình nghị sự của BRICS. Theo báo cáo của World Bank, tỷ lệ đầu tư ra ngoài của BRICS trong năm 2021 nằm ở mức 15% so với thế giới và có tổng trị giá là 247 tỷ USD, lớn nhất trong các năm trước của khối. Ngoài ra, mức độ tăng trưởng của FDI ra ngoài của BRICS luôn lớn gấp 10 lần mức độ tăng trưởng trung bình của thế giới. Bên cạnh đó, giá trị đầu tư giữa các nước BRICS cũng tăng lên theo từng năm. Trong năm 2020, tổng giá trị đầu tư nội khối đạt xấp xỉ 167 tỷ USD, chiếm 4.7% tổng giá trị đầu tư của BRICS.[27] Xét đến lĩnh vực phát triển bền vững, BRICS khẳng định mình là tổ chức luôn tích cực theo đuổi các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc. Trong năm 2020, năng lượng tái tạo mà khối BRICS tạo ra và sử dụng chiếm 41% so với thế giới. Những nước như Trung Quốc, Ấn Độ cũng đã đóng góp vào quá trình giảm thải carbon. Từ năm 2005 đến 2020, Trung Quốc đã giảm 48.4% cường độ carbon còn Ấn Độ đã giảm 21.4% cường độ carbon.[28] Khối BRICS cũng đề ra Quỹ Xanh BRICS (BRICS Green Fund) với trị giá 100 tỷ USD vào năm 2015 để phục vụ các dự án và phát triển công nghệ xanh.[29] Một số dự án khác của BRICS như Chiến lược phát triển chung của Ngân hàng Phát triển mới (NDB) giai đoạn 2022-2026 hay Dự án BRICS đa phương trong Chương trình khung Khoa học và công nghệ BRICS 2023 cũng được đề ra để đóng góp cho các dự án giải quyết, ứng phó với biến đổi khí hậu.[30] Về tranh chấp thương mại, cuộc “thương chiến” cũng đang diễn ra giữa Trung Quốc với phương Tây và nguy cơ lan rộng sang tranh chấp giữa Trung Quốc với những nước khác sẽ là mối quan tâm của khối BRICS với tư cách là tổ chức hợp tác kinh tế, chính trị. Mỹ và Canada đã áp 100% thuế lên ô tô điện của Trung Quốc còn mức thuế của EU là 36.3%, đây là mức thuế cao nhất là EU từng áp cho mặt hàng từ Trung Quốc.[31] [32] Các nước ngoài phương Tây như Brazil cũng làm điều tương tự với xe hơi điện và các mặt hàng sản xuất xuất khẩu khác của Trung Quốc.[33] Qua đó, hợp tác kinh tế, đầu tư và thương mại sẽ là những chủ đề được đề cập trong cuộc họp sắp tới ở Nga.

2.3. Kết nạp thêm thành viên mới

Trong năm 2023, BRICS đã kết nạp thêm 5 thành viên bao gồm Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất. Tổng thống Nga Putin đã nhận định rằng sự gia tăng này cho thấy thẩm quyền và vai trò của BRICS ngày càng tăng trên trường quốc tế.[34] Bên cạnh đó, cũng nhiều quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan, Kazakhstan, Cuba, Palestine đã bày tỏ mong muốn tham dự. Thổ Nhĩ Kỳ là nước NATO duy nhất thể hiện mong muốn gia nhập.[35] Theo một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên, Thổ Nhĩ Kỳ có nhu cầu đa dạng hóa mối quan hệ kinh tế trong khi việc đàm phán gia nhập EU đang bị chững lại.[36] Ngoài ra, theo chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ Atilla Yesilada, việc có mục tiêu phi Đô la hóa thương mại thế giới cũng là nhân tố khiến Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn gia nhập BRICS, bên cạnh đó còn là nhằm phát triển thương mại với Nga. Ông cũng nhận định thêm rằng nhu cầu đa dạng hóa các mối quan hệ, tránh phụ thuộc vào một khối chính trị đã thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập BRICS. Về phía khối BRICS, Nga là nước trong khối công khai thể hiện sự ủng hộ đối với việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập BRICS. Theo chuyên gia Ceren Ergenc, sự ủng hộ Nga đến từ việc nước này muốn cân bằng lại sự ảnh hưởng của Trung Quốc trong khối. Bà giải thích thêm rằng, những quốc gia mới gia nhập đều là những nước Trung Quốc phát triển mối quan hệ, qua đó đã khiến Nga và Ấn Độ “bị gạt ra ngoài lề”.[37] Mặt khác, Trung Quốc đã thể hiện ủng hộ đối với tư cách thành viên BRICS mới của Kazakhstan trong cuộc họp khối Hợp tác Thượng Hải (SCO) tháng 7/2024. Theo Carol Saivetz, hành động này của Trung Quốc cho thấy nước này muốn có sức ảnh hưởng lớn hơn ở vùng Trung Á, vốn trước đây chịu ảnh hưởng cùng lúc bởi Nga và Trung Quốc ở hai mặt an ninh và kinh tế.[38] Bên cạnh hai quốc gia kể trên, những nước khác như Azerbaijan, Venezuela hay Palestine đều mong muốn gia nhập BRICS.[39] [40] Đến cuộc họp sắp tới, vấn đề kết nạp thêm thành viên có thể sẽ được đem ra thảo luận.

3. Nhận định ý kiến của chuyên gia

3.1. Vị thế của BRICS

Có thể nói, việc gia nhập BRICS giúp các quốc gia tận dụng tối đa tầm quan trọng chiến lược và tác động chính trị trong cơ chế hợp tác đa phương hiện nay. Trả lời tờ Global Times, ông Vương Hữu Minh, giám đốc Viện các nước đang phát triển tại Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc tại Bắc Kinh nhận định rằng cơ chế BRICS đã vượt ra ngoài phạm vi hợp tác kinh tế và tài chính và đang hướng tới cách tiếp cận ba mũi nhọn bao gồm lòng tin chính trị, trao đổi văn hóa, hợp tác kinh tế và tài chính. Đồng thời, vai trò của cơ chế BRICS được xác định là không đối đầu, không thay thế và không đối trọng, và nhiệm vụ quan trọng nhất của khối này là thúc đẩy một trật tự quốc tế công bằng và hợp lý hơn.[41] Từ nhận định trên, việc gia nhập BRICS trở thành động lực của các nền kinh tế mới nối và các nước đang phát triển.

    Trước đó vào cuối tháng 5, người phát ngôn chính phủ Thái Lan Chai cũng cho biết đề xuất nêu rõ rằng “việc trở thành thành viên của BRICS sẽ mang lại lợi ích cho Thái Lan về nhiều mặt, bao gồm nâng cao vai trò của nước này trên trường quốc tế và tăng cơ hội cùng tạo ra một trật tự thế giới mới”. Ông Chai cho biết hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 vào tháng 10 tới tại Kazan (Nga) “sẽ là cơ hội để Thái Lan đẩy nhanh quá trình trở thành thành viên và nâng cao vai trò là nước dẫn đầu trong số các nước đang phát triển”.[42]

    Alicia Garcia-Herrero, Nghiên cứu viên cao cấp tại viện nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Brussels và là Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong cho rằng việc mở rộng là dấu hiệu rõ ràng cho thấy cán cân quyền lực toàn cầu đang thay đổi và các nước đang phát triển đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các vấn đề toàn cầu. Ian Lesser, Phó chủ tịch, GMF (Quỹ Marshall của Đức tại Mỹ) đã đưa ra nhận xét về việc mở rộng của BRICS, rằng nó đã vượt xa logic ban đầu là đưa BRICS trở thành một tập hợp các nền kinh tế mới nổi lớn và xây dựng Nam bán cầu cầu như một khối có khả năng gắn kết trong các vấn đề quốc tế. Ông đồng thời cũng nhấn mạnh tính lưu động mới trong địa chính trị toàn cầu. Nếu Mỹ và Châu Âu không thể làm tốt hơn việc xem xét nghiêm túc lợi ích của Nam Bán cầu, đặc biệt là các “quốc gia dao động”, những quốc gia khác sẽ sẵn sàng tuyên bố thực hiện điều đó. [43]

      3.2. Thách thức của BRICS

      Ian Lesser cũng đề cập đến những khó khăn BRICS sẽ phải đối diện. Sự bổ sung các quốc gia mới với sự đa dạng về địa lý, kinh tế và ý thức hệ có thể khiến BRICS trở nên chia rẽ hơn. Trung Quốc và Nga có thể coi BRICS là phương tiện thúc đẩy một tầm nhìn toàn cầu thay thế cho trật tự xuyên Đại Tây Dương, nhưng Ấn Độ và Brazil quan tâm nhiều hơn đến một phiên bản cập nhật của chủ nghĩa không liên kết. [44]

      Đồng thời, Alicia Garcia-Herrero cũng nhấn mạnh việc BRICS sẽ phát triển như thế nào theo phụ thuộc sức mạnh của Trung Quốc phát triển như thế nào. Ông đồng ý rằng ngày càng có sự đồng thuận rằng tăng trưởng dài hạn của Trung Quốc sẽ tiếp tục chậm lại, điều này sẽ làm giảm các cơ hội mà thị trường Trung Quốc cung cấp cho các thành viên BRICS và những người khác. Chung quy lại, vị thế trung tâm của Trung Quốc và sự đa dạng của các thành viên đặt ra cả thách thức và cơ hội đối với sự tồn tại và phát triển của BRICS.[45]

        Những thách thức BRICS có thể gặp phải sẽ khiến khối này khó khăn trong việc duy trì vị thế trên thị trường quốc tế. Garima Mohan, Nghiên cứu viên cao cấp, Chương trình Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của GMF (Quỹ Marshall của Đức tại Mỹ) cho rằng trong tương lai BRICS khó có thể trở thành một nhóm quan trọng hơn, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh những bước tiến mà Trung Quốc đã đạt được ở Nam Bán cầu. Bà Moham cho rằng đây là một phần của chiến lược dài hạn trước mối quan hệ ngày càng căng thẳng với phương Tây, kế hoạch BRICS cũng sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc để giành ảnh hưởng ở Châu Phi và Châu Á.[46]

        3.3. Quan hệ Nga – Trung

        Năm 2024 là kỷ niệm 75 năm Nga và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao. Mặc dù mối quan hệ giữa hai nước đã tăng lên đáng kể nhưng Trung Quốc và Nga không phải là đồng minh chính thức của nhau. Sự hợp tác giữa Trung Quốc và Nga được mở rộng trong lĩnh vực thương mại và quốc phòng, được cho rằng nhằm mục đích kiềm chế quyền lực và thách thức bá quyền của Mỹ bất chấp những khó khăn liên tục đối với mối quan hệ giữa hai nước.

          Trung Quốc và Nga không phải là đồng minh hiệp ước chính thức và không có nghĩa vụ phải bảo vệ bên kia. Mối quan hệ giữa hai cường quốc này cũng được cho rằng đã bị đánh giá cao hơn so với bản chất thực sự của chúng. Tiến sĩ Rahul Mishra, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Xuất sắc Đức-Đông Nam Á về Chính sách công và Quản trị tốt, Đại học Thammasat, Thái Lan nhận định rằng quan hệ Nga – Trung đang bị thổi phồng quá mức trên các phương tiện truyền thông đại chúng như một “hệ thống liên minh” mới nổi chống lại phương Tây. Ông cho rằng mối quan hệ thực chất giữa hai bên không phải là “liên minh” mà là quan hệ đối tác chiến thuật – một “cuộc hôn nhân vì lợi ích” mà Trung Quốc là bên hưởng lợi lớn hơn.[47] Tuy nhiên, quan hệ đối tác chiến lược mới nổi của họ đã đã tác động đến mối quan hệ giữa từng bên đối với Mỹ. Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Stockholm, Thụy Điển vào tháng 9 năm 2023, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Michael McCaul (R-TX) đã gọi liên minh an ninh Trung Quốc-Nga đang phát triển là mối đe dọa “quy mô lớn” nhất mà châu Âu và Thái Bình Dương phải đối mặt kể từ Thế chiến II.

          Mặt khác, Nga và Trung Quốc nhiều lần khẳng định mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Tại một cuộc họp vào tháng 2 năm 2022, vài ngày trước khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt Ukraine, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết quan hệ đối tác của họ “không có giới hạn” và cam kết sẽ tăng cường hợp tác trên nhiều mặt trận. Trong lần phỏng vấn với tờ Global Times, Đại sứ Trung Quốc tại Nga Trương Hán Huy cho rằng việc Nga đảm nhiệm chức chủ tịch BRICS năm nay và Trung Quốc ủng hộ Nga tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên sau khi cơ chế BRICS mở rộng cho thấy mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bên. Ông đồng thời khẳng định việc Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Nga để tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực giữa các nước thành viên mới và cũ, dẫn dắt cơ chế BRICS tiến lên vững chắc và tiếp tục đảm nhận vai trò xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn thông qua BRICS. Ông nói thêm, Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác với tất cả các quốc gia, bao gồm cả Nga, để làm sâu sắc hơn và củng cố hợp tác trong BRICS và SCO, đưa động lực theo phong cách BRICS và đóng góp của SCO vào việc thiết lập một trật tự chính trị và kinh tế quốc tế mới công bằng và hợp lý.[48]

          Wishnick, nhà nghiên cứu cấp cao về các vấn đề an ninh Trung Quốc và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tại Trung tâm Phân tích Hải quân, cho biết có một sự mơ hồ về mặt chiến lược trong quan hệ đối tác này, tuy nhiên, nó vẫn có ý nghĩa quan trọng ngay cả khi không có liên minh toàn diện. Theo Wishnick, đối với Trung Quốc, Nga vẫn là một đối tác quan trọng, bất chấp những vấn đề mà Nga đang phải đối mặt.

          Các học giả cũng đưa ra nhận định về quan hệ Trung Quốc-Nga, trên khía cạnh quy mô thay đổi của nền kinh tế hai nước. Trong nhiều thập kỷ sau Thế chiến II, Mỹ và Nga là siêu cường trong thế giới Chiến tranh Lạnh, nhưng với sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, điều đó đã thay đổi.. Hiện tại, Mỹ và Trung Quốc mới là hai nền kinh tế lớn nhất của thế giới.[49]

          Có thể thấy, mối quan hệ đối tác giữa Trung Quốc và Nga, dù không phải là một liên minh chính thức, vẫn có ý nghĩa chiến lược trong bối cảnh địa chính trị hiện nay. Sự hợp tác giữa hai cường quốc này không chỉ phản ánh lợi ích chung trong việc thách thức ảnh hưởng của Mỹ mà còn dựa trên nhu cầu và lợi ích riêng biệt của mỗi bên, trong đó Trung Quốc có xu hướng hưởng lợi nhiều hơn. Và việc thực hiện kế hoạch mở rộng BRICS có tác động đáng kể đến chiến lược, nó cho thấy việc Trung Quốc và Nga có thể coi BRICS là phương tiện quan trọng giúp thúc đẩy một tầm nhìn toàn cầu thay thế cho trật tự xuyên Đại Tây Dương.

          3.4. Khả năng gia nhập BRICS của Việt Nam

          Rahul Mishra, Phó Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi cho rằng Việt Nam có thể là một trong những ứng viên tiềm năng của BRICS vì đã có mối quan hệ tốt với những nước chủ chốt trong khối (Trung Quốc, Ấn Độ, Nga).[50] Về phía Nga, Đại sứ của nước này tại Việt Nam Gennady Stepanovich Bezdetko đã tuyên bố Nga ủng hộ sự tham gia của Việt Nam.[51] Theo Vitaly Naumkin, Giám đốc khoa học của Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Việt Nam có thể đã là thành viên của BRICS từ lâu nếu nộp đơn sớm hơn. Ông dự báo Việt Nam sẽ sớm trở thành thành viên của BRICS.[52]

            Vitaly Naumkin cho biết việc gia nhập BRICS sẽ nói lên tinh thần độc lập của Việt Nam, thể hiện chính sách của Việt Nam chỉ được định hướng bởi lợi ích của Việt Nam chứ không phải của bất kỳ quốc gia nào khác, dù là Mỹ, Trung Quốc hay Nga.[53] Ngoài ra, Rahul Mishra nhận định việc tham gia BRICS cũng sẽ là cơ hội tốt cho Việt Nam trong việc mở rộng hoạt động thương mại sang các thị trường Trung Đông, Mỹ Latin và Châu Phi.[54]

            Tuy nhiên, Việt Nam cũng có thể phải đối mặt với một số thách thức nếu gia nhập BRICS. Đầu tiên, đó là khả năng ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương với các quốc gia phương Tây mà Việt Nam đang có nhu cầu thúc đẩy hợp tác kinh tế để thực hiện các mục tiêu phát triển của mình. Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải từ Đại học Queensland (Úc), cho đến nay BRICS vẫn chưa thiết lập được những cơ chế chặt chẽ để thúc đẩy và đảm bảo hợp tác kinh tế hiệu quả, ngoại trừ Diễn đàn Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn BRICS và Ngân hàng Phát triển Mới (NDB), vì thế lợi ích thực chất về mặt kinh tế mà Việt Nam nhận được có thể không tương xứng với những vấn đề mà Việt Nam có thể phải đối mặt khi gia nhập BRICS. Khi trở thành thành viên của BRICS, sự nỗ lực của Trung Quốc trong việc thúc đẩy phi đô la hóa và tăng cường sức ảnh hưởng của đồng nhân dân tệ có khả năng sẽ làm tăng sự phụ thuộc vào Trung Quốc của Việt Nam.[55] Ngoài ra, theo Chuyên gia kinh tế cao cấp Jose Caballero của Viện phát triển quản lý quốc tế (IMD), Nga đang cố gắng tập hợp sự ủng hộ có ảnh hưởng cho lập trường của mình trong cuộc xung đột với Ukraine.[56] Do đó, việc gia nhập BRICS vào thời điểm này là khá nhạy cảm cho trường hợp của Việt Nam vì sẽ có thể bị xem là đã chọn bên trong cuộc xung đột.  


            Tài liệu tham khảo:

            [1] Reuters. (2024, January 31). South Africa says five countries confirm they are joining BRICS. Reuters. Retrieved August 28, 2024, from https://www.reuters.com/world/south-africa-says-five-countries-confirm-they-are-joining-brics-2024-01-31/

            [2] Interfax. (2024, October 20). Venezuelan vice-president arrives in Kazan for BRICS summit. Interfax. Retrieved October 20, 2024, from https://interfax.com/newsroom/top-stories/106858/

            [3] Sasipornkarn, E. (2024, July 4). Why are Southeast Asian countries looking to join BRICS? DW. Retrieved August 28, 2024, from https://www.dw.com/en/why-are-southeast-asian-countries-looking-to-join-brics/a-69547127

            [4] Shidore, S. (2024, July 4). Southeast Asia in BRICS is good for the global order. Foreign Policy. Retrieved August 28, 2024, https://foreignpolicy.com/2024/07/04/brics-southeast-asia-thailand-malaysia-russia-china/

            [5] TASS. (2024, February 20). Cuba interested in expanding ties with BRICS, Lavrov says. TASS. Retrieved August 28, 2024, https://tass.com/politics/1748725

            [6] Arov, S. (2024, May 22). № 3, 2024. «The BRICS summit, scheduled for October 2024, will be the culmination of the Russian year in BRICS. We intend to continue the tradition of organizing on the sidelines meetings with developing countries»: Interview with H.E. Sergey Ryabkov. PIR Center. Retrieved August 28, 2024, https://pircenter.org/en/editions/3-2024-the-brics-summit-scheduled-for-october-2024-will-be-the-culmination-of-the-russian-year-in-brics-we-intend-to-continue-the-tradition-of-organizing-on-the-sidelines-meetings-with-developing-co/

            [7] McDermott, J. (2023, November 13). The BRICS are expanding. The Economist. https://www.economist.com/the-world-ahead/2023/11/13/the-brics-are-expanding

            [8] Afota, A., Burban, V., Diev, P., & Grieco, F. (2024, February 13). Expansion of BRICS: what are the potential consequences for the global economy? Banque de France. Retrieved September 8, 2024, from https://www.banque-france.fr/en/publications-and-statistics/publications/expansion-brics-what-are-potential-consequences-global-economy

            [9] Gattolin, A., & Véron, E. (2024, February 12). The BRICS, a geopolitical challenge overlooked by the European Union. Fondation Robert Schuman. Retrieved September 8, 2024, from https://www.robert-schuman.eu/en/european-issues/736-the-brics-a-geopolitical-challenge-overlooked-by-the-european-union

            [10] Pinto, T. N. (2023, September 12). Expanded BRICS seeks more geopolitical clout. GIS Reports. Retrieved September 8, 2024, from https://www.gisreportsonline.com/r/brics-expands-clout/

            [11] Eruygur, B. (2024, January 2). Putin says BRICS attracting further support from countries sharing bloc’s underlying principles. Anadolu Ajansı. https://www.aa.com.tr/en/world/putin-says-brics-attracting-further-support-from-countries-sharing-blocs-underlying-principles/3097701

            [12] BRICS. (2023, August 23). XV BRICS Summit Johannesburg II Declaration. BRICS 2023. Retrieved September 8, 2024, from http://brics2023.gov.za/wp-content/uploads/2023/08/Jhb-II-Declaration-24-August-2023-1.pdf

            [13] Pinto, T. N. (2023, September 12). Expanded BRICS seeks more geopolitical clout. GIS Reports. Retrieved September 8, 2024, from https://www.gisreportsonline.com/r/brics-expands-clout/

            [14] United States Institute of Peace. (2023, March 1). Timeline: Iran-Russia Collaboration on Drones. The Iran Primer. Retrieved September 8, 2024, from https://iranprimer.usip.org/blog/2023/mar/01/timeline-iran-russia-collaboration-drones

            [15] TLDR. (2024, August 25). Why Russia and China Have Quietly Fallen Out. Youtube. Retrieved September 8, 2024, from https://www.youtube.com/watch?v=JOb6K8e080Y

            [16] The Economist. (2023, March 10). China brokers an Iran-Saudi rapprochement. The Economist. https://www.economist.com/middle-east-and-africa/2023/03/10/china-brokers-an-iran-saudi-rapprochement

            [17] Rahn, W. (2024, July 20). What are China’s goals in hosting Palestinian summit? – DW – 07/20/2024. DW. https://www.dw.com/en/what-are-chinas-goals-in-hosting-palestinian-summit/a-69714768

            [18] Bortoletto, F. (2024, August 27). Palestine and Azerbaijan want to join BRICS. Eunews. https://www.eunews.it/en/2024/08/27/palestine-and-azerbaijan-want-to-join-brics/

            [19] Davenport, K., & Kormilitsyna, K. (2024, August). North Korea, Russia Strengthen Military Ties. Arms Control Association. Retrieved September 8, 2024, from https://www.armscontrol.org/act/2024-07/news/north-korea-russia-strengthen-military-ties

            [20] Ngọc Đức. (2024, February 27). Hàn Quốc tố Triều Tiên gửi 6.700 container đạn dược cho Nga. Báo Tuổi Trẻ. https://tuoitre.vn/han-quoc-to-trieu-tien-gui-6-700-container-dan-duoc-cho-nga-20240227184532924.htm

            [21] McCartney, M. (2024, August 19). North Korea Reacts to Ukraine’s ‘Invasion’ of Russia’s Territory. Newsweek. https://www.newsweek.com/north-korea-reacts-ukraine-incursion-russia-1940928

            [22] Nicholls, C. (2024, March 29). Russia protects North Korea in the UN with veto of resolution to investigate sanction violations. CNN. https://edition.cnn.com/2024/03/29/asia/russia-veto-un-sanctions-north-korea-intl-hnk/index.html

            [23] Sevastopulo, D. (2024, 25 August). The inside story of the secret backchannel between the US and China. Financial Times. https://www.ft.com/content/c62ca855-c70b-4814-aa47-96d2a0020c16

            [24] Business Standard. (2024, August 28). Russia’s Brics chairmanship set stage for impactful summit in Kazan. Business Standard. https://www.business-standard.com/world-news/russia-s-brics-chairmanship-set-stage-for-impactful-summit-in-kazan-124082800048_1.html

            [25] East Asia Forum. (n.d.). Brics. East Asia Forum. Retrieved September 8, 2024, from https://eastasiaforum.org/brics/

            [26] Wallenfeldt, J. (2024, September 4). BRICS | Members, History, Name Origin, & Proposed Currency. Britannica. Retrieved September 8, 2024, from https://www.britannica.com/topic/BRICS

            [27] United Nations Conference on Trade and Development. (2023). BRICS Investment Report. UN.

            [28] Bokova, T. (2023, April 10). BRICS’ Contribution to Sustainable Development Goals. BRICS. Retrieved September 8, 2024, from https://infobrics.org/post/38138/

            [29] Brittlebank, W. (2015, February 10). BRICS to set up $100bn green fund. Climate Action. Retrieved September 8, 2024, from https://www.climateaction.org/news/brics_to_set_up_100bn_green_fund

            [30] Ngọc Lan. (2024, June 18). BRICS chống biến đổi khí hậu. CAND. https://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/brics-chong-bien-doi-khi-hau-i734668/

            [31] Blenkinsop, P., & Van Campenhout, C. (2024, July 4). China-built EVs hit with duties in biggest EU trade case yet. Reuters. https://www.reuters.com/business/autos-transportation/eu-imposes-duties-china-built-evs-leaving-four-months-talks-2024-07-04/

            [32] The Guardian. (2024, August 26). Canada to follow US lead in imposing 100% tariff on Chinese electric vehicles. The Guardian. https://www.theguardian.com/world/article/2024/aug/26/canada-tariff-china-electric-vehicles

            [33] TLDR. (2024, June 12). Why China is Falling Out with the Global South. Youtube. Retrieved September 8, 2024, from https://www.youtube.com/watch?v=MhvEOtR71Gs&list=TLPQMzEwODIwMjQT7gckq9MbJg&index=2

            [34] Kremlin. (2024, January 1). Address by President of the Russian Federation Vladimir Putin on the start of Russia’s BRICS Chairmanship. President of Russia. Retrieved September 9, 2024, from http://en.kremlin.ru/events/president/news/73202

            [35] Jones, D. (2024, July 10). Erdogan and Putin meet at Shanghai summit, reaffirm strong bilateral ties – International report. RFI. https://www.rfi.fr/en/podcasts/international-report/20240710-erdogan-and-putin-meet-at-sco-summit-reaffirm-strong-bilateral-ties

            [36] Soylu, R., & Eftekhari, F. (2024, June 8). Why Turkey wants to join Brics. Middle East Eye. https://www.middleeasteye.net/news/why-turkey-wants-join-brics

            [37] Jones, D. (2024, July 10). Erdogan and Putin meet at Shanghai summit, reaffirm strong bilateral ties – International report. RFI. https://www.rfi.fr/en/podcasts/international-report/20240710-erdogan-and-putin-meet-at-sco-summit-reaffirm-strong-bilateral-ties

            [38] TAN, C. (2024, July 3). Xi Jinping meets Russia’s Putin, backs Kazakhstan joining BRICS. Nikkei Asia. https://asia.nikkei.com/Politics/International-relations/Xi-Jinping-meets-Russia-s-Putin-backs-Kazakhstan-joining-BRICS

            [39] TASS. (2024, January 2). Maduro hopes Venezuela will join BRICS in 2024. TASS. https://tass.com/world/1728775

            [40] Bortoletto, F. (2024, August 27). Palestine and Azerbaijan want to join BRICS. Eunews. https://www.eunews.it/en/2024/08/27/palestine-and-azerbaijan-want-to-join-brics/

            [41] Qingqing, C. (2024, June 10). Chinese FM Wang Yi attends BRICS Foreign Ministers’ Meeting amid growing voice of Global South. Global Times. Retrieved September 9, 2024, from https://www.globaltimes.cn/page/202406/1313882.shtml

            [42] Vĩnh Khang. (2024, June 24). Lý giải sức hút BRICS trước làn sóng gia nhập. PLO. Retrieved September 10, 2024, from https://plo.vn/ly-giai-suc-hut-brics-truoc-lan-song-gia-nhap-post796528.html

            [43] Lesser, I., Small, A., & Mohan, G. (2023, August 24). GMF Expert Analysis: 2023 BRICS Summit Brings Expansion. German Marshall Fund. Retrieved September 11, 2024, from https://www.gmfus.org/news/gmf-expert-analysis-2023-brics-summit-brings-expansion

            [44] Lesser, I., Small, A., & Mohan, G. (2023, August 24). GMF Expert Analysis: 2023 BRICS Summit Brings Expansion. German Marshall Fund. Retrieved September 11, 2024, from https://www.gmfus.org/news/gmf-expert-analysis-2023-brics-summit-brings-expansion

            [45] Garcia-Herrero, A. (2024, April 12). China continues to dominate an expanded BRICS | East Asia Forum. East Asia Forum. Retrieved September 20, 2024, from https://eastasiaforum.org/2024/04/12/china-continues-to-dominate-an-expanded-brics/

            [46] Lesser, I., Small, A., & Mohan, G. (2023, August 24). GMF Expert Analysis: 2023 BRICS Summit Brings Expansion. German Marshall Fund. Retrieved September 11, 2024, from https://www.gmfus.org/news/gmf-expert-analysis-2023-brics-summit-brings-expansion

            [47] Mishra, R., & Louis, Y. M. (2024, June 29). The China-Russia ‘Axis’ Is Overhyped – The Diplomat. The Diplomat. Retrieved September 15, 2024, from https://thediplomat.com/2024/06/the-china-russia-axis-is-overhyped/

            [48] Global Times. (2024, May 15). China, Russia create a new paradigm of major-country relations. Global Times. Retrieved September 20, 2024, from https://www.globaltimes.cn/page/202405/1312360.shtml

            [49] Dizikes, P. (2023, November 17). Foreign policy scholars examine the China-Russia relationship. MIT News. Retrieved September 19, 2024, from https://news.mit.edu/2023/foreign-policy-scholars-examine-china-russia-relationship-1117

            [50] Sasipornkarn, E. (2024, July 4). Why are Southeast Asian countries looking to join BRICS? – DW – 07/04/2024. DW. Retrieved September 25, 2024, from https://www.dw.com/en/why-are-southeast-asian-countries-looking-to-join-brics/a-69547127

            [51] Thanh Hien, & Hong Ngan. (2024, May 16). Russia endorses Vietnam’s future participation in BRICS: Russian ambassador. Tuoi Tre News. Retrieved September 24, 2024, from https://tuoitrenews.vn/news/politics/20240516/russia-endorses-vietnams-future-participation-in-brics-russian-ambassador/79891.html

            [52] TASS. (2024, September 3). US fails to impose its interests on Vietnam, Hanoi chooses BRICS — expert. TASS. Retrieved September 26, 2024, from https://tass.com/world/1837393

            [53]  TASS. (2024, September 3). US fails to impose its interests on Vietnam, Hanoi chooses BRICS — expert. TASS. Retrieved September 26, 2024, from https://tass.com/world/1837393

            [54] Sasipornkarn, E. (2024, July 4). Why are Southeast Asian countries looking to join BRICS? – DW – 07/04/2024. DW. Retrieved September 25, 2024, from https://www.dw.com/en/why-are-southeast-asian-countries-looking-to-join-brics/a-69547127

            [55] BBC. (2024, May 14). Việt Nam sẽ gia nhập BRICS hay chần chừ vì ngoại giao ‘cây tre’? BBC. Retrieved September 27, 2024, from https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cz96z680ydgo

            [56] Caballero, J. (2023, August 25). How Russia is fighting for allies among the Brics countries using ‘memory diplomacy’. The Conversation. Retrieved September 27, 2024, from https://theconversation.com/how-russia-is-fighting-for-allies-among-the-brics-countries-using-memory-diplomacy-212130

            Leave a Reply

            Your email address will not be published. Required fields are marked *